Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Những Phê Phán về Chủ Nghĩa Tư Bản


Harry M. Cleaver, Jr.
Dịch Viên: Nhân Thụy
Như trong phần 2 - phần kinh tế học cổ điển - chúng ta có điểm qua một nhà phê bình Chủ Nghĩa Tư Bản, đó là William Godwin. Trong phần ba này, chúng ta sẽ tiếp tục đến với những nhà phê bình khác, những người đã nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản. Bạn sẽ nhận thấy rằng thông thường thì những nhà phê bình, thậm chí là những người gắt gao nhất, cũng nhận ra chủ nghĩa tư bản là một hệ thống xã hội tốt nhất mà loài người có được. Dù vậy họ vẫn khăng khăng giữ lập trường và tỏ thái độ không đồng tình với quan điểm cho rằng đây là một xã hội tốt nhất mà con người có thể có được. Những nhà phê bình này chia ra nhiều trường phái khác nhau nhưng nổi bật nhất là những người ta gọi là "Chủ Nghĩa Xã Hội Không Tưởng[1]" và những người theo "Chủ Nghĩa Marx" - bao đầu gồm có Karl Marx và sau đó là những nhà phê bình đi theo quan điểm từ những tác phẩm của ông.
Những nhà phê bình theo phái không tưởng
Họ được gọi là không tưởng bởi vì họ có khuynh hướng tưởng tượng ra những xã hội mà họ cho là tốt đẹp hơn, những cách thức tổ chức xây dựng tốt hơn cho xã hội, và trong nhiều trường hợp họ lại cố thực hiện theo trí tượng của họ với những kế hoạch riêng của mình. Dĩ nhiên, "không tưởng" nghĩa là không tồn tại, nó là một việc lập ra kế hoạch theo trí tưởng tượng nhằm lập lại một trật tự xã hội mới.
Để có một cái khái quát riêng về những người này, hãy đọc chương 5 quyển Những Triết Gia Theo Quan Điểm Vật Chất của Heilbronner. Phần đầu trang web về "Những Người Theo Phái Không Tưởng Và Những Người Theo Chủ Nghĩa Xã Hội" cho rằng những người mà chúng ta sắp xem xét đến sau đây có ảnh hưởng rộng hơn là những gì Heilbronner đề cập, nhưng chương sách đó của ông vẫn hữu dụng.
"Không tưởng[2]" và "tư tưởng không tưởng" đã tồn tại trong một thời gian rất dài. Trước khi chủ nghĩa tư bản phát triển, có lẽ xã hội không tưởng nổi tiếng nhất chính là của Plato từ thời Hy Lạp cổ đại. Trong cái xã hội ấy - đã được miêu tả tỉ mỉ trong tác phẩm của ông, Nền Cộng Hoà, Plato đã lập ra một kế hoạch hoàn hảo theo những gì ông cho là một tổ chức xã hội có một chế độ chính trị xã hội lý tưởng.
Sau đó là đến những người khác, mỗi người đều chỉ trích cái thế giới hiện tại: Cicero với quyển De Republic, Thánh Augustine với quyển Thành Phố Của Thượng Đế[3] và Thomas Moore với quyển Utopia (1516) [Lưu ý: Moore là người đầu tiên dùng thuật ngữ "utopia" (xã hội không tưởng)], Bacon với quyển New Atlantis (1624), Campanella với quyển Thành Phố Mặt Trời (1637), Hồng Y Bellamy với quyển Nhìn Về Quá Khứ[4], William Morris với Chẳng Nơi Nào Có Tin Tức[5] (1890), H.G. Wells với Một Xã Hội Không Tưởng Hiện Đại[6] (1905) và những nhiều tác giả khác. Quan điểm của mỗi tác giả khác nhau nhưng chung quy là họ đều không thoả mãn với thế giới hiện tại bởi họ muốn chọn lựa một thế giới tươi đẹp hơn. Như một thử thách đối với giới trí thức và một chế độ chính trị, bạn có thể thấy rằng "tư tưởng không tưởng" đã có một bề dày lịch sử huy hoàng. Chính chế độ chủ nghĩa tư bản -- một hệ thống xã hội mới và mang tính thống trị của thời hiện đại - cũng như những chế độ xã hội khác trước nó, chính là nguyên nhân hầu như không thể tránh khỏi đã tạo nên những kế hoạch không tưởng ấy.
Đối với mục đích của chúng ta, chúng ta sẽ quan tâm đến ba nhà không tưởng nổi tiếng nhất, những người đã gây nên thử thách đối với chủ nghĩa tư bản: Robert Owen ở vương quốc Anh, Saint-Simon và Charles Fourier ở Pháp.
Robert Owen (1771-1858) là một nhà tư bản công nghiệp xứ Wales và là người chủ trương cải cách xã hội. Những bài phê bình chủ nghĩa tư bản của ông đều dựa trên những kinh nghiệm mà ông đúc kết từ thực tiễn khi ông còn làm kinh doanh và hướng ông đến những thử nghiệm lựa chọn các thể chế khác nhau cũng như viết về những ý tưởng của mình nhằm gây ảnh huởng đến những người lập chính sách để cải tổ lại xã hội ở những điểm mà ông cảm thấy là cần thiết trong một phạm vi rộng lớn hơn. Đối với quá trình công nghiệp hoá nhằm gia tăng tài sản, ông đều nhận thấy những lợi thế và cả những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến con người. Chung quy thì ông không tán đồng phương thức cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản vì nó làm cho mọi người đối chọi với nhau, một phương thức mà chỉ xem trọng đến sự tự tôn bản thân và tính bất lương, chính chúng làm huỷ hoại các mối quan hệ của con người, ông còn chỉ trích dữ dội vấn đề vì chạy theo lợi nhuận kinh doanh mà bốc lột sức lao động của công nhân một cách tàn nhẫn kể cả trẻ em. Trong quyển Ghi Nhận Về Hậu Quả Của Hệ Thống Sản Xuất[7] (1815) của ông - được viết sau chuyến tham quan qua các nhà máy ở Anh, Owen tỏ thái độ gay gắt với sự bốc lột lao động và đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng này.
Tác phẩm chủ yếu đầu tay của ông là quyển Cái Nhìn Mới Về Xã Hội, Hay Là, Lý Luận Về Nguyên Tắc Cấu Thành Nên Nhân Cách Con Người, Và ứng Dụng Nguyên Tắc Này Vào Thực Tiễn, (1813-16). Trong những bài luận trong đó ông đề cập đến một cuộc cải tổ "những nguyên tắc đạo đức và tín ngưỡng trên thế giới". Ông đưa ra nguyên tắc cơ bản của mình: trong những mối quan hệ với người lớn và trẻ em, một người có thể làm thay đổi cả môi trường sống của họ và cách mà họ đối xử với nhau cũng làm thay đổi cả hành vi của họ. Qua cách giáo dục trẻ em, họ có thể hiểu rằng hạnh phúc của chính mình có một mối liên kết chặc chẽ với hạnh phúc của người khác. Bằng cách thay đổi nhằm giải quyết vấn đề về tội phạm, tôn giáo, bè phái, sự phóng túng bừa bãi và xung đột giữa những cá nhân với nhau, con nguời có thể có được những hành vi mới, chính chúng sẽ cải thiện đời sống của họ cũng như của cả cộng đồng tốt đẹp hơn. Tất cả những điều này đều nằm trong khuôn khổ của nhà tư bản, một xã hội với những công việc sắp xếp theo một trật tự nhất định.
Năm 1797, Owen mua nhà máy sợi New Lanark ở Scotland, và tiến hành cải tổ nó theo những ý tưởng của ông với quan niệm rằng công nghiệp hóa không nhất thiết là phải kèm theo sự nghèo khó và bất hạnh như nó đã từng như thế trước đây.
Owen nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản có thể tiến hành và sửa chữa lại quá trình công nghiệp hoá ở mọi mức độ, cả cấp vĩ mô và vi mô. Ở cấp vi mô, Owen liên tưởng và tìm kiếm một sự chuyển biến trong tổ chức công việc trong đời tư của con người. Thông qua nhà máy New Lanark của mình, ông có thể thực hiện và đã thực hiện trực tiếp thử nghiệm của mình ở cấp độ vi mô này. Trong số những cải cách mà ông ta thực hiện còn có: giảm giờ làm, có chế độ giáo dục cho trẻ em và không thuê lao động dưới 10 tuổi. Không-hình phạt để giải quyết vấn đề trộm cấp hay những nguyên nhân xung đột trong cộng đồng. Trong quyển Cái Nhìn Mới như đã đề cập ở trên, ông bàn chi tiết hơn về những nổ lực của ông trong cải sửa nhà máy New Lanark theo kinh nghiệm của mình. Những nổ lực đó đã giúp ông thành công, tạo nên tiếng vang lớn cho tên tuổi cũng như nhà máy của ông. Không những các nhà cải tổ xã hội chủ nghĩa đến thăm nhà máy ấy và áp dụng những lý thuyết của ông mà còn có cả một số nhà tư bản đến và quan sát những thay đổi kỳ lạ này. Đến năm 1968 nhà máy New Lanark ngưng hoạt động nhưng vẫn còn được giữ lại để mọi người có thể tham quan cùng với phần còn lại của ngôi làng đã được hồi phục lại như một di tích lịch sử. Trên mạng vẫn còn đưa ra một số hình ảnh về trụ sở chính của nhà máy cũng như về cả nhà máy và thác nước dùng để tạo ra năng lượng chạy máy kéo sợi.
Thành công trong công việc kinh doanh sau đó cùng với số tài sản kiếm được từ đó, ông đã có thể bắt đầu đưa ra những đề án mang tính không tưởng của mình ở Mỹ nhưng bắt đầu từ con số không: ở New Harmony, Indiana năm 1824 và Queenwood, Hampshire năm 1839.
Với những thành công trong kinh nghiệm tại New Lanark, ta cũng chẳng ngạc nhiên gì dù ông gặp một số thất bại khác, nhưng từ quan điểm của ông đã khái quát hoá và phổ biến giải pháp đó cho toàn thế giới:
"Do những thành phố nhỏ như thế này phát triển nhanh chóng, nên chúng sẽ sớm liên kết lại với nhau, với một phạm vi rộng lớn, có thể là mười, hàng trăm, hàng ngàn, ... cho đến khi chúng mở rộng khắp cả châu Âu, và sang cả những phần còn lại trên thế giới, hợp nhất với nhau tạo thành một nền cộng hoà vĩ đại duy nhất cùng chung một quyền lợi duy nhất."
Ở cấp độ vĩ mô, Owen nhận thấy rằng nguyên nhân chính gây nên tình trạng nghèo đói chính là tiến trình cơ giới hoá đang diễn ra một cách nhanh chóng và dẫn đến nạn thất nghiệp, làm cho công nhân mất đi việc làm đó mà không cung cấp một việc làm mới cho họ. Việc làm bị giảm dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm, làm cho thị trường co rút lại, thậm chí có ít cơ hội tạo ra việc làm khác và tạo ra thu nhập.
Đối với giải pháp ngắn hạn, ông nghĩ rằng chính phủ nên cung cấp những công việc trong lãnh vực quốc doanh cho những ai không thể làm việc trong khu vực tư nhân. Sự kết thúc chiến tranh của Napoleon cũng trong giai đoạn nạn thất nghiệp tăng nhanh chóng, trong thời gian đó ông đã có những bài viết đầu tay về vấn đề này. Trong Bản Tường Trình Dành Cho Uỷ Ban Về Vấn Đề Cứu Giúp Ngành Sản Xuất Và Công Nhân Nghèo (1817), ông cho rằng nên thiết lập một mạng lưới việc làm tại những ngôi làng với số dân khoảng từ 500 đến 1500 người, để cho họ làm việc cùng nhau, sản xuất thực phẩm và những thứ thiết yếu riêng cho họ. Chẳng ngạc nhiên gì, những ngôi làng như thế ít nhiều mang dáng dấp của ngôi làng tại New Lanark. Họ sẽ tự quản lý thông qua một hệ thống dân chủ trực tiếp, và bắt chước như New Lanark, họ sẽ tổ chức để đáp ứng mọi nhu cầu cơ bản của những người thất nghiệp. Những ý tưởng này tiếp tục được mở rộng trong quyển Bản Tường Trình Cho Hạt Lanark được viết năm 1820.
Nhưng về lâu dài, ông nghĩ rằng giải pháp hiệu quả nhất để khắc phục vấn đề này không nên dùng tiền để định giá hàng hoá mà chỉ nên dùng sức lao động cần cho quá trình sản xuất số hàng đó. Tập thể công nhân sẽ làm trong một lượng thời gian nhất định và do đó sẽ cùng nhau sản xuất chung một loại hàng hoá trong một thời gian nhất định. Nếu như công nhân được trả lương theo số giờ lao động thì số lượng sản phẩm làm ra sẽ luôn đuợc tiêu thụ hết, và có thể loại bỏ được vấn nạn thất nghiệp do thiếu nhu cầu. Owen thậm chí đã thử làm kế hoạch đó -- Một Kế Hoạch Trao Đổi Sức Lao Động Ngang Giá Của Quốc Gia trong đó hàng hoá cũng như tiền thưởng cho công nhân đều được định giá bằng sức lao động.
Mặc dù ông đã gặt hái nhiều thành công với xí nghiệp New Lanark của mình, nhưng những kế hoạch không tưởng khác của ông từ Trao Đổi Sức Lao Động Ngang Giá đến cả kế hoạch ở New Harmony đều gặp thất bại. Và những thất bại đó đã làm cho ông chuyển đổi từ những nổ lực cá nhân trong việc xây dựng một cộng đồng không tưởng và gây ảnh hưởng đến chính phủ để họ áp dụng ý tưởng của ông, nảy sang một ý tưởng về phong trào công nhân mà ông cho rằng có lẽ nó sẽ dễ tiếp thu hơn. Bởi vì ý tưởng của ông về một mạng lưới việc làm trong cộng đồng đã trãi khắp thế giới nên ý tưởng mới này thông qua công đoàn cũng sẽ phổ biến khắp mọi nơi. Vào những năm 1830 ông lập ra "Hiệp hội cấp quốc gia của những giai cấp hữu ích", đây là một liên đoàn lao động mang tầm cở quốc gia, hiệp hội này bao gồm nhiều hội khác nhau và hàng trăm ngàn công nhân. Tuy nhiên, nó không phải là "tiền thân của nghiệp đoàn công nghiệp của chúng ta ngày nay" - như Heibronner đã nói, nhưng lại là tiền thân của một tổ chức mang tính toàn diện hơn: tổ chức công nhân thế giới, tổ chức này ra đời vào đầu thế kỷ 20, bao gồm những công nhân không được quan tâm trong các ngành nghề thủ công hay công nghiệp hay ở địa phương. Không giống như các tổ chức khác bị chính phủ đàn áp sau thế chiến thứ nhất, hiệp hội cấp quốc gia này của ông dường như thất bại chính do những mâu thuẫn nội bộ giữa các hội với nhau, giữa "người lãnh đạo" và những thành viên với nhau.
Mặc dù gặp một thất bại mới nữa, nhưng Owen vẫn tiếp tục nổ lực cho đến cuối đời, và những nổ lực đó của ông truyền lại cảm hứng cho toàn bộ những người nối gót của ông, những người tiếp thu các tư tưởng và ước mơ của ông. Trong một khoảng thời gian dài, có lẽ điều quan trọng nhất đối với những ý tưởng của ông chính là sự hợp tác. Những nổ lực của Owen nhằm phát triển những cái gọi là "phong trào hợp tác", phong trào này bắt nguồn từ những ý nghĩ không tưởng thất bại của ông, chớp lấy nhân tố thiết yếu và vận dụng nó nhưng có hạn chế: cho người tiêu thụ và những hợp tác xã sản xuất - trong đó mọi người có thể cấm đoán lẩn nhau, cùng nhau góp sức góp của hay chuyển tiền lương của họ thành hàng tiêu dùng với giá thấp hơn, thường là mức giá bán sỉ, hay góp một phần thu nhập của họ và phần còn lại họ dùng cho việc nhà của mình hay góp lại làm chi phí bán hàng -- lấy ví dụ như những hợp tác xã nông nghiệp lớn ở miền tây Canada. Điển hình ở Austin, hợp tác xã thực phẩm Wheatsville hay thâm chí hợp tác giữa các trường đại học cũng bắt nguồn từ phong trào đó.
Claude Henri de Rouvroy de Saint-Simon(1760-1825) là con của một gia đình quý tộc Pháp, người ta cho là gia đình ông có nguồn gốc từ Charlemagne. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình trong quân đội, phục vụ quân ngũ Pháp từ đầu những năm 1780 khi họ đang trợ giúp cho Cách Mạng Mỹ và trở lại Pháp để tham gia cuộc cách mạng năm 1789. Chúng ta chẳng lấy gì làm ngạc nhiên gì, dù rằng ông từ bỏ các tước vị của mình, để bị cầm tù và không được thả ra cho đến khi Robespierre mất quyền lực năm 1794. Cuộc cách mạng đó làm tổn thương cho xã hội nói chung mà còn cho cả Saint-Simon nói riêng, tổn thương đó đã khiến cho ông đi tìm những cấu trúc khác cho xã hội, những cấu trúc có thể tránh khỏi sự tổn thương đó, những cấu trúc mà xã hội có thể phát triển đến.
Từ quan niệm đó, ông cống hiến cả đời mình và cả số tài sản có giá trị của mình để tìm tòi nghiên cứu về những thay đổi nhanh chóng của thế giới xung quanh, về tư duy khoa học và triết học, sau đó là về những về trí thức hiện tại và về chính trị. Sau khi phát hoạ ra một nhóm trí thức cho "công trình triển lãm" của mình và sau khi nghiên cứu về toán học và vật lý, ông đã đi đến Anh và Thụy Sĩ, tại những nơi này ông bắt đầu viết về những tư tưởng của mình tái thiết xã hội.
Bài luận của ông được xuất bản với tựa đề Thư Từ Những Cư Dân Geneva (1803), trong đó ông cho rằng để tránh những cuộc cách mạng diễn ra hỗn tạp thế kia và để làm cho trợ cấp xã hội của mỗi người có thể được cải thiện nhanh hơn thì nên dùng sự khai sáng để cải tạo xã hội. Những lá thư của Saint-Simon bàn về vấn đề mà ông gọi là xã hội giai cấp gồm: thứ nhất, "những nhà khoa học, những nghệ nhân, và những người có tư tưởng tự do"; thứ hai, những người sở hữu các tài sản không thuộc quyền của giai cấp đầu tiên; thứ ba, "số người còn lại". Ông cho là giai cấp thứ nhất có quyền lãnh đạo xã hội trong tương lai. Giai cấp thứ hai thì cũng có thể tham gia cùng giai cấp một hoặc có thể bị tiêu diệt như giới quý tộc Pháp trong thời kỳ cách mạng. Và ông cho rằng tầng lớp thứ ba nên theo sự lãnh đạo của tầng lớp thứ nhất, để tầng lớp thứ nhất có thể giúp họ học hỏi, khai sáng họ, tạo cho họ một nền tảng giáo dục tốt hơn, và làm cho họ có quyền bình đẳng hơn, không ai chi phối ai cả. Nói cách khác, ông gọi đây là sự thay thế quy luật của kẻ giàu bằng quy luật của những người tri thức, chính quyền phải do những người có thực lực nắm giữ.
Trong những lá thư này, Saint-Simon không chỉ giải thích lý do tại sao những nhà khoa học, những nhà toán học và những nghệ nhân nên có được quyền quản lý điều hành chính phủ, mà trong thời kỳ tiền cách mạng chống lại thuyết giáo quyền, ông còn đề xuất chi tiết cả hình thức chính phủ đó: một loại giáo phái kiểu mới, và nó sẽ thay thế cho tất cả mọi tôn giáo hiện tại. Ông nghĩ rằng những người khai sáng nên nắm vị trí điều hành bởi vì họ có thể "dự đoán trước", nghĩa là, họ có được những tri thức hữu dụng nhất trong cuộc sống và do vậy họ xứng đáng được tôn trọng. Ông cho là nhờ có Chúa mà ông khám phá ra giáo phái mới này, ông còn cho rằng Chúa đã nói là những vị tu sĩ và những giáo phái hiện tại đã quên sự uỷ thác của Chúa là đem đến sự hiểu biết cho con người và tìm ra con đường dẫn dắt họ đến với ngài.
"Nhưng họ [những giáo phái hiện tại] đã sao lãng đi phần trách nhiệm thiết yếu của họ: tìm kiếm cho con người một tổ chức có thể đem đến cho họ trí thông minh để nhanh chóng đáp lại sự phù hộ của chúa trời"
Không còn nghi ngờ gì nữa, với những điều ghi chi tiết này trong bản kế hoạch của Saint-Simon cho giáo phái của ông ta, thậm chí kêu gọi những người khác (đặc biệt là những người trí thức), nên những người khác cho là ông ta điên rồ. Theo Saint-Simon, Chúa bảo với ông ta rằng chính ngài đã ném Robespierre xuống địa ngục, và đưa Issac Newton đến bên ngài, để "quản lý sự khai sáng và cư dân của tất cả các hành tinh". Giáo phái mới mà Chúa đưa ra do "Hội Đồng Newton[8]" và "người sáng lập ra tôn giáo này" (rõ ràng là Saint-Simon rồi) cai quản, người này sẽ có quyền điều hành hội đồng và được gọi là "Người Cầm Đầu Hướng Đạo Newton"
Đối với những ý thức hiện đại, thì những cái gây ấn tượng và xỉ nhục nhất mà phân tích của Saint-Simon mang đến chính là sự phân biệt chủng tộc thẳng thừng và cực đoan Châu Âu. Ông cho rằng người châu Âu là "con cháu của Abel" còn người châu Á và châu Phi "là hậu duệ của Cain". Vậy thì bằng chứng nào mà ông này, một người tôn sùng khoa học và được gọi là cha đẻ của khoa học xã hội, lại nói như thế? Chỉ cần nhìn vào những gì ông ta viết "những người châu Phi là bọn khát máu. Hãy nhìn vào những người châu Á xem, họ là những kẻ lười biếng".
Bởi vì những chiến lượt tiền cách mạng chống lại việc thành lập loại giáo phái này đã suy yếu, nên Sain-Simon cũng không đề cập đến đề xuất về "đạo giáo" nữa. Theo quan điểm của ông thì giai đoạn trước mắt là tập trung vào khoa học và phát triển nhận thức mà hầu hết những nhà quản lý thành thạo biết áp dụng khoa học vào công nghiệp và do đó loài người thịnh vượng hay không la nhờ vào "thành quả từ các ngành" mà ông cho là "nông nghiệp, cơ khí, và sản xuất"
Đó là do bắt nguồn từ vấn đề phát triển khoa học mà ông đề cập đến trong tác phẩm của mình, cũng như những lý luận của ông cho rằng nên phổ biến khoa học đến cho mọi người trong xã hội, và do ông thỉnh thoảng được mọi người gọi là "cha đẻ của khoa học xã hội". Không những Saint-Simon là tác giả của quyển Giới Thiệu Những Nghiên Cứu Khoa Học Thế Kỷ 19 (1807-8), mà còn lôi cuốn cả Auguste Compte vào những lý luận của ông, Auguste Compte được biết đến như "nhà khoa học xã hội đầu tiên".
Giống như Adam Smith - người mà ông từng nghiên cứu, Saint-Simon đã cống hiến cho việc phổ biến một xã hội lấy công việc làm nền tảng chủ yếu. Trong bài Công Bố Một Số Nguyên Tắc được in trong tờ L'Industrie của ông ta năm 1817, Saint-Simon viết rằng: "Chúng ta nên quan tâm đến một xã hội trong đó mọi người liên kết lại với nhau cùng làm những công việc hữu ích. Chúng ta không thể chấp nhân một xã hội nào khác nữa."
Kẻ thù của công việc trong một tổ chức xã hội là sự lười biếng. Một lần nữa Saint-Simon và Smith có cùng chung quan điểm là ghét cay ghét đắng sự lười nhác. Đây chẳng phải là vấn đề nhỏ bởi vì đối với Saint, sự lười biếng đã là bản chất của con người. Trong bài Những Nguyên Tắc, ông có viết: "Con người bản chất đã là lười biếng." Tám năm sau đó, trong một số bài nói về Ứng dụng vật lý để cải tiến thể chế xã hội, ông vẫn giữ quan điểm phản đối tính lười biếng:
"Kẻ lười tự biến mình thành gánh nặng cho chính bản thân mình và cho xã hội. Lười biếng là cha đẻ của mọi thói xấu. Lười biếng làm cho con người trở nên bệnh hoạn."
Do vậy, theo Saint-Simon, có hai loại người: một là những người khắc phục được tính lười và trở thành người lao động chăm chỉ, hai là những người không khắc phục được và trở thành kẻ ăn bám xã hội. Ông phê phán loại người thứ hai trước hết là nhắm vào tầng lớp quý tộc lười biếng và tầng lớp địa chủ chế độ cũ:
"Nhưng trong xã hội còn có một số người ăn bám, mặc dù họ cũng có nhu cầu ước muốn như bao người khác, nhưng họ không thể khắc chế được bản tính lười biếng của họ, mặc dù họ chẳng tham gia sản xuất, nhưng lại tiêu thụ những thứ do người khác làm ra. Những người này chỉ biết dùng uy quyền của mình để sống bám vào công việc của người khác, hoặc vào những gì họ nhận được. Tóm lại, họ là những kẻ lười, cũng có nghĩa là kẻ trộm."
Saint-Simon nghĩ rằng công việc có một vị trí quan trọng và phản bác sự lười nhác, ông cho rằng chính phủ nên quan tâm giải quyết hai vấn đề này:
"Do đó, theo những nguyên tắc chính trị và đạo lý, cũng như vấn đề sinh lý hay vệ sinh, người lập pháp nên tạo ra một cơ chế xã hội trong đó khuyến khích mọi tầng lớp làm việc, những công việc hữu dụng nhất đối với xã hội."
Nếu chính phủ giữ vai trò "khuyến khích mọi tầng lớp làm việc", thì luật lệ của kẻ giàu, của tầng lớp quý tộc lười, và của giai cấp tư sản chỉ là ước mơ mà thôi, và sự chống đối vào xã hội hiện tại Saint-Simon bây giờ chỉ còn tập trung vào những nhóm người này. Thay vậy, xã hội nên được những người có tri thức lớn và có kỹ năng trong tổ chức công việc đứng ra quản lý, đó là "những người chăm chỉ", và luật do họ định ra nên dùng vào quản lý sản xuất hơn là để chi phối con người.
Để chuyện giáo phái của ông sang một bên, trong những năm cuối đời và đầu những năm 1820, Saint-Simon cho rằng con đường dẫn đến thành công cho công nghiệp chính là sự nắm vững những nguyên tắc kinh tế, là bỏ phiếu cho những ứng viên hạ viện nào ủng hộ công nghiệp. Saint-Simon đã bị cuốn hút bởi sự thành công tương đối của chủ nghĩa tư bản Anh và khiến cho ông ta đề xuất một dạng nghị viện không chỉ cho chính phủ Pháp mà còn cả châu Âu [Lưu ý: mục tiêu đã đạt được gần đây]. Ông nghĩ rằng nên loại bỏ những cuộc nổi dậy và những cuộc cách mạng bởi chính chúng phá huỷ sự tự do và nền công nghiệp, ông còn cho rằng năng lực ngành công nghiệp trong nghị viện đang lớn dần lên, và đã cung cấp một phương cách kiểm soát ngân sách nhà nước và thay đổi quan điểm của nghị viện nghiên hơn về phía kinh doanh. Trong bài luận Lịch Sử Chính Trị Của Ngành Công Nghiệp, ông nhận thấy công nghiệp đang trên đà phát triển và dần dần tiến đến vị trí mà ở đó nó có thể thách thức cho những tầng lớp lập pháp kiểu cũ, ở vị trí đó, nó có thể hoạt động vì quyền lợi cho riêng nó, và có thể giúp cho xã hội bằng những quyền lợi mà nó có được.
Đề tài này cứ kéo dài và cho đến năm 1825 chúng ta lại bắt gặp lại nó trong bài viết của ông ta Tổ Chức Xã Hội (1825), bài này nói về hành động của chính phủ có thể bị thay đổi ủng hộ cho việc làm, cho ngành công nghiệp cũng như cho cả những người công nhân:
"Phương pháp trực tiếp nhất để cải tiến phúc lợi cho phần lớn dân số chính là chính phủ phải ưu tiên chi tiêu dành cho việc đảm bảo công việc phù hợp với người công nhân phù hợp với thể chất của họ, truyền bá tri thức khoa học tích cực cho giai cấp vô sản, đảm bảo cung cấp những thú tiêu khiển nghĩ ngơi cho giai cấp này để khả năng hiều biết của họ ngày càng được nâng cao."
Những quan điểm như thế của ông ít nhiều cũng giống với Robert Owens về vấn đề giáo dục con cháu của giai cấp công nhân cũng như giáo dục lại những người công nhân đã trưởng thành. Cả Owens và Saint-Simon cũng không dự báo trước rằng người công nhân với mức lương trung bình sẽ có thể đạt được một trình độ mà cho phép họ trực tiếp quản lý chính phủ, nhưng họ chỉ nghĩ đến việc giáo dục này sẽ cải thiện mức sống cho người công nhân, nâng cao năng lực làm việc của họ cũng như khả năng tham gia vào ngành công nghiệp và chính trị.
Thật vậy, với quyển Thư Tín năm 1821 Saint-Simon viết cho tầng lớp công nhân Pháp, một giai cấp lớn mạnh với 25 triệu công nhân, ông khuyên họ nên "lệ thuộc" vào những người hơn mình - "hơn mình" ở đây không có nghĩa là về tuổi tác mà về trình độ khoa học cũng như quản lý. Ông cho rằng họ nên có thái độ hợp tác ủng hộ để cho việc kinh doanh đạt nhiều thuận lợi ("những người đứng đầu của ngành quan trọng nhất: công nghiệp, sản xuất, thương mại") và đề nghị họ xin với vua miễn thuế kinh doanh và cho họ tự do đầu tư vào công nghiệp.
Mặc dù Saint-Simon chuyển sang khuyến khích vấn đề khoa học và công nghiệp và xúc tiến để chúng được phát triển thông qua nghị viện, nhưng ông vẫn không từ bỏ quan điểm của mình về thay đổi tôn giáo và siêu nhiên về những gì ông xem như mê tín và chủ nghĩa bè phái. Nhưng thay vì đề nghị thay thế Cơ Đốc giáo và những giáo phái khác bằng giáo phái Newton, thì ông lại chuyển sang hùng biện và lại bắt đầu kêu gọi thành lập một giáo phái Cơ Đốc mới, theo như những gì ông đề cập trong quyển "Bức Thư Từ Geneva" trước đây, giáo phái mới này có thể quay về với ý nguyện ban đầu của Chúa và cũng như trở về với hình thức "Cơ Đốc giáo thời kỳ sơ khai" - bởi vì đạo giáo này đã hiện hữu trước khi nó trở thành một tổ chức, xa rời với những tính đồ sùng đạo. Nhưng hiện tại thì ý nguyện đó ở một mức độ nào đó đã đổi khác. Saint-Simon cho rằng:[9]
"Hiện tại bây giờ, theo như nguyên tắc này do Chúa ban cho con người nhằm tự chủ được đạo đức của họ, họ phải tạo ra một xã hội sao cho mang đến cho mọi người nhiều quyền lợi nhất. Họ phải lấy đó làm mục tiêu trong phấn đấu và hành động, để có thể nâng cao thể chất và đạo đức của mọi tầng lớp một cách nhanh chóng và trọn vẹn.
Tôi cho rằng phần tuyệt vời nhất của Cơ Đốc giáo cốt yếu chính là ở điều này và chỉ duy nhất điều này mà thôi."
Chẳng ngạc nhiên gì khi Saint-Simon lập luận rằng "Ai muốn trở thành người sáng lập đạo Cơ Đốc mới và lãnh đạo giáo phái mới này phải có năng lực cải thiện tốt tầng lớp lao động nghèo nhất". Chúng ta biết rõ người mà ông tín nhiệm chính là: những nhà công nghiệp.
Mặc dù chúng ta không có thời gian nghiên cứu lịch sử mức độ ảnh hưởng của Saint-Simon, nhưng tôi muốn đến hai nhân tố chính. Thứ nhất, những người tiếp bước của ông thật sự đã cố gắng thực hiện những ý tưởng của ông về một giáo phái mới, và thêm vào đó một loạt những vai trò mang tính ngắn hạn, những quy định về y phục, về những nghi lễ cho tôn giáo này. Thứ hai, sự áp đặt cơ bản theo nhận thức nhằm tôn vinh và cung cấp quyền lực cho giới trí thức và giới quản lý, và sự áp đặt này có một ảnh hưởng lâu dài. Đến nay Saint-Simont vẫn được gọi là "cha đẻ của chế độ kỹ trị[10]" (chế độ mà trong đó việc quản lý điều khiển các phương tiện công nghiệp bởi các chuyên gia kỹ thuật) và đối với những đặc điểm hệ tư tưởng hiện đại, đặc điểm hùng biện của chính phủ của ngành công nghiệp mà biện hộ cho sự tôn kính của mình đối với "những chuyên gia", tất cả những đặc điểm này có thể xem như sự kế thừa ý tưởng của Saint-Simon. Nếu như bây giờ ông ta vẫn còn sống, thì có lẽ ông sẽ có mặt trong hàng ngủ những nhà lãnh đạo của ngành kỹ thuật công nghệ cao, những người như Bill Gates hay Michael Dell, hay trở thành giáo chủ của giáo phái của ông cũng như trong hàng ngũ những người lập pháp.

Những Phê Phán về Chủ Nghĩa Tư Bản 2



Karl Heinrich Marx (1818-1883) được sinh ra và lớn lên tại Đức, có trình độ đại học, vì những bài viết mang tính chính trị của mình mà ông phải sống tha phương, ban đầu là ở Đức, sau đó là Pháp, Bỉ, sau cùng ông định cư tại Anh và trở thành nhà phê bình chủ nghĩa tư bản và kinh tế sắc sảo và có ảnh nhất mọi thời đại.
Khi còn là sinh viên của trường đại học Đức, ông học về triết học tự biện (đặc biệt với Kant và Hegel), khi sống tha phương tại Pháp thì ông nghiên cứu về thuyết chính trị của những nhà xã hội chủ nghĩa Pháp, còn khi ở Anh ông lại nghiên cứu về lịch sử của Anh và kinh tế chính trị của các nước thuộc địa.
Khi còn ở Đức (ông đã nghiên cứu và viết về vấn đề tội phạm hoá cuộc sống thực tại của những người nông dân truyền thống trong việc lấy gỗ trong rừng) thì ông đã đam mê ngành "kinh tế học", nhưng ông chỉ thực sự đi sâu vào nghiên cứu ngành này vào những năm 1840 sau khi gặp gỡ Frederick Engels - người mà sau này trở thành người bạn đồng hành và cùng ông sát cánh trong những bài viết và hoạt động chính trị.
Marx với vấn đề Chủ Nghĩa Tư Bản và những tác phẩm của ông
Từ những nghiên cứu của mình về những nhà kinh tế học cổ điển, Marx đã rút ra kết luận rằng những tác gia như Smith, Ricardo đã hoàn toàn đúng khi dùng "thuyết giá trị lao động" để phân tích chủ nghĩa tư bản bởi vì họ đã nhận thức được một loại trật tự xã hội mà trong đó tầng lớp lao động nắm vai trò chủ đạo trong sản xuất của cải vật chất và trong cả toàn bộ tổ chức xã hội. Cũng giống như Smith, ít ra thì Marx đã nhận thấy rằng chính sự khắc nghiệt của công việc áp đặt lên công nhân do nhu cầu phân chia lao động sản xuất đang gia tăng đã huỷ hoại đi những người công nhân. Nhưng trái ngược với Smith và những người xem tư bản chủ nghĩa như một tổ chức cần thiết của xã hội với đầy ấp công việc (Owen cũng vậy), Marx dựa vào thuyết Hegel để phát triển những bài phê bình về công việc dưới chế độ tư bản chủ nghĩa thêm sâu sắc.
Những bài phê bình đó đều nằm trong tập Bản Thảo Về Triết Học Và Kinh Tế Học được viết năm 1844. Trong phần "Ly Gián Lao Động[11]", Marx phát triển một lý thuyết về những tình trạng mà trong đó người lao động bị "xa lánh" và bị huỷ hoại bởi thái độ cá nhân và những mối quan hệ xã hội bởi vì bị ràng buộc trong một xã hội tư bản, người công nhân không thể kiểm soát được những gì mình làm. Phân tích này muốn nói rằng cách duy nhất để công việc không còn bị xa lánh nửa là loại bỏ đặc tính "bị ép buộc" của nó để công nhân có thể kiểm soát được quá trình làm việc của họ cũng như làm cho tiến trình này phục vụ nhu cầu của họ. Trong khi Marx có thể nhận ra rằng công việc luôn bị áp đặt cho những tầng lớp xã hội, cũng giống như người La Mã buộc nô lệ của họ phải làm việc cho họ, thì ông lại lập luận thêm, duy nhất với chế độ tư bản chủ nghĩa, sự áp chế công việc như thế diễn ra không có giới hạn và vô tận.
Vào những năm 1860, khi Marx viết tác phẩm chính của mình - cuốn Tư Bản[12], trong đó thông qua lịch sử quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, ông không chỉ chứng minh rằng những nhà tư bản đã lợi dụng công việc như một phương tiện để giúp họ trở thành kẻ thống trị trong xã hội, mà ông còn chỉ ra rằng một khi họ đã trở thành giai cấp thống trị thì giai cấp công nhân sẽ tự tập hợp với nhau đầu tiên là để chống lại việc áp đặt công việc của giai cấp tư sản và sau đó là để đạt được mục tiêu giảm giờ làm và giành lấy tự do từ những đặt công việc nặng nhọc được áp đặt lên họ suốt cả một đời. Marx lập luận rằng nếu như công việc giữ vai trò quan trọng trong xã hội tư bản, thì hệ thống xã hội đang phổ biến này không chỉ đơn thuần đòi hỏi áp đặt một số công việc để thoả mãn một số nhu cầu nào đó thôi mà còn mở rộng việc áp đặt này vô tận. Cũng như những nhà kinh tế chính trị cổ điển, ông nhận thấy rằng phương tiện để mở rộng áp đặt công việc một cách vô tận như thế chính là dùng lợi nhuận đầu tư ép buộc con người phải làm việc. (Ở đây ông gợi lại quan điểm của Godwin cho rằng công nhân không nên cảm thấy biết ơn đối với những người đã tạo ra công việc cho họ mà phải cảm thấy phẩn nộ khi họ càng bị lệ thuộc). Nhưng không giống như những nhà kinh tế cổ điển khác, đối với họ lợi nhuận vẫn còn là một ẩn số (cả Smith vẫn không thể giải thích được và Ricardo chỉ cho rằng đó là phần dư ra đang giảm dần) thì Marx đã phát triển lý thuyết về lợi nhuận bằng cách sử dụng "thuyết giá trị lao động[13]" của riêng mình.
Marx, từ Giá Tri đến Giá Trị Thặng Dư
Mặc dù Marx có cùng quan điểm với những nhà kinh tế học cổ điển về thuyết giá trị lao động, nhưng đối với vấn đề áp đặt công việc của chủ nghĩa tư bản thì ông lại đưa ra thêm vào một số quan điểm trong thuyết giá trị lao động của mình và từ đó hướng ông đến thuyết lợi nhuận. Một số điểm trọng tâm của thuyết này:
1. Chủ nghĩa tư bản tổ chức xã hội bằng cách thúc ép con người sản xuất hàng hoá, sau đó bán hàng hoá để kiếm lợi nhuận, và dùng số lợi nhuận đó để tái sản xuất và áp đặt thêm nhiều công việc.
2. Cần hiểu giá trị theo thuật ngữ "lao động", tức là sức lao động nói chung, bởi vì đối với những nhà tư bản chuyên thiết lập xã hội bằng cách áp đặt công việc, thì giá trị chỉ là vấn đề thứ yếu so với loại công việc mà họ áp đặt và loại hàng hoá được tạo ra từ công việc đó. Do vậy, "giá trị" hàng hoá có thể được đo bằng lượng thời gian lao động trung bình để làm ra nó. Và vì thế tiền và mệnh giá được sử dụng để thể hiện giá trị đó mặc dù trong thị trường mệnh giá của nó không luôn bằng với giá trị thực của nó. Một cách lý giải khác, để thấy rằng để đo lường giá trị của hàng hoá bằng số thời gian lao động trung bình cần thiết chính là do "giá trị" tư bản của hàng hoá là nó đã mang đến những phương tiện để ép buộc con người làm việc và do vậy tạo cơ hội cho chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh rộng khắp các tổ chức xã hội khác.
3. Loại hàng nắm vị trí chủ chốt trong chủ nghĩa tư bản là "năng lực lao động", đó là khả năng và sự sẵn lòng làm việc, con người bị ép buộc phải bán nó cho bọn tư sản. (Trong chương 27 và 28 tập I quyển Tư Bản có đề cập đến một số tiến trình lịch sử phát triển đã tạo ra xu thế này). Trong chương 6 quyển Tư Bản, ông lập luận rằng giá trị lao động được quyết định như giá trị của các loại hàng hoá khác, đó là thời gian cần thiết để sản xuất, tức là thời gian cần thiết để làm ra những phương tiện thiết yếu cho cuộc sống (hàng tiêu dùng). Chi phí lao động cho sinh sản, nuôi dạy con, huấn luyện là những thứ cần thiết nhưng không được ràng buộc hay không trả lương cho họ mà nó sẽ chỉ tính gián tiếp vào chi phí sản xuất của những nhà tư bản (thông qua "lương gia đình").
4. Giả sử rằng công nhân được trả lương theo đúng giá trị lao động mà họ bỏ ra, tức là họ nhận đủ lương để có khả năng phát triển như một giai cấp, (kinh tế giai cấp định nghĩa đây là "sinh kế[14]"), cũng giống như thế những nhà tư bản có thể bắt người công nhân làm việc quá số lượng thời gian cần thiết để sản xuất số phương tiện thiết yếu của cuộc sống (giá trị mức lương của họ), do đó sẽ có thặng dư, tức là lợi nhuận. Theo cách nói của Marx, nếu thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất hàng hoá đáp ứng nhu cầu phát triển của lực luợng lao động = V, nhưng số lượng công việc áp đặt cho công nhân (T) lại lớn hơn số này, thì sẽ xuất hiện thặng dư T-V=S. Hoặc giả, ta đặt công thức khác, tổng thời gian lao động sẽ bằng V+S. Trong thuật ngữ lao động thì S = mức lao động thặng dư, đó là mức lao động đã vượt qua mức lao động cần để phát triển lực lượng lao động. Trong thuật ngữ giá trị thì S = giá trị thặng dư, đó là giá trị vượt qua mức giá trị do tư bản đầu tư vào.
5. Do đó mục tiêu chiến lượt của tư bản để họ có thể mở rộng và quản lý xã hội một cách tối đa, là gia tăng giá trị thặng dư đạt được từ công nhân. Marx cho rằng để thực hiện nó tư bản đã đưa ra hai chiến lược chính: giá trị thăng dư tuyệt đối và giá trị thặng dư tương đối. Ở chiến lượt thứ nhất, giá trị thặng dư tuyệt đối, nhà tư bản cố gắng tăng thêm thời gian lao động (thời của Marx gọi là ngày làm việc, còn thời nay gọi là tuần làm việc) để tăng giá trị của S thì tăng giá trị của T và giữ nguyên V. Ở chiến lượt thứ hai, giá trị thặng dư tương đối, nhà tư bản cố gắng sử dụng những kỹ thuật tiên tiến để gia tăng năng xuất và do đó giảm giá trị của V và tăng phần chung của S trong T. Thành công từ hai chiến lượt đó đã làm tăng tỉ số S/V hay làm tăng cái Marx gọi là tỷ số bốc lột. Thành công đó cũng có khuynh hướng làm tăng tỷ số lợi nhuận, S/(C+V) trong đó C là chi phí đầu tư vượt mức lao động, nghĩa là nhà xưởng, thiết bị, nguyên vật liệu, phương tiện sản xuất nói chung.
6. Đối với Marx, những hoạt động "thông thường" của tư bản bao gồm việc tạo ra lợi nhuận (dẫn đến phát sinh thặng dư) và việc tái đầu tư lợi nhuận đó, mọi người - những nhà kinh tế cổ điển, Marx và sau Marx, gọi đây là "tích luỹ". Bởi vì giá trị thặng dư tương đối đạt đuợc do thay thế sức lao động bằng máy móc ngày càng đươc phổ biến trong quá trình công nghiệp hoá (những người trước thời Marx như Owen cũng đã nhận ra điều này) sự thay thế số lao động được trả lương bằng "lao động dự bị" thất nghiệp và chưa được trả lương là toàn bộ phần tích luỹ và "tái sản xuất mở rộng" của chủ nghĩa tư bản.
Với lý thuyết này của mình, Marx đã có thể phê bình từng thuyết kinh tế quan trọng khác cũng như những nhà lý luận khác. Người ta đặt tên cho quyển Tư Bản của ông là "phê bình kinh tế chính trị" bởi vì nó đưa ra một lý thuyết miêu tả "kinh tế chính trị" như là "đầu não khoa học của tư bản", là tư duy chiến lượt của giai cấp tư bản. "Bài phê bình" của Marx đã phát hiện ra rằng mức độ thành công của tư duy đó trong việc nắm bắt bản chất của chế độ này và cả những cách mà chế độ này che dấu bản chất bốc lột của nó và chấp nhận nó như "bản chất tự nhiên".
Những phân tích của Marx, khuynh hướng tư bản áp đặt công việc vô hạn định, đặc tính xa lánh công việc bị áp đặt, và cách mà nó huỷ hoại con người, tất cả đã cho ông thấy rằng cuộc đấu tranh của công nhân để chống lại việc bị áp chế công việc và để giảm sự áp chế đó, cuộc đấu tranh đó không phải đơn thuần là những hiện tượng nhất thời mà chính là một hiện tượng không thể tránh khỏi và nó sẽ cứ tiếp tục tái diễn dù cho nó có bị đàn áp thế nào đi chăng nửa. Do vậy, chủ nghĩa tư bản không đơn thuần là một xã hội giai cấp như những nhà trọng thương và mọi người nghĩ, mà thực chất về cơ bản nó là những mối quan hệ giai cấp đối lập nhau và sự đối lập đó chỉ mất đi khi chủ nghĩa tư bản kết thúc. Vì vậy không giống như Smith, Owen hoặc Saint-Simon - những người nghĩ rằng công nhân có thể chấp nhận cam chịu những quy luật của chủ nghĩa tư bản, Marx quan niệm rằng công cuộc đấu tranh giai cấp chỉ chấp dứt khi chủ nghĩa tư bản được thay thế bằng một chế độ khác ưu việt hơn. Và ông lập luận rằng theo quy luật phát triển của lịch sử, chế độ ưu việt đó chính là của dân chúng, những người câm ghét và phải gánh chịu hậu quả từ khi bị áp đặt công việc không có giới hạn: họ là tầng lớp lao động hay còn gọi là giai cấp vô sản. Ông còn nói rằng tư bản đã tạo ra quần chúng, bắt họ làm việc cho mình, rồi đây chính quần chúng trở thành những người đào huyệt cho họ. Do đó tiến trình phát triển của chủ nghĩa tư bản sẽ đầy rẫy những xung đột đối kháng và khủng hoảng tái diễn không dứt.
Khủng Hoảng Kinh Tế và Cách Mạng Kinh Tế
Theo Marx, những cuộc xung đột đối kháng từ xung đột giai cấp của chế độ chủ nghĩa tư bản và những cuộc khủng hoảng tái diễn đều đặn đó gây trở ngại cho lịch sử phát triển của nó, và chúng có mối quan hệ gắn bó chặc chẽ với nhau. Như tôi đã nói ở đâu đó rồi, những người theo chủ nghĩa Marx đã giải thích những phân tích về khủng hoảng kinh tế của Marx dưới góc độ của những nhà kinh tế, nhưng thật không may, trong quá trình đó họ đã bỏ qua mối quan hệ mật thiết này. Ở đây tôi muốn đề cập đến ba khía cạnh trong tác phẩm của Marx về những cuộc khủng hoảng và qua đó đưa ra những lời giải thích mang tính lựa chọn.
Ở khía cạnh thứ nhất, Marx nối gót quan điểm của Malthus: sự nhận thức khả năng "khủng hoảng chung" do tổng mức cầu không tương xứng. Nhưng không giống như Malthus (nhưng giống Ricardo và John Maynard Keynes - ở thế kỷ sau) Marx nhận thấy rằng mức cầu đối với hàng sản xuất bổ sung vào mức cầu cho hàng tiêu dùng để cấu thành tổng cầu. Do vậy, những gì ông đồng tình với Malthus là khuynh hướng về những động lực phát triển của tư bản nhằm giữ nguyên mức lương phải trả cho công nhân và gia tăng mức cầu cho hàng tiêu dùng. Marx trình bày lại quan điểm đó như sau: tuy nhiên sự gia tăng dân số không kiểm soát không phải là động lực chính mà là sự trái ngược nhau giữa một bên là mức lương giảm thiểu hành vi của nhà tư bản và mặt khác lợi nhuận làm tối đa hoá những nổ lực mở rộng sản xuất và thị trường của họ. Nói cách khác, Marx là một "người chỉ tiếp nhận một phần" vì ông thấy được nhược điểm của giai cấp lao động và ưu điểm của giai cấp tư sản cũng như khuynh hướng sản xuất vượt nhu cầu tiêu thụ.
Khía cạnh thứ hai có liên quan mật thiết với những suy nghĩ của ông về các vấn đề khủng hoảng hình thức các mối quan hệ quyền lực giữa lao động và tư bản được thể hiện trong "vòng quay kinh doanh[15]". Trong những giai đoạn phát triển nhanh (trong giai đoạn phát triển và bùng nổ của chu kỳ) Marx nhận thấy được tăng mức đầu tư sẽ dẫn đến nhu cầu cần lao động vượt xa so với sự phát triển của mức cung lao động và do đó se dẫn đến tăng lương vì thị trường lao động khan hiếm và người công nhân sẽ có nhiều quyền lực hơn so với chủ của họ. Nếu mức lương tăng quá nhanh và cao hơn cả năng suất thì lợi nhuận sẽ bị giảm, đầu tư sẽ giảm và do đó sản xuất bị đình trệ vì tổng cầu bị thu hẹp lại. Nói cách khác, những điều kiện thích hợp trong đó người công nhân có nhiều quyền lợi là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế, đầu tiên là giảm tỷ suất lợi nhuận và sau đó là giảm phạm vi hoạt động.
Tuy nhiên, cũng có một giải pháp để đối phó với tình trạng khủng hoảng: ngừng hoặc giảm sản xuất và gia tăng thất nghiệp để giảm lương và lấy lại lợi nhuận. Điều này nghĩa là kinh doanh sẽ biến khủng hoảng của chính nó thành khủng hoảng cho người công nhân và qua đó nó có thể chiếm lại vị trí ưu thế. Lấy lại lợi nhuận sẽ có lại đầu tư mới, gia tăng tổng cầu và tạo ra vòng phát triển mới.
Quan điểm về "vòng đời" như trên của Marx đều mang tính bi quan lẫn lạc quan. Một mặt ông nhận thấy sự cắt giảm sản xuất sẽ triệt phá huỷ lợi nhuận do công nhân làm ra từ đó khiến cho những cuộc đấu tranh đòi tăng lương của họ phát triển mạnh thêm. Mặt khác, ông lập luận rằng cuộc đấu tranh đòi tăng lương không phải là vô nghĩa bởi vì nó sẽ giúp họ được trả lương cao hơn trong thời gian sản xuất bị giảm cũng như ngăn không cho lương cắt giảm trong giai đoạn đó so với mức lương trong giai đoạn giảm sản xuất mà chẳng có một cuộc đấu tranh nào cả. Hơn nữa ông cho rằng những cuộc đấu tranh như thế chính là "trường lớp đào tạo đấu tranh giai cấp", trong đó công nhân có thể học cách thức tổ chức và học cách đấu tranh - mang đến cho họ những kinh nghiệm để chuẩn bị cho công cuộc cách mạng sau này (xem phần sau). Và Marx thấy rằng cuộc cách mạng sẽ có thể xảy ra do những điều kiện công việc áp đặt quá khắc nghiệt trong suốt thời kỳ cắt giảm sản xuất, tỷ lệ thất nghiệp cao, lương giảm và tất cả những điều tồi tệ khác mà nó gây ra (giảm tiêu thụ, thậm chí gây ar nạn thiếu ăn và chết đói, bệnh tật,…) Vào thế kỷ 19, không biết đã có biết bao cuộc cách mạng nổi dậy trong những giai đoạn như thế. Do vậy, đối với Marx, không có một vòng quay kinh tế nào đảm bảo được tính chu kỳ của nó, và cũng không đảm bảo rằng tư bản sẽ thành công khi chuyển khủng hoảng của mình thành khủng hoảng cho giai cấp công nhân để có thể chiếm lại vị trí ưu thế của mình. Ngược lại, sẽ luôn có những mối nguy hiểm đối với công việc kinh doanh, cũng như những cơ hội cho người công nhân chuyển giai đoạn cắt giảm sản xuất thành công cuộc cách mạng và làm sụp đổ chế độ này.
Khía cạnh thứ ba là những suy nghĩ của Marx về cuộc khủng hoảng, cũng giống như ở khía cạnh thứ nhất, khía cạnh này bàn về những khuynh hướng lâu dài. Những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại ngày làm việc quá dài cũng đã đạt được những thành quả, ban đầu ngày làm giảm xuống còn 10 giờ, sau đó là 8 giờ, việc kinh doanh phản ứng lại vấn dề thua lỗ của nó do giờ làm việc giảm bằng đầu tư thêm vào khoa học kỹ thuật. Theo thuật ngữ lý luận của Marx, chiến lượt giá trị thặng dư tuyệt đối bị thất bại cùng với sự thắng lợi của chiến lượt giá trị thặng dư tương đối. Với những phương pháp tổ chức sản xuất mới nhằm tăng hiệu xuất, việc doanh nghiệp có thể giảm được chi phí sản xuất và do đó duy trì hay thậm chí tăng tỷ lệ khai thác và tỷ suất lợi nhuận.
Hình thức cơ bản của phương pháp gia tăng hiệu suất đó là cải cách kỹ thuật, đưa máy móc thiết bị vào sản xuất, tuy nhiên hình thức này lại kèm theo một mâu thuẫn vốn có, đó là sự đe doạ của nó đối với việc thống trị xã hội trong tương lai của giai cấp tư sản. Năng suất gia tăng đó thể hiện ở ba đặc điểm sau và chúng thường có mối liên quan với nhau. Thứ nhất, máy móc mới có thể làm tăng năng suất, do đó cũng công nhân đó nhưng điều hành loại máy mới này sẽ có thể đạt được sản lượng nhiều hơn trong một thời gian nhất định. Thứ hai, đưa vào những loại máy mới đồng nghĩa với việc tổ chức lại sản xuất bằng nhiều cách, trong đó bao gồm sa thải bớt công nhân và buộc người công nhân phải làm việc theo tốc độ hoạt động của máy. Loại máy mới điển hình là dây chuyền sản xuất, tốc độ của dây chuyền quyết định đến cường độ công việc, và doanh nghiệp điều chỉnh tốc độ hoạt động của dây chuyền vừa đủ nhanh nhằm ngăn ngừa công nhân có thòi gian ngắn nghĩ giải lao khi đổi sang làm nhiệm vụ khác. Thứ ba, đây cũng là đặc điểm quan trọng nhất về mặt giả thuyết khủng hoảng, những loại máy móc mới sẽ thay thế những công việc mà trước đây do công nhân đảm nhiệm và do vậy sẽ dẫn đến hậu quả là nguồn "lao động dự bị" càng tăng và tiếp tục "chờ thời".
Ở đây lại xuất hiện một mâu thuẫn. Một mặt, chủ nghĩa tư bản điều hành xã hội thông qua việc thúc ép mọi người làm việc và do đó nó có thể đạt được và duy trì sự thống trị của nó hay không là tuỳ thuộc vào khả năng nó có thể tạo ra công việc cho đại đa số quần chúng hay không. Mặt khác, chiến lượt giá trị thặng dư tương đối với phương pháp đưa vào các loại máy móc thiết bị mới nhằm tăng năng suất lại huỷ hoại đi những công việc mà doanh nghiệp cần. Khi chiến lượt giá trị thặng dư tuyệt đối với phương pháp ép buộc công nhân làm nhiều giờ một ngày đã bị giai cấp công nhân đánh bại, và nó đã chuyển sang chiến lượt giá trị thặng dư tương đối, và làm cho mâu thuẫn này càng trở nên trầm trọng. Trong tình trạng một ngành công nghiệp này nối tiếp một ngành công nghiệp khác, Marx nhận thấy rõ chúng cũng chỉ mô phỏng sao chép lẫn nhau và vì thế làm cho việc áp đặt công việc càng gặp nhiều trở ngại.
Marx gọi khuynh hướng dài hạn thay thế sức lao động và làm suy yếu những phương tiện quản lý xã hội cơ bản của tư bản là "khuynh hướng giảm lợi nhuận". Cách gọi này xuất phát từ phân tích của ông về chiến lượt giá trị thặng dư tương đối, nó làm cho những ai theo chủ nghĩa Max hiểu lệch đi ý nghĩa của nó. Như đã đề cập ở trên, Marx đã dùng học thuyết về giá trị của mình để phân tích giá trị thặng dư đạt được khi thay thế công nhân bằng máy móc. Sự gia tăng về những gì chúng ta gọi là tỷ lệ vốn trên lao động (K/L > ông ta gọi là gia tăng "bản chất cơ bản của tư bản" (C/V) trong đó C là giá trị đầu tư cho máy móc và nguyên vật liệu, V là giá trị đầu tư cho lao động. Mà ta có thể ước lượng được mức độ ảnh hưởng của việc gia tăng C/V lên tỷ suất lợi nhuận được định nghĩa dưới đẳng thức [S/(C/V)]. Marx cho rằng khi C/V tăng sẽ làm cho năng suất tăng và do đó làm cho tiêu thụ giảm, và về lâu dài, theo như lý thuyết thì tiến trình này không có giới hạn, nên V có khuynh hướng về 0. Trong trường hợp đó S/(C+V) giảm còn S/C. Mà theo giả thuyết thì C gia tăng không có mức giới trên, nên giá trị S/C sẽ tuỳ thuộc vào giá trị của S. Nhưng mức giá trị thặng dư lại tuỳ thuộc số công nhân được thuê và luợng thời gian họ làm. Do thời gian làm việc có giới hạn (24 giờ một ngày, nhưng thực tế thì thấp hơn nhiều) và do C/V tăng thay vì lao động chân tay bị thay thế, nên ta có thể xem S là có giới hạn. Khi S bị giới hạn và c không bị giới hạn thì tỷ số s/c sẽ phải giảm. Do đó tạo ra "khuynh hướng giảm lợi nhuận[16]" [Để tham khảo thêm bài phê bình chủ nghĩa Marx của Paul Sweezy về mặt học thuyết này của Marx và bài viết những phản bác của tôi, xin xem bài "Karl Marx: Nhà Kinh Tế Học Hay Là Nhà Cải Cách ?"]
Những giải pháp của những nhà tư bản đối với vấn đề mâu thuẫn giữa nhu cầu về việc làm và khuynh hướng đi đến loại bỏ chúng bao gồm hai hướng giải quyết, huớng giải quyết thứ nhất thì đã quá ư là rõ ràng trong thời của Marx rồi, còn cách thứ hai thì xuất hiện sau đó. Phương pháp giải quyết thứ nhất là tạo ra những ngành mới. Miễn là những ngành này sau khi phát triển sẽ cung cấp nhiều công việc hơn, những lao động bị máy móc thay thế, mà có lẽ phần lớn họ, có thể tìm thấy công việc ở một nơi nào khác (nhưng không phải là toàn bộ số lao động, "đội ngũ lao động dự bị" của Marx còn bao gồm không chỉ là số lao động thất nghiệp "thả nổi" do chuyển đổi công việc mà còn có cả số thất nghiệp "ứ đọng" và thất nghiệp "cấu trúc" những người không thể tìm cho mình một công việc mới. Giải pháp thứ hai là lệ thuộc hoá thời gian và cuộc sống của những lao động bị thay thế. Đó cũng chính là số phận của phụ nữ và trẻ em, họ bị loại ra khỏi lực luợng lao động do máy móc (hay do luật lao động quy định), họ nhận thấy rằng họ lại bị bó buộc vào trường học và những công việc gia đình không lương và tái sản sinh ra lực lượng lao động khác.
Từ lịch sử thế kỷ 17-19 - trong phạm vi phân tích tích của mình, Marx nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản sẽ vượt qua được những cuộc khủng hoảng và cách mạng. Cách Mạng Anh những năm 1640, Cách Mạng Mỹ năm 1776-1812, Cách Mạng Pháp năm 1789, Cách Mạng Pháp năm 1830, những cuộc cải lớn ở Châu Âu năm 1848, cuộc nổi dậy ở Paris năm 1870, cách mạng chống thực dân ở vùng Caribê và châu Á, đây là những ví dụ điển hình cho những cuộc cách mạng không chỉ đem đến quyền lực cho giai cấp tư sản mà dẫn tới những thứ vũ khí huỷ diệt nó. Điều mong đợi này được thể hiện xuyên suốt trong cuộc sống chính trị và tư tưởng của ông, từ 1848 khi soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Cộng Sản, đến chương cuối của quyển Tư Bản (năm 1867) rồi đến những nghiên cứu của ông về Cuộc Nội Chiến Pháp sau khi ở khu tự trị Pháp xảy ra nổi loạn và bị đàn áp.
Quan điểm của mình về số lượng ít những nhà tư bản kia lại áp đặt công việc cho đại chúng, Marx hy vọng rằng cuộc chiến chống chế độ tư bản của giai cấp công nhân sẽ dễ dàng và ít bạo động hơn so với cuộc chiến trước đó, cuộc chiến lật đổ chế độ tiền tư bản của giai cấp tư sản - những người đã biết lợi dụng sức mạnh và sự câm giận của "những giai cấp thấp hơn". Trong những năm sau này, khi công nhân có quyền bầu cử, Marx và Engels - người bạn đồng hành bấy lâu nay của ông - đã tự hỏi rằng liệu con đường dẫn đến một chế độ tư bản siêu việt thông qua bầu cử những người đại diện cho gia cấp công nhân vào nghị viện có diễn ra suông sẽ hay không. (Một thời kỳ quá độ như Saint-Simon đã vạch ra trước đây cho giai cấp tư sản.)
 

Những Phê Phán về Chủ Nghĩa Tư Bản 3




Phê Phán Chủ Nghĩa Đế Quốc: Hobson và Lenin
Trong số những nhà kinh tế chúng ta đã nói đến, tất cả quan tâm của họ đều hướng về thuyết trọng thương, xu thế phát triển ra quốc tế của tư bản chủ nghĩa, ngoại thương, và đầu tư . Cuộc tranh luận diễn ra bàn về những nguyên nhân dẫn đến thành công nhất cho xu hướng này nhưng chẳng có ai đặt nghi vấn về mục đích khát vọng của nó. Những người theo thuyết trọng thương muốn hàng hoá mình được xuất khẩu đi (và cả đầu tư ở những nơi họ đã tạo điều kiện thuận lợi cho mậu dịch) và những người theo thuyết cổ điển thì lại muốn sử dụng bằng những phương pháp riêng của mình (dùng những chính sách nhà nước nhằm tạo rào cản đối với hàng nhập khẩu). Smith chỉ phê phán chủ nghĩa thực dân một khi ông thấy rằng nó đang làm mất dần đi những cơ hội thông thương và ông cũng chẳng bao giờ nghi ngờ về mục đích thật sự của việc mậu dịch và đầu tư.
Thậm chí trong bài phân tích của Marx về sự lớn mạnh và phát triển của chủ nghĩa tư bản, mặc dù ông có nhận thức sâu sắc về hiện tượng chủ nghĩa thực dân và sự phát triển của các nước đế quốc, nhưng ông nhận thấy rằng cả hai vấn đề này cũng chính là những đặc tính tích luỹ tư sản -- cả hai ở đây được hiểu như là sự phát triển và quá trình tích luỹ của các giai cấp - và do vậy ông cho nó là "điều bình thường". Ngay cả trong Bản Tuyên Ngôn Cộng Sản, Marx nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản chính là một hiện tượng đang ngày một lan rộng khắp toàn cầu:
"Giai cấp tư sản thông qua bốc lột thị trường thế giới đã áp đặt một phương thức mang tính toàn cầu vào quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ vào từng quốc gia. Và điều này thật đáng xấu hổ, nó đã lôi kéo cả những ngành mà bấy lâu nay người dân luôn bám vào. Tất cả những ngành cũ kỹ lỗi thời này đã và đang bị mai một dần. Chúng bị đào thải bởi những ngành mới hơn, những ngành đang trở thành vấn đề sống còn cho tất cả những quốc gia tiên tiến, những ngành chế biến không dùng nguyên vật liệu tại chổ nửa mà dùng nguyên vật liệu từ cả những vùng xa xôi khác, những ngành mà sản phẩm của nó không những được tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra cả thế giới."
Ông cũng quan tâm đến nước Anh đã thôn tính Ai-Len thế nào và cả cái cách mà Anh dùng những gì bốc lột được từ tầng lớp lao động Ai-Len để mở rộng chủ nghĩa tư bản của mình. Những người Ai-Len bị ép buộc làm việc và bị đánh thuế (nhớ rằng chính William Petty đã đặt ra thứ thuế đó) và họ bị "xuất" sang Anh nhằm được dùng để đối phó với những công nhân đình công tại đây. Tư sản Anh dùng quốc tịch và tính vô thần để duy trì cai trị tầng lớp lao động bị tách biệt này:
"Tầng lớp lao động ở mỗi trung tâm công nghiệp hay trung tâm thương mại ở Anh đều được chia ra làm hai phe cả, một là giai cấp vô sản Anh, hai là giai cấp vô sản Ai-Len. Những công nhân bản xứ Anh không ưa gì những công nhân người Ai-Len, họ xem những người Ai-Len này như đối thủ của họ vậy bởi vì chính những người này đã làm giảm đi mức sống của họ. Những người công nhân Anh còn tự xem mình như là thành viên của giai cấp thống trị và hiển nhiên họ trở thành công cụ của giai cấp quý tộc và tư sản Anh chống lại người Ai-Len, do vậy họ tự nâng cao vị trí thống trị của mình. Họ còn có những định kiến chống lại người Ai-Len về tôn giáo, về vấn đề xã hội hay quốc gia. Thái độ này của họ đối với nguời Ai-Len cũng giống như thái độ của những "người dân da trắng nghèo" đối với những người dân da đen thời nô lệ ở Mỹ trước đây vậy. Còn người Ai-Len đáp lại bằng cách chỉ quan tâm đến vấn đề tiền bạc. Họ xem những công nhân Anh là như những kẻ đồng loã và là thứ công cụ ngu ngốc của giai cấp thống trị Anh ở Ai-Len.
Điều đối kháng này bị duy trì một cách giả tạo và bị thổi phồng lên bởi báo chí, kinh thánh, truyện tranh, nói chung là bằng tất cả những phương tiện do giai cấp tư sản đưa ra. Đối với tầng lớp lao động Anh, chuyện này họ hoàn toàn mù tịt mặc dù họ có tổ chức đàng hoàng. Sở dĩ chuyện này được giữ kín như thế là do giai cấp tư sản muốn duy trì quyền lực của mình. Và chỉ có họ mới thật sự biết được điều này".
Ông cũng nghiên cứu đến đế quốc Anh tại Ấn Độ, đến vai trò của công ty Đông Ấn (East Indies Company) và đến cả những cách người Anh dùng để bốc lột sức lao động của công nhân Ấn và độc quyền cả những thị trường nước này. Nhưng trong những bài viết của mình, Marx chỉ đưa ra những mặt khác nhau của "chủ nghĩa đế quốc" chứ không hề đưa ra bất kỳ một học thuyết riêng nào dành cho nó. Nhưng do từ lâu trước đây, tư bản đã trãi rộng khắp thế giới, nên Marx cảm thấy chưa cần thiết lắm để đưa ra một học thuyết riêng như thế để phê phán cái xu hướng mang tính quốc tế này trong những bài phê bình chủ nghĩa tư bản của mình.
Tuy nhiên vào thế kỷ 19, khi những tham vọng quyền lực của những nước đế quốc cũng như những hành động thôn tính của tư bản ngày càng rộng lớn ở nhiều nước, thì đã làm xuất hiện hai trường phái phê phán: thứ nhất là phê phán về các vấn đề đạo đức và nhân đạo đối với tình trạng chủng tộc này lệ thuộc vào chủng tộc khác, thứ hai là chính những xung đột đó làm cho chiến tranh bùng nổ càng nhiều, không chỉ là cuộc chiến giữa những người nô lệ với nhau, mà còn là cuộc chiến giữa những người đi xâm lượt.
Trường phái thứ nhất xuất phát từ những người phản đối những yêu sách được quyền ưu tiên về chủng tộc và đạo lý và nhu cầu chen vai "gánh vác" nhiệm vụ đi khai hoá thế giới. Trường phái thứ hai bắt nguồn từ mối quan hệ gần gũi giữa một bên là quyền lực của nhà nước, một bên là quyền lực kinh doanh. Trong khi kinh tế thống trị cả một phần xã hội thông qua sự huy động của nó với chính quyền nhằm mang đến lợi ích cho nó, thì chính quyền đó - chính quyền của quốc gia đó đã được lập ra để cùng song hành với nó. Và như chúng ta thấy đấy, vào thế kỷ 19 chẳng có một thể chế siêu dân tộc nào được sử dụng với mục đích như thế. Vì vậy ngay cả trong một nước, khi mà quyền lợi của những nhà tư bản khác đi là họ lại quay sang nhờ sự giúp đỡ từ chính quyền về vấn đề này hay vấn đề khác, những nhà tư bản lớn ở Anh (những nhà tư bản vươn đến cấp độ thế giới) và tư bản Đức cũng thế, họ cũng tranh thủ sự giúp đỡ từ chính phủ vì những lợi ích riêng của mình về nguyên vật liệu, lao động và thị trường nuớc ngoài và vân vân…
Những xung đột giữa những nhà tư bản các nước với nhau và cũng dính dáng đến cả chính quyền nên đã dẫn đến cả chiến tranh giữa các nước với nhau, mà trong đó họ đưa cả những người công nhân ra chiến đấu. Đây không phải hoàn toàn là một giả thuyết. Nước Anh nhập cuộc với trận chiến Crimean (Crimean War) (1854-1856), trong đó nó đứng về phe của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Nga nhằm bảo vệ những tuyến đường thương buôn của nó ở vùng Địa Trung Hải. Năm 1887, Anh thôn tính vùng Transvaal ở Hà Lan và Orange Free State ở vùng Nam Phi và đương đầu với trận chiến Boer War (1880-1881) (cuộc chiến với người Hà Lan gốc Phi) để bảo vệ những gì vừa chiếm được. Tuy nhiên những người Hà Lan gốc Phi này lại nổi dậy và chiếm giữ được một phần chính quyền cho riêng mình. Năm 1882, Anh xâm lượt Hy Lạp nhằm nắm quyền kiểm soát kênh đào Suez và cả những tuyến đường thương buôn. Năm 1899, đế quốc Anh lại mang tham vọng kiểm soát những khu mỏ kim cương và vàng mới phát hiện được, chính tham vọng này dẫn đến cuộc xâm lăng vùng Transvaal ở Hà Lan và cuộc chiến Boer War lần thứ hai. Khoảng từ 1880 đến 1900, đế quốc Anh đã chiếm đóng hơn 4 triệu dặm vuông lãnh thổ. Để phê phán hiện tượng này thì cần phải có một học thuyết về chủ nghĩa đế quốc một cách rõ ràng, và từ đó có thể giải thích được tất cả hiện tượng này cũng như biết rõ xu hướng của nó.
Một trong những người phát triển thuyết này là John Atkinson Hobson (1858-1940). Rút ra từ những gì học được từ chuyến đi Nam Phi và tiếp nối tư duy lô-gic từ tác phẩm cùng thực hiện trước đó với A.F. Mummery - quyển Sinh Lý Công Nghiệp (1889) (Physiology of Industry), Hobson đã phát hoạ ra một giả thuyết giải thích hiện tượng chủ nghĩa đế quốc này. Trong quyển Sinh Lý Công Nghiệp, Hobson và Mummery đã tiếp bước quan điểm của Malthus, và một ít của Marx, họ cho rằng "những cuộc khủng hoảng" hay những cơn suy sụp trong vòng đời kinh tế đó nguyên nhân là do chúng ta đã quá tiết kiệm và chi tiêu quá ít. Cũng như Marx, họ thấy được sự mâu thuẫn giữa một bên là xu thế phát triển sản xuất và sản phẩm liên tục không ngừng và một bên là sự cưỡng ép tiêu thụ. Mà trong khi đó Marx cho rằng cưỡng ép tiêu thụ bắt nguồn từ những nhà tư bản nhằm hạ lương công nhân vì mục đích lợi nhuận của mình để dành cho đầu tư và áp đặt công việc, thì Hobson và Mummery lại đứng từ quan điểm của Malthus mà cho rằng sở dĩ xảy ra khủng hoảng là do nhu cầu không thể tiêu thụ hàng hoá ngày càng tăng nhanh so với sản lượng hàng hoá, ở đây có hai nguyên nhân chính: thứ nhất là do phân phối thu nhập rất không đồng đều, hầu như tiền của đều tập trung vào tay những người giàu có, thứ hai là những người này có khuynh hướng giữ lại một lượng lớn tiền tiết kiệm từ thu nhập của họ. Cơ bản mà nói, họ cho rằng những người giàu họ có đầy quyền lực, họ thoã mãn cái tính tham lam của họ bằng cách làm cho tầng lớp lao động cứ nghèo mãi, và chính cái nghèo đó hạn chế đi nhu cầu tiêu thụ.
Hơn nửa, đứng dưới quan điểm của Marx, họ cho rằng những cuộc cạnh tranh giành giật giữa các nhà tư bản để giàu có thêm đã dẫn đến việc hình thành nên những khu công nghiệp tập trung bởi vì những nhà tư bản đã loại bỏ hay đã tiếp quản luôn cả những kẻ yếu hơn và chiếm được cả một thị phần rộng lớn cũng như độc quyền thị trường. Họ nhận thấy rằng những quá trình đó đã giải thích cho việc mở rộng ngành công nghiệp một cách nhanh chóng và những liên đoàn tài chính kiểm soát giá vào đầu thế kỷ. Khu kinh tế ngày càng phát triển này không chỉ trực tiếp mang đến cho nhà tư bản quyền lực kinh tế mà còn là khả năng ảnh hưởng của họ đối với những chính sách của nhà nước. Độc quyền ở đây nghĩa là siêu lợi nhuận, nhưng lợi nhuận này càng lớn và càng tiết kiệm chi tiêu thì nhu cầu tiêu thụ sẽ càng ít và càng làm vấn đề trở nên tồi tệ thêm.
Mặc dù tác phẩm của Hobson và Mummery đều bàn về vòng đời kinh tế, nhưng những phân tích của họ cũng đã cung cấp một học thuyết cơ bản về chủ nghĩa đế quốc. Năm 1902, Hobson đã phát hành quyển Nghiên Cứu Về Chủ Nghĩa Đế Quốc, trong đó ông có đưa ra học thuyết cơ bản đó. Hobson cho rằng, "cái gốc rễ" của chủ nghĩa đế quốc thực chất bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ không kịp với sản xuất. Bởi vậy nên doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho những sản phẩm không bán được trong nước. Bởi vậy nên doanh nghiệp rất ít có cơ hội mở rộng đầu tư trong nước nhưng điều này không làm giảm lợi nhuận của họ vì họ đi tìm đầu tư nước ngoài. Hobson cho rằng nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn phát triển ngày càng nhanh hơn này bắt nguồn từ những quyền lực của những kẻ giàu có mà đã được đề cập ở trên; chính nó gây nên sự phân phối thu nhập không đồng đều, tiền đều rơi vào tay của họ nhưng họ lại chẳng chi tiêu là bao so với số đó; chính nó tạo nên những khu công nghiệp tập trung và tình trạng độc quyền ngày càng phát triển mạnh, từ đó kiềm hãm sản lượng sản xuất và dẫn đến việc đầu tư ra nước ngoài nhằm tìm kiếm những mức giá và lợi nhuận cao hơn.
Theo Hobson, cách phân tích trên đã chứng minh rằng những tranh luận về sự hiện hữu tất yếu của chủ nghĩa đế quốc là không có cơ sở, là cái cớ để tự ngụy biện cho riêng mình của những kẻ hưởng lợi từ nó hay của những người cho rằng mình là nạn nhân của nó. Do nhu cầu tiêu thụ không thoả đáng và tiết kiệm quá mức bắt nguồn từ sự phân phối thu nhập không đều, cho nên để lật đổ chủ nghĩa đế quốc thì phải phân phối lại thu nhập. Đề xuất của Hobson về cơ bản rất đơn giản: cải tổ lại xã hội bằng cách lấy tiền người giàu chia lại cho dân nghèo một cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua những chương trình của chính phủ, nhằm nâng cao mức tiêu thụ chung. Khi nhu cầu gia tăng sẽ tạo nên nhiều loại thị trường khác nhau do đầu tư và sản xuất được mở rộng. Ở đó, cung và cầu sẽ được cân bằng. Nạn thất nghiệp và cái nghèo chỉ còn là quá khứ, khi cái rễ chủ nghĩa đế quốc bị chặt đi thì cái cây của nó cũng sẽ chết đi một cách nhanh chóng. Khỏi cần phải nói thì các nhà tư bản và những nhà chính trị của các nước đế quốc cũng không mấy tán đồng với giải pháp mà Hobson đưa ra. Nhưng nó lại nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ công đoàn, từ những phong trào đấu tranh cho quyền lợi công nhân và những "người cộng sản" - những người luôn muốn phân phối lại thu nhập và quyền lực. Hobson xem họ như "những lực lượng nòng cốt chống lại chủ nghĩa đế quốc".
Những người theo chủ nghĩa Marx nhanh chóng tiếp thu những ý mà Hobson phân tích trong đó có hai nhân vật nổi tiếng nhất vào đầu thế kỷ 20 thuộc đảng Bolsheviks của Nga: Nicolai Bukharin (1818-1838) - người viết quyển Chủ Nghĩa Đế Quốc và Nền Kinh Tế Thế Giới, và Vladimir Iiich Lenin (1870-1924) - người đã viết quyển Chủ Nghĩa Đế Quốc: Một Đẳng Cấp Quyền Lực Tối Cao Của Tư Bản Chủ Nghĩa (1916). Mặc dù tác phẩm của Bukharin được đánh giá là hay hơn nhưng nó lại không nổi tiếng bằng tác phẩm của Lenin. Đó cũng là một điều tất nhiên thôi, bởi vì Lenin đang nắm giữ một vị trí quan trọng của Đảng Bolshevik, và bởi vì ông đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập những chính sách đầu tiên cho Sô-Viết và cũng bởi vì ông giữ một vi trí quan trọng trong tư tưởng Marx-Lenin của liên bang Sô-Viết.
Ở Thụy Sỹ năm 1916, khi đang viết quyển Chủ Nghĩa Đế Quốc, Lenin có nói rằng "theo quan điểm của tôi, sau khi đọc kỹ tác phẩm của J.A. Hobson, tôi thấy rằng đây xứng đáng là một tuyệt tác của Anh về vấn đề chủ nghĩa đế quốc". Khi đó giả thuyết Hobson đưa ra là chủ nghĩa tư bản độc quyền và tập trung cần tìm những thị trường mới cho số hàng thặng dư của mình và tìm lối nơi đầu tư mới cho thặng dư tư bản của mình, đối với giả thuyết này, Lenin đưa ra thêm ba quan điểm mới. Thứ nhất, ông chỉ ra rằng tư bản muốn tìm cho mình những nguồn nguyên vật liệu mới với giá rẻ. Thứ hai, trong bài viết vào giữa khoảng thời gian xãy ra đệ nhị thế chiến, ông có nhấn mạnh về sự cạnh tranh quyền lực giữa các nước đế quốc với nhau đã dẫn đến chiến tranh. Thứ ba, không như Hobson, Lenin bác bỏ quan điểm cho rằng cải tổ lại xã hội có thể dẫn đến việc tư bản sẽ ngày càng phát triển thêm và chủ nghĩa đế quốc ngày càng lộng hành hơn.Trước khi đại nhị thế chiến bùng nổ, quan điểm của ông chỉ mang tính giả thuyết, chủ yếu dựa vào hiểu biết bản thân về tham vọng mở rộng quyền lực của tư bản chủ nghĩa. Sau khi những đảng dân chủ xã hội của quốc tế II thất bại khi ngăn chặn chiến tranh thì Lenin mới xem xét đến chứng minh lý thuyết của mình. Cách duy nhất lật đổ chủ nghĩa đế quốc chính là tiêu diệt chủ nghĩa tư bản.
Khi cách mạng bùng nổ tại Nga vào năm tiếp sau đó (1917), Lenin đã chứng minh lý thuyết của mình. Quá chán nản mệt mỏi với cuộc chiến tranh với Đức và tình cảnh bốc lột tại quê nhà, vào tháng 2 năm 1917 công nhân Nga nổi dậy và lật đổ Nga Hoàng. Công nhân Nga lên nắm chính quyền, thiết lập những tổ chức uỷ ban do công nhân điều hành trong các nhà máy, trong quân đội (trong đó họ tự bầu ra lãnh đạo) và thành lập chính quyền XôViết tại các thành phố. Đồng thời các lực lượng dân chủ xã hội thiết lập nên chính phủ lâm thời - nhưng vẫn mang tính chất tư bản do Karensky (1881-1970) lãnh đạo. Lenin và những người thuộc Đảng Bolshevicks xét thấy cách mạng chỉ mới thành công được một nửa, và họ đã đứng lên tổ chức và nắm giữ quyền hành vào tháng 10 cùng năm.
Vào khoảng thời gian giữa cuộc nội chiến - khi đó lực lượng chống đối cách mạng bị đội quân của tư bản phương Tây đẩy lùi (bao gồm cả lực lượng quân đội do chính phủ Mỹ gửi đến) - Lenin đưa ra những chính sách cải cách chuyển nền kinh tế hiện tại của Xô Viết theo hướng ra khỏi chủ nghĩa tư bản. Và dù cho ông thành công hay thất bại thì đề tài này cũng được đem ra bàn luận suốt từ đó. Nhưng một điều chắc chắn rằng: đế chế Nga Hoàng đã mở rộng lãnh thổ sang cả Châu Âu và Châu Á, và Đảng Bolsheviks không thể lật đổ hoàn toàn đế chế này mà còn phải hợp nhất với nó. Trong những năm xảy ra đại nhị thế chiến và đến những năm sau đó, giới lãnh đạo của liên đoàn XôViết vẫn tiếp tục duy trì đường lối cũ, trong đó đáng chú ý là nó thôn tính những quốc gia Đông Âu sau khi đánh bại Đức năm 1945. Tư tưởng "cách mạng" đã thay thế tư tưởng "quyền lực người da trắng[17]" và "định mệnh an bày[18]" nhưng đế chế này vẫn duy trì đường lối chính sách của Liên Ban Xô Viết.
Thorstein Veblen: Từ phê bình tác phẩm đến phê phán đế chế cao hơn của Tư bản chủ nghĩa
Thorstein Veblen (1857-1929) là một kinh tế gia gốc nông dân, là người NaUy-Mỹ, là một trong những nhà phê phán chủ nghĩa tư bản, phê bình kinh tế, bình luận thời cuộc (thời của ông) rất uyên bác và sắc sảo. Những bài viết của ông vào đầu thế kỷ này cũng như trước đó một thập kỷ và cả hai thập kỷ sau đó đều là những bài phê bình rất sắc sảo nhắm vào vấn đề tham vọng và quyền lực và làm sáng tỏ những vấn đề mà các giáo sư kinh tế lớn đã lờ đi. Hơn thế nữa, ông đặc biệt tinh thông tiếng bản xứ của mình, có thể hiểu và sử dụng ngôn từ một cách chính xác. Tài năng của ông có được không chỉ bằng trí thông minh của bản thân mà còn bắt đầu từ cả một kho kiến thức lịch sử nhân loại rộng lớn và những tri thức về nhiều nền văn hoá đa dạng của các quốc gia, chúng đã cung cấp cho ông một cái nhìn tổng thể về chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Giữa Veblen và Marx có nhiều điểm tương đồng, nhưng giữa họ cũng có một số khác biệt đáng kể; Veblen không phải là người theo chủ nghĩa Marx. Chúng ta có thể thấy cả sự giống và khác giữa họ trong chính những tác phẩm của họ. Như chúng ta đã biết, Marx phân biệt giữa đặc tính xa lánh công việc của công nhân dưới chế độ tư bản và năng lực làm việc của họ khi xã hội thoát khỏi sự thống trị của tư bản - ngay cả trong quá khứ hay tương lai. Trong quyển "Tay Nghề Công Nhân Và Sự Chán Ghét Công Việc Của Họ" (1899), Veblen bắt đầu nói từ mối ác cảm đối với công việc vốn rất phổ biến trong những người công nhân mà ông cho rằng nó đã xãy ra vào đầu thế kỷ này ở Mỹ. Công nhân chán ghét công việc của họ và những giai cấp bề trên thì tự cho mình là những người thống trị và ép buộc họ phải làm việc - dù cho có sự mâu thuẫn giữa họ như thế nào đi nửa. Nhưng trong khi Marx nhận thấy rằng sự chán ghét đó bắt nguồn từ đặc tính xa lánh công việc thì Veblen cho rằng theo cảm nhận của ông, thì chính "bản năng tay nghề" của công nhân xuyên suốt trong lịch sử nhân loại đã bị thay thế bởi tính thực dụng nhằm giúp họ có thể bình ổn cuộc sống. Trong thời tư bản đầy tính cạnh tranh thì bằng chứng cho tính thực dụng đó được thể hiện bằng tiền bạc thay vì như ngày xưa là những chiến lợi phẩm, xương sọ hay cờ chiếm được từ kẻ địch bại trận, nhưng những gì đáng tự hào là những gì đạt được chứ không phải là năng xuất. Trong khi chúng ta có thể thấy sự tương đồng giữa đặc tính "ham muốn lao động của công nhân" của Marx và đặc tính "bản năng tay nghề" theo như Veblen định nghĩa, thì Veblen quan tâm hơn về những tính cách không tốt khi đạt được quyền lực và làm thế nào mà những người công nhân cố tranh đua để có được quyền lực, hơn là quan tâm về những tính cách quý báu như biết nhịn nhục khi bị bốc lột.
Đối Veblen, thông qua kích thích sự ganh đua với nhau, thì chìa khoá để ổn định hệ thống xã hội chính là quyền lực kinh tế đối với những công nhân làm việc với đồng lương thấp, từ đó họ có khuynh hướng chống lại bốc lột. Veblen cho rằng, qua sự tiêu thụ phô trương và đưa ra những mặt thuận lợi của việc không chịu làm việc, "giai cấp nhàn hạ" càng kích thích nhu cầu hơn là sự giận dữ. Trong chương 4 quyển Lý thuyết về Giai Cấp Nhàn Hạ, Veblen có giải thích quan điểm của mình về cái mà ông gọi là "sự tiêu thụ gây chú ý[19]". Hãy nhìn lại thực tiễn từ lịch sử - từ thời tiền tư sản, ông cho rằng sự khoa trương cũng như những nổ lực cạnh tranh nhau diễn ra xuyên suốt trong hệ thống giữa các giai cấp xã hội:
"Trong một xã hội hiện đại thì giới tuyến giữa các giai cấp của nó phát triển khá mơ hồ và ngắn ngủi, và dù bất cứ nơi nào tồn tại điều này, định chuẩn về danh vọng do tầng lớp quý tộc đưa ra có khuynh hướng mở rộng những ảnh hưởng mang tính cưỡng ép nhưng không đáng kể lắm của nó đối với những giai cấp thấp nhất thông qua hệ thống cấu trúc xã hội. Kết quả là những thành viên của từng giai cấp đều thừa nhận tư tưởng này của họ, một tư tưởng quy định ra những nguyên tắc cho đời sống của xã hội hiện hành của giai cấp thấp đối với giai cấp cao hơn, và hướng họ sống theo cái tư tưởng đó. Nhưng trong trường hợp họ thất bại, họ đã phải đau khổ vì mất đi cái danh vọng của họ và cả lòng tự trọng của mình, họ phải thay đổi sao cho phù hợp với những quy tắc xã hội, ít nhất cũng là về mặt hình thức.
Cơ sở tạo ra danh vọng trong bất kỳ một xã hội công nghiệp có tổ chức cao nào đi chăng nữa chính là sức mạnh về tiền tài; và những phương tiện để phô bày sức mạnh ấy, và qua đó đạt được danh vọng, chính là sự nhàn rỗi và tiêu thụ hàng hoá đáng gây chú ý."
Mặc dù Veblen nhạo báng kinh miệt tầng lớp tư sản (và những ai cố tranh đua với họ), nhưng sau cùng ông cũng cảm thương cho họ. Bởi do ông xem họ như những kẽ ăn bám chỉ được cái vẻ hào nhoáng bên ngoài nhưng rất vô dụng, những kẽ chỉ biết thu lợi từ những công việc của người khác và rốt cuộc gì thì vị trí ưu tiên của họ trong xã hội cũng sẽ bị người khác thay thế. Và ai sẽ thay thế họ? Câu trả lời là: không phải là giai cấp lao động theo chủ nghĩa Marx, mà chính là những người mà những giá trị và hành vi của họ được thay đổi cho phù hợp để trở thành một lực lượng cơ bản điều hành và có trách nhiệm với sự phát triển của xã hội: "quy trình máy móc". Trong chương 4 quyển "Lý Thuyết về Doanh Nghiệp" (1904), Veblen có giải thích rõ về "quy trình" này và ông cho nó là ngành cơ học rất đơn giản:
"Bất cứ nơi nào mà sự khéo tay, những phương pháp dựa vào thực nghiệm, hay những tình huống ngẫu nhiên được thay thế bằng một quy trình hợp lý dựa trên hệ thống kiến thức của công nhân, thì nơi đó ta có thể tìm thấy ngành cơ khí, thậm chí nơi đó thiếu vắng cả những sáng chế máy móc phức tạp tinh vi. Nó chính là vấn đề về đặc điểm của loại quy trình này chứ không phải là vấn đề phức tạp khi cần phải sáng chế ra máy mới. Những ngành hoá học, trồng trọt, chăn nuôi đều áp dụng những phương pháp đặc trưng hiện đại và đều có mối quan hệ với thị trường, tất cả chúng đều có liên quan đến ngành cơ khí hiện đại"
Do vậy, về lâu dài, những người sắp thay thế những nhà tư bản sẽ là "những công trình sư, kỹ sư cơ khí, nhà hàng hải, nhà khoáng vật học, thợ điện" và vân vân…
Tuy nhiên, về ngắn hạn, những tham vọng lợi nhuận của những nhà tư bản thông qua bốc lột và cạnh tranh càng kích thích quyền lực thống trị của những lực lượng lỗi thời như chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh. Trong chương cuối quyển Lý Thuyết về Doanh Nghiệp, ông có viết: "những chính sách hiện đại mang tính hiếu chiến là mang đến hòa bình cho con người, miễn là họ biết mưu cầu kinh doanh một cách có thứ tự." Ông nói rằng "những mưu cầu đó không chỉ mang lại lợi nhuận, mà còn giúp hiệu chỉnh lại 'tình trạng náo động trong xã hội' cũng như sự xáo trộn trong cuộc sống văn minh này". Phân tích của Veblen về động lực phục hồi chủ nghĩa ái quốc hiếu chiến và sự thay thế quyền tự do công dân sẽ mang đến những lợi ích cho những ai đã và đang theo những chính sách cải cách trong nước và ngoài nước của Mỹ sau ngày 11 tháng 9 năm 2001. Ông cho rằng vấn đề duy nhất của những nổ lực này là những mặt về văn hoá của những hình thái cổ xưa từ thời ăn lông ở lỗ không nhất quán với nhau - không chỉ với nhu cầu về "quy trình máy móc" (một quy trình ngày càng tỏ ra quan trọng đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản) mà còn với nhu cầu kinh doanh.
"Những tính cách thô lỗ man rợ của lòng trung thành và chủ nghĩa ái quốc diễn ra xuyên suốt trong những triều đại bốc lột con người và củng cố quyền lực, và những tính cách từ thời xa xưa này không mất đi. Trong những xã hội hiện đại ngày nay, những ai mà trái tim của họ vẫn đập cùng nhịp với thị trường thới giới, thì họ thể hiện lòng nhiệt thành của mình bằng cách mở rộng ngành thương mại dưới tư cách là những nhà doanh nghiệp quốc dân. Nhưng một khi chính sách kinh doanh mang tính hiếu chiến được thiết lập ra vì mục đích kinh doanh, thì lòng trung thành dần chuyển từ những ích lợi kinh tế sang ích lợi của triều đại và sự hiếu chiến đó, ví dụ từ những bằng chứng lịch sử như chủ nghĩa đế quốc Đức và Anh. Hậu quả sau cùng là làm hồi sinh lại sự oán hận của những người yêu nước xa xưa và lòng trung thành đối với triều đại mà bỏ qua những ích lợi về kinh tế. Điều này dễ dàng thực hiện khi những người kinh doanh chịu hy sinh phần lợi nhuận của mình cho nhu cầu về đời sống chính trị cao hơn này"
Do vậy, Veblen nhận thấy rằng kinh doanh bị tấn công dồn dập bởi cả hai, một bên là cải cách "những quy trình máy móc" không ngừng, quy trình mà dẫn đến sự sụp đổ của những nhà tư bản và được thay thế bằng đội ngũ những cá nhân ưu tú như các nhà khoa học (điển hình như Saint-Simon), còn một bên là những hành vi suy thoái có từ thời xa xưa đuợc giữ lại từ xưa để đat được những mục tiêu riêng của nó. Trong những bài viết sau này của ông, cũng giống như Heilbroner đã từng đề cập, Veblen cho rằng khoa học và kỹ thuật và những người phụ trách chúng rốt cuộc rồi cũng sẽ chiến thắng.

[1] Utopian Socialists
[2] Utopias
[3] City of God
[4] Looking backward
[5] News from Nowhere
[6] A Modern Utopia
[7] Observations on the Effect of the Manufacturing System
[8] Council of Newton
[9] Cũng nên lưu ý xem tại sao các Linh Mục và cha đạo lại đấu tranh cho người nghèo, cũng như Cộng Sản đấu tranh cho tần lớp công nhân bị bốc lột, cũng là người nghèo.
[10] Father of technocracy
[11] Estranged Labour
[12] The Capital
[13] Labor theory of value
[14] Subsistence
[15] Business cycle
[16] The tendency of the rate of profit to fall
[17] White man's burden
[18] Manifest Destiny
[19] Conspicous Consumption

Copyright (c) 2006 by kinhtehoc.com