Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Cơ hội dành cho các bạn trẻ luôn hiện diện ở khắp mọi nơi - AlanPhan

“Đừng sợ thất bại” là lời khuyên mà Tiến sĩ, doanh nhân lớn Việt kiều Mỹ Alan Phan gửi đến thế hệ trẻ trên con đường tìm kiếm sự thành công. Hiện ông đang được giới trẻ chú ý qua những bài viết và phân tích sâu sắc của mình về kinh tế – xã hội cũng như con người.”

Điều đó được thể hiện qua những thảo luận sôi nổi tại trang blog www.gocnhinalan.com của ông.

Bay Vút đã có dịp phỏng vấn Tiến sĩ Alan Phan về một số vấn đề liên quan đến người trẻ nhân dịp ông trở về Việt Nam.

“Tôi trở về Việt Nam đầu tư không mang nặng tính tiền bạc mà phần nhiều vì tình cảm. Tôi muốn chia sẻ đến các bạn trẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như các góc nhìn của tôi để họ có thêm những tư duy và góc nhìn mới cho cuộc đời của mình”, Tiến sĩ Alan Phan chia sẻ.

Bay Vút: Mặc dù thời tuổi trẻ của ông với thế hệ trẻ ngày nay có những khác biệt rất lớn nhưng xin ông cho biết một số điểm chung nhất định giữa hai thế hệ?

TS. Alan Phan: “Mẫu số chung giữa thời tuổi trẻ của tôi và các bạn trẻ bây giờ đó là có năng lực tràn trề, những suy nghĩ khá ngây ngô và nhiều lý tưởng rất ‘hoang tưởng’. Tuy nhiên, điểm chung lớn nhất mà ở mọi thời thế đều có là cơ hội dành cho các bạn trẻ luôn hiện diện ở khắp mọi nơi, vấn đề là họ có nhìn thấy và nắm bắt được nó hay không”.

“Còn cái khác biệt là thời bây giờ, con người ít phải âu lo về những chuyện no, đói hay chiến tranh. Thêm vào đó, cuộc cách mạng Internet đã giúp người trẻ có được những kho tàng kiến thức 24/7 với tốc độ của ánh sáng”.

Bay Vút: Suy nghĩ cũng như góc nhìn của ông đều rất trẻ và tràn đầy năng lượng. Ông có thể chia sẻ về bí quyết này?

TS. Alan Phan: “Đó là bản chất của mỗi con người. Như trong một bài viết, tôi có nhắc tới những người mới ngoài 20 tuổi nhưng đã già như cụ ông, sẵn sàng về hưu, suốt ngày chỉ muốn đi nhậu hay đi café ‘chém gió’. Đi làm thì chỉ muốn yên thân, kiếm vài ba đồng đưa vợ con cho qua chuyện. Dĩ nhiên, chưa chắc họ đã sai hoặc tôi đã đúng. Với họ, có thể đó là một đời sống hạnh phúc rồi”.

“Còn triết lý sống của tôi là cuộc đời như một cuộc phiêu lưu, một hành trình mà trên con đường đi mình sẽ gặp những niềm vui, những khó khăn, tất cả đều mang cho mình những cảm xúc mới mẻ. Tôi phải luôn hành động chứ tìm một góc nhỏ nào đó để an bình nghỉ hưu thì đấy không phải là bản chất của tôi”.

“Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng tươi trẻ như thế. Tôi cũng chịu đựng những mệt mỏi và đôi khi tự hỏi sao mình phải khổ vậy? Nhưng cuối cùng, bản chất năng động trong con người lại thắng thế. Đành biện hộ là vài ba chục năm nữa, tôi sẽ nằm sâu dưới sáu tấc đất rồi, lúc ấy tha hồ được yên thân nghỉ ngơi”.

Bay Vút: Có một câu nói được ông ưa thích, đó là: “Tất cả bắt đầu từ suy nghĩ”. Tuy nhiên, để có được suy nghĩ tốt thì phải có sự giáo dục tốt và nền giáo dục dành cho người trẻ hiện nay vẫn chưa được tốt lắm. Vậy theo ông, để suy nghĩ tốt thì họ nên bắt đầu từ đâu?

TS. Alan Phan: “Mình có thể đổ lỗi cho ngày hôm qua nhưng không thể đổ lỗi cho ngày hôm nay và tương lai. Có thể người trẻ chưa được hưởng một nền giáo dục không tốt, họ sinh ra trong một môi trường mà sự vô cảm càng ngày càng gia tăng và đôi khi thiếu cả sự dạy dỗ đúng đắn của gia đình nhưng đó là những chuyện đã qua”.

“Ngày hôm nay là một ngày mới. Những việc mình làm hôm nay và trong tương lai hoàn toàn nằm trong tay mình, cái tư duy mới của mình phải bắt đầu từ ngay bây giờ. Và bắt đầu như thế nào thì thực tình nền giáo dục qua Internet ngày nay phong phú vô cùng. Vấn đề là lựa chọn những gì mình thích và ứng dụng triệt để trên con đường mình đã chọn”.

“Nhiều người cũng hỏi làm sao để bắt đầu? Đơn giản nhất là vào Google và tìm hiểu hàng triệu kiến thức trong đó. Cốt lõi của vấn đề là khả năng chọn lựa và chấp nhận của các bạn. Đừng đổ thừa cho giáo dục hay cho quá khứ”.

Bay Vút: Rất nhiều người trẻ đọc những điều ông viết ra trên blog. Giả sử họ làm theo lời khuyên của ông và gặp thất bại thì ông sẽ nói gì với họ?

TS. Alan Phan: “Đừng sợ thất bại, đó là kinh nghiệm của đời tôi. Càng nhiều thất bại thì càng đến gần thành công lớn hơn. Sau mỗi lần thất bại, tôi thường bùng lên khá hơn lúc trước vì được tôi luyện mạnh hơn. Hãy coi thất bại như một người bạn, một người thầy để dạy mình”.

“Khi người ta coi thất bại là kẻ thù thì thất bại sẽ theo đuổi bạn hoài. Thực ra, những gì tôi viết chẳng phải là lời khuyên, đó chỉ là những suy nghĩ, trải nghiệm cá nhân. Tôi không bao giờ khuyên hay bảo người khác phải làm gì cho đời mình. Mỗi người tự do lựa chọn một lối sống”.

Bay Vút: Sự thay đổi luôn cần một đích đến và một hệ quy chiếu để so sánh. Nếu như giới trẻ Việt Nam hiện nay cần sự thay đổi lớn về mặt tư duy thì cái đích đến và hệ quy chiếu so sánh ấy là gì, thưa ông?

TS. Alan Phan: “Cái đích đến của mỗi cá nhân đều từ bản chất riêng. Bạn muốn đi đến đâu, làm cái gì thì bạn phải tự suy xét, định đoạt và chấp nhận hậu quả. Sự thay đổi theo chiều hướng nào, việc muốn loại thải hay thu nạp cái gì thì mỗi người phải tự biết. Không ai có thể nói hay làm thay bạn được”.

Bay Vút: Ông cảm thấy thế nào khi hiện nay sách cũng như blog của ông thu hút được nhiều bạn đọc?

TS. Alan Phan: “Đối với người viết thì càng có nhiều người đọc, họ càng có hứng thú và khích lệ cho sự cố gắng của mình. Tuy nhiên mình cũng đừng nên nghĩ đó là một cái gì quan trọng hay ghê gớm. Có một bài tôi viết trên Vietnamnet được hơn 22.000 người đọc. Tôi mới hỏi lại Vietnamnet là bài nào có nhiều người đọc hơn? Họ cho biết là bất cứ cái bài nào liên quan tới Cường Đôla với Hồ Ngọc Hà thì trung bình có tới sáu trăm nghìn người đọc”.

“Thành ra mình phải hiểu rõ vị trí nhỏ nhoi của mình trong xã hội. Chỉ có một số ít lượng người quan tâm đọc những gì mình viết đã là niềm vui rồi”.

Bay Vút: Ông từng là giáo sư thỉnh giảng tại các trường đại học Mỹ và Trung Quốc. Trong tương lai, ông có nghĩ tới việc sẽ làm công việc này tại các trường ĐH Việt Nam không?

TS. Alan Phan: “Tôi đã bỏ dạy từ lâu rồi. Cách đây khoảng 10 năm tôi dạy ở hai đại học ở Thượng Hải. Theo tôi, các sinh viên Châu Á rất thụ động. Có lẽ vì nhiều giáo sư Châu Á lên giảng đường ‘thao thao bất tuyệt’ trong khi sinh viên ở dưới cứ cắm cúi ghi chép”.

“Cách dạy của tôi khác hơn. Tôi cho sinh viên đọc trước các bài ở nhà, hy vọng họ nắm được vấn đề. Khi vào lớp tôi dành khoảng 15 phút để điểm lại một vài vấn đề quan trọng hay những gì họ chưa hiểu. Thời gian còn lại tôi muốn họ đứng lên bàn cãi, thảo luận những gì họ đã đọc”.

“Tôi muốn họ phản biện lại những gì đã đọc vì chưa chắc các tác giả hay tôi đã đúng nhưng đáng tiếc là các cuộc thảo luận hầu như chưa bao giờ xảy ra vì sinh viên lười biếng đọc trước và chỉ thích ngồi im. Thành ra tôi cảm thấy hụt hẫng, cứ phải độc thoại. Sau một thời gian, tôi chán không muốn dạy. Ngoài ra, đến kỳ thi thì chấm bài toàn thấy ‘copy’ với ‘paste’ từ Google nên tôi nghĩ sự đóng góp của tôi cho giáo dục có lẽ không hiệu quả”.

Bay Vút: Một câu hỏi cuối liên quan đến cá nhân ông. Theo ông chia sẻ thì hạnh phúc đối với mình là sự tự do. Vậy sống ở Việt Nam ông có cảm thấy hạnh phúc không?

TS. Alan Phan: “Cái tự do tôi muốn nói là tự do về suy nghĩ, về phát ngôn, về quyền yêu và ghét… Một thứ cũng rất quan trọng là tự do về những lo lắng tiền bạc, muốn làm gì thì làm, kể cả những điều ngu xuẩn”.

“Ở đây, môi trường hơi khép kín nên mỗi lần tôi muốn tìm tự do hoàn toàn thì phải bay sang Thái Lan hay Singapore. Tuy nhiên, thực tình, Việt Nam cũng là một nơi ‘okie’ để sống. Có thể nói cả thế giới là một ‘nhà tù’ nhưng nếu được sống trong một ‘nhà tù’ rộng rãi như thế giới thì cũng thoải mái rồi”.

Nhuệ Giang thực hiện

Bài đăng trên bayvut.com.au ngày 22/11/2011

Niềm tin tìm lại

Niềm tin mà tôi tưởng đã mất lại le lói hiện ra trên một cánh đồng nhỏ vùng Trà Vinh trong những tâm hồn nhân hậu, tử tế không bị ô nhiễm bởi những suy đồi của xã hội bao quanh. Chúng ta còn hy vọng, thì định mệnh quê hương còn thay đổi.


Là một người luôn tin vào thế mạnh của doanh nghiệp tư nhân trong việc xây dựng nền kinh tế quốc gia, mỗi lần về lại quê hương là tôi thắp đuốc đi tìm các doanh nhân, đại gia Việt thành công để nhận lãnh những bài học mà tôi nghĩ là thực tiễn cho thế hệ sau này. Có rất nhiều tấm gương thành công của Việt kiều tại Âu, Mỹ, Úc…nhưng tôi muốn nhìn thấy tận mắt một đặc sản “made in Vietnam”.

Tôi không lưu tâm đến lãnh vực doanh nghiệp nhà nước. Các vị quản lý này thường được bổ nhiệm do những liên hệ, gốc rễ không rõ ràng và kết quả kinh doanh của họ đã thể hiện khả năng thực sự với những tỷ số tài chánh yếu kém như mức hòan trái trên vốn , doanh thu trên tài sản , hay doanh thu và lợi nhuận của mỗi nhân viên. Vẫn có những ngoại lệ, nhưng nếu phân khúc công của nền kinh tế hoạt động hữu hiệu và sắc bén thì Liên Bang Xô Viết và Trung Quốc đã làm bá chủ thế giới cách đây vài chục năm trước. Cha chung vẫn không ai khóc.

Trong khi đó, những doanh nhân đang điều khiển các bộ máy quản lý doanh nghiệp tư chưa chứng tỏ được khả năng cạnh tranh của mình theo tiêu chuẩn quốc tế. Hơn 80 đại gia tôi gặp trong 4 năm qua đều chia sẻ một mẫu số chung: họ rất năng động, khôn ngoan, thông minh, liều lĩnh, thủ đọan, kiên trì và gỉỏi ứng biến. Họ biết rất rõ về những trung tâm quyền lực và có liên hệ mật thiết với mọi quan chức còn quyền. Họ đã dựng nên những gia tài đáng kể nhờ biết lợi dụng khe hờ luật lệ, chiếm đăc quyền, đặc lợi trong mọi bối cảnh phức tạp và vượt xa đám đông với tài năng đặc thù này.

Tuy vậy, họ đều hiểu rằng khi ra khỏi sân chơi nhà, những lợi thế cạnh tranh nói trên sẽ bốc hơi và sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp họ sẽ ế ẩm so với đồng nghiệp. Ngay cả những công ty công nghệ thong tin (IT) hàng đầu của Việt Nam cũng không đưa ra thị trường đặc sản nào sáng tạo. Các công ty này thành công ở Việt Nam nhờ làm đại diện cho những công ty đa quốc hay có những hợp đồng béo bở với chánh phủ.

Có thể nói là tôi khá bi quan trước khi đặt chân đến Trà Vinh và đi thăm nhà máy của Mỹ Lan. Vợ chồng anh chị Ngyễn Thành Mỹ, Việt kiều từ Canada, đã bỏ ra 6 năm và 1 triệu dollar để tạo dựng công ty này. Thành quả sau cùng là một doanh nghiệp mà tôi vẫn mơ ước vì chính cá nhân mình, sau 42 năm làm ăn khắp thế giới, cũng không thể thực hiển nổi.

Tôi vẫn thường “dạy” các doanh nhân trẻ và các sinh viên đại học về bốn nhân tố tôi cho là cần thiết cho sự thành công:
  • (a) sản phẩm có công nghệ hay cá tính đăc thù để tạo một mức lợi nhuận cao;
  • (b) đội ngũ quản lý bài bản và quan tâm đến phúc lợi của nhân viên;
  • (c) doanh thu bền vững và dòng tiền lưu chuyển mạnh;
  • (d) và trên hết, một tầm nhìn và tư duy sáng tạo, lâu dài cho doanh nghiệp.
Vượt biên và định cư tại Canada vào năm 1979 với hai bàn tay trắng, anh Mỹ đã phải làm bồi bàn, phụ bếp trong suốt 10 năm để có tiền đi học. Anh đậu Tiến Sĩ về hóa học và đi làm cho IBM, Polycom-Kodak thêm 7 năm trước khi vay tiền ra lập công ty riêng. Lơi thế cạnh tranh của anh là những công trình nghiên cứu, bằng sáng chế anh thu nhận sau hơn 20 năm. Dù vậy, anh cũng trải qua bao thăng trầm như nhiều doanh gia khác. Mãi đến 2004, công ty anh mới có chút ổn định và khi về thăm quê ở Trà Vinh, anh nảy sinh ý định thiết lập công ty tại quê nhà như một bày tỏ tri ân.

Khi tôi nhìn 4 khu nhà máy khang trang với 40,000 mét vuông đã xây dựng trong một công viên rộng hơn 20 hectares, tôi mới thấy công phu anh to lớn thế nào, nhất là khi anh kể lại chuyện khởi nghiệp với vài chục công đất ruộng ngập nước anh đã thuê. Lo cho môi trường, anh xây nhà máy xử lý nước thải trước. Hai ấn tượng để tôi kính phục khi thăm nhà máy: đây là nhà máy sạch nhất thế giới (chỉ nhìn tất cả các nhà vệ sinh cho nhân viên sạch thơm như ở một khách sạn 5 sao); và cách gây dựng cho mọi nhân viên một tư duy sống và làm việc như đang ở tại một quốc gia tiền tiến (các anh chị em phần lớn đến từ các gia đình nông dân quanh đồng bằng Cửu Long).

Mô hình kinh doanh của nhà máy là khai thác công nghệ nano để xuất khẩu các lọai polymer linh động trong ngành in nhiệt CTP với những laser hồng ngoại hay tử ngoại. Đặt tại môi trường thôn quê cách tỉnh Trà Vinh 15 cây số, nhà máy như một ốc đảo huyền thọai của Dr. No trong cuốn phim cùng tên của điệp viên James Bond 007.

Hiện nay, với hơn 530 nhân viên, doanh thu của nhà máy chỉ 12 triệu dollars (hơn 70% xuất khẩu) nhưng lợi nhuận lên đến 3 triệu dollars. Trên hết, lương nhân viên cao hơn lương tại các thành phố lớn, cùng với cơ hội thăng tiến tràn ngập vì những khóa đào tạo liên tục của công ty. Công viên nhà máy nhiều cây xanh hơn những khu du lịch sinh thái mà tôi đã đi qua. Quỹ Jaccar của Pháp đầu tư 12 triệu dollars để chiếm 30%, cho công ty một thị giá hơn 40 triệu dollars. Công ty không có một khỏan nợ ngân hàng nào. Các tình trạng kinh tế vĩ mô hòan tòan không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Với 1 triệu dollar và không một thế lực nào “chống lưng”, anh chị Mỹ đã kiếm được rất nhiều tiền cho mình, mọi người liên quan và cả tỉnh Trà Vinh. Chúng ta cần khỏang 1,000 anh chị Mỹ khắp Việt Nam để đất nước bắt kịp đà tiến của nhân loại.

Đêm về, trong buổi trò chuyện với anh chị Mỹ và một số nhân viên quản lý trẻ (không ai trên 30 tuổi), chúng tôi nói về giả thuyết “tư duy quyết định định mệnh” của con người cũng như của doanh nghiệp và ngay cả của quốc gia. Tôi xác định lại niềm tin sâu xa của tôi vào con người Việt, như tôi đã tin vào chị Gấm (bài Niềm Tin Vào Con Người Việt của tôi) , như tôi đã tin vào đám thuyền nhân trôi dạt khắp xứ người với hai bàn tay trắng, như tôi đang tin vào thế hệ trẻ hiện nay đang dò dẫm tìm lối thóat trong giông bão; và như tôi vẫn còn tin vào một phép lạ nào đó ở giờ thứ 25.

Niềm tin mà tôi tưởng đã mất lại le lói hiện ra trên một cánh đồng nhỏ vùng Trà Vinh trong những tâm hồn nhân hậu, tử tế không bị ô nhiễm bởi những suy đồi của xã hội bao quanh. Chúng ta còn hy vọng, thì định mệnh quê hương còn thay đổi.

(Bài đã đăng trên tuần báo Doanh Nhân Cuối Tuần số 419 ngày Thứ Sáu 2/9/2011)

Chi tiết về công ty: www.mylangroup.com

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ. Email của ông làaphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com

T/S Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA

Hai mươi câu hỏi dành cho TS. Alan Phan

Gặp gỡ và Đối thoại thứ Năm tuần, này, Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc phỏng vấn chớp nhoáng của tờ Young Entrepreneur, đại học Pennsylvania với TS. Alan Phan.LTS: Tiến sĩ Alan Phan- cựu sinh viên của Penn State (Hoa Kỳ), là một doanh nhân kiêm quản lý quĩ đầu tư. Trong số các thành tựu của ông là tập đoàn Hartcourt, công ty Internet hàng đầu tại Trung Quốc có trị giá 700 triệu USD vào năm 2001 và quĩ Viasa tại Hồng Kông, với tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn cổ phần (ROE) ấn tượng – 42% vào năm 2006.

Young Entrepreneur: Lời khuyên ông muốn chia sẻ với các doanh nhân mới?

Tiến sĩ Alan Phan: Kiểm tra sức khỏe: cả thể chất và tâm thần.

Điều gì mỗi doanh nhân cần phải luôn nhớ?

Không bao giờ để cho cạn tiền.

Kẻ thù tồi tệ nhất của doanh nhân?

Bản thân anh ta. Không ai có thể phá hoại chuyện làm ăn nhanh hơn chính bản thân mình.

Một kinh nghiệm mà mỗi doanh nhân cần phải biết?

Thất bại.

Lời khuyên dành cho những người mới giàu?

Mọi thứ đều thay đổi.

Còn lời khuyên dành cho những người đã giàu?

Cảm tạ thượng đế.

Làm thế nào để giữ được bầu nhiệt huyết?

Thay đổi suy nghĩ. Hành động.

Chiến lược tốt nhất trong cạnh tranh?

Luôn tạo sự bất ngờ.

Lời cuối cho một doanh nhân đang gặp khó khăn?

Giữ niềm tin. Đã đi ắt sẽ đến.

Trở ngại lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu?

Các Chính phủ.

Những cá tính dẫn tới thành công cho ông?

Tính kiên trì.

Thần tượng của ông là ai, và tại sao?

Hugh Hefner, người theo đuổi triết lý sống của bản thân và cho dù đã cực kì giàu có thì ông vẫn là chính mình. (Hefner là sáng lập viên tạp chí Playboy vào 1960 và được coi là ông tổ của cuộc cách mạng sex tại Mỹ và Âu châu)

Điều ngu ngốc nhất mà ông đã làm?

Mua một đồn điền cà phê ở Costa Rica vì tôi thích cà phê và Costa Rica? À, không, có lẽ là việc kết hôn.

Điểm không lường trước được của sự thành công?

Chịu trách nhiệm cho rất nhiều người.

Lúc này ông đầu tư tiền ở đâu?

Vàng.

Tài sản quý giá nhất của ông?

Những đứa con trai.

Cách trả thù hay nhất?

Sống khỏe mạnh và giàu có hơn đối thủ.

Điều gì khiến ông dị ứng nhất?

Sự ngu xuẩn.

Và ông muốn ghi gì trên bia mộ?

Tên “khốn khiếp” này tồn tại lâu hơn hết.

Thu Hà dịch theo Young Entrepreneur của Pennsylvania State University

Young Entrepreneur

Bài học từ Gary - AlanPhan

“Bài học từ Gary” có thể ứng dụng qua nhiều khía cạnh với các bạn trẻ đang tìm việc làm hay các doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng trong cơn bão năm Thìn này. Căn bản của bài học là hai nguyên lý: (a) chăm chú đến giải pháp, không phải vấn đề và (b) nếu biết sáng tạo, chúng ta sẽ tìm giải pháp cho mọi vấn đề.

Tôi quen Gary Woodworth khi ông bước vào cửa hàng bán vật dụng thể thao của người em họ, Tuấn, ở Van Nuys, California. Qua Mỹ năm 1975, Tuấn đi làm bảo vệ được 4 năm, bị đuổi vì ngủ với cô quét dọn văn phòng. Anh chạy ngược xuôi, vay mượn bạn bè bà con, cùng với tiền tiết kiệm cá nhân, hơn 250 ngàn đô la để mở tiệm bán lẻ. Tôi cũng là một nạn nhân bất đắc dĩ.

Hai năm đầu, cửa hàng sống chật vật nhưng cũng có khách và theo ngạn ngữ của Mỹ, Tuấn “giữ được đầu mình khỏi mặt nước” (keep his head above water). Anh còn quay về sở cũ, tán một cô lao công Mễ khác, và cưới cô này đem về phụ trông coi tiệm. Nhưng ảnh hưởng của trận suy thoái 1981- 1983 bắt đầu lan rộng, và tiệm vật dụng thể thao của Tuấn suy sụp. Chi phí và tiêu xài cho gia đình ăn vào vốn và Tuấn mời tôi lên tiệm tư vấn cho anh về thủ tục phá sản. Tôi có thừa kỹ năng vì đang chuẩn bị “đắp chiếu” cho dự án bất động sản của mình bên Arizona.

Gary và giải pháp miễn phí

Gary tươi cười khi bước vào chào hỏi chúng tôi, đang ủ rủ như hai con mèo chết. Khoảng hơn 50 tuổi, áo quần bảnh bao, Gary giống như một thương nghị sĩ với mái tóc trắng và phong cách lịch lãm. Nghĩ Gary là một nhân viên bán hàng từ Nike hay Reebok gì đó, Tuấn bỏ đi uống cà phê, nhờ tôi tiếp dùm.

Gary nói hôm nay là ngày may mắn của ông. Tôi có giải pháp cho vấn đề của ông và ông không phải tốn 1 đồng xu nào. Tôi điện thoại cho Tuấn về ngay vì không một ông chủ doanh nghiệp nào lại có thể bỏ qua một đề nghị hào hứng đến vậy. Đề nghị của Gary rất đơn giản, “ Bổ nhiệm tôi làm quản lý cửa hàng này. Tôi không lãnh lương và cứ mỗi tháng, tính sổ và chia cho tôi 25% số tiền lời của cửa hàng. Tôi cũng được quyền mua lại 30% tổng số cổ phiếu của công ty với giá vốn (book value) trong 2 năm tới. Các ông đang lỗ, chắc chắn không mất gì trong phi vụ này”.

Tuấn đồng ý và Gary bắt đầu ứng dụng nghệ thuật sáng tạo về tiếp thị với các hoạt động hàng ngày. Gary đi tiếp xúc các câu lạc bộ thể thao trong vùng, từ các đội bóng chày nhỏ của trẻ em đến các sân golf, tennis, polo…của các người giàu. Ông còn lập ra chương trình trả hoa hồng cho các người “giới thiệu” và các khách hàng lớn. Ông cũng cất công đi liên tục tìm các nhà tài trợ cho các chương trình thể thao ông sáng lập. Sau 2 tháng, cửa hàng có lời và thu nhập của Gary gia tăng đều đặn. Một năm sau, ông mua lại 30% công ty và 3 năm sau, ông làm chủ 100%. Tuấn ôm được mớ tiền, đi xuống Mexico mở quán bar, tìm thêm vài cô vợ Mễ. Mọi người vui vẻ.

Sáng tạo vì hoàn cảnh

Sau này, những khi ngồi tâm sự riêng với nhau, Gary mới kể cho tôi thêm về nhiều mẩu chuyện khác của đời ông. Sinh ra trong một gia đình thật nghèo ở Arkansas vào thời sau Đại Suy Thoái của Mỹ, ông phải bỏ học từ lớp 7 để giúp cha mẹ nuôi 8 đứa em. Ông làm đủ mọi nghề và chưa bao giờ thất nghiệp một ngày nào, dù không có một học thức hay bằng cấp chính thống nào . Bí quyết của ông là tìm hiểu thật rõ về vấn đề người chủ doanh nghiệp đang đối diện và tìm một giải pháp thỏa đáng trước khi tiếp cận.

Gary nói,” Tôi thấy các bạn trẻ cũng như già đi tìm việc thật buồn cười. Doanh nghiệp đang thua lỗ, trên đường phá sản, muốn đuổi hết nhân viên chưa xong, mà họ lại mở miệng hãy cho tôi một việc làm, trả lương tôi hàng tuần và may ra, tôi có thể giúp. Thay vì giải pháp, họ đề nghị thêm một vần đề mới cho doanh nghiệp? Nhân viên cũ cũng không khá gì hơn. Họ áp lực mọi cách để hưởng thêm quyền lợi bất chấp sự suy sụp của công ty.”

Dĩ nhiên không phải lúc nào Gary cũng thành công với giải pháp đề nghị. Nhiều lần ông cũng mất trắng nhiều thì giờ không lương bổng, hay phạm những sai lầm gây khó thêm cho doanh nghiệp. Nhưng ông ta hãnh diện nói với tôi rằng trong suốt 40 năm bôn ba trong thương trường, ông đã tạo nên vài sự nghiệp đáng kể lên đến cả chục triệu đô la.

Khi cha mẹ mất sớm trong một tai nạn xe cộ, ông mới 19 tuổi. Không muốn sở An Sinh Xã Hội bắt các em đi giao cho các gia đình giàu có, ông làm giả hồ sơ thu nhập và giấy khai sinh của mình để anh em vẫn được đoàn tụ bên nhau (Bên Mỹ, các trẻ em dưới 18 tuổi không có cha mẹ và thu nhập thường được Sở An Sinh đem về chăm sóc để sau đó tìm một gia đình giàu có, ổn định nhận nuôi lại các em).

Ông kiêu hãnh vì đã dùng sức mình nuôi 8 đứa em đi học thành tài, cũng như 3 đứa con sau này. Khi ông qua California gặp chúng tôi, ông vừa mất vợ vì bệnh ung thư và gần 1 triệu đô khi tiền bệnh viện vượt quá số tiền bảo hiểm chi trả. Ông đã bỏ ra hai tuần để điều nghiên cửa hàng của chúng tôi và tìm giải pháp qua các chi tiết số liệu ông thu thập từ khách hàng và thư viện.

Cơ hội khắp nơi cho con người sáng tạo

Lần chót tôi gặp Gary cách đây 8 năm. Dùng phương pháp sáng tạo như đã đề nghị với chúng tôi, ông mua lại một công ty công cộng đang thua lỗ; cũng trong ngành phân phối dụng cụ và đồ thể thao. Ông gia tăng giá trị với những chiêu tiếp thị độc đáo và làm giàu cho mọi cổ đông, nhất là cá nhân ông. Ông nằng nặc mời tôi xuống chiếc du thuyền nhỏ của ông, chạy một vòng vịnh Los Angeles, và xin lỗi về sự khoe khoang này. Ông giải thích “tôi bận quá, mua xong thuyền, không có thì giờ khoe, lấy gì hưởng thụ?”

Sau đó vài năm, ông gởi tôi một Email, nói vừa mua lại một khu nghỉ dưỡng ở Belize cũng bằng phương pháp sáng tạo, không tiền mặt…và sống đời thoải mái trong hưu trí.

Nhu cầu của doanh nghiệp Việt

“Bài học từ Gary” có thể ứng dụng qua nhiều khía cạnh với các bạn trẻ đang tìm việc làm hay các doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng trong cơn bão năm Thìn này. Căn bản của bài học là hai nguyên lý: (a) chăm chú đến giải pháp, không phải vấn đề và (b) nếu biết sáng tạo, chúng ta sẽ tìm giải pháp cho mọi vấn đề.

Tôi tin rằng bất cứ doanh nhân nào có ít nhiều thông minh và khôn khéo kiểu Gary có thể mua lại và sở hữu bất cứ một công ty nào đang gặp khó khăn trầm trọng nếu chúng ta biết thiết kế một giải pháp khả thi không tốn kém gì cho doanh nghiệp. Đó là tư duy và hành xử hợp thời nhất vào giai đoạn này cho các nhà quản lý cũng như các chủ doanh nghiệp. Với những đầu óc thâm sâu, đây là những cơ hội M&A thật tuyệt vời. Đừng mong chờ hay tin vào một gói kích cầu của chánh phủ hay các giải pháp từ quan chức hay chuyên gia trong tháp ngà.

Milan Kundera, văn hào của Czech, có thể hơi phấn khích khi ông tuyên bố là …”doanh nghiệp chỉ có 2 nhiệm vụ: tiếp thị và sáng tạo” (Business has only two functions – marketing and innovation); nhưng chắc Gary sẽ hoàn toàn đồng ý.

T/S Alan Phan

12/May/2012

Alan Phan dạy con khó hơn điều hành doanh nghiệp

Có thể gọi ông là triệu phú Việt kiều, cũng có thể chẳng cần quan tâm đến điều đó, vì Alan Phan nói rằng, lúc hết tiền cũng như có tiền, ông thấy không có gì khác nhau lắm. Chia sẻ với VietNamNet về chuyện con cái, Alan Phan bảo: “Khi làm ăn thua cuộc, tôi thường nói “mình ngu rồi, làm lại thôi”. Nhưng dạy con thì khó hơn chục lần điều hành doanh nghiệp, và đau đầu hơn nhiều vì không thể “làm lại được”.
TS Alan Phan: “Dạy con khó hơn chục lần điều hành doanh nghiệp, và đau đầu hơn nhiều vì không thể “làm lại được”.


TS Alan Phan nhắc đi nhắc lại với phóng viên rằng, ông không có ý khuyên bảo gì trong vấn đề dạy con, vì mục tiêu của mỗi cha mẹ rất khác nhau. “Tôi không phải là nhà giáo dục, không phải là chuyên gia về dạy con hay người có thẩm quyền nói về đề tài này chuyên sâu”, ông nói.

Dạy con phụ thuộc hên xui!

Phóng viên: Nhưng thưa ông, dù không phải là chuyên gia dạy con thì ông vẫn là người cha của hai thanh niên có thể gọi là rất thành công trên con đường các con ông đã chọn bên Mỹ. Người con lớn là công tố viên cho tiểu bang Califorlia. Người con thứ hai làm khoa học gia cho Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ông từng chia sẻ rằng:“Các con tôi đã chọn các nghề mà chúng thích đó là một điều mà tôi rất hãnh diện. Dù là các con tôi không làm doanh nhân, không kiếm được nhiều tiền nhưng chúng rất hạnh phúc với sự lựa chọn đó.” Theo ông, có những yếu tố nào lớn ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái?

TS Alan Phan: Theo kinh nghiệm cá nhân, thì vấn đề dạy con và con mình trở thành người thế nào phụ thuộc rất nhiều vào sự may mắn, chứ không phải do kỹ năng dạy con của mình, hay đào tạo theo phương pháp nào. Sách về dạy con tràn ngập ngoài hiệu sách.

Các yếu tố môi trường, xã hội, văn hoá, gia đình và bạn bè là những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến con cái. Mỗi đứa con có tính khí và sự phát triển nội tại khác nhau.

Chẳng hạn như hai đứa con của tôi, cùng lớn lên ở một môi trường, nhưng tính khí lại rất khác biệt. Thành ra, khó mà nói được những cái mà cha mẹ thiết kế và tạo dựng ảnh hưởng như thế nào đối với con, chỉ có thể đoán ra thôi nhưng không chắc chắn được.

Tôi đã từng làm ở nhiều doanh nghiệp, đó là cả một sự đau đầu, nhưng so sánh với nuôi con thì nuôi con khó gấp nhiều lần điều hành doanh nghiệp.

Với một doanh nghiệp thì mình có thể đứng tách rời ra để nhìn và quyết định một cách khách quan và nếu làm sai thì làm lại, nhưng dạy con thì không thể làm lại được, không thể khách quan, vì thế, quyết định của mình khó sáng suốt.

Quản lý một đứa con khó gấp chục lần quản lý doanh nghiệp. Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc nuôi con.

Quá trình nuôi con thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ, êm đềm như mình nghĩ mà có lúc đầy bão tố, dù tình trạng “vĩ mô” rất ổn định.

Ông từng trải qua giai đoạn đó như thế nào và vượt qua “bão tố” về con cái ra sao?

TS Alan Phan: Có một thời điểm, đứa con thứ hai của tôi lúc 14 tuổi, trở nên nổi loạn, kết thân với những người bạn mà mình không muốn cho vào nhà. Nó nhuộm tóc vàng, tóc xanh đỏ, đang học giỏi từ hạng A xuống còn chỉ còn hạng D.

Hai vợ chồng ngồi khóc thầm, nghĩ là tiêu thằng con rồi. Khuyên vài ba câu thì nó đứng dậy xách đít đi. Đó là cả một sự đau khổ, kéo dài hơn 2 năm.

Tự nhiên một ngày đẹp trời, vào năm cuối trung học, nó lại khác hẳn, đi học về chào tôn kính cha mẹ , trở lại thành một học sinh ưu tú, gương mẫu. Rồi thi vào học đại học, học xong tiến sĩ, trở thành một khoa học gia. Đó là một chuyện xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn và khả năng kiểm soát của mình.

Phải nói lúc đó tôi hoàn toàn bất lực. Vì thế tôi không dám lạm bàn về mình giỏi hay dở trong việc dạy con.

Tình yêu của cha mẹ càng nhiều, con càng ngoan

Nhưng chắc chắn ông đã phải làm một điều gì đó vào thời điểm ấy?

TS Alan Phan: Tôi có đọc một cuốn sách, có đề cập đến sự kiện, trong xã hội đa dạng như xã hội Mỹ, những đứa con tương đối thành công là con cái của người Do Thái và Á châu, hơn là con cái người gốc Phi hay Mễ.

Cuốn sách này cho rằng, nguyên nhân chính là tình yêu của người cha Do Thái dành cho người con rất sâu nặng, tác động mạnh trên sự thành công của người con. Tỷ lệ dân số bị ở tù xuất thân gốc Do Thái ít nhất trong mọi cộng đồng.

Nhìn lại quá trình nuôi con, thì có lẽ cái mà tôi đã làm được là luôn bày tỏ tình yêu thương đối với con mình. Mình yêu con dù bất cứ thế nào. Yêu ở đây là sự trao gởi toàn diện, cho đi hoàn toàn. Khi con tôi nổi loạn và gây cho tôi đau khổ, tôi vẫn yêu nó tha thiết. Tôi nghĩ, đó có thể là một điều giúp nó khi lầm lạc, vì nó vẫn thấy bao quanh nó là một tình yêu vô điều kiện từ cha mẹ.

Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái càng nhiều thì đứa con càng có nhiều cơ hội trở thành người tốt. Nhưng đó là trải nghiệm của tôi, không phải là kết luận khoa học (cười).

Điều nữa là tôi hãnh diện với tất cả những gì con tôi làm, cho dù đó là điều tôi không thích. Khác trước đây, mẹ tôi chỉ muốn tôi trở thành bác sĩ, nếu tôi không có học bổng sang Mỹ mà vẫn ở Sài Gòn thì có lẽ bà đã bắt tôi phải học bác sĩ hay chịu sự la mắng mỗi ngày.

Vào năm cuối trung học, các con hỏi ý kiến tôi về định hướng nghề nghiệp. Tôi bảo các con cứ làm điều gì các con thích. Hỏi kỹ trong lòng xem thích nhất điều gì. Nếu vài ba năm nữa mà không thích nữa thì chuyển đổi cũng chẳng sao. Đừng bao giờ hỏi cha mẹ thích con làm gì. Đây là đời sống của con.

Đó là trải nghiệm của tôi nên tôi mới khuyên các con, vì cái gì mà mình thích làm thì mình sẽ làm một cách say mê, gắn bó lâu dài, nếu không thì dần dần cũng bỏ.

Con cái không thích nghe hay “giảng đạo”nhiều, thích nhìn và coi tấm gương. Bố mẹ hư hỏng thì con cũng sẽ hư hỏng theo. Con nít rất tinh, không dối gạt chúng lâu dài được. Ngay từ nhỏ, hai đứa con cũng hay phê bình tôi, và nếu chúng có lý, thì tôi cũng công nhận mọi sai lầm chứ không chối hay giấu. Tôi không làm một đằng, nói một nẻo. Gia đình tôi có truyền thống rất dân chủ, cởi mở, minh bạch và không trốn tránh trách nhiệm.

Đối với tôi, mình luôn luôn có thể sai

Ngày con ông còn nhỏ, ông chăm sóc các con như thế nào?

TS Alan Phan: Tôi sống với các con cho tới khi chúng vào đại học. Nhưng tôi cũng đi vắng nhiều. Mặc dù hồi chúng 8, 9 tuổi, tôi hy sinh chuyện kiếm tiền, cố gắng dành thời gian để ở bên con, đi dã ngoại, câu cá, lên núi, đi cano. Mùa đông thì đi trượt tuyết với nhau.

Tôi dành thời gian lúc đó bởi đó là giai đoạn tôi thấy các con cần đến cha nhất. Sau 10 tuổi thì chúng nó thích đi chơi với bạn hơn (bên Mỹ bọn trẻ độc lập rất sớm). Ngày nhỏ còn thích đá bóng chơi bóng rổ với mình, đi xem phim nghe nhạc, sau thì không thích chơi với mình nữa, con trai thường là như vậy.

Mẹ chúng chăm sóc chúng rất nhiều nhưng tụi nó thích chơi với cha. Những trò chơi rất bình thường như đạp xe ở công viên, ra biển. Tôi chỉ chơi với con và nghĩ chúng nó cũng học được từ mình nhiều thứ.

Phóng viên: Về dạy con độc lập trong cuộc sống thì thời điểm nào là thích hợp nhất, thưa ông?

TS Alan Phan: Với trẻ con Mỹ thì tụi nó độc lập rất sớm, khoảng hơn 11 tuổi. Với gia đình Việt tại Mỹ thì cũng tùy gia đình.

Chẳng hạn con đầu lòng của tôi, từ năm 13 tuổi, mặc dù mức sống gia đình tôi thuộc loại trung lưu ở Mỹ, khá thoải mái về vật chất, nhưng nó vẫn dậy từ 5h sáng giao báo để kiếm tiền thêm.

Năm 14 tuổi nó đi làm nhân công trong siêu thị, quét dọn và bán kem mỗi ngày 2 tiếng sau khi tan học. Tiền kiếm được nó để dành đến năm 16 tuổi, đủ mua một cái xe hơi cũ khoảng hơn 2000 đô la. Tôi hoàn toàn có thể cho nó số tiền ấy, nhưng đây là tiền riêng của nó nên nó trân trọng yêu quý cái xe ấy vô cùng. Đó là một văn hóa tự lập tốt của Mỹ, rất phổ thông với các thiếu niên mới lớn. Cũng có thể do gia đình khuyến khích tư duy tự lập, luôn tìm câu hỏi cho mình.

Không phải gia đình Việt nào ở Mỹ cũng vậy. Những gia đình quản lý và kiểm soát nhiều quá thì con sống tầm gửi; còn cởi mở thì con cái độc lập hơn. Gia đình giàu ở Việt Nam mà gửi tiền quá nhiều cho con thì chúng chỉ tiêu xài thôi. Rất nhiều đứa hư hỏng, do có tiền.

Mình sai thì mình phải nhận mình sai, không lấy uy quyền để bắt con phải nghe theo. Hai con tôi thích tranh luận lắm. Nếu cả hai bên không thống nhất thì tra cứu, tìm sách hay tài liệu để học thêm, tìm chân lý.

Đối với tôi, mình luôn luôn có thể sai.

Khi dạy con, nếu chúng không tự lập mạnh mẽ thì ra thế giới rất khó. Ở Việt Nam, chúng không phải đối phó với nhiều thử thách vì sự bảo bọc, nhưng khi sống ở nước ngoài, chúng sẽ gặp vấn đề. Phần lớn học trò Á Đông hay bị người Mỹ chê cười ở chỗ đó. Giới trẻ Mỹ dùng từ “wimp” (không xương sống) để chỉ những thanh thiếu niên dựa dẫm vào gia đình, không biết tự lập.

Tôi không phê bình lối dạy con nào. Mỗi gia đình dạy con một lối. Nếu cho con hình thức tự lập và không áp đặt thì tư duy chúng sẽ phóng khoáng hơn, ra thế giới chúng sẽ hòa nhập tốt hơn.

Theo ông, có nên dạy con thái độ đối với đồng tiền không?

TS Alan Phan: Nên chứ, nhưng tùy đứa có hấp thụ được hay không. Dạy cho chúng biết giá trị đồng tiền, biết phương thức kiếm tiền, đầu tư. Nhưng như tôi đã nói, tính khí của đứa con lại có thể không phù hợp với những gì mình muốn chúng học.

Chẳng hạn, con trai thứ hai của tôi từ bé đến lớn không biết hay lưu tâm gì về tiền bạc, ngay cả khi học tiến sĩ. Có lần tôi cần chuyển một số tiền cho nó làm nghiên cứu, nó nói không có tài khoản ngân hàng.

Hỏi nó giữ tiền thế nào, nó nói, tiền con giữ bên túi quần trái để tiêu, còn tiền bên túi quần phải để dành trong trường hợp khẩn cấp, nếu hết tiền túi trái thì ăn mì gói tạm. Lúc nào hết thì hết. Nó không quan tâm đến tiền, không biết nhiều về tiền.

Khi học xong, sắp ra trường, nó nói: Bố ơi con phải đi kiếm việc. Hỏi có bộ áo vest nào chưa, nó bảo chưa. Bố dẫn đi sắm áo vest. 10 ngày sau tôi hỏi con đã gửi thư đi xin việc chưa. Nó nói: Không cần đâu, con nhận được 8 cái thư mời làm việc với lương rất cao. Bố tới giúp con xem chọn cái nào.

Trong 8 cái thư mời việc làm đó, có những công ty nổi danh như Microsoft, Intel, Bộ quốc phòng Mỹ, NASA…sẵn sàng cho nó mức lương cao, phải nói là mà mình không thể ngờ được. Cho đến nay thì nó chưa xỏ bộ vest lần nào, đi họp hay đi dự hội nghị quốc tế lúc nào cũng chỉ quần jean, áo thun.

Hiện nó đang làm cho cho Bộ Quốc phòng Mỹ, việc làm tối mật nên tôi cũng không biết gì tí gì về công việc của nó.

Nhưng có lẽ ở Mỹ nó mới sống được như vậy.

Sống ở nhiều nước khác nhau, ông thấy cái hay nhất của gia đình Việt là gì?

TS Alan Phan: Cái hay nhất là sự gắn bó chặt chẽ, tuy sự gắn bó này đôi khi gây ra rào cản và xích mích rất khó chịu. Nhưng dường như mọi người thương yêu nhau, lo lắng cho nhau hơn các gia đình Mỹ?

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Hương Giang (thực hiện)

nguồn: vietnamnet

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Để đối phó với suy phát

Khi nền kinh tế đang suy yếu, mà chính phủ vẫn nỗ lực cứu ngân hàng, bất động sản và doanh nghiệp nhà nước, thì việc in tiền và vay nợ sẽ tiếp tục. Trong khi đó ngân sách chi tiêu của chính phủ và tiêu xài của người dân không cắt giảm, thì bội chi sẽ gia tăng.

Căn nguyên của lạm phát (inflation) thường là sự gia tăng cung tiền bằng nợ vay hay bằng cách in tiền, khiến lưu lượng tiền trong nền kinh tế dư thừa, tạo nên việc giảm giá trị của bản tệ. Dĩ nhiên, giá hàng hóa phải nâng cao hơn để bù vào hao hụt cho phí tổn của sản xuất và bảo tồn mức lời. Lạm phát leo thang cho tới khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp buộc phải hạ giá thành sản phẩm vì nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do tỷ lệ thất nghiệp tăng; và khi đó, cung tiền hạ xuống, nền kinh tế rơi vào giảm phát (deflation).

Suy phát (stagflation) lại là hiện tượng hơi nghịch lý, không thuần túy đi theo chiều hướng lạm hay giảm, mà bao gồm cả hai diễn biến trái chiều này. Giá hàng hóa leo thang vì bản tệ mất giá, trong khi kinh tế vẫn suy thoái vì thất nghiệp cao và nhu cầu tiêu xài giảm. Hiện tượng suy phát chỉ mới xảy ra một vài lần trong lịch sử. Cuộc suy phát của nền kinh tế Mỹ kéo dài trong thập niên 1970s là một điển hình.

Cuộc suy phát ở Mỹ

Năm 1970, nền kinh tế Mỹ đối mặt với nhiều tiền đề của suy phát, nhất là chíến lược siết lượng cung và tăng giá bán của tổ chức các nước xuất khẩu dầu OPEC. Nếu tính theo thị giá USD thời nay thì năm 1971, dầu thô từ $20/ thùng đã tăng vọt lên gấp 5 lần sau khi OPEC ra tay, kéo theo mọi giá cả hàng hóa cùng tăng. Cũng năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon rút khỏi khối hiệp thương tiền tệ Bretton Woods. Đồng USD đang được cam kết “neo” vào vàng với mức quy đổi $ 35 /1 ounce, trở thành đồng tiền tự do thả nổi. Việc in tiền của Chính phủ dễ dàng hơn khi không còn phụ thuộc bản vị vàng, nhưng niềm tin của người dân vào đồng đô la Mỹ cũng sụt giảm mạnh. Trong khi đó, ngân sách cũng bị hao tổn với chiến tranh tại Việt Nam.

Lượng cung USD tăng, sức mua chưa giảm, hàng hóa tăng, gây nên lạm phát phi mã. Chuỗi đồng hành của chi phí đẩy (cost push), chi phí cầu kéo (demand-pull) lẫn cung tiền cao đã khiến mức lạm phát của nước Mỹ lên đến 14% vào thời điểm 1978 và 1980. Trong 3-4 năm sau, nền kinh tế Mỹ khập khễnh với tỷ lệ tăng trưởng -1 đến 1% GDP, và thất nghiệp lên đến hơn 8% tạo thêm gánh nặng cho chính sách an sinh xã hội và ngân sách.

Reagan và giải pháp

Năm 1980, Tổng thống Regan đắc cử, bổ nhiệm ông Paul Volcker vào vị trí Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Federal Reserve). Hai ông coi việc tăng giá trị USD thành một bản tệ mạnh là cốt lõi của chánh sách mới. Volcker siết chặt cung tiền, giữ lãi suất tín dụng thật cao,và giá hàng hóa bắt đầu giảm nhiệt. Giải pháp của ông đẩy nhiều công ty yếu kém, bao gồm cả ngân hàng và các tập đoàn lớn, đi đến phá sản.

Nhưng sau cuộc thanh lọc, một loạt các biện pháp hành chánh nhằm cắt giảm thuế, hủy bỏ đi các luật lệ trói buộc doanh nghiệp được ban hành đã thúc đẩy kinh doanh và hồi sức nền kinh tế. Những doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ (SMEs) trở thành mũi nhọn và phân khúc này kéo nguyên đòan tàu kinh tế Mỹ vượt bão và tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng thống Regan tái đắc cử và nước Mỹ bước vào một thời kỳ ổn định kinh tế khá dài, qua đến thời của Tổng thống Bill Clinton.

Suy phát và cơ hội tái diễn

Ngày nay, nước Mỹ dường như đang quay trở lại thập niên 70s, với chính sách đồng đô la yếu và lãi suất tín dụng thật thấp của đương kim Chủ tịch Fed Ben Bernanke. Chính phủ in tiền thêm, nợ công và tư chồng chất, chánh phủ dùng 1.300 tỷ USD để cứu nguy ngân hàng lớn, ngành sản xuất xuống dốc và tỷ lệ thất nghiệp tăng trên 10%. Nhiều dự báo cho rằng mức tăng trưởng GDP 3-4 năm tới của Mỹ không thể vượt ngưỡng 2%.

Tôi cho rằng song song với giảm sút GDP, lạm phát tại Mỹ sẽ tăng lên tới 5- 6% sau 2012. Lý do là chính phủ vẫn tiếp tục phải vay mượn hay in tiền thêm khiến đồng đô la sụt giá, và lãi suất của trái phiếu chính phủ phải gia tăng để thu hút nhà đầu tư, nhất là khi các quốc gia châu Âu cũng rơi vào tình trạng xoay nợ. Nói cách khác, suy phát sẽ là một tình trạng có khả năng xảy ra tại Mỹ vào thời gian tới. Tuy nhiên, mức độ suy phát sẽ không quá trầm trọng như đã diễn ra ở thập niên 70s. Hai lý do: Trung Quốc vẫn dư thừa nguồn cung hàng hóa và USD vẫn là bản vị thanh toán của thế giới.

Suy phát tại Việt Nam

Theo tôi, kinh tế Việt Nam vừa bắt đầu tình trạng suy phát dù tăng trưởng GDP được thống kê là đã đạt đến 6% vào 6 tháng đầu 2011. Lạm phát đang ở mức 19%, đồng VND cao hơn giá trị thực khỏang 17%, lãi suất cho doanh nghiệp vẫn trên 20% và các nguồn ngoại tệ (FDI, kiều hối, FII…) giảm xuống khá tệ hại. Đến cuối năm nay, Việt Nam sẽ đối mặt với những vấn nạn đã làm điên đầu Reagan và Volcker 20 năm trước.

Khi nền kinh tế đang suy yếu, mà chính phủ vẫn nỗ lực cứu ngân hàng, bất động sản và doanh nghiệp nhà nước, thì việc in tiền và vay nợ sẽ tiếp tục. Trong khi đó ngân sách chi tiêu của chính phủ và tiêu xài của người dân không cắt giảm, thì bội chi sẽ gia tăng. Suy phát sẽ trầm trọng và sự lụn bại của kinh tế tài chánh sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Một giải pháp cho Việt Nam?

Tôi không có đủ dữ kiện và số liệu thực (khác với những gì công bố) để đưa ra một giải pháp cu thể. Nhưng nếu chúng ta mời ông Volcker qua đây để tư vấn, tôi chắc ông sẽ khuyến cáo chánh phủ ban hành một nghị quyết gồm những đường lối như sau:
Giữ vững giá trị của đồng VND bằng cách “neo” sự quy đổi của tiền vào một rỗ các bản tệ căn bản (USD, Euro, Yen) và vàng. Cho VND được tự do chuyển đổi. Niềm tin sẽ ào ạt quay lại VND và VND có thể mạnh hơn cả USD.
Không cứu trợ bất cứ một ngân hàng, doanh nghiệp nào, dù công hay tư. Để mặc cho tất cả bong bóng, từ bất động sản đến chứng khóan, vỡ mà không can thiệp. Không hổ trợ bừa bãi cho những dự án FDI lấy đất nông nghiệp, phi sản xuất và hủy họai môi trường.
Bán tất cả doanh nghiệp nhà nước trong vòng 5 năm và đem nợ công của chánh phụ xuống dưới mức 10% của GDP.
Giảm ngân sách 10% trong năm đầu và tiếp tục xuống đến 50% sau 5 năm.
Khuyến khích doanh nghiệp tư với chương trình dẹp bỏ rào cản pháp lý; thể hiện chánh sách thị trường rõ ràng với một sân chơi bằng phẳng; cắt bỏ gánh nặng “phong bì” cho doanh nghiệp.

Giải pháp này sẽ khiến nền kinh tế xáo trộn trong những năm đầu vì doanh nhân và người dân sẽ phải điều chỉnh tư duy và hành xử. Nhưng tôi chắc chắn là Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh sau 4 năm và tài chánh quốc gia cũng như của người dân sẽ cải thiện nhanh chóng.

Suy phát có thể là kích thích tố để chánh phủ làm điều “đúng” và đưa Việt Nam trở lại với mức sống tiến bộ như các quốc gia phát triển ở Châu Á. Đây là thành quả mà người dân Việt xứng đáng với những cố gắng và hy sinh sau 40 năm trì trệ.

(Bài đã được Tạp Chí Doanh Nhân đăng vào số 87 xuất bản ngày 5 tháng 9 năm 2011 )
T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ. Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

TS. Alan Phan – Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa

Việt Nam và Trung Quốc

Tôn Tử nhắc chúng ta là “Kết quả của trận chiến đã được quyết định trước khi hai bên khai hỏa”. Những cân nhắc, chuẩn bị và sáng tạo là vũ khí lớn nhất khi bạn đi vào một vùng đất lạ

Vì lịch sử và văn hóa giữa hai nước có quá nhiều tương tác nên các doanh nhân Việt thường nhìn vào thị trường và cơ hội ở Trung Quốc không mấy khách quan. Người thì ưa thích, hăng hái không lý do, người thì chê bai không muốn liên quan gì. Thậm chí, tôi thường bị cật vấn là nếu Trung Quốc trở thành siêu cường, qua mặt Mỹ thì ảnh hưởng gì sẽ đến với chuyện làm ăn của chúng ta với họ?

Xin trả lời vắn tắt là Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ về GDP khoảng 10 năm nữa vì dân số hơn 1.3 tỷ người là quá lớn; nhưng muốn qua mặt Mỹ về chất lượng cuộc sống, về sức mạnh quân sự, về văn minh văn hóa, về GDP mỗi đầu người, thì Trung Quốc còn phải đợi ít nhất là 30 năm nữa. Còn ảnh hưởng gì sẽ đến với các doanh nghiệp của chúng ta? Không gì cả. Việc sống chết hay thăng trầm cùa doanh nhân luôn nằm trong sức mạnh nội tại và những lơi thế cạnh tranh, dù có Trung Quốc hay không.

Hoàn toàn khách quan khi suy xét vấn đề, chúng ta sẽ nhận rõ những thử thách và cơ hội. Ngoài những định luật tổng quát về kinh doanh và quản trị, các doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc sẽ phải đối diện thêm một số các vấn đề tốt và xấu khá đặc thù.

Trước hết, cá tính căn bản của người Trung Quốc trong kinh doanh là thủ đoạn, tinh ranh và khôn khéo không kém gì người Do Thái. Sau 70 năm bị kềm kẹp và khổ sở, họ tạo thêm thói quen tàn nhẫn, vô luân nhưng rất kiên cường, chịu khó. Nhưng cũng vì yếu tố này, tư duy của họ chật hẹp và ngắn hạn. Phải mất thêm 20 năm nữa, con cái họ mới bắt kịp các doanh nhân Hoa kiều ở Hồng Kông, Singapore…Dù thế nào, đây là những đối thủ cạnh tranh nặng ký trên mọi phương diện.

Một yếu tố khác bất lợi cho doanh nhân Việt là người Trung Quốc không ưa người Việt. Cách đây 4 năm, tôi có đọc một khảo sát của Sina.com hỏi về những dân tộc mà người Trung Quốc yêu và ghét. Người Nhật Bản đứng hàng đầu về sự thù ghét vì những hành động xẩy ra giữa Thế Chiến II khi Nhật xâm chiếm Trung Quốc. Nhưng rất ngạc nhiên là người Việt đứng hàng thứ hai sau Nhật. Không những ghét, người Trung Quốc thường cho mình là “thầy” của người Việt, vì họ cho rằng tất cả văn hóa, lịch sử của Việt Nam là một cóp nhặt sao bản của Trung Quốc. Thái độ ghét và trịch thượng này sẽ ảnh hưởng nhiều đến các giao dịch thương mại.

Quan trọng hơn, mọi người phải nhìn nhận hàng hóa Trung Quốc rất cạnh tranh về giá cà nhờ một hệ thống sản xuất được coi là “cơ xưởng của thế giới” và một tỷ giá Nhân Dân Tệ ở mức thấp hơn giá trị thực khoảng 18%. Thêm vào lợi thế là một tổ chức ăn cắp công nghệ tinh vi và sự cố không tôn trọng tài sản trí tuệ như thương hiệu, bản quyền, hàng nhái, hàng giả…, cho nên, ngay cả hàng chất lượng Âu Mỹ cũng phải thua sút về khả năng cạnh tranh.

Một bất lợi khác cho sự xâm nhập vào thị trường Trung Quốc là cá thể của thị trường rất phức tạp với nhiều phân khúc, nhiều mâu thuẫn với quyền lợi của các quan chức địa phương, cũng như thủ đoạn của các đối thủ cạnh tranh và sự khó tính của người tiêu thụ.

Trung Quốc không có một thị trường đồng nhất như Âu Mỹ hay Úc Nhật. Một kinh tế gia phân thị trường thành 4 phân khúc, dựa trên thu nhập, vị trí địa lý, đặc điểm của văn hóa bang hội và ảnh hưởng của truyền thông, giáo dục. Đông nhất là thị trường của 600 triệu người nghèo khổ tại thôn quê với thu nhập dưới 8,000 Yuan mỗi đầu người một năm; nhưng tiềm năng phát triển tốt nhất là thị trường trung lưu với hơn 300 triệu dân.

Những khó khăn khác là sự thỏa hiệp giữa quan chức và doanh nhân tại mỗi địa phương; và thói quen dùng quyền lực và thủ đoạn để dành thị trường cho các doanh nhân có quan hệ. Cách đây vài năm, ngay cả bia Heineken cũng bị ngăn chặn bởi nhiều quận huyện không muốn thấy bia địa phương bị thua lỗ vì cạnh tranh.

Tuy nhiên, những thử thách nói trên không phải là không thể giải quyết. Dù người Nhật bị ghét hận, nhưng hàng hóa Nhật lại được ưa chuộng nhất tại Trung Quốc. Một thống kê về sản phẩm chất lượng nhất năm 2005 cho thấy 5 trong 10 thương hiệu hàng đầu tại Trung Quốc là của Nhật. Vả lại, với một nền kinh tế thứ hai thế giới về GDP, thị trường Trung Quốc là một miếng ăn béo bở cho ai biết khai thác và phát triển.

Lợi điểm của doanh nghiệp Việt Nam so với các đối thủ nước ngoài khác cũng khá nhiều, ngoài việc vị trí nằm sát Trung Quốc. Hai quốc gia chia sẻ nhiều tương đồng về phương thức kinh doanh, cơ chế chánh trị, phí tổn lao động, hệ thống phân phối, và thói quen cổ truyền. Hai nền kinh tế có thể hỗ trợ chặt chẽ cho nhau vì Trung Quốc cần nông hải sản, khoáng chất, thị trường tiêu dùng; còn Việt Nam thì cần rất nhiều nguyên liệu và máy móc cho sản phẩm công nghệ xuất khẩu.

Tuy nhiên, để có hiệu quả hơn trong việc xâm nhập bền vững vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến các thành tố sau đây:
Sản phẩm: Đừng bắt chước Trung Quốc là lời nhắc nhở hàng ngày. Trừ những hàng có đặc tính siêu cấp và độc đáo, chúng ta không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại sân nhà của họ. Ngoài các nông hải sản mà Trung Quốc thiếu hụt, như cà phê, trái cây nhiệt đới, những mặt hàng tiêu dùng Việt Nam như dồ gỗ hay giầy dép phải có thiết kế mỹ thuật cao cấp kiểu Ý, Pháp…
Đối tác: Kiên nhẫn tìm cho được một đối tác lớn mạnh, tin cậy và thân tình. Không mấy doanh nhân nước ngoài có thể vận hành tốt hệ thống tiếp thị và cung ứng trong một thị trường phức tạp như Trung Quốc. Chúng ta cũng cần tạo dựng những quan hệ lâu dài với doanh nhân và quan chức, từ trung ương đến dịa phương.
Thị trường: Nhắm vào thị trường trung lưu và trẻ trung. Ít doanh nghiệp Việt có bề sâu về quản trị và thương hiệu như Âu Mỹ để xâm nhập hữu hiệu vào thị trường thượng lưu. Còn thỉ trường rẻ tiền thì nên chào thua trước vì doanh nghiệp Trung Quốc đã làm bá chủ. Ngành nghề tiềm năng là quán ăn Việt, hàng hóa đặc thù Việt, công nghệ cao kết hợp với giải pháp đặc biệt cho Á Châu…
Chiến lược: Suy nghĩ dài hạn và độc đáo. Có thể bạn phải vấp ngã nhiều lần trước khi tìm được mô hình kinh doanh hiệu quả. Sử dụng tối đa nhân viên và tư vấn Trung Quốc để hòa đồng vào môi trường và phong cách. Tìm hiểu con người và văn hóa Trung Quốc để biết thế mạnh yếu của doanh nghiệp mình.

Tôn Tử nhắc chúng ta là “Kết quả của trận chiến đã được quyết định trước khi hai bên khai hỏa”. Những cân nhắc, chuẩn bị và sáng tạo là vũ khí lớn nhất khi bạn đi vào một vùng đất lạ. Qua những cánh đồng sa mạc và khu rừng rậm hoang dữ, bạn sẽ tìm thấy một dòng suối ngọt ngào cạnh một khu vườn đầy hoa thơm trái lạ. Đó là một chuyện ngụ ngôn khá phổ thông ở Trung Quốc, nhưng cũng có thể là bản đồ của con đường “đi vào Trung Quốc” cho các doanh nghiệp Việt? Mời bạn lên đường.

(Bài đã được Tạp Chí Doanh Nhân đăng vào số 88 xuất bản ngày 19 tháng 9 năm 2011 )
T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ. Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Eau Vive - Alan Phan

Trong ký ức của một đời bôn ba tứ xứ, với tôi, có lẽ những giờ phút êm đềm nhất là những bữa ăn với người mình yêu thương, bạn bè hay thậm chí là một mình trong khung cảnh trữ tình của một nhà hàng đặc biệt.

Tôi thường không ấn tượng lắm với những nhà hàng 5 sao theo bảng xếp hạng của Michelin hay Conde Nast. Theo tôi, những nơi này thường rất đông người, thực khách phải chờ đợi lâu, trong khi nhân viên phục vụ lại quá bận rộn, và cái không gian không biết nên gọi là gì này cho tôi cảm giác giống như một chỗ tụ tập của đám doanh nhân hợm của “bỗng nhiên muốn … chơi nổi” hay những du khách thừa tiền muốn khoe đẳng cấp.

Với tôi, một bữa ăn ở La Merenda tại Cote d’Azur, La Table d’Eugene ở Montmartre, Paris, hay Paradise Cove ngay bờ biển Malibu, California, luôn để lại nhiều kỷ niệm dịu ngọt trong sâu thẳm tâm hồn. Khi công cán đến các quốc gia châu Á, tôi cũng có ấn tượng với nhiều nhà hàng bản địa. Những tên tuổi khó quên ở đây là quán Jia Jia Tang Bao ở Thượng Hải, tiệm Tsui Wah ở Lan Kwai Fong, Hồng Kông, Tenshige ở Tokyo và dĩ nhiên, Brasserie Gavroche ở Singapore. Khung cảnh của các nhà hàng nơi đây trông giống như những ốc đảo yên bình, giúp du khách rũ bỏ những khói bụi ồn ào của đường phố đặc thù châu Á.

Tuy nhiên, hình như chỉ có duy nhất một nhà hàng vượt hẳn mọi không gian và thời gian, khiến ký ức của một gã trai viễn xứ luôn diết da day dứt.


Năm 15 tuổi, tôi đem lòng yêu thương một cô bạn học. Trong cái không khí mát lạnh đầy hoa thơm cỏ lạ của núi rừng Đà Lạt, với tôi, dường như thế gian này chỉ tồn tại một mình nàng. Sau 7 tháng quen nhau, nàng đồng ý trốn cha mẹ đi ăn trưa với tôi.


Nhà hàng tôi chọn có cái tên là Eau Vive (Nước Sống), tọa lạc trong một tu viện nhỏ do các bà sơ trông coi. Nhà hàng chỉ có khoảng 10 bàn, nằm thoai thoải trên sườn đồi thông, sau Dốc Nhà Làng, nhìn xuống hồ Xuân Hương của một Đà Lạt mộng mơ và lãng mạn. Mùi thơm của vườn hoa dạ lý bên cạnh hòa với mùi nhựa thông, những cánh hồng mỏng manh trong gió quyện với những bài thánh ca vọng lại từ thánh đường, mái tóc đen nhánh xõa ngang vai và đôi mắt to tròn, ngơ ngác của người con gái tôi yêu là tất cả những gì đẹp đẽ nhất, trong trẻo nhất mà tôi luôn giữ trong lòng suốt hơn nửa đời người bôn ba nơi đất khách.


Chưa bao giờ tôi được ăn món thịt bò ragout nấm ngon như vậy. Những lát bánh mì nướng bơ tỏi phô-mai và trái ô-liu ngon hơn bất cứ nơi nào sau 65 năm ăn nhậu. Sau này, khi đã nếm đủ những cao lương mỹ vị trên đời và trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc với rất nhiều mối tình xuyên đại dương, dường như với tôi, gương mặt dịu hiền, thánh thiện của người con gái mới lớn trong không gian lãng mạn của nhà hàng giản dị chốn quê nhà vào buổi trưa đầy nắng đó vẫn khiến trái tim tôi thổn thức. Mối tình đầu của tôi chấm dứt vài tuần sau đó vì gia đình nàng chuyển xuống Nha Trang, còn ông bố người Pháp của nàng chuyển sang Lào làm việc. Cái nắm tay từ biệt của nàng cho tôi hiểu rằng, đó cũng là lần duy nhất tôi được chạm vào da thịt một người con gái đó. Eau Vive là tất cả những gì tôi có và gìn giữ.


Theo sắp xếp trước đó, tôi phải quay lại tu viện dọn rửa suốt 2 tuần sau giờ học để trả tiền cho bữa ăn trưa với nàng. Một cái giá quá rẻ cho một bữa ăn ngon nhất, ý nghĩa nhất tại một nhà hàng dễ thương nhất thế gian này.


Vào năm 1995, sau 25 năm chồn chân mỏi gối nơi xứ người, tôi quay trở lại Đà Lạt và tìm lại chốn xưa. Eau Vive vẫn còn đó, dù rêu xanh đã phủ mờ lối cũ. Tu viện đóng cửa im lìm, những bà sơ không còn cặm cụi bên ngôi vườn hồng cạnh thánh đường. Cảnh cũ vẫn còn đây, nhưng bóng người xưa đâu? Tôi đứng ngây người trước cửa tu viện rồi quay gót. Dư hương của một thời ngây ngô, dại khờ đã cuốn theo chiều gió.


T/S Alan Phan


(Bài đã được Tạp Chí Robb Report xuất bản ngày 2 tháng 5 năm 2012)


T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Thánh địa của tư bản

Sau một cuộc họp dài suốt ngày, tôi cáo lỗi với đối tác, đi ăn một mình và thả bộ trên đường phố. Tôi chợt nhận ra là mình đang đứng giữa lòng Las Vegas, buổi tối Thứ Bẩy, nhộn nhịp đám đông, xe cộ và muôn ánh đèn mầu rực rỡ. Nhười ta nói nhiều đến sinh thái năng động của các thành phố Á Châu mới nổi, nhưng tôi chắc chắn rằng không đâu có thể sánh bằng Vegas. Đủ mọi sắc dân Âu Á Phi, đủ mọi mầu da đen trắng vàng, đủ mọi loại tuồi, mọi loại quần áo phong cách và mọi loại thể hình mập ốm cao lùn. Nhưng họ đều chia sẻ một mẫu số chung: ngất ngây với mùi tiền, mùi tham và mùi vội vã.

Tôn giáo nào cũng có những vị thánh và những thánh địa để giáo dân hướng tâm tư và làm những cuộc hành hương tỏ lòng tôn kính. Người Thiên Chúa giáo tìm về Jesuralem đi lại con đường Thập Tự Giá của chúa Jesus, người Hồi giáo có Mecca va giáo chủ Mohammed, người Phật giáo quỳ dưới cây bồ đề của Phật Thích ca ở Patna. Tôn giáo tư bản có dollar và Las Vegas. Người ta nói nhiều đến New York, nhưng đây chỉ là chỗ để kiếm tiền, muồn hành hương để tìm biểu tượng cho sức mạnh của đồng tiền và những thú vui từ dollar, ta phải đến Las Vegas.


Người ta cũng hay nói về Macau, đỉnh mới của cờ bạc, nhưng vài ba sòng bài lớn và những số tiền khổng lồ thu từ các đại gia Trung Quốc (bao nhiêu là tiền rửa?), không thể cho Macau một phong cách của tư bản đại chúng, đa dạng mà sang trọng như Vegas. Một buổi tối cuối tuần ở Vegas sẽ phô bày tất cả xấu đẹp, sẽ phản ảnh mọi đúng sai của triết thuyết tư bản.

Tôi đến Vegas lần đầu vào năm 1964 khi đi một vòng xứ Mỹ du lịch ba lô với vài sinh viên cùng trường. Một con đường lớn giữa sa mạc mênh mông, vài ba sòng bài như ốc đảo, tôi vào Desert Inn, Dunes, Hacienda…như một anh nông dân Cà Mau bước vào Hyatt, Sheraton ở Saigon. Ấn tượng và lạ, nhưng không có gì để say mê hay cuốn hút (có lẽ tại tôi rất dửng dưng với cờ bạc). Qua các thập niên kế tiếp, tôi đến Vegas khá thường xuyên, vì khi mời các đối tác làm ăn về Los Angeles họp hành, họ không mặn mà lắm. Nhưng ở Vegas, nơi họ có thể ăn chơi cờ bạc, tiệc tùng trác tang và trừ phí tổn thua lỗ vào thuế, ai nấy đều hăng hái. Rồi đến các doanh nhân Trung Quốc vào những năm đầu mở cửa, Vegas là nơi phải dừng chân.

Đế chế Mỹ càng mạnh thì Vegas càng phát triển. Tôi chứng kiến một cuộc đua không mệt mỏi qua năm tháng của các công ty cờ bạc. Wynn tạo danh tiếng với Mirage, Treasure Island rồi cuối cùng là màn khiêu vũ nước hàng đêm ở Bellagio. Adelson trả lời với Venetian sau khi xây Sands thành một trung tâm hôi nghị lớn nhất nhì xứ Mỹ. Harrah nhập cuộc với những thâu tóm ngọan muc dọc The Strip (con đường chính của Vegas) như Bally, Paris, Planet Hollywood, Imperial. Nhiều tên tuổi hàng đầu ngày xưa như Circus Circus, Stardust,… thua cuộc và tụt hậu thảm hại. Nhiều tay chơi vừa nhập cuộc tạo ấn tượng mới với Cosmopolitan, Trump, Aria, City Center, Mandarin, Madalay Bay. Một cuộc đua thật hấp dẫn và sáng tạo để dành thị trường và lợi nhuận, hoàn toàn tự phát kiểu tư bản đại chúng. Dubai, Macau, Shanghai, Singapore…cũng có những cuộc đua, nhưng chỉ là một xếp đặt của giới cầm quyền và cầm tiền, kết quả thường được định đoạt qua “nghị quyết” nên không gì ngạc nhiên, và do đó, không gì đáng kể. Giống như một trận đá bóng, không ai buồn tham dự hay đi coi nếu nhà tổ chức đã xếp đặt sẵn người thua kẻ thắng.

Một thực tế phải hiểu là trong lịch sử loài người, luôn luôn có một đẳng cấp thống trị nhỏ nhoi, cố gắng lợi dụng quyền lực và tiền bạc của mình để áp đặt “giải pháp” của mình trên đại đa số quần chúng. Từ các bộ lạc xa xưa, qua các triều đại phong kiến, thực dân, đến các quốc gia Tây Phương hiện tại hay các xã hội “bình đẳng” như Liên Sô, Trung Quốc…giải pháp thường đem lại một cuộc sống “ngon lành” hơn về đủ phương diện cho giai cấp cầm quyền này. Chế độ tư bản cũng không khác gì. Lợi dụng công sức và tài sản của quần chúng “ngu ngơ” để làm đầy túi tiền cá nhân và phe nhóm mình là thủ thuật tinh vi mà các chính trị gia và đại gia đều thông thạo.

Mục đích như nhau nhưng cách làm thì giới tư bản đã đẩy lên hàng nghệ thuật. Những chế độ dùng roi vọt gông cùm để thúc đẩy ép buộc người dân đang đi dần vào quá khứ. Indonesia của Suharto hay Hàn Quốc của Park Chung Hee ngày nào chỉ còn là dư âm. Tunisia, Lybia, Egypt, Syria…đang được sắp xếp lại. Ở các xã hội tư bản, người dân làm nô lệ với tinh thần hoàn toàn “tự nguyện”. Hai lý do: lòng tham cố hữu của con người và những món nợ ngập đầu.

Triết thuyết tư bản vẽ ra một cuộc chơi hào hứng là ai cũng có thể thắng và đem về một phẩn thưởng đẹp như mơ. Đây là tiền đề của Las Vegas, của tư bản. Dĩ nhiên, ai cũng biết là xác xuất cho thấy người thua bạc chiếm đến 95% người tham dự. Ngoài xã hội, cũng không thiếu những người nhận chân ra điều này. Tuy nhiên, giới tư bản còn một tuyệt chiêu khác: mua trước trả sau. Không nơi nào mà một người tay trắng có thể mua nhà, tậu xe, sắm sửa tiêu xài như ở xứ Mỹ. Có thể bạn không muốn nợ, nhưng chắc chắn là vợ con và đa số thành viên gia đình bạn bè sẵn sàng “shop” dùm bạn. Đòi hỏi duy nhất: bạn phải có job và phải nô lệ nghiêm túc. Mất job là mất tất cả.

Vì lòng tham và vì cái giây xích nợ vô hình này, cả trăm triệu nô lệ Mỹ đã đẩy nền kinh tế và xã hội Mỹ lên đỉnh cao thế giới dưới danh nghĩa “thị trường và tự do”. Trong khi đó các xã hội “phong kiến cổ hủ” phải trì trệ trong đống bùn vì ngu xuẩn. Các lãnh đạo nơi đây không hiểu rằng con ngựa sẽ chạy nhanh hơn nếu bạn treo trước đầu nó một củ cà rốt tươi ngon; chứ không thể dùng roi siết cương suốt chặng dường dài.

Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình và cận thần hiểu được điều này. Họ đã dùng lòng tham và miếng mồi tư bản giàu có để kích thích cả tỷ nô lệ sửa đổi định mệnh Trung Quốc và củng cố tài sản cũng như quyền lực của đẳng cấp thống trị. Họ thành công vượt mơ ước, nhưng vẫn phải núp mình dưới nhiều tên gọi nghe trái tai. Thực sự, Trung Quốc là một quốc gia tư bản gấp nhiều lần so với Mỹ, nếu bạn xem xét kỹ các chương trình phúc lợi xã hội hay quyền lực của các nhóm lợi ích của xứ này.

Nhất là trong thời điểm hiện tại khi xứ Mỹ phải chi tiêu cả ngàn tỷ dollar mổi năm cho các nô lệ nghèo và già (vì lá phiếu của dân chủ); chưa nói đến cả ngàn tỷ dollar khác để bảo vệ hình ảnh của đế chế (Iraq, Afghanistan) và quyền lợi của tư bản (các công ty đa quốc). Trung Quốc không bị gánh nặng này. Cho nên, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong vòng 20 năm nữa, thánh địa của tư bản sẽ được dời qua một địa điểm nào tại Trung Quốc. Nhưng không phải loại tư bản đại chúng, muôn màu và đa dạng như Vegas, mà là loại tư bản của phe nhóm, ích kỷ, tàn nhẫn và đơn điệu với chút quê mùa.

T/S Alan Phan, Chủ tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ. Email của ông là gocnhinalan@gmail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Những can thiệp vô ích

Sau khi đã hết vốn chánh trị để có thể tung ra gói kích cầu nào khác (QE 3), hai ông Obama và Bernanke dùng một tên mới là “gói giúp việc làm” với 450 tỷ dollars và “gói chuyển đổi trái phiếu” (Operation Twist) với 400 tỷ dollars để cố hồi sinh kinh tế Mỹ. Dĩ nhiên, hai ông phải in thêm tiền hay vay mượn. Sang năm, không những vốn chánh trị của hai ông và đảng Dân Chủ sẽ hết, mà công nợ và sự sụt giá của đồng dollar sẽ gây thêm tác hại cho vận hành kinh tế của Mỹ và toàn cầu qua lạm phát. Hai ông không thể chấp nhận một cuộc suy thoái kinh tế nào, cho dù đó là định luật của thiên nhiên. Khi vay thì phải trả, khi tiêu xài tưng bừng không sản xuất thì phải chấp nhận một suy đồi về tăng trưởng để bắt đầu lại. Tại sao thiên nhiên có bốn mùa, tại sao mọi người vẫn vui với mùa thu lá vàng, với mùa đông tuyết lạnh, vì họ biết rằng tiếp theo là mùa xuân của lá xanh và chồi lộc. Tôi tin rằng hai ông sẽ thất bại như trong hai lẩn trước khi ban hành QE 1 và QE2. Kinh tế sẽ được tác động trong vài ba tháng, rồi thị trường và luật tự nhiên sẽ kéo dài thêm suy thoái, mổi lần xấu hơn một chút.

Giống như những đứa trẻ vừa lớn, chính trị gia luôn thích quậy phá, sửa đổi và hiếu động. Chúng không bao giờ chấp nhận ngồi yên cho tình thế tự biến đổi hay cho người lớn chút yên nghĩ để lo liệu công việc của riêng họ. Chúng phải suy nghĩ để đẻ ra những trò chơi liên tục, ngang ngược và nguy hiểm, cho chúng và mọi người khác.

Vừa rồi một anh sinh viên Việt soạn luận án Tiến Sĩ ở Úc xin gặp tôi vài giờ để bàn thảo và phản biện cho đề tài nghiên cứu. Anh đang cố gắng chứng minh là mức thu nhập của người dân (GDP per capita) có tỷ lệ nghịch với những can thiệp của chánh phủ vào vận hành kinh tế tài chánh. Số liệu cho thấy ở những nước mà chánh phủ biết tiết kiệm tối đa về ngân sách và ít dính líu đến các hoạt động của thị trường, cũng như ít quyền lực về mặt kiểm soát, điều hành; thì người dân ở các quốc gia đó có mức sống khả quan nhất. Hai nền kinh tế tiêu biểu cho giả thuyết này là Thụy Sĩ và Hồng Kông. Ngược lại, 2 quốc gia ma người dân phải lãnh búa rìu nặng nề nhất là Bắc Triều Tiên và Zimbabwe.

Ngay cả một ông Tổng Thống Mỹ (Reagan) cũng phải công nhận, “ Chánh sách của các chánh phủ với nền kinh tế có thể tóm lược như sau: nếu chúng (các doanh nghiệp) sống, thì bắt đóng thuế; nếu chúng sống mạnh, thì phải kiểm soát; mạnh quá thì phải cấm; và nếu chúng không sống nỗi, thì hỗ trợ chúng”. Thử tưởng tượng chúng ta đối xử với những người thân yêu của chúng ta theo phương thức vừa kể. Khi con cái khỏe mạnh thì làm đủ chuyện để tạo gánh nặng làm cho chúng yếu hơn. Còn với những người bệnh hoạn kiệt lực thì cố gắng “không cho phép” họ chết. Tóm lại, xã hội sẽ đẩy những xác chết biết đi (zombies). Và với một nền kinh tế đầy những ngân hàng zombies, những công ty sản xuất zombies, những quan chức zombies… thì tương lai nào cho thế hệ trẻ hiện nay?

Tôi nhớ đến một hội thảo ở Ấn Độ khi tôi đề nghị với ngài Thứ Trưởng Kế Hoạch Ấn là nên sa thải 50% công chức và tăng lương cho 50% nhân viên còn lại. Họ sẽ bận rộn với công việc hơn, có tiền nhiều hơn; do đó, họ sẽ không còn thì giờ để nặn đẻ ra những quyết định, văn kiện sách nhiễu người làm kinh tế tư nhân. Đây sẽ là một gói kích cầu lớn nhất của mọi thời đại trên thế giới. Tôi rất sợ những quan chức rãnh rỗi thì giờ, ngồi nghĩ ra đủ cách để “cứu” dân, nhất là sau khi ngà ngà trên bàn nhậu.

Tệ hại hơn các giải pháp cứu dân là lời kêu gọi để chính phủ tự kinh doanh để kiếm tiền dùm cho dân. Đây là căn bản của lý thuyết “quốc hữu hóa” các tài sản của tư nhân thành xí nghiệp quốc doanh, vì chánh phủ quản lý thì tiền không chạy vào túi các tên tư bản ích kỷ. Thông điệp này rất được cử tri Âu Mỹ ưa chuộng vì phần lớn dân nghèo đều hoang tưởng rằng đồng tiền này sẽ thực sự chạy vào túi mình. Chắc chắn họ sẽ thất vọng khi nhận ra là nó luôn luôn chạy vào túi người khác.

Năm 1945, ông Attlee lên thay ông Churchill làm Thủ tướng nước Anh sau khi vận động thắng cử với tiêu đề hãy “quốc hữu hóa” trên toàn diện nền kinh tế, nhất các công ty lớn. Sau cuộc họp phê chuẩn của quốc hội, ông Attlee tình cờ gặp lại ông Churchill trong phòng vệ sinh. Đang đi tiểu, ông Churchill bỗng dời chổ ra xa khi ông Attlee vừa đến đứng cạnh ông. “Tại sao, ông có điều gì thù ghét tôi chăng?” Churchill nói, “ Hoàn toàn không. Tôi chỉ sợ ông thấy cái kích thước của #### tôi, ông lại đòi quốc hữu hóa thì phiền lắm”.

Lúc còn là sinh viên năm thứ 3 của đại học, năm 1966, tôi và 2 người bạn Tàu làm “ta ba lô” du lịch Bắc Âu. Ấn tượng nhất trong chuyến lữ hành qua 4 nước là một buổi sáng mùa hè, chúng tôi lấy chiếc xe điện để đến Christiania ở Copenhagen, Đan Mạch. Giờ đi làm, xe khá đông, không còn chỗ ngồi và chúng tôi phải đứng.

Cạnh tôi là một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, xách cặp đội nón, phong cách thường thấy ở những anh quản lý kế toán chuyên nghiệp. Mặt đẹp trai, nụ cười đôn hậu và có vẻ như quen biết nhiều người trên xe vì những cái gật đầu chào hỏi “godmorgen” liên tiếp. Ông ta cũng quay nói “hello” với tôi và tôi cũng “hello” lại dù không biết ông ta là ai. Sau khi rời xe điện, tôi quay hỏi người bạn Đan Mạch đi cùng. Anh ta nhún vai, “Ồ, đó là Ông Otto, Thủ Tướng, đang trên đường đi làm”. Tôi ngạc nhiên, tròn mắt và anh ta hỏi lại tôi, tại sao, “Ông ta cũng phải đi làm mỗi ngày như mọi người, có gì là lạ?” Thì ra, đây là chuyện bình thường ở xứ sở này. Một ông công chức, dù cao cấp, vẫn leo lên chiếc xe điện, như những cư dân Hà Nội leo lên chiếc xe buýt để đến sở làm. Hết chỗ ngồi thì cũng phải đứng như mọi người khác.

Dù còn trẻ và rất ngu dốt về chuyện chính trị, tôi cũng mường tượng trong cách hành xử của ông Thủ Tướng đó có cái gì tương quan đến việc tại sao người Đan Mạch có mức sống cao nhất thế giới và một văn hóa sống thông minh đương đại. Còn những quốc gia phải chi trả cả chục triệu đô la mỗi năm chỉ để tạo sĩ diện cho một vài ông lãnh đạo thường là những quốc gia có những chính trị gia thích xen vào kinh tế và hành dân. Điển hình là nước Mỹ của tôi và các nuớc nghèo khổ ở Phi Châu.

(Bài đã đăng trên Tạp Chí Doanh Nhân số 89 ngày 3 tháng 10 năm 2011)

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các quốc gia mới nổi. Ông tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Không ngừng đặt câu hỏi

Tất cả bài viết của tôi bắt đầu từ câu nói nằm lòng của Robert Kennedy,” Những nghiên cứu gia nhìn vào sự kiện đang xẩy ra và hỏi tại sao. Tôi nhìn vào những sự kiện đã không xẩy đến và hỏi tại sao không?” (There are those who look at things the way they are, and ask why… I dream of things that never were, and ask why not?). Đó là tiền đề của cuốn sách “Tư duy khác về kinh tế và xã hội Việt Nam” tôi vừa hoàn tất.

Tôi luôn nói với các bạn trẻ là thế giới kinh doanh không thiếu tiền mà chỉ thiếu ý tưởng. Những ý tưởng sáng tạo, làm thay đổi thói quen và hành xử, cải thiện hiệu năng vượt bực là những ý tưởng đã đem lại tài sản hay danh vọng khổng lồ cho nhiều doanh nhân. Người Mỹ gọi chúng là những game-changers hay là những bước tiến đã thay đổi cuộc chơi. Gần đây nhất, Facebook đã khiến một anh sinh viên 24 tuổi Zuckerberg trở thành tỷ phú. Trước đó là các doanh nhân đã sáng lập ra Google, Apple, Microsoft, Intel, IBM, Bell, RCA, Carnegie…tất cả đều là những thanh niên khởi nghiệp với trí tuệ, nghèo và kiên nhẫn. Họ chỉ có ý tưởng, không có tiền và tất cả đều đã thành công trong việc thay đổi phần lớn đời sống nhân loại.


Muốn vậy, họ đã biết đặt câu hỏi chính xác là “tại sao không.?” Họ đã dám đi vào lề trái của 99% đám đông. Họ dám có những tư duy khác lạ so với những suy tưởng bình thường của xã hội.

Dĩ nhiên, rất nhiều ngừơi, dù thành công hay thất bại, trong bọn họ đã phải trả giá đắt. Từ những mất mát về tiền bạc (thực ra không nhiều vì đa số là nghiên cứu sinh nghèo) đến những mất mát về danh tiếng, thị phi vì xã hội không ưa những người khác biệt. Thậm chí nhiều nguời còn mất mạng vì ý tưởng hay khám phá lạ đời, như Galieo với giả thuyết trái đất tròn, như Socrates với biện giải logic, như rất nhiều văn nghệ sĩ tư tưởng gia trong các triều đại phong kiến.

Lấy lịch sử làm thí dụ. Ai cũng biết lịch sử luôn luôn được ghi lại bởi những kẻ chiến thắng. Trong những triều đại mà sự phản biện không được phép thực thi thì những câu chuyện ghi trong lịch sử có thể chỉ là những huyền thoại được thêu dệt vẽ vời để tăng uy tín và quyền lực cùa kẻ thắng. Tuy nhiên, phần lớn người dân, kể cả những bậc trí thức có chút đầu óc cũng nuốt gọn mọi dối trá trộn lẫn trong sự thật và bán sự thật (half-truths).

Trong một xã hội mà đến 95% dân số sống đời khổ sở và thiếu thốn về những vật chất tối thiểu, thì tư duy của ta phải đi ngược lại suy nghĩ đại chúng và hành xử trái hẳn với những điều mà người dân cho là sự khôn ngoan thường nhật. Muốn thóat ra khỏi giới hạn chật chội của nghèo đói, chúng ta phải có tư duy “ngoài cái hộp” (think out of the box).

Dĩ nhiên, ta phải đối phó thường trực với những ù lì rồi phá phách của những thành phần không muốn đổi thay hay tiến bộ của xã hội vì lợi ích cá nhân, gia đình hay phe nhóm. Không có một tinh thần bất khuất và kiên trì, chúng ta sẽ bỏ cuộc không chóng thì chày, vì sức đề kháng của phe bảo thủ rất mạnh. Cuối cùng, những thay đổi rồi cũng đến, vì cốt lõi của cuộc sống là thay đổi (change is inevitable). Nhưng có thể ta không còn hiện diện để nhìn những đổi thay này.

Chả thế mà chính Einstein cũng phải mỉa mai về đám đông chung quanh mình,” Hai thứ là vô tận trên đời: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người. Thực ra, tôi không chắc về vũ trụ” (Two things are infinite: the universe and human stupidity. And I’m not sure about the universe.”

Tư duy mới sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi là tình trạng hiện tại do ai duy trì và họ có những ích lợi gì vào sự ù lì của tình thế? Kế tiếp là những thay đổi sẽ đem đến những cơ hội và rủi ro gì? Ngoài thay đổi, chúng ta có thể tìm được những phương hướng gì khác hơn cả sự thay đổi? Sự suy nghĩ của đám đông là thế này; nếu ta làm ngược lại, thì kết quả gì sẽ xẩy đến? Thói quen bắt đầu từ tư duy, liệu ta có thể thay đổi tư duy của người tiêu thụ hay đối tác?

Trong tình trạng cạnh tranh của toàn cầu hóa và thế giới “phẳng”, một tư duy sáng tạo là một vũ khí vô cùng quan trọng cho sự tiến bộ của một cá nhân, một doanh nghiệp hay một quốc gia. Chất xám và phần mềm sẽ là yếu tố quyết định trên thương trường tự do. Giáo dục, đạo đức và môi trường văn hóa là thành phần dinh dưỡng cho nền kinh tế mới. Cuốn sách “Một tư duy mới cho kinh tế và xã hội Việt Nam” của tôi là một đóng góp nhỏ trong tiến trình tăng trưởng của lớp người trẻ hiện nay.

Mời bạn lên đường và đừng quên là Einstein đã nhắc nhở ta,” Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi” (The important thing is not to stop questioning).

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

(Bài đã đăng trên Doanh nhân Saigon Online ngày 20 tháng 10 năm 2011)

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa và là tác giả cuốn sách “Một tư duy mới cho kinh tế và xã hội Việt Nam” vừa do nhà xuất bản Thái Hà phát hành. Trang Web cá nhân của ông là www.gocnhinalan.com.

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Tín dụng đen và báo động đỏ

Trong khi Âu Mỹ ngập đầu với nợ tư rồi công, thất nghiệp cao và suy thoái GDP, người ta kỳ vọng là Trung Quốc sẽ làm đầu tàu, đẩy tốc độ tăng trưởng cho kinh tế thế giới như lần trước vào 2008. Nhưng mọi người thất vọng về báo cáo mới nhất của Standard & Poor, cảnh giác về nguy cơ vỡ nợ của các ngân hàng Trung Quốc do nợ xấu từ vay mượn của các chánh phủ địa phương. Thực ra, giáo sư Victor Shih của đại học Northwestern (US) đã thuyết trình nhiều lần về khoản nợ này 2 năm về trước nhưng các quỹ đầu tư vào Trung Quốc cố tình bỏ qua vì lợi nhuận đang kiếm được. Số tiền nợ ước tính lên đến 17 ngàn tỷ Nhân Dân Tệ (RMB) hay khoảng 2.6 ngàn tỷ dollars; nhưng một viên chức ở Ngân Hàng Nhà Nước đưa ra con số nhỏ hơn, chỉ 2.2 ngàn tỷ dollars. Tổng số nợ xấu có thể cao đến 50% con số này vì sự lạm dụng bừa bãi của quan chức và các phe nhóm lợi ích để tạo các dự án “siêu khủng” nhằm kiếm chác phong bì, mà không quan tâm gì đến hiệu quả kinh tế.

Một chút kinh nghiệm cá nhân để chia sẻ. Ở Đại Hồ thuộc tỉnh Triết Giang có một loại cua nổi tiếng khắp Trung Quốc, ngày xưa chỉ dùng để tiếp đãi các vua chúa quan lại của triều đình. Cua nhỏ, rất chắc thịt và ngon béo vô cùng. Mỗi mùa cua, những người mê cua Đại Hồ đã không ngần ngại bay từ Hồng Kông, Bắc Kinh…ghé qua ăn cua buổi tối rồi bay về. Sau thời mở cửa, một gia đình ngư phủ sống trong một cái chòi cạnh hồ trở nên triệu phú nhờ cua. Anh tạo quyền lực qua mối quan hệ với các quan chức chung quanh, rồi dùng tiền mua danh, lên báo và TV không ngớt, nói toàn chuyện vĩ mô thế giới, thay vì cua. Một chuyến du lịch qua Đức, anh quay về mua một miếng đất lớn gần Anting, Thượng Hải và vay tiền xây lại một thành phố Đức giữa đồng không mông quạnh. Dự án tốn hơn 800 triệu dollars.

Tôi quen anh từ những ngày xa xưa còn xuống con thuyền chong chanh của anh để ăn cua. Khi anh đưa đề án của khu đô thị, tôi hỏi anh cần tôi giới thiệu cho các nhà đầu tư? Anh nói không cần vì 3 ngân hàng địa phương ở Đại Hồ đã cho vay trọn gói. Sau khi xây xong cách đây 4 năm, dự án chỉ có hơn chục gia đình dọn vào, và cỏ hoang đã mọc um tùm khắp công viên cạnh con suối nhỏ. Hai bức tượng của Goethe và Schiller đứng buồn rầu vì chắc đến 99.99% dân Trung Quốc không biết các ông là ai?

Nguy hiểm hơn nữa là lối quản trị các ngân hàng dựa trên căn bản “quan hệ” , và tạo một hệ thống tín dụng đen hoàn toàn nằm ngoài mọi kiểm soát của bất cứ định chế tài chánh nào. Vì ngân hàng chính thống chỉ thích cho những “doanh nhân” thuộc phe ta hay các ngài đại gia biết cách thu xếp phong bì vay mượn, nên ban quản lý đẻ ra những thủ tục pháp lý và hành chánh rất rắc rối cho người thực sự có nhu cầu. Sau đó, khách hàng lại được nhân viên ngân hàng mách mối đến các “doanh nhân phe ta” để vay lại các khoản nợ có lãi suất cao gấp đôi, gấp ba lãi suất chánh thức. Mối lợi từ hệ thống tín dụng đen rất lớn nên các quan chức trực tiếp tổ chức và điều hành các chi nhánh thu, vay tiền trên khắp khu vực mình kiểm soát.

Một câu chuyện thú vị khác liên quan đến gói kích cầu 600 tỷ dollars năm 2008 của Trung Quốc. Một anh bạn có 2 tiệm ăn rất ngon ở An Hụi nơi tôi hay ghé vào vì đã quen anh hơn 18 năm từ ngày mới mở cửa. Món xúi cảo vịt của anh nổi tiếng khắp vùng. Lần sau cùng, anh đón tôi trong bộ đồ veston lịch thiệp, thay vì cái tạp dồ dơ dáy thường lệ. Anh khoe bây giờ là CEO của một công ty năng lượng xanh có phòng thí nghiệm lớn tại một khu công nghệ cao gần đó. Tôi hơi sốc vì tôi không thấy một tương quan gì giữa nấu ăn và việc kinh doanh thời thượng này của anh. Té ra, chánh phủ trung ương ở Bắc Kinh đang khuyến khích địa phương hãy đổ tiền vào đầu tư vào công nghệ xanh và anh đang nghiêm chỉnh đáp lời sông núi vì lòng ái quốc.

Anh khoe là phải chi hết 500 ngàn RMB để các chuyên gia hoàn thành một dự án quy mô bài bản. Trong giai đoạn đầu, chánh phủ An Hụi bảo lãnh ngân hàng để anh vay 150 triệu RMB (khoảng 23 triệu dollars) với lãi suất ân huệ 2% mỗi năm để lập khu nghiên cứu. Anh bỏ ra 10 triệu RMB làm phòng thí nghiệm, còn 140 triệu anh đem ra 60 triệu cho ngân hàng đen vay lại với lãi suất 16% và 80 triệu cho bạn bè bà con vay với lãi suất hơn 28%. Tôi hỏi còn phòng thí nghiệm thì sao? Anh nói phải mất công thuê máy móc thiết bị cũng như các diễn viên kịch nghệ mỗi ba tháng một lần khi thanh tra chánh phủ xuống kiểm soát. Chi phí này tốn chỉ tốn hơn 50 ngàn, chuyện nhỏ với anh. Anh chống chế, khắp Trung Quốc ai cũng làm những trò ma giáo này, chứ không riêng mình anh. Quả vậy, một người bạn khác ở Quảng Đông đang mua bán TV, máy tính cũng nhảy vào phong trào “năng lương xanh và cũng vay được của địa phương 5 triệu dollars. Phần lớn tiền vay chui vào tín dụng đen vì đây là phương thức kinh doanh lời nhất.

Thị trường tài chính ngoài luồng này có thể chiếm đến 40% tổng số nguồn tài trợ cho các doanh nghiệp và tư nhân cần vốn. Ở Thượng Hải nơi tôi cư trú, có một tòa nhà không tên nằm trên đại lộ chính (Hua Hai Zhong Lo) thường xuyên tấp nập người ra vào. Tài xế của tôi nói đây là một ngân hàng đen nơi mọi người đều có thể vào để gởi tiền hay vay nợ thỏai mái. Lãi suất gởi thường cao hơn ngân hàng, khoảng 10% hay cao hơn với số tiền lớn tùy thương lượng và lãi suất vay lại cao gấp 3-4 lần ngân hàng tùy đối tượng và nhu cầu. Trong suốt 4 năm, hoạt động cho vay này gần như công khai. Sau đó, tôi không biết họ dời đi đâu, nhưng nghe nói là đến một tòa nhà ấn tượng hơn cách đó vài trăm thước!

Ngành ngân hàng Trung Quốc được hưởng thế độc quyền, tránh được những cạnh tranh thị trường và 70% sở hữu là thuộc nhà nước. Trong 30 năm qua, ngân hàng Trung ương đề xuất chỉ trả lãi suất 2-4% mỗi năm cho người dân, trong khi cho vay ra bên ngoài lên tới 8-10%. Nếu hoạt động bình thường, đây là một phương thức làm ăn vô cùng lợi lộc. Nhưng rất nhiều khoản cho vay lãi lại thuộc nợ xấu, vì tham nhũng của quản lý và vì chính phủ có những đòi hỏi chính trị khi sử dụng tiền ngân hàng, bất chấp quy luật về kinh tế. Nợ xấu trong 25 năm qua của ngân hàng Trung Quốc luôn trên 20%. Thành ra trong 6 năm vừa rồi, Trung Quốc đã bắt các ngân hàng phải cổ phần hóa để chuyển trách nhiệm trả nợ này cho các nhà đầu tư mới. Nhưng ngay cả khi đã cổ phần hóa, tổng số mức nợ xấu hiện nay vẫn rất mù mờ.

Nhưng bất cứ ai có một chút đầu óc kinh doanh đều hiểu rằng trò ảo thuật không thể kéo dài vô hạn định. Tài giỏi, nham hiểm, giàu có, quyền lực và độc ác như Ghadafi cũng phải đối diện với ngày tàn sau 40 năm. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc cũng như Âu Mỹ đang trên bờ phá sản vì chánh phủ sẽ không đủ vốn và thủ thuật để trám lỗ hổng của nợ xấu.

Một chuyên gia ngân hàng hỏi tôi làm một so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tôi thoái thác nói mình không đủ dữ kiện và kiến thức về tài chánh ở đây. Anh chỉ cho tôi một bài viết trên mạng về một doanh nhân trẻ, trong 3 năm đã tay trắng đem trị giá của công ty mình lên hơn một ngàn tỷ đồng. Anh chuyên bán siêu xe cho các đại gia và chân dài. Bài viết không tạo nhiều phản hồi, có lẽ vì dân mình quen thuộc quá với chuyện thành tích. Chì có một lời bình độc nhất phía dưới, “chúng ta lại sắp có một vụ vỡ nợ ngàn tỷ đồng…”

Ai nói người dân thiếu kiến thức về kinh tế hay khiếu hài hước?

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

(Bài đã được đăng trên Doanhnhan.net ngày 2 tháng 11 năm 2011 và báo Doanh Nhân số 91 ngày 1/11/2011)

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các quốc gia mới nổi. Ông tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là gocnhinalan@gmail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Nói về đạo đức kinh doanh

Phần lớn những doanh gia thành công ở các thị trường mới nổi cho rằng việc kiếm tiền cho doanh nghiệp là một hoạt động hoàn toàn về kinh tế, không liên quan gì đến đạo đức xã hội hay tôn giáo hay triết lý. Họ thường bào chữa cho các hành xử sai trái trong công việc quản trị hằng ngày bằng một lời phán, “ai cũng làm như thế cả”.

Một bản nghiên cứu của Harvard năm 1998 cho thấy đạo đức và kỷ cương đóng góp về lâu dài một niềm tin tốt đẹp từ khách hàng, từ nhân viên, từ đối tác, từ nhà đầu tư, từ cộng đồng đoàn thể… Đây là cách xây dựng thương hiệu hoàn hảo nhất của bất cứ doanh nghiệp nào. Với một thương hiệu tiếng tăm và bền vững, công ty có thể tìm một tỷ lệ lợi nhuận cao hơn các đối thủ cạnh tranh, một thị phần cao hơn của khách hàng trung thành và kết quả là một thành tựu khả quan hơn về tài chính.

Thiếu đạo đức và kỷ cương quản trị, doanh nghiệp biến thành một công ty của cơ hội, của chụp giật, của đầu cơ… Mọi thành công sẽ tạm bợ, bạo phát bạo tàn.


Tuy nhiên chúng ta cũng phải thông cảm cho những áp lực hàng ngày mà bất cứ doanh nhân nào làm ăn tại Việt Nam phải vượt qua. Ngoài tình trạng bấp bênh của một nền kinh tế vĩ mô thôi thúc bởi cơn sóng thần của lạm phát, lải suất và tỷ giá, các doanh nghiệp Việt phải hoạt động trong một môi trường khá đặc thù khác hẳn thế giới bên ngoài.

Trước hết, sự thiếu vốn của các doanh nghiệp khá phổ thong và thói quen phải gối lưng cho khách hàng nợ hơn 100 ngày khi thanh toán hóa đơn làm kiệt quệ nhiều hoạt động cần thiết. Cái khó khăn khác là sự thiếu minh bạch trong thong tin, kế toán, thuế vụ, chi phí khiến nhiều doanh nghiệp hành xử như kẻ mù giữa rừng gươm. Thử thách khác là những thủ đoạn cạnh tranh bất chính của đồng nghiệp từ cách làm hàng nhái, hàng giả…đến những phá hoại ngầm khá hữu hiệu. Sau cùng là những giây nhợ trói buộc từ những thủ tục hành chánh phức tạp đến những phí tổn bôi trơn cao ngất trời.

Người Mỹ có câu nói là khi con cá sấu gần táp vào quần của bạn thì bạn khó mà nhớ được mục đích ban đầu của bạn là phải khai thông giòng suối. Đây cũng có thể chỉ là một cách để thoái thác trách nhiệm để tăng lợi nhuận cho cá nhân và bảo vệ tiếng tăm cho phe nhóm.

Nhưng một doanh nghiệp muốn tăng trưởng bền vững phải sẵn sang trả giá cho hành vi đạo đức của mình.

T/S Alan Phan

Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

Bài đăng trên báo Saigon Tiếp Thị ngày 13 tháng 10 năm 2011: http://sgtt.vn/Goc-nhin/154095/Cai-gia-tac-hop-dao-kinh-doanh.html

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Quẳng gánh nợ đi mà vui sống

Trên chuyến bay về lại Việt Nam, một giáo sư kinh tế ngồi cạnh đã làm tôi cười ngất khi anh bàn thảo suy tư là tài chánh hoàn cầu sẽ thay đổi ra sao “nếu” Hy Lạp phá sản không trả nổi nợ. Anh này sống trong tháp ngà hơi lâu. Nếu anh chịu khó ghé thăm hay đọc qua lich sử cận đại của Hy Lạp, anh sẽ biết rằng người dân Hy Lạp không bao giờ trả thuế dù bị đòi. Thói quen này cũng được các ngài chánh trị gia nghiêm túc như Tổng Thống, Thủ Tướng, Nghị Sĩ…triệt để áp dụng. Thuế còn không trả thì làm sao dân Hy Lạp sẽ “lo” trả nợ công?

Những ồn ào từ các mạng truyền thông chỉ là áp lực từ các ngân hàng lớn để các lãnh đạo của EU (Liên Hiệp Âu Châu) phải đứng ra cứu bồ và lấy tiền dân Đức, dân Pháp trả nợ dùm Hy Lạp. Tôi chắc chắn với anh bạn là Hy Lạp sẽ không bao giờ trả nợ. Nếu Thủ Tướng Đức Merkel và Tổng Thống Pháp Sarkozy không còn vốn chánh trị để đổ tiền dân vào các thúng lũng PIGS (Portugal, Ireland, Greece and Spain), thì EU coi như sắp giải thể. Tôi còn nói anh nhớ đọc bài “Kẻ cắp gặp bà già” tôi viết cách đây mấy tháng.

Thực ra, nếu các nhà trí thức biết chút đỉnh về lịch sử kinh tế thì chuyện Hy Lạp là một chuyện hết sức bình thường. Vì tham và ngu, các vị quản lý ngân hàng thường đem tiền cho vay bừa bải đến những quốc gia và dân tộc mà họ biết là vô trách nhiệm và hư đốn. Mục tiêu là kiếm phí cho vay và lãi suất để có bonus cuối năm và nghề nghiệp được thăng tiến. Các quốc gia có chánh phủ quản lý tốt thường ít khi vay mượn và do đó, không phải là khách hàng tốt.

Năm 2001, Argentina vay nợ ngập đầu như Hy Lạp và tuyên bố sẽ không trả nợ dollar bằng dollar nữa mà sẽ trả bằng peso. Vì họ tha hồ in tiền peso, nên tất cả nợ của Argentina từ chánh phủ đến người dân bị (hay được) giảm giá hơn 80%. Nhà nước thì đã in sẵn mấy đêm hôm trước tiền peso, còn các doanh nghiệp tư nhân thì hồ hởi trả nợ bằng đồng peso rẻ mạt. Các ngân hàng Âu Mỹ méo mặt, nhiều quan giám đốc phải từ chức, nhưng chẳng ai chết trong vụ quỵt nợ lớn lao này. Vài năm sau, các giám đốc ngân hàng mới lại cần bonus và lãi suất, nên họ cố quên chuyện cũ và lại cho Argentina vay thoải mái.

Bài học này được Mexico và Brazil học hỏi, dọa đem áp dụng để tránh trả nợ. Các viên chức của Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) sợ ảnh hưởng toàn cầu, nên phải lạy lục mãi, Mexico và Brazil mới nhận tiền IMF và bỏ ý định bắt chước Argentina.

Xa hơn nữa trong lich sử, ta thấy Hitler tuyên bố không trả nợ cho các chủ nợ Âu Mỹ vào năm 1933 và các lãnh đạo Âu Mỹ chỉ biết cười trừ. Số nợ tương đương với 100 ngàn tấn vàng và dĩ nhiên, Đức phải mất cả 300 năm mới thanh toán nổi, nên Hitler chỉ cần nói NEIN. Trước đó, năm 1918, khi đế quốc Áo-Hung (Austrian-Hungary) sụp đổ, bản tệ Austro-Marks bị xóa sổ và các nước liên minh lại quay về với tiền cũ của mình như drachma cho Hy Lạp, marks cho Đức và peseta cho Tây Ban Nha. Gần đây, Mahathir của Mã Lai không cho dollar xuất khẩu khi đối diện với nợ dư do cuộc khủng hoảng tài chánh Á Châu năm 1997 đem lại.

Cho nên khi các nhà kinh tế Việt lo lắng là nợ chánh phủ đã lên đến 52% GDP và nếu tính thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước thì có lẽ nợ công Việt Nam đã vượt ngưỡng 100% GDP. Cộng vào nợ tư nhân bằng dollar hay Euro hay Yen thì Việt Nam có thể qua mặt Mỹ và gần ngang hàng với Hy Lạp về nợ nần.

Nhưng tôi nhìn sự cố này với một góc cạnh khác biệt. Trong khi Mỹ không thể xù nợ vì sĩ diện của đế chế và EU không muốn giải thể vì nợ Hy Lạp, thì chúng ta chẳng có gì để mất. Một cá nhân bị phá sản phải chịu nhiều áp lực như mất nhà, mất xe..(cũng dễ bị mất vợ con và nhân tình nữa). Nhưng một quốc gia phá sản thì lại được tiếng tăm là dũng cảm, dám thách thức Âu Mỹ và nền kinh tế toàn cầu hóa. Tôi cũng tò mò muốn xem các chuyên gia IMF lăng xăng qua Việt Nam van lậy, “ông đừng chơi trò này, ông cần bao nhiêu tôi cho mượn thêm”.

Cho nên, tôi khuyên các quan chức là cứ vay mượn thỏai mái, nhất là tiền nhân dân tệ (RMB) của Trung Quốc đang tìm chỗ đậu. Khi nợ công lên đến 200% GDP, ta sẽ ra một quyết nghị số 35 là sẽ trả mọi món nợ bằng tiền VN đồng, kể cả nợ tư (tất cả đại gia Việt sẽ tri ơn chánh phủ). Tôi đảm bảo cuộc sống của dân Việt sẽ không bị chút anh hưởng gì, ngoài việc các cậu ấm cô chiêu sẽ không còn xài được hàng hiệu, các đại gia không còn được nhậu Hennessy hay Moet và các quan chức cũng hết cơ hội kiếm chác với các dự án khủng. Thế giới sẽ không cho Việt Nam vay nợ trong vài ba năm để trừng phạt, nhưng đây là liều thuốc tốt vì nó tập cho chánh phủ và người dân lối tiêu xài trong khả năng thu nhập của mình.

Mặt trời vẫn mọc, không ai chết, cha mẹ có thì giờ dậy dỗ con cháu và thế giới chúng ta sẽ an bình hơn một chút.

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Viasa

(Bài đã đăng trên tạp chí Doanh Nhân số 90 ngày 17 tháng 10 năm 2011)

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ. Email của ông là gocnhinalan@gmail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Danh ngôn

“Khi ngồi trên ghế nhà trường, lúc gặp khó khăn trong học tập thì có giáo viên giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, nếu lúc đó bạn lại cảm thấy mọi khó khăn đều do những yêu cầu quá nghiêm khắc từ phía giáo viên thì bạn đừng nên đi làm sau khi tốt nghiệp. Đơn giản nếu như không có những yêu cầu nghiêm khắc từ phía công ty thì chắc chắn bạn sẽ không làm được gì và sẽ nhanh chóng thất nghiệp, hơn nữa lúc này sẽ không có ai giúp đỡ bạn cả.”

BILL GATES
“Bạn đứng thứ mấy trong lớp không quan trọng, nhưng phải thể hiện được đẳng cấp khi bước chân ra xã hội”

BILL. GATE

“Các bài giảng của giáo sư, cho dù có đầy đủ, xúc tích đến đâu, có chứa chan tình yêu tri thức của bản thân giáo viên đến đâu, thì về thực chất, mà nói, đó chẳng qua cũng vẫn chỉ là chương trình, là những lời chỉ dẫn tuần tự để điều chỉnh trật tự nhận thức của sinh viên. Người nào chỉ biết ngồi nghe giáo sư giảng chứ bản thân mình trong lòng không cảm thấy khát khao đọc sách, thì có thể nói tất cả những điều người ấy nghe giảng ở trường đại học cũng sẽ chỉ như một tòa nhà xây trên cát mà thôi”

I.A. GONTCHAROV
“Chúng ta có thể hoặc dùng lý lẽ để hạ gục ý kiến của người khác hoặc cứ để họ phát biểu những gì họ muốn. Chúng ta không thể xóa bỏ ý kiến bằng vũ lực, làm như vậy sẽ cản trở sự phát triển tự do và trí tuệ.”

CHE GUEVARA
“Cuộc sống không được chia thành những học kỳ đâu. Bạn cũng chẳng có mùa hè để nghỉ ngơi và rất ít ông chủ nào quan tâm đến việc giúp bạn nhận ra đâu là khả năng thực sự của bạn. Hãy tự khám phá điều đó trong những khỏang thời gian của riêng mình“

BILL. GATE

“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”

HỒ CHÍ MINH


“Người người đều muốn thay đổi thế giới, nhưng ai cũng không muốn thay đổi chính mình”.

LEV TOLSTOY

“Giáo dục là một điều đáng kính trọng, nhưng nên nhớ rằng đôi khi những điều được dạy là những cái không đáng biết”.

OSCAR WILDE


“Cái căn bản của thiên hạ là quốc gia, cái căn bản của quốc gia là gia đình, cái căn bản của gia đình là thân mình vậy – Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia, gia chi bản tại thân”.

MẠNH TỬ

“Thước đo giá trị của người phụ nữ chính là người đàn ông mà nàng yêu”.

PLATON

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Mổ xẻ đường đi của dòng tiền đầu tư

Dòng tiền đang nằm trong dân không được đưa vào nền kinh tế chiếm tới khoảng 15-20% GDP.

Các chuyên gia cho rằng dòng tiền nằm trong dân còn rất nhiều nhưng không được đưa vào lưu thông trong nền kinh tế. Vậy trong thời gian tới người dân nên chọn vàng, bất động sản, chứng khoán hay gửi tiết kiệm… Kênh đầu tư nào sinh lời nhiều nhất trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay?


. Ông đánh giá dòng vốn đang nằm trong dân hiện nay như thế nào?

+ TS. Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải:

Hiện nay dòng tiền đang nằm trong dân có hai loại là tiền nhàn rỗi mà người dân đang đem ra xài và tiền cất giấu đi. Tiền người dân cất đi ở nhiều dạng bằng vàng, USD, kiều hối hay dưới dạng tài sản chìm… Trong đó loại không đem ra thị trường để dòng tiền đi vào vòng quay của nền kinh tế chiếm tỷ lệ khá cao. Tôi nhớ không nhầm trên một tờ báo nước ngoài, họ cho con số này tới 15-20% GDP. Thành ra số tiền mà dân cất đi là khá nhiều. Với số tiền này tôi nghĩ hoàn toàn có thể kích cầu được nền kinh tế.

. Vậy làm sao để có thể đưa số tiền này vào nền kinh tế thưa ông?


+ Tôi nghĩ trong một nền kinh tế thị trường, tất cả đều dựa trên niềm tin. Nghĩa là phải làm sao để người dân tin rằng tiền đó sẽ được đảm bảo không mất giá và có khả năng sinh ra lợi nhuận. Ví dụ: đồng USD vững mạnh là vì mọi người tin vào sức mạnh, giá trị vững chắc của cơ chế chính phủ và vận hành nền kinh tế Mỹ. Sở dĩ tiền Zimbabwe mất giá và sụp đổ vì người dân không tin vào nó. Thành ra bất cứ một định chế tài chính nào khi không có niềm tin thì cũng không thể tồn tại được. Cũng như như một doanh nghiệp khi khách hàng không có niềm tin thì họ sẽ bỏ đi.

. Nghĩa là ngân hàng phải củng cố và lấy lại niềm tin của người dân?

+ Ngân hàng chỉ là một phần vì ngân hàng chỉ có thể bảo đảm là họ quản lý dòng tiền vũng vàng, không phá sản. Giống như một nhà phân phối nước suối, họ chỉ đưa sản phẩm đến khách hàng một cách an toàn hiệu quả; chứ họ không là nhà sản xuất để tạo niềm tin cho người tiêu dùng rằng đây là chai nước suối trong sạch và chất lượng. Vấn đề ở đây là ở vĩ mô, là chính sách của chánh phủ để đồng tiền không bị mất giá. Ngày nào người dân còn tin tương lai bền vững và chính sách của chính phủ thì còn phát triển. Tất nhiên không chỉ tạo lòng tin của người dân còn là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài nữa.

Chọn kênh từ mức độ chịu đựng rủi ro

. Vậy thì theo ông trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, người dân nên đầu tư vào kênh nào thì thông minh?

+ Việc đầu tư số tiền vào đâu phụ thuộc vào mục tiêu của mỗi người. Người muốn tiền đẻ ra tiền khác với người muốn giữ tiền để đảm bảo nó không mất. Thứ hai, phải tùy thuộc vào mức độ rủi ro mà mình có thể chấp nhận được. Có những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để được lời lớn. Nhưng có những người lại muốn sao đồng tiền của mình được bảo vệ, không thất thoát dạng “ăn chắc mặc bền”. Bởi thế nếu tư vấn phải tùy vào mục tiêu và mức độ chịu đựng của mỗi người.

Chẳng hạn, với những ai muốn giữ tiền của mình từ 5-10 năm mà không mất giá trị, bỏ vào VND sợ lạm phát ăn mòn, thì nên mua vàng. Vàng không sinh lợi nhưng nó đảm bảo được giá trị của tiền. Ví dụ: Một lượng vàng là 1.600 USD/Ounce, thì mất 20 chục lượng ấy mua được chiếc xe Honda Civic. Nếu giữ vàng khoảng 5-6 năm sau, 20 chục lượng vàng ít nhất là vẫn mua được cái chiếc xe đó. Dù rằng giá chiếc xe đó giá trị lúc này là 600 triệu nhưng 5-6 năm sau đã tăng lên 2 tỷ nhưng với giá vàng mới, ta vẫn mua được.

. Đó là giữ tiền khỏi mất giá. Còn nếu người dân muốn gửi tiền đồng lấy lời và giữ USD thì theo ông kênh nào sẽ tốt hơn?

+ Muốn gửi ngân hàng thì phải tính sự cân bằng của lãi suất. Nếu lạm phát là 18% mà lãi suất chỉ có 10 % nghĩa là đầu tư vào tiền VND sẽ bị mất 8%. Còn nếu lạm phát chỉ 9% mà lãi suất là 12% thì mình lời 3%/năm. Với USD, theo tiên đoán của nhiều chuyên gia, thì có lẽ nó sẽ xuống giá từ khoảng 1-2% mỗi năm trong vòng 2-3 năm tới. Vậy nếu lấy số USD đó mà đi đầu tư cái gì khác sinh lợi cao hơn thì vẫn tốt hơn.

. Hiện nay giá bất động sản cũng đã xuống rất nhiều so với trước đây, theo ông đây có phải là cơ hội tốt để người dân có tiền nên mua vào? 

+ Nếu giá cả thực rẻ thì nên mua, chẳng hạn địa ốc có thể xuống thêm 50% nữa nhưng mình có cơ hội mua chỗ nào mình thích bằng 30-50% giá hiện nay thì đó là một đầu tư tốt. Bất động sản là một tài sản không bị lạm phát ăn mòn Nhưng hiện nay giá bong bóng của bất động sản cao quá, thị trường chưa bất đáy. Tôi nghĩ bất động sản nên giảm nên 50% nữa thì mới đáng mua. Riêng giá đất, tôi nghĩ trong hai năm tới sẽ giảm thêm 30% nữa.

. Từ đầu năm đến nay chứng khoán đi theo chiều hướng tăng, theo ông có nên sớm trở lại với thị trường này?

+Thực tình chứng khoán đang bị làm giá rất nhiều. Vì để cứu ngân hàng, chính phủ phải cứu chứng khoán. Việc lãi suất giảm, hay mở van tín dụng cho một số đối tượng phi sản xuất chẳng qua là giải pháp kích cầu thôi. Trong khoảng từ 3-6 tháng tới, thị trường chứng khoán sẽ được thổi lên khi chỉnh phủ và ngân hàng bơm tiền vào. Nhưng dòng tiền đó không được nhiều vì chính phủ cũng sợ lạm phát quay đầu nên không dám in tiền hay đi vay nhiều. Thế nên sau 3-6 tháng dòng tiền này cũng sẽ hết. Đến lúc hết hơi, giá trị đi xuống lại tiếp tục. Đâu lại vào đấy,

Tuy nhiên, có nhiều công ty với giá cổ phiếu dựa trên giá trị thực như mức lời hiệu quả, minh bạch, thị trường có tiềm năng, thương hiệu…thì việc đầu tư lâu dài có thể tốt. Phần lớn các công ty trên sàn hiện nay còn nhiều yếu kém, thông báo tài chính rất đáng nghi ngờ, sở hữu chồng chéo và sự minh minh bạch không được tôn trọng. Ở một khía cạnh khác, những nhà đầu tư nào thích lướt sóng và biết lướt sóng thì vẫn kiếm được tiền. Khi Chính phủ và ngân hàng kích cầu thì mua vào nhưng sau đó phải rút nhanh cho mau lẹ.

Có một cách khác để kích cầu. Đó là cái bản tính người Việt Nam thích đánh bạc. Nêú chính phủ muốn thu hút tiền trong dân, có thể cho phép mở 5-6 casino một lúc thì sẽ kích được nguồn tiền và nền kinh tế. Bởi vì mỗi một casino cần tới vài ngàn nhân viên và cả trăm ngàn khách hàng, trong và ngoài nước. Thay vì để tiền nhàn rỗi giấu ở trong nhà, hay chôn ở sau vườn, dân sẽ đào lên đánh. Như vùng Las Vegas, trước đây cũng là sa mạc vắng người nhưng sau khi mở các sòng bạc, lập tức dòng tiền từ mọi nơi đã đổ về đây. Xin xác minh là tôi thuần túy nói về khía cạnh kích cầu kinh tế và không xét về phương diện đạo đức hay xã hội. Tôi rất ghét đánh bạc, nhưng số lượng tiền đổ vào vé số kiến thiết hay số đề và các cá cược bóng đá cũng như đem qua Macau, Singapore hay Kampuchia là một thực thể kinh tế.

. Như vậy theo ông dòng tiền sắp tới sẽ đi theo xu hướng nào?


+ Vì các yếu tố đó, theo tôi sẽ có một dòng tiền sẽ đi vào bất động sản, chứng khóan, ngân hàng… phát sinh từ những nhà đầu cơ. Nhưng phần lớn tiền nhàn rỗi sẽ nằm yên trong túi người dân vì họ không dám nhận các rủi ro.

. Ông đánh giá thế nào về nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong thời gian sắp tới?


+ Cách đây 4-5 năm, ở Hồng Kông, các quỹ đầu tư nghe nói tôi hay về Việt Nam thường xuyên nên họ đã hẹn gặp và hỏi han về thị trường này, về cơ hội đầu tư và khả năng kiếm tiền ở Việt Nam. Đó là lúc chúng ta vừa gia nhập WTO, một cơ hội chuyển đổi mới ngàn vàng. Tuy nhiên gần đây tôi không thấy các nhà đầu tư nói về Việt Nam nữa mà họ hay nhắc đến Miến Điện. Bởi vì Miến Điện cũng mới bắt đầu mở cửa, nên đây là một thị trường có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn hơn.

. Nghĩa dòng tiền từ các kênh đầu tư nước ngoài sắp tới có thể không nhiều?

+ Hiện nay, để cứu doanh nghiệp thì chính phủ phải đi vay hay in tiền nhưng cả hai đều gây lạm phát. Và cũng không thể làm mãi như thế được, đến lúc nào đó cũng phải ngừng. Hiện bây giờ kinh tế cần cuộc giải phấu nhưng nhà nước lại đang muốn tìm thuốc uống hơn là giải phẫu. Mà thuốc thì có thể giảm đau chứ căn bệnh luôn còn đó. Ngoài dòng tiền chính phủ đưa vô tôi không thấy nguồn tiền vốn đáng kể nào cả.

Nếu là tôi, tôi nghĩ cần phải có sự hủy hoại mới có sự sáng tạo. Rừng cây già cỗi phải tiêu đi thì cây xanh mới mọc.

. Vậy theo ông vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là gì?

+ Doanh nghiệp hiện nay đa phần là bầy đàn: người ta làm sao mình làm vậy, không biết sáng tạo. Có nhiều cách để kiếm vốn từ nhiều kênh khác, chứ không phải chỉ xách sổ đỏ đến ngân hàng. Thêm vào đó, doanh nghiệp nước ta sử dụng đòn bẩy quá nhiều. Có 1 đồng, phải vay mượn để làm 7, 8 đồng. Trong khi đó ở Nhật Bản, Mỹ hay các nước Âu châu khác có một đồng họ cùng lắm vay thếm một đồng để làm là hết mức rồi.

. Riêng với các doanh nghiệp còn tiền, theo ông nên đầu tư vào lĩnh vực nào?

+ Nếu doanh nghiệp đó có tiền mặt nhiều, đang còn thế mạnh thì đây là lúc nên đi mua lại các tài sản rẻ tiền để có những sản phẩm và vị trí vững mạnh hơn trên thị trường.

. Với bản thân ông thì ông lựa chọn kênh nào trong điều kiện này?

+ Tôi không thích may rủi nên không muốn bỏ vào chứng khoán hay một kênh đầu tư mà mình không kiểm soát được. Phải lo giữ tiền của mình. Chẳng hạn trong quỹ của tôi đang còn một khoản cash dư khoảng 2 triệu USD. Chúng tôi vừa mua trái phiếu chính phủ Philippin để hưởng lãi 9%. Theo tính toán thì trong thời gian ngắn hạn 6 tháng tới, tình hình vĩ mô của nước này sẽ không có nhiều thay đổi. Chúng tôi không chon Mỹ hay Singapore vì dù ổn định, lãi suất sẽ rất thấp…

. Ông đánh giá thế nào về nguốn vốn đầu tư của nước ngoài trong thời gian sắp tới. Có chuyển biến gì về Việt Nam. Còn nếu bắt buộc đầu tư VN trong giai đoạn này thì sao?



+Cái đó là may mắn của tôi vì thời gian này tôi không phải đầu tư vào gì hay ở đâu. Còn nếu bắt buộc, lúc ấy sẽ có các chuyên gia ngồi phân tích xem kênh đầu tư nào có lợi nhất với tiêu chí rủi ro. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn thích những ý tưởng kinh doanh sáng tạo có thể rủi ro cao nhưng lại cho lợi nhuận khổng lồ.

TIÊU ĐIỂM:

Việc đầu tư số tiền vào đâu phụ thuộc vào mục tiêu của mỗi người. Người muốn tiền đẻ ra tiền khác với người muốn giữ tiền để đảm bảo nó không mất. Thứ hai, phải tùy thuộc vào mức độ rủi ro mà mình có thể chấp nhận được. Có những người họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để được lời lớn. Bởi thế nếu tư vấn phải tùy vào mục tiêu và mức độ chịu đựng của mỗi người.

Kinh doanh không phải để cho oai mà là vì lợi nhuận

Ở các nước Âu Mỹ, doanh nghiệp chỉ chuyên vào một ngành nghề sao cho thành công và có lợi nhuận. Ví dụ ông Bill Gates từ trước đến giờ ông không làm gì khác ngoài Microsoft, hay ông Steve Jobs với công ty Apple. Họ không đầu tư vào địa ốc hay mở nhà băng. Họ chuyên tâm chăm chú vào một việc và nghĩ sao để phát triển nó chứ không nghĩ đến việc làm sao cho hoành tráng.

Còn doanh nghiệp Việt Nam đa số thích làm đủ mọi ngành và lúc nào cũng muốn sao cho thật hoành tráng. Ở Việt Nam còn có những chuyện khôi hài như thế này chúng ta thích cắt băng khánh thành này nọ, khai thương động thổ rầm rộ, đọc diễn văn liên miên… dù chỉ mới dùng xẻng xúc vài ba miếng cát rồi bỏ đi im lìm… vì kêu vốn không được nên đi luôn. Còn ở nước ngoài tới ngày nào làm thì đến làm. Họ chỉ động thổ hay cắt băng khánh thành với những công trình chánh phủ như hoàn thành đường sá, trường học… để PR cho mấy anh chính trị gia … Vấn đề là làm sao cho có lời chứ không phải cho oai hay vì sĩ diện.

Ở Mỹ có những người coi trái phiếu chính phủ Mỹ là bền vững nhất vì họ nghĩ nếu chính phủ Mỹ mà quỵt nợ thì cả tài chánh thế giới tiêu hết rồi. Nên họ chấp nhận mua trái phiếu với mức lãi suất chỉ 1,8% mỗi năm. Và về nhà ngủ rất ngon bởi họ biết chắc chắn ngày hôm sau số tiền ấy vẫn được bảo vệ. Tuy nhiên cũng có những người không thỏa mãn với 1,8%/năm. Họ mua trái phiếu của các công ty nhỏ hơn, với lãi 8-10% và họ chấp nhận rủi ro cao hơn vì khả năng các công ty này phá sản. Nghĩa là mình phải biết mức độ chịu đựng rủi ro của họ để tư vấn nhưng càng rủi ro thì phải đòi hỏi một lợi nhuận càng lớn.