Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Bất động sản: 2012 hay 10 năm nữa???

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ Tịch UBND TP.HCM, cho là giá đất và gián tiếp, giá BDS sẽ là rào cản căn bản của mọi cố gắng để tái câu trúc nền kinh tế và cơ chế chánh trị “Vấn đề này liên quan đến tất cả, từ đầu tư công, doanh nghiệp đến hệ thống tiền tệ”. Không chấp nhận thay đổi và để bong bong vỡ như luật thị trường đòi hỏi, thì nền kinh tế này sẽ còn suy thoái thêm 10 năm nữa.

Mỹ hay Thái Lan mất khoảng 7 năm để hồi phục khi bong bóng BDS vỡ tại nước họ. Nhiều người hỏi tôi nếu giá BDS ở Việt Nam chạm đáy cuối năm nay thì liệu chúng ta có quay về đỉnh giá hiện tại vào 2020? Một câu hỏi khó trả lời vì nền kinh tế thị trường của Mỹ và các nước khác không có những đặc tính của cơ chế nửa mở nửa đóng như Việt Nam nên không thể có sự so sánh chính xác. Thế nhưng mọi người đều hiểu rằng khả năng vượt bão của doanh nghiệp Việt cũng như hệ thống ngân hàng sẽ tùy thuộc rất nhiều vào giá trị BDS.

BDS qua lịch sử

Tất cả những tranh chấp trong 5 ngàn năm lịch sử đều có liên quan đến đất đai. Các đế chế Trung Hoa, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Tây Âu vào trước Thê Chiến thứ hai, đều dựa kế hoạch bành trướng trên căn bản chiếm đất. Ngay cả Việt Nam, chuyện “mở mang bờ cõi” là một thể hiện lòng yêu nước cao độ dưới triều Nguyễn, cho đến khi thực dân Pháp làm tan mộng đế vương.

Cho đến ngày hôm nay, tại những quốc gia kém phát triển, nền kinh tế còn thô sơ, tài sản của người dân vẫn phần lớn là bất động sản, ít nhất cũng là miếng đất để cắm dùi. Cho đến năm 1985, những tỷ phú giầu bằng bất động sản vẫn chiếm 18% tổng số của 100 tỷ phú giầu nhất nước Mỹ. Hiện nay, gần như ít ai có thể kiếm tỷ đô la trong vài chục năm bằng bất động sản; trừ khi họ mua bán các sản phẩm phái sinh tài chánh (derivatives) của bất đông sản.

BDS qua góc nhìn cá nhân

Trong cuộc đời kinh doanh của tôi, ông boss cũ người Do Thái là nhân vật ảnh hưởng đến những quyết định về đầu tư hay điều hành BDS. Ông là một đại gia có khoàng 1.6 tỷ dollars vào thời cực thịnh. Mặc dù có một penthouse rông hơn 1,000 mét vuông ở Park Avenue, nơi mệnh danh là khu giàu có nhất New York và một bà vợ với đứa con gái, ông gần như sống suốt ngày trên chiếc máy bay Gulfstream riêng của ông. Ông bay khắp thế giới và phòng ngủ của ông nằm tại hầu hết các khách sạn 5-6 sao trên khắp 5 lục địa.

Lúc tôi còn làm việc cho ông, công ty ông đầu tư và kiểm soát 24 công ty con thuộc nhiều ngành nghề và tại nhiều quốc gia; nhưng không một công ty nào liên quan đến BDS, trực tiếp hay gián tiếp.

Ông giải thích, BDS là một đầu tư khó thể kiểm soát vì chu kỳ lên xuống khó đoán; vì khi gặp khó khăn, ta không thể dời BDS đến một thị trường khác (như các sản phẩm hay dịch vụ); và khi cho thuê, thì các vấn đề với người thuê là những rắc rối có thể vượt quá khía cạnh pháp lý (chẳng hạn như chánh phủ có thể cấm tăng giá thuê để hốt phiếu người dân nghèo…). Thêm vào đó, khi thị trường xuống dốc, thì việc thoái vốn gần như bất khả thi dù chịu bán lỗ. Trên hết, chiến thuật đòn bẫy hay dùng trong kinh doanh BDS có thể tạo lợi nhuận nhanh chóng, nhưng đây cũng là mồ chôn bao nhiêu tài sản cực nhanh.

Khi qua lại Mỹ lần thứ nhì vào năm 1975, tôi kiếm hơn 4 triệu dollars đầu tư bán thời gian vào BDS trong khi đi làm. Sau đó, tôi mất hết tiền đã kiếm được khi đầu tư vào một dự án BDS ở Arizona vào năm 1982. Căn biệt thự tôi mua ở Shanghai năm 1999 với $400,000 nay đã trị giá gần 2 triệu. Một đầu tư khác với vài người bạn ở một khu thương mại gần Beijing giờ tặng cũng không ai lấy.

BDS và nợ xấu ngân hàngKhi bong bóng BDS vỡ bên Mỹ vào 2008, tuần báo Economist có làm một phân giải về nguyên do. Chính yếu là các ngân hàng và định chế tài chánh đã rất “lười” khi đổ tiền vào các khoản nợ BDS. Trái với các tài sản tài chánh khác, thị trường cho BDS tương đối an toàn và bền vững. Dựa trên một định giá đã được “công thức hóa” khi tính tỷ lệ rủi ro, các ngân hàng lại đặt niềm tin thêm vào các công ty giám định rủi ro như Moody’s, Fitch…do đó, họ đã vất tiền thoải mái vào BDS và các sản phẩm phái sinh. Khi bong bong nổ, họ là nạn nhân đầu tiên và sau cùng.

Các ngân hàng Việt nam cũng hành xử tương tự. Ngoài các món nợ cho những doanh nghiệp nhà nước có chánh phủ bảo kê ngầm, phần lớn các món nợ đều phải có sổ đỏ, sổ hồng của BDS cho tiện lợi mọi bề. Nền kinh tế thị trường to lớn của Mỹ có thể hấp thụ cơn bão do BDS đem lại; nhưng chánh phủ Mỹ cũng mất gần 2 ngàn tỷ đô la (khoảng 14% GDP) để cứu nguy (QE 1, QE 2 và Twist). Một vài chuyên gia ước tính là nền kinh tế Việt sẽ phải chi ra hơn 70 tỷ đô la (65% GDP) trong 2 năm tới để có tác dụng tương tự. Cách duy nhất để kiếm số tiền này là huy động tiền nhàn rỗi trong dân, qua vàng và ngoại tệ, để không bị lạm phát phi mã.

Một bài toán khá khó khăn cho các nhà lãnh đạo kinh tế.

Mọi con đường đều dẫn đến La Mã

Tôi thông cảm hoàn toàn khi ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ Tịch UBND TP.HCM, cho là giá đất và gián tiếp, giá BDS sẽ là rào cản căn bản của mọi cố gắng để tái câu trúc. “Vấn đề này liên quan đến tất cả, từ đầu tư công, doanh nghiệp đến hệ thống tiền tệ”.

Cách đây vài tháng, tôi có tiên đoán là nếu chánh phủ thay đổi hoàn toàn luật sở hữu nhà đất, thì một dòng tiền mới sẽ đổ vào thị trường BDS với những hệ quả tích cực. Dù tôi nói thêm là cơ hội xẩy ra nằm dưới xác xuất 50%, tôi hy vọng là minh sai, vì tôi mong một sự hồi phục nhanh chóng. Nhưng sau đó, chánh phủ đã khẳng định là “toàn dân vẫn sở hữu đất đai” hay nói một cách khác, mọi thứ sẽ không thay đổi.

Thay vào đó, các quan chức cao cấp của Bộ Xây Dựng dọa về khả năng nhà nước, trực tiếp và gián tiếp, có thể bơm 500 ngàn tỷ đồng (25 tỷ USD) vào BDS trong năm nay. Trong bài viết “Ván Bài Lớn Của BDS” tôi đã tiên đoán về những hệ quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, theo đó tiền VND và lạm phát sẽ là hai nạn nhân đầu tiên. Có lẽ chánh phủ đã suy nghĩ lại về lựa chọn của mình, nên chưa thấy các biện pháp gì tiếp theo.

Có lẽ lời tiên đoán 2 năm trước của một đại gia BDS Thái Lan khá chinh xác,” Bong bóng sẽ vỡ vào cuối năm 2012”. Còn nếu chánh phủ không chấp nhận thay đổi và để bong bong vỡ như luật thị trường đòi hỏi, thì nền kinh tế này sẽ còn suy thoái thêm 10 năm nữa.

T/S Alan Phan

20 May 2012

T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Một biểu tượng của kinh tế thị trường

Trong nền kinh tế thị trường, mọi chuyện đều có thể xẩy ra. Nếu Facebook có thể đạt thị giá 100 tỷ đô la trong 8 năm (từ 1 ngàn đô la khởi nghiệp) thì Facebook cũng có thể mất 32 tỷ đô la về thị giá chỉ trong 20 ngày. Các tay chơi tự do kiện nhau về mất mát, nhưng không ai chạy đến chánh phủ xin cứu trợ.

Cả tháng nay, thế giới tài chánh bàn tán không ngớt về IPO của Facebook với một định giá kỷ lục là 100 tỷ đô la (tương đương GDP của Việt Nam và lớn hơn GDP của 124 quốc gia khác) cho một công ty thành lập trong một căn phòng nội trú 8 năm về trước với 1 ngàn đô la giữa 2 sinh viên. Công ty Facebook sẽ thu về 16 tỷ đô la tiền mặt từ IPO; có doanh thu 6.3 tỷ đô và lợi nhuận trước thuế khoảng 2.2 tỷ đô; nhưng tài sản lớn nhất là 900 triệu thành viên trên khắp thế giới.

Bỏ qua những lời ngợi khen hay chê bai, thán phục hay dửng dưng về sự trổi dậy của một đế chế IT mới, tôi tìm ra vài điều thú vị từ hiện tượng Facebook này, nhất là khi nhìn từ một xã hội gần như tương phản:
1. Mô hình kinh doanh khác biệt

Khác với các công ty IT khác như Google phải thu nhặt dữ liệu qua trăm ngàn máy chủ, hay Microsoft phải trang bị Windows và các phần mềm lên các máy tính, các thành viên của Facebook đã tự nguyện cho lên trang mạng xã hội này các thông tin dữ liệu cá nhân của mình để Facebook hưởng lợi bằng cách khai thác thương mại quảng cáo với những doanh nghiệp khách hàng. Có thể nói Facebook chỉ là một trang mạng, không hơn không kém, và dịch vụ duy nhất là để bạn bè gia đình kết nối và chia sẻ. Một ý tưởng trị giá 100 tỷ đô la? Và một mô hình kinh doanh hoàn toàn do khách hàng chủ động, họ tiếp thị và bán cho nhau dịch vụ kết nối này mà Facebook không phải trả đồng nào.
2. Facebook chỉ có thể xẩy ra ở Mỹ

Dưới chế độ tư bản ích kỷ, mọi người tự do theo đuổi lợi nhuận và ý thích của mình, không cần ai cho phép. Nếu bạn ngu xuẩn và mất tiền của bạn hay của khách hàng ký gởi, thì đó là một lựa chọn dựa trên căn bản tự nguyện. Thêm vào đó, văn hóa của nền kinh tế Mỹ coi chuyện thất bại là một sự kiện bình thường, không gì để bài bác.

Nếu Zuckerberg, hay Larry Page hay Steve Jobs trước đây, sống ở một xã hội nhự Trung Quốc thì thế giới chắc chắn không có Facebook hay Google hay Apple. Các sinh viên trẻ này không phài là các hoàng tử đỏ hay có đủ quan hệ chánh trị để sáng tạo một công ty với mô hình kinh doanh chưa hề hiện diện. Các hoàng tử công chúa thực ngoài đời thì bận rộn khoe các “đồ chơi” thể hiện đẳng cấp. Các đầu óc quan chức thì chắc chắn không thể hiểu nổi một quan niệm sống và chia sẻ quá tự do và cách mạng kiểu này của thế hệ mới. Và chắc chắn, sáng tạo không thể thực hiện bằng biện pháp hành chánh, nghị quyết hay khẩu hiệu.
3. Sự khép kín của các tỷ phú Facebook

Sau IPO, phần lớn các nhân viên trẻ vây quanh Zuckerberg đã trở thành triệu phú đô nhiều lần, kể cả anh bạn thiết kế logo cho Facebook. Các phóng viên truyền thông đã để ý đến cuộc sống khép kín bình dị của những nhà triệu phú mới này. Sheryl Sandberg, COO, xây căn nhả nằm dưới đất trong một khu rừng để tránh những tương phản khá lớn với môi trường. Zuckerberg mua một biệt thự 6 triệu đô, sau khi thị trường định giá tài sản cá nhân anh là 32 tỷ đô. (Một đại gia cõ nhỏ Việt vừa mời tôi ăn tân gia ở khu Thảo Điền và khoe là đã chi 5 triệu đô cho căn biệt thự ở đây). Zuckerberg cũng vừa tổ chức đám cưới với cô bạn gái bác sĩ, mời 100 khách, chi ra khoảng 27 ngàn đô. (Chỉ bằng một phần hai mươi tiền của đại gia Hà Tĩnh chi ra cho đám cưới con trai, mà Zuck lại quên mời Mr. Đàm và Quang Lê).
4. Sáng tạo cần hủy diệt để tiến bộ

Kiếm tiền theo định chế thị trường vô cùng vất vả. Vừa mới đăng quang xong, Facebook đã phải đối diện với bao cạnh tranh, cũng như các lời tiên đoán về số tuổi của mình. Đe dọa lớn không chỉ là nhà khổng lồ Google +, mà là cả ngàn công ty đang nằm trong các phòng nội trú hay các nhà để xe khắp thế giới. Nhược điểm của Facebook về ứng dụng cho các điện thoại thông minh đã khiến một nhà phân tích IT cho là Facebook sẽ biến mất sau 10 năm. Các nhà giao dịch chứng khoán thích so sánh Facebook với Yahoo. Họ cho rằng Yahoo sau khi ra đời khỏang 7 năm cũng đạt thị giá hơn 100 tỷ đô và chỉ 6 năm sau, còn 30 tỷ đô.
5. Luôn luôn có tay đua nhanh hơn

Thực ra, mạng xã hội đầu tiên là MySpace, đã chào đời vào 2003, 2 năm trước Facebook. Nhưng MySpace vướng hai vấn đề. Một là ban quản trị chậm chạp hình thức kiều quan lại vì nằm dưới quỹ đạo của News Corp (thích kiểm duyệt nội dung và ngăn cấm các đề tài gây khó chịu cho các chánh phủ thân hữu như Trung Quốc) và hai là đội ngũ IT đã không cải tiền sản phẩm thường trực, gây vướng mắc kỹ thuật liên tục cho khách hàng. Khi gặp đối thủ nhanh hơn, sáng tạo hơn, nhỏ hơn…MySpace đã không cạnh tranh hữu hiệu va trở thành một viên gạch lót đường cho Facebook và các mạng xã hội khác như YouTube.
6. Càng lên cao càng té nặng

Các ngân hàng đầu tư như Morgan Stanley hay Goldman Sachs thường kiếm tiền vô khối cho mình và khách hàng thân thích của mình trong dịch vụ IPO. Đây là một hình thức ban phát ân huệ của các ngân hàng vì giá IPO thường được hạ thấp để sau khi IPO, giá cổ phiếu sẽ tăng vọt tạo ấn tượng cho công ty, ngân hàng bảo lãnh IPO và thị trường.

Tuy nhiên, IPO của Facebook lại gặp nhiều vấn đề ngoài dự đoán. Vì lòng tham, Morgan Stanley đã ra giá cao lợi dụng thời điểm tốt của thị trường và những chiêu PR quá tốt cho Facebook khắp thế giới. Được rao truyền là sắp vượt mặt các đàn anh như Google, Apple…, giá Facebook tại IPO ngày 18 tháng 5 là $ 38 USD. Chỉ sau 20 ngày, hôm nay (7/6/2012), Facebook chỉ còn thị giá $ 26. Các nhà đầu tư lỗ 31%. Mỗi tuần, Morgan Stanley, Nasdaq, Facebook, Zuckerberg…và bất cứ ai liên quan đến vụ IPO của Facebook đều nhận hơn ngàn đơn kiện từ khắp nơi.

Từ góc nhìn của tôi, Facebook là một biểu hiện rất trung thực của nền kinh tế thị trường. Sự thành công của Facebook là một mô hình kinh doanh sáng tạo, nắm bắt nhu cầu thị trường nhanh chóng và luôn cải tiến để thỏa mãn khách hàng, xây dựng một thương hiệu đẳng cấp. Nhưng nền kinh tế thị trường cũng đẩy ra những cạnh tranh khốc liệt liên tục, từ các địch thủ cũ như Google + đến những doanh nhân mới chưa ai biết đến. Và trong nền kinh tế thị trường, mọi chuyện đều có thể xẩy ra. Nếu Facebook có thể đạt thị giá 100 tỷ đô la trong 8 năm (từ 1 ngàn đô la khởi nghiệp) thì Facebook cũng có thể mất 32 tỷ đô la về thị giá chỉ trong 20 ngày. Các tay chơi tự do kiện nhau về mất mát, nhưng không ai chạy đến chánh phủ xin cứu trợ.

Một điều chắc chắn: sẽ còn nhiều hiện tượng Facebook trong tương lai ở những xã hội mở. Bài học Facebook có thễ dậy các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới về một môi trường cần có để tạo dựng những công ty đột phá. Còn nếu cứ khư khư ôm giữ những định luật thời đồ đá, người dân của họ sẽ biến thành những con thạch sùng chỉ biết thở dài trong đêm tối.

T/S Alan Phan

T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Các em chẳng có gì đặc biệt

Sự quan tâm thái quá của người lớn khiến cái tôi của bọn trẻ phình to. Do đó, tôi nghĩ chúng cần một cách suy nghĩ mới. Đưa chúng vào đời với cái tôi quá lớn chẳng khác nào làm hại chúng

McCollough khẳng định. Trả lời phỏng vấn Fox News, McCollough giải thích ông muốn các học sinh hiểu rằng chúng phải nỗ lực nếu muốn thành công trong cuộc đời.


Thế nhưng, bài phát biểu của David McCollough lại được nhiều tờ báo và hãng tin Mỹ đăng tải, và thu hút được hàng chục ngàn comment (bình luận) trên mạng Internet, phần lớn đều ủng hộ thông điệp của ông McCollough.

Trong bài diễn văn tại lễ tốt nghiệp năm 2012, thay vì lặp lại những câu sáo mòn như “Chúng tôi rất tự hào về các em”, “Các em rất tài năng”, “Thế giới là của các em”..., ông McCollough đưa ra một thông điệp mà giới truyền thông Mỹ mô tả là “Xin chào mừng các em đến với cuộc đời thực”.

Wellesley High là trường công nổi tiếng ở thị trấn giàu có Wellesley, có truyền thống lâu đời và từng sản sinh nhiều nhân tài cho nước Mỹ. David McCollough Jr là con trai của nhà sử học - nhà văn David McCollough, người từng đoạt giải thưởng Pulitzer.

Trước các học sinh của mình đang xúng xính trong bộ đồng phục tốt nghiệp giống nhau, đang háo hức cầm trên tay tấm bằng, McCollough dõng dạc nói rằng “Các em chẳng có gì là đặc biệt”, “chẳng có gì là phi thường”! Một gáo nước lạnh như được giội xuống mọi thành tích vẻ vang của trường!

Được chăm bẵm quá mức

Trước bao ánh mắt mở to sửng sốt, McCollough điềm nhiên nói tiếp: “Các em đã được hầu hạ tận miệng, nâng niu mỗi ngày, được nuông chiều, được bảo bọc cẩn thận. Vâng, người lớn đã ôm hôn các em, cho các em ăn, lau miệng... cho các em. Họ dạy dỗ, hướng dẫn, lắng nghe, động viên và an ủi các em. Các em được nâng niu, phỉnh phờ, dỗ ngon dỗ ngọt, được nghe toàn những lời nài nỉ.

Các em được người lớn ngợi khen đến tận trời xanh, được gọi là cục cưng. Đúng vậy đó. Chúng tôi đã ở bên cạnh các em trong các trò chơi, vở kịch, các cuộc biểu diễn âm nhạc, hội chợ khoa học. Những nụ cười tỏa sáng khi các em bước vào phòng, đáp lại mỗi tin nhắn trên Twitter của các em là những tiếng hô hào hứng. Và giờ các em đã chinh phục được trường trung học. Nhưng đừng lầm tưởng rằng các em là đặc biệt. Không có chuyện đó đâu nhé!”.

Đến đây, McCollough dẫn các học sinh vào một hiện thực đang chờ đợi mình. “Mỗi năm có ít nhất 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học trên toàn quốc. Đó là 37.000 học sinh tiêu biểu của các trường, 37.000 chủ tịch hội học tập, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên... Nhưng tại sao lại tự giới hạn chúng ta ở trường trung học thôi? Hãy thử nghĩ xem. Nếu cả triệu người mới có một người như các em thì trên thế giới 6,8 tỉ dân này sẽ có tới gần 7.000 người như các em. Hãy nhìn toàn cảnh. Hành tinh của chúng ta không phải là trung tâm Hệ mặt trời, Hệ mặt trời không phải là trung tâm Ngân hà, Ngân hà cũng chẳng phải là trung tâm vũ trụ. Các nhà thiên văn đã khẳng định vũ trụ không có trung tâm đâu, do đó các em không thể là “cái rốn” của vũ trụ. Ngay cả tỉ phú Mỹ nổi tiếng Donald Trump cũng chẳng là “cái đinh” gì”.

McCollough dẫn dắt tiếp: “Người Mỹ chúng ta giờ đây yêu các danh hiệu hơn là những thành công thật sự. Chúng ta coi danh hiệu là mục tiêu và sẵn sàng thỏa hiệp, tự hạ thấp các chuẩn mực, hoặc phớt lờ thực tế khi cho rằng đó là cách nhanh nhất hoặc duy nhất để có được những thứ có thể đem ra khoe mẽ, để có một vị trí tốt hơn trong xã hội... Hậu quả là chúng ta đang coi rẻ các trải nghiệm đáng giá, thế nên việc xây dựng một cơ sở y tế ở Guatemala trở thành chìa khóa để chạy xin vào học tại Bowdoin (học viện nghệ thuật nổi tiếng ở Mỹ) hơn là việc này vì cuộc sống của người dân Guatemala”.

Hạnh phúc không tự tìm đếnMcCollough nhấn mạnh mục tiêu thật sự của giáo dục không phải đem lại lợi thế vật chất mà là sự hiểu biết, yếu tố quan trọng của hạnh phúc. “Trước khi các em tỏa đi khắp nơi, tôi kêu gọi các em hãy làm những gì mình yêu thích và tin tưởng. Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. Hãy xứng đáng với những lợi thế mà mình có”.

Sau khi khuyên các học sinh hãy tiếp tục đọc sách thường xuyên, phát triển ý thức về đạo đức, khẳng định cá tính, dám ước mơ, làm việc chăm chỉ và tư duy độc lập, yêu những người mình yêu hết mình, McCollough nhắc nhở: “Hãy làm như vậy một cách nhanh chóng, bởi mỗi giây phút đều quý giá. Cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa là một thành tựu đòi hỏi nỗ lực, chứ không phải là thứ từ trên trời rơi xuống vì các em là người tốt hay vì cha mẹ đưa đến tận tay các em.

Các em hãy nhớ rằng những người tạo dựng nên nước Mỹ đã nỗ lực đảm bảo quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Mưu cầu là một động từ, và tôi nghĩ các em sẽ không có nhiều thời gian để nằm ườn một chỗ xem mấy trò nhảm nhí trên YouTube. Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng cả hai bàn tay”.

Kết thúc phát biểu của mình, ông McCollough nhắn nhủ các học sinh hãy tự chủ, độc lập, sáng tạo không vì sự thỏa mãn do hành động đó mang lại, mà vì những điều tốt đẹp nó đem đến cho người khác. “Và khi đó, các em sẽ phát hiện sự thật vĩ đại và lạ lùng của cuộc sống. Đó là lòng vị tha, sống vì người khác, và đó là điều tuyệt vời nhất các em có thể làm được cho bản thân. Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì là đặc biệt”.

SƠN HÀ (Theo The Swellesley Report)
Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/496360/%E2%80%9CCac-em-chang-co-gi-dac-biet%E2%80%9D.html

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Đừng ăn cái bánh thừa

Tất cả các bạn đã được cho cái bánh thừa. Tất cả các bạn sẽ còn gặp nhiều cái bánh thừa nữa.... Nhưng bạn sẽ hạnh phúc hơn, và thế giới sẽ tốt đẹp hơn, nếu ít nhất bạn làm ra vẻ là bạn không xứng đáng.

LTS: Tuần Việt Nam đang đăng tải hàng loạt bài viết theo chủ đề giáo dục. Mới đây, chúng tôi nhận được bản dịch của bạn Trương Huân, bài diễn văn nhân lễ tốt nghiệp của sinh viên Đại học Princeton tháng 6/2012, của cây bút Michael Lewis.

Tuần Việt Nam xin đăng dưới đây để quý bạn đọc cùng chia sẻ, suy ngẫm về quan niệm giáo dục và các thang giá trị của tuổi trẻ nước Mỹ.

Ngày 3 Tháng Sáu, 2012

Xin cảm ơn. Cảm ơn hiệu trưởng Tilghman. Cảm ơn các thành viên hội đồng tín nhiệm và các thân hữu của trường. Cảm ơn các phụ huynh khóa 2012.

Trên hết, xin cảm ơn các bạn sinh viên Princeton khóa 2012. Xin các bạn tự thưởng cho mình một tràng pháo tay.

Cú hích đầu tiên...Ba mươi năm trước tôi ngồi chỗ các bạn ngồi. Tôi chắc hẳn đã nghe một người già hơn kể chuyện đời mình. Nhưng tôi chẳng nhớ từ nào cả. Tôi cũng chẳng nhớ ai đã nói. Cái mà tôi nhớ, một cách sống động nhất, là việc tôi tốt nghiệp.

Tôi đã được dạy là tôi phải cảm thấy hứng thú, có phần cảm giác nhẹ nhõm, và có thể là toàn thể các bạn cũng được dạy như thế. Tôi chẳng cảm thấy gì trong số đó. ...Tôi đã đến và hiến cho nơi đây bốn năm đẹp nhất cuộc đời và đây là cách mà nơi đây nói lời cảm ơn với tôi. Bằng cách... đá tôi ra.

Lúc đó tôi chỉ chắc có mỗi một việc: Tôi chẳng thể có giá trị gì cho thế giới bên ngoài hết. Điều trước tiên cần nói, tôi học lịch sử mỹ thuật. Ngay cả thời đó thì theo học ngành này đã được coi là điên.

Tôi gần như chắc chắn là được chuẩn bị ít hơn cho thị trường so với hầu hết các bạn. Thế mà thế nào tôi lại trở nên giàu có và nổi tiếng. Thật ra, chỉ gần như là thế. Tôi sẽ giải thích ngắn gọn cho các bạn, điều đó đã xảy ra như thế nào.

Tôi muốn các bạn nhận ra con đường sự nghiệp có thể lắt léo đến mức nào, trước khi các bạn rời khỏi ghế nhà trường và đi trên con đường này.

Tôi tốt nghiệp từ Princeton mà chưa bao giờ xuất bản được bất cứ một con chữ nào, bất cứ ở đâu. Tôi không viết cho Prince**, hay cho bất cứ đơn vị nào.

Nhưng ở Princeton, học lịch sử mỹ thuật, tôi cảm nhận được cú hích đầu tiên từ niềm đam mê văn học của mình. Giáo sư hướng dẫn của tôi là một người rất có tài năng, ông là một nhà khảo cổ học, tên là William Childs.

Đề tài khoá luận tốt nghiệp của tôi là đề xuất một lời giải cho việc tại sao nhà điêu khắc người Ý Donatello sử dụng nền điêu khắc Hy Lạp và Roman- hoàn toàn không liên quan đến ý tưởng chính, nhưng tôi luôn muốn nói cho mọi người biết.

Không ai rõ là GS Childs nghĩ gì, nhưng ông đã làm tôi hứng thú với đề tài này. Hơn cả hứng thú, tôi bị ám ảnh. Khi tôi nộp bài thì tôi rõ điều tôi muốn làm cả đời tôi: Viết khóa luận tốt nghiệp. Hoặc, nói cách khác: Viết sách.

Rồi tôi bảo vệ đề tài tốt nghiệp. Tôi lắng nghe và chờ GS Childs lên tiếng rằng khóa luận của tôi hay đến mức nào. Ông chẳng nói gì. Và thế là sau 45 phút tôi mới hỏi, "GS nghĩ gì về bài viết của em?"

"Như thế này" ông nói. "Đừng bao giờ cố lập nghiệp bằng nghề viết."

Và tôi không cố thử, không thật sự như vậy. Tôi đã chọn việc mà tất cả mọi người không biết phải làm gì sau khi ra trường chọn làm: Học tiếp trường cao học.

Tôi viết sách ban đêm, mà không có hiệu quả lắm, lý do chính vì tôi không biết tôi cần phải viết về cái gì. Một hôm tôi được mời đến dự một bữa tối, tôi ngồi ngay cạnh bà vợ của một ông lớn ở một ngân hàng đầu tư ở Wall Street, gọi là Salomon Brothers. Bà ta nói với chồng mình cho tôi một chân làm việc.

Tôi chẳng biết tí gì về Salomon Brothers. Nhưng Salomon Brothers may mắn là nơi Wall Street được cải tổ -- thành nơi chúng ta đều biết đến và yêu mến.

Khi tôi đến đó, tôi được bổ nhiệm, gần như là ngẫu nhiên, vào một vị trí có thể quan sát được sự phát triển kinh hoàng: Họ biến tôi thành chuyên gia tại chỗ về chứng khoán phái sinh. Một năm rưỡi sau Salomon Brothers gửi cho tôi tấm séc trị giá một trăm ngàn đô la để tôi tham vấn về chứng khoán phái sinh cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Bây giờ thì tôi có cái để mà viết rồi: Salomon Brothers. Wall Street đã đảo điên đến mức nó trả một khoản tài sản nho nhỏ cho các sinh viên Princeton mới ra trường không biết tí tẹo nào về tài chính để làm ra vẻ là chuyên gia về tiền bạc. Tôi nhảy tiếp tới đề tài tốt nghiệp tiếp theo của mình.

Tôi gọi điện cho cha tôi. Tôi nói tôi sẽ bỏ việc mà lúc đó người ta hứa trả tôi hàng triệu đô la để viết một cuốn sách với số tiền ứng trước 40 ngàn đô. Đầu dây bên kia ngừng lại không nói gì một thời gian khá lâu. "Con nghĩ lại cho kỹ về việc đó nhé," cha tôi nói.

"Tại sao?"

"Ở lại Salomon Brothers 10 năm, dành dụm tiền nong, sau đó thì hẵng viết sách," ông nói.

Tôi không cần nghĩ lại nữa. Tôi biết niềm đam mê từ trí tuệ cảm giác như thế nào- vì tôi đã biết nó như thế nào ở đây, tại Princeton- và tôi muốn tìm lại cảm giác đó. Lúc đó tôi 26 tuổi. Nếu tôi mà đợi đến năm 36, tôi sẽ không bao giờ muốn làm việc này. Tôi hẳn sẽ quên cảm giác đó.

Cuốn sách tôi viết mang tên "Liar's Poker" ("Poker của kẻ nói láo"). Cuốn sách bán ra được một triệu bản. Tôi lúc đó 28 tuổi. Tôi có sự nghiệp, chút danh vọng, một khoản tài sản nho nhỏ và một câu chuyện về cuộc sống mới.

Tự dưng mọi người nói với tôi rằng tôi sinh ra là để viết sách. Việc này thật vô cùng đột ngột. Ngay cả khi tôi có thể thấy một câu chuyện khác, chân thực hơn, mà may mắn là phông nền chủ đạo.

Cơ hội để được ngồi cạnh phu nhân Salomon Brothers đó là bao nhiêu? Cơ hội để có việc làm ở một công ty Wall Street số một để viết truyện ở tuổi đó là bao nhiêu? Cơ hội để có được vị trí với tầm nhìn tốt nhất với ngành tài chính như thế là bao nhiêu?

Cơ hội để có được cha mẹ, người không từ bỏ con mà chỉ thở dài nói "nếu phải làm thì làm đi" là bao nhiêu? Cơ hội có được cái cảm giác thôi thúc đã nhen nhóm trong tôi từ một GS lịch sử mỹ thuật ở Princeton là bao nhiêu? Và trước tiên, cơ hội được nhận vào Princeton học là bao nhiêu?

"Bóng tiền" và sự định thang giá trị

Trường hợp của tôi minh họa cho việc làm sao người ta luôn lý giải thành công. Mọi người- đặc biệt là những người thành công- không muốn nghe sự thành công được giải thích bằng sự may mắn.

Khi họ già, họ thành công, người ta cảm thấy thành công là lẽ tất nhiên. Họ không muốn thừa nhận vai trò của những biến cố bất ngờ trong đời. Có một lý do cho việc này: Thế giới cũng không muốn thừa nhận sự may mắn.

Tôi viết một cuốn sách về vấn đề này, tựa đề là "Moneyball" ("Bóng tiền"). Nội dung cuốn sách có vẻ như nói về bóng chày nhưng thực chất không phải. Trong thế giới bóng chày chuyên nghiệp, có các câu lạc bộ giàu và các câu lạc bộ nghèo, và họ chi những khoản tiền rất khác nhau cho các cầu thủ của mình.

Khi tôi viết cuốn sách này, đội bóng chày chuyên nghiệp giàu nhất, New York Yankees, chi khoảng 120 triệu đô la cho 25 cầu thủ của mình. Đội nghèo nhất, Oakland A, chi 30 triệu. Nhưng kỳ lạ thay đội Oakland cũng có số trận thắng bằng đội Yankees- và hơn tất cả những đội giàu hơn còn lại.

Việc này đáng ra là không thể. Trên lý thuyết, các đội giàu đã mua các cầu thủ tốt nhất và thắng ở tất cả các trận. Nhưng đội Oakland đã phát hiện ra một điều: Các câu lạc bộ giàu có không thật sự hiểu những cầu thủ tốt nhất là ai. Các cầu thủ bị định giá sai.

Và lý do lớn duy nhất mà họ bị định giá sai là những nhà chuyên môn không chú ý đúng mức tới vai trò của sự may mắn tới sự thành công trong môn bóng chày.

Các cầu thủ được tính công trạng cho những việc họ làm mà phụ thuộc vào phong độ của những người khác: Những cầu thủ giao bóng được thưởng vì thắng trận, các cầu thủ đập bóng được thưởng vì chạy tới căn cứ trước các cầu thủ chạy...

Gác chuyện bóng chày, chuyện thể thao lại. Ở đây bạn có các nhân viên công sở, trả hàng trăm triệu đô la một năm. Họ làm đúng cái việc mà những người cùng nghề với họ đã làm hàng đời.

Trước hàng triệu người, những người đánh giá từng cử động của họ. Họ có thống kê với từng việc họ làm. Vậy mà họ vẫn bị định giá sai- vì thế giới bên ngoài không nhìn thấy sự may mắn của họ.

Điều này đã xảy ra hàng thế kỷ. Ngay trước mắt chúng ta. Và không ai để ý - cho đến khi nó giúp một câu lạc bộ nghèo nàn nhiều đến mức mà mọi người không thể không để ý. Và anh phải hỏi: nếu một cầu thủ chuyên nghiệp được trả hàng triệu đô la mà còn có thể bị định giá sai, thì ai tránh được việc này?

Nếu sự danh giá một cách tuyệt đối của thể thao chúng ta vẫn tin mà còn không thể giúp ta phân biệt được giữa vận may và tài năng, thì còn cái gì có thể làm được việc này?

Câu chuyện "Moneyball" mang các ứng dụng thực tế. Nếu bạn sử dụng số liệu tốt hơn, bạn có thể tìm được những giá trị tốt hơn; luôn tồn tại điểm yếu của thị trường có thể khai thác, vân vân.

Nhưng nó mang một thông điệp rộng hơn và ít thực tiễn hơn: Đừng có bị đánh lừa bởi thành quả của cuộc sống. Thành quả của cuộc sống, tuy là không hoàn toàn ngẫu nhiên, một phần quyết định lớn là do may mắn.

Trên hết, nhận ra là nếu bạn có thành công, thì bạn có cả may mắn nữa- và với may mắn bạn có trách nhiệm. Bạn nợ một khoản, và khoản nợ đó không chỉ của những đấng thần linh mà bạn thời phụng. Bạn nợ sự đen đủi.

Bây giờ tôi sống ở Berkeley, California. Vài năm trước, chỉ cách nhà tôi vài bước, hai nhà nghiên cứu ở phân viện nghiên cứu Tâm lý Cal (California) đã dàn dựng một thí nghiệm. Họ bắt đầu bằng cách tập hợp các sinh viên, làm chuột bạch.

Khi họ già, họ thành công, người ta cảm thấy thành công là lẽ tất nhiên. Họ không muốn thừa nhận vai trò của những biến cố bất ngờ trong đời. Có một lý do cho việc này: Thế giới cũng không muốn thừa nhận sự may mắn.

Sau đó họ chia sinh viên ra làm các nhóm, phân loại theo giới tính. Ba nam, hoặc ba nữ, mỗi nhóm. Sau đó họ cho các nhóm này vào trong một căn phòng, và ngẫu nhiên chọn một trong ba người làm nhóm trưởng.

Sau đó họ giao cho các nhóm này một số vấn đề về đạo đức nan giải: Ví dụ như phải làm gì với gian lận trong học đường, hoặc làm sao chỉnh đốn việc uống rượu trong ký túc xá.

Sau đúng 30 phút họp nhóm các nhà nghiên cứu dừng các nhóm lại. Các nhóm sinh viên được cho vào một phòng có một cái đĩa bánh. Bốn cái bánh. Các nhóm có ba người, nhưng có bốn cái bánh. Mỗi người trong nhóm dĩ nhiên là có một cái bánh, nhưng còn thừa một cái bánh thứ tư ở trên đĩa.

Như thế thì thật là nan giải. Nhưng thực tế là không. Với một sự kiên định hiếm có, người được chọn ngẫu nhiên làm trưởng nhóm sẽ lấy cái bánh thứ tư lên và ăn. Không chỉ ăn, mà thậm chí còn ăn một cách khoái trá: Miệng nhai, mồm há, nước miếng ở hai bên mép. Tàn cuộc, cái còn lại là... vụn bánh ở trên áo của người trưởng nhóm.

Người trưởng nhóm chẳng làm điều gì khác người cả. Họ chẳng có cái khả năng đặc biệt gì. Họ được chọn ngẫu nhiên, 30 phút trước. Cái danh của họ chẳng gì ngoài sự may mắn. Dù thế những người đó vẫn có cảm giác cái bánh phải là phần của họ.

Nghiên cứu này giúp giải thích những khoản hoa hồng và khoản tiền trả cho CEO ở Wall Street, và tôi chắc rằng còn giả thích được cho nhiều hành vi khác của con người. Nhưng nó cũng có liên quan tới những bạn mới tốt nghiệp Đại học Princeton.

Nói chung các bạn đã được bố trí làm người dẫn đầu. Vị trí của các bạn có thể không hoàn toàn ngẫu nhiên. Nhưng các bạn phải cảm nhận được phần ngẫu nhiên trong đó: Các bạn là một số nhỏ may mắn.

May mắn ở gia đình có điều kiện, may mắn ở đất nước có điều kiện, may mắn là một nơi như Princeton tồn tại để nhận những người may mắn, được giới thiệu với những người may mắn khác, và tăng thêm khả năng càng trở nên may mắn.

May mắn các bạn sống ở một xã hội thịnh vượng nhất thế giới, ở một thời điểm mà không ai trông đợi các bạn phải hy sinh điều các bạn thích làm để làm bất cứ việc gì khác.

Tất cả các bạn đã được cho cái bánh thừa. Tất cả các bạn sẽ còn gặp nhiều cái bánh thừa nữa. Trong lúc các bạn sẽ dễ dàng cho rằng mình xứng đáng được hưởng cái bánh đó. Với tất cả những gì tôi biết, bạn có quyền đó.

Nhưng bạn sẽ hạnh phúc hơn, và thế giới sẽ tốt đẹp hơn, nếu ít nhất bạn làm ra vẻ là bạn không xứng đáng.

Đừng quên: Phục vụ tổ quốc. Phục vụ quốc tế.***

Cảm ơn các bạn. Và chúc may mắn.

----------------

Lưu ý:

* Ở Hoa Kỳ, người ta gọi khóa học theo năm tốt nghiệp chứ không gọi theo năm vào học.

** Prince là tên ngắn gọn của The Princetonian, nội san trường Princeton.

** "In the nation's service. In the service of all nations." Đây là khẩu hiệu chính thức của Đại học Princeton.

Nguồn: http://www.princeton.edu/main/news/archive/S33/87/54K53/index.xml

Truman State University, Missouri, Hoa Kỳ

Michael Lewis. Trương Huân dịch

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/75945/-dung-an-cai-banh-do-may-man-mang-lai-.html

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

3 thức để sinh viên hội nhập thành công

(VEF.VN) – Để bước đầu khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ cần hội tụ đủ 3 thức: học thức, cách thức và nhận thức đúng đắn tạo hành trang vững chắc cho mình để hội nhập thành công. Toạ đàm “Sinh viên cần gì để hội nhập? để thành công trong môi trường kinh doanh quốc tế” do trường ĐH KTQD phối hợp với Công ty sách Thái Hà tổ chức nhận được sự tham gia đông đảo của các SV đến từ các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Nhiều câu hỏi thông minh và thú vị xoay quanh chủ đề của buổi toạ đàm được đặt ra và thảo luận hết sức sôi nổi đã phần nào giải đáp được thắc mắc của phần đông các bạn SV: “làm thế nào để khởi nghiệp và hội nhập một cách thành công?”

Tư duy dám làm, dám chấp nhận thất bại

Thực tế cho thấy có rất nhiều bạn SV sau khi ra trường vẫn còn cảm thấy lúng túng ngay cả khi làm những công việc đúng với chuyên môn của mình. Họ có rất rất nhiều ý tưởng hay nhưng lại không biết biến những ý tưởng đó thành hiện thực. Họ thiếu kiến thức, thiếu bản lĩnh hay chưa biết chưa biết cách hội nhập?

Tại buổi toạ đàm, TS Alan Phan – Chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA đã chỉ ra rằng để có thể khởi nghiệp một cách thành công thì chính các bạn SV phải thay đổi tư duy, rằng thất bại chỉ là tình trạng tạm thời. Xã hội muốn phát triển thì phải có những con người có tư duy mới, tư duy dám làm, dám chấp nhận thất bại.

Điều quan trọng là phải tìm ra sự khác biệt, tìm ra con đường riêng cho mình.

“Thomas Edison đã thất bại đến hơn 10.000 lần thử nghiệm để phát minh ra bóng đèn. Vậy nếu như ông ấy sợ thất bại thì liệu ngày nay chúng ta có ánh sáng để sử dụng không hay vẫn chỉ chìm trong bóng tối?” TS Alan Phan hỏi.

Theo TS Alan Phan thì trong khi nền kinh tế Âu, Mỹ dễ dàng chấp nhận thất bại thì tư duy Á Đông dường như ngược lại. “Họ sợ thất bại, sợ người thân, bạn bè xa lánh”

“Vậy tư duy mới ở đây là gì? Đó chính là tư duy tách khỏi đám đông. Đám đông là những người còn nghèo khó”. TS Alan Phan ví đám đông như một cái hộp lớn. “Nếu không biết cách tách mình ra khỏi đám đông thì chúng ta cũng chỉ giống như chú kiến cứ loanh quanh trong một cái hộp lớn mà không biết tìm ra lối thoát”

(Từ trái sang) TS Alan Phan và TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân với các bạn SV tại buổi toạ đàm. (Ảnh: TL)

Tại sao Bill Gate rời Havard để bắt đầu sự nghiệp của mình bằng một công ty máy tính? Tại sao một sinh viên trẻ như Mark Zuckerberg có thể tạo ra mạng xã hội Facebook ngay từ khi còn học ĐH? “Đó là vì họ dám nghĩ, dám làm. Họ có tư duy tách khỏi đám đông”, TS Alan Phan giải thích.

Tuy nhiên, diễn giả Alan Phan cũng nhận được phản hồi từ phía các bạn SV về tư duy mới này. “Chúng ta có nên tách khỏi đám đông, đi ngược dòng với đám đông hay không khi không phải ai trong số chúng ta cũng đủ năng lực, đủ tự tin để tách khỏi họ?”, một bạn SV năm thứ 3 chuyên ngành Bất động sản – ĐH KTQD băn khoăn.

Theo SV này thì nếu như người đó đủ bản lĩnh, đủ tự tin để tách khỏi đám đông thì chắc chắn người đó sẽ thành công. Ngược lại, nếu không đủ bản lĩnh, khi tách mình ra khỏi đám đông, không chịu được “phong ba bão táp” thì thất bại là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, có nên tách khỏi đám đông hay không lại là điều cần phải xem xét. Chúng ta phải nhìn nhận đám đông đó là đúng hay sai và xác định xem mình nên đi theo hướng nào, tránh tâm lý bầy đàn, a dua theo số đông.

Cơ hội cho các bạn trẻ trong thế giới toàn cầu hoá hiện nay ngày càng rộng mở. Đặc biệt là khi VN chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, phá bỏ được những rào cản về tài chính, thương mại. Dĩ nhiên, cơ hội luôn đi kèm với rủi ro, thách thức. Nhưng không phải cứ gặp rủi ro, thách thức thì lại bỏ cuộc. Chính những khó khăn, thất bại đó lại cho chúng ta những bài học vô giá mà không một trường lớp hay sách vở nào dạy.

Yếu tố quan trọng khi hội nhập là bạn phải hiểu rõ đâu là bản sắc của mình, tìm ra lợi thế cạnh tranh, xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức. Từ đó tận dụng cơ hội và thế mạnh, khắc phục những điểm yếu và giải quyết khó khăn.

Từ kinh nghiệm 42 năm kinh doanh tại Mỹ và Trung Quốc, TS Alan Phan đã chia sẻ những trải nghiệm và bí quyết để có thể thành công ngay khi còn trẻ với các bạn SV trong hội trường. Ông cho rằng muốn thành công, điều đầu tiên là trong mỗi chúng ta phải có ngọn lửa đam mê và quyết tâm theo đuổi nó. “Ai cũng có tài năng, có ý tưởng nhưng đôi khi những ý tưởng, tài năng đó phải trải qua khó khăn, thử thách, thậm chí tuyệt vọng. Nếu không có ngọn lửa đam mê luôn cháy trong người thì chúng ta rất dễ bỏ cuộc”.

Kế đến là thời gian và sự nỗ lực của chính bản thân mỗi chúng ta. “Để thành công thì chúng ta không thể không có kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ được. Điều quan trọng là phải biết hành động, dám nghĩ, dám làm, có một tinh thần “thép” để chấp nhận rủi ro đồng thời đưa ra các biện pháp phòng ngừa”, TS Alan Phan khẳng định.

Hội nhập như thế nào?

Thế giới có thật sự “phẳng”? Đó cũng là câu hỏi được diễn giả Alan Phan và nhiều SV thảo luận với nhau. Trong thế giới toàn cầu hoá với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thông tin gần như không có khoảng cách về thời gian và không gian. Hơn nữa, nhu cầu thông tin của con người ngày càng cao.

Sinh viên Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn về hội nhập quốc tế. (Ảnh: Đất Việt)

Cùng với đó là sự phổ biến của mạng lưới Internet toàn cầu giúp cho con người bình đẳng hơn về kiến thức, về thông tin. Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng thế giới không hề “phẳng” khi công nghệ thông tin càng phát triển, khoảng cách giàu, nghèo và sự hiểu biết thông tin ngày càng cách xa hơn.

“Nếu có thời gian đi đến nhiều nơi trên thế giới, các bạn sẽ thấy còn rất nhiều người không hề biết đến những kiến thức cơ bản thì vấn đề hội nhập đối với họ chỉ là phi lý. Chính vì vậy, các bạn trẻ, nhất là các bạn SV cần phải xác định rõ mục tiêu cuộc đời mình, nắm lấy cơ hội để đưa đất nước phát triển, đặc biệt phải biết ngoại ngữ để nắm được kho kiến thức khổng lồ của nhân loại”

Làm thế nào để đạt mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn cho mình? Đó là câu hỏi của bạn Vũ Việt Anh – SV ĐH Hà Nội khi muốn diễn giả đưa ra những lời khuyên nhằm giúp các bạn trẻ định hướng cuộc sống.

“Đầu tiên bạn phải xác định rõ mình muốn cái gì? Từ đó lập ra kế hoạch cho đời mình, từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn. Có như vậy thì các bạn mới có thể từng bước biến những ước mơ của mình thành sự thật. Sau đó phải hành động ngay để đạt được những mục tiêu đó. Tương tự như với kế hoạch kinh doanh, dù nó có hay, đẹp đến đâu nhưng không được thực hiện thì đó cũng chỉ là hình thức, là mớ giấy lộn mà thôi”, TS Alan Phan trả lời

Một thực tế đang xảy ra là các bạn trẻ VN lười đọc sách, nhất là các loại sách cung cấp các kỹ năng sống và kỹ năng làm việc, vẫn còn tình trạng sao chép một cách tràn lan, thiếu hụt văn hoá đọc nói chung.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà thì điều đó sẽ dẫn tới tình trạng “thọt” 1 chân, tức là thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng. “Tại sao các bạn không mày mò nghiên cứu khi việc tra cứu và tiếp nhận thông tin ngày càng trở nên dễ dàng hơn qua sách vở và Internet? Từ đó làm sao các bạn có thể định hướng được cuộc sống của chính mình”

Bạn Vũ Văn Định, kiểm toán 51A ĐH KTQD đưa ra câu hỏi cũng là thắc mắc mà nhiều SV đang đi tìm lời đáp: “Làm sao để ứng dụng những kiến thức được học ở trường ĐH vào thực tế một cách hiệu quả nhất?”

Câu trả lời được TS Alan Phan và TS Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra là ngoài việc học tập, nghiên cứu về ngành học của mình từ sách vở, các bạn SV nên tìm cách giao tiếp, học hỏi những người thành công đi trước ngoài thực tế. Các bạn cũng nên tìm những công việc gắn với chuyên ngành của mình và đi làm ngay khi còn đang học. Khi đó các bạn sẽ học hỏi được rất nhiều và sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho mình sau này. Đừng đợi đến khi tốt nghiệp mới đi xin việc.

Vì vậy, các bạn SV ngay từ khi còn trên giảng đường ĐH hãy trau dồi kiến thức, luôn luôn cầu tiến đồng thời tư duy một cách thực tế. Chừng nào không thay đổi nhận thức thì bạn vẫn chỉ là bạn của ngày hôm nay. Hãy thể hiện sức trẻ, khao khát làm giàu, khao khát đi trên đôi chân của mình.

Sự thông minh và chậm lớn của người Việt

Từ người Pháp trước đây, rồi người Mỹ và nhiều người ngoại quốc khác sau này khi có cơ hội làm việc, tiếp xúc với người Việt lại có nhận xét, “một cá nhân người Việt thì có thể hơn một người khác nhưng ba người Việt ngồi lại thì… lại có vấn đề!”.

Theo ông Trần Sĩ Chương, các nhà xã hội học dựa vào thuyết “Con người là sản phẩm của môi trường sống”, hiện tượng này là do sự bất ổn định của hoàn cảnh lịch sử xã hội. Khi sống trong một xã hội có truyền thống bất ổn định thì con người với bản chất sinh tồn bẩm sinh sẽ có khuynh hướng muốn hành động tự phát, thiếu lòng tin vào tập thể, vào tương lai.

Từ đó, người ta không muốn đầu tư vào những cam kết, đầu tư và gắn bó xã hội có tính lâu dài thậm chí có khi còn “đạp lên nhau để sống”.

Tuy nhiên, ông Trần Sĩ Chương chưa nêu được cái gốc của tố chất này. Nền văn minh của nước Việt là văn minh lúa nước. Dân tộc Việt có tới 80% dân số làm nghề nông. Một nét đặc thù của tư duy nông nghiệp là tư duy tư hữu; là “con gà tức nhau tiếng gáy”, “sân gạch nhà ông không thể cao hơn sân gạch nhà tôi”…

Chính tố chất “tư hữu đậm đặc” này tuy lặn sâu trong tiềm thức con người Việt, khó “điểm mặt chỉ tên”, nhưng nó lại luôn kề vai sát cánh với mỗi người Việt cho dù họ đã là trí thức, từ cơ quan nghiên cứu đến công sở…và nó là “người tình” trăm năm thủ thỉ, gắn bó với ta khi ta cộng tác, làm việc với đồng nghiệp, bằng hữu. Bỗng nhớ tới một câu “ngụ ngôn” khác sâu cay không kém: “Trong cái sự mất đoàn kết, thì trí thức là hay mất đoàn kết nhất, rồi mới đến…đàn bà”(!).

“Gieo tư duy gặt số phận”?

Tính cách người Việt ấy, lại được đặt trong một cơ chế và tư duy quản lý ra sao?

Khi bàn về sự lận đận, yếu kém và sự tụt hậu của xã hội chúng ta trong những năm tháng thách thức nghiệt ngã này, có nhà thơ đã nói: Hình như con người có số phận, thì dân tộc cũng có số phận?

Bỗng nhớ tới câu chiêm nghiệm về luật nhân- quả của đạo Phật, răn dạy con người ở kiếp nhân sinh: “Gieo tính cách, gặt số phận”. Nhưng luật Đời cũng luôn cảnh báo cho bất cứ dân tộc nào- gieo tư duy gặt số phận?

Tư duy của dân tộc Việt chúng ta đã từng đổi mới để thích ứng với đòi hỏi của thời hiện đại, từ bao cấp chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường. Nhưng công bằng mà nói, tư duy đó thực chất vẫn không thoát khỏi dấu ấn tiểu nông, gia trưởng. Trong tố chất “tính cộng đồng” còn tồn tại cả tố chất “bầy đàn”, hình thành nên trên hình thái lao động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công, không vượt khỏi tầm chắn của lũy tre làng.

Chính tư duy “bầy đàn” và trọng hư danh của con người tiểu nông, khi có quyền lực, dễ trở nên e ngại, phòng ngừa với những người có tư duy độc lập khác với số đông. Thời nào, và dân tộc nào cũng vậy, luôn có những con người thông minh, trí tuệ, luôn có những con người biết nhìn ra sớm hơn cộng đồng mình, dám nhận thức bằng sự kiểm chứng thực tiễn. Nhưng tư duy tiểu nông khi cực đoan, dễ nghi ngờ, hoặc đánh đồng sự “khác biệt” của người tài là sự đối trọng, thậm chí đối nghịch.

Cơ chế quản lý xã hội, một khi được xây nên từ tư duy tiểu nông ấy, tạo nên một hệ thống chân rết cũng sẽ khó chấp nhận những cá tính sáng tạo, mà chỉ thích sự ‘cào bằng” và sự nghe lời. Khi ấy thì sự thông minh, năng lực sáng tạo, và niềm tin lý tưởng chân lý là thực tiễn, rất có thể trở thành bi kịch cho chính người tài, nếu không, chí ít anh ta cũng trở nên hoặc đơn độc, hoặc bị vô hiệu hóa trong cộng đồng.

Tư duy và cơ chế quản lý “cào bằng” ấy tạo ra sự bất công với những người tài, chỉ gặt hái được sự a dua cơ hội của sự háo danh, sự vô cảm của số đông và làm thui chột tài năng sáng tạo thực chất. Đó chính là nguyên nhân sâu xa, tạo ra “hố sâu” ngăn cách giữa hai bờ tụt hậu và phát triển. Một dân tộc có nhiều người thông minh như dân tộc Việt, vẫn có thể là dân tộc “chậm lớn” vì thế.

Liệu dân tộc Việt chúng ta có vượt lên được chính mình không?

Kim Dung

Tuần Việt Nam (22/8/2010)

Thế nào là "rửa tiền"?

Toàn cầu hóa đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại song nó cũng làm trầm trọng hơn một số tệ nạn. Một trong những hậu quả đáng tiếc ấy là rửa tiền trở nên dễ dàng hơn, do đó khuyến khích những hoạt động phi pháp khác. Vậy Rửa tiền là gì? Bài viết dưới đây phần nào sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc.

Rửa tiền là gì? 
Rửa tiền là việc biến đổi thu nhập phi pháp thành tài sản mà các cơ quan công quyền không thể truy ra nguồn gốc phi pháp ấy. Rửa tiền không phải là một hiện tượng mới. Theo nhiều sử gia, thương nhân Trung Quốc đã biết “rửa tiền” hơn ba ngàn năm trước để tránh thuế của triều đình. Tuy nhiên, hoạt động này đã bùng nổ với toàn cầu hóa, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển hoặc chuyển tiếp.

Ai cần rửa tiền? Có thể xếp những người rửa tiền (ngoài các tổ chức khủng bố, một hiện tượng tương đối mới) làm ba nhóm:
- Những người buôn lậu (ma túy, vũ khí, lao động bất hợp pháp…).
- Những người tham nhũng.
- Những người muốn tránh thuế, nói chung là những người muốn giữ kín thu nhập thật sự (dù là hợp pháp) của mình.

Tiền bẩn có thể từ các doanh nghiệp làm ăn công khai, chẳng hạn khi họ chuyển tiền từ nước này sang nước khác để tránh thuế. Có hai phương pháp để làm việc này. Một là khai gian giá trị những dịch vụ mà bản chất là hợp pháp. Hai là khai (như trong hóa đơn) một dịch vụ hoàn toàn không có (kể cả việc lập công ty ma). Trong các nguồn tiền cần rửa thì có lẽ nguồn kinh doanh là phản ánh tính toàn cầu hóa nhiều nhất, mà một trong những biểu hiện là việc khai man giá chuyển giao (transfer price) để tránh thuế của các công ty xuyên quốc gia.

Tất nhiên, ba nhóm trên không hoàn toàn biệt lập: tham nhũng, rửa tiền, và kinh doanh bất chính có nhiều chỗ giống nhau, cấu kết với nhau, và tiếp sức cho nhau. Ví dụ, tham nhũng thì cần có người để rửa tiền hối lộ, người rửa tiền này có thể là tội phạm chuyên nghiệp, hoặc công ty ma. Ngược lại, tội phạm và doanh nghiệp cũng thường đút lót các quan chức tham ô để làm ngơ dịch vụ rửa tiền.

Công nghiệp rửa tiền

Dù không ít tội phạm đích thân rửa tiền bẩn của mình, một ngành “công nghiệp” rửa tiền đã xuất hiện để phục vụ những cá thể có tiền bẩn. Đội ngũ của ngành này, chủ chốt là những người rửa tiền chuyên nghiệp, ngày càng được tăng cường với nhiều luật sư cao giá, người giao dịch chứng khoán, mua bán bất động sản, cố vấn thuế vụ, kế toán... Thật vậy, có lẽ biến tướng nổi bật nhất của bộ máy rửa tiền là càng ngày nó càng xâm nhập sâu vào nhiều lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề tương đối có uy tín trong xã hội (như các ngân hàng lớn, hiệp hội thể thao, cơ sở văn hóa, thậm chí các cơ quan từ thiện). Qua đó, cách thức và phương tiện rửa tiền ngày càng tinh vi, đa dạng, quy mô hơn.

Nhìn chung, hình thức rửa tiền cũng đang trải qua nhiều thay đổi: ít dựa vào tiền mặt, vào hệ thống ngân hàng… mà sử dụng nhiều hơn các công cụ và thị trường tài chính khác (như chứng khoán) hoặc hình thức “hàng đổi hàng” (ví dụ: ma túy đổi lấy vũ khí).

Từ thập kỷ 1990, công nghiệp rửa tiền lại được thêm nhiều “cú hích” do các thay đổi về thể chế và chính sách tài chính cũng như những tiến bộ về công nghệ.

Thứ nhất, hầu hết mọi quốc gia đều nới lỏng kiểm soát ngoại hối, nhất là từ đầu thập kỷ 1990. Ở nhiều nước, việc đổi nội tệ ra ngoại tệ, và ngược lại, là hoàn toàn tự do. Lượng tiền hoán đổi hàng ngày đã tăng từ 590 tỷ USD năm 1989 lên 1.880 tỷ năm 2004. Đi xa hơn, nhiều quốc gia đã chính thức sử dụng chung một thứ tiền (trường hợp đồng euro), hoặc công nhận USD hay euro như là nội tệ bán chính thức của họ. Một số công cụ tài chính mới (như các loại hợp đồng chứng khoán), đôi khi rất phức tạp, đã xuất hiện. Nhờ thế, một lượng tiền (sạch hay bẩn) khổng lồ có thể được chuyển từ nước này sang nước khác trong nháy mắt, ngoài tầm kiểm soát của cơ quan công lực.

Thứ hai, tiến độ mở cửa kinh tế ở hầu hết các nước đã tăng vọt, nhất là từ 10-15 năm gần đây. Các thị trường tài chính (đặc biệt là vốn) trở nên thông thoáng hơn. Số lượng tiền lưu hành toàn cầu đã tăng gấp ba (từ 6.800 tỷ USD năm 1990 lên đến 19.900 tỷ USD năm 2005), mức độ phức tạp cũng tăng lên. Hiển nhiên, càng nhiều loại hình dịch vụ tài chính thì càng lắm cơ hội và cách thức để chuyển tiền phi pháp, hoặc đưa tiền bẩn vào luồng tiền sạch.

Thứ ba, cạnh tranh thu hút vốn ngày càng kịch liệt giữa các nước, các công ty phát hành chứng khoán, các ngân hàng và các loại định chế tài chính trung gian khác. Đây cũng là sự kiện làm những người rửa tiền thích thú vì họ biết rằng sớm muộn gì cũng có ngân hàng, hay các công ty chứng khoán, sẵn sàng nhận tiền của họ mà không cần biết nguồn gốc tiền ấy.

Thứ tư, là tác động của cuộc cách mạng thông tin. Ở rất nhiều nước, ngân hàng là lĩnh vực đưa tiến bộ công nghệ thông tin vào ứng dụng sớm và nhanh nhất. Những thành quả của cuộc cách mạng thông tin đã được những người rửa tiền lợi dụng triệt để, trong khi đó, ở lĩnh vực này, các cơ quan công lực tỏ ra chậm chạp hơn nhiều, nhất là khi họ cần phối hợp giữa nhiều địa phương hay xuyên quốc gia.

Cuối cùng, phải kể đến những lối rửa tiền mới, sử dụng internet. Những trang web “đen” như trang sex, cờ bạc, cá cược... thường được dùng để rửa tiền vì các cơ quan công lực khó có thể truy ra tiền ấy từ đâu đến và vào tay ai.

Hậu quả và chính sách

Cũng có người cho rằng, một số quốc gia, nhất là ở phương Tây, đã có lợi nhờ tiền bẩn.

Khách quan nhìn từ quan điểm phân bố nguồn lực (tạm gác qua một bên những phán đoán đạo lý và pháp luật), một số nhà kinh tế cực đoan (tôn sùng thị trường) cho rằng không có tiền nào là bẩn, tiền nào là sạch. Theo họ, “rửa tiền” chỉ là phản ứng “hợp lý” của mọi “cá thể kinh tế”: không ai muốn trả thuế và ai cũng muốn vận dụng tài sản của mình vào những hoạt động đem lại nhiều lợi nhuận nhất. Như vậy, tiền bẩn, theo họ, đã giúp phát triển kinh tế.

Song, ngay trên cơ sở thuần lý thuyết, ý kiến này là hoàn toàn sai lầm. Tự bản chất của nó, sự phân bố tài nguyên do rửa tiền không chỉ theo tín hiệu lợi nhuận, mà phần lớn là để trốn tránh luật pháp. Hoạt động rửa tiền vừa lãng phí nguồn lực kinh tế của xã hội (vào các hoạt động tội phạm sinh ra tiền bẩn, thay vì vào các hoạt động sản xuất thật sự hữu ích), vừa bóp méo sự phân bố các nguồn lực ấy.

Ngoài những ảnh hưởng về phân bố tài nguyên, luồng tiền bẩn cũng sẽ làm sai lệch các thống kê kinh tế. Ngoài ra, ảnh hưởng của mỗi loại tiền bẩn có khác nhau (chẳng hạn tiền bẩn do tham nhũng có ảnh huởng khác tiền bẩn do buôn lậu). Thiếu những con số chính xác, tất nhiên là chính sách kinh tế (nhất là về tiền tệ, như việc điều chỉnh lãi suất) sẽ không thể đúng liều lượng và hữu hiệu được.

Tiền bẩn và hoạt động rửa tiền cũng ảnh hưởng sâu sắc đến phân bố thu nhập (tạo bất công) và làm chao đảo sự tín nhiệm của xã hội vào các thị trường tài chính. Nhìn từ quan điểm tăng trưởng vĩ mô, có thể đây là tai hại nguy hiểm nhất.

Làm sao để chống rửa tiền? Rõ ràng là cần sự quyết tâm của mọi quốc gia và sự phối hợp toàn cầu. Một khó khăn căn bản hiện nay là mỗi nước đánh giá tính quan trọng của mỗi loại tiền bẩn một khác. Ở các nước chậm tiến thì nạn tham nhũng rửa tiền là vấn đề nhức nhối nhất. Trái lại, các nước phương tây thì xem việc rửa tiền bẩn liên hệ đến khủng bố là quan trọng nhất và không hề “chê” tiền bẩn do tham nhũng ở các nước khác.


Theo Saigon Times

Phong cách giáo dục của người Mỹ - Cô bé lọ lem

Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem.
Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.
Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?
Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.
Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?
HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Leo ôi, trông kinh lắm !
Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy !
HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.
Thầy: Vì sao thế ?
HS: Vì … vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.
Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.
Bây giờ thầy hỏi một câu khác: bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội ?
HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.
Thầy: Đúng, các em nói rất đúng ! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?
HS: Đúng ạ !
Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?
HS: Không ạ !
Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt.
Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không ?
HS: Không ạ ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.
Thầy: Đúng quá rồi ! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử ?
HS: Chính là Cinderella ạ.
Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella không biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào ?
HS: Phải biết yêu chính mình ạ !
Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không ?
HS: Đúng ạ, đúng ạ !
Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?
HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.
Thầy: Trời ơi ! Các em thật giỏi quá ! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem - chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem ! Các em có tin như thế không ?
Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo hò

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Chuyện làm giàu của chàng trai mù không bằng cấp

January 12, 2012 By Alan Phan 6 Comments
Hai bàn tay trắng đi lên, hạnh phúc mà Hoàng Quốc Việt (xã Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên) có được ngày hôm nay là thành quả cho biết bao mồ hôi, nước mắt của chàng trai mù giàu nghị lực và lòng quyết tâm.


Không nhìn thấy đường, nhưng anh Việt chưa bao giờ đầu hàng số phận.
Từ bóng tối và đớn đau, hạnh phúc nở hoa

Ở anh, điều tôi học được lớn nhất là tình yêu lao động, niềm ham mê học và tự học.

“Nghiêng tai nghe từng giọt rượu nhỏ vào can anh biết vơi hay đầy. Đưa tay sờ vào bỗng rượu anh đoán định được rượu đã ngấu hay chưa….” - điều đặc biệt ở anh.Những ngày cận Tết, công việc của anh càng thêm bận rộn. Vừa ăn xong bữa cơm trưa, nghỉ ngơi một lát anh và vợ lại tất bật vào bếp cất những mẻ rượu đã được đặt hàng.

Là một người mù nên mỗi việc anh làm đều thật đặc biệt. Cách mà anh khám bệnh cho lợn là nhờ vợ nói cho những biểu hiện của lợn. Mắt có đỏ không? Da có sáng không? Mùi phân ra sao? Từ đó anh Việt sẽ biết lợn có bệnh gì và phải mua thuốc gì chữa trị….

Nói về chị Lê Thị Thảnh – người vợ của mình, anh mãn nguyện ”tôi cảm được trong mắt không còn nhìn rõ kia của anh là niềm hạnh phúc đang ngập tràn. Biết bao năm nay, đôi mắt sáng của chị, sự kiên cường của anh và tình yêu bao la đã giúp họ vượt qua bao chặng đường khó khăn để có được hạnh phúc như ngày hôm nay.”

Chị Thảnh vốn là một góa bụa khi chưa được hưởng đêm tân hôn. Cách ngày cưới 3 hôm thì chú rể mất vì tai nạn giao thông trên đường đi mời cưới. Nỗi đau đến quá đỗi đột ngột khiến chị ngất lịm đi.

Được gia đình nhà chồng cảm thông, chị Thảnh chịu tang chồng đủ 100 ngày rồi trở về nhà mẹ đẻ. Ngày đó bố của Hoàng Quốc Việt là một thầy lang, bốc thuốc gần nhà chị Thảnh. Thấy hoàn cảnh như vậy bèn mai mối, gá nghĩa cho người con trai mù ở nhà.

Vậy là, một người cần hàn gắn nỗi đau của con tim, một người cần đôi mắt dẫn đường. Hai mảnh ghép éo le và nghiệt ngã của số phận đã đến với nhau như thế.

Nước mắt anh Việt rưng rưng khi nói về người vợ: “Đời tôi may mắn khi lấy được Thảnh. Ngày ấy Thảnh xinh có tiếng ở vùng này. Lúc đó cô ấy lấy đâu chẳng được chồng lành lặn vậy mà vẫn nguyện gắn bó với tôi, làm đôi mắt cho tôi suốt cuộc đời này”.

Chuyện làm giàu

Đôi vợ chồng trẻ lấy nhau và cũng được bố mẹ hai bên cho chút vốn liếng, xây dựng cuộc sống gia đình riêng. Bố mẹ đẻ cho 50kg thóc, bố mẹ vợ cho 1 đôi lợn giống và 1 tạ thóc.
Anh Việt và vợ – chị Lê Thị Thảnh


Người thanh niên vốn thông minh và năng động đó bàn với vợ, đem số thóc đó xát thành gạo rồi bán, cứ như thế họ trở thành những người làm hàng xáo từ bao giờ.

Anh Việt kể: “Ngày đó hai vợ chồng dải gạo ra nhà, chọn những hạt tấm để ăn, còn hạt gạo thì đem bán. Ngày ấy ngươi ta mua gạo bằng bơ chứ không tính cân như bây giờ. Những hạt tấm nhỏ có đổ vào cùng gạo thì cũng không tăng được số bơ vì những hạt nhỏ chui vào khe của gạo hết”.

Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc chỉ bằng những bữa cơm tấm, rau lang chấm tương gừng. Thế rồi chị Thảnh sinh cháu, vợ chồng phải gác lại nghề hàng xáo và chuyển sang nấu rượu và chăn nuôi.

Năm 2001 với nhiệm vụ làm đôi mắt cho chồng, chị Thảnh lại cùng chồng lặn lội sang Thái Lan những mong có cơ hội đổi đời.

Những tháng ngày biết bao là cơ cực nơi đất khách quê người, hai vợ chồng bươn trải đủ mọi nghề kiếm sống. Lúc thì họ đi mò cá thuê, chồng mắt kém thì mò cá dưới ao, vợ hì hục khênh cá trên bờ.

Mỗi đêm kiếm được vài trăm nghìn tiền Việt gửi về quê nuôi con. Giữa trời nắng như đổ lửa, anh leo lên từng ngọn dừa, làm cỏ, hái dừa, chị thì hái me, quả thốt nốt…

Nhiều lúc vợ chồng chỉ biết ôm nhau mà khóc, khóc vì nhớ nhà khóc vì thương con. Chị Thảnh tâm sự: “Có những đêm nằm nhớ con phát khóc, đã gấp quần áo định về rồi nhưng anh ấy lại động viên cố gắng một thời gian”.

Từ Thái Lan trở về Việt Nam, anh Việt đã tìm được hướng đi cho mình. Với đàn bò của chục con, gần chục con lợn nái, cộng với công việc nấu rượu và ao cá hàng năm gia đình thu nhập cả trăm triệu đồng.

Anh Việt còn chia sẻ những dự định mà mình đang ấp ủ. Nếu có vốn nhiều anh sẽ làm mô hình theo những gì anh học được từ Thái Lan đó là nuôi ba ba và cá sấu.

Chia tay chúng tôi vợ chồng anh Việt còn tự hào cho biết: “Con mình hai đứa đều mắt sáng cả. Cậu lớn đang làm công nhân may, còn em nhỏ đang học cấp 3. Năm ngoái vợ chồng mình bán đàn bò mua được mảnh đất cho thằng lớn ở Quảng Ninh rồi đấy”.

Thành công nhờ tự học

Dù đôi mắt không thấy đường nhưng anh Việt chưa bao giờ đầu hàng số phận. Việc học tiếng Thái Lan với anh vừa là niềm vui còn là bổ sung kiến thức.
Nhờ có chiếc đài thu thanh mà hàng ngày anh Việt


có thể học tiếng Thái Lan.


Niềm đam mê với tiếng Thái Lan của anh Việt bắt đầu từ năm 1998. Một lần vô tình nghe chương trình dạy tiếng Thái Lan trên đài tiếng nói Việt Nam, anh đã bắt đầu ham mê.

Hàng ngày cứ đến giờ dạy tiếng Thái trên đài anh lại chăm chú lắng nghe, ghi chép, khi bằng chữ nổi, lúc thì để mắt sát vào tờ giấy trắng ghi bằng chữ thường.

“Một ngày đài chỉ dạy khoảng 10 phút. Anh học chẳng có sách vở gì cả, chỉ nghe người ta nói rồi nhớ và nói theo” – anh nhớ lại: “Nhưng họ dạy tỉ mỉ từ cách phát âm, phiêm âm mũi thế nào… Cứ như thế anh học dần, một thời gian là nói được bập bẹ”.

Yêu tiếng Thái Lan rồi anh ước mong được sang đất nước chùa Vàng để được thực hành những gì đã học, thăm con người nơi đây. Năm 2001 ước mơ thành hiện thực. Ngoài việc nâng tầm tiếng Thái trên đất bạn, anh còn học được cách nuôi ba ba và cá sấu để có thể nhân rộng ở Việt Nam.

Anh nhớ lại, hồi còn nhỏ, nhà nghèo mắt lại mù nên việc tới trường với cậu bé Việt gần như không thể. Nhưng vì thông minh, ham học nên cậu xin và được nhà trường chấp nhận cho một chỗ ngoài cửa lớp.

Ngày ngày anh nhờ bạn bè dắt tới lớp, dùng chiếc ghế con ngồi ở đó, tai chăm chú nghe giảng bài. Ấy vậy mà năm nào cậu học trò Hoàng Quốc Việt cũng đứng đầu lớp. Lên cấp 3, do nhà quá xa, mắt lại kém nên đường học của cậu học trò nghèo đành lỡ dở.

Nhưng anh đã không đầu hàng. Hạnh phúc mà Hoàng Quốc Việt (xã Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên) có được ngày hôm nay là thành quả cho biết bao mồ hôi, nước mắt của chàng trai mù giàu nghị lực và lòng quyết tâm….

Theo Văn Chung

Vietnamnet

‘Chơi chứng khoán lúc này nên đánh nhanh, rút nhanh’

Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải Alan Phan cho rằng, thị trường chứng khoán chỉ có thể tăng trong vài quý sau đó sẽ đảo chiều và thời điểm này dành cho các nhà đầu tư lướt sóng.- Ông nhận định như thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay?

- Hiện, thị trường có quá nhiều người lỗ, nhất là ngân hàng và các công ty chứng khoán. Khi thanh khoản ngân hàng tăng lên thì tiền vào chứng khoán cũng tăng lên, nhưng khi họ khó khăn về thanh khoản thì gần như cùng lúc chứng khoán lại thiếu tiền. Vì thế mà tôi nghĩ đà tăng của thị trường chứng khoán thời gian này nếu có cũng không bền, chỉ có thể kéo dài trong vài ba quý, sau đó sẽ quay đầu đi ngược lại.

Vấn đề chính của thị trường chứng khoán Việt Nam là niềm tin và thanh khoản. Nhưng niềm tin của một nhà đầu tư thực sự tại thị trường gần như không còn. Điều này cũng như sự minh bạch, hay sự đàng hoàng trong cuộc chơi này cũng mất rồi. Thứ hai là vấn đề thanh khoản. Trong bối cảnh kinh tế trì trệ thì tiền nhàn rỗi đổ vào chứng khoán ngày càng ít, thành ra tôi thấy sự tăng trưởng của thị trường hiện nay không bền vững và không kéo dài lâu được.
TS Alan Phan cho rằng nếu các nhà đầu tư chọn phương án đầu tư lâu dài trên 10 năm thì mới nên bỏ tiền vào thị trường chứng khoán lúc này.


- Nhưng các kênh đầu tư khác đang tắc, lãi suất ngân hàng hạ, USD đứng giá, trong khi vàng thì không đầu tư được, chẳng lẽ không phải là cơ hội và dấu hiệu tốt cho tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán?

- Không. Đó là dấu hiệu để lướt sóng. Nếu anh nào lướt sóng giỏi, nghĩa là có thể đoán bắt để mà hưởng lợi khi mà chứng khoán lên và biết rút lui kịp thời khi chứng khoán hạ, thì a đó sẽ thành công. Đây là cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng.

- Ông có lời khuyên gì cho các nhà đầu tư Việt Nam thời điểm này?

- Họ phải hết sức cẩn thận và đặc biệt phải hết sức nhanh kể cả lúc đổ tiền vào hay rút tiền ra.

- Vậy về vấn đề đầu tư dài hạn thì sao thưa ông?

- Nếu đầu tư quá 10 năm thì được. Nhưng nếu cần tiền trong khoảng từ giờ đến 10 năm thì tôi nghĩ không nên.

- Ông từng nói rằng không có ý định đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, vì sao?

- Tất cả thị trường chứng khoán trên thế giới đều là đánh bạc. Tuy nhiên, vấn đề là những thị trường như Mỹ, Châu Âu, Singapore hay Hong Kong thì người chơi và nhà cái tương đối minh bạch. Còn thị trường chứng khoán Việt Nam thì quá nhiều đội lái vì nó rất nhỏ.

Và như tôi đã nói, thị trường này rất thiếu thanh khoản. Nếu thực tình muốn bán một số cổ phiếu lớn trong ngành thì khó mà bán, rồi phải đợi 3 đến 4 ngày. Tất cả yếu tố đó khiến dòng tiền thế giới không đổ vào đây một cách dài hạn.

- Ông nghĩ thị trường chứng khoán Việt Nam nên có sự cải cách như thế nào?

- Tôi thấy đây là chuyện mà ai cũng biết rồi. Đó là phải có sự minh bạch toàn diện, phải có những luật lệ để khiến cho các nhà đầu tư khi tham cũng như khi rút lui dễ dàng.

Chẳng hạn như trên thị trường chứng khoán Mỹ, tôi có thể chơi và 5 giây sau tôi có thể rút, còn ở đây phải mất 3 đến 4 ngày. Sau đó còn phải mất nhiều thời gian để chuyển từ tiền đồng sang tiền đô. Vấn đề nữa là khi đưa tiền vào đã khó rồi, và khi rút tiền ra thì chắc còn khó hơn.

Tuấn Lân

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Kiếm tiền liệu đã đủ chưa? - Alanphan


December 12, 2011 By Guest 3 Comments

Cuộc sống tại nước ngoài làm tôi thay đổi mạnh hơn về suy nghĩ và cách tham gia xã hội. Ngoài việc tích cực hội nhập với xã hội mới, kiếm tiền lo cho gia đình thì tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi mà tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng.

Chào các độc giả của VnExpress. Tôi là người thường xuyên theo dõi và cũng hay tham gia viết bài, trao đổi ý kiến với cộng đồng người Việt qua chuyên mục người Việt 5 Châu. Tôi đọc nhiều bài viết chia sẻ về cách kiếm tiền và những băn khoăn về cuộc sống tại Việt Nam hay tại nước ngoài. Hôm nay, tôi cũng xin mạn phép viết một bài viết nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của tôi về cách kiếm tiền và suy nghĩ về cuộc sống.

Một trong những chủ đề tôi nhận thấy rất nhiều ý kiến trao đổi và quan tâm đó là các chia sẻ về cách kiếm tiền nhưng có lẽ cũng ít có bài viết nói về cách tiêu tiền như thế nào, vì theo tôi là nó có sự quan trọng ngang nhau trong cuộc sống. Khi tôi trao đổi với bạn bè thì cũng hay nhận được câu hỏi là có những phi vụ làm ăn nào có thể hợp tác với nhau được không? Cuộc sống ở nước ngoài kiếm tiền có dễ không, rất nhiều câu hỏi liên quan tới tiền bạc. Thực ra thì chuyện kiếm tiền không có gì đáng chê trách nhưng kiếm tiền thế nào để mình vẫn cảm thấy hạnh phúc và có ích cho xã hội mới là điều cần bàn tới.

Tôi rất thích một câu nói về hạnh phúc rằng “hạnh phúc là những điều mình mong ước và mình đạt được”, việc có tiền chỉ là một phương tiện để có thể làm những điều mình muốn nhưng không phải là tất cả và nhiều khi có tiền bạn lại phải đánh đổi rất nhiều thứ.

Tôi cũng đã từng lớn lên tại Việt Nam và sống qua thời kỳ bao cấp phải ăn khoai thay cơm, mỗi tháng chỉ được xem ti vi vài lần, cuộc sống về vật chất còn kém rất xa so với thời bây giờ nhưng thời kỳ đó, những người thân của tôi và cá nhân tôi cảm thấy cuộc sống không có nhiều áp lực về tinh thần, cuộc sống vẫn hạnh phúc. Tất nhiên, không ai mong muốn quay trở lại thời kỳ đó, tuy nhiên có thể thấy rằng quan niệm về hạnh phúc, quan niệm sống, cách sống rất quan trọng, làm sao cho con người phát triển toàn diện hơn, nhân bản hơn và có ý nghĩa hơn.

Khi tôi mới tốt nghiệp ra trường tại một trường Đại học Kinh tế tại Việt Nam, dù rằng cũng là một người đạt bằng cấp khá giỏi và thời kỳ học sinh luôn là người đạt được những thành tích trong học tập nhưng tôi vẫn có cảm giác lo lắng về tương lai, nhất là thời điểm đó bước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, việc làm cũng ít và khó khăn. Tôi cũng nhanh chóng kiếm được một việc làm dù trong thâm tâm vẫn còn rất nhiều suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống.

Nhưng với bản tính thích học hỏi tôi học thêm luôn cả hai bằng luật và công nghệ thông tin. Sở dĩ tôi học những chuyên ngành đó là vì tôi quan niệm đầu tiên muốn làm gì phải có kinh tế tức là phài học và biết về kinh tế, và với thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão nếu không trang bị cho mình các công cụ ngày càng hiện đại hơn để xử lý công việc nhanh hơn thì sẽ trở thành người lạc hậu nên tôi học bằng hai về công nghệ thông tin, và cuối cùng tôi nghĩ rằng sống trong một xã hội nào cũng cần phải biết cách hiểu về xã hội đó, luật lệ nơi đó vậy là tôi đi học luôn bằng luật.

Nhiều người nói rằng tôi học quá nhiều “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, nhưng càng học tôi càng thấy mình hiểu biết và sự tự tin tăng dần, mọi việc tôi cảm thấy dễ dàng hơn khi mình quyết định, bạn bè trong các giới nhiều hơn và cơ hội đến với tôi nhiều hơn, dù học nhiều nhưng tôi chưa bao giờ lãng phí các kiến thức đó và tất cả đều phục vụ cho công việc sau này của tôi. Học ở trường thì có được kiến thức cơ bản nhưng sau này tôi nhận thấy học ngoài xã hội và tự học càng quan trọng hơn, con người chỉ có thể phát hiện ra khả năng của mình, phát triển những khả năng đó nếu chịu khó tìm hiểu, chịu khó thử nghiệm, chịu khó va chạm xã hội. Tôi đã phát triển kỹ năng, kiến thức nhiều từ việc học từ xã hội, trường đời luôn là một trường học lớn. Sẽ có nhiều người là “thày giáo” của chúng ta từ khách hàng, tới đồng nghiệp hay bạn bè, sách vở… nếu chúng ta chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm.

Càng ngày thì tôi càng cảm thấy cơ hội đến với mình nhiều hơn, kiếm tiền dễ dàng hơn vì kiến thức tăng lên, quan hệ xã hội tăng lên và chức vụ cũng tăng lên. Và có thời kỳ tôi cảm thấy rất hào hứng khi lao vào làm giàu, đồng tiền như một liều thuốc thúc đẩy động cơ cá nhân làm việc không biết mệt mỏi. Nhưng tôi đã nhận ra những mặt trái của việc làm giàu đó, đấy là khi mà thời gian của tôi dành cho sức khỏe ít đi, thời gian dành cho gia đình ít đi và một điều nguy hiểm nữa là lười sáng tạo ra những giá trị mới, tôi vốn là người ham học hỏi và thích những gì sáng tạo có ích cho xã hội, việc lao vào kiếm tiền đã làm cho tốt mất đi cái mà tôi thích nhất trước kia. Điều này buộc tôi phải suy nghĩ lại giá trị hạnh phúc và cách kiếm tiền của mình.

Tôi quyết định một bước ngoặt mới là tìm hiểu những điều mới mẻ tại nước ngoài. Với quyết định này có rất nhiều bạn bè phản đối và cho rằng sang nước ngoài đó là quá rủi ro khi đang sống ở trong nước kiếm tiền dễ dàng, địa vị xã hội đang có mà lại phải làm lại từ đầu tất cả ở một đất nước xa xôi. Tôi đã tìm hiểu khá kỹ càng trước khi quyết định từ văn hóa, xã hội, những điều cần thiết cho cuộc sống, có thể tôi có một số thứ bất lợi khi sang nước ngoài sinh sống nhưng không có nghĩa phải làm lại từ đầu tất cả, chính những kinh nghiệm và tri thức có được ở Việt Nam cũng rất có ích cho việc bắt đầu một cuộc sống mới ở môi trường mới vì tôi hiểu có rất nhiều kỹ năng và kiến thức cơ bản đều giống nhau và có thể áp dụng được trong nhiều môi trường.

Tôi cảm thấy thích thú khi phát hiện ra nhiều điều mới mẻ và có giá trị tại môi trường mới mà trước đây chỉ đọc và nghe nói qua sách vở. Cuộc sống tại nước ngoài làm tôi thay đổi mạnh hơn về suy nghĩ và cách tham gia xã hội. Ngoài việc tích cực hội nhập với xã hội mới, kiếm tiền lo cho gia đình thì tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi mà tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng. Tôi quan tâm tới những vấn đề liên quan tới môi trường, liên quan tới giáo dục và hỗ trợ phát triển cộng đồng.

Tôi xin kể về những tấm gương mà theo tôi nghĩ chúng ta cần có những suy nghĩ. Trường hợp đầu tiên đó là Bill Gates, đã nhiều năm là người giàu nhất hành tinh. Ông là người giàu có và kiếm tiền bằng những lao động sáng tạo của mình, những đóng góp của ông và công ty của ông cho nhân loại và thế giới không nhỏ. Tuy ở đỉnh cao về tiền bạc và địa vị xã hội nhưng ông biết dừng đúng lúc để chuyển số tiền đó đi làm các công việc từ thiện và giúp cho sự phát triển cộng đồng. Trong một phát biểu tại diễn đàn Davos ông đã nói về sự phát triển văn minh loài người là phụ thuộc vào những người nghèo, nếu những người giàu biết cách để hỗ trợ cho người nghèo cùng phát triển thì xã hội mới phát triển và văn minh lên. Đó là quan niệm của những người biết đưa ra giải pháp win-win.

Trường hợp thứ hai là ông tỷ phú Warren Buffet, nhà đầu tư chứng khoán lừng danh thế giới và cũng là người giàu có thứ hai thế giới, ông cũng bắt đầu chuyển tiền vào quỹ của Bill Gates và tham gia các hoạt động từ thiện. Ông có một câu nói khá ấn tượng rằng: “Ông ấy là người giỏi kiếm tiền nhưng lại là người chưa biết phân phối đồng tiền đó cho có ích đối với xã hội”. Tại Việt Nam tôi biết rằng có rất nhiều người giàu, và có điều kiện, nhưng cách làm từ thiện và hoạt động cộng đồng sao cho hiệu quả cũng là vất đề lưu tâm, không chỉ cho ai đó tiền đã là hiệu quả mà quan trọng là phải cho họ cái cần câu cơm sẽ tốt hơn là cho con cá, đó là cho tri thức, cho kinh nghiệm và hỗ trợ giúp đỡ những khi cần thiết.

Trường hợp thứ ba tôi muốn kể tới là cộng đồng người Do Thái, tại sao với một cộng đồng người trước đây không có tổ quốc, phải di chuyển nhiều và bị nhiều kỳ thị bởi các dân tộc khác mà họ vẫn nổi lên là một cộng đồng mạnh, giàu có, có ảnh hưởng trên thế giới đặc biệt tại Mỹ. Những tên tuổi tri thức lớn có gốc Do Thái rất nhiều. Điều cơ bản nhất là các thế hệ cha mẹ người Do Thái luôn dạy cho con cái họ ý thức một điều rằng, cái cần nhất của con người đó là tri thức, dù đi tới đâu, tài sản có thể mất, có thể bị các dân tộc khác đàn áp và cướp đi tất cả nhưng nếu giữ được tri thức thì họ vẫn có tất cả. Và đặc điểm quan trọng nữa là cộng đồng người Do Thái luôn biết cách hỗ trợ và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm cho nhau.

Cá nhân tôi, tuy sống ở nước ngoài nhưng tôi vẫn quan tâm nhiều tới Việt Nam và có nhiều ý kiến đóng góp trên báo chí trong nước về các lĩnh vực khác nhau, tư vấn cho nhiều bạn bè và nhiều người, tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Nhiều bạn bè nói với rằng tôi nên ở trong nước vì sẽ đóng góp cho Việt Nam tốt hơn là ở nước ngoài. Tuy nhiên tôi không nghĩ như vậy, đối với những người có tâm với đất nước và muốn tốt cho cộng đồng thì sống ở đâu cũng có thể đóng góp cho đất nước. Điển hình là có rất nhiều Việt Kiều đã gửi kiều hối về cho tổ quốc giúp đỡ người thân và gia đình, đồng thời mang những tri thức mà họ học tập được ở nước ngoài để đưa ra những sáng kiến giải pháp cho nước nhà. Với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, chỉ cần biết Internet, dùng email, điện thoại, mạng xã hội, talk online… thì mọi thông tin về Việt Nam cũng như thế giới đều có thể cập nhật hàng ngày. Việc di chuyển cũng rất thuận lợi thì chỉ cần trong một ngày là có thể có mặt ở Việt Nam bất cứ lúc nào. Nên chuyện đóng góp cho nước nhà không phụ thuộc vào việc anh sống ở đâu mà phụ thuộc vào cái tâm của anh có muốn đóng góp hay không.

Một số bạn bè hỏi tôi rằng phải chăng tôi không thích tiền bạc và địa vị xã hội khi ra nước ngoài và từ bỏ mọi thứ như vậy, điều này cũng không hoàn toàn đúng, tuy nhiên trong cuộc sống phải hiểu rõ điều gì quan trong nhất trong cuộc sống, sống theo những gì mình thích là quan trọng nhất và giá trị của một con người chưa chắc đã được đánh giá bằng số tiền anh kiếm được và địa vị xã hội mà anh có. Đối với tôi vẫn quan niệm giá trị con người bằng tri thức anh ta có và những gì anh ta đóng góp được cho xã hội, tiền bạc và địa vị xã hội có thể là những phương tiện quan trọng nhưng chưa chắc đã là mục đích sống.

Trên đây là những chia sẻ về quan niệm và kinh nghiệm của cá nhân tôi, những bạn nào còn trăn trở về cuộc sống thì có lẽ cách duy nhất là luôn phải không ngừng học hỏi, không ngừng trải nghiệm để vươn lên, những ai đã kiếm được tiền và thật nhiều tiền thì cũng nên tìm cách sử dụng đồng tiền đó cho có ích để luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với đồng tiền mình kiếm được. Và hy vọng hoạt động vì cộng đồng người Việt ngày càng phát triển giúp cho cộng động người Việt phát triển ngày càng mạnh hơn.

Nguyễn Hồng Hải từ Canada
Gocalan.com

Tiến sỹ Alan Phan: “Năm nay nhiều người mất tiền, nhiều người kiếm tiền”

(Dân trí) – “2012 sẽ là năm của M&A, là cơ hội để các nhà đầu tư “săn mồi”. Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài hứng thú với những công ty tăng trưởng nhanh, có sức đột phá, có thương hiệu tốt.” – Tiến sỹ Alan Phan – Chủ tịch quỹ đầu tư VIASA khẳng định.Là một trong những chuyên gia tư vấn kinh tế được đánh giá cao ở nước ngoài cũng như trong nước, doanh nhân việt kiều – Tiến sỹ Alan Phan đã có cuộc chia sẻ với báo Dân trí xung quanh vấn đề mua bán - sáp nhập (M&A) hiện nay tại Việt Nam.

1 – Nghe nói ông vừa có một phát ngôn gây “rúng động” đó là: “Năm 2012 là năm tuyệt vời để kinh doanh”. Điều này khiến không ít người hoài nghi về việc liệu đây có phải là cách để ông gây sự chú ý. Ông nghĩ sao?

Thực tình, tôi đã nói từ cách đây 2 năm là kinh tế Việt sẽ đi vào bão táp và mọi doanh nghiệp phải chuẩn bị để vượt bão. Tôi cũng nói thêm 2012 là khởi đầu của một chu kỳ mới mà sự thay bậc đổi ngôi về tài sản, về ngành nghề kinh doanh, về nguồn vốn đầu tư…sẽ khiến nhiều người mất tiền và nhiều người kiếm tiền. Nếu tôi là một doanh nhân chưa “thành đạt” thì đây sẽ là cơ hội mới mẻ và hứng thú cho tôi. Chắc chắn nó sẽ rất tuyệt vời. Và dĩ nhiên sẽ thảm hại cho những đại gia đang giàu nhờ đòn bẫy tài chánh, nhờ quan hệ không chính thống, đang kinh doanh trong những ngành nghề như bất động sản, công nghệ xưa cũ…

Tiến sỹ Alan Phan

2 – Với vai trò là chủ tịch quỹ đầu tư VIASA đồng thời là chuyên gia tư vấn về Emerging Markets cho nhiều tập đoàn đa quốc gia, ông nhận định thế nào về những lĩnh vực có thể mang lại cơ hội tuyệt vời ấy cho giới doanh nhân. Và theo ông, đâu là những điểm nhắm mà quỹ đầu tư VIASA đang hướng tới? Vì sao? Xin ông kể tên một vài thương vụ đã hoặc đang đàm phán của VIASA để chứng minh cho nhận định này(nếu có thể)

Có những ngành nghề mà nhu cầu rất cao, chỉ cần chút sáng tạo về điều hành là có thể xây thương hiệu bền vững. Tôi có thể kể đến y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, du lịch, tài chánh và các hàng tiêu dùng hay nông hải sản có thương hiệu.

Hiện quỹ Viasa đang đàm phán với 3 đối tác để đầu tư vào công ty của họ. Chúng tôi sẽ công bố chi tiết khi hoàn tất vụ việc.

3 - Qua một số kênh thông tin, được biết, ông cũng là người đã cho rằng các công ty tăng trưởng nhanh tại Việt Nam đang trở thành mục tiêu của các quỹ đầu tư hay doanh nghiệp trong và ngoài nước mua lại? Xin hỏi điều này có đúng không và xin ông cho biết lý do? (vì sao lại không phải là những công ty lớn?)

Những công ty lớn tại Việt Nam thường là những doanh nghiệp nhà nước hay liên quan đến cổ phần do nhà nước kiểm soát. Phi vụ M&A sẽ mất rất nhiều thời gian và những lobby chính trị. Chỉ có những định chế lớn cần thị phần ở Viêt Nam trên căn bản lâu dài như ngân hàng, dầu hỏa, viễn thông…mới có đủ kiên nhẫn.

Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài hứng thú hơn với những công ty tăng trưởng nhanh, có sức đột phá, có thương hiệu tốt. Đây là sân chơi của các doanh nghiệp IT, hàng tiêu dùng có thương hiệu, y tế, du lịch…



4 – Ông đánh giá thế nào đối với các công ty tăng trưởng nhanh tại Việt Nam? Có sự khác biệt nào đối với những doanh nghiệp tương tự nhưng ở nước ngoài cũng như các công ty trong nước? Và theo ông, những yếu tố nào quyết định các thương vụ M&A với các công ty tăng trưởng nhanh trong vai trò là bên bán sẽ thành công?

Khi đến Việt Nam, những doanh nhân nước ngoài vẫn mang theo với họ những kinh nghiệm, thành kiến đã hội tụ từ bao năm trong môi trường văn hóa của nước họ. Người Nhật và Hàn Quốc có những tư duy và quyết định làm ăn khác với người Mỹ hay người Pháp. Vì vậy, muốn thành công trong việc bán thương nghiệp, mình phải hiểu rõ nhu cầu và tiêu chí của đối tác. Không nên dựa vào một công thức cứng ngắc cho mọi người.

Ngoài ra phải phân biệt giữa các nhà đầu tư tài chánh và nhà đầu tư chiến lược, thời hạn và cách thoái vốn, cơ hội hay bền vững, khả năng giúp quản lý và phương thức xây thương hiệu.

5 – Ông nhận định thế nào đối với cơ hội M&A tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay? Những thuận lợi hay khó khăn, bất cập là gì?

Tôi vẫn nghĩ rằng thời điểm suy thoái là lúc mà các doanh nghiệp lớn mạnh hay các nhà đầu tư nhiều vốn nên năng động trong việc săn mồi. 2012 sẽ là năm của M&A.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ do dự vì chưa ai biết giải pháp thực sự của chánh phủ cho nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ là gì và các rào cản về pháp lý, giá mua, minh bạch của hồ sơ tài chánh, bộ máy quản lý…vẫn còn hiện diện.

6 – Lời khuyên dành cho các doanh nghiệp đang có ý định muốn mua bán – sáp nhập?

Với người mua, hãy cẩn thận trong quá trình phân tích thẩm định (due diligence) và cảnh giác cao độ với những lời hứa hẹn dù qua hợp đồng.

Với người bán, hãy tìm một nhà tư vấn độc lập để có một định giá chính xác về công ty. Nếu được, phải thành thực làm một SWOT (điểm mạnh, yếu, cơ hội, rủi ro) để biết mình rõ hơn.

7 – Ông còn muốn chia sẻ thêm điều gì đối với độc giả của Dân trí liên quan đến những vấn đề trển?

Trong thế giới kinh doanh của nền kinh tế thị trường, luôn luôn có cá mập và bầy cá con. Biết vị trí của mình trong chuỗi thức ăn thiên nhiên này. Đừng bao giờ hoang tưởng mình là cá mập hay đồng minh của cá mập. Khôn chết, dại chết, biết mới sống, người xưa dạy thế.