Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Giới trẻ 'nghèo' nhất tài sản gì?


Để định vị vững vàng, người trẻ phải tự mình đối diện và giải quyết khủng hoảng lớn nhất - khủng hoảng niềm tin.
LTS: Trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, đất nước và xã hội càng cần đến vai trò, sức sống, tài năng của người trẻ để kiến tạo những biến chuyển mới. Đó chính là lý do Tuần Việt Nam tổ chức đề tài Định vị người trẻ thời khủng hoảng.
Mở đầu cho loạt bài này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến độc giả góc nhìn của một người trẻ cũng đang trên hành trình tìm kiếm con đường định vị bản thân trong cuộc sống và sự nghiệp. Tác giả bài viết dưới đây thuộc thế hệ 8X, từng học đại học và có thời gian làm việc tại Việt Nam, hiện đang du học tại Đan Mạch.
Cách đây vài năm, ngôn ngữ thời @ xuất hiện một thành ngữ thông dụng: sống bằng niềm tin. Anh không có tiền - sống bằng niềm tin, anh không có nhà - sống bằng niềm tin, v.v... Đại loại, ý nghĩa của nó là nếu không có một số thứ (hoặc hoàn toàn không có gì), thì anh chỉ có nước lôi niềm tin ra làm vốn sống.
Trớ trêu thay, thứ tưởng như ai cũng có lại là thứ thiếu nhất trong cuộc sống hiện tại. Thế hệ trẻ hiện nay đang đối diện với một cuộc khủng hoảng niềm tin, mà ngoài chính họ ra không ai khác có thể giải quyết được.
"Thế hệ mất mát"
Những ai từng đọc Ernest Hemingway có lẽ đều biết đến Lost Generation - tạm dịch là "thế hệ mất mát". Cụm từ này chỉ những người đi ra từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất và cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng trong cuộc sống hiện tại. Với họ, chiến tranh đã phá vỡ hoàn toàn lý tưởng mà họ có trước đó, trong khi niềm tin mới chưa hình thành.
Những thế hệ đứng giữa sự chuyển mình của thời đại thường gặp phải vấn đề về lý tưởng sống như vậy. Đó là lớp thanh niên phương Tây với phong trào hippie trong thập niên 1960-1970, là cuộc nổi loạn của giới trẻ Nhật Bản hơn chục năm trước, hay gần đây nhất là phong trào Chiếm phố Wall trên quy mô toàn cầu.
Giới trẻ Việt Nam ngày nay, đứng trước những thay đổi chóng mặt của cuộc sống và xã hội, cũng không phải ngoại lệ.
Tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh chóng, cùng với sự đón nhận cởi mở các giá trị từ bên ngoài đã tạo ra một không gian sống hoàn toàn mới cho giới trẻ. Quan hệ xã hội đã được cởi trói ra khỏi những ràng buộc địa lý, mở hơn, nhưng tất nhiên cũng phức tạp hơn.
Internet trở thành môi trường sống thứ hai của giới trẻ (nếu xét về mặt thời gian sử dụng, có lẽ nó phải môi trường số một). Ở đó, họ trải nghiệm những tự do không rào chắn mà cha ông ngày xưa trong mơ cũng không thể nghĩ đến.
Không gian vật chất thay đổi nhanh chóng khiến nhiều giá trị cũ lụi tàn, hoặc không cũng bị thách thức bởi thời cuộc.
Xã hội đòi hỏi khả năng làm việc thực chất, nhưng hệ thống giáo dục vẫn nặng về khoa cử, thành tích. Chúng ta nói về trọng người tài, nhưng chuyện chạy việc, chạy công chức, chạy biên chế dù không mấy người dám công khai nhưng ai cũng ngầm hiểu.
Chúng ta nói về liêm khiết và chính trực, nhưng tham nhũng và hối lộ ngày càng khó kiểm soát, len lỏi đến cả những hoạt động thường ngày như đi khám bệnh.
Chúng ta tuyên bố đề cao giá trị tinh thần, nhưng thực tế cuộc sống lại trơ trụi như một cô người mẫu nổi tiếng từng phát biểu, "không có tiền thì cạp đất mà ăn".
Đứng trước những mâu thuẫn đó, thật khó để thuyết phục người trẻ tin theo lời của "người lớn" về giá trị sống. Giới trẻ như bị kẹt giữa hai "làn đạn", như người đang đi trên dây giữa một bên là di sản niềm tin cũ đang mong manh, một bên là những tư tưởng dẫn đường mới chưa hình thành.
Người trẻ đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình định vị bản thân. Ảnh minh họa
"Nhiều cách sống" [1]
Giới trẻ hiện nay có nhiều cách tiếp cận khác nhau với cuộc khủng hoảng tư tưởng mà có thể chính họ cũng không nhận ra.
Với một số người, giá trị sống ý nghĩa nhất là phải khẳng định được bản thân, theo nhiều cách: tham gia nhiều hoạt động nhất có thể, nỗ lực thăng tiến, hay chỉ đơn giản là kiếm được nhiều tiền. Vì thế nên giai đoạn "khủng hoảng tư tưởng" cũng là lúc xuất hiện nhiều những doanh nhân 8X, 9X thành đạt, dám nghĩ dám làm nhất, những nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi xông xáo và nhiệt tình nhất.
Số khác mang trong mình "mầm mống nổi loạn", muốn bứt phá khỏi khuôn khổ gò bó. Đó là lúc phong trào "phượt" nở rộ, với không gian "xê dịch" thậm chí mở rộng tới những vùng đất xa xôi, như tác giả trẻ Huyền Chip của bộ sách "Xách ba-lô lên và đi". Lựa chọn "xê dịch" phần nào cho thấy cảm giác muốn tìm về chính mình, được cân bằng trong một không gian sống mới chưa định hình của giới trẻ.
Và cũng có bộ phận giới trẻ lựa chọn bấu víu vào những "giá trị ảo" làm lẽ sống: đó có thể là game online, âm nhạc, hay mạng xã hội. Từ chuyện những "fan cuồng" K-pop đến mức mắng chửi cả bố mẹ, hay những thanh niên sẵn sàng giết người chỉ để có tiền "cày" game, đều bắt nguồn từ sự tha hóa của lẽ sống.
Đi mãi sẽ thành đường
Dù lựa chọn cách sống nào, thì thực tế cũng là giới trẻ đang phải tự mình dò đường đi. Tất nhiên, trong một môi trường mở và thông thoáng hơn, thế hệ trẻ không thể mong đợi xã hội và nhà nước "dắt tay từng bước" như với đứa trẻ lên ba. Bản thân người trẻ cũng không bao giờ mong muốn như vậy.
Nhưng điều đó không có nghĩa là nên bỏ mặc họ đi trên dây khi chưa được học cách giữ thăng bằng. Làm vậy chẳng khác nào đẩy một con chim non chưa đủ lông cánh ra khỏi tổ tập bay.
Thay vào đó, hãy dạy nó cách kiếm ăn, cách tự bảo vệ mình, cách sống với đồng loại trước khi để nó lựa chọn những khoảng trời riêng của mình. Đáng buồn thay, có vẻ như chúng ta đang thiếu cả thời gian lẫn quyết tâm để hiện thực hóa điều đó.
Bên cạnh đó, có một tâm lý rất phổ biến hiện nay cho rằng giới trẻ đang đi lầm đường, không biết phân biệt phải - trái - đúng - sai, và xã hội cần phải tăng cường định hướng hơn nữa cho họ. Bản thân người viết cho rằng cách đó vô tác dụng. Bởi vấn đề của niềm tin phải được giải quyết bởi niềm tin, chứ không phải bằng ép buộc và kiểm soát.
Niềm tin chỉ được xây dựng trên nền tảng những hành động thực chất, những nỗ lực hữu hình. Hành động đó có thể bắt đầu từ những thay đổi trong hệ thống giáo dục, tuyển dụng người tài, cho đến những vấn đề vĩ mô hơn như giải quyết nạn tham nhũng hay gia tăng hiệu quả chính sách.
Không thể nói nhà nước tạo mọi điều kiện cho giới trẻ lập nghiệp, nếu như môi trường kinh doanh của nước ta luôn xếp hạng dưới trung bình trên toàn thế giới (thứ 99/185-theo Báo Cáo Môi Trường Kinh Doanh 2013 của World Bank), và đa phần doanh nhân trẻ phải tự xoay sở để gom vốn mà không hề biết đến sự tồn tại của quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.
Không thể nói mở cửa cho người trẻ thể hiện tài năng, trong khi "đường vào" các cơ quan nhà nước vẫn muôn trùng cửa ải đối với những người không thuộc diện "hậu duệ, quan hệ, tiền tệ".
Và cần hơn cả là niềm tin của thế hệ đi trước vào thế hệ hiện tại. Hãy tin họ như thế hệ thanh niên thời chiến tranh nhận được niềm tin sẽ giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, hay thế hệ Đổi mới sẽ đưa VN thoát khỏi trì trệ. Thế hệ 8X, 9X cũng có đủ năng lực để chèo lái dân tộc đi đến những cột mốc mới.
Tin tưởng đồng nghĩa với việc hiểu rằng giới trẻ hiện nay khác với những người đi trước, và do vậy không thể áp đặt giá trị sống, lối tư duy cũ lên họ. Xã hội chỉ nên tạo ra điều kiện cần giúp họ phát triển thành những người trưởng thành, có lý trí, và đến lúc đó hãy để cho họ tự do suy nghĩ, lựa chọn con đường riêng của mình.
Lỗ Tấn từng nói, trước kia làm gì có đường, người ta đi mãi thì mới thành đường đó thôi. Nếu không để cho giới trẻ khám phá những con đường mới, thì sau này chúng ta lấy đâu ra đường để đi?
Khắc Giang

Myanmar nói không với văn hóa xe máy


Hình ảnh này chắc chắn không phải chụp từ đường phố Việt Nam, nơi mà văn hóa xe máy đã trở thành “bản sắc” không lẫn vào đâu được, gây “ngạc nhiên & kinh sợ” cho tất cả du khách ngoại quốc lần đầu đến Việt Nam!!!
Ở Việt Nam, xe máy đã và đang tạo ra “văn hóa giao thông chụp giựt” trên từng con đường, ngõ hẽm… ở bất cứ nơi nào có sự hiện diện của “nó”:
  1. Xe máy có thể “lên bờ xuống ruộng” bất cứ nơi nào “nó” thích để vượt qua một chướng ngại vật, vượt qua chổ kẹt xe, mua đồ trên lề đường, ăn vặt trên lề đường, đi chợ hè phố… Từ đây, văn hóa buôn bán dưới lòng lề đường, họp chợ cả “trên bờ dưới ruộng” có cơ hội sinh sôi phát triển ở tất cả các ngã ba, ngã tư, bùng binh, “khu phố văn hóa”, trước mặt tiền cơ quan nhà nước/công an/công ty, nói chung là bất cứ nơi nào có sự hiện diện của xe máy, vì quá tiện lợi để “nó” đi chợ, mua đồ ngay dưới lòng lề đường rồi treo/móc lên xe, vi vu về nhà. Có lẽ duy nhất ở Việt Nam các nhà quy hoạch không cần suy nghĩ thiết kế lề đường đi bộ vì đó mặc nhiên là đường dành cho buôn bán và xe máy tung hoành! Ở Việt Nam người đi bộ không có đất đi!
  2. Xe máy có thể đi vào đường ngược chiều bằng cách ngang nhiên đi dưới lòng đường, hoặc đi ngược chiều trên hè phố, khi thấy công an thì thắng lại, chống xe xem như không có chuyện gì xảy ra, hoặc rẽ vào một con hẻm để lủi mất dạng, không để lại dấu vết. Bất cứ ai (quan chức, công an, dân thường) cũng đều biết cách ứng dụng kiểu đi ngang về tắt này. Người đi xuôi chiều và người đi bộ trên lề đường luôn phải căng mắt quan sát từ rất nhiều hướng để tránh bị tông xe và còn bị chưởi rủa vì không biết tránh xe!
  3. Xe máy dùng để đi mua đồ vặt rất hiệu quả, cứ rồ máy là có thể đi mua bất cứ gì có bán xung quanh ta, có khi khoảng cách đi chỉ là 50m. Tính năng linh động này của xe máy đã triệt tiêu thói quen đi bộ của phần lớn người Việt Nam và thật không khó hiểu khi đây là một trong những lý do gây ra sự quá tải của bệnh viện bị rất nhiều bệnh xuất phát từ sự lười vận động của người Việt Nam!
  4. Xe máy có thể quay đầu chuyền hướng quay đầu bất cứ lúc nào khi thấy phía trước có kẹt xe hay sự cố.
  5. Xe máy có thể dừng bất cứ chổ nào giữa đường để châm điếu thuốc, tán gẫu với người quen, nói chuyện điện thoại, mặc áo mưa, xem một sự kiện quảng cáo…
  6. Khi vi vu trên xe máy, nam thanh dùng một tay điều khiển xe, tay còn lại “du lịch” trên đùi của nữ tú, tiện lợi cho cả hai!
  7. Khi tâm sự trong công viên thì xe máy là chổ ngồi tuyệt vời cho nam thanh nữ tú
  8. Xe máy có thể tạo hiệu ứng “bầy đàn” mà không sợ bị bắt khi phạm luật giao thông, thí dụ khi các xe đang dừng trước đèn đỏ mà có bất kỳ xe nào vượt đi khi chưa có tín hiệu đèn xanh thì các xe còn lại cứ vọt theo bất kể cảnh sát giao thông (CSGT) đang đứng gác, khi đó thì CSGT chỉ có nước bó tay vì không thể cùng một lúc thổi còi “bầy đàn”. Nếu có bắt ai thì cũng tạo ra một tình huống buồn cười là anh CSGT băng ra giữa “bầy đàn” và vươn gậy chỉ đại ai đó, nếu có trúng ai thì người đó sẽ cãi rằng “sao không bắt người khác mà chỉ bắt tôi?”, CSGT trả lời là “buông lưới đại trúng ai thì người đó chịu!”. Nếu có lắp hệ thống camera dày đặc trên tất cả các đường phố thì cũng chào thua hiệu ứng “bầy đàn xe máy”!
  9. Số lượng xe máy quá nhiều tạo ra luật bất thành văn ở tp. HCM là khi đèn đỏ thì xe máy được vượt đèn đỏ hoặc đi thẳng (ở những ngã ba) và khi đó người đi bộ băng ngang đường bị căng thẳng cực độ mặc dù họ có quyền ưu tiên và đi trên đường ưu tiên, khi tai nạn xảy ra thì ai cũng có lý, luật pháp bị vô hiệu!
  10. Đi xe máy song song và nói chuyện thì thật tuyệt vời ở đường phố Việt Nam!
  11. Số lượng xe máy quá nhiều nên không thể tiến hành việc đăng kiểm, thế là môi trường bị lãnh đủ vì “thượng vàng hạ cám”, có những chiếc xe chỉ còn khung sắt, chổ ngồi và máy xe là có thể vi vu trên đường!
  12. Không ở đâu việc mua xe máy, lấy bằng lái xe dễ như ở Việt Nam, chỉ cần có tiền là có xe và bằng lái, và sau đó chỉ cần biết đề máy xe, rồ ga, thắng, chống chân là đã có thể trở thành tài xế xe máy rồi!
  13. Trong các bệnh viện công, một số bác sĩ có toàn quyền chạy xe máy vào thẳng văn phòng khoa, dựng xe la liệt ngay trước cửa văn phòng cho thuận tiện, chính họ là người phá hủy môi trường trong lành (tiếng ồn, khói) của bệnh viện mà lẽ ra họ phải là những người làm gương!
  14. Không ở đâu có đủ các loại “nón bảo hiểm giả cầy”, “nón bảo hiểm thời trang” như ở Việt Nam, loại nón chỉ có một tác dụng duy nhất là tránh bị phạt, nhiều khi gió thổi bay luôn nón xuống đường!!!
  15. Với các đặc điểm ở trên thì “xe máy là món ăn ưa thích” của cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động,  vì cứ thổi là thấy lỗi để “kiếm chác” mà một quan chức ngành công an đã định nghĩa là “tệ nạn” chứ không phải là tham nhũng!!!
  16. Đau buồn nhất là những tai nạn giao thông chết người liên quan đến xe máy, khi đó thi thể người xấu số (có thể bị biến dạng) nằm dài dưới đường cho đến khi có người đem tấm chiếu đắp lên, cảnh tượng này gần như diễn ra hàng ngày ở xứ ta!!!
  17. Xe máy có thể dùng để đi cướp giật và chạy trốn rất linh động, vừa chạy vừa che biển số, vừa vung súng/dao dọa người dân, dễ lạng lách và lủi vào hẻm, có thể gây ra tai nạn cho chính “nó” và những người dân bị liên lụy.
Đất nước Myanmar bị cấm vận và đóng cửa từ năm 1988 và chỉ vừa mới được dỡ bỏ lệnh cấm vận và mở cửa vài tháng trước đây, tuy nhiên những nhà hoạch định chính sách Myanmar đã nói KHÔNG với xe máy vì họ đã thấy trước những tác hại nghiêm trọng của nó như đã trình bày ở trên… Và đây là câu trả lời cho hình chụp bảng cấm xe máy trên đường phố Yangon ngay trang đầu tiên của bài viết này.
Quy hoạch hạ tầng giao thông của Myanmar được quy hoạch tốt và giống như Mỹ hay các nước Châu Âu, giao thông trong thành phố Yangon rất trật tự và tuân theo các quy tắc cơ bản sau:
  1. Xe rẽ trái đi bên trái đến ngã 3 hoặc ngã 4
  2. Xe đi thẳng đi trong làn đường giữa nếu đường có 3 làn xe, nếu đường có 2 làn xe thì đi ở làn đường bên trong đến ngã 3 hoặc ngã 4
  3. Xe quẹo phải đi làn đường trong cùng đến ngã 3 hoặc ngã 4
  4. Tại ngã 3 hoặc ngã 4, tất cả các loại xe tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, tuần tự xe đi thẳng trước rồi đến xe rẽ trái, không có sự xung đột giữa xe đi thẳng và xe rẽ trái.
  5. Đến ngã rẽ hoặc giao nhau với đường ưu tiên mà không có đèn giao thông, và có bảng hiệu “STOP”, xe phải dừng hẳn, quan sát các phía rồi mới tiếp tục lăn bánh
  6. Khi gặp đường đinh dành cho người đi bộ, xe dừng lại nhường quyền ưu tiên cho người đi bộ.
Tất cả mọi người đều tuân thủ luật giao thông và các quy tắc sống của một xã hộ văn minh. Ở đây bạn tự nhiên trở thành người có văn hóa giao thông chứ không cần phải “quyết tâm ứng xử văn hóa giao thông” như ở xứ ta.
Lê Ngọc Hồ

Trung Quốc: Các quan chức đua nhau bán nhà tháo chạy


TP – Chỉ trong dịp Trung thu và 1-10 (Quốc khánh) năm 2012 đã có hơn 1.100 quan chức xuất cảnh nhưng không quay về, trong đó có 714 người được xác định là đã bỏ trốn, một quan chức của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng cho biết.
Thái Bân và một số ngôi nhà của ông ta ở Quảng Châu
Thái Bân và một số ngôi nhà của ông ta ở Quảng Châu.
Ngày 19-1, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng (UBKTKLTW) của Trung Quốc bắt đầu họp Hội nghị lần 2 khóa 18 để tổng kết công tác chống tham nhũng năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Theo báo chí Trung Quốc, một trong những vấn đề sẽ được đưa ra bàn thảo là việc các quan chức trốn ra nước ngoài ngày càng nhiều.
Mới đây, UBKTKLTW đã ra thông báo “Động hướng mới trong công tác đấu tranh chống tham nhũng”, trong đó nêu rõ: từ trung tuần tháng 11-2012 đến nay, tại 45 thành phố vừa và lớn đã xuất hiện làn sóng bán tháo các biệt thự, căn hộ cao cấp.
Từ tháng 12 đến nay, hiện tượng này tiếp tục lan rộng, số nhà cửa được sang tên đổi chủ tăng gấp hàng trăm lần so với trước và là điều chưa từng có.
Có tới trên 60% người bán nặc danh, lấy tên giả hoặc lấy tên công ty để rao bán; đại đa số chủ nhà đều để nhà trống, cho người thân, bạn bè ở, không có hợp đồng cho thuê; khi bán đều yêu cầu giao dịch bằng tiền mặt, không qua ngân hàng.
Theo trang mạng của Ủy ban xây dựng nhà ở Bắc Kinh, nửa đầu tháng 1-2013 ở Bắc Kinh đã có 7.940 căn hộ được chuyển nhượng tăng 360% so với cùng kỳ năm 2012, tăng 11% so với tháng 12-2012, trong số đó số căn hộ cao cấp có giá 35 ngàn tệ/m2 (115 triệu VNĐ) trở lên chiếm 31%.
Được biết, một bộ phận người bán là các quan chức cơ quan công quyền và giới lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban KTKL đã thông báo tình hình này với trung ương và đã có kế hoạch đối phó.
Các số liệu trong thông báo cho hay, theo thống kê của Bộ Nhà ở – Xây dựng đô thị và Bộ Giám sát, trong động thái bán tháo nhà ở, biệt thự hiện nay, xuất hiện hiện tượng không bình thường: có tới trên 60% người bán nặc danh, lấy tên giả hoặc lấy tên công ty để rao bán; đại đa số chủ nhà đều để nhà trống, cho người thân, bạn bè ở, không có hợp đồng cho thuê; khi bán đều yêu cầu giao dịch bằng tiền mặt, không qua ngân hàng; các chủ nhà ủy quyền cho luật sư giao dịch, không lộ mặt khi mua bán.
Bản báo cáo cũng đưa ra nạn nhận ngoại tệ của các quan chức đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành ở 6 tỉnh, thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân, Giang Tô, Sơn Đông, Thượng Hải… và người nhà, nơi cao nhất là Sơn Đông nhận 1 tỷ 792 triệu, nơi thấp nhất cũng 370 triệu USD.
11 thành phố có hiện tượng bán tháo nhà diễn ra nghiêm trọng nhất là: Nam Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Thiên Tân, Thẩm Dương, Hạ Môn, Nam Kinh, Phúc Châu, Tế Nam, Quảng Châu, Thâm Quyến, Thành Đô; trong đó nhiều nhất về số căn hộ là Quảng Châu (4.880 căn) và Thượng Hải (4.755 căn), nhiều nhất về biệt thự là Hàng Châu (412 ngôi) ít nhất là Thiên Tân (112).
Vì sao hiện tượng các quan chức bán tháo nhà lại đột nhiên diễn ra ồ ạt như thế? Đó là vì mấy tháng trước, tin tức về Thái Bân, một cán bộ cấp trưởng phòng cơ quan KTKL khu ủy Phiên Ngu, Quảng Châu lương 10 ngàn tệ/tháng mà có tới 21 ngôi nhà trị giá 40 triệu tệ lan tràn trên mạng.
Thành ủy Quảng Châu cho điều tra, kết quả cho thấy Thái Bân có 22 nhà. Sự kiện này đã kéo theo các cuộc điều tra về nhà ở của quan chức tại các địa phương và liên tiếp có nhiều siêu quan tham về địa ốc bị lôi ra ánh sáng.
Mới đây nhất, ngày 18-1, báo chí đã đưa tin về Củng Ái Ái – phó giám đốc Ngân hàng thương mại nông thôn huyện Thần Mộc, đại biểu HĐND thị xã Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây có tới hơn 20 ngôi nhà trị giá hàng tỷ tệ ở Bắc Kinh.
Vào trung tuần tháng 12, UBKTKLTW, Văn phòng TW, Ban Tổ chức TW cũng đã cho gọi hơn 120 quan chức cấp cao đương nhiệm lên gặp gỡ, đối thoại, nhắc nhở họ và người thân ngừng ngay việc bán tháo nhà, bán dưới tên giả, giấu tên…
Sau khi bán nhà, số tiền này sẽ được chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài, tạo nên hiện tượng chảy máu dòng vốn.
Thông báo trên đây của UBKTKLTW cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2010 có tới 412 tỷ USD bị chuyển bất hợp pháp từ Trung Quốc ra bên ngoài, năm 2011 số tiền này là 600 tỷ, năm 2012 đã vọt lên trên 1.000 tỷ và năm 2013 dự tính quy mô chảy máu tiền vốn sẽ lên tới 1.500 tỷ USD.
Thu Thủy
Theo Tân Hoa xã và Dahe

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Phát ngôn Tuần Việt Nam: Máu làm quan!


Xin được lấy một phụ đề nhỏ trong bài viết “Thế hệ 9X: Làm quan hay làm ăn?” của tác giả Alan Phan đăng trên Tuần Việt Nam mới đây, ngày 29/11/2011 để làm chủ đề chính của Phát ngôn Tuần Việt Nam tuần này.
Một nền giáo dục ứng thí
Bài viết của tác giả, tuy chỉ đề cập tới sự ham muốn- “máu làm quan” của thế hệ trẻ ngày nay, qua tiếp cận với hơn 100 sinh viên đại học. Nhưng thực chất đã đụng chạm tới một vấn đề vĩ mô hơn, và cũng đáng suy ngẫm hơn.
Vì sao tuổi trẻ người Việt lại “máu làm quan” hơn “máu làm ăn”?
Hay bởi các em được tạo ra từ một nền giáo dục học để thi, không phải học để làm? Cho dù ngành GD luôn nhắc tới bốn trụ cột- châm ngôn của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.
Cái nền GD đó, thấm đẫm tinh thần thi cử, ngay cả trong văn chương. Không phải ngẫu nhiên, tác giả Alan Phan nhắc tới bài thơ Trăng sáng vườn chè. Người viết bài chợt nhớ, cả tuổi thơ của mình, cũng luôn được nghe tiếng mẹ hát ru:
Sáng trăng sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau/ Vì tằm tôi phải chạy dâu/ Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay/ Chồng tôi thi đỗ khoa này/ Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi…
…Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa/ Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng/ Một quan là sáu trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi/ Chồng tôi cỡi ngựa vinh quy/ Hai bên có lính hầu đi dẹp đường/ Tôi ra đón tận gốc bàng/ Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem/ Đêm nay mới thật là đêm/ Ai đem trăng tới lên trên vườn chè.
Dân tộc chúng ta, trọng sự học. Và cũng rất trọng “cái danh”- làm quan. Cái danh ấy chỉ có thể lập nên qua chuyện đỗ đạt thi cử. Cái danh ấy, nó len lỏi tới cả chốn phòng the, tới cả sự ân ái vợ chồng, đến mức nàng cảm thấy Đêm nay mới thật là đêm, chỉ sau khi chàng đã vinh quy bái tổ. Đủ hiểu đặc điểm, đặc tính một dân tộc trọng sự học và trọng cái danh đến độ nào.
Cũng phải công bằng mà nói, háo danh và máu làm quan là bản năng của con người, khi bắt đầu có nhận thức về nhóm, về tập thể, cộng đồng và xã hội. Nó không xấu, nếu nền tảng xã hội nói chung, nền tảng GD nói riêng, tạo ra được những vị quan tài đức, chứ không phải bất tài bất đức…song toàn!
Nhưng nếu nền tảng xã hội và nền tảng GD đó, chỉ ưu ái, khuyến khích con người háo danh và làm quan, thì xã hội đó sẽ ra sao đây?
Mặc dù trải qua ba, bốn cuộc duy tân hay cải cách, GD Việt Nam đến giờ, thực sự chưa thoát khỏi thân phận một nền GD ứng thí- bản chất cốt lõi của một nền GD phong kiến xưa cũ, nặng tính hàn lâm, lý thuyết. Thi cử vẫn là cái gốc điều chỉnh mọi cách thức tổ chức GD, mọi phương pháp dạy- học. Mới có câu thi gì học nấy.
Người ta lo cho con cái, và chuẩn bị cho cái sự ứng thí của đứa trẻ từ lúc bập bẹ, lớp “lá” mầm non, lớp 1 tiểu học, tới mục tiêu cao nhất- thi đại học. Vấn nạn học thêm, vì vậy cũng nảy nở từ bậc tiểu học tới trung học phổ thông như nấm sau mưa. Liệu có nên gọi, bên cạnh nền GD chính khóa, còn có một nền GD học thêm?
Bộ GD tự lúc nào, được mệnh danh là Bộ… thi cử. Từ đầu năm, cho đến cuối năm chỉ loay hoay họp hành, chuẩn bị cho các kỳ thi. Thi tốt nghiệp THPT, thi đại học, thi học sinh giỏi quốc gia các cấp, thi Olimpich quốc tế và khu vực. Chưa kể các kỳ thi của các địa phương.
Đã thi cử là có gian lận. Chống gian lận bằng cuộc vận động Hai không rầm rộ, nhưng đến thời điểm này, qua các tỷ lệ tốt nghiệp cao và đẹp đến…nghi ngờ, cái sự gian lận thi cử, e nó lại “vận” vào chính ngành GD?
Đến mức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải hỏi thẳng vị Bộ trưởng GD tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ trong kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII mới đây: Đề nghị Bộ trưởng nói thẳng, nói rõ đi, kết quả cao như vậy (tỷ lệ đỗ tốt nghiệp) có phản ánh thực chất không… Ta đang bàn chất lượng, chất lượng không tương xứng với kết quả thi. Bộ trưởng có khẳng định như vậy không. Khẳng định thì mới có giải pháp (VietNamNet, 24/11/2011).
Người dân khổ vì thi cử, nghi ngờ thi cử, thậm chí vay nợ chồng chất vì con cái đi thi cử, nhưng lại không thể rời bỏ thi cử.
Bộ GD khổ vì thi cử, nhưng cũng không dám bỏ bớt thi cử.
Ngay chủ trương thi “2 trong 1″- chỉ còn một kỳ thi trung học quốc gia, một chủ trương hợp xu thế thời đại, dưới áp lực xã hội, Bộ GD đành lững lờ không nói không, cũng không nói có, hệt chú “thỏ đế” trong ca dao: Rằng yêu thì nói là yêu/ Không yêu xin nói một điều cho xong…
Cũng cần công bằng để nói rằng, từng có nhiều năm, nhận thức được trách nhiệm xã hội của mình, ngành GD muốn thay đổi xu hướng học để thi, khi chủ trương phân luồng qua mô hình phân ban THPT: Ban A (Khoa học tự nhiên), B (khoa học kỹ thuật) và ban C (khoa học xã hội và nhân văn).
Thế nhưng rất nhạy cảm, số đông người dân không ai muốn con em mình đi theo ban B – để làm thợ. Tất cả chỉ một ước muốn chui qua cánh cửa hẹp – thi đại học.
Phân ban lần đầu thất bại, vì đã không có học sinh theo học như thiết kế chủ quan của ngành, không được người dân ủng hộ. Mà cũng còn vì GD không trả lời được câu hỏi của họ- học sinh ban B sẽ đi về đâu, làm gì?
Phân ban lần hai ra đời, còn mỗi hai ban: A và C, chỉ để chạy theo và đáp ứng nhu cầu thi ĐH của số đông con em nhân dân.
Cái hay được thay bằng cái dở. Đi kèm theo là sự lãng phí, tốn kém tiền bạc không biết bao nhiều mà kể.
Nhưng xét cho cùng phân ban thất bại, GD không có lỗi, nhân dân không có lỗi, vì… Cái nước Việt mình nó thế(!)
Danh “hư” nhưng lợi “thực”
Nếu biết rằng, có chính sách nào trong xã hội chúng ta thực sự trân trọng khuyến khích người thợ, người lao động? Cao hơn nữa là trân trọng người giỏi, người tài? Từ vị thế, lương bổng, chế độ đãi ngộ? Hay chỉ khuyến khích con người vươn tới…làm quan?
Thì cái bằng cấp là tiêu chí đầu tiên phải có để tiến thân. Thế nên, ngay cả Thủ đô Hà Nội cũng từng có chủ trương 100% cán bộ cốt cán phải là tiến sĩ!
Cái danh làm quan khi ra đời, dĩ nhiên luôn kèm theo cái lợi- bổng lộc, tiền bạc. Cái danh kiếm lợi bằng chính danh không thỏa, nó sẽ tận dụng để kiếm lợi bằng nhiều cách khác nhau.
Báo chí mới đây đưa tin, một vụ trộm ở TP. HCM. Chủ nhân ngôi nhà bị mất trộm (vợ và chồng) đều chỉ có một chức quan nhỏ thuộc ngành thuế, và ngành dạy nghề. Số lượng tài sản bị mất khá lớn, bao gồm 10 lượng vàng SJC, 2 bông tai hột xoàn, 1 nhẫn kim cương, 6.000 USD, 12 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 5 tỉ đồng. Tổng trị giá tài sản bị mất trộm là hơn 6 tỉ đồng.
Rồi cách đây vài năm, người ta còn chưa quên vụ một chiếc cặp bị bỏ quên ở sân bay của một quan chức trên đường công tác từ Tây Nguyên trở về Hà Nội. Trong chiếc cặp số có tới 11 chiếc phong bì đựng tiền VN (ít nhất từ 2 triệu đến 10 triệu) và đô la Mỹ. Ngoài phong bì có ghi tên nơi biếu.v..v… và v..v..
Trong GD thì quốc nạn học thêm. Ngoài xã hội thì quốc nạn tham nhũng. Cũng bởi hai từ danh- lợi.
Nó chi phối con người đến mức, có lần nói chuyện về lứa trẻ, một GS từng trải buồn bã: Các em bây giờ, họ chỉ đi tìm “minh chủ, hắc chủ” để tiến thân, chứ không đi tìm thầy để tu thân đâu, nhà báo ạ!
Ở một đoạn khác, TS Alan Phan viết: Sau 5 ngàn năm tiến hóa của nhân loại, định luật Darwin không ứng dụng ở Việt Nam. Một anh trưởng thôn hay trưởng xã vẫn oai quyền và sống sung túc như thời phong kiến hơn trăm năm trước. Có lẽ vì văn hóa và truyền thống, người dân vẫn phải co rúm như một con sâu khi đối diện với một ông quan, dù là quan làng. Khác với tư duy của các dân tộc Âu Mỹ: Lương anh chị lấy từ tiền thuế của tôi thì tôi là người chủ, trả lương cho anh chị để được phục vụ.
Cái tâm lý cay đắng ấy, đã được nhà văn Lê Lựu trong cuốn Thời xa vắng, chỉ ra, qua số phận đầy bi kịch của anh nông dân Giang Minh Sài, ngay cả khi anh ta đã ra thành phố. Số phận một cá nhân hay số phận của nhiều cá nhân một thời cuộc ấu trĩ?
Đó là chuyện thôn làng trong quá khứ. Nhưng nếu TS Alan Phan biết rằng ở tầm vĩ mô, thì thời hiện đại này, đến một cái danh hiệu cũng ưu tiên cho người làm quan? Như tiêu chí xét tặng Huân chương Lao động của Nhà nước chẳng hạn, mà người viết bài chứng kiến mắt thấy tai nghe.
Vậy có ai không thích làm quan?
Con người được đào tạo bởi một nền GD ứng thí, khi ra đời, lại sống trong một xã hội, mà sự làm lợi từ cái danh rất dễ.
Đó là lý do vì sao làm quan thẳng thì khó, nên không ít kẻ, mua quan bán tước, làm quan… tắt.
Đó là lý do vì sao, có biết bao câu chuyện bằng rởm, bằng giả của quan chức thấp, quan chức cao.
Một đất nước không rộng mà có bao nhiêu loại quốc nạn: Quốc nạn tham nhũng, quốc nạn học thêm, quốc nạn giao thông, quốc nạn bằng giả. Còn quốc nạn gì nữa đây?
Bằng rởm, bằng giả trong nước không oai, người ta tìm kiếm bằng rởm, bằng giả quốc tế, xuyên quốc gia “dọa nhau”. Vải thưa hóa ra vẫn che được mắt thánh! Không ít bằng giả, bằng rởm vẫn chễm chệ lên ngôi.
Thế nên, xin tác giả Alan Phan đừng chê trách thế hệ trẻ. Bởi các em là sản phẩm của nền GD hư học(chữ của GS Hoàng Tụy), nên các em phải chạy theo… cha anh, chạy theo hư danh.
Danh “hư” nhưng lợi “thực”. Có “thực” lại chạy tiếp “danh”
Chỉ đất nước, là khó phát triển?
Tác giả: Kỳ Duyên
Tuanvietnam

Đặng Lê Nguyên Vũ và những phát ngôn ấn tượng


BLOG CỦA ALAN NGÀY THỨ BẨY 19/1/2013
“Hiện tượng” Đặng Lê Nguyên Vũ luôn làm tôi thú vị dù ngồi uống cà phê chém gió với anh hay đọc các bài phỏng vấn anh trên báo. Một người có bản sắc đặc biệt và sẵn sàng để thế giới dư luận soi mói về mình. Nói tóm lại, không phải là truyền thống kiểu Việt Nam, nhưng có thể là một khung mẫu cho nhiều doanh nhân, cũng như mọi bạn trẻ với hoài bão, so sánh và phân tích.
Tôi xin giữ lại suy nghĩ và bình luận của mình về Vũ cho một ngày nào đó trong tương lai; nhưng muốn chia sẻ với các BCA một góc nhìn khá độc đáo của một người khá “siêu” trong thời buổi “nhập siêu” này.
(Bài phỏng vấn của báo Pháp Luật Việt Nam)
Có người bảo ông “cuồng ngôn”, ông có cảm thấy phiền lòng?
Đặng Lê Nguyên Vũ: (Cười). Tôi cũng xin nói với các bạn thế này, một con chim sẻ nó không thể hiểu một con đại bàng như thế nào hết, nguyên tắc con chim sẻ nó cứ mổ chốc chốc dưới đất, còn con đại bàng, bay ngược trên trời, cái nhìn của nó xa, rộng hơn nhiều. Tất nhiên, đại bàng cũng có lúc phải sống ở  vách đá cheo leo…
Ai nhận xét tôi cuồng ngôn? Quan điểm của tôi, khi tôi nói, tôi là số đông, còn người nghe là số ít, hiểu được bao nhiêu thì hiểu. Anh càng đi nhiều thì sẽ càng hiểu. Tôi đã gặp các giáo sư tên tuổi, lỗi lạc nhiều lắm rồi, anh phải tư duy với cách nhìn toàn cầu.
Chúng tôi không phải vĩ cuồng mà bạn phải nhìn nhiều và rộng hơn. Nhiều ông cứ bảo hôm nay, tôi sẽ lôi anh xuống nhưng tôi bảo: Ra đây, nói với tôi một buổi đi, nếu thuyết phục được tôi thì anh mới lôi được tôi xuống, còn không thì phải nghe chứ.
Mình nói họ không hiểu thì sẽ nghĩ mình vĩ cuồng, đại ngôn.
Cũng phải nói thêm rằng: Trỗi dậy đầu tiên của vật chất là trỗi dậy về tư tưởng, ngay cả trỗi dậy của quân sự, trỗi dậy của kinh tế thì hình thái đầu tiên cũng bắt đầu từ tư tưởng. Phải dám mơ, dám mộng thì mới thuyết phục được người khác và mới làm được những việc đại sự.
Đặng Lê Nguyên Vũ: Người Việt có 4 điểm yếu “chí tử”:
Một là không có hoài bão, không có khát khao.
Điểm yếu thứ 2 là nô lệ về học thuật, về tư tưởng bên ngoài. Các tôn giáo, lý thuyết đều du nhập. Có thể nói, VN là nơi tiêu thụ văn hóa chứ không phải là nơi sản sinh ra văn hóa.
Thứ 3 là không có tính kế thừa. Triều đại khác lên lại kéo theo nhiều điều tồi tệ hơn trước, vật chất phát triển lên nhưng các cơ sở khác lại đổ nát.
Thứ 4 là khả năng thực thi vô cùng kém, tính thực tế, thiết thực làm cho đất nước hùng mạnh là không có.
Những sai lầm của cha ông phải khắc phục và Trung Nguyên muốn cổ động, nuôi dưỡng thêm 3 tinh thần xuyên thế hệ?
Thứ nhất là tinh thần chiến binh: Nếu thế lực khác vào là phải đè bẹp ngay, chứ không phải run lẩy bẩy như khi Starbucks vô chẳng hạn. Chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu!
Thứ hai là tinh thần doanh nhân, tinh thần hiệp thương.
Muốn giàu thì ông nông dân cũng phải biết trồng quả cà chua bán ra Châu Âu, Châu Mỹ, chính trị cũng phải có tinh thần doanh nhân, thậm chí, văn hóa cũng phải có tinh thần doanh nhân. Đánh một bản nhạc phải biết phổ biến ra thế giới, vẽ một bức tranh phải biết kiếm ra bao nhiêu triệu đô la, chứ đừng coi mình là số 1, số 2 mà ra thế giới, không ai tiếp nhận.
Thứ ba là tinh thần độc lập, sáng tạo, đột phá. Có những quốc gia, họ coi sáng tạo là nguồn năng lượng sống của họ. Một ngày nếu tinh thần sáng tạo mất là dân tộc sẽ biến mất vì thù địch quá lớn, điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Trong khi đó, tại Việt Nam, chúng ta vẫn đang rất lối mòn.

Văn hóa “đéo”


BLOG CỦA VÀI NHÀ VĂN NGÀY THỨ TƯ 22/1/2013
Tác giả: Hà Lệ Nhân
Lần đầu tiên, mới tới Hà Nội, tôi không khỏi bỡ ngỡ, khi tìm nhà của một người quen làm trưởng một khu phố văn hóa. Vào một con hẻm, tôi gặp một ông cụ đi ngược chiều, tôi lễ phép hỏi thăm nhà bạn tôi, ông cụ nghễnh ngãng nghe tôi nhắc lại câu hỏi hai ba lần, ông lấy tay nghiêng một bên tai và lắc đầu trả lời: Tôi…đéo hiểu ông nói gì cả! ” Tôi không buồn, đi tiếp. Thấy có mấy đứa trẻ con đang nô đùa ngoài ngõ, tôi hỏi: Này các cháu có biết nhà ông trưởng khu phố văn hóa ở đâu không?
Một đứa bé trai, trạc trên dưới 10 tuổi, ngước nhìn tôi bằng ánh mắt xấc láo, ranh mãnh, đáp gọn lỏn: Biết, nhưng đéo chỉ!”
Tôi lắc đầu đi sâu vào ngõ văn hóa, gặp một thanh niên hỏi: Anh ơi, anh có biết nhà ông trưởng khu phố văn hóa này ở chỗ nào không anh?.
Gã trẻ tuổi này chẳng thèm dòm ngó gì đến tôi, trả lời cộc lốc: “Đéo biết!
Khi gặp ông trưởng khu phố văn hóa, tôi đem chuyện này kể cho ông ta nghe với lời than thở: Anh ạ, các bậc phụ huynh ở đây đã không dạy dỗ con em hay sao mà để chúng nó ăn nói với người khách lạ, thô bỉ đến thế hả anh?!
Chẳng cần suy nghĩ gì, ông trưởng khu phố văn hóa đã thuận miệng trả lời tôi ngay: Có dạy đấy chứ, nhưng chúng nó đéo nghe!”
Lúc ấy cô con gái của ông bạn tôi là cô giáo, dạy môn văn, vừa đi dạy về và tôi đem chuyện ấy ra kể lại. Thay vì trả lời trực tiếp cho tôi, cô giáo xin phép thuật lại một chuyện như sau:
- Hôm ấy cháu giảng bài văn, có đoạn kể thành tích anh hùng và dũng cảm của nhân dân ta đã đánh gục Tây, đánh nhào Mỹ v.v… Cuối cùng, cháu kêu một em học trò trai lớn nhất lớp, bảo nó cắt nghĩa hai chữ: dũng cảm là gì? Nó đứng lên suy nghĩ một lúc rồi đáp gọn lỏn:Nghĩa là… là…đéo sợ!”
Sau đó cháu lại có cuộc tiếp xúc với ông thứ trưởng về định hướng giáo dục XHCN, liền đem chuyện thằng bé học trò đã cắt nghĩa 2 chữ Dũng cảm là: đéo sợ, cho ông nghe. Nghe xong, ông thứ trưởng tỏ vẻ đăm chiêu, ra điều suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng, ông nghiêm nghị nhìn cháu, rồi gật gù như một triết gia uyên bác vừa khám phá ra một chân lý, chậm rãi đáp:
- Ừ, mà nó cắt nghĩa như thế cũng đéo sai!
- !!!
- Ðấy, bây giờ luân lý, đạo đức của con người  như thế đấy. Đất nước kiểu nầy thật là đéo khá!] (Hà Lệ Nhân- Viet Net).
Tác giả: Thụy Khê
Xuân đi làm vắng, cô tôi bảo Xuân làm ở sở chế biến liên hiệp, tôi chưa quen với những danh từ mới nên nhiều khi chữ nọ xọ chữ kia. Thằng Tường (15 tuổi, con Xuân) đang ngồi trên phản phì phò điếu thuốc, tôi cũng chẳng biết gọi là thuốc gì, thuốc lá hay thuốc rê. Thấy nó hút thuốc tôi để ý nhìn lũ trẻ chơi trong xóm, nhiều đứa nhỏ hơn nó cũng phì phèo hút lách như thế cả. Đang chuyện trò với cô tôi thì một đứa bạn đến gọi nó ơi ới:
- Đ.. mẹ thằng Tường có lên Đồng Xuân bây giờ không đấy hả? Để bố mày chờ mãi, muộn đéo nó rồi còn gì?
Thằng Tường đủng đỉnh trả lời:
- Thủng thẳng ông lấy cái xe đạp ông ra ngay, có động mồ động mả cha mày đâu mà rối lên thế?
Rồi nó lững thững kiểng chân lên giường, nghễn cổ, với cái xe đạp cũ treo trên trần bằng sợi dây thừng khá chắc, gọn gàng và nhẹn lắm, nó tháo dây thừng, lôi chiếc xe xuống, lí nhí chào tôi rồi đi. Cô tôi dặn với:
- Đừng la cà, về ngay con nhá!
Hai thằng bạn lại cười nói như không, câu chuyện lại nổ như pháo rang, mỗi câu lại mang mồ mả, cha ông làm chấm phẩy. Hình như tôi không thấy cô tôi thở dài.
 (Thụy Khuê: Cô tôi)
Tác giả: Đỗ Bảo Châu
Tôi chỉ xin kể chuyện ở những quán cóc ngày nay. Đa số (nếu không muốn nói hầu hết) khách là thanh niên. Trong số thanh niên, thì đa số là mới lớn, thậm chí ở tuổi vị thành niên. Họ ăn mặc rất diện, luôn đúng ‘mốt’. Đầu tóc thật… phong phú. Thôi thì nhuộm đủ màu nâu, vàng, đỏ. Thậm chí có cậu thanh niên mà tóc trắng phớ như ông già. Họ vào hàng, gọi nước trà, nước ngọt, hút thuốc phì phèo. Và, đặc biệt nhất là nói cười như pháo nổ.
- Này! Đ.. mẹ, thằng Cường bọt vừa sắm con ‘ét hát’, mày biết chưa?
Quả thật tôi thấy rùng mình vì câu chuyện của mấy cậu, mấy cô choai choai này. Xin phép độc giả, tôi không dám ghi tiếp lời thoại của họ. Nói một câu độ mươi cụm từ, thì họ đệm tới vài chục câu chửi thề. Nghĩa là ‘chất độn’ nhiều hơn ‘nguyên chất’. Một điều hết sức ngạc nhiên, là kể cả những cô gái choai, quần áo rất mốt, cũng đệm nhiều cụm từ chửi thề, thường thì chỉ có nam giới dùng. Họ đều ở tuổi 8x, 9x. Cũng có nghĩa họ sinh ra và lớn lên ở một môi trường mới, đời sống nâng cao, văn hoá cũng nâng cao. Gia đình họ – có thể nói – hầu hết khá giả. Đặc biệt, họ đều là người Hà Nội. Thậm chí gia đình đã sống lâu đời ở Hà Nội.
Chúng tôi thường nói một cách hài hước và cay đắng rằng, cái lớp thanh niên với ‘Nền văn hoá không rõ nguồn’ này, không thấy xấu hổ đã đành, lại còn phô diễn cái văn hoá rất …thiếu văn hoá ấy, ở chỗ đông người, nơi có cả các bậc cha chú của mình. Và, xin hãy coi chừng, nếu bạn có một câu góp ý, dù chỉ nhẹ nhàng từ tốn, không những không nhận được sự tiếp thu, mà còn bị gây sự lại, thậm chí chuốc hoạ vào thân. Nhẹ, ‘được’ ném vào mặt vài câu chửi thề. Nặng, thì dùng đao búa…
Hình như ở nước ta, chưa có luật nào xử phạt những người văng tục, chửi thề ở nơi công cộng. Chẳng lẽ đó không phải làm ô nhiễm đó sao?

Ấn tượng trong tuần: Thiếu tâm, thiếu tầm, thiếu…quyền?


Tác giả: KỲ DUYÊN
Bài đã được xuất bản.: 19/01/2013 02:00 GMT+7
Nếu cứ làm việc theo cung cách của các ngành, các cơ quan chức năng hiện nay: Thiếu tâm – thiếu tầm, và thiếu cả… quyền, thì biết đâu, sẽ còn những Vina khác nữa đang… mỉm cười đứng Đợi?
Cả làng cùng “thiếu” có mình em đâu?
Mới đầu năm 2013, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác của ngành Giao thông Vận tải, một quan chức cao cấp của Nhà nước có phát ngôn thật ấn tượng: Quản lý GTVT thiếu tâm lẫn tầm!Theo ông, quản lý ngồi đút chân gầm bàn, không có tâm và tầm, sâu sát với cuộc sống đang vận động.
Trước đó, là một loạt những số liệu mất mát đau lòng: Năm 2012, toàn quốc xảy ra trên 36.000 vụ tai nạn giao thông làm gần 10.000 người chết, 38.000 người bị thương… Tai nạn giao thông trong những tháng cuối năm 2012 có xu hướng tăng trở lại, số người chết hoặc bị thương vẫn ở mức cao và vẫn còn xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Thực ra, sự thiếu tâm này không chỉ là thói quan liêu, xa rời cuộc sống, của cán bộ, công chức Nhà nước. Mà tệ hơn, suy đồi hơn, nó là lòng tham, là tham nhũng. Và một khi trở thành quốc nạn, nó gây nên những thương tổn sâu sắc cho xã hội, cả vật chất lẫn tinh thần, niềm tin.
Tại hội nghị, diễn giải cho những yếu kém, bất cập của ngành GTVT, đặc biệt về các con đường huyết mạch, một vị thứ trưởng của ngành cho rằng do thiếu vốn duy tu, sửa chữa định kỳ nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng kết cấu hạ tầng  giao thông…
Thế nhưng chả lẽ, mới đưa vào sử dụng cuối năm 2012, và còn chưa khánh thành, cây cầu Đất Sét trên tuyến quốc lộ 1A (thị trấn Tân Phú Thạnh, huyện Châu thành A- Hậu Giang)- thuộc dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, với kinh phí 2.371 tỷ đồng, đã bị lún, nứt, có chỗ lún nứt kéo dài hàng chục mét, cũng là do… thiếu vốn duy tu, sửa chữa?
Hiện trường một vụ TNGT. Ảnh: Baoninhthuan.com.vn
Ngược hẳn với ý kiến ông thứ trưởng ngành GTVT, tại kỳ họp QH tháng 6/2012, khi thảo luận về bổ sung năm dự án, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ 2011- 2015, trong đó có ba dự án giao thông, chiếm tới gần 5000 tỷ đồng, ý kiến của nhiều đại biểu QH cho rằng tiền nhiều nhưng chất lượng giao thông vẫn kém. Đặc biệt là thất thoát tài chính, tiêu cực trong sử dụng kinh phí rất nhiều.
Có đại biểu nêu câu hỏi: Người ta đặt vấn đề xây dựng đường Việt Nam đắt nhất thế giới, đắt hơn Mỹ, đắt hơn các nước trong khu vực. Tại sao?
Đắt nên mới xắt ra… sụt lún, ra nứt toác, ra hố tử thần…
Phía nam, “nổi tiếng” nhất – thực chất là tai tiếng nhất, là Đại lộ Đông Tây. Có tổng chiều dài 22 km, được đầu tư tới 660 triệu USD, tính ra mỗi km đường ở đây đầu tư tới 30 triệu USD, thông xe vào cuối năm 2011.
Hoành tráng, khua chiêng gõ trống bao nhiêu ở “pha” động thổ, cắt băng khánh thành, thì mới chỉ sau sáu tháng sử dụng, Đại lộ Đông Tây đã “lộ” ra cái sự thê thảm của chất lượng. Mặt đường xuống cấp, lún sâu, thậm chí có chỗ lằn bánh xe tạo rãnh có độ sâu hơn 10cm. Và cũng lộ ra cái tâm làm ăn gian dối, tham lam vô độ của con người.
Phía bắc, không chịu…”kém miếng”, Đại lộ Thăng Long, chiều dài 30 km (được đầu tư tới 7.527tỷ đồng), chỉ sau nửa năm đưa vào sử dụng, đã bị xuống cấp, sụt, lún, nứt nẻ, bong tróc nghiêm trọng. Điệp khúc xuống cấp cũng lại được giành cho hai cây cầu mới của Thủ đô- cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì.
Vậy nhưng, nếu nói chữ thiếu tâm, hẳn ngành GTVT sẽ mượn câu ca dao xưa: Cả làng cùng “thiếu” có mình em đâu?
Bởi cái sự thiếu tâm ấy, sự tham lam ấy không phải là… độc quyền của riêng ngành GTVT, nó còn là của cả ngành ngân hàng. Khi chính vị lãnh đạo cao cấp nhất của ngành này phải thừa nhận: Có “lợi ích nhóm” trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cũng theo vị quan chức này, mới thanh tra ở 27 tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thấy nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, giữ chức danh lãnh đạo trong đó. Dư nợ cho vay nhóm cổ đông này chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng dư nợ, có lúc lên tới 90%, vi phạm nghiêm trọng quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Vết lún, nứt ở cầu Đất Sét nghìn tỷ. Ảnh: Quốc Huy
Tại kỳ họp QH cuối năm 2012, quan chức cao cấp nhất của ngành công an cũng cho biết, năm 2012 tội phạm về kinh tế, tham nhũng phức tạp nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, tác động xấu đến an ninh tài chính, tiền tệ.
Cái sự thiếu tâm ấy còn là của ngành xây dựng, quản lý đất đai. Khi các công trình Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, các công trình thủy điện thi nhau “hom hem, già lão”, thi nhau vỡ toang, lộ ra bê- tông chỉ là đất và gỗ mục… Khi tới 70% vụ khiếu kiện của người dân thuộc về lĩnh vực đất đai- cũng là nơi màu mỡ nhất cho lòng tham nảy nở. Quản lý đất đai không công khai minh bạch, còn là nguyên nhân của những xung đột gay gắt, thậm chí phân ly giữa người dân với chính quyền.
Thiếu tâm của ngành GTVT là quá rõ. Còn thiếu tầm, thì e vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước phát biểu vừa đúng, vừa chưa đủ.
Bởi riêng ách tắc giao thông đô thị, hiện đang là nỗi khổ không của riêng ai, nó vừa là cái nhìn ngắn hạn của ngành này, nhưng nó cũng là hệ lụy của cái nhìn không …dài hạn của cơ chế quản lý xã hội chúng ta. Rút cục, giao thông đô thị đang phải lãnh đủ.
Bởi ách tắc giao thông đô thị, là hệ lụy của quy hoạch đô thị với tầm nhìn kiểu ăn sổi ở thì.
Là hệ lụy của việc coi thường tầm quan trọng của  các đô thị “vệ tinh”.
Là hệ lụy của tỷ lệ dân số tăng quá nhanh, vv…và vv..
Thế thì, thiếu tâm- thiếu tầm đâu phải chỉ là của riêng ngành GTVT?
“Vô hiệu” và “thanh kiu”
Cái sự thiếu tâm- tham lam, tham nhũng, giờ thiên hình vạn trạng. Hội thảo khoa học “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” do Tạp chí Cộng sản cùng ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức mới đây đã đưa ra những con số đáng buồn.
Buồn, vì trong khi tham nhũng bị coi là quốc nạn, thì theo Gs Trần Đình Bút, nguyên Thành viên tư vấn Chính phủ, các vụ được phanh phui chỉ là những vụ nhỏ, ở cấp dưới - chỉ mới bắt được mèo con. Cán bộ xã, phường chiếm 30% còn cấp trung ương chỉ chiếm 0,3%, bằng 1/100 của cấp thấp nhất.
Bên cạnh kết quả chỉ mới bắt được mèo con, đáng lo ngại nhất là hiện tượng tham nhũng quyền lực và chính trị, như Gs Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện triết học đã chỉ ra. Vì quyền đẻ ra tiền, quyền đẻ ra lợi.
Ông cũng khẳng định, sức mạnh kinh tế một khi liên kết với quyền lực để hình thành lợi ích nhóm sẽ dẫn đến tham nhũng trong chính trị, chi phối chính sách. Đây mới là điều đáng lo ngại nhất đối với sự tồn vong của chế độ, đất nước.
Các vụ tham nhũng được phanh phui chỉ là những vụ nhỏ, ở cấp dưới- chỉ mới bắt được mèo con. Ảnh minh họa
Rõ ràng, tham nhũng có đủ “sức mạnh mềm”, để làm mưa làm gió, trong khi các công cụ chức năng “rắn” như Kiểm toán, như Thanh tra vận hành ra sao?
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây về vai trò, vị thế của Kiểm toán Nhà nước trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán VN cho rằng, nếu như kiểm soát nội bộ của bộ máy bị vô hiệu hóa thì sẽ lại dẫn đến những đổ vỡ như đã xảy ra với Vinashin, Vinalines…
Đó là một nhận xét mang tính thực tiễn sâu sắc, dù khá chua xót.
Kiểm toán là một lĩnh vực còn khá mới mẻ cho một xã hội văn minh nông nghiệp, nên đến tận giờ, vẫn còn “loay hoay” với “cái ghế” – địa vị pháp lý của mình, là giúp việc QH hay độc lập với QH? Tất cả còn trông chờ vào sự sửa đổi Hiến pháp 1992 sắp tới.
Nếu Kiểm toán thiếu tầm, thì Thanh tra khác hẳn.
Ngành thanh tra có tuổi đời gần 70 năm, cùng với tuổi đời của nước Việt, chứng kiến mọi sự thăng trầm, mọi thay đổi và đổi mới của quốc gia. Nghề nào cũng vậy, nhưng đặc biệt với thanh tra, nó đòi hỏi trước hết là phẩm cách chính trực, sự liêm khiết của cá nhân cán bộ thanh tra. Vì cái sự ông rút chân giò, bà thò chai rượu, ở đây rất dễ xảy ra.
Trong quá khứ (và hiện tại), xã hội ta từng có những cán bộ thanh tra liêm chính nổi tiếng. Nhưng…
Người viết bài chứng kiến một chuyện hài hước: Một chánh thanh tra ở cơ quan Bộ nọ, được cả cơ quan “trìu mến” gọi là “Chánh thanh- kiu” (cảm ơn). Ông chả giận, mà cứ dễ dãi cười…hề hề… Hay vì ông luôn phải “thanh- kiu” những nơi ông thanh tra? Chỉ ông và nơi bị thanh tra biết rõ nhất!
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra ngày 4/1 mới đây cho thấy, hiệu quả công tác này trong phòng, chống tham nhũng rất hạn chế: Năm 2012, các ngành đã triển khai 1589 cuộc thanh tra trách nhiệm, nhưng chỉ xử lý hành chính 18 người, chuyển cơ quan điều tra ba vụ.
Một quan chức cao cấp của Chính phủ đã nói thẳng: Toàn hệ thống thanh tra có hơn 18.000 người. Thanh tra CP khoảng 700, còn lại khoảng 17.300 người là ở các bộ, ngành địa phương. Bộ nào cũng có thanh tra, sở nào quan trọng cũng có thanh tra nhưng vụ việc ai phát hiện? Báo chí phát hiện, Thanh tra CP phát hiện, đoàn thanh tra phát hiện… Vậy 17.300 người để làm gì?
Nếu kiểm soát nội bộ của bộ máy bị vô hiệu hóa, thì sẽ lại dẫn đến những đổ vỡ như đã xảy ra với Vinashin, Vinalines…
Người ta chợt nhớ, vụ Vinakhủng, suốt từ năm 2006 đến 2009, đã có ít nhất 11 cuộc thanh, kiểm tra các loại của đủ các đoàn kiểm tra, thanh tra. Vậy mà không đoàn nào đến thanh tra lại phát hiện ra… sai phạm (!) Thanh tra hay “thanh- kiu”, như dư luận xã hội nghi ngờ?
Hay thanh tra không thiếu nghiệp vụ, cũng không thiếu tầm, mà chỉ … thiếu tâm?
Còn tại Hội nghị Chính phủ làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, ông Phó Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, tổng nợ phải trả của các TĐ, TCT đã lên tới hơn 1,3 triệu tỉ đồng (?) Mức lỗ phát sinh của tất cả TĐ, TCT là 2.253 tỉ đồng, trong đó có một số đã lỗ từ năm 2011 đến năm nay… lỗ tiếp. Đáng quan ngại là có 10 TĐ, TCT có tổng lỗ lũy kế lên tới 17.730 tỉ đồng. Ai sẽ là người …bù những cái lỗ khủng khiếp này đây?
Đến nỗi, người đứng đầu Chính phủ đã phải hỏi, một số doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ cả tỷ đồng, nói ra ai cũng xót ruột. Và nhân dân có quyền đặt ra câu hỏi, sau Vinashin, Vinalines, liệu còn thêm Vina nào nữa?
Chưa có câu trả lời.
Nhưng nếu cứ làm việc theo cung cách hiện nay: Thiếu tâm- thiếu tầm, và thiếu cả…quyền, thì biết đâu, sẽ còn những Vina khác nữa đang…mỉm cười đứng Đợi?

Theo vietnamnet.vn

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Vẫn chưa kiếm ra 1 triệu đô la trong 5 năm?

T/S Alan Phan

Bài viết của tôi về công thức kiếm 1 triệu đô la trong 5 năm tạo ra nhiều phản biện, ngay cả lúc này, gần một năm sau khi xuất bản. Một số không ít nghĩ đây là chuyện không tưởng, nhất là khi ứng dụng vào môi trường làm ăn tại Việt Nam (Một bài viết của báo Người Đưa Tin trích dưới đây là một thí dụ).

Thực ra, để gia tăng giá trị của doanh nghiệp lên 1 triệu đô la trong 5 năm là điều quá dễ. Dùng chỉ số P/E của một công ty dịch vụ khỏang 18 thì lợi nhuận chỉ cần gia tăng 60 ngàn đô la một năm là chúng ta đã đạt mục tiêu trên. Đây thực sự không phải là một nhiệm vụ…bất khả thi dù con số 1 triệu đô la vẫn còn làm choáng nhiều doanh nhân Việt.

Tuy nhiên, tôi đồng ý là phần lớn độc giả sẽ không thành công như mong muốn. Lý do thất bại của họ không phải là do công thức sai, hay xa rời thực tế, mà do những nguyên nhân rất thông thường. Nhiều ước mơ trong đời sống cũng hay gẫy đổ như vậy khi lối tư duy và cách thực hiện kế hoạch phạm vào những rào cản sau đây.
1. Tính lười biếng cẩu thả

Khi điều hành quỹ đầu tư Viasa, tôi hay ngạc nhiên vì đến hơn 90% các kế hoạch kinh doanh gởi xin tài trợ hoàn toàn thiếu chuẩn mực và công sức. Một người trẻ muốn đầu tư vài ba năm của đời sống cho sự nghiệp không thể đi xa nếu không chịu bỏ vài tháng tập trung thu thập dữ liệu, nghiên cứu, phân tích, tìm phản biện, xây dựng quan hệ và networking một cách nghiêm túc và khách quan. Một kế hoạch vài chục trang giấy, phần lớn là copy và paste, không gì sáng tạo hay tỉ mỉ, nói lên sự lười biếng ngay từ trong trứng nước. Các định giá về sản phẩm của mình so với đối thủ cạnh tranh cũng rất sơ sài, thiển cận…nói lên sự cẩu thả sau này trong việc điều hành.

Mỗi tuần, tôi nhận hơn chục Emails của các bạn trẻ bầy tỏ sự tha thiết với nhu cầu kinh doanh và nhờ tôi làm tư vấn “không công” để tạo nghiệp lớn cho mình. Kèm theo là khoảng 100 chữ mô tả kế hoạch và dự án (đa số có thể gọi là wet dreams) cùng các câu hỏi ngớ ngẩn có thể truy tìm từ Google trong 30 giây. Đây là thể hiện tột cùng của tính lười biếng và cẩu thả nói trên.
2. Lối bắt chước nghèo nàn

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của dự án kinh doanh là một sản phẩm hay dịch vụ sáng tạo, đặc thù, mang nhiều lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, đây là một thực thi rất khó khăn mà chính những doanh nhân nhiều kinh nghiệm hay nhiều trí tuệ cũng phải thiếu sót. Ngay cả với những sản phẩm mới mẻ, sự thu hút khách hàng trên thị trường cũng chưa phải là điều chắc chắn. Do đó, việc bắt chước bầy đàn khá thông dụng trong phần lớn mô hình kinh doanh.

Hiểu rõ thực tế như vậy nhưng khi làm một phó bản, chúng ta phải có ít nhất một phó bản độc đáo và khởi sắc, nếu không hơn nguyên bản thì cũng phải mang nhiều chất lượng tương tự, và chắc chắn phải hơn hẳn các phó bản cạnh tranh đang chào bán trên khắp thị trường. Cái nghèo nàn về ý tưởng và điều hành quản lý thường là nguyên nhân làm trì trệ mọi mục tiêu và gây mệt mỏi, chán nản cho doanh nhân cũng như khách hàng.
3. Niềm đam mê hời hợt

Trong hành trình kinh doanh, khó khăn và thử thách là một hiện hữu thường trực, mỗi giờ mỗi ngày. Không có sự say mê vào sản phẩm, việc làm; cũng như những sự ủng hộ trân trọng của người thân và đội ngũ đồng hành, doanh nhân thường bỏ cuộc và tìm một lối thoát dễ dãi hơn. Một mô hình kinh doanh chỉ dựa vào mục đích “kiếm tiền” hay “sĩ diện” thường bỏ quên chiều sâu và tính chất lâu dài của sản phẩm, thương hiệu, nhân viên hay cơ sở.

Nhìn vào kinh nghiệm thành công của tất cả những doanh nhân nổi danh trên thế giới, chúng ta sẽ nhận rõ một điểm tương đồng: dù họ có thể khởi nghiệp qua một tình cờ hay may mắn, nhưng khi đã vào nghiệp lớn, họ đều có chung thái độ gọi là “sinh nghề tử nghiệp”. Không có nghiệp dư hay “làm chơi ăn thiệt” trong sân chơi nghiêm túc của nghề kinh doanh.
4. Mất tập trung vì sợ hãi

Một rào cản tâm lý khá lớn với đa số doanh nhân cũng như mọi người bình thường là nỗi sợ hãi. Không những chúng ta sợ thất bại, thua lỗ, mất mặt, nghèo khó, đau khổ…chúng ta còn sợ ngay cả thành công, may mắn, danh tiếng, cô đơn… Khi tinh thần bị ám ảnh bởi sợ hãi, sự sáng tạo của trí tuệ cũng như sự bình tĩnh trong phản ứng đối đầu biến mất và doanh nhân trở nên hoảng loạn và lạc lối. Các chiến thuật, dự phóng…từ những kế hoạch làm ăn ngắn hay dài hạn bị xóa bỏ, nhường chỗ cho những hành động phản xạ theo tình thế hàng ngày và sự thôi thúc của các yếu tố và nhân viên hay người thân bao quanh.

Đây là thời điểm của “đi tắt đón đầu”, “lấy ngắn nuôi dài”, “đầu tư dàn trải”, “lợi nhuận ngắn hạn”, “thay đổi mục tiêu”…
5. Đổ thừa cho ngoại vi

Những yếu tố kinh tế vĩ mô hay môi trường kinh doanh luôn luôn có tác động đến kết quả công việc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chúng không sâu rộng như chúng ta hay tưởng tượng. Nhiều bạn bè tôi đã từng kinh doanh tại những thị trường khét tiếng là tàn nhẫn như nam lục địa Phi Châu hay Trung Đông. So với Ấn Độ hay Turkmenistan, tôi nghĩ Việt Nam là một thiên đường của dân làm ăn. Trong quá khứ, tôi kiếm tiền khá tốt ngay sau sự cố Thiên An Môn ở Trung Quốc khi các nhà đầu tư ngoại bỏ chạy như vịt.

Dĩ nhiên, trong một môi trường kinh doanh khác lạ, chúng ta phải điều chỉnh tư duy và hành xử. Cứng ngắc trong một công thức không hợp thời, hợp cảnh, hợp nhân tình…là tự đem đến cho mình những thất vọng. Trong mọi trường hợp, hãy chăm chú tập trung vào sự cải thiện của sản phẩm, nhu cầu thực tế của khách hàng, cách xây dựng quản lý công ty theo chiều sâu và đường dài. Tôi lập đi lập lại 5 yếu tố quan trọng nhất trong bài viết cũ: động lực nội tại, lợi thế cạnh tranh, kiến thức và quan hệ, chấp nhận rủi ro và sức khỏe đầy đủ. Trên hết, một tập trung cao độ, không để cho một ảnh hưởng vớ vẩn nào xâm nhập vào trận đấu. Thiếu bất cứ yếu tố nào trên đây là tạo một mất cân bằng cho công thức.

Vào 2007, quỹ đầu tư của chúng tôi đã giải ngân cho một doanh nghiệp Việt (Vinabull) hơn 1 triệu đô la và đã thất bại hoàn toàn. Lý do là tôi đã không “làm” như mình “nói” trong bài viết này. Ngoài những yếu tố chính như động lực (với ban quản lý làm thuê thì đây là OPM), lợi thế cạnh tranh (sản phẩm bắt chước không chút sáng tạo), kiến thức và quan hệ (không đầy đủ, không khai triển)…ban quản lý của chúng tôi còn mang thêm các bệnh lười biếng cẩu thả, không chút đam mê trong ngành nghề và luôn đổ thừa cho tình trạng suy sụp của thị trường chứng khoán. Thất bại là một kết quả có thể nhận ra trước khi bắt đầu.

Tôi đang suy nghĩ không biết mình có nên chọn ra 5 dự án với 5 đội ngũ doanh nhân trẻ và chứng minh là họ có thừa sức để kiếm 1 triệu đô la trong 5 năm? Có lẽ không cần thiết vì tôi đã gặp và trò chuyện với cả trăm doanh nhân trẻ đang làm ăn tại Việt Nam, trong các ngành nghề từ IT đến nông nghiệp, từ dịch vụ thương mại đến quán hàng bán lẻ. Họ có chung một mẫu số: kiếm được cả triệu đô la hay nhiều hơn trong thời gian vài năm, dù phải đối diện với hệ thống quan chức và luật rừng, con ông cháu cha hay xã hội đen, bất ổn xã hội hay suy thoái kinh tế. Họ là những minh chứng hùng hồn nhất cho sự năng động của lớp doanh nhân mới của Việt Nam và hy vọng sau này, của thế giới.

Alan Phan

Bài viết năm ngoái của Alan:

http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/kiem-1-trieu-dola-trong-5-nam.html

Bài viết của báo Người Đưa Tin:

“Tôi tin rằng một doanh nhân trẻ, tìm ra một mô hình kinh doanh sáng tạo và dồn hết tâm trí nội lực của mình liên tục trong 5 năm, sẽ nhất định trở thành một triệu phú đô la. Quên chuyện ăn nhậu, quên chuyện thất tình trai gái, quên chuyện bạn bè bàn ra tán vào, quên chuyện sĩ diện…chỉ biết một mục đích duy nhất là công việc của mình, không bỏ cuộc hay thất vọng, không phân tán tài lực với những hoạt động ngoài luồng, không suy nghĩ xa xôi hay lầm lạc. Chỉ đơn giản có thế. Tôi sẵn sàng ký một khế ước với bạn: nếu bạn đã làm tất cả việc này thật nghiêm túc và không kiếm được 1 triệu đô la vào 2017, tôi sẽ tịnh khẩu và ngưng hết viết lách trong phần đời còn lại“, Thu Thủy trích lời của Alan Phan, tiến sỹ kinh tế.

Trên Facebook của mình, hoa hậu Việt Nam là Nguyễn Thu Thủy trả lời:

“Nhà cháu (tức Thu Thủy – PV) không phải tiến sĩ kinh tế nhưng cũng lăn lộn thương trường hơn 15 năm nay rồi, đã từng là một doanh nhân trẻ và sáng tạo (giờ nhà cháu vẫn trẻ) cũng dồn hết nội lực, cũng đã từng chạm vạch triệu phú đô la, chưa từng ăn nhậu (chỉ đi bar thâu đêm thôi) và nhớ nhớ quên quên đủ thứ như bác nhắc ở trển, nhà cháu có đôi nhời với bác mà mong bác đừng tịnh khẩu:

- Bác đặt tình huống quá lý tưởng khi bác đang ngồi trong salon ở Mỹ mà chưa đưa ra các tình huống bạn doanh nhân trẻ này sẽ phải đặt tự trọng và đạo đức kinh doanh vào đâu khi đối mặt với các vấn đề như công an, cơ quan thuế và các loại thanh tra sở ban ngành phiền nhiễu hàng ngày, cái này tiến sĩ kinh tế hình như không đảm bảo được và không dạy được.

- Bạn doanh nhân trẻ này giả sử có môt hình kinh doanh tuyệt vời sáng tạo thật, nhưng ngay tuần sau, tháng sau sẽ có bạn doanh nhân trẻ khác là con ông Y cháu bà Z cho ra mô hình kinh doanh y hệt của bạn nhưng chi phí, giá thành chỉ bằng 1/2 do có những ưu thế cạnh tranh đặc biệt mà không có một sách kinh tế trên thế giới nào từng nhắc đến thì bác tính sao?

- Hiện nay, ngay lúc này, ở Việt Nam nếu có phương án kinh doanh tốt và đi đúng đường thẳng không đi đường vòng xa xôi với ngân hàng thì lãi suất khoảng 18%.

Thời nào, nước nào cũng có Bill Gates, có Mark Zukenberg… có điều môi trường kinh doanh nó như nước, doanh nhân giỏi như cá con, ở môi trường nào thì mới sinh ra anh hùng hào kiệt được.

“Ở Việt Nam hàng ngày, cứ ra đường là chạm mặt đầy các Bill Gates phiên bản Việt Nam bác ạ, nhà cháu nghĩ họ mà viết blog chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh chắc chắn hot hơn bác, có điều họ không viết vì họ không phải tiến sĩ kinh tế”, hoa hậu Thu Thủy chanh chua.

http://www.facebook.com/gocnhinalan

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Loạt bài tranh cãi làm giàu

Lương 20 triệu nhưng kiếm được 1,2 tỷ đồng một năm

"Mỗi năm gần đây vợ chồng tôi kiếm được khoảng 1,2 tỷ đồng. Học phí cho hai con khoảng 6 triệu đồng một tháng, trừ các khoản chi phí khác vẫn còn kha khá. Chúng tôi thừa sức mua được xe ô tô tiền tỷ và vài cái nhà khác rồi buôn đi bán lại".
>Lương 20 triệu làm sao mua nhà lầu xe hơi

Tôi là tác giả của bài viết Từ công nhân tôi đã có '1 chồng, 2 con, 3 tầng, 4 bánh'. Tôi đã đọc rất kỹ các hồi âm của độc giả và xin được có đôi lời.
Tại sao các bạn chỉ cộng trừ nhân chia số lương 20 triệu đồng của tôi? Khi tôi đi làm thuê, tôi đã đạt được mức lương như thế rồi. Và sao các bạn không nghĩ sâu xa hơn một chút rằng liệu tôi có đứng nhìn mình sống với mức lương như thế không?

Đấy chỉ là mức lương cơ bản thôi chứ không đủ tích trữ để tôi có thể mua được những thứ tôi đã kể. Chồng tôi khi có điều kiện cũng đi học lại cùng tôi tại các trung tâm kế toán, thậm chí còn thi đỗ tại chức. Vì sao các bạn không nghĩ rằng khi tôi đã lên quản lý, kiểm toán được, tiếng Anh giao tiếp tốt.... thì tôi được các công ty khác mời tư vấn hay làm CEO cho họ?
Khi mức lương của tôi đạt tầm như thế thì những mối quan hệ khác hẳn nhiên sẽ dần dần cũng được hình thành, dù tôi xuất thân bình dân, không phải con ông cháu cha.
Chẳng nhẽ tôi lại khoe khoang nói hẳn ra chi tiết cách tôi đã xoay vòng đồng tiền do tôi kiếm được như thế nào?
Mỗi năm gần đây vợ chồng tôi kiếm được khoảng 1,2 tỷ đồng. Học phí cho hai con khoảng 6 triệu/tháng, trừ các khoản chi phí khác vẫn con kha khá, chúng tôi thừa sức mua được xe ô tô tiền tỷ và vài cái nhà khác rồi buôn đi bán lại.
Khi nhà đất chững thì chúng tôi cũng không quá cần tiền để bán tháo. Thời gian đầu tôi buôn hàng công nghệ thông tin, khi đã bão hòa thì tôi buôn máy chiếu và giờ tôi lại cập nhật sản phẩm khác...
Đấy là cách kiếm tiền của chúng tôi. Chúng tôi không vay hoặc cho vay tiền tín dụng đen, không hoang phí đi hưởng thụ để "thể hiện đẳng cấp".
Nói lý thuyết thì dễ còn thực tế thì rất vất vả, phải phụ thuộc nhiều vào khả năng thích ứng, sự nhanh nhạy của bản thân.
Khi kể về trường hợp của mình, tôi không có ý khoe khoang tài sản hay tự mãn với thành công. Điều duy nhất tôi muốn gửi gắm là mong các bạn sinh viên mới ra trường hay những ai đang khởi nghiệp hãy luôn kiên trì, chăm chỉ và nhanh nhạy, biết tạo ra cơ hội cho chính mình và thành công sẽ đến.
Và các bạn ơi, đừng nhân chia số lương của tôi, cái tôi đạt được to lớn hơn nhiều. Một cách chân chính, ít nhất tôi cũng tạo ra được vị trí nhỏ nhoi cho mình.
Dương Trúc Mai

'Làm giàu thì dễ, làm đủ ăn mới khó'

Nếu không biết chi tiêu thì cho dù bạn có kiếm được bao nhiêu cũng sẽ xài hết, "miệng ăn núi lở" là câu nói người xưa vẫn dạy. Nếu biết cách thu vén, đầu tư thì từ một số tiền nhỏ bạn sẽ gây dựng được cơ ngơi lớn.
>Vì sao tôi nghèo mà anh lại giàu?

Tôi đã đọc bài viết "Từ công nhân tôi đã có 1 chồng, 2 con, 3 tầng, 4 bánh". Qua bài viết này có nhiều người chỉ trích tác giả phóng đại khả năng. Tuy nhiên chúng ta nhìn ở góc độ khác thì có thể nhận thấy đây là sự việc có thể.
Thứ nhất: Khi bạn có lương 20 triệu đồng mỗi tháng, bạn sẽ làm việc nhiều và tiêu rất ít vì không còn thời gian để tiêu tiền. Nên khả năng tiết kiệm tiền sẽ rất cao. Nếu như chúng ta đọc cuốn sách "Dạy con làm giàu" thì chúng ta có thể thấy khả quan.
Chi tiêu hợp lý, biết cách đầu tư sẽ đem lại cho bạn cuộc sống giàu
 có. Ảnh minh họa: Internet
Chi tiêu hợp lý, biết cách đầu tư sẽ đem lại cho bạn cuộc sống giàu có. Ảnh minh họa: Internet
Thứ hai: Khi bạn có lương 20 triệu đồng thì bạn có thể có nhiều cơ hội để kiếm được nhiều tiền, do đó, thu nhập không chỉ là tiền lương.
Thứ ba: Tác giả còn làm ăn riêng , nên khả năng kinh doanh sẽ mang lại các cơ hội kiếm tiền tốt hơn
Thứ tư: Tác giả là nữ nên khả năng thu vén, tiết kiệm và có thể dùng tiền đầu tư mua đất hoặc mua bất động sản và khi có cơ hội thì khả năng làm giàu càng lớn hơn. Như người ta nói: "Làm đủ ăn thì khó, làm giàu thì dễ".
Hy vọng chúng ta có cách nhìn phù hợp và tin tưởng rằng vẫn có những điều không thể mà biến thành có thể biến thành hiện thực. Và tôi đồng cảm với tác giả.
Trân trọng!
Đức Chính

Làm giàu đâu nhất thiết phải là ông chủ

Muốn làm giàu, thoát khỏi cảnh nghèo, trước hết phải do bản thân. Việc nhiều người lo lắng nếu ai cũng muốn làm ông chủ thì ai làm công nhân là không có cơ sở.
>Từ công nhân tôi đã có '1 chồng, 2 con, 3 tầng, 4 bánh'

Sau khi đọc bài "Vì sao tôi nghèo mà anh lại giàu " của tác giả Đỗ Chí Hiếu, tôi rất trân trọng và ủng hộ anh và quan điểm của anh.
Tuy nhiên một số ý kiến phản hồi lại không ủng hộ ý kiến của anh. Tôi xin phép viết bài này để bảo vệ quan điểm của anh Đỗ Chí Hiếu và phản bác lại các ý kiến cho rằng quan điểm này không đúng.
Nhưng vấn đề chính ở đây là bài học về tư tưởng, ý chí, và cách sống. Muốn làm giàu, thoát khỏi cảnh nghèo, trước hết phải do bản thân. Phải thực sự mong muốn và kiên trì theo đuổi làm giàu thì mới làm giàu được.
Người phương Tây thường nói, nếu anh không thực sự mong muốn điều anh đang theo đuổi, thì làm sao anh có thể đạt được điều đấy. Không có sự mong muốn, đam mê mãnh liệt, ước mơ sẽ mãi chỉ là ước mơ. Bạn không mong muốn và đam mê làm giàu, thì làm sao bạn đạt được mục tiêu này?
Một số ý kiến cho rằng, xã hội phải có ông chủ và nhân công, ai cũng muốn làm kinh doanh và ông chủ, vậy lấy ai làm công nhân và lao động chân tay. Suy nghĩ này quá đơn giản và lý thuyết. Làm ông chủ và làm giàu là một quá trình, không phải vừa bắt đầu và trong một thời gian ngắn là đã đạt được.
Và quá trình này đòi hỏi sự quyết tâm, ham muốn, và lòng kiên trì. Ai không có 3 điều kiện này thì không thể đạt được mong muốn làm giàu. Nên nói ai cũng thành ông chủ, không ai làm công nhân là không chính xác.
Người có đủ 3 yếu tố này sẽ thành ông chủ, những người còn lại sẽ là người làm công. Các nhân vật giàu trong bài viết, trước khi họ thành ông chủ, họ cũng là người làm công. Trải qua một quá trình phấn đấu và không đầu hàng, họ mới thành ông chủ. Còn nhân vật nghèo, họ không đủ quyết tâm và không có mong muốn làm giàu to lớn nên họ chấp nhận làm người làm công.
Để làm giàu cần hội tụ đủ 3 yếu tố, quyết tâm, ham muốn và kiên 
trì. Ảnh minh họa
Nói rằng mình không thể giàu vì không có điều kiện chẳng qua chỉ là một lời biện hộ cho việc bản thân mình không đủ quyết tâm và mong muốn làm giàu. Ảnh minh họa
Làm giàu không có nghĩa nhất thiết phải là ông chủ, và xã hội sẽ không còn ai làm người làm công. Làm giàu có thể dựa trên tài năng và nỗ lực của mình, không nhất thiết phải làm kinh doanh và làm ông chủ.
Các bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật cao, nhiếp ảnh gia, ca sĩ..., đâu phải ai trong số họ cũng làm ông chủ. Họ vẫn là người làm công đấy thôi. Nhưng bằng tài năng và sự nỗ lực của bản thân, họ vẫn làm giàu được. Kể cả là nhân viên lao động chân tay bình thường, nếu họ có một quyết tâm và mong muốn to lớn, họ vẫn giàu được.
Ông chủ, làm công, hay người kinh doanh, tất cả đều là những người phục vụ xã hội. Ông chủ và người làm kinh doanh là những người có đầu óc hơn, họ dùng đầu óc của mình để lao động chứ không có nghĩa họ ăn không ngồi rồi và bóc lột sức lao động người khác.
Ông chủ và người làm kinh doanh, xét theo khía cạnh này, họ vẫn là "người làm công" cho xã hội. Như vậy, xã hội vẫn không thiếu người làm công. Sự giàu có là đến từ sự phục vụ xã hội. Anh nào phục vụ xã hội tốt thì anh ấy nhanh giàu, còn anh nào lười biếng, làm việc ít, thì xã hội đền đáp anh ấy ít, và mãi là người nghèo.
Một số ý kiến nói rằng không phải ai cũng làm giàu bằng cách lương thiện, họ làm giàu bằng cách xấu xa. Xin hãy loại bỏ ngay ý nghĩ này, và giáo dục thế hệ trẻ có lối sống và suy nghĩ lành mạnh và tích cực.

Một số ý kiến nói rằng giàu nghèo ở Việt Nam là do thế lực gia đình, hay kiểu như con vua rồi lại làm vua. Gia đình giàu có và làm quan chức, đó là một điều kiện thuận lợi và may mắn. Nhưng điều này ko phải ai cũng có được. Chẳng lẽ chỉ vì nhà không ai làm quan, hay gia đình không giàu có mà bạn từ bỏ ý định làm giàu thay đổi số phận?
Xin nhấn mạnh, hầu hết những doanh nhân giàu có hiện giờ, họ xuất phát từ gia cảnh nghèo khó. Nói rằng mình không thể giàu vì mình không có điều kiện như trên, chẳng qua chỉ là một lời biện hộ cho việc bản thân mình không đủ quyết tâm và mong muốn làm giàu. Quan trọng là mình có gì và sức mạnh tư tưởng của mình đến đâu, chứ không phải quan trọng là việc tại sao một số người sinh ra lại được may mắn hơn mình.
Một số ý kiến nói rằng làm giàu cũng do nhiều yếu tố như thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cái này không sai, nhưng một lần nữa tôi xin nói làm giàu cũng như làm các việc khác, khoan tính đến các vấn đề khác, trước hết anh phải có quyết tâm, nỗ lực, và ham muốn cao độ.
Trước khi thừa nhận thất bại, ít nhất anh cũng phải thử. Tư tưởng đầu hàng từ trước khi bắt đầu chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự thất bại. Các bạn có nhớ câu nói của Bác Hồ: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền". Trước hết phải do quyết tâm của bản thân. Không có quyết tâm thì liệu một người có thực hiện được ước mơ làm giàu không?
Không chỉ vấn đề làm giàu, mà cả các việc khác, vấn đề đầu tiên là do ham muốn bản thân và tư tưởng. Phải có sự quyết tâm, ham muốn, và nỗ lực thì mới đạt được mục tiêu mình mong muốn.
Anh Nguyen

Người Việt học nhiều nhưng biết ít

Ở Việt Nam đang bị vấn nạn cô đọc trò chép, học vẹt, nhồi nhét một đống toán học "cao cấp" mà sau này khi ra đời chẳng bao giờ dùng đến.

> Nhồi nhét thi học kỳ bậc tiểu học

Mọi người Việt Nam chúng ta vẫn kháo nhau về một "truyền thuyết" rằng người Việt Nam chúng ta có truyền thống hiếu học. Vậy liệu điều đó đã đúng?
Để trả lời câu hỏi này. Đầu tiên chúng ta phải xem chúng ta định nghĩa thế nào về học.
Đầu tiên là "Học để nhiều chữ". Chúng ta nên lưu ý bộ nhớ não con người có hạn. Khi bạn nhớ quá nhiều, muốn nhớ thêm những điều mới mẻ đôi khi chúng ta buộc phải xóa những ký ức cũ.
Nó giống như việc bạn học lên đến cấp 3 và nhìn một bài toán cấp 1 vậy. Có nhiều bài chúng ta sẽ thấy khó và bối rối dù chúng ta đã học về nó. Vậy nếu bạn có quá nhiều chữ trong sách học ở phổ thông, đại học thì cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ khó có cơ hội tiếp thu kiến thức ngoài cuộc sống. Mà chúng ta thì đâu có mài sách mà ăn được?
Tiếp theo là "Học để làm ông nọ bà kia, học cho ấm vào thân". Vậy chiếu theo điều này thì hóa ra học là công cụ để đạt được những mục đích có vị trí nào đó trong xã hội?
Hệ lụy từ câu nói tưởng chừng như "đúng" này thì nhiều không đếm được. Nó khiến cho một bộ phận giới trẻ học vì mục đích làm ông nọ bà kia mà không quan tâm xem chúng ta đang học cái gì, có phù hợp với mình không.
Rồi khi học xong đại học thì không biết phải làm gì để sống. Phụ huynh, nhà trường thì tạo áp lực ảo lên các em, đa số trẻ em thành phố bị đánh cắp tuổi thơ vì cứ mải miết học và học và tiếp tục học
Thêm một sự học nữa là "học để có cái bằng". Điều đó khiến cho biết bao trường tư mọc lên. Cả xã hội quay cuồng theo cái bằng cử nhân mà quên mất một điều là 1 thầy thì 10 thợ thôi. Ai cũng làm thầy thì ai làm thợ? Rồi thì học làm thầy xong không xin được việc lại quay đi làm thợ. Vậy tại sao không học để làm thợ cho nhanh?
Học đơn giản là để trang bị kỹ năng sống. Lấy ví dụ đơn giản: con hổ hay con chó con lúc mới sinh ra nó có biết bắt mồi đâu. Nó "học" bắt mồi đó chứ.
Con người chúng ta cũng thế. Sinh ra chúng ta sao đã đủ kỹ năng sống? Chúng ta học bài học đầu tiên là học lẫy, học bò, học đi. Rồi sau đó là học nói, vào trường chúng ta được học chữ, rồi những kiến thức mới. Nhưng liệu thế đã đủ?
Trở về quá khứ tổ tiên. Chúng ta tiến hóa vượt trội so với các con vật ở chỗ chúng ta sáng tạo ra công cụ. Sáng tạo là điều rất quan trọng. Nhưng ở Việt Nam điều quan trọng lại là cô đọc trò chép văn mẫu, học thuộc lịch sử, địa lý theo kiểu học vẹt, nhồi nhét một đống toán học "cao cấp" mà sau này khi ra đời chẳng bao giờ dùng đến.
Tại sao bên cạnh học kiến thức phổ thông chúng ta không học thêm kỹ năng mềm, khả năng tư duy, sáng tạo? Tại sao không giảm tải đi để trẻ em có tuổi thơ, được học, được chơi. Để khi ra đời nhiều bạn trẻ không còn bỡ ngỡ hay quá ảo tưởng về bản thân nữa, để xã hội không còn lãng phí tiền vào nhiều thứ không cần thiết?
Ngô Xuân Vũ