Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Bill Gates nói về Học đại học

Phó Thiên Tùng
Dịch từ Nhân Dân Nhật báo TQ ngày 2/7/2004

“Trong con mắt các em học sinh của tôi, Microsoft là một thần thoại, còn cái tên Bill Gates là cả một cuốn sách huyền bí. Các em đều mong muốn có thể hiểu được ngài”. Nghe thầy hiệu trưởng Viên Ái Tuấn nói tới đó, Bill Gates cười rạng rỡ như đứa trẻ: “Trước đây tôi chỉ toàn đến các trường đại học, thế mà bản thân tôi lại chưa tốt nghiệp đại học nào. Nay có dịp được đến trường trung học, tôi rất sung sướng, bởi tôi đã tốt nghiệp trung học rồi”.

Dưới đây là phần trả lời câu hỏi học sinh của Bill Gates.

Trường đại học vẫn là nơi lựa chọn rất tốt.

Bối cảnh: Năm 1975, Bill Gates đã bỏ dở đại học năm thứ ba để sáng lập ra Công ty Microsoft.

Hỏi: Lúc sáng lập Microsoft, ngài còn đang là một sinh viên. Trước nhiều áp lực ngài có nghĩ rằng vạn nhất bị thất bại thì sẽ như thế nào không?

Đáp: Khi dự thi đại học, tôi rất căng thẳng, ba trường đại học tôi đã dự thi thì đều rất khó vào, tôi không biết mình sẽ được trúng tuyển trường nào. Còn việc lập công ty, cha mẹ tôi đều hết sức ủng hộ, và họ bảo tôi trường đại học vẫn là một lựa chọn rất tốt, vạn nhất công ty không thành, con có thể trở lại học tiếp.

Hồi trẻ tôi có hai cái tật: một là bao giờ cũng chây ì ra để vấn đề đến phút chót mới giải quyết, và cứ chây ỳ như thế có khi đã để cho công việc bị “hoá bùn”. Hai là lúc đầu khi viết phần mềm, bao giờ tôi cũng tự mình viết lấy, thích dỡ bỏ phần lập trình của người khác để làm lại. Sau này tôi đã hiểu, phải biết buông tay ra để cho người khác được thi triển tài năng – muốn tạo dựng ảnh hưởng lớn cho mình, thì phải biết dẫn dắt nhiều người cùng làm.

Phấn đấu thực hiện ước mơ với tất cả tinh lực

Bối cảnh: Tại vườn hoa trường trung học thực nghiệm Bắc Kinh, Bill Gates trồng một cây Tùng đặt tên là “Thời đại kỹ thuật số”. “Làm sao cho phần mềm ngày càng đơn giản, ngày càng rẻ tiền và tràn trề niềm vui, mở ra một thời đại kỹ thuật số làm say mê lòng người” luôn luôn là mục tiêu của Bill Gates. Hiện giờ, kinh phí hàng năm dành cho nghiên cứu khai thác của Microsoft là trên 5 tỉ đô.

Hỏi: Hồi bằng tuổi chúng tôi, lý tưởng của ngài là gì? Nay đã thành công danh toại, ước mơ hiện nay của ngài?

Trả lời: Tôi rất may mắn, năm 13 tuổi đã có cơ hội tiếp xúc với máy tính. Khi ấy tôi thấy rất lạ, vì sao người lớn lại cảm thấy máy tính khó như vậy? Tại sao họ lại không ý thức được máy tính sẽ làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ? Tôi không hề mong muốn sẽ kiếm ra bao nhiêu là tiền, lập ra được một công ty vĩ đại tới chừng nào. Để cho máy tính được trở thành một thứ công cụ hoàn mỹ, đó là ước mơ của tôi, ước mơ suốt đời tôi đeo đuổi. Cho đến hôm nay, mục tiêu này đã thực hiện được một nửa, tôi hy vọng rằng trước khi về hưu sẽ thực hiện trọn vẹn được nó.

Hỏi: Ngài cho rằng người như thế nào mới được coi là con người thành công?

Trả lời: Tiêu chuẩn đo lường sự thành công có rất nhiều. Theo tôi nghĩ, trước tiên bạn hãy xem bạn có thể làm được điều gì đấy cho những người mình tôn trọng, như người thân trong nhà, bạn bè chẳng hạn, có thể làm cuộc sống họ được cải thiện hơn không. Có lẽ dấy là một cách đo tương đối dễ nhìn nhận và thao tác.

Còn những tiêu chí truyền thống hơn của sự thành công là, bạn có sáng tạo được những gì mới toanh không, có đem lại được những thay đổi cho thế giới này không?

Giáo dục nhằm tạo dựng nhân sinh hoàn mỹ

Bối cảnh: Cho tới nay, Bill Gates đã bỏ ra trên 1,4 tỉ đôla để cải thiện điều kiện học tập cho lớp người có thu nhập thấp, lần này tới Bắc Kinh, thay mặt cho Microsoft và Bộ giáo dục TQ, ông cho khởi động kế hoạch “Cùng tương trợ học đường”, xâu dựng và trang bị cho miền tây Trung Quốc lớp dạy máy tính.

Hỏi: Nếu quyên tặng một chút gì đấy cho trường học của con gái mình, ngài sẽ lựa chọn thứ gì? Ngài sống với con cái mình ra sao?

Trả lời: Tôi đi lại trên khắp thế giới, được thấy ở không ít nơi cuộc sống còn rất nghèo nàn lạc hậu. Tôi sẽ cho con gái tôi biết những điều ấy, mong nó không bị hư hỏng bởi sự nuông chiều của điều kiện vật chất ưu việt. Tôi sẽ cho nó rất nhiều sách, và một chiếc máy tính thật tốt chứ không phải nhiều đồ chơi. Tôi dạy nó phải biết yêu thương, đừng xem TV, chơi trò chơi điện tử nhiều quá. Tôi khuyến khích chúng đọc sách, nắm bắt những kiến thức nhiều mặt, và biết xây dựng niềm tin từ khi còn nhỏ, phải cảm nhận được mình là con người thông minh, có đủ năng lực đối mặt trước mọi thách thức. Bạn cũng có thể làm nên “thần thoại” đấy.

Thoả mãn lòng hiếu kỳ của bọn trẻ là việc rất cần thiết. Tôi luôn làm hết sức để giải đáp những câu hỏi chúng đưa ra, nếu không giải đáp nổi thì tôi sẽ cùng học với chúng, cố gắng cùng tìm ra đáp án của vấn đề.

Hỏi: Rất nhiều người học hết đại học mà không có được thành công như ngài. Quan điểm của ngài về giáo dục đại học.

Trả lời: Đây là một câu hỏi rất hay. Đại học phải học cho hết, đó là điều rất quan trọng. Về điểm này, tôi cần phải nói cho rõ. Khi xưa tôi sáng lập công ty là bởi vì cơ hội xuất hiện, và nó sẽ mất đi chỉ trong tích tắc, tôi phải nắm lấy nó. Tôi rời nhà trường ở dạng xin nghỉ học, cho nên hiện giờ tôi vẫn chỉ là nghỉ học. Biết đâu hai năm nữa tôi lại trở về Harvard, để hoàn tất việc học hành của tôi.

Hiệu trưởng Viên vỗ tay: “Các em hãy cố gắng, phấn đấu để đến khi ngài Bill Gates trở lại đại học, các em sẽ đến Harvard để học cùng với ngài” .

Đây là thứ giáo dục Việt Nam đang thiếu

Một ý tưởng bất chợt lóe lên đôi khi có trị giá cả triệu đô la (A – Robert Collier).

Một đất nước thịnh vượng là một đất nước có nhiều công dân hiền tài, có năng lực sáng tạo và sáng nghiệp. Để có những công dân sáng tạo và sáng nghiệp cần có một nền giáo dục sáng tạo. Để có một nền giáo dục sáng tạo cần có các giáo viên sáng tạo. Để có có các giáo viên sáng tạo cần có những nhà trường sáng tạo. Để có những nhà trường sáng tạo cần có những người lãnh đạo sáng tạo và sáng nghiệp. Những người lãnh đạo sáng tạo và sáng nghiệp được nuôi dưỡng và đào tạo từ những học sinh/sinh viên sáng tạo – từ một nền giáo dục sáng tạo và trong một đất nước có môi trường tự do cho sự sáng tạo và sáng nghiệp. (Triết lí của IFERD: www.iferd.edu.vn – một trang web chứa các khóa đào tạo kĩ năng sáng tạo và sáng nghiệp).

Lời tòa soạn: TS Trần Thị Bích Liễu, một nhà khoa học giáo dục, từng nghiên cứu giáo dục ở Mỹ theo chương trình học bổng Fulbright, gửi tới VietNamNet những chia sẻ của mình về một nền giáo dục sáng tạo, cũng là gửi gắm khát vọng về một nền giáo dục hiện đại mà ở đó, với môi trường tự do được bảo đảm, con người sẽ được khai phá những năng lực tiềm ẩn của mình để góp sức tạo ra nhiều giá trị vật chất và tinh thần tốt đẹp cho xã hội.

Những năm gần đây, các nhà chính trị và các nhà khoa học đã có nhiều nỗ lực nhằm tạo nên sự thay đổi cho nền giáo dục, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và của nền kinh tế tri thức trên toàn cầu.

Đổi mới toàn diện và sâu sắc nền giáo dục Việt Nam (tên một Nghị quyết của Đảng Cộng sản) không thể không đề cập đến việc phát triển một nền giáo dục sáng tạo.

5 lí do để phát triển nền giáo dục sáng tạo

Nền kinh tế thị trường về bản chất đòi hỏi sự sáng tạo của con người bởi hai đặc tính cơ bản: sự cạnh tranh và quyền tự do mà nó ban tặng.

Sự cạnh tranh đòi hỏi rất nhiều sáng tạo để tạo ra những sản phẩm mới, hàng hóa mới và các dịch vụ mới nhằm chiến thắng các đối thủ.

Với quyền tự do, con người luôn đổi mới và sáng tạo để làm cho sản phẩm, dịch vụ của tổ chức mình có tính cạnh tranh cao và thu được nhiều lợi nhuận nhất.

Thế kỉ 21 là thế kỉ của nền kinh tế tri thức và các xã hội sáng tạo

Một lý thuyết khá hiện đại và mang tính dự báo cao về sự phát triển của giáo dục, đó là sự phát triển qua ba hình thái xã hội và việc thiết kế thế hệ giáo dục 3.0.

Giáo dục 1.0 gắn với xã hội tiền công nghiệp, công nghiệp và xã hội thông tin mà ở đó, giáo dục chỉ đào tạo để người học có được các kĩ năng thực hiện tốt công việc của mình.

Giáo dục 2.0 gắn với xã hội tri thức hay dựa trên tri thức bị ảnh hưởng bởi các thế lực của mạng cộng tác kĩ thuật và toàn cầu hóa.

Trong xã hội này, kiến thức mới là quan trọng và nhất là việc biến thông tin thành kiến thức.

Giáo dục trong xã hội đó đào tạo những con người biết sáng tạo ra kiến thức và các giá trị của riêng mình hơn là chỉ thành thạo các thao tác công việc.

Giáo dục 3.0 phục vụ sự phát triển của xã hội sáng tạo, xã hội của các mối quan hệ toàn cầu và được tạo dựng bởi những knowmads- những con người lao động sáng tạo, giàu trí tưởng tượng, có năng lực phát minh, sáng chế, có thể làm việc bất kì đâu, bất kì lúc nào và với bất kì ai.

Toàn cầu hóa và các hợp tác qua các mạng xã hội để sáng tạo tri thức mới ngày càng phổ biến.

Việt Nam cần có chỗ đứng và khẳng định mình trên các diễn đàn tri thức này cũng như đóng góp vào sự phát triển các sáng kiến phát minh của nhân loại.

Sáng tạo đem lại lợi nhuận kinh tế lớn và có ý nghĩa xã hội – nhân văn lớn

Nhiều ý tưởng sáng tạo tạo nên những sản phẩm khoa học có trị giá hàng tỉ đô la như các phát minh về điện, về bóng đèn, máy vi tính, các thiết bị viễn thông, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, robot, các chip điện tử sử dụng trong y học…Những phát minh này không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế mà còn giúp bảo vệ môi trường, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho con người.

Người Việt thông minh và giàu tiềm năng sáng tạo

Học sinh, sinh viên Việt Nam học ở nước ngoài luôn đạt những thành tích tốt, có nhiều giải thưởng và sáng kiến được các nhà khoa học quốc tế đánh giá cao.

Một nghiên cứu gần đây của các giáo sư ở Trường ĐH Bắc Kinh chỉ ra rằng, khi du học, các em có nhiều tự do hơn, được học trong những môi trường học tập tốt hơn, tự chịu trách nhiệm về việc học tập của mình nên học tập có kết quả cao hơn.

4 yếu tố cần để có sáng tạo

Sáng tạo là khả năng của một con người, của một tổ chức đưa ra những ý tưởng mới, tư duy theo cách mới, nhìn thấy vấn đề mới trong các vấn đề cũ.

Sáng tạo là kĩ năng sản sinh ra các ý tưởng hay các thiết kế về sản phẩm mới, chất lượng cao và có giá trị cao.

Sáng tạo bao gồm con người (chủ thể của sự sáng tạo), quá trình (tâm lí và xã hội), môi trường và sản phẩm.

Để sáng tạo, cần có các yếu tố:

Năng lực và phẩm chất cá nhân mỗi người: tính kiên trì, sự ham hiểu biết, óc tò mò, sự lao động cần cù và đam mê, khả năng giải quyết vấn đề, tư duy linh hoạt…

Tiềm năng sáng tạo còn ít được khám phá do những quan niệm cho rằng năng lực sáng tạo là cao siêu hay do tính tự kỉ của con người cho rằng mình không có.

Lí do quan trọng hơn là nền giáo dục còn chưa chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, chương trình dạy dỗ nặng về nhồi nhét tri thức, đồng nhất người học và khá xa lạ với các ý tưởng sáng tạo.

Các quá trình tâm lí – xã hội: Cảm xúc tạo nên những giây phút thăng hoa và khởi nguồn của sáng tạo. Các hoạt động của bộ não ở những người khác nhau thì khác nhau và sự khác nhau của não bộ trái và não bộ phải tạo ra 7 loại hình trí tuệ khác nhau và tạo nên các cách thức sáng tạo khác nhau.

Sản phẩm sáng tạo: các ý tưởng được thực hiện, đi vào cuộc sống.

Môi trường sáng tạo: Một tổ chức, một đất nước sáng tạo là một đất nước có môi trường tự do khuyến khích các ý tưởng mới và cung cấp các điều kiện để biến các ý tưởng thành các sản phẩm mới, các dịch vụ mới phục vụ con người. Đó cũng là lí do vì sao càng ngày càng có nhiều nước chuyển sang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường.

Điều quan trọng nhất: Để sáng tạo, lãnh đạo phải biết lắng nghe

Một đất nước sáng tạo cũng biết cách sự học tập và ứng dụng các ý tưởng sáng tạo từ những người khác, các tổ chức và quốc gia khác.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore khi sang làm việc với Học viện Quản lí giáo dục tháng 7/2007 đã nói rằng Singare các lãnh đạo không phải là các nhà chuyên môn nhưng biết lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và lựa chọn những ý tưởng độc đáo cho phát triển.

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu nói rằng, ông học các kinh nghiệm của các nước khác để giải quyết vấn đề mà Singapore gặp phải dựa vào hoàn cảnh nước mình chứ không phải áp dụng rập khuôn.

Ở nền giáo dục sáng tạo, con người dạy với các phương pháp dựa trên nền tảng của trí tưởng tượng và phát triển các năng lực tưởng tượng.

Albert Einstein đã kết luận: “Suy luận logic dẫn bạn từ A đến B. Sự tưởng tượng dẫn bạn đến khắp mọi nơi”.

Tư duy đa chiều, nhìn nhận sự vật từ những góc cạnh khác nhau là các yếu tố cần thiết của sáng tạo và có nhiều phương pháp để phát triển các năng lực tư duy như vậy, như phương pháp tư duy khác thường, tư duy phân kì, các phương pháp động não…

Nền giáo dục sáng tạo cần có môi trường tự do, các điều kiện khuyến khích phát triển từ lãnh đạo cấp cao.

Nếu thiết kế lại mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức dựa trên các tri thức và phương pháp sáng tạo, nền giáo dục Việt Nam sẽ phát triển được nhiều năng lực sáng tạo đang tiềm ẩn trong con người.

Nguồn: VIETNAMNET

Người lớn đang kéo lùi trẻ con về giá trị cũ

Người lớn phải thay đổi theo trẻ em thì mới có thể “dạy” được chúng. Trong mối quan hệ thầy trò, học sinh chính là động lực bắt người thầy phải thay đổi để có thể hòa hợp được với lớp trẻ mới lên.Thế nhưng các thầy các cô đã quá quen với ngôi cao của mình, sự uy nghi đó ngăn cản thầy cô đối xử bình đẳng với học sinh, họ vừa không muốn thay đổi, vừa không biết cách thay đổi để rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò.

Có một tình thế trớ trêu là trong lớp thì trò không biết nói gì với thầy (thầy độc thoại) còn ra ngoài cuộc sống thì thầy không biết nói gì với trò. Mà lỗi thì hẳn nhiên thuộc về thầy cô, thuộc về người lớn.

+ + + + +

Tốt nghiệp tiến sỹ Vật lý tại Cộng hòa Pháp năm 2007, hiện là giảng viên của Học viện Kỹ thuật quân sự, nghề dạy học đã cho tiến sĩ (TS) Nguyễn Thành Nam cơ hội làm thầy của nhiều đối tượng người học, từ học sinh tiểu học tới sinh viên đại học. Sau tất cả những trải nghiệm đó, anh nhận ra rằng: Người lớn thừa hưởng những giá trị cũ, niềm tin cũ và vì thế, họ kéo lùi trẻ con lại.

Trải qua môi trường giáo dục trong và ngoài nước, lại là thầy của đủ các đối tượng học sinh, anh thấy vai trò người thầy ngày nay có thay đổi gì?

Thực ra, mọi sự thay đổi của người thầy đều bắt đầu từ sự thay đổi của học sinh.

Tôi nhìn thấy vấn đề lớn nhất hiện nay là trò thì thay đổi rất nhanh trong khi thầy chẳng chịu thay đổi gì cả. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì lớp già bị níu giữ bởi các giá trị cũ nên thường bị lạc hậu so với lớp trẻ.

Hãy nhìn vào lớp học trò bây giờ mà xem, ta sẽ thấy họ rất khác với thầy cô của họ. Không chỉ có vậy, lớp trẻ lại đang thay đổi rất nhanh khiến cho khoảng cách giữa thầy và trò mỗi ngày cứ toang hoác mãi ra.

Nói như GS Hồ Ngọc Đại thì “trẻ em là đứa con của thời đại”, tức là trẻ em là tiên tiến nhất, trẻ em luôn đúng.

Người lớn phải thay đổi theo trẻ em thì mới có thể “dạy” được chúng. Trong mối quan hệ thầy trò, học sinh chính là động lực bắt người thầy phải thay đổi để có thể hòa hợp được với lớp trẻ mới lên.

Thế nhưng các thầy các cô đã quá quen với ngôi cao của mình, sự uy nghi đó ngăn cản thầy cô đối xử bình đẳng với học sinh, họ vừa không muốn thay đổi, vừa không biết cách thay đổi để rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò.

Vậy khi đi dạy, anh thấy có khoảng cách như thế nào với lớp trẻ bây giờ?

Có một tình thế trớ trêu là trong lớp thì trò không biết nói gì với thầy (thầy độc thoại) còn ra ngoài cuộc sống thì thầy không biết nói gì với trò. Mà lỗi thì hẳn nhiên thuộc về thầy cô, thuộc về người lớn.

Tôi có thể cảm nhận khá tốt mọi điều nên luôn có ý thức tiếp cận gần với bọn trẻ. Nhưng mà…vẫn xa cách lắm. Nhưng cái xa cách đáng nói nhất của trẻ em Việt Nam bây giờ là có vẻ nó bị người lớn kéo lùi chúng lại quá nhiều so với thế giới.

Những buổi đầu tiên tôi dạy ở ĐH, tôi độc thoại trên bảng và tìm mọi cách để kích hoạt các bạn trẻ lên. Và chúng vẫn không chịu tham gia ý kiến…Với những người thầy cũ cứ lên bảng giảng như thế, và chúng cứ ngồi im, không có khả năng động não, hoàn toàn thụ động.

Trẻ con Việt Nam đang bị phân hóa rất lớn. Phần lớn trẻ ở chỗ tôi dạy từ nông thôn đi ra. Chúng bị kéo lùi lại với người lớn. Trong khi lớp học sinh khác ở thành phố, ở nơi hiện đại chúng vươn ra thế giới mạnh hơn. Lớp trẻ bị kéo dãn về hai phía, chúng xa lạ với nhau. Tôi không hiểu điều này rồi sẽ gây ra vấn đề gì trong xã hội?

Sự thay đổi nhìn thấy rõ ở các trường dân lập ở thành phố. Ở đó, giáo viên chạy hụt hơi theo phụ huynh. Phụ huynh thì chạy hụt hơi theo con cái của họ. Phụ huynh được đặt lên trên nhưng họ chưa đủ năng lực để thực hiện sự tự do của họ.

Phụ huynh yêu cầu nhà trường đủ thứ. Nhưng bi kịch là phụ huynh không hiểu con của họ nốt. Họ cũng là người lớn và họ thừa hưởng những giá trị cũ.

Nhà trường phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Nhưng làm chương trình mới thì quá sức nên họ làm trường đẹp hơn. Nhưng thầy giáo, vẫn là của hệ thống cũ. Họ vừa phải áp một mô hình cũ, vừa phải đáp ứng những yêu cầu mới. Cực kỳ mệt mỏi.

Có chăng, chúng được học thêm một số môn: tiếng Anh, kỹ năng sống. Đây là kiểu thay đổi rất ngẫu hứng, tự phát, được chăng hay chớ. Dạy đến bao giờ cho hết kỹ năng sống vì nó không có một hệ thống nào cả.

Trong cuộc giằng co giữa học trò và người thầy, người thầy hiện nay dạy theo cách cũ, sống trong một xã hội cũ. Ở những trường công lập người thầy vẫn giữ uy thế của mình, học trò phải theo thầy.

Trẻ con, bạn dạy cái gì sẽ được cái đó. Công cuộc giáo dục này gian nan nhất là giáo dục lại người lớn. Vì họ không thừa nhận thì họ không dạy trẻ con như thế. Mà người lớn thì bị níu giữ bởi những giá trị cũ, niềm tin cũ.

Phương pháp của anh sẽ gặp phải những phản ứng khi phụ huynh chưa thay đổi?

Tôi đã từng gặp trường hợp như thế này. Khi tôi nói với một cô giáo: Khi cô cho đứa trẻ nối một phép tính và đáp số, nó có thể dùng bút vẽ, dùng thước để kẻ. Mục đích chính là xem đứa trẻ có xác định đúng phép tính này gắn với kết quả này hay không?

Nhưng khi cô cho em dùng thước điểm cao thì thực tế đã lệch ra khỏi mục tiêu môn học. Hơn nữa, các em đang ở lứa tuổi phải hoàn thiện giác quan, cơ bắp thì em dùng tay nên được khuyến khích vì em luyện được sự khéo léo của đôi tay.

Tôi vừa nói, một phụ huynh đứng lên “phang” ngay: “Cái đó anh lên giáo dục mà ý kiến. Ở đây các thầy cô làm thế là đã quá tuyệt!”

Với khối phụ huynh như thế, tôi cũng chịu chết. Cũng như cha mẹ thương con, thuê dịch vụ tặng quà Nô-en nhưng thực chất, làm như thế là giết chết ông già Nô-en trong tưởng tượng của đứa trẻ.

Với con trai tôi, tôi cho con viết thư cho ông già Nô-en. Con tin là có ông già Nô-en. Con tôi đã viết cả một tập thư để gửi cho ông già Nô-en.

Mục đích của tôi là nuôi dưỡng trí tưởng tượng của con. Hai nữa là để con viết. Nếu yêu cầu trẻ con viết thì rất khó. Nhưng khi con chơi trò đó, con học xong có thể viết cả trang giấy mà không thấy mệt mỏi gì cả. Cách sống và ứng xử với trẻ con, không phải cứ theo tình thương là đúng, mà phải biết.

Nhưng thực sự tôi nghe những điều anh nói chỉ phù hợp với những phụ huynh có tri thức và mong muốn, có ý thức tìm hiểu về việc nuôi dạy trẻ con. Để phổ biến được điều đó trong xã hội, tôi e là rất khó?

Mình phải nói điều ấy ra. Họ sẽ lắng nghe và sẽ có những người họ có văn hóa hơn, họ sẽ hiểu và áp dụng. Ngay cả chuyện đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ nói cho phụ huynh hiểu mọi điều. Việc của tôi chỉ là bật một cái công tắc có tên là “trẻ con khác quá”. Nếu mình không biết thì mình không dạy được nó đâu. Khi công tắc đó bật lên thì họ sẽ tự tìm hiểu mọi chuyện.

Chẳng hạn, khi bạn lên google, phần hình ảnh, gõ bất kỳ từ khóa nào cũng có hình sex trong đó. Tức là con em sinh ra đã tiếp xúc với sex. Chúng ta có thể kiểm soát hoàn toàn việc vào mạng của con không? Vậy nên phải chấp nhận thực tế và thay đổi để hướng dẫn con.

Cảm ơn TS Nguyễn Thành Nam!
Nguyễn Hường (thực hiện)
Nguồn : VVN

Thưa thầy

Tôi luôn gọi người dậy tôi là thầy, nhưng tôi rất sợ những ai gọi tôi là thầy, bởi vì như vậy là người ta trao cho tôi một trách nhiệm. Tôi luôn luôn xem làm thầy là một việc rất nghiêm trang, rất cao quý và nặng nề trách nhiệm. Ai lặng lẽ quan sát tôi, lặng lẽ học tôi mà không gọi tôi là thầy là tôi thích nhất, vì họ không khoác cho tôi gánh nặng trách nhiệm tinh thần về cái mà họ quan sát được ở tôi…

Trong ký ức của ông Tổng Giám đốc Nguyễn Trần Bạt, chỉ có những thầy cô giáo gợi cho ông những “sự cao thượng, sự cao quý đẹp đẽ của họ, đấy là tấm gương gợi cho tôi về đức hạnh về trí tuệ, và sự chân thật”. Nhưng trong đời mình, ông “rất sợ người khác gọi là thầy” vì ông “luôn luôn xem thầy là một cái gì đó rất nghiêm trang, rất cao quý và nặng nề trách nhiệm”.

“Né” các thầy cô, nhưng không bao giờ cãi lại

Tôi có một lịch sử học vấn khá phức tạp. Như nhiều thanh niên khác, tôi đi qua tất cả các cấp của giáo dục phổ thông một cách bình thường, nhưng phải đi qua giáo dục đại học bằng nhiều hình thức, cả giáo dục chính thống, cả giáo dục chuyên tu và tại chức. Vì thế, tôi có rất nhiều ấn tượng về những người thầy. Từ khi còn bé cho đến khi tốt nghiệp phổ thông, tôi luôn luôn là một học sinh cá biệt, nghịch ngợm, táo tợn, nhưng không phải là đứa trẻ hư. Theo các tiêu chuẩn thông thường của một nhà trường thì tôi là một học sinh cá biệt. Càng cá biệt bao nhiêu, sự va chạm với thầy càng dữ dội bấy nhiêu. Và vì thế, tôi rất nhớ các nguồn của kiến thức, của sự thức tỉnh và của các ấn tượng của tôi về nhà trường.

Tôi nhớ hồi học lớp 1, lớp 2, có một cô giáo tên là Ngọc, bây giờ nếu còn sống bà cũng phải 80-90 tuổi rồi. Bà dạy chúng tôi vẽ. Một hôm bà mang một quả đu đủ đến để làm mẫu. Khi học vẽ thì người ta phải dùng bút chì để đo vẽ kích thước vật mẫu. Các bạn khác đo, còn tôi thì ngắm rồi lao cây bút chì như một mũi tên vào quả đu đủ. Hồi học cấp I, tôi có một thầy giáo rất nổi tiếng ở trường tên là Bái, ông là người nghiêm khắc vô cùng. Mỗi buổi sáng đến lớp chúng tôi phải nộp cho ông một cái thước kẻ. Ông luôn dùng cái thước kẻ chúng tôi đưa cho ông để đánh vào tay chúng tôi nếu chúng tôi nghịch ngợm. Và tôi là người bị đánh nhiều nhất trong lớp của ông. Với các thầy cô, tôi không những kính trọng mà còn yêu quý. Nếu tôi không tìm được sự yêu quý, có lẽ tôi không xây dựng được quan hệ đối với mọi người. Cho nên, tôi vừa kính trọng, vừa yêu quý các thầy, cô của tôi. Tôi chưa bao giờ cãi các thầy cô của tôi. Trốn thì có, tránh cũng có. Vì nghịch quá cho nên trông thấy các thầy, cô thì tôi “né”, nhưng cãi thì không.

Có rất nhiều người trong số các thầy, cô của tôi đã mất rồi. Nhưng phải nói rằng ấn tượng chung nhất để lại cho tôi từ các thầy, cô giáo từ thời phổ thông là thế hệ của họ đẹp đẽ, cao quý và tài hoa lắm. Đấy là cái giai đoạn mà các thầy, các cô của tôi dạy tôi làm người, và vì là học sinh cá biệt nên mật độ các mối quan hệ dạy làm người đối với tôi càng lớn. Theo quan niệm của các thầy, các cô, các học sinh cá biệt cần phải được rèn luyện để có phong cách, tư cách chuẩn mực theo quan niệm của hệ thống giáo dục ở thế hệ của tôi. Và có lẽ đấy là thời điểm mà các thầy cô gợi cho tôi rất nhiều điều sau này khi trưởng thành tôi đã sử dụng và khai thác một cách thành công trong phạm vi của tôi.

“Em xin phép thầy về cưới vợ”

Tôi học đại học muộn hơn những người cùng tuổi khoảng 4 năm, bởi vì tôi đi bộ đội. Phải nói rằng, quân đội cũng là một nhà trường, đấy là một giai đoạn giáo dục nhân cách rất quan trọng. Tôi nhớ mãi vào lúc tôi mới ở tuổi 17, 18, khi tôi còn là lính, có một người làm chính trị viên trong đại đội của tôi một hôm gọi tôi ra bảo: “Bạt, nói gì mà nói lắm thế”. Từ đó tôi mới sực tỉnh ra rằng nói lắm là một thói xấu.

Những khi máy bay địch bay đến bắn phá, rất nhiều chỉ huy của tôi nói với tôi rằng: “Thật ra, nhân cách cơ bản của con người thể hiện trong đời sống là lòng dũng cảm, sao trông thấy máy bay bắn mà mặt cậu lại tái nhợt đi thế“. Sau đó tôi cũng không tái mặt như thế nữa, có lẽ do kinh nghiệm, có lẽ do thức tỉnh từ sự nhắc nhở như vậy về nhân cách và lòng dũng cảm. Sau này, khi làm nhiều việc khác, tôi hiểu rằng lòng dũng cảm quan trọng lắm. Cho nên, giai đoạn ở bộ đội cũng là giai đoạn tôi đi học, học lòng dũng cảm của con người trước các sự khủng hoảng của đời sống, trước các nguy khốn của đời sống.

Tôi là một người sống tự lập, rất ít khi tôi kêu cứu ai, kể cả bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi không có nhiều may mắn lắm trong việc trợ giúp tôi khi tôi kêu cứu. Tôi phải tự lập từ nhỏ, vì thế cho nên tôi không kêu cứu, nhưng tôi biết sử dụng những sự trợ giúp hồn nhiên, vô tư của các thầy đối với mình. Tôi xin kể một ví dụ. Tôi cưới vợ vào những năm người Mỹ đánh bom ở Hà Nội. Trường của tôi lúc đó sơ tán ở trên Phúc Yên, Hương Canh, tôi nói với thầy giáo của tôi, một người khá nổi tiếng trong nghề, là giáo sư Lê Văn Thưởng rằng: “Em xin phép thầy về Hà Nội để cưới vợ”.

Lúc bấy giờ Bộ Đại học có chủ trương sinh viên buộc phải sơ tán triệt để ra khỏi Hà Nội, thế mà tôi lại xin về Hà Nội để cưới vợ. Ông bảo tôi thế này: “Tớ không thể cho phép cậu về nhà cưới vợ được, nhưng tớ sẽ không cấm cậu về nhà lấy vợ“. Lúc đấy tôi chừng 25, 26 tuổi, câu ấy với tôi khó hiểu lắm. Sau này tôi học được sự khôn ngoan ấy, tức là ông rất thông cảm với tôi chuyện cưới vợ, vì cưới vợ làm sao hoãn lại được. Nhưng ông không thể vi phạm kỷ luật của Bộ Đại học để cho một sinh viên về Hà Nội cưới vợ, vậy thì tôi phải tự động về, nếu có gì xảy ra thì tôi ráng phải chịu. Nhưng thầy dặn tôi “Phải hết sức cẩn thận cậu ạ“.

Thầy trò chúng tôi là những người dày dạn trong chiến tranh, chúng tôi đi đảm bảo giao thông, chúng tôi không sợ chết, vì đạn bom ở chỗ các công trình ấy còn nhiều hơn ở Hà Nội. Ông và tôi, cả hai thầy trò đều hiểu hết: có về cũng không chết được. Ông yên tâm về việc tôi không chết được và ông để yên cho tôi về, nhưng ông không thể vi phạm luật của Bộ để cho phép tôi về. Sau này tôi ứng dụng kinh nghiệm ấy của ông cho rất nhiều việc. Tất cả sự khôn ngoan của những người thầy như vậy đi cùng với tôi trong tất cả các thành công của tôi. Đấy là sự trợ giúp quan trọng nhất và phổ biến nhất mà thầy có thể cung cấp cho trò.

“Thưa thầy”, chứ không phải là “thưa Bộ trưởng”

Giai đoạn đại học là giai đoạn dễ nhớ nhất, bởi vì lúc ấy, ý thức của tôi đã phát triển tương đối đầy đủ để có thể có những ghi nhận có nội dung về quá trình giáo dục của mình. Hiện giờ, các giáo sư dạy đại học của tôi hầu hết vẫn còn sống. Tôi học khoa Cầu đường của trường Đại học Xây dựng, chủ nhiệm khoa của tôi là giáo sư Đặng Hữu, đã có thời kỳ làm thủ trưởng của tôi với tư cách là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Tôi vẫn giữ quan hệ với giáo sư từ khi ông còn hàn vi, khi ba thế hệ trong gia đình ông còn ở trong một căn hộ khoảng hơn 20m2, chứ không phải sau này khi ông làm Bộ trưởng.

Trong những thầy giáo của tôi còn có giáo sư Đỗ Quốc Sam, sau này cũng có thời gian làm thủ trưởng của tôi với tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước. Tôi rất nhớ sự nho nhã của ông, sự khôn ngoan của ông khi ứng xử trong những tình huống khó, vừa với tư cách thủ trưởng, vừa với tư cách là cựu thầy giáo của tôi. Tôi giữ quan hệ với nhiều thầy giáo lắm. Tôi vẫn giữ quan hệ với giáo sư Lê Văn Thưởng từ khi tôi học ông năm 1967 cho đến bây giờ. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm ông, không phải chỉ như một người thầy mà còn như một đồng nghiệp thân tình. Giáo sư Lê Văn Thưởng cũng ở trong căn buồng không đến 20m2. Sống trong điều kiện chật hẹp một cách khủng khiếp như vậy mà họ vẫn bám lấy khoa học.

Lúc bấy giờ giáo sư Đặng Hữu và giáo sư Lê Văn Thưởng không hề nghĩ rằng mình sẽ làm Bộ trưởng, sẽ làm Vụ trưởng hay được phong giáo sư. Vào những thời điểm ấy họ không có khái niệm về sự ưu đãi khi trở thành Bộ trưởng và họ không nghĩ là họ làm Bộ trưởng. Vậy cái gì làm cho họ trở thành Bộ trưởng? Cái gì làm cho họ gắn bó với khoa học? Có lẽ là tình yêu đối với khoa học của họ. Họ đã đi qua tất cả những giai đoạn hàn vi của con người, nếu không đủ nghị lực và phẩm hạnh thì họ không thể có tương lai, có sự nghiệp như vậy. Tôi quý trọng những người như vậy là vì tôi biết trên con đường đi đến thành công, họ phải đi qua những gì. Tất cả những quan sát ấy luôn luôn là nhiên liệu để tôi đốt cháy toàn bộ cảm hứng của tôi và tâm hồn tôi trong những lúc tôi cảm thấy khó khăn.

Bây giờ tôi không có những khó khăn cụ thể như 20-30 năm trước nữa, nhưng với tư cách là một nhà khoa học, một nhà nghiên cứu, tôi luôn luôn có những khó khăn khi vượt qua giới hạn của nhận thức. Những khó khăn đó nói ra không phải ai cũng hiểu, nhưng với tư cách là người nhận thức chuyên nghiệp thì chúng ta luôn phải vượt qua hàng ngày. Chúng ta thưởng thức những lẽ phải của Socrate, của Plato, của Kant… nhưng chúng ta phải biết rằng để có được những lẽ phải ấy, họ phải trèo núi hàng ngày, hàng giờ trong đời sống tinh thần. Đấy chính là lao động, là công lao, là cống hiến của họ đối với việc cung cấp các lẽ phải hàng ngày cho con người.

Tôi hết sức tự hào về các thầy của tôi, cả những thầy trở thành Bộ trưởng, cả những thầy không trở thành Bộ trưởng, những giáo sư như giáo sư Dương Ngọc Hải xắn quần đi đảm bảo giao thông, giáo sư Nguyễn Trâm ăn cơm cháy với công nhân cầu đường… Tôi chỉ có những thầy giáo gợi cho tôi những sự cao thượng, sự đẹp đẽ của họ, đấy là những tấm gương gợi cho tôi về đức hạnh, về trí tuệ và sự chân thật. Đến bây giờ tôi vẫn giữ được quan hệ rất chân thật với các thầy của tôi, dù họ thành đạt đến đâu thì tôi vẫn xem họ là thầy. Tôi chưa bao giờ gọi những người đã dạy tôi, những người như giáo sư Đỗ Quốc Sam, giáo sư Đặng Hữu và nhiều giáo sư khác là “Thưa Bộ trưởng”, mà tôi nói “Thưa thầy”. Tôi vẫn giữ được sự “Thưa thầy” mặc dù từ khi tôi ra trường đến giờ đã hơn 30 năm.

Đạo lý thầy trò và “nguyên lý bình thông nhau”

Tôi nghĩ rằng, nếu một người không kính trọng những người thầy của mình thì những người xem anh ta là thầy sẽ không kính trọng anh ta và anh ta sẽ không thể hiểu được qui luật của quan hệ giữa những người có kiến thức, có kinh nghiệm với những người ít kiến thức, ít kinh nghiệm hơn. Qui luật của truyền bá là qui luật hoàn toàn tự nhiên, nó tuân theo nguyên lý bình thông nhau, trí tuệ ở chỗ có thế năng lớn sẽ chảy xuống chỗ có thế năng thấp hơn, không có trường hợp nào trí tuệ chảy ngược lên cả, và ở chỗ nào người ta thấy trí tuệ chảy ngược lên thì ở đấy có khủng hoảng. Chúng ta phải luôn biết quan sát để tìm ra cái thời điểm khủng hoảng của đời sống xã hội khi thấy trí tuệ ở chỗ thấp có thế năng lớn hơn trí tuệ ở trên cao.

Một người thầy cũng như một người lãnh đạo cần phải xây dựng cho mình một thế năng, tức là một mức trí tuệ đủ để tạo ra dòng chảy của kiến thức và kinh nghiệm từ mình đến những người dưới quyền mình. Đấy là qui luật của sự phát triển. Nếu không có phẩm hạnh cao hơn, nếu không có trí tuệ cao hơn, không có tình yêu cao hơn thì anh không thể tạo ra dòng chảy từ mình đến những chỗ thấp hơn, không có cái gì để chảy đi và cũng không có cái gì chảy đến cả. Đấy là một thông điệp mà tôi muốn nói với thế hệ trẻ. Chúng ta buộc phải học, chúng ta phải đi tìm cái để học và đi tìm người để học. Chúng ta không may có một chỗ học mà không có quan hệ theo định luật bình thông nhau thì chúng ta buộc phải bù bằng cách đi tìm ở những chỗ mà qui luật ấy tồn tại. Nếu chúng ta không biết tự đi tìm để bù đắp sự thiếu hụt như vậy thì chúng ta sẽ trở thành một người ngu dốt khi trưởng thành. Chúng ta phải chủ động bổ sung sự thiếu hụt trong quan hệ đào tạo nếu chúng ta không may buộc phải học ở chỗ mà qui luật ấy không được thoả mãn.



Thế hệ các thầy giáo của tôi là thế hệ phi kinh doanh. Trong các giáo sư dạy tôi không có giáo sư nào có kinh nghiệm kinh doanh cả. Đấy là một sự thiếu hụt của các thầy của tôi, cho nên, tôi phải đi học kinh doanh ở chỗ khác và tự học là chính. Tuy nhiên, kinh doanh không phải là tất cả các hoạt động của con người hay kiến thức kinh doanh không phải là tất cả sự thành đạt của một nhà kinh doanh. Cái mà tôi học được ở các thầy giáo của tôi sự trung thực khoa học, đấy là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để tạo ra một nhà kinh doanh đứng đắn và thành công. Bởi vì, nếu không tư duy một cách trung thực và có chất lượng khoa học thì không thể kinh doanh được. Kinh doanh không phải là lừa đảo, không phải là dối trá. Kinh doanh là một khoa học. Là một người buôn bán chụp giật thì cần sự khôn ngoan, láu cá, nhưng là một nhà kinh doanh thực sự thì vô cùng cần sự trung thực khoa học. Các thầy giáo của tôi tạo cho tôi một sự trung thực khoa học. Đấy là trí tuệ quan trọng mà các thầy truyền cho tôi, mặc dù kiến thức của họ không liên quan trực tiếp đến kinh doanh.

Tôi luôn gọi người dậy tôi là thầy, nhưng tôi rất sợ những ai gọi tôi là thầy, bởi vì như vậy là người ta trao cho tôi một trách nhiệm. Tôi luôn luôn xem làm thầy là một việc rất nghiêm trang, rất cao quý và nặng nề trách nhiệm. Ai lặng lẽ quan sát tôi, lặng lẽ học tôi mà không gọi tôi là thầy là tôi thích nhất, vì họ không khoác cho tôi gánh nặng trách nhiệm tinh thần về cái mà họ quan sát được ở tôi…



Nguyễn Trần Bạt.
Nguồn: sưu tầm.