Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Hội nhập và tăng trưởng


Lê Hồng Nhật – Trần Thiện Trúc Phượng
Khoa Kinh tế, Đại Học Quốc Gia
TP Hồ Chí Minh
Năm 2006 đánh dấu việc Việt Nam đã đi được một quãng đường đáng kể trong việc mở cửa cho dòng vốn và công nghệ nước ngoài chảy vào nhằm thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng.  Bài viết này không có tham vọng đưa ra một đánh giá toàn diện; mà chỉ giới hạn ở việc tổng quan và phân tích bối cảnh khu vực tác động tới hội nhập và tăng trưởng của Việt Nam trong những năm sắp tới. Cụ thể là sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Bài viết cũng chỉ ra đòi hỏi về yếu tố con người cho sự tăng trưởng lâu bền. Rõ ràng, nhân tố này tác động tới khả năng thu hút vốn đầu tư, nhịp độ chuyển giao công nghệ và phát triển. Giáo dục là một điểm chủ chốt. Vì vậy, những vấn đề đặt ra cho chất lượng giáo dục đại học hiện nay sẽ được đề cập tới.
Triển vọng cho sự hội nhập và tăng trưởng
Tạp chí The Economist, số ra ngày 13/1/07, có đăng bài nói lên tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc đang mở ra triển vọng phát triển cho các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Bài báo mở đầu bằng việc điểm lại tin Intel đã quyết định đầu tư 350 triệu USD vào Việt Nam để xây dựng nhà máy mới. Và chỉ sau đó 8 tháng, trước khi năm 2006 kết thúc, nhà sản xuất chip khổng lồ này đã quyết định nâng con số đó lên tới 1 tỷ - một sự cam kết giống như Intel đã làm 10 năm trước tại Trung Quốc. Intel không phải là một ví dụ đơn lẻ. Ngày càng có nhiều công ty trong những ngành sử dụng nhiều lao động như lắp ráp điện tử, may mặc, giày da, vân vân, đã quyết định lắp đặt những dây chuyền sản xuất mới của họ tại Đông nam Á thay vì chỉ dừng lại ở Trung Quốc, nơi mà nền kinh tế đang tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt, như không gì có thể kìm hãm nổi. Dĩ nhiên, mỗi công ty này có những lý do riêng để làm một quyết định “Nam tiến” như vậy. Nhưng họ có chung hai lý do cơ bản. Đó là sự gia tăng nhanh về chi phí sản xuất, đặc biệt là tiền lương, ở Trung Quốc; và nhu cầu muốn đa dạng hóa rủi ro. Trung Quốc không nhất thiết còn là nơi tốt nhất để làm ra hàng hóa nữa.    
Để hiểu rõ hơn về xu thế này, và quan trọng hơn, về những cơ hội đang mở ra cho Việt Nam, chúng ta hãy nhìn nhận lại các vấn đề trên theo lý luận về toàn cầu hóa của Paul Krugman [1994a, 1994b], cha đẻ của học thuyết ngoại thương hiện đại.[1]
Theo Paul Krugman, khi các công ty đa quốc gia tiến hành xây dựng hệ thống sản xuất – tiêu thụ toàn cầu, họ phải tính đến hai loại chi phí cơ bản. Thứ nhất là phí tổn sinh ra do sự tăng khoảng cách từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ. Bao gồm chi phí vận chuyển, phí tổn gây ra do sự chậm trễ về thời gian giao hàng, hoặc do nơi sản xuất không kịp đáp ứng với những biến động trên thị trường tiêu thụ, vân vân. Dĩ nhiên, nơi sản xuất đặt càng gần với nơi tiêu thụ  thì dạng chi phí này càng giảm. Loại phí tổn thứ hai là tiền lương. Với cùng một khả năng đáp ứng về chất lượng hàng và thời hạn giao nộp, nơi nào có tiền lương lao động thấp hơn, thì càng hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Chính đòi hỏi về việc giảm hai loại chi phí này tạo nên động thái của các dòng vốn đầu tư trực tiếp. Chúng có tác động tới phân phối thu nhập giữa các quốc gia trao đổi thương mại với nhau; và thậm chí, giữa các khu vực phát triển khác nhau trong cùng một quốc gia.   
Để hình dung rõ hơn, hãy nhìn lại sự phát triển của Trung Quốc. Cho đến nay, khu vực phát triển công nghiệp mạnh nhất của Trung Quốc là các vùng duyên hải phía đông; nhất là khu vực xung quanh Thượng Hải, Thẩm Quyến và châu thổ sông Pearl, gần Hồng Kông. Khởi đầu cho sự phát triển đó là vào cuối thập kỷ 1970, khi các đặc khu kinh tế được thành lập. Từ Hồng Kông, Đài Loan và nhiều nơi khác, các dòng vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu đổ vào nội địa; tạo nên các khu công nghiệp lắp ráp và sản xuất hàng hóa hàng loạt (mass production) đầu tiên ở Trung Quốc. Nhờ đó, một thị trường lớn nhu cầu về các vật tư – thiết bị cho lắp ráp hàng tiêu dùng và các dịch vụ trung gian, như tài chính, kế toán, bảo hiểm, vân vân, được mở ra. Và vì vậy, các đặc khu kinh tế này cũng trở thành một nơi hết sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài đặt các trung tâm cung ứng các sản phẩm và dịch vụ trung gian đó. [Trong kinh tế học, quá trình phát triển như vậy được gọi là “liên kết về phía các đầu vào” (backward linkages)].
Nhưng khi càng xuất hiện nhiều những trung tâm tài chính, bảo hiểm, các cơ sở cung ứng thiết bị, vật tư trung gian tại đặc khu kinh tế như Thượng Hải, thì các nhà sản xuất hàng hóa tại đó càng có nhiều khả năng tiếp cận tới các nguồn vật tư, dịch vụ; do vậy, chi phí trung bình cho việc sản xuất, lắp ráp hàng hóa càng giảm đi. Chính vì vậy, những đặc khu này thu hút nhiều hơn các công ty đa quốc gia đến thiết lập các nhà máy lắp ráp mới tại đó. Chẳng hạn như Microsoft, IBM, Sony, hay Hewlett-Packard trong công nghiệp điện tử và tin học; hay Nike, Adidas trong công nghiệp sản xuất quần áo và giầy thể thao, vân vân. [Trong kinh tế học, điều này tương ứng với khái niệm “liên kết về phía các đầu ra” (forward linkages)].
Khi mà các khu vực công nghiệp nằm dọc duyên hải phía đông này của Trung Quốc càng phát triển mạnh lên dưới tác động đồng thời của backward – forward linkages, nhu cầu về lao động tại các đặc khu này ngày càng tăng. Trong khi đó, nhu cầu lao động cho sản xuất công nghiệp tại vùng nội địa phía tây Trung Quốc lại bị tương đối giảm đi, do công nghiệp ở đó manh mún, nhỏ về quy mô, cao về giá thành; sản phẩm không có sức cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, tiền lương thực tế có xu hướng tăng nhanh tại các vùng công nghiệp duyên hải; và giảm tương đối tại các khu vực nông nghiệp còn lại trong nội địa.
Dĩ nhiên, sự khác biệt tiền lương giữa hai vùng tạo nên dòng lao động khổng lồ từ các vùng nội địa phía Tây đổ về khu vực duyên hải, nhất là tại các trung tâm tài chính – công nghiệp, như Thượng Hải, Thẩm Quyến. Giới hạn đáng kể nhất cho dòng dịch chuyển lao động này là yêu cầu về kỹ năng, trình độ văn hóa của nguồn cung lao động mới. Vì vậy, số lượng lao động rẻ gần như vô hạn này vẫn thực sự là có giới hạ, tùy thuộc vào khả năng mở rộng các cơ hội học tập, nâng cao nghiệp vụ cho những người sắp tham gia vào thị trường lao động. Do đó, dù có đông đảo công nhân đến từ vùng nội địa rộng lớn, nhu cầu về lao động tại các khu công nghiệp vẫn không được thỏa mãn. Tại Thượng Hải, Thẩm Quyến, tiền trả cho công nhân tăng lên với mức hai con số liên tiếp trong nhiều năm. Đối với cán bộ quản lý, tình hình còn tồi tệ hơn do các công ty cạnh tranh nhau thu hút lao động có chuyên môn cao. Thêm vào đó, đất công nghiệp ngày càng hạn chế, khiến cho giá thuê công sở tăng vọt. Một giải pháp rõ ràng cho các công ty đa quốc gia là chuyển dần vào vùng nội địa rộng lớn; hoặc đi xuống phía Nam, sang Việt Nam, Indonesia, nơi chi phí tiền lương cũng đang tăng lên, nhưng chỉ bằng 35% của vùng duyên hải Trung Quốc [theo The Economist, 13/1/07].
Thực ra, quá trình dịch chuyển về phía tây nội địa Trung Quốc, hay xuống phía nam, tới các quốc gia khác tại Đông nam Á để tìm nguồn lao động rẻ đã diễn ra từ nhiều năm nay. Quá trình đó làm dấy lên từng đợt sóng FDI tới các khu vực này. Chính phủ Trung Quốc, trước đòi hỏi phải tạo cơ hội phát triển đồng đều giữa các vùng, đã khuyến khích mạnh mẽ các công ty trong nước và nước ngoài tiến vào nội địa. Có điều, nhiều công ty nước ngoài thấy chi phí do sự tăng khoảng cách từ nơi cung ứng, nằm sâu trong nội địa, tới các thị trường tiêu thụ ở châu Âu và Mỹ là quá cao. Trong khi ở các quốc gia bờ biển phía nam như Việt Nam, chi phí như vậy là tương đối thấp hơn. Thêm vào đó là những cân nhắc về rủi ro. Bạo động của nông dân tại các vùng còn nghèo khổ ở phía tây Trung Quốc, hay thậm chí, rủi ro ngoại thương sinh ra do việc đồng Nhân dân tệ đang có xu hướng tiếp tục lên giá cũng làm sự lựa chọn nam tiến có phần hấp dẫn. Do vậy, nhiều công ty, nhất là của Nhật Bản, đã lựa chọn chính sách Trung Quốc cộng một [quốc gia khác để đầu tư]. Và Việt Nam trở thành  một sự lựa chọn hợp lý. Việc Việt Nam tiến hành cải cách sâu rộng thể chế kinh tế, như việc cho ra luật đầu tư chung, cũng như việc trở thành thành viên của WTO, đã thúc đẩy hơn nữa ý nguyện đa dạng hóa rủi ro của các công ty đa quốc gia. Hệ quả là số lượng vốn FDI vào Việt Nam trong năm qua tăng vọt. Và sự kết thúc năm 2006 có thể được xem là một cột mốc ngoạn mục trên con đường hội nhập của Việt Nam; trong khung cảnh một châu Á đang sôi động lên với sự phát triển của Trung Quốc, và của cả Ấn Độ.
Yếu tố con người cho hội nhập và phát triển
Việc tìm nguồn lao động rẻ là động cơ chính thúc đẩy các dòng vốn FDI chảy vào Trung Quốc trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đối với nhiều nhà quan sát, điều đó không còn đúng nữa. Các yếu tố chính trong phương trình lựa chọn quyết định đầu tư vào Trung Quốc bây giờ là quy mô của thị trường đầy tiềm năng, với 1,3 tỷ người, đang giàu lên với nhịp độ 10% năm. Một hệ thống giao thông và các hạ tầng khác, như viễn thông, tài chính, bảo hiểm, đang ngày một hoàn thiện nhanh chóng. Và quan trọng hơn hết, đó là khả năng tiếp thu công nghệ mới của lực lượng lao động, kéo theo mức tăng năng suất vượt nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương. Những yếu tố đó khiến Trung Quốc đang trở thành một nơi đầu tư hấp dẫn nhất cho các công ty công nghệ cao đi tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm có hàm lượng chất xám cao; cho dù các công ty thuộc những ngành sử dụng nhiều lao động buộc phải rời đến Việt Nam, Indonesia để tìm nhân công rẻ. Trung Quốc hiện đang chuyển dần sang nền kinh tế dựa trên sự phát triển vốn người, hay tri thức. Ta hãy xét kỹ hơn vấn đề này.
Như đã nêu, các khu công nghiệp Trung Quốc phát triển lên dưới tác động đồng thời của việc các nhà cung ứng vật tư và dịch vụ trung gian tìm đến các nhà sản xuất – lắp ráp; và ngược lại, các nhà công nghệ mới chuyển dịch tới các khu vực đó để tiếp cận gần hơn tới các nguồn cung ứng vật tư, lao động rẻ, có kỹ năng, và dịch vụ tài chính – bảo hiểm dồi dào. Những đợt sóng đầu tư đó mang theo hàm lượng công nghệ mới, tăng lên theo kỳ vọng của các nhà đầu tư về suất sinh lợi từ việc chuyển giao công nghệ. Kỳ vọng lợi nhuận này phụ thuộc trực tiếp vào lực lượng kỹ sư tại chỗ, có khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới vào việc đáp ứng nhu cầu đang tăng lên ở thị trường sở tại.
Ví dụ như trong công nghiệp chế tạo xe hơi, cả hai hãng Toyota và Hyundai vừa tung một khoản đầu tư lớn để tận dụng lợi thế có được từ khoảng 700.000 kỹ sư và nhà khoa học ra trường mỗi năm tại Ấn Độ. Những kỹ sư người Ấn này có khả năng thiết kế lại một số dây chuyền sản xuất xe hơi tự động hóa cao nhất của Tây phương nhằm sử dụng hàm lượng lao động cao hơn, do đó, giá thành thấp hơn cho phù hợp với sức mua đang dâng lên ở thị trường nội tại. Các ngành công nghiệp hóa học cũng bị hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa kỹ nghệ mới, chi phí thấp, và thị trường tiêu thụ đang dâng lên này để tạo lợi nhuận [The Economist, 13/1/07].
Cần phải nói rằng, trong quá khứ, chính Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đi theo con đường tương tự. Họ đã đầu tư rất lớn vào các trường đại học để hiện đại hóa nền kinh tế. Và giờ đây, Trung Quốc cũng theo đuổi chiến lược phát triển đó. Số lượng sinh viên theo học đại học tăng lên gấp 4 lần kể từ năm 1998 tới 16 triệu. Và số lượng kỹ sư ra trường mỗi năm là vào khoảng 352.000 người.
Tuy nhiên, con đường ấy không phải là hoàn toàn suôn sẻ. Tại các trường đại học, giảng viên vẫn dựa quá nhiều vào lý thuyết sách vở, lắm khi đã quá lạc hậu, ít có khả năng kết nối lý thuyết với thực tiễn. Lớp học thường quá đông, tới mức giảng viên khó lòng rèn luyện sinh viên qua bài tập. Một số giảng viên hướng dẫn tới 50 luận án tiến sĩ. [Trong khi ở Mỹ, trung bình là khoảng 3 tới 5 sinh viên cao học trên một giáo sư hướng dẫn]. Chất lượng đào tạo, vì vậy, trở thành vấn đề đáng lo ngại.[2]  Theo một báo cáo của McKinsey, chỉ có 10% kỹ sư tốt nghiệp tại Trung Quốc là có đủ kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn và ngoại ngữ để vào làm cho các công ty đa quốc gia [Financial Times, 4/1/07]. Chính phủ Trung Quốc cũng đã nhận thức được điều này. Họ đã tiến hành thay đổi chương trình giảng dạy; nhấn mạnh tới kỹ năng giải quyết tình huống, làm việc theo nhóm; và thiết lập khối các trường đại học chất lượng cao để đẩy nhanh sự hội nhập với giáo dục quốc tế.
Một ví dụ là trường quản trị kinh doanh Guanghua của Đại học Bắc Kinh. Với mục đích trở thành nơi hội nhập về học thuật, cơ cấu tổ chức và nội dung giảng dạy của trường được thiết lập theo hướng dần dần thu ngắn chênh lệch với chuẩn mực quốc tế. Điều đó đòi hỏi sự phát triển về vốn con người. Từ giữa thập kỷ 1990, Guanghua đã lập ra chính sách thu hút các tiến sĩ người Trung Quốc, mới tốt nghiệp tại các trường đại học hàng đầu ở Mỹ như Harvard, Yale, và Stanford, trở về giảng dạy tại trường. Bước đầu tiên trong chính sách đó là mở rộng giao lưu học thuật với các tổ chức và giáo sư đại học của Mỹ và thế giới. Mục tiêu là biến Guanghua thành một bộ phận gắn liền với mạng lưới tri thức toàn cầu.
Trong sự liên kết đó, nhiều tiến sĩ trẻ mới ra trường từ các đại học danh tiếng trên thế giới đã trở về. Sự lựa chọn đó được thúc đẩy bởi chính các tổ chức tài trợ và giáo sư hướng dẫn của họ, bởi ý nguyện muốn đóng góp cho đất nước, và bởi cả mức lương kích thích, xấp xỉ về giá trị thực so với tiền trả tại các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Những sinh viên này mang theo họ tri thức hiện đại, cách tổ chức và vận hành hệ thống giảng dạy phức hợp, gắn rất chặt lý thuyết với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn. Và vì hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của họ nằm trong một mạng lưới thống nhất, liên kết chặt chẽ với nơi họ được đào tạo và các tổ chức học thuật thế giới; sự cống hiến, phát triển nghề nghiệp của họ cũng được đo lường bởi chính các chuẩn mực chung của mạng lưới tri thức toàn cầu này. Cụ thể là sự thăng tiến nghề nghiệp, bậc lương, và tiền tài trợ cho nghiên cứu của mỗi giảng viên được xác định, tùy thuộc vào số lượng bài đăng trên các tạp chí có uy tín; vào trình độ giải quyết các vấn đề thực tiễn, được đánh giá bởi doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn quốc tế; và vào khả năng truyền đạt, được đánh giá bởi những sinh viên đầy lòng khao khát được học hỏi tri thức mới.
Ngày nay, số lượng học sinh tốt nghiệp ở nước ngoài trở về Trung Quốc ngày càng đông. Năm 2005 là 30 nghìn người; và năm 2006 là khoảng 170 nghìn người. Họ không chỉ đến tìm việc ở các trường đại học hàng đầu Trung Quốc như Guanghua, nơi mà tiêu chuẩn tuyển chọn ngày càng trở nên khắt khe hơn. Một số khá lớn các học sinh mới ra trường đi theo con đường khác, thông qua chi nhánh của các công ty đa quốc gia đặt tại Trung Quốc. Lớp các nhà quản lý, kỹ sư và khoa học trẻ này, được rèn luyện tại Microsoft, Intel và nhiều công ty hàng đầu khác về kỹ năng quản lý các dự án phức hợp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, về việc thiết lập các mối liên hệ nghiên cứu với các trường đại học; và khả năng phối hợp  với các công ty khác trong cùng một lĩnh vực chuyên môn sâu [theo Financial Times, 4/1/07].
Sự hợp tác, trao đổi như vậy đã làm thị trường chất xám tại Trung Quốc có những nét tương đồng với Sillicon Valley, trung tâm công nghệ tin học năng động nhất thế giới. Đó là quan hệ mở giữa nhân viên làm việc cho các công ty khác nhau, cạnh tranh trên thị trường sản phẩm. Tốt nghiệp ra ở cùng một trường, hoặc được đào luyện bởi cùng một văn hóa công ty như tại Intel, Microsoft, những kỹ sư trẻ này thường xuyên gặp gỡ để trao đổi về tri thức, giúp đỡ nhau giải quyết các thách thức đặt ra trong việc áp dụng công  nghệ mới vào điều kiện sở tại. Vì vậy, ý tưởng được trao đổi tự do. Và các cách làm hiệu quả nhất trong thực tiễn ở một nơi được phổ cập nhanh chóng sang các nơi khác.   
Một hệ quả từ văn hóa mở đó là tính năng động của thị trường việc làm. Khác với tổ chức công nghiệp truyền thống, nơi mà sự trung thành với công ty và thâm niên công tác là có giá trị cao. Tại các khu công nghệ cao ở Trung Quốc, sự trung thành với nghề nghiệp là có giá trị hơn. Khi gặp gỡ trao đổi với đồng nghiệp, từng cá nhân thường phải cố gắng thể hiện bản lĩnh chuyên môn riêng của mình và tinh thần làm việc theo nhóm. Nếu một cá nhân có kỹ năng giải quyết một số vấn đề kỹ thuật một cách xuất sắc, sự giao tiếp của anh ta với những nơi cần kỹ năng chuyên sâu đó có xu hướng mở rộng. Và đi kèm theo đó là những cơ hội mới về việc làm. Rất nhiều kỹ sư, nhà khoa học trẻ chuyển đổi chỗ làm thường xuyên. Và không một ai phản đối việc họ đem tri thức học được từ công ty cũ sang nơi làm việc mới. Theo McMillan [2001], sự lan truyền tri thức thông qua sự luân chuyển công việc rõ ràng là không phục vụ ích lợi riêng của từng công ty. Nhưng toàn bộ ngành công nghiệp sẽ phát triển mạnh lên, dựa trên sức sáng tạo của tất cả các công ty cộng lại.
Tương tự như tác động đồng thời của các liên kết về phía đầu ra lẫn đầu vào (backward – forward linkages) trên thị trường hàng hóa, sự lan truyền mạnh mẽ của tri thức và công nghệ giữa các lĩnh vực có triển vọng lợi nhuận cao khiến cho một số lượng lớn các công ty hàng đầu tới lập các trụ sở nghiên cứu và phát triển ngay tại Trung Quốc. [Một thực tế xem ra là rất khác với Nhật Bản]. Tiến trình này được đẩy mạnh bởi chi tiêu khổng lồ của chính phủ Trung Quốc cho nghiên cứu và phát triển, vừa rồi đã vượt cả Nhật Bản và Châu Âu, và chỉ đứng sau Mỹ [theo Financial Times, 14/1/07]. Dĩ nhiên là phần lớn những nghiên cứu phát triển của Trung Quốc vẫn ở dạng ứng dụng công nghệ mới vào điều kiện thực tại, như các kỹ sư người Ấn đang làm, nhưng Trung Quốc cũng đã đạt được những bước đột phá ngoạn mục trong các lĩnh vực công nghệ mang tính sống còn như công nghệ thông tin, tàu lướt trên đệm khí nhờ từ trường, và công nghệ vũ trụ, v.v.
Sự chuyển đổi công nghệ của Trung Quốc diễn ra vững chắc và nhanh chóng. Đó là một chiến lược phát triển có hướng đích, tận dụng mạnh nhất các lợi thế có được từ toàn cầu hóa về giáo dục, tri thức công nghệ, mà chúng diễn ra song song với với toàn cầu hóa về kinh tế. Sự phát triển đó đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các nước Đông nam Á. Theo một số chuyên gia, các nước này cần làm nhiều hơn cái điều là nơi che chắn rủi ro cho đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, vì chính họ cũng đang chứa chấp rất nhiều rủi ro do sự chậm trễ về phát triển vốn người. Nói riêng về Việt Nam, nước láng giềng nằm ngay sát Trung Quốc, chúng ta đã làm gì để phát triển vốn người và tri thức công nghệ?   
Vấn đề chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam    
Như đã nói, Trung Quốc đang tiến nhanh trong việc hoàn thiện hệ thống giáo dục đại học, và nghiên cứu - phát triển. Liệu Việt Nam đã đi theo cách tiếp cận như vậy chưa? Một cách có hệ thống thì chưa. Nhiều người nghĩ rằng chúng ta thiếu cán bộ giảng dạy cho một mục tiêu như vậy, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh. Điều đó không hẳn đúng, vì có hàng nghìn người được đào tạo ở các nước tiên tiến đã trở về. Lý do cơ bản có lẽ là do không có cơ chế kích thích để thu hút người có năng lực vào công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, phương thức tổ chức giảng dạy, đào tạo, và nghiên cứu chưa đáp ứng tốt nhất đòi hỏi của thực tiễn.   
Điểm nổi cộm hiện nay, như mọi người đều biết, là hệ thống kích thích tại các trường đại học. Cụ thể là lương và thu nhập được xác định theo vị trí quản lý, thâm niên công tác, và số lượng giờ giảng. Cách thức như vậy đã có từ thời kế hoạch hóa. Nhưng nó không kích thích những tiến sĩ, thạc sĩ, mới tốt nghiệp ở các trường đại học tiên tiến về làm công tác giảng dạy. Ngược lại, nó kích thích các giảng viên hiện thời phải dạy rất nhiều giờ, hoặc phải vừa giảng dạy, vừa làm chức vụ quản lý để có thu nhập cao. Ngoại trừ các môn như Ngoại ngữ và Tin học, mà áp lực cạnh tranh đã thúc đẩy sự nâng cao cả về số lượng giảng viên, lẫn chất lượng giảng dạy. Ở rất nhiều lĩnh vực khác, số giảng viên có năng lực bị thiếu khá nghiêm trọng so với nhu cầu. Chất lượng đào tạo, sự hợp tác và trao đổi nghiên cứu, ít được khuyến khích.
Trở ngại lớn thứ hai là cấu trúc phân ngành và môn học. Theo tiến trình phát triển, thị trường lao động ở Việt Nam đã từng rộ lên nhu cầu về từng lĩnh vực, như ngoại thương, kế toán, và hiện nay là tài chính – ngân hàng. Do đó, vào từng thời kỳ, có một số lượng rất lớn sinh viên đổ dồn vào những  ngành đang trở nên nóng sốt trên thị trường việc làm. Tuy nhiên, ở bất cứ cơ sở tài chính hay ngân hàng nào hiện nay, người ta cũng đòi hỏi lao động có chất lượng về đủ loại nghiệp vụ, như quản trị nguồn nhân lực, marketing, kế toán, hay luật kinh doanh, vân vân, gắn kết với kỹ năng về tài chính. Hệ thống giáo dục hiện đại đã được thiết kế để thỏa mãn các đòi hỏi kiểu như vậy của giới doanh nghiệp. Ví dụ, tại Mỹ hay Nhật, một sinh viên theo học chuyên ngành luật có quyền sang lấy thêm môn học về tài chính công ty ở bên trường quản trị kinh doanh. Theo cách như vậy, những sinh viên có khả năng thực thụ về luật sẽ vẫn đi học luật. Và hoàn toàn có thể tăng cơ hội tìm việc làm ở ngành tài chính bằng việc trang bị những kiến thức tự chọn về ngành đó.
 Ở Việt Nam, hệ thống giáo dục đại học vẫn mang dáng dấp của thời kế hoạch hóa, nhất là trong chuyên ngành kinh tế. Trong cùng một trường, các khoa Tài chính, Ngân hàng, hay Ngoại thương khá tách biệt nhau trong giảng dạy. Một trong các lý do là cơ chế kích thích theo các chỉ tiêu số lượng. Mỗi khoa có xu hướng muốn quản lý nhiều môn học hơn, thời lượng tiết giảng lớn hơn, và do đó, thu  nhập đổ về cho giảng viên trong khoa nhiều hơn. Vì vậy, xuất hiện xu hướng phân nhỏ một chuyên ngành hẹp [không thể phân nhỏ được nữa] ra thành những chuyên ngành quá hẹp; và đưa chúng về từng khoa riêng biệt. Đồng thời, cũng xuất hiện việc giảng dạy cùng một môn học, ví dụ như quản lý rủi ro ngoại hối, ở nhiều phân khoa khác nhau. Việc phân nhỏ, hay dạy trùng lặp này làm tăng số lượng môn học bắt buộc tại từng chuyên ngành lên một cách đáng kể. Hệ quả là khó lòng có thể đưa thêm vào những môn học hiện đại, mà thị trường đang có nhu cầu, cho dù là có khả năng làm điều đó.
Nhưng tác động tiêu cực của cơ chế kích thích theo số lượng không chỉ dừng tại đó. Theo như hệ thống tín chỉ đang được đưa vào áp dụng tại một số trường kinh tế, về nguyên tắc, một học sinh ở ngành này có thể theo học một số môn bổ trợ thuộc ngành khác để tăng khả năng tìm việc làm [Một điều giống như sinh viên ở Nhật hay Mỹ làm]. Tuy nhiên, như đã nói, số lượng các môn học bắt buộc trong nội bộ một ngành thường đã quá cao. Sinh viên lại phải đạt điểm giỏi các môn này như là điều kiện tiên quyết. Việc học thêm các môn bổ trợ của các ngành khác sẽ đòi hỏi một nỗ lực tăng thêm rất lớn từ sinh viên. Ít học sinh có khả năng đáp ứng được điều này. Hệ quả là, ít có gì thay đổi trước và sau khi áp dụng hệ thống tín chỉ. Học sinh vẫn phải hy sinh nguyện vọng học ngành mình thích cho việc tăng cơ hội xin việc làm sau này. Họ vẫn đua nhau xin vào các ngành đang thịnh nhất.
Dĩ nhiên là có quá ít chỗ làm cho một số lượng rất lớn sinh viên mới ra trường từ những chuyên ngành hẹp, như tài chính hiện nay. Ngược lại, một nhu cầu rất lớn về các chuyên ngành khác, có liên quan đến tài chính, thì lại rất thiếu nguồn cung. Vấn đề là do học sinh ra trường chỉ được đào tạo theo từng chuyên ngành biệt lập, ít kết nối sang lĩnh vực tài chính. Hệ quả là có tới 70% sinh viên mới ra trường không làm theo đúng ngành đã học, theo như thống kê không chính thức. Rất nhiều trong số họ phải chấp nhận công việc chỉ đòi hỏi trình độ trung cấp. Và các doanh nghiệp thì phàn nàn về phí tổn do phải đào tạo lại số lao động mới.
Phải nói rằng, đã có những phản ứng trở lại với sự không phù hợp nêu trên từ cả phía cung và cầu của thị trường lao động. Rất nhiều các doanh nghiệp cấp học bổng để lấy trước những sinh viên giỏi nhất thuộc bất cứ ngành nào. Ngược lại, rất nhiều sinh viên tài giỏi và can đảm nhất đã tìm học các kiến thức bổ trợ mà thị trường đang cần ở các trung tâm, hay thậm chí qua Internet.
Lấy ví dụ một sinh viên khoa kinh tế, Đại Học Quốc Gia, say mê lĩnh vực giao dịch và thương mại điện tử qua ngân hàng. Anh ta đã tự theo học nghiệp vụ tài chính, tin học ở các trung tâm, và xin vào thực tập tại phòng E-banking, thuộc Techcombank, nhưng bị từ chối. Không nản chí, anh ta quyết định thu thập mọi tư liệu cho nghiên cứu của mình từ Internet. Và thật đáng kinh ngạc, bài luận văn xuất sắc tới mức anh ta đã được nhận việc ngay tại chính phòng E-banking, nơi mà trước đây anh ta đã bị từ chối thực tập. Sinh viên này chấp nhận một rủi ro lớn cho hoài bão của mình: điểm học các môn chính khóa ở trường chỉ vào loại khá và trung bình. Nếu anh ta không làm cho những nhân viên ngân hàng, nơi anh ta thực tập, biết được năng lực của mình; thì triển vọng xin việc có thể là rất tồi.  
 Có lẽ các doanh nghiệp sẵn lòng tài trợ cho những sinh viên như vậy, nếu biết được phẩm chất nghề nghiệp của họ. Nhưng vì không có thước đo đánh giá nào khác ngoài điểm học tập, các doanh nghiệp chỉ tìm được những sinh viên chăm chỉ nhất, mà không thể chắc rằng những người này là có năng lực nhất và dám chịu rủi ro nhất. Liệu trong tương lai, các doanh nghiệp có nên hùn vốn vào việc lập ra một trường đại học “đẳng cấp”; thuê những giảng viên giỏi, tuyển chọn và cấp học bổng cho những sinh viên có tiềm năng nhất; và để rồi khi ra trường, họ sẽ vào làm cho doanh nghiệp hay không? Có lẽ, khi lớp sinh viên này thành đạt lên, họ lại đóng góp vốn cho trường. Và vòng quay: quỹ học bổng từ doanh nghiệp vào trường, và tài năng từ trường về doanh nghiệp, sẽ tiếp tục. Liệu có một trường quản trị kinh doanh giống như Guanghua của đại học Bắc Kinh tại Việt Nam không? Có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta cần tạo lập ra những trường đại học chất lượng cao, nơi giảng dạy được gắn với đòi hỏi của thực tiễn.

 Tài Liệu tham khảo:
1.      The Economist, Saturday January 13th 2007, “The problem with made in China”.
2.       Financial Times, January 04 2007, “China is rising through the innovation ranks”.
3.      Financial Times, January 14 2007, “China threatens America’s lead in technology”
4.      Krugman, Paul, 1994a, “Is Third World a Threat?”, Harvard Business Review, July / August, 113 – 121.
5.      Krugman, Paul and Robert Lawrence, 1994b, “Trade, Jobs, and Wages,” Scientific American, 270, 22 – 27.
6.      McMillan, John, 2001,  “Reinventing the Bazaar,” NY: Norton, Ch. 9.


[1] Đây chỉ là một trong rất nhiều nghiên cứu của Krugman về toàn cầu hóa.
[2] Việc giảng dạy và đào tạo tuân theo quy luật “hiệu quả giảm dần theo quy mô” [diminishing return to scale]. Tức là, thời gian một giảng viên phải dạy liên tục trên lớp càng dài, hay số lượng học sinh trên đầu một giảng viên hướng dẫn càng đông, thì chất lượng đào tạo càng giảm. 

©  Thời Đại Mới
NGUỒN: Tạp chí Thời Đại Mới
Số 10  - Tháng 3/2007