Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Ngành nghề sẽ biến thể sau cơn bão

Tôi thành thực xin lỗi các bạn dự video conference ngày 13/11/2011. Vì sự tham dự quá đông vượt dự kiến, đường truyền chúng tôi đã bị sự cố và tạo nhiều đứt đoạn. Một bạn hữu phê bình là chúng tôi làm việc cứ như các ông quan chức mà Alan vẫn chế nhạo. Gậy ông đập lưng ông luôn là bài học của khiêm tốn.

Chúng tôi đã ghi chép lại nội dung buổi nói chuyện và phần trả lời câu hỏi. Bài nói chuyện đã được đăng trên tuanvietnam của báo vietnamnet.



NGÀNH NGHỀ SẼ BIẾN THỂ SAU CƠN BÃO

Gần đây, một chuyên gia có giấy phép của chánh phủ long trọng tuyên đoán là những chánh sách hiện nay của chánh phủ sẽ giải quyết các khó khăn của kinh tế vĩ mô Việt Nam như lạm phát, tỷ giá, nợ xấu ngân hàng, bội chi, FDI…trễ lắm là trước Quý 2 năm 2012. Nhiều bạn bè tôi nghe xong, mở champagne, hát quốc ca và chờ đợi. Dù sao, 7,8 tháng chỉ là một khoảnh thời gian ngắn ngủi trong đời doanh nghiệp.

Dĩ nhiên, tôi không kiếm được đồng nào trong các phân tích nhận định nên tôi chưa ca hát lạc quan như vậy. Tôi cứ nghĩ tháng 6 năm 2012 có thể là tâm điểm của trận bão kinh tế năm Thìn. Lý do đơn giản theo ước tính bình thường của một doanh nhân quê mùa là khi cung tiền tiếp tục tăng vì cần “kích cầu” để cứu ngân hàng và các dự án siêu khủng, khi thói quen cho rác rưởi xuông thảm để che đậy không thể bỏ được, và khi thế giới bên ngoài lại bấp bênh con tàu vì nợ công, tư…thì các vấn đề nói trên vẫn tồn tại và xấu đi. Nói tóm lại, nếu chúng ta cứ tiếp tục làm những gì chúng ta đang làm thì chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái những thành quả gì chúng ta đang nhận. Thực sự, nền kinh tế giống như một máy tính, cho rác đầu vào thì vẫn là rác ở đầu ra (garbage in, garbage out).

Tôi cho rằng cơn bão năm Thìn đang tập trung cường độ và ảnh hưởng của trận bão chỉ có thể nhìn thấy được vào cuối 2012. Nếu cơn bão đến, thì đây là những ngành nghề sẽ phải thay đổi và biến dạng từ căn cơ.

Bất Động Sản

Giá cả sẽ phải xuống theo trọng lực của hai yếu tố thị trường: thu nhập của người dân và lượng tiền đầu cơ thứ cấp. Người dư dả tiền bạc đã mua nhà xong, người nghèo sẽ nghèo thêm với lạm phát, nhà đầu cơ với tiền nhàn rỗi không còn nhiều…kinh doanh bất động sản sẽ qua chu kỳ suy thoái giống như tại Âu Mỹ các năm vừa qua. Nhân công thất nghiệp sẽ quay về quê để mưu sinh hay tạm trú, nhu cầu nhà thuê cũng sẽ giảm sút trầm trọng. Phân khúc thương mại, văn phòng và nghĩ dưỡng cũng sẽ chịu áp lực xấu từ nền kinh tế khập khễnh.

Thực tình, về mặt xã hội thì đây là một thay đổi tich cực. Người tiêu thụ sẽ có cơ hội mua căn nhà mong ước với giá phải chăng hơn và tình trạng đầu cơ, làm cò địa ốc để kiếm tiền nhanh sẽ giảm thiểu rất nhiều. Tiền nhàn rổi sẽ đầu tư vào những phân khúc có hiệu quả hơn cho nền kinh tế.

Ngân Hàng

Được sự chống lưng của nhà nước để tránh bất ổn xã hội, cổ đông các ngân hàng sẽ an toàn với vốn đầu tư. Nhiều sát nhập bằng súng (shotgun marriage) sẽ xẩy ra, nhưng bức tranh toàn cảnh sẽ không thay đổi nhiều. Cho một vài anh bệnh ở chung với một anh mạnh khỏe thì virus có thể lan tràn tệ hơn, nhưng nợ xấu không thể biến mất như các trò ảo thuật. Quản trị địa phương sẽ gặp nhiều vấn đề không giải quyết nổi do thiếu kinh nghiệm và vốn liếng; do đó, các ngân hàng nước ngoài sẽ được mời chào làm cổ đông chiến lược cũng như được mua lại các đơn vị tư nhân làm bàn đạp cho chương trình phát triển thị trường.

Về lâu dài, sự hợp tác với các đối tác nước ngoài sẽ đem lại những thay đổi lớn không những về mặt tiếp thị, hậu mãi cho khách hàng; nhưng qua các hoạt động hàng ngày, nhóm quản trị mới sẽ áp lực để thay đổi điều lệ và sự kiểm soát từ chánh phủ; khiến bộ máy điều hành ngành tín dụng thiết yếu cho tài chánh quốc gia trở nên hiện đại và hiệu quả hơn.

Chứng Khoán

Với cơn bão, chứng khoán sẽ chạm đáy vào cuối năm 2012. Đây là thời điểm để các nhà đầu tư còn tiền gỡ gạc lại các mất mát mấy năm vừa qua. Nhưng sự hồi phục đúng nghĩa đề qua một chu kỷ mới phải kéo dài hơn 2 năm. Trong khi đó, những công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư sẽ phải trình làng nhiều sản phẩm tài chánh sáng tạo và hiệu quả hơn. Chánh phủ cũng phải cho phép những hoạt động mà từ trước đến giờ, họ vẫn coi là một hình thức cờ bạc. Tôi muôn nói đến các hợp đồng ngoại hối và nguyên liệu, cũng như phương thức bán khống (short).


Với sự mở rộng từ căn bản điều hành, trái phiếu và hợp đồng tài chánh của Việt Nam sẽ xuất hiện trở lại trên thị trường quốc tế, đem lại nguồn vốn mới cần thiết cho doanh nghiệp trong nước.

Vàng Bạc Nữ Trang

Với chánh sách “góp vốn từ dân” qua kênh vàng và dollar, chánh phủ sẽ truy bắt những người còn kinh doanh hay lưu trữ hai sản phẩm này. Nhiều tiệm vàng tư nhân sẽ bị đóng cửa vì chỉ giao dịch nữ trang thuần túy sẽ không đem đủ lợi nhuận và khách hàng. Tuy vậy, với giá thị trường quốc tế xấp xỉ $2,500 một ounce vào cuối 2012 theo tiên đoán của nhiều chuyên gia vàng, các hoạt động ngoài luồng sẽ gây nhiều biến động cho tỷ giá, lạm phát và nợ xấu. Cuối cùng, chánh phủ sẽ phải đối diện với lựa chọn, hoặc trở lại nền kinh tế chỉ huy chặt chẽ kiểu Bắc Triều Tiên, hoặc mở cửa lại và để thị trường tự điều chỉnh.

“Cò” Quan Hệ

Đây là một ngành nghề làm ăn rất khả quan và chiếm một tỷ trọng lớn trong GDP ngầm. Vì tiền kiếm được khá dễ dàng, không cần đầu tư hay chịu rủi ro, các vị làm ăn theo mô hình kinh doanh này là những cư dân tiêu xài rộng rãi và khách xộp của các cơ sở giải trí, du lịch và hàng hiệu. Họ cũng là nhóm đầu tư có nhiều tiền nhàn rỗi và tạo nhiều đầu tư quan trọng trong các ngành nghề. Sự đóng góp của họ vào nền kinh tế thường lớn lao hơn ước định.

Tuy nhiên, khi nguồn tài trợ từ các nước ngòai giảm thiểu, các dự án và ngân sách phải sụt giảm theo vì thiếu ngoại hối. Một co sụt chừng 20% sẽ khiến nhiều “cò” nhỏ bé thất nghiệp và gây khó khăn cho kỹ nghệ phục vụ đại gia. Những chương trình khuyến mãi liên tục hay “mua chung” sẽ biến Việt Nam thành một thiên đường cho du khách Trung Quốc, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc.

Trên cùng bình diện, các ngành nghề liên quan đến 5 lĩnh vực kinh doanh nói trên sẽ chịu ảnh hưởng xấu theo. Ngành xây dựng và vật liệu sẽ suy thoái theo bất động sản; các ngành nghề tài chánh sẽ bớt đầu tư vào công nghệ thiết bị mới gây ảnh hưởng xấu cho IT nội địa; việc cấm vàng và dollar sẽ tạo một tâm lý bất ổn chung cho các cơ sở xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, những ngành nghề ít bị ảnh hưởng nhất là y tế, giáo dục, năng lượng, khoáng sản, nông hải sản và sản phẩm tiêu dùng cần yếu.

Thực ra, trận bão năm Thìn sẽ không thay đổi nhiều mức sống của đại đa số người dân bao nhiêu. Phần lớn phải thắt lưng buộc bụng kỹ hơn vì suy thoái và lạm phát; nhưng sau bao cơn khủng hoảng và chiến tranh mấy chục năm qua, kỹ năng sinh tồn đã được tôi luyện để biến con người Việt thành siêu nhân về sức chịu đựng.

Dù vậy, trong trường hợp này, tôi hy vọng là tôi sai và nền kinh tế Việt sẽ chạy ngon ơ với tăng trưởng GDP hai số như chuyên gia chánh phủ đã “”nghị quyết”. Nếu quả vậy, đây là một phép lạ, ngược với mọi định luật thiên nhiên mà tôi đã học. Bởi vì người Việt ta có lẽ cần cầu nguyện cho một phép lạ ở giờ thứ 25.

Chiến thuật du kích thời internet

Sau chiến thắng to lớn ở Điện Biên năm 1954, chiến thuật du kích mọc rễ vào tư duy và văn hóa Việt Nam. Không những thông dụng trong các ứng xử hàng ngày, nhiều doanh nhân Việt coi chiến thuật này là căn bản để điều hành quản lý công ty.

Gợi ý từ “Binh Pháp” của Tôn Tử, các thế hệ nối tiếp đã kiến trúc chiến thuật du kích thành một hình thái “sống và đánh” dựa trên đặc điểm sau đây.


Trước hết, du kích quân thường là phe nhóm nhỏ nên họ phải tránh đối đầu trực tiếp với đại quân địch. Tập trung vào những trận chiến nhỏ, khi có lợi thế đặc biệt để tấn công nhanh và rút lui nhanh. Như vậy, nhóm du kích phải năng động, dùng nhiều xảo thuật gây bất ngờ, dựa vào sự liều lĩnh và sáng tạo thay vì nguyên tài lực lớn, làm hao mòn đối phương cho đến khi họ chán nản và bỏ cuộc.

Lối kinh doanh du kích cũng tốn khá nhiều giấy mực trong giới nghiên cứu về phương thức áp dụng trong quản trị và sách về cách tiếp thị du kích tràn ngập các tiệm. Riêng ông Harv Eker đã nổi danh khi lập ra cả một trường gọi là “Guerrilla Business School” để dạy hàng ngàn doanh nhân trẻ về chiến thuật này. Ông cho đây là cách hay nhất để khởi nghiệp cũng như để điều hành các doanh nghiệp tư nhân nhỏ. Lợi thế lớn nhất chống lại các đối thủ là xài tiền rất tiết kiệm qua các thủ thuật làm ăn khôn ngoan mưu mẹo để tạo một hiệu quả lớn trong hoạt động.

Tôi hoàn toàn đồng ý về tác dụng của chiến thuật du kích trong nhiều trường hợp làm ăn; đặc biệt là khi chúng ta còn non trẻ và cố gắng để sống còn. Nhưng khi tư duy của người quản lý bị giới hạn bởi tầm nhìn du kích thì doanh nghiệp chỉ có thể trở thành một tiểu thương, dù thành công trong việc kiếm tiền cho cá nhân và gia đình; cũng không gì ấn tượng khi so sánh với các bậc đàn anh đang dẫn đầu trên những sân chơi lớn bé của thế giới.

Yếu điểm của việc kinh doanh du kích chính là mặt trái của những yếu tố đã tạo sức mạnh cho chiến thuật này.

Vì nghĩ là mình nhỏ bé và phải né tránh các đối thủ, nên doanh nhân du kích thường ngại ngùng khi ra biển lớn để cạnh tranh trực tiếp trong một môi trường xa lạ. Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch mạo hiểm tấn công thị trường mới như tư vấn của tôi (qua kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, dùng đòn bẩy M&A và quản lý quốc tế) nhưng cuối cùng đã co rúm lại vào giờ chót như một du kích quân không muốn rời bỏ địa phương đã bám trụ. Cây đa đầu làng vẫn cao vút tầng xanh.

Yếu kém khác là sự năng động không cân đối. Vì quá năng động, doanh nhân du kích chụp lấy cơ hội mới không ngần ngại gây ra nhiều đầu tư dàn trải. Khác với một chiến thuật phát triển sâu rông và lâu dài khi ra biển lớn, ở trường hợp này, du kích quân thường nghĩ các cơ hội này là chuyện dễ thực hiện, đánh nhanh rút nhanh, không nhiều rủi ro. Dĩ nhiên, ai cũng thấy rõ hậu quả của những đầu tư dàn trải của nhiều doanh nghiệp Việt lớn nhỏ, nhất là khi giá chứng khoán và bất động sản quay chiều.

Tư duy du kích cũng phát sinh một văn hóa mù mờ, không minh bạch và có thể chứa đựng nhiều gian trá. Vì dựa vào yếu tố bất ngờ, cần che dấu kỹ thực lực cũng như ý định mình, nên doanh nghiệp du kich dùng nhiều ngụy trang, khiến chuyện cởi mở hoàn toàn (full disclosure) trở thành một vấn nạn cho đối tác, khách hàng và nhân viên. Khó ai mà đoán biết được suy nghĩ của các vị chủ nhân hay quản lý trong mục tiêu sau cùng hay những sắp xếp đằng sau hậu trường.

Trong chiến thuật, sinh mạng của du kích quân cũng tùy thuộc rất nhiều vào mức độ tin cậy vào đồng đội, đối tác và các quan hệ mật thiết. Đó là lý do doanh nghiệp du kích thường dùng “gia đình trị”, vì không đủ tin cậy người ngoài để sử dụng nhân tài, không làm ăn rõ ràng với người lạ và coi quan hệ với quan chức là cột sống quan trọng hơn sản phẩm, khách hàng, hay kế hoạch phát triển.

Tệ nhất trong tư duy du kích là một biện hộ thông dụng khi gây nên những sai trái về quản trị cũng như đạo đức. Lý do tiện lợi nêu ra là vì mình nhỏ yếu thì mình được phép sử dụng những chiêu đòn không chính thống hay còn gọi là tà giáo. Cứu cánh biện minh cho phương tiện là câu nói nằm lòng của các tay cơ hội.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã than phiền về những thủ đoạn ngắn hạn này của doanh nhân Việt và cũng là cá tính khá phổ thông ở Trung Quốc. Cái bề mặt hấp dẫn ngoạn mục ấn tượng ban đầu luôn luôn theo sau bằng những chiêu đòn hiểm hóc quái dị. Tôi hay mua kẹo hạt điều Việt để tặng bạn bè khi rời nước. Dù với những thương hiệu hàng đầu, lớp hạt điều trên mặt luôn lớn, đều và sạch so với lớp hạt điều phía sau, chúng đen, nhỏ, gẫy vụn và chứa nhiều đường hơn. Sau khi thử qua 7,8 thương hiệu để tìm một sản phẩm chất lượng đồng nhất, tôi đành bỏ cuộc. Những hàng xuất khẩu từ Việt Nam hay Trung Quốc thường mang tiếng xấu này trong giới mua hàng, từ áo quần giầy dép đến đồ gỗ hay thực phẩm. Nó gây cho đối tác cảm giác là không doanh nhân Việt nào muốn làm ăn trung thực và lâu dài.

Cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ đã đi vào lich sử hơn 30 năm và các lớp người trẻ trên thế giới thậm chí còn không biết tôi nói gì khi nói đến chiến tranh Việt Nam. Một sinh viên cao học Mỹ hỏi tôi là Việt Nam có tọa lạc gần Iran và Iraq? Một cô bán hàng người Ấn, sau khi tốt nghiệp cử nhân sử học, nói là Việt Nam đã liên minh với Nhật để đánh Mỹ và Đức trong một thế chiến nào đó thời Trung Cổ. Đây không phải là hai trường hợp riêng lẻ. Khi ra ngoài cộng đồng trí thức, thậm chí đến 99.99% người dân thế giới không biết gì về địa lý hay lịch sử Việt Nam. Với họ, Việt Nam không có một ảnh hưởng gì để bàn luận hay nhắc nhở, từ kinh tế chính trị đến văn hóa và dấu ấn xã hội. Dường như chỉ còn người Việt là bị nhắc nhở và ám ảnh hàng ngày bởi một chiến thắng xa xôi như trận chiến thành Troy của Hy Lạp hay trận bao vây La Mã của Hannibal.

Trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp Á Châu bận rộn lên kế hoạch toàn cầu như Samsung của Hàn Quốc về hàng điện tử hay Hua Wei của Trung Quốc về thiết bị viễn thông hay Djarum của Indonesia về thuốc lá hay Shangri La của Singapore về khách sạn; những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam coi chuyện phá rừng, trồng cao su ở Lào là mục tiêu quan trọng nhất trong 10 năm tới. Giống như khi người Pháp đến Đông Dương lần đầu hơn 120 năm về trước.

Bao giờ chúng ta mới rời bỏ khu rừng rậm trong đầu óc chúng ta?

(Bài viết đã được đăng trên Tạp Chí Doanh Nhân số 92 ngày 19 tháng 11 năm 2011)

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các quốc gia mới nổi. Ông tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là gocnhinalan@gmail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com

Alan Phan tiên đoán tương lai kinh tế Việt.

Nếu các vị quan và các chuyên gia này sống thực trong một xã hội đụng chạm với thực tế hàng ngày, như các doanh nghiệp tư nhân nhỏ vừa hay các nhân viên sống nhờ đồng lương, họ sẽ nhận ra vài điều đáng buồn. Chẳng hạn, nhập siêu giảm mạnh không phải vì xuất khầu tăng vượt tốc, mà vì nhu cầu tiêu dùng cũng như các hoạt động sản xuất đã ngừng trệ thảm hại. Đây cũng là lý do tỷ giá USD đã không tăng như dự đoán vì người dân đã hết tiền để trữ đô la hay xài hàng nhập khẩu. Khi nền kinh tế suy thoái trầm trọng, lượng cầu tiêu dùng giảm mạnh và lạm phát cũng như lãi suất sẽ giảm theo. Đây không phải là những dấu hiệu tích cực để lạc quan.

Như thông lệ mỗi đầu năm, chúng ta đã được đọc rất nhiều bài viết về những dự đoán cho nền kinh tế Việt Nam trong 2012. Từ các chuyên gia có giấy phép và ăn lương chánh phủ (trực tiếp hay gián tiếp) đến những định chế tài chánh nước ngoài có họat động tại Việt Nam, tất cả đều đưa ra những chỉ số hay bối cảnh tương đối giống nhau. Hai lý do chính: một là mọi người đều dựa vào các số liệu thống kê cung cấp bởi chánh phủ và nếu rác hay vàng cho vào một đầu, thì đầu ra cũng phải là rác hay vàng. Hai là vì tương lai làm ăn của họ cũng tùy thuộc vào chánh phủ, nên làm chánh phủ phật ý, bằng những dự đoán độc lập, ngoài luồng là mất việc.

Kết quả của các tiên đoán trong quá khứ

Hôm nọ, có chút thì giờ rãnh rỗi, tôi hỏi anh sinh viên trợ lý, lục soát lại các dự đoán kinh tế về Việt Nam trong 5 năm vừa qua, nhất là vào thời điểm Quý 1. Tôi nhờ anh chia ra 3 kết quả: các dự đóan đúng trên dưới 10%, trên dưới 50% và sai bét. Tỷ lệ cho thấy số sai bét chiếm 46% và số sai trên dưới 50% là 39%. Con số đúng chỉ được 15%. Tuy nhiên, thầy bói vẫn là một nghề đông khách dù có nói trúng hay sai. Và ít người biết được một xảo thuật kiếm tiền của nghề thầy bói là phải “coi mặt mà bắt hình dong”. Tiên đoán một tương lai sáng ngời cho mọi ông bà chi tiền sộp là có kỹ năng tiếp thị cao.

Tôi thường không tham dự vào các cuộc tiên đoán hàng năm. Dựa trên thống kê (phải trừ bớt những thổi phồng) hay các trải nghiệm quá khứ (con người luôn luôn tái diễn lịch sử qua các hành động ngu xuẩn về lâu dài) và dựa trên trực giác (rất giống các bà có chồng ngoại tình), tôi hay đưa ra những khuynh hướng (trend) của nền kinh tế vĩ mô hơn là những dự đoán ngắn hạn và không ổn định. Tuy nhiên, hôm nay, nghe lời khích bác của vài anh bạn, tôi thử dùng 3 nguyên tắc nói trên coi các tiên đoán của mình có chính xác hơn không. Nó cũng sẽ định hướng tương lai nghề làm thầy bói của tôi.

Trong các dự đoán thịnh hành, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6% trong 2012, lạm phát xuống còn 9%,tỷ giá đứng yên, cán cân mậu dịch cải thiện 23%, dự trữ ngoại hối tăng 18% v.v… Tóm lại, một nền kinh tế vĩ mô khá ổn định và ấn tượng so với sự suy thoái chậm chạp của toàn cầu. Quan chức chánh phủ cũng rất hãnh diện cho đây là kết quả của những quyết nghị tuyên tuyền của mình để thay đổi hướng đi của kinh tế tài chánh.

Những thực tế sau bộ mặt thành tích

Tuy nhiên, nếu các vị quan và các chuyên gia này sống thực trong một xã hội đụng chạm với thực tế hàng ngày, như các doanh nghiệp tư nhân nhỏ vừa hay các nhân viên sống nhờ đồng lương, họ sẽ nhận ra vài điều đáng buồn. Chẳng hạn, nhập siêu giảm mạnh không phải vì xuất khầu tăng vượt tốc, mà vì nhu cầu tiêu dùng cũng như các hoạt động sản xuất đã ngừng trệ thảm hại. Đây cũng là lý do tỷ giá USD đã không tăng như dự đoán vì người dân đã hết tiền để trữ đô la hay xài hàng nhập khẩu. Khi nền kinh tế suy thoái trầm trọng, lượng cầu tiêu dùng giảm mạnh và lạm phát cũng như lãi suất sẽ giảm theo. Đây không phải là những dấu hiệu tích cực để lạc quan.

Từ góc nhìn này, tôi sẽ đánh liều và tiên đoán các sự kiện nổi bật sau đây của 2012 và vài năm tới:
1. Chánh phủ sẽ can thiệp mạnh hơn vào vận hành kinh tế:

Thay vì tiến về nền kinh tế thị trường và để mặc cho mọi thành phần tự điều chỉnh theo khả năng, chánh phủ sẽ sợ cuộc khủng hoảng biến thái không theo ý mình, nên các quan chức sẽ sử dụng mọi biện pháp hành chánh để lái con tàu đi sâu vào nền kinh tế bao cấp. Trước đó là sẽ in tiền thoải mái, cứu và không để ngân hàng nào phá sản; gần đây, là quyết nghị cứu thị trường chứng khoán bằng “tái cấu trúc” toàn diện cơ chế. Việc đổ tiền để vực dậy giá trị bất động sản đang được nghiên cứu, cũng như phương thức thu góp hết vàng trong dân để chuyền thành ngoại hối hay tiền đồng.

Để tránh những bất ổn xã hội, khuynh hướng kiểm soát giá cả sẽ gia tăng và xăng dầu cũng như điện nước sẽ được tiếp tục hổ trợ (subsidy).

Ngân sách nhà nước sẽ tăng thay vì giảm, nợ công tiếp tục tăng vọt vì đầu tư công vào các dự án khủng hay cơ sở hạ tầng cần được duy trì để tạo bộ mặt bền vững.

Đây cũng là tin khá tốt cho nền kinh tế dựa vào tiêu xài của chánh phủ và quan hệ tốt với quan chức. Doanh nghiệp nhà nước sẽ dồi dào nguồn vốn và tha hồ lợi dụng lợi thế độc quyền, đặc vị của mình. Doanh nhiệp tư nhân làm ăn nhiều với chánh phủ có thể hưởng tăng trưởng tốt trong những năm suy thoái tới.
2. Vàng và dầu sẽ gây lao đao cho tỷ giá và lạm phát

Tuy nhiên, các động thái can thiệp nói trên của chánh phủ sẽ không có ảnh hưởng lâu dài vì hai yếu tố toàn cầu : giá vàng và dầu hỏa. Việc in tiền của Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB) để cứu các ngân hàng lớn trong khối Euro và gói kích cầu số 3 (QE 3) của Cơ Quan Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục đẩy giá vàng và dầu hỏa lên và giá trị các bản vị USD hay Euro sẽ từ từ hạ giá, dù suy thoái toàn cầu sẽ làm quá trình này chậm lại. Một biến cố lớn ở Trung Đông hay Trung Quốc sẽ thay đổi hoàn toàn mọi dự đoán.

Tương tự, nền kinh tế suy thoái của Việt Nam sẽ giúp lạm phát và tỷ giá không gia tăng nhiều. Tuy nhiên, khi dòng tiền nhàn rỗi chạy theo cơn sốt vàng và dầu hỏa, các biến động và ảnh hưởng trên mọi hoạt động kinh tế tài chánh sẽ khó cân bằng. Những chánh sách nghị quyết sẽ bay theo mộng tưởng. Tất cả mọi chỉ tiêu về vĩ mô cũng như cán cân thương mại và các gói kích cầu hỗ trợ ngân hàng, chứng khoán và bất động sản sẽ trở nên bất khả thi và tương lai tùy thuộc vào “may rủi” nhiều hơn là hoạch định.
3. Các phi vụ M&A sẽ gia tăng mạnh

Một điều chắc chắn là trong tình trạng bất ổn, lãnh vực thu tóm và sát nhập công ty sẽ tăng trưởng tốt. Thị trường tài chánh thế giới luôn luôn có những dòng tiền mặt khá lớn để mua tài sản bán tháo. Phần lớn các nhà đầu tư nội địa, từng đổ tiền vào chứng khoán và bất động sản các năm trước, sẽ tham gia hăng hái vào cuộc săn đuổi này. Do đó mà tại sao tôi nói là trong 10 năm tới, rất nhiều tài sản sẽ đổi chủ và sẽ có những đại gia mới của Việt Nam lợi dụng cơ hội để kiếm tiền siêu tốc. Và ngược lại, nhiều siêu sao đang cháy sáng lúc này sẽ đi vào quên lãng.

Dù họ rất sẵn tiền, nhưng tôi nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham dự các phi vụ M&A một cách giới hạn. Các rào cản về thủ tục pháp lý, về lối thoát (exit), về quản trị địa phương và về bất ổn vĩ mô vẫn còn nhiều và sự thiếu minh bạch của các đối tác điều hành vẫn gây nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
4. Hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập gây khó khăn cho hàng nội địa

Trung Quốc hy vọng sẽ chỉ giảm tăng trưởng GDP xuống 7.5% so với 9.2% năm 2011. Sản xuất công nghiệp sẽ chịu nhiều tác động nhất vì sự đầu tư vào các nhà máy gần đây luôn vượt quá nhu cầu của thế giới, nhất là các hàng tiêu dùng và điện tử. Trong khi đó, với suy thoái tại Âu Châu và Nhật Bản và “dậm chân tại chỗ” của kinh tế Mỹ, những nơi còn lại để Trung Quốc bán tháo hàng rẻ tiền là các quốc gia mới nổi, nhất là các láng giềng.

Ba lợi thế cạnh tranh đáng kể của hàng Trung Quốc: (a) tỷ giá RMB dưới giá trị thực khoảng 26% (trong khi VND trên giá trị thực gần 14%) tạo một khác biệt chừng 40% trên giá thành; (b) hệ thống tiếp liệu các linh kiện và hiệu năng sản xuất cùng công nghệ hiện đại tạo một thành phẩm có giá trị cao; và (c) thị trường nội địa Tàu rộng lớn tạo lợi điểm chuyển giá theo nhu cầu và đặc điểm của thị trường xuất khẩu.

Mặc cho khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt”, khách hàng trong thời buổi kiệm ước sẽ lựa chọn túi tiền thay vì lòng yêu nước và các nhà sản xuất Việt có sản phẩm tương tự như Trung Quốc sẽ gặp khốn khó.
5. Thị trường bất động sản có thể thoát hiểm với lụât đất đai mới

Sau vụ Tiên Lãng, các quan chức lãnh đạo “đã về hưu” cổ súy cho một thay đổi sâu xa về luật nhà đất. Chưa thấy quốc hội có động tĩnh gì, nhưng việc không áp đặt luật về hộ khẩu và những cải tổ sâu rộng về luật bất động sản bên Trung Quốc khiến nhiều đại gia Việt hưng phấn chờ đợi. Tôi nghĩ đây là một cú hích quan trọng có thể gây một cơn sốt mới cho giá trị bất động sản ở Việt Nam vì lý do đơn giản là người có tiền ở Việt Nam không có nhiều lựa chọn về đầu tư. Hai yếu tố quan trọng khác là sự thu hút đầu tư mới của Việt kiều và các quỹ nước ngoài.

Thêm vào đó, hiện các nhóm lợi ích trong ngân hàng, quỹ đầu tư, tập đoàn kinh tế, tổng công ty…đang nắm giữ một số lượng tài sản rất lớn liên quan đến địa ốc. Việc tăng giá trị bất động sản xuyên qua việc thay đổi luật nhà đất là một việc mọi người mọi nhóm đều nhất trí đoàn kết để đạt mục tiêu. Chuyện oái oăm là nếu không nhờ cái luật nhà đất bất công ngày xưa, các nhóm này đã không giàu và quyền lực như ngày nay. Dù sao, qua sông rồi thì phải đắm đò, Tôn Tử dạy thế.

Tuy nhiên theo nhận xét cá nhân về quy trình để thay đổi luật lệ tại Việt Nam, tôi thấy thủ tục cũng nhiêu khê và đòi hỏi rất nhiều quyết đoán từ các cấp lãnh đạo. Tôi không lạc quan như các đại gia bất động sản, nhưng dù là cơ hội thay đổi có ít hơn 50%, đây cũng có thể là một cú ngoặc đáng kể trong sự phát triển kinh tế.

Tóm lại, đó là 5 sự kiện tôi cho là sẽ đánh dấu ấn trên nền kinh tế tài chánh của Việt nam trong 2012. Những điều sẽ không thay đổi trong năm 2012 thì phần lớn các bạn đã biết rồi: Việt Nam sẽ xếp đầu bảng của thế giới về ăn nhậu tiêu xài, về chỉ số hạnh phúc, về tai nạn giao thông, về huân chương phân phát, về tự hào dân tộc, về ô nhiễm môi trường, về kỹ nghệ làm quan, và vè ổn định chính trị.

Thế giới ngoài kia cũng sẽ long đong với những biến đổi của năm con Rồng và những nợ nần, sai lầm từ các năm vừa qua. Tuy nhiên, các nền kinh tế minh bạch và chấp nhận phê phán sẽ tự chỉnh sửa và các chuyên gia có thể tiên đoán thời điểm hồi phục khá chính xác. Chúng ta thì chỉ biết lầm bầm,” Xin Ơn Trên phù hộ”.

T/S Alan Phan

3/3/2012

T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Một cơ hội đột phá khác của Việt Nam - IT VIỆT

Ngành IT, đặc biệt phân khúc ứng dụng phần mềm, cần trí tuệ, sức sáng tạo và sự đam mê hơn là tư bản, kinh nghiệm, hay quan hệ chính trị và thương mại. Ngay cả trí tuệ, những khóa học kỹ thuật truyền dạy từ các trường đại học cũng không quan trọng hơn kỹ năng tự khám phá. 

Trong bài viết lần trước về cơ hội đột phá cho nền kinh tế Việt Nam, tôi nói là một chương trình hiện đại hóa của nông nghiệp có thể tạo một lực đẩy mới nhờ lợi thế cạnh tranh thiên nhiênvà kinh nghiệm ngàn năm về canh tác.

Tôi cũng xác định là chánh sách kinh tế hiện tại, đầu tư tiền bạc và ưu đãi lớn lao vào các công nghệ cổ điển chỉ làm thâm thủng thêm cán cân thương mại, tạo nhập siêu và nợ công khủng. Các hậu quả khác của mô hình kinh tế Trung Quốc mà chúng ta rập khuôn là phải cung ứng nhân công rẻ, chấp nhận ô nhiễm môi trường và gia công sản xuất hàng xuất khẩu giá rẻ…để hấp dẫn các nhà đầu tư FDI nhỏ lẻ. Trải nghiệm 20 năm qua với mô hình này đã gây nên những vấn nạn xã hội và khó khăn ngột ngạt trong đời sống hàng ngày của đại đa số người dân.

Tuy nhiên, ngoài việc phát triển nông nghiệp, một lãnh vực khác mà tôi nghĩ Việt Nam cũng có một vài lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á là ngành công nghệ thông tin (IT). Dù đây là một ngành nghề gần như nằm ở một thái cực đối ngược với nông nghiệp nhưng các yếu tố để thành công cho thấy khá thuận lợi với các lợi thế kinh tế của chúng ta.

Trước hết, ngành IT cần một hệ thống hạ tầng như băng tần cáp quang hay vệ tinh rộng lớn, nhưng hạ tầng cho ngành này không tốn kém như một hệ thống xa lộ, cảng biển, đường sắt…khắp nước. Đầu tư vào phần mềm cho một video game như Grand Theft Auto IV tốn khoảng 20 triệu dollars và mất 8 tháng; nhưng đã đem lại một doanh thu hơn 500 triệu dollars trong tuần lễ đầu tiên. Dĩ nhiên, không phải game nào cũng thành công như vậy. Trong khi đó, mẫu xe ô tô bán chạy nhất như Toyota Camry cần 5 năm để thiết kế, một đầu tư khoảng 2 tỷ dollar khắp thế giới, một thương hiệu hàng đầu quốc tế; nhưng lơi nhuận chỉ xấp xỉ với Grand Theft Auto mỗi năm.

Tiếp đến, ngành IT, đặc biệt phân khúc ứng dụng phần mềm, cần trí tuệ, sức sáng tạo và sự đam mê hơn là tư bản, kinh nghiệm, hay quan hệ chính trị và thương mại. Ngay cả trí tuệ, những khóa học kỹ thuật truyền dạy từ các trường đại học cũng không quan trọng hơn kỹ năng tự khám phá. Bill Gates có lần mỉa mai là Steve Jobs thậm chí không biết viết codes để lập chương trình, nhưng Gates quên rằng chính ông ta và Mark Zuckerberg (Facebook) đã bỏ học nửa chừng vì giáo dục từ chương và bằng cấp không giúp gì trong những đột phá của IT.

Đây cũng là lợi điểm quan trọng của Việt Nam khi so sánh với 9 quốc gia khác thuộc ASEAN. Không nước nào có 3 triệu sinh viên đại học hay 4 triệu Việt Kiều khắp thế giới. Tính ham học của người Việt và những khôn khéo rèn luyện từ bao năm khó khăn là những chất xám tạo mũi nhọn. Một thí dụ có thể hơi phiến diện và chủ quan là tại thánh địa của IT, thung lũng Silicon ở California, người Việt chỉ đứng sau người Hoa và người Ấn (trong cộng đồng dân gốc Á Châu) về những thành tựu trong ngành IT thế giới.

Sau cùng, các doanh nhân Việt Nam và thế giới thường than phiền về chi phí “phong bì” trong các hoạt động. Theo một tư liệu tôi đọc được từ Jetro (Nhật), họ ước tính là phí tổn này ở Việt Nam cao hơn Thái Lan hay Mã Lai chừng 6% và Indonesia chừng 3%. Một phát triền thiên về IT sẽ giảm thiểu tệ nạn này. IT không cần nhiều đất nên nạn trưng dụng đất nông dân làm đất công nghiệp sẽ giảm mạnh. Doanh nghiệp IT cũng không phải vận chuyển hàng hóa qua các trạm kiểm hay hải quan; và cũng không cần đến các quota hay giấy phép xuất nhập khẩu và thanh tra kiểm phẩm để “góp phần” vào tệ nạn này .

Quan trọng nhất là nếu kiếm được tiền từ IT, chánh phủ và người dân có thể bớt phá rừng, bán khoáng sản hay đem rác công nghệ về chôn cất dùm cho các láng giềng hữu hảo.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn cảnh báo về ba nhươc điểm đáng kể của cơ hội IT trong nền kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, IT chỉ có thể phát triển và sáng tạo được trong một tư duy và văn hóa tự do. Điều này có thể là một dị ứng mà chánh phủ và các thế lực bảo thủ của xã hội không thể “sống chung hòa bình” được. Thứ hai, chánh phủ và quốc hội không thể ban hành một nghị quyết là IT phải tăng trưởng theo tốc độ 15% hay gì đó trong 10 năm tới; hay giao cho các doanh nghiệp nhà nước quản lý điều hành. Roi vọt có thể hữu hiệu trong những công việc tay chân; nhưng trí tuệ thì bao giờ cũng là tự nguyện. Thứ ba, sự tôn trọng bản quyền và tài sản trí tuệ là yếu tố mấu chốt của động lực. Yêu nước là một chuyện; nhưng ít người như ông Alan Phan lại đem sản phẩm của mình tặng không cho thiên hạ (xin thú nhận là tôi có bán cũng chẳng ai mua).

Vượt qua ba rào cản này là tạo một môi trường thuận tiện để nền “kinh tế sáng tạo” trở nên hiện thực và đột phá. Tương tự như IT, những ngành nghề có thể tạo doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho nền kinh tế là sinh hóa học (biotech), y dược đông và tây, năng lương xanh, phim ảnh và truyền thông v.v…

Chúng ta đã mất 20 năm chạy theo Trung Quốc và đã trả giá đắt cho sai lầm này. Những ổ chuột nhan nhản khắp các thành thị vì chánh sách đô thị hóa không kế hoạch cần được dẹp bỏ. Những chương trình đào tạo, giáo dục lỗi thời viết ra từ 100 năm trước cần được thay thế. Những bộ máy hành chánh nặng nề quan liêu để ban phát quyền lộc cho một thiểu số nhóm lợi ích phải được đổi mới để tạo hiệu quả cho nền kinh tế.

Đây là ba đòi hỏi chính yếu cho nền kinh tế thị trường và tự do dựa trên nông nghiệp hiện đại và mũi nhọn IT. Một đời sống hài hòa trù phú tại nông thôn và một tăng trưởng IT năng động cho các thanh niên thành phố là một giao hợp lý tưởng trong sự phát triển quốc gia. Với tư duy đột phá mới, chúng ta có thể thành công trên căn bản “sạch và bền vững” và chúng ta có thể đuổi kịp hoặc thậm chí, qua mặt các láng giềng ASEAN về GDP mỗi đầu người; hay tốt hơn, về chất lượng cuộc sống.

Thành công trong mục tiêu này thì Việt Nam có thể tự hào với chính chúng ta mà không cần những khẩu hiệu biểu ngữ nhan nhãn khắp nước nhắc nhở.

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

2 Dec 2011

(Bài viết đã được xuất bản trên Tạp Chí Doanh Nhân số 94 ngày 13/12/2011)

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các quốc gia mới nổi. Ông tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là gocnhinalan@gmail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Phản hồi của chính phủ về chương trình “20 triệu máy tính”



Sau loạt bài về lời kêu gọi hãy cung cấp cho 20 triệu học sinh Việt mỗi em một máy tính bảng, cá nhân tôi nhận được một thư mời của Ông Phạm Duy Yên thuộc Ủy Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Về Công Nghệ Thông Tin đến tham dự buổi hội thảo cùng tên được tổ chức vào ngày thứ bảy 7/1/2012 tại Hà Nội. Vị chủ tọa là Ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân và hai ông Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Sơn (Thông Tin Truyền Thông) và ông Phạm Vũ Luận (Giáo Dục Đào Tạo).



Đây là một điều hơi ngạc nhiên cho một người dân thường như tôi. Từ bé đến lớn, công văn các chánh phủ gởi cho tôi toàn là trát đòi hầu Tòa, giấy đòi thuế hay giấy phạt xe cộ. Nhưng ngạc nhiên lớn hơn là sự phản hồi nhanh lẹ của các quan lớn. Lạ hơn nữa là họ có thì giờ đọc bài viết của tôi, có lẽ sau khi đã liếc qua hình của Ngọc Trinh hay Thủy Tiên. Đùa vậy thôi, chứ tôi thật sự trân trọng sự quan tâm của các quan lớn ở Bộ Giáo Dục.

Tôi không dự được hội thảo vì không có mặt tại VN vào thời điểm này. Nhưng theo lời yêu cầu của tôi, một BCA (Bạn Của Alan) được mời nghe. Anh Trần Trung Hiếu cũng là một lập trình viên đã hoàn tất phần mềm cho các sách tương tác của thiếu nhi. Đính kèm là bài báo cáo của anh và 2 công văn chánh thức của chánh phủ về đề tài này. Chúng tôi đăng nguyên văn và không đục bỏ phần nào như thói quen.

Dĩ nhiên cho đến lúc này thì chánh phủ cũng giống tôi và các BCA thôi. Mọi người đều chém gió cả. Cho đến khi các máy tính đến tay các em, thì lời nói vẫn chỉ là lời nói (rất rẻ và dễ). Tuy nhiên, các quan lớn khác chúng tôi ở chỗ là họ có quyền lực, có ngân sách, có tiếng nói…để biến chương trình này thành sự thực. Quan nào có công lớn nhất và đẩy tiến trình đến đích trong 3 năm tới, tôi hứa là sẽ làm một điều tôi chưa hề làm trong đời: tôi sẽ tạc tượng ngài và xây một đài kỷ niệm ở bất cứ nơi nào ngài muốn.

Với tất cả nghiêm túc,

Alan Phan

P.S. Tôi cũng xin thông báo với các BCA là tôi đã mời đuợc hai vị quản lý tầm cỡ tình nguyện phụ giúp để phối hợp và điều hành chương trình “20 triệu máy tính bảng cho các em” này. Người thứ nhất là ông Quách Nguyễn Thanh Phong, Chủ Tịch Tổng Giám Đốc Công Ty Hi-Way và cũng là Chủ Tịch Của Hội Doanh Nghiệp Trẻ 2030. Người thứ hai là Tiến Sĩ Trần Hồng Quang, cựu Biên Tập báo Vietnamnet và hiện là Chủ Tịch TGD Công Ty Nam Hải.

Tôi, anh Phong, anh Quang và 12 tình nguyện viên khác ở Saigon sẽ họp buổi đầu tiên vào chiều chủ nhật lúc 4 giờ ngày 15/1/2012 để bàn về việc thiết lập một web site cho chương trình và tiến hành các kế hoạch triển khai khác. Bạn nào muôn tham dự, xin liên hệ với Ms. Thương Email: gocnhinalan@gmail.com hoặc SĐT: 0948 705 999

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa


CHIẾN LƯỢC ĐƯA VIỆT NAM TRỞ THÀNH NƯỚC MẠNH VỀ CNTT VÀ CHƯƠNG TRÌNH MÁY TÍNH NỐI MẠNG TRI THỨC MỘT NĂM NHÌN LẠI

Ngày 22/9/2010, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và Truyền thông”, theo đó Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Đề án trên cả nước. Ngày 07/01/2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi Hội thảo nhìn lại 1 năm về những kết quả đạt được. Về cơ bản, do nhiều nguyên nhân khách quan (bầu cử Quốc hội, cắt giảm chi tiêu công…) và chủ quan (nhận thức của lãnh đạo…), việc thực hiện Đề án vẫn còn nhiều khó khăn và kết quả chưa có gì nổi bật.

Chúng ta đang ở đâu?

Việt Nam được xếp hạng thứ 8/50 về gia công phần mềm trong báo cáo Offshoring Opportunities, tăng 2 bậc so với 2009 và tăng 11 bậc so với 2007. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng liên tục có tên trong Top 50 các thành phố mới nổi về gia công phần mềm trong báo cáo thường niên Global Services – Tholon Study (TPHCM đứng thứ 6 và HN đứng thứ 11)

Trong hai năm 2009, 2010, Việt Nam liên tục được xếp trong Top 20 quốc gia có số người dùng Internet nhiều nhất thế giới (năm 2009 đứng thứ 18 và năm 2010 đứng thứ 19). Tại khu vực châu Á, năm 2010 Việt Nam xếp thứ 7 với 27,9 triệu người dùng Internet.

Tuy nhiên, hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Việt Nam được xếp hạng khá thấp 60/66 trong báo cáo về mức độ cạnh tranh trong ngành CNTT-TT của EIU và BSA (tụt 9 bậc so với năm 2008). Trong đánh giá này thì yếu tố quan trọng nhất là số bằng sáng chế về CNTT.

Về hạ tầng CNTT-TT, Việt Nam đứng thứ 44/66 (tăng 8 bậc so với năm 2009). Trong đánh giá này thì yếu tố quan trọng nhất là số người có máy tính. Như vậy số lượng người sở hữu máy tính ở Việt Nam vẫn tương đối thấp so với thế giới.

Tóm lại, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, nền CNTT của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ nói chung trong vòng 5 năm trở lại đây, tuy nhiên công nghiệp phần mềm của chúng ta vẫn nặng về gia công, thiếu yếu tố sáng tạo, khả năng cạnh tranh thấp, nguồn nhân lực còn yếu.

Một điểm đáng lưu ý được nêu ra trong Hội thảo là việc ứng dụng CNTT trong logistics là cực kỳ yếu. Các số liệu thống kê cho thấy tổng chi phí logistics của Việt Nam là khoảng 25% GDP. Trong khi đó các nước tiên tiến (Mỹ, Nhật …) khoảng 8% GDP, Singapore 11%, Hàn Quốc 17%… 25% GDP Việt Nam tương ứng với 25 tỷ USD!

Để hỗ trợ cho việc triển khai Đề án đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT vào năm 2020, các đơn vị cũng đã có nhiều hành động cụ thể. Sau đây là một số tín hiệu đáng mừng:

- Bộ Giáo dục đã cho phép số hoá toàn bộ nội dung sách giáo khoa, cho dù vấp phải sự phản đối của các nhà xuất bản. Ông Quách Tuấn Ngọc, cục trưởng cục thông tin thuộc bộ GD đã khẳng định: bản quyền sách giáo khoa thuộc về Nhà nước, do vậy việc số hoá nội dung hoàn toàn do Nhà nước quyết định. Hy vọng trong tương lai gần, học sinh của chúng ta sẽ không cần phải mua sách in mà chỉ cần tải về các ấn bản điện tử với chi phí thấp hơn nhiều.

- Viettel cam kết tài trợ internet miễn phí cho tất cả các trường học trên cả nước. Đến đầu năm 2011, Viettel đã hoàn thành việc nối mạng cho 100% các trường học thuộc Bộ Giáo dục, thậm chí đã kéo tới 65 km cáp quang chỉ để nối mạng cho 2 trường cấp 1 và cấp 2 ở huyện miền núi Mường Chà.

- Bộ Giáo dục sẽ có khối thi đại học A1 từ năm 2012. Khối A1 sẽ bao gồm các môn Toán, Lý và Anh văn. Đây là một khối thi lý tưởng cho các trường đang mở khoa đào tạo về CNTT, cũng như các thí sinh muốn thi vào ngành này.

- Điện toán đám mây sẽ được triển khai sẽ giúp cho việc đầu tư CNTT cho các trường học sẽ có chi phí rẻ hơn. Các trường học sẽ không phải đầu tư mua sắm máy chủ, phần mềm như trước mà sẽ ứng dụng CNTT dựa trên nền điện toán đám mây. Việc đào tạo đội ngũ giáo viên cũng sẽ được thực hiện trực tuyến, giúp giảm bớt chi phí đào tạo.

- Về việc sản xuất máy tính giá rẻ cho các trường học, ông Mai Sean Cang, tổng giám đốc Intel Việt Nam khẳng định ở Việt Nam đã có một vài công ty sản xuất máy tính chi phí thấp và thậm chí còn xuất khẩu ra nước ngoài. Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế cũng như là hỗ trợ ngân sách trong việc cung cấp các máy tính giá rẻ cho trường học. Theo nghiên cứu của nhóm tư vấn, từ nay đến 2020 cần đưa 7,5 triệu máy tính vào trong trường học, trong đó nhà nước sẽ hỗ trợ khoảng 9.000 tỷ đồng. Phần vốn đầu tư của các doanh nghiệp là 11.000 tỷ đồng.

Về vấn đề sản xuất nội dung cho Giáo dục, các đại biểu đều nhất trí rằng chương trình Máy tính nối mạng tri thức chỉ thành công khi chúng ta sản xuất được các nội dung giáo dục phù hợp và lành mạnh cho thanh thiếu niên. Theo thống kê, đa phần thanh niên vào Internet để truy cập các nội dung liên quan đến trò chơi và giải trí. Ông Nguyễn Lâm Thanh, giám đốc VTC thừa nhận việc sản xuất nội dung giáo dục không đem lại nhiều lợi nhuận như là sản xuất các nội dung giải trí. Như vậy cần có những chính sách phù hợp của Chính phủ để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nội dung về giáo dục.

Các diễn giả cũng đưa ra rất nhiều đề xuất góp ý để tiếp tục thực hiện Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT, cũng như thực hiện chương trình Máy tính nối mạng tri thức. Có thể nêu ra ở đây một số ý kiến hay như sau:

- Thiết lập chuẩn kỹ năng về CNTT. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng trường Đai học Công nghệ khuyến nghị sử dụng chuẩn ITSS của Nhật Bản để làm chuẩn kỹ năng cho kỹ sư CNTT Việt Nam. Ở Nhật Bản hàng năm có 800 nghìn người thi chuẩn này, và tỉ lệ đỗ chỉ là 25%. Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia… đều sử dụng chuẩn này cho nước họ. Việt Nam hiện nay chưa có chuẩn, Việt Nam lại thường được Nhật Bản ưu tiên hơn trong lĩnh vực outsourcing so với Trung Quốc, vì thế áp dụng chuẩn ITSS là phù hợp cho Việt Nam.

- Nên đẩy mạnh hơn việc sử dụng phần mềm mã nguồn mở (Open Source Softwares) trong môi trường giáo dục. Sử dụng phần mềm mã nguồn mở vừa giảm được chi phí đầu tư, nâng cao nhận thức về bản quyền cũng như là đẩy mạnh được phong trào R&D trong trường học.

- Chính phủ cần có chính sách phù hợp khuyến khích các công ty sản xuất nội dung về giáo dục. Ví dụ như miễn thuế thu nhập của các doanh nghiệp này. Chính phủ cũng có thể thiết lập những kênh riêng cho những nội dung này và miễn phí giao dịch. Ví dụ, khi người mua bỏ ra 10.000 đồng để mua một nội dung giáo dục, họ sẽ được hưởng trọn nội dung tương ứng với số tiền đó mà không mất tiền cho những khâu phân phối và giao dịch trung gian.

Việc nghiêm túc triển khai thực hiện Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT là cần thiết, và rất cần sự nhận thức đúng của lãnh đạo các Bộ, ngành và các địa phương. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, chi tiêu công đang bị cắt giảm, để có thể thực hiện được Đề án cần rất nhiều nỗ lực cả từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Đề xuất về chương trình “20 triệu máy tính bảng cho trẻ em Việt Nam” của TS. Alan Phan cũng có chung ý nghĩa với chương trình “Máy tính nối mạng tri thức” của Chính phủ, đang nhận được những tín hiệu tích cực từ nhiều phía. Việc cho phép số hoá sách giáo khoa của Bộ giáo dục, tài trợ Internet miễn phí của Viettel cũng như các đề xuất để hỗ trợ sản xuất nội dung số và sản xuất máy tính giá rẻ sẽ là những tác nhân tốt để các chương trình sớm trở thành hiện thực. Hy vọng đến buổi Hội thảo tổng kết năm 2012, chúng ta sẽ có những kết quả tốt hơn, cụ thể hơn và những chuyển biến thực sự rõ rệt. Chúng ta có quyền hy vọng Việt Nam sẽ không chỉ là nước mạnh về CNTT(giảm được chi phí logistics), mà là nước mạnh bằng CNTT vào năm 2020!

TÓM TẮT HAI CHUYÊN ĐỀ HỘI THẢO

Ngày 22/9/2010, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và Truyền thông”, theo đó Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Đề án trên cả nước.

Trong vòng 1 năm qua, Bộ TTTT đã tích cực thực hiện các hoạt động triển khai Đề án như tổ chức các hội thảo, hội nghị để quán triệt triển khai Đề án, ban hành các văn bản hướng dẫn, đốc thức các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án, phê duyệt Kế hoạch thông tin tuyên truyền về Đề án, ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao cho Bộ TTTT chủ trì v.v…

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế và thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hoạt động điều phối của Bộ TTTT chủ yếu định hướng các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện công tác xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế về CNTT-TT, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tạo tiền đề cho việc triển khai Đề án trong các năm tiếp theo.

Các hoạt động điều phối triển khai Đề án đã góp phần làm cho các địa phương và các Bộ, ngành liên quan xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án, từ đó tích cực, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai Đề án. Đến nay, đã có trên 31 địa phương phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án tại địa phương mình.

Hoạt động thông tin tuyên truyền về Đề án được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhân thức của toàn xã hội về vai trò của CNTT-TT trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đồng thời quảng bá hình ảnh, thương hiệu CNTT-TT Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam đối với chủ trương ưu tiên phát triển ngành CNTT, từ đó tạo lòng tin, thu hút các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia đầu tư vào lĩnh vực CNTT-TT tại Việt Nam.

Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, nhà nước, chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, trong năm qua ngành CNTT-TT Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:

Phát triển CNTT phục vụ giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy và học đã được quan tâm. Nhiều trường phổ thông trên cả nước đã được kết nối Internet băng thông rộng. Việc triển khai mạng giáo dục Edunet, ứng dụng công nghệ học điện tử eLearning và chương trình bài giảng trực tuyến do giáo viên tự làm bước đầu đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, việc tạo ra một kho ứng dụng và nội dung trực tuyến dồi dào, lành mạnh, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của đông đảo thanh niên, học sinh và cộng đồng vẫn còn là một thách thức lớn.

15 địa phương trên khắp cả nước đã triển khai ứng dụng các giải pháp phần mềm mã nguồn mở trên máy chủ như hệ thống thư điện tử, hệ thống cổng thông tin điện tử nguồn mở, hệ thống quản lý văn bản điều hành nguồn mở, hệ thống một cửa điện tử. Đó là các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang và Cà Mau.

Trong năm qua, Bộ Thông tin va truyền thông đã cơ bản hoàn hành việc xây dựng để trình phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở giai đoạn 2011-2015 với các nội dung chính: Dự kiến triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước ở 250 huyện và 3.000 xã, trong đó ưu tiên 1.700 xã vùng sâu, vùng xa. Các dự án dự kiến sẽ được thực hiện trong chương trình giai đoạn 2011-2015 bao gồm: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông tin truyền thông cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin truyền thông cơ sở; duy trì hoạt động thường xuyên cho hệ thống thông tin truyền thông cơ sở; hỗ trợ thiết bị nghe và xem cho hộ gia đình; tăng cường nội dung thông tin truyền thông về cơ sở phục vụ đồng bào các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Một trong những mục tiêu cơ bản của Đề án “Sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin” là “Đến năm 2015: 20 – 30% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập internet băng rộng; đến năm 2020: hầu hết các hộ gia đình trên cả nước sử dụng các dịch vụ số, 50 – 60% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính truy cập internet băng rộng, trong đó 25 – 30% truy nhập băng rộng sử dụng cáp quang”.

Đối với giáo dục, công nghệ thông tin ngày càng có vai trò quan trọng hơn, có ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ với vai trò công cụ học tập, mà còn có vai trò dẫn dắt, định hướng.

Vi vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập nhóm nghiên cứu, xây dựng nội dung và Chương trình “Máy tính nối mạng tri thức”. Đối tượng của Chương trình là sinh viên, học sinh, trường học và cho cộng đồng. Chương trình này sẽ là một giải pháp đột phá giúp thanh thiếu niên, trường học và cộng đồng nâng cao kiến thức, kỹ năng và năng lực sáng tạo, trở thành nguồn lực quyết định sức cạnh tranh của đất nước. Chương trình được xây dựng và triển khai trên cơ sở huy động các nguồn lực của xã hội. Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư, kích cầu, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả các nội dung của Chương trình.

Chương trình sẽ tạo ra một kho ứng dụng và nội dung số lành mạnh, phong phú, hấp dẫn, phục vụ hiệu quả cho dạy và học tích cực, đưa thông tin, tri thức, công nghệ đến với người dân. Chương trình cũng sẽ cung cấp trọn gói sản phẩm máy tính với giá ưu đãi và dịch vụ kết nối băng thông rộng giá rẻ cho các đối tượng thụ hưởng. Ngoài ra, đi kèm theo đó là các dịch vụ CNTT, các dịch vụ đào tạo và hỗ trợ giúp người dùng có thể dễ dàng tiếp cận mạng tri thức, giúp tạo ra một xã hội kết nối, tạo nền tảng cho phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam.

Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng CNTT và năng lực sáng tạo cho sinh viên, học sinh, giáo viên và cộng đồng; phát huy hiệu quả ứng dụng CNTT trong dạy và học; đẩy mạnh học tập tích cực, lớp học tương tác, học tập qua mạng, kết nối phụ huynh học sinh và nhà trường; tạo môi trường chia sẻ thông tin trong học tập và sản xuất; đẩy mạnh chia sẻ và áp dụng tri thức khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; kết nối hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giữa người nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chương trình còn thúc đẩy phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam. Chương trình sẽ tạo động lực cho phát triển các sản phẩm máy tính, linh kiện, các thiết bị điện, điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; góp phần mở rộng thị trường CNTT, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam; đảm bảo đáp ứng nhu cầu của xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, nông thôn và cộng đồng.

Chương trình hứa hẹn sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”.

Với chủ đề “Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT một năm nhìn lại” và Chương trình “Máy tính nối mạng tri thức”, ngày 07/01/2012, Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo quốc gia nhằm cung cấp thông tin về tình hình một năm triển khai Đề án và dự thảo chương trình máy tính nối mạng tri thức. Tại Hội thảo này Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin và Bộ Thông tin truyền thông mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Chương trình máy tính nối mạng tri thức, và để triển khai thành công các mục tiêu đã đề ra của Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT.

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

20 triệu máy tính bảng - Alan Phan

Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không cần phải nói với thiên hạ là dân tộc Việt Nam anh hùng hay vô địch. Chúng ta sẽ không cần thắc mắc là dân tộc Việt Nam có thông minh khôn ngoan nhất tinh cầu. Chúng ta chỉ cần hãnh diện là thế hệ trẻ sắp tới của chúng ta đã được trao tay chiếc chìa khóa kiến thức của thế kỷ 21.




Một tỷ rưỡi đô la mỗi năm

Ý tưởng bắt đầu từ một câu chuyện về cơ quan xuất bản sách giáo khoa của Bộ Giáo Dục. Một anh bạn trong cuộc cho biết là công ty này và các công ty liên hệ có một doanh thu gần 1.5 tỷ đô la chuyên in sách giáo khoa cho 20 triệu học sinh và 5 triệu sinh viên toàn quốc (không biết có chính xác, nhưng các cú điện thoại cho công ty xuất bản đều rơi vào im lặng).

Nếu thực vậy, cộng thêm với các công ty tư nhân khác, nhà nước và phụ huynh đã chi ra một khoản tiền khá lớn mỗi năm cho mục đích này. Số lượng giấy sử dụng cũng tạo thêm ít nhiều tác hại cho môi trường. Và dù công ty quốc doanh không có lời, mọi người đều biết thu nhập lợi lộc cá nhân cùa các nhân viên cán bộ liên quan cũng không nhỏ. Đây là một rào cản khác về lợi ích trong bài toán phải giải quyết.

Tôi tin rằng với một số lượng học sinh cao đến vậy và phần lớn sách giáo khoa tương đối giống nhau, một thư viện kỹ thuật số trên máy tính chắc là khả thi và tiết kiệm hơn. Nếu đây là một doanh nghiệp tư nhân có nhiêm vụ đào tạo 20 triệu người, thì việc phải làm sẽ rất đơn giản và không cần nhiều thảo luận. Giải pháp sẽ là mua 20 triệu máy tính bảng cho học viên và tải (download) sẵn tất cả tài liệu học tập vào máy.

Với một máy tính bảng có chức năng tương đương như Ipad, giá thị trường cho một đơn đặt hàng lớn như vậy sẽ vào khoảng 140 đô la hay một đầu tư ban đầu là 2.8 tỷ đô la (chỉ bằng nửa tiền đầu tư vào Vinashin). Chỉ trong 2 năm, chúng ta sẽ thu về khoản đầu tư này.

Hiệu quả của đầu tưBây giờ thử ngẫm nghĩ về tác động của việc đầu tư này cho kinh tế và xã hội Việt Nam:
Nếu 20 triệu trẻ em Việt sử dụng máy tính này mỗi ngày kể từ khi em lên 6 tuổi, kỹ năng đã được trau dồi sẽ tuyệt vời như thế nào khi em bước vào giảng đường đại học? Bao nhiêu em sẽ phát huy được những năng khiếu bẩm sinh để trở thành “siêu sao” trong ngành công nghệ thông tin của quốc gia, của thế giới?
Những kiến thức thâu nhặt ngoài sách vở trong học trình sẽ khiến giới giáo viên e dè và không thể không lo cập nhật hóa kiến thức và kỹ năng của riêng mình nếu không muốn bị học trò qua mặt. Đội ngũ thầy cô sẽ bén nhậy và giỏi giang hơn.
Với kiến thức của “đám mây”, đứa trẻ sẽ giúp cha mẹ, bà con, láng giềng tiếp cận với một thế giới đương đại, năng động và đa dạng mỗi ngày và làm đời sống của xã hội thêm văn minh, cởi mở và rộng lượng.
Góc nhìn của một đứa trẻ tiếp xúc mỗi ngày với “ngôi làng toàn cầu” sẽ chín chắn và sâu đậm hơn dù bé sinh ra và lớn lên trong khu đầm lầy hèo lánh của Cà Mau hay rừng núi hoang vu của Mông Cái.
Quan trọng hơn cả là sự san bằng những lợi thế của các trẻ em giàu đang có máy tính và có lẽ nhiều kiến thức về đời sống “ngoài kia” hơn các trẻ em nghèo ở vùng quê. Khi tạo cơ hội cho càc trẻ vùng nông thôn xa xôi, chúng ta sẽ có thêm một ít chất xám mà bao lâu nay, xã hội đã tàn nhẫn bỏ bê.

Góc nhìn tiêu cực

Chắc chắn là sẽ có những tiêu cực đi kèm với động thái này. Nhiều quyền lực sẽ tranh luận về thì giờ mê mệt với game hay chat của các em (tôi lo lắng nhiều hơn về lãng phí và bệnh tật từ thì giờ đi nhậu nhẹt của người lớn). Nhiều nhân vật khác sẽ thắc mắc về sư thu nhập các tin tức lề trái hay những văn hóa tập tục khác truyền thống (tôi lại sợ hơn về cái tư duy già cỗi của thế hệ hiện tại đang làm chúng ta tụt hậu).

Đây là cái giá mà nhiều thế lực bảo thủ không chấp nhận trả, mặc cho bất cứ tiến bộ nào về kinh tế. Nhưng bánh xe tiến hóa sẽ tiếp tục lăn, chậm hay sớm. Trái cấm kiến thức của Adam, khao khát của Eva, là một lực đẩy rất con người, qua ngàn năm nay. Không một lý thuyết, ý thức hệ nào có thể thay đổi mãi định mệnh thiên nhiên của cả một dân tộc.

Lời kêu gọi tiếp tay

Tôi chưa bao giờ lên tiếng “kêu gọi” về bất cứ điều gì cho bất cứ mục đích gì. Hôm nay, tôi sẽ làm một ngoại lệ. Tôi mong được sự tiếp tay của bất cứ ai đồng ý về mục tiêu trên, hãy cất cao tiếng nói và đòi cho được một máy tính bảng “free” cho mọi trẻ em nghèo. Hãy thiết kế một biểu tượng (logo) và in ra cả ngàn áo thun (T-shirts). Tôi sẽ tình nguyện luôn luôn mặc trên người cho đến khi chúng ta tới đích. Hãy truyền gọi biểu tượng này trên khắp các mạng truyền thông, trên các blog và thư từ cá nhân, trên mọi lời nói trao đổi hàng ngày.

“20 TRIỆU MÁY TÍNH BẢNG CHO CÁC EM”

Cùng đầu tư với chánh phủ

Chúng ta hãy giúp chánh phủ một tay. Các gia đình có khả năng hãy tự sắm lấy máy tính cho con em, không cần nhờ vả vào ngân sách. Các cơ quan thiện nguyện trong và ngoài nước chắc chắn sẽ rất hào hứng trong việc hổ trợ chương trình này. Nếu tiền đầu tư bởi chánh phủ không vượt quá 1 tỷ đô la, thì thành công của ý tưởng có nhiều cơ hội thành hiện thực. Thêm vào đó, chúng ta sẽ cam kết là nếu 20 triệu máy này đến tay các em, chúng ta sẽ không bới móc quan chức nào đã ăn tiền hoa hồng của nhà cung cấp. Ích lợi quá lớn cho quốc gia sẽ đặc biệt cho phép một vài nhũng lạm, lãng phí chắc phải xẩy ra.

Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm là khi máy tính đến tay các trẻ em phải lội qua sông để đi học, thì hãy kèm theo một bao bì không thấm nước cho máy.

Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không cần phải nói với thiên hạ là dân tộc Việt Nam anh hùng hay vô địch. Chúng ta sẽ không cần thắc mắc là dân tộc Việt Nam có thông minh khôn ngoan nhất tinh cầu. Chúng ta chỉ cần hãnh diện là thế hệ trẻ sắp tới của chúng ta đã được trao tay chiếc chìa khóa kiến thức của thế kỷ 21.

“20 TRIỆU MÁY TÍNH BẢNG CHO CÁC EM”

(Bài viết đã xuất bản trên Tạp Chí Doanh Nhân số 95 ngày 27/12/2011)

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

15 Dec 2011

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 8 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ. Email của ông là gocnhinalan@gmail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Ts. Alan Phan : ” Tôi như con chó nhỏ lâu lâu sủa gâu gâu”

Alan Phan đang là Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa hoạt động tại Hồng Kông và Thượng Hải. Thế nhưng ở VN, ông được biết đến nhiều không chỉ thông qua các sự kiện hay công việc ông đang làm, mà vì website cá nhân “Góc nhìn Alan” (www.gocnhinalan.com) của ông có những bài viết về kinh tế-xã hội giản dị và dễ hiểu.
Có học vị tiến sĩ, nhưng lối viết của Alan Phan không cao siêu hay kinh viện. Những con số, các tư liệu được ông đưa ra thông qua những trải nghiệm trong công việc, cùng với lối viết hóm hỉnh và rất hay tự trào tự giễu mình tạo nên giọng điệu rất riêng. Cái riêng ấy thú vị nhưng nhiều khi làm cho “Góc nhìn Alan” cũng đầy gai gốc.

* “Góc nhìn Alan” với những bài viết về kinh tế, xã hội. Nhưng ông cũng hay chạm đến những thói đời mà trong đó một Alan Phan của quá khứ cũng từng sa ngã vào đó. Vậy “Góc nhìn Alan” nhìn về chính mình như thế nào?

- Tôi là một người bình thường. Hồi trẻ tôi cũng từng ngông cuồng, cẩu thả, làm tùm lum thứ nhưng sai lầm cũng nhiều, cũng thích khoe khoang và hay bị phê bình. Tuy nhiên ngay từ bé Alan Phan đã từng có một đặc điểm là không bao giờ nói dối, không bịa đặt. Ngay cả nếu có nhân tình mà vợ có hỏi thì cũng thú nhận là có dù sau đó phải chịu hậu quả xấu thế nào đi nữa. Tất nhiên bây giờ Alan Phan ở tuổi 67 đã có những thay đổi nhiều, tính tình trầm tĩnh hơn, sống giản dị hơn, và quan trọng là mỗi ngày tìm một niềm vui để sống tự do. Điều đáng quí nhất là được làm một người tự do.

* Nhưng ông còn đầu tư kinh doanh thì làm sao có thể tự do hoàn toàn như ông muốn được?

- Đúng là thế. Nhưng trên thực tế tôi đã chuyển giao bớt công việc cho lớp trẻ ở Hồng Kông để họ ra quyết định. Ở VN tôi chỉ đầu tư hơn 1 triệu USD nhưng Cty tôi đầu tư vào thua lỗ triên miên. Bây giờ coi như tôi đã được về hưu một nửa thời gian. Cho nên mở website để thỉnh thoảng chia sẻ, coi như là để nói “cho vui” chứ không phải vì nhu cầu giao tiếp để tìm đối tác và kiếm tiền. Chia sẻ các kiến thức, sự trải nghiệm mà mình với giới trẻ là cái thú của tôi. Bây giờ tôi như con chó nhỏ lâu lâu lại sủa gâu gâu cho vui đời.

* Alan Phan vẫn còn một nửa là doanh nhân. Đầu tư tại VN đang gặp thua lỗ nhưng ông lại lo đi hô hào làm chương trình 20 triệu chiếc máy tính bảng cho học sinh. Ngay cả các bộ ngành cũng chỉ dám đưa ra các chương trình 1 triệu chiếc máy tính để bàn hoặc xách tay, thế mà còn khó thực hiện, chứ không phải là 20 triệu chiếc máy tính bảng xa xỉ và xa vời?

- Tôi có gặp vài công ty IT Việt và họ cho biết đang đầu tư nhà máy sản xuất máy tính bảng với mức giá chỉ từ 150-160USD. Tôi nghĩ, nếu chính phủ có bỏ ra 3 tỉ USD làm chương trình này thì cũng không bằng khoản mất cho Vinashin. Nhưng theo tôi kinh phí không nhất thiết do chính phủ chi ra mà có thể do các gia đình và tổ chức xã hội cùng tiếp tay thực hiện.

Chương trình này khó làm theo tôi là do nó đụng chạm đến lợi ích của nhiều nhóm. Thứ nhất là nhóm làm sách giáo khoa vì có máy tính bảng với sách điện tử các em sẽ không cần mua sách giấy nữa. Thứ hai là sự lo ngại các em vào internet nhiều sẽ sinh ra nhiều thắc mắc. Tuy nhiên theo tôi, chương trình này là một đầu tư giá rẻ để tạo ra những thế hệ có đầy đủ các kĩ năng cạnh tranh với nguồn nhân lực của các nước trên thế giới, và phải làm ngay từ bây giờ. Ở VN có vài chục triệu chiếc xe máy, mỗi chiếc giá bình quân cũng 1.000USD. Vậy tại sao chúng ta không đầu tư máy tính bảng giá rẻ cho con em mình học tập. Đây cũng chính là cách đưa thành thị về nông thôn.

* Có vẻ ông đang chủ thuyết đưa thành thị về nông thôn. Nhưng nhìn rộng hơn, muốn nông thôn văn minh hơn thì không chỉ cần có vài triệu hay chục triệu chiếc máy tính bảng, mà cần những chương trình kinh tế xã hội lớn và hiệu quả để thay đổi bộ mặt nông thôn. Người ta sẽ cảm giác có gì hơi cực đoan khi ông cho rằng không nên đầu tư vào ngành đóng tàu hay sản xuất ôtô, mà nên xây dựng ngành chế biến nông sản với các thương hiệu mạnh để ra thế giới?


- Tôi không nói rằng là không nên làm công nghiệp, mà tôi cho rằng nên tập trung làm những gì có lợi thế cạnh tranh. Các ngành nêu trên chúng ta đều không có thế mạnh, từ công nghệ, ngành công nghiệp phụ trợ, vận chuyển, thị trường…Theo tôi, trong những ngành đó, nếu các tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư vào VN thì chúng ta đón chào, nhưng chúng ta không nên bỏ tiền của mình vào.

VN vẫn có thế mạnh truyền thống về nông nghiệp, các loại nông sản của chúng ta khá đa dạng. Nông dân VN nghèo nhưng so với một số quốc gia khác cũng chưa phải là quá nghèo. Chúng ta phát triển mạnh nông nghiệp ở nông thôn, là nhằm đem văn minh thành thị về nông thôn, tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho họ, giúp đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn tốt lên chứ không phải cứ kéo họ ra thành thị sống nhếch nhác, chật chội, túng thiếu trong các khu nhà trọ. Có những quốc gia lấy nông nghiệp làm căn bản như New Zealand, và kinh tế nông nghiệp phát triển rất tốt ngay tại Mỹ và Âu Châu.

* Thế thì theo ông, vấn đề căn bản nhất là cần có thay đổi gì để thực hiện được chiến lược đưa thành thị về nông thôn?

- Vấn đề là tư duy chúng ta còn theo kiểu tiểu nông, tâm lí cứ bám vào cái cũ, kiếm được tí tiền là tự hài lòng. Đó chính là rào cản lớn nhất vì chưa thực sự muốn đổi mới trí tuệ. Tinh thần Việt còn thiếu những khám phá mạo hiểm, dù có thất bại nhưng cũng sẽ có những sáng tạo diệu kì đưa đến thành công. Đây cũng là một cách để xây dựng thương hiệu.

Cà phê Trung Nguyên có tầm nhìn hơn các doanh nghiệp khác nên đã xây dựng được thương hiệu mạnh trong nước. Vinamit khi làm ở Mỹ thất bại họ lại chuyển sang Trung Quốc, giờ đang gặt hái được thành công. Nhưng số doanh nghiệp như vậy còn rất hiếm, đa phần còn lại theo tư duy làm ăn bầy đàn. Thấy người ta lên tivi quảng cáo, hay mời ông lớn đến dự lễ khánh thành, thì cũng cứ thế làm theo và coi như đó là xây dựng thương hiệu. Nhưng thực sự đó chỉ là xây sĩ diện kiểu xu thời. Việc xây dựng thương hiệu phải làm lâu dài, kiên trì và có tính khám phá.

* Nhưng chính ông, thông qua công việc của mình tại Việt Nam hay Trung Quốc cũng nhìn thấy tình trạng chung của không ít DN là không cần tập trung làm thương hiệu nhưng vẫn kiếm bộn nhờ có quan hệ đấy thôi?

- Đây là lối làm ăn còn rất đậm ở Trung Quốc và Việt Nam, chủ yếu dựa vào quan hệ hơn là dựa vào sản phẩm hay thương hiệu DN. Không chỉ là Cty quốc doanh mà Cty tư nhân cũng thế, và nhiều nơi trên thế giới vẫn còn tồn tại mô hình này. Đơn cử như trường hợp các tập đoàn đa quốc lớn trên thế giới (Siemens, Walmart), còn bị điều tra về các hành vi đưa tiền dưới gầm bàn.

Tuy nhiên theo tôi, Trung Quốc đang đi vào thời kì cuối của kinh tế quan hệ. Ông Thủ tướng Ôn Gia Bảo mới đây đã phát biểu rằng, nếu Trung Quốc không ngăn chặn tệ tham nhũng thì trong vài năm tới nữa nó sẽ tàn phá đất nước này. Tôi quen một người bạn làm chủ DN tại VN, khi ngỏ ý mời anh mua vé cho nhân viên tham dự một hội thảo về đầu tư tổng cộng chỉ tốn khoản chục triệu đồng thì anh từ chối vì cho rằng Cty không có khoản chi cho việc này. Thế nhưng anh sẵn sàng tiêu cho một bữa nhậu lên đến vài ngàn USD để tiếp khách. Cũng khó trách anh ta tiêu tiền để giành quan hệ vì có thể anh ta sẽ kiếm được tiền từ những quan hệ ấy.

* Thực tế đang tồn tại như thế nhưng cũng dễ thấy được nguy cơ nền kinh tế thông qua gầm bàn hay bàn nhậu khó mà phát triển bền vững và lành mạnh?

- Qua việc đọc một số báo cáo của các Cty tôi rút ra được vài con số đáng suy ngẫm. Nhiều Cty VN tiêu xài để tiếp khách, giải trí nhiều gấp khoảng 4 lần so với các Cty nước ngoài (chiếm từ 3%-10% doanh thu), nhưng khoản chi cho nghiên cứu và đào tạo lại chỉ bằng 1/10 so với các Cty nước ngoài.

Một khi tài nguyên nguồn lực đều đổ vào quan hệ thì không còn nhiều thời gian đầu tư vào chất lượng sản phẩm, làm thương hiệu hay chăm sóc khách hàng.v.v…Từ kinh tế quan hệ cũng còn sinh ra hệ quả là các sản phẩm hay dịch vụ cứ bị thổi phồng, làm giá. Từ thị trường địa ốc đến chứng khoán, cứ hay nóng lên theo các tin đồn…

* Kinh tế quan hệ không phải chỉ diễn ra giữa DN với DN mà trọng tâm gây nên vấn đề mà dư luận hay đề cập là giữa DN với giới quan chức, sinh ra đưa hối lộ và tham nhũng. Ở góc độ quản lí và hỗ trợ DN, ông đánh giá thế nào về bộ máy hành chính tại VN?

- Theo các số liệu thống kê, chi tiêu công tại VN chiếm đến 33% GDP trong khi tại Thái lan chỉ có 20% và Singapore chỉ có 19%…Ngay cả nước Mỹ, chi tiêu công trong những năm qua đã tăng mạnh từ 14% lên 19% khiến dân phải đóng thuế nhiều hơn và nguồn tài nguyên quốc gia bị lệch lạc. Trong một cuốn sách nhan đề “Why nations fail?” tác giả có lí giải rằng, khi lợi ích kinh tế chỉ tập trung vào một nhóm thiểu số thì không thể kêu gọi được sức mạnh toàn dân. Bộ máy chính quyền càng cồng kềnh thì nền kinh tế càng khập khiễng vì nguồn tài nguyên đổ dồn vào họ càng nhiều.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Báo Lao Động Cuối Tuần ngày 28/4/2012

THẨM HỒNG THỤY thực hiện.

Buôn Mê Thuột: Một chút gì để nhớ - Alan Phan

Nhưng tôi tin họ sẽ thành công. Không một thế lực nào có thể ngăn chặn sự quyết tâm cầu tiến của thế hệ trẻ. Bởi vì thiên nhiên và tuổi trẻ luôn luôn là kẻ chiến thắng sau cùng.

Tôi đến BMT lần đầu vào 1969. Thị trấn nhỏ, nhiều sương mù, những con đường đất đỏ, người dân Ê Đê hiền lành, không khí có chút đìu hiu, thỉnh thỏang bị cắt quãng bởi những tràng đại pháo của các cuộc chiến lẻ tẻ chung quanh. Một anh bạn thơ gọi BMT là Buồn Muôn Thuở. Có lẽ vì ánh mắt long lanh sẵn sàng nhỏ lệ của những tà áo dài trắng e ấp đằng sau những đồi xanh bạt ngàn.

Sau 43 năm, tôi trở lại với một BMT đã trưởng thành (hay già đi). Dân số đã lên khoảng 2 triệu người, phần lớn là những người Kinh xông xáo đến lập nghiệp từ khắp xứ, nhà cửa mọc lên san sát, nhiều dấu hiệu của sung túc (siêu thị, đồ chơi điện máy, quán ăn nhậu, xe cộ…); nhưng vẫn giữ được những nét thanh bình giản dị của một thị trấn nhỏ. Bướm trắng bay đầy trong nắng sớm, tiếng ve sầu vang vọng suốt buổi trưa và chiều mưa Tây Nguyên lành lạnh tâm hồn. Bướm bay tìm ai, ve kêu gọi gì và mưa khóc ngày xưa? Dù thế nào, BMT vẫn là một nơi dễ thương và gợi nhiều cảm xúc.
Vũ Trung Nguyên
Ngày đầu ở BMT, tôi được mời đi thăm dự án “Cụm ngành cà phê” của Trung Nguyên ở E-Tun. Một dự án đem công nghệ mới từ Israel và vài hợp tác quốc tế để gia tăng năng suất cho nông dân. Anh Vũ đã đề xướng và phát động hơn 10 nãm nhưng kết quả vẫn còn lừng chừng. Văn hóa cà phê mà anh đang theo đuổi qua bảo tàng cà phê, làng cà phê và các hoạt động khắp nơi của Trung Nguyên đã khiến tên tuổi anh đồng nghĩa với thủ phủ cà phê này. Đây là một góc cạnh mới mà tôi mới biết, một Đặng Lê Nguyên Vũ kiên trì nhẫn nhục với mục tiêu của mình. Một người bạn khác cho biết là bạn học cũ ở trường Y với Vũ. Vậy Vũ còn là một bác sĩ đã bỏ nghề 15 năm trước để dấn thân vào kinh doanh. Anh khởi nghiệp khiêm tốn với nghề bỏ mối cà phê và phát triển xây dựng đế chế Trung Nguyên hàng đầu ngày nay. Rất đáng phục.
Vườn uơm giống Macadamia
Tôi nói về những loại cây trái đặc thù trên thị trường thế giới mà nông dân Việt có thể trồng với số lượng nhỏ nhưng sẽ đem một lợi tức đáng kể, thay vì bầy đàn theo cà phê hay cao su. Tôi đơn cử một thí dụ về quả macadamia trồng ở Hawaii và Úc với giá trị kinh tế gấp 10 lần đậu phọng. Các bạn trẻ liền liên hệ để tôi thăm viếng một cơ sở ươm giống của anh Tùng và gia đình. Gọi đơn giản là Mắc Ca, anh Tùng và giáo sư Hoàng Hòe đã được cơ quan nông nghiệp Úc hổ trợ để giới thiệu việc trồng Mắc Ca tại Tây Nguyên. Sau 5 năm, cơ sở đã thành công ươm 26 loại cây giống để bán cho nông dân và hy vọng trong 5 năm tới sẽ có hơn 3,000 hectares canh tác Mắc Ca.
Cùng với mô hình công nghệ mới do Trung Nguyên đề xướng, và những sáng tạo về sản phẩm, cũng như cách tiếp cận thị trường qua thương hiệu và giao dịch sàn, đây là hướng đi của chương trình “đem văn minh về cho nông thôn” như tôi vẫn kêu gọi (thay vì đem dân lên các ổ chuột của thành phố lớn). Chắc chắn không phải nông thôn với hình ảnh các ngài “lý trưởng” hống hách bóc lột của những ngày đầu thế kỷ 20; mà là nông thôn hiện đại hiền hòa theo truyền thống cùa Lạc Việt vào thời Internet .
Đại Học Tây Nguyên
Trưa thứ sáu, các đại diện sinh viên đến thăm và cho biết giờ chót chánh quyền tỉnh đã rút giấy phép tổ chức buổi nói chuyện của tôi về tài chánh cá nhân tại Đại Học Tây Nguyên. Một anh bạn nói nguyên nhân có lẽ là do anh ta thông báo có đến hơn 1,200 sinh viên đăng ký tham dự. Sợ một ông già phân tích về hướng nghiệp và kinh tế cho hơn ngàn bạn trẻ? Các bác vẫn thiếu tự tin quá.
Nhưng không hề gì. Kiến thức và tư duy của nhân loại hiện đang nằm trên “đám mây”. Bạn nào muốn nắm bắt để tiến bộ và sáng tạo vẫn là một vụ việc khả thi và dễ dàng. Chỉ tội cho một số anh em (Tiến, Thắng, Bình…) đã vất vả đi từ Saigon lên để mong gặp và nghe “chú”. Phải ghi nhớ tên các anh và đền bù sau vậy.
Hội thảo cà phê
Sáng thứ bẩy, tôi trình bày cùng các nhà đầu tư, các quan chức điều hành sàn cà phê và những doanh nhân, nông dân về tổng quan của một sàn giao dịch hàng hóa đúng chuẩn quốc tế. Tôi tiên đoán là trong 10 năm nữa, sàn hàng hóa sẽ lớn hơn sàn chứng khoán vì những đặc thù của nền kinh tế và suy nghĩ khác biệt của các nhà đầu tư Việt. Muốn hoàn tất mục tiêu này sớm hơn, các quan chức cần thay đổi tư duy về luật lệ và thực thi; cũng như phải nhớ rằng để có thanh khoản cho giao dịch và người chơi; sàn cần sự minh bạch, độc lập và đáp ứng được luật cung cầu tự nhiên của thị trường.
Vài suy nghĩ khi rời BMT
Từ máy bay nhìn xuống những vườn cà phê của BMT, tôi lại nghĩ về cái đồn điền cà phê nhỏ tôi mua ở Costa Rica 22 năm trước. Dù chỉ có 6 hectares và 9 nhân viên, mỗi năm chúng tôi đã thu hoạch hơn 7 tấn mỗi hectare. Tất cả các con đường phía trong đều được trải nhựa hay đá rất ngăn nắp sạch sẽ. Cơ giới được sử dụng tối đa. Hiện nay, nông dân Việt vẫn loay hoay với sản lượng hơn 2.5 tấn mỗi hectare, và cảnh quan của đồn điền cũng như phương thức canh tác vẫn không khác gì thời Pháp thuộc. Anh Vũ Trung Nguyên và các chuyên gia Do thái đang khuyến khích việc tưới cây và cho phân bón nhỏ giọt vào từng gốc, nhưng chưa được đáp ứng. Trong khi đó, năm 1972, chúng tôi đã giới thiệu kỹ thuật này cho các nhà vườn trái cây quanh Biên Hòa.
Tôi cũng thắc mắc là dù với đất đai rộng rãi, người dân vẫn xây nhà sát nhau, không quy hoạch, ngay ngoài mặt lộ để “vui hưởng” khói bụi và tiếng ồn? Ai đã thăm các vùng nông thôn Âu Mỹ luôn phải trầm trồ về những biệt thự lớn rộng,với những khu vườn mênh mông hoa trái và cảnh thái thanh bình của thiên nhiên bao quanh. Họ đã sống như vậy cả hai, ba trăm năm trước, khi thế giới còn rất nghèo đói về vật liệu xây dựng cũng như số lương kiến trúc sư. Văn hóa có thể giải thích điều này?
Nhưng nói chung, người dân và môi trường sinh thái của BMT vẫn gây nhiều ấn tượng. Cùng nhau, họ đang tự khám phá mình và tìm hướng phát triển hài hòa. Trong khi các thế hệ cha anh đã phá rừng đập núi để bán tháo những tài nguyên thiên nhiên, thì một lớp trẻ khác như chị Loan, anh Chiến…đang nổ lực khắc phục và tái tạo môi trường với sự giúp sức của các nhà nghiên cứu nông nghiệp trong và ngoài nước. Trong khi các quan chức vẫn bo bo ôm lấy đống kiến thức thời tiền chiến (1945), thì các anh chị em sinh viên đang tìm tòi học hỏi về thế kỷ 21 của công nghệ số với một tâm huyết vượt xa các bạn đồng môn ở những thành phố lớn. Họ sẽ phải đối diện với rất nhiều rào cản đóng khung trong một tâm trạng ù lì của giới còn quyền lực.

Nhưng tôi tin họ sẽ thành công. Không một thế lực nào có thể ngăn chặn sự quyết tâm cầu tiến của thế hệ trẻ. Bởi vì thiên nhiên và tuổi trẻ luôn luôn là kẻ chiến thắng sau cùng.

T/S Alan Phan

15/4/2012

T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Trai nghèo là trai bất tài !

Đàn ông mà không đi xe xịn, không mời được bạn gái vào nhà hàng sang trọng ít nhất một lần trong đời, không có tiền mà lo xông xênh cho vợ con thì đừng nói với mình rằng đó là đàn ông đích thực! 

8-3 vừa rồi, các nàng xinh xinh ở công ty xúng xính khoe nhau quà các chàng đã tặng. Nhiều anh ở văn phòng cứ liếc xéo liếc nghiêng, thỉnh thoảng trề môi khinh bỉ “thằng tình địch đó nó chỉ có tiền chứ đầu rỗng tuếch”! Còn mấy chị “hội người cao tuổi”, cứ chép môi “quà tặng vật chất thì chưa chắc đã hay. Đã có tấm lòng thì cái e-card không cũng cảm động lắm rồi”.


Mình thấy thương thương các lão ấy cứ AQ, vì thật tâm mình tin chẳng có anh nào giàu mà đầu óc rỗng tuếch cả. Thực chất các anh nhiều tiền là do họ luôn nhạy cảm thị trường, biết nắm bắt cơ hội nhanh, quan hệ rộng rãi và tất cả các kiến thức có trong đầu được chuyển hóa hết thành tiền.

Trong khi những anh thạc sỹ, tiến sỹ có khi cả xấp bằng, nhưng chẳng có cái gì chuyển được thành thứ nhìn được, tiêu được!

Còn các chị, có thật các chị nghĩ vậy không? Nếu vẫn còn xuân xanh, xinh đẹp và thông minh, lại học cao biết rộng, các chị có chắc là mình không “rung rinh” với các món quà đắt tiền, với cách chiều chuộng cực kỳ phóng khoáng của một chàng nhà giàu nào đó trong mớ đang theo đuổi, mà chỉ chăm chăm tìm tấm lòng trong những lời tặng trên thiệp hay không?

Nếu có người thật lòng chỉ chọn “tấm lòng” như thế thật thì có lẽ nó chỉ tồn tại ở mấy chị 7x đời cuối mơ mộng và quá lứa mà thôi. Thử hỏi chọn mấy anh đấy làm chồng thì tã giấy hay sữa cho con sau này chắc cũng “ảo” được như ecard đấy nhỉ?

3 loại đàn ông bất tài

Theo mình quan sát, có ba loại đàn ông bất tài.

Loại thứ nhất, rõ ràng nhất là những chàng sau bao năm mà vẫn không có gì trong tay, chẳng có gì trong óc và cóc có gì trong túi. Chạy xe lọc cọc, quần áo xuềnh xoàng, lương tháng thường xuyên chỉ đủ xài đến hết ngày 25, cơm thì chỉ dám ghé chỗ quán bụi. Dạng này thì chị em mình nên tránh xa từ tám kiếp chẳng nên nói đến, dính vào các trai này dù có được cái “mẻ ngoài” kéo lại thì cũng chả để làm gì. Nghèo rớt mùng tơi là chuyện dĩ nhiên không còn gì bàn cãi.

Loại thứ hai là nhiều kiến thức trong đầu nhưng cũng chỉ để “chém gió” cho vui. Loại bất tài này đáng sợ nhất vì họ suốt ngày che giấu sự bất tài của mình và được vô số người bênh vực rằng chỉ vì họ “thiếu may mắn” mà thôi!
Loại thứ ba là những trai giàu “nhà có điều kiện”. Những cậu này được may mắn thừa kế gia tài do cha mẹ để lại, có sẵn cơ sở kinh doanh… nhưng không biết giữ và phát triển, chỉ ăn tiêu phá của, vung tiền qua cửa sổ cho gái bu quanh… Dạng này nói thực cũng chỉ là bất tài mà thôi, chẳng khá khẩm gì.

Chả có tiền nào bẩn!

Nhiều anh và cả chị viết blog thương bọn Lexus co chân lên ghế khi uống café trong quán sang, phỉ nhổ bọn nhà giàu là do tiền “bẩn”, chả có văn hóa, chỉ lươn lẹo và cơ hội, tận dụng quan hệ mà có tiền chứ tài cán gì.

Theo mình thì chỉ có 3 loại tiền, tiền xu, tiền cotton và polymer, và không có loại nào là bẩn cả. Mình thấy anh đi xe hơi nào cũng sạch sẽ, lịch sự, áo tuyệt nhiên không có mùi mồ hôi dầu. Mình cũng thấy họ mở cửa xe và nhường đường cho phụ nữ. Họ ăn uống cũng từ tốn, đặt cái ly xuống bàn cũng thấy đầy tinh tế và lãng mạn. Giày họ đi và cái bút họ ký long lanh hoa tuyết (*) cũng đều đẹp.

Họ lươn lẹo, kiếm tiền bằng chụp giựt, bằng quan hệ… bằng kiểu gì gì đi nữa cũng là nhờ sự khôn ngoan và sáng tạo cả thôi. Thử hỏi không khôn ngoan, khéo ứng xử thì làm sao có quan hệ mà “lợi dụng”?

Hơn nữa, đã là kẻ có tài thì bất kỳ ngành gì, nghề gì thì đều có thể tận dụng để trở thành chuyên gia, nhà tư vấn chuyên môn… kiểu gì cũng kiếm tiền tốt! Chẳng hạn như các bác đạo diễn đi làm giám khảo cho các gameshow truyền hình cũng catse cao ngất đó thôi!

Chẳng biết khi nào dân ta mới bỏ kiểu chụp mũ bảo dân giàu có thừa tiền thường là tiền bẩn. Theo mình muốn giàu, muốn có tiền thì người giàu cũng phải bỏ công ra như ai. Cũng cùng một công như người khác, mà họ kiếm được nhiều tiền hơn, là họ có tài hơn còn gì!!

ANH THƯ
(*) Giải thích: bút hiệu MontBlanc

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Giải pháp “Giấu bụi dưới thảm” - Alan Phan

Nhờ vài viên aspirin, bệnh nhân đã quay lại sở làm việc, nhưng cái ung thư trong gan ruột vẫn chờ ngày giải phẩu. Đây là chiến thuật mà người phương Tây gọi là “giấu bụi dưới thảm” (swept under the rug) hay “đá cái thùng (rác) xuống cuối đường” (kick the (trash) can down the road). Tạm ổn, nhưng một ngày nào đó, trong nhiệm kỳ mới, có lẽ một người nào khác sẽ phải làm cái việc dơ bẩn là hốt bụi hay đổ rác.

Một chuyên gia kinh tế Việt hưng phấn bảo tôi,” Mọi vấn đề về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản sẽ được chánh phủ giải quyết xong trước tháng 8 năm nay. Tất cả thị trường tài chánh sẽ phục hồi và sẽ lập đỉnh cao mới trong 2013. Lãi suất và lạm phát sẽ giảm xuống dưới 9%, cán cân thương mại sẽ cân bằng và ngân sách sẽ ổn định”. Hallelujah (Lạy Chúa tôi) !!! Phép mầu đã hiện ra, mà không cần một cuộc hành hương nào.

Giải pháp của Mỹ

Tôi gọi nó là một phép mầu vì hiện tượng này sẽ đi ngược lại tất cả nguyên lý về kinh tế tài chánh mà tôi được học. Chắc tại mình học chưa đủ? Nhưng dù sao, nó cũng đã được áp dụng khá thành công tại Mỹ khi Cục Dự Trữ Liên Bang (Fed) bơm tiền cứu các ngân hàng, bắt đầu với gói QE 1 vào 2008, và liên tục in tiền với QE 2 và sắp cho ra QE 3 trong vài tháng tới. Thường thì khi in tiền, lạm phát và lãi suất sẽ gia tăng vì lượng cung của trái phiếu tràn ngập. Tuy nhiên, với sự suy thoái về nhu cầu tiêu dùng và mức độ thất nghiệp; cùng với số lượng tiền khổng lồ đang được các nhà đầu tư thế giới nắm giữ (nhất là Trung Quốc và Nhật Bản), thị trường chấp nhận dễ dàng lãi suất thấp (gần như zero) từ trái phiếu chánh phủ vì sự vững chắc của đồng đô la Mỹ giữa những biến động nguy hiểm của tình thế.

Kết quả là Fed đã cứu được hệ thống ngân hàng mà không phải trả giá bằng lạm phát và lãi suất. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ đã tiếp tục trì trệ suốt 3 năm qua vì tiền các ngân hàng nhận được đã không đem cho doanh nghiệp vay lại vì nợ xấu và rủi ro vẫn còn cao. Họ giữ tiền cứu trợ để mua trái phiếu của các chánh phủ cho an toàn và hạnh phúc với số tiền lời khủng qua sai biệt về lãi suất mua và bán.

Cuối cùng, nhờ sự năng động của nền kinh tế thị trường và những sáng tạo của tầng lớp doanh nhân trẻ, nền kinh tế Mỹ cho thấy vài tín hiệu của sự hồi phục vào giữa năm nay. Nhưng ngoài điểm sáng này, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, giá địa ốc vẫn suy giảm, nợ công và tư vẫn đầm đìa và lạm phát vẫn là một đe dọa qua giá dầu và lãi suất. Nói tóm lại, nhờ vài viên aspirin, bệnh nhân đã quay lại sở làm việc, nhưng cái ung thư trong gan ruột vẫn chờ ngày giải phẩu.

Đây là chiến thuật mà người phương Tây gọi là “giấu bụi dưới thảm” (swept under the rug) hay “đá cái thùng (rác) xuống cuối đường” (kick the (trash) can down the road). Tạm ổn, nhưng một ngày nào đó, trong nhiệm kỳ mới, có lẽ một người nào khác sẽ phải làm cái việc dơ bẩn là hốt bụi hay đổ rác.

Ứng dụng cho Việt Nam

Câu hỏi kế tiếp là Mỹ nó làm được thế thì tại sao Việt Nam không bắt chước mà áp dụng giải pháp tương tự? Dĩ nhiên, chánh phủ Việt Nam đang áp dụng chính sách này và cũng có cơ may thành công như chánh phủ Mỹ. Tuy nhiên, có 5 sự khác biệt khá sâu rộng giữa hai nền kinh tế.
Trước hết, dù chịu nhiều thách thức, đồng đô la vẫn là bản vị chính trong các thanh toán quốc tế. Sự sụt giảm tỷ giá đồng đô la sẽ khiến các dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore…mất giá trị nhanh chóng. Các nhà cầm quyền nơi đây đã làm đủ cách để giúp Mỹ và giúp chính họ giữ sự bình ổn. Không ai quan tâm đến đồng Việt Nam.
Nền kinh tế Mỹ phần lớn vẫn dựa trên vận hành thị trường, với những doanh nghiệp tư nhân năng động, sáng tạo và mạo hiểm. Nhiều nhà sáng lập các doanh nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế là những di dân từ Á Châu, Đông Âu…với mộng ước xây dựng những sự nghiệp lớn lao trên sân chơi lớn nhất toàn cầu. Trong khi đó, đầu tàu của kinh tế Việt vẫn là những doanh nghiệp nhà nước, với sự bảo bọc của đặc quyền, đặc lợi.
Doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn chiến đấu bền bỉ trong trận bão hiện nay. Tuy nhiên, đối diện với lãi suất trên 20%, lạm phát thực sự hơn 15% và tỷ giá USD thấp hơn 16% giá trị thực của tiền đồng; các doanh nghiệp này chịu quá nhiều gánh nặng để cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và ngay cả nội địa so với hàng Trung Quốc. Trong khi đó, doanh nhân Mỹ chỉ chịu lãi suất khoảng 6%, lạm phát 2%; nên sự hồi phục xẩy ra nhanh chóng hơn.
Thêm vào đó, đầu tư FDI và FII vào Mỹ lại gia tăng trong các khủng hoảng kinh tế toàn cầu vì sự ổn định và minh bạch của cơ chế quản lý. Các suy giảm về FDI và FII cho Việt Nam là những tín hiệu ngược lại.
Trong khủng hoảng tài chánh năm 2008 do nợ xấu từ suy sụp của giá bất động sản, các ngân hàng Mỹ đã công khai các số liệu và tình trạng các sản phẩm tài chánh để chánh phủ Mỹ và các nhà đầu tư có thể đánh giá (stress test) khả năng sinh tồn của mình. Nhiều định chế hàng đầu như Lehman Bros hay Countrywide…phải phá sản và nhiều ngân hàng hay hãng bảo hiểm siêu cấp phải bán đi phần lớn vốn cho các nhà đầu tư mới, kể cả chánh phủ. Mọi biện pháp của chánh phủ Việt Nam và các nhóm sở hữu ngân hàng vẫn diễn ra sau bức màn tre, nên không ai bên ngoài có thể tiên đoán bất cứ điều gì về vấn đề hay diễn biến.

Liệu Việt Nam có thành công (dù tạm bợ) như Mỹ trong bài toán kinh tế hiện tại? Chánh phủ thì khá tự tin, giống như quản lý EVN vừa bảo đảm là những rò rỉ của đập thủy điện sông Tranh không nhằm nhò gì. Theo kinh nghiệm sống ở nhiều quốc gia đang phát triển, các quan chức càng tự tin thì tôi càng lo.

Cách đây một năm, tôi lấy tàu hỏa cao tốc mới xây của Trung Quốc đi từ Thượng Hải đến Bắc Kinh. Tôi đùa hỏi ông quản lý đoàn xe là ông chắc không có sự cố gì chứ? Ông bảo anh hãy tin vào công nghệ cấp tiến chất lượng của Trung Quốc đi. Chúng tôi đang chiếm lĩnh vị trí số một về tàu cao tốc trên thế giới. Chỉ 3 tuần sau, đoàn tàu đó bị trật rầy ở Wenzhou, khiến hơn 50 người thiệt mạng (con số chính xác vẫn bị giấu).

Các vị quản lý có thể đúng đến 80% về xác suất. Nhưng nếu tôi có một căn nhà ở phía dưới đập, tôi sẽ dọn đi để ngủ ngon hơn. Và chắc chắn sẽ tránh xa các đoàn tàu cao tốc ở Trung Quốc.

Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

22 March 2012

(Bài đã xuất bản trên Vietnamnet ngày 26/3/2012)

T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.Facebook: https://www.facebook.com/gocnhinalan

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Tiền - Alan Phan

Chuyên đề chia sẻ với sinh viên  - KIẾM TIỀN NHIỀU HAY KHÔNG LÀ Ở Ý TƯỞNG!

Cùng trò chuyện với Tiến sĩ Alan Phan – một doanh nhân triệu phú bắt đầu chỉ với… 600$ trong túi trên đất Mĩ. Ông từng làm việc ở các ngân hàng lớn và phố Wall, rồi một tay gầy dựng nên tập đoàn Harcourt được định giá đến 670 triệu đô la trên sàn chứng khoán Mĩ vào năm 1999. Đến nay, ông đang là chủ tịch của quỹ đầu tư gia đình Viasa có số vốn đến 78 triệu đô la, cổ đông của một số công ty Mĩ và Trung Quốc. Ông cũng là chuyên gia tư vấn cho các tập đoàn Quốc tế về thị trường mới nổi – như Việt Nam.……….

“Nếu có quyền, tôi sẽ bắt mọi học giả thi lại các kiến thức mỗi 5 năm, nếu không thì mất bằng, kể cả các bậc Tiến Sĩ, Giáo Sư. Theo đúng luật chơi này, cá nhân tôi chắc đã mất hết các bằng cấp lâu rồi.” (Alan Phan)

…………..


1. Tiến sĩ có thể đưa quan điểm của mình về tiền? Có thể hiểu hay nghĩ về nó như thế nào để “điều khiển” nó một cách nhẹ nhàng?

Nó chỉ là 1 phương tiện, tùy người và tùy mục đích sử dụng. Vấn đề chính là đừng nên đặt nặng vai trò của tiền mà hãy tập trung tư duy về mục tiêu sử dụng.

Tất nhiên không thể phủ nhận dù yêu hay ghét tiền thì ai cũng cần tiền để thỏa mãn ham muốn – mà tôi gọi là dùng để mua “đồ chơi”. Nhưng nếu muốn mọi chuyện “nhẹ nhàng”, hãy nghĩ về mục tiêu – nó thực tế hơn.

2. Chúng ta nên học cách dùng tiền từ bao giờ? Nếu không có một “môn học”, hay thậm chí không được quan tâm dạy dỗ từ phía gia đình, làm thế nào để học cách dùng tiền? Kinh nghiệm của Tiến sĩ trong chuyện này?


Thực tế là kể cả bên Mĩ thì thanh niên cũng không được học nhiều về tiền. Các thấy cô, kể cả ở đại học cũng không chắc là hiểu nhiều về tiền, cũng như trong gia đình. Vì vậy, học cách quản trị đồng tiền – trước hết để không bị mất tiền – chỉ có tự học. Các bạn trẻ bây giờ có internet nên kiến thức không thiếu, chỉ sợ lười không tìm đọc mà thôi. Hãy search những bài viết về tiền, ở nhiều góc độ, chứ đừng chỉ tìm những bài viết có cùng quan điểm cá nhân. Về mọi thứ kể cả tiền, chúng ta sẽ học đầy đủ hơn nếu nhìn từ nhiều góc cạnh. Biết đâu khi suy ngẫm một quan điểm khác, bạn sẽ học được cái đúng nhất?

Thời mới lớn của tôi là những thập niên cuối 50, đầu 60 và dĩ nhiên là tôi cũng được “hấp thụ” tư tưởng bình đẳng xã hội của các triết gia phe tả. Tuy nhiên sau này, khi đã trải nghiệm lâu trên thương trường thì tôi nghiệm ra không có xã hội bình đẳng – “xã hội phẳng” – mà chỉ có xã hội công bằng. Tức là trong một cuộc chơi, sẽ có người thắng và kẻ thua chứ không có cả 2 đội cùng thắng. Nhưng xã hội công bằng sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng – và kết quả là sự thể hiện chính xác của khả năng và may mắn. Còn sự bình đẳng của xã hội – nơi mà ai cũng giống ai, không có kẻ thắng và người thua thì chẳng có cạnh tranh, không có cơ hội và theo lẽ thường là không thể phát triển. Đó chỉ là sự mơ mộng hoang tưởng của một số người.

3. Rất nhiều bạn trẻ hiện nay – dù đi học được gia đình chu cấp hay làm thêm thì luôn cảm thấy thiếu thốn đồng tiền. Tiến sĩ cũng từng nói: “Không ai cảm thấy có đủ tiền, kể cả người giàu nhất thế giới như Carlos Slim.”. Tiến sĩ có thể nói rõ hơn quan điểm này cũng như đưa ra chia sẻ hay lời khuyên nào cho việc này?

Lòng tham là vô đáy, tôi chỉ có thể nói rằng hãy hiểu rõ mục đích và nhu cầu của mình thì sẽ quản trị được đồng tiền và khiến bản thân “dễ thở” hơn thôi.

4. Với một bạn trẻ không có đủ tiền học thì Tiến sĩ có gợi ý, lời khuyên gì để kiếm tiền – cách thuyết phục phụ huynh, nhà đầu tư khác hay những hình thức tự kiếm tiền?

Tôi nhớ có một cô bé đã từng xin tôi đầu tư 1 năm 25.000 đô la Mĩ để học Đại học bên đó, vì gia đình chỉ có thể lo 5.000$ đô la. Trong khi đó, với những chương trình học online cũng rất tốt mà tôi được biết thì chỉ cần bỏ ra 1/10 số tiền. Cái chính ở đây là sự quyết tâm và ý chí. Dù qua bên Mĩ hay ở Việt Nam thì cũng cần những cái đó để thành công.

Chuyện này cũng thấy rằng các bạn trẻ đang nhìn mọi thứ rất thiếu sáng tạo. Tôi nhận thấy nhiều bạn trẻ Việt hiện nay đang đi theo một “lối mòn” – tức là nhìn và giải quyết sự việc quá cứng nhắc theo quy tắc giống như các bậc cha ông. Như ví dụ trên, không cần học bổng, cô bé có thể học với số tiền rất rẻ ngay tại đây cũng với chừng đó kiến thức. Còn nếu cứ đâm đầu sang Mĩ, khó khăn sẽ gấp bội, và sự bỏ cuộc giữa chừng dễ xẩy ra hơn nhiều.

Một doanh nhân thiếu sáng tạo khi khởi nghiệp sẽ cực nguy hiểm, vì anh ta chỉ chỉ đâm đầu đi tìm đúng số tiền mình nghĩ là cần, chứ không nhìn được những giải pháp khác, hay những cách làm hiệu quả khác để tạo vốn.

Trong câu hỏi của bạn, chúng ta có thể nghĩ rộng ra nhiều hướng khác chăng?

5. Có một tỉ phú đã nói rằng: “Không có trường dạy kinh doanh, chỉ có trường đời.”. Tiến sĩ nghĩ sao về câu nói này?

Tôi nghĩ nó cũng hơi quá đáng, thực ra thì học ở đâu cũng là học cả, tự học, đọc sách vở, internet, đến trường, v…v… Nhưng thực ra kiến thức thì bao quát, nên quan trọng là hiểu rõ mục tiêu để có giải pháp tương ứng.

6. Có nguyên tắc trong đầu tư là “rủi ro tỉ lệ thuận với lợi nhuận”. Thực tế là rất nhiều người thành công như Steve Jobs, Bill Gates hay Mark Zukerberg đều bỏ ngang trường đại học và là động lực cũng như thần tượng của nhiều bạn trẻ. Nhưng đồng thời cũng có ý kiến: tiền tạo ra tiền. Quan điểm số đông cũng là: trở thành một người “danh giá” và giàu có, hơn là một doanh nhân không bằng cấp. Tiến sĩ có thể chia sẻ suy nghĩ, khi chính ông cũng từng nói: “Hãy hiểu thật rõ về niềm đam mê của mình thì bạn sẽ kiếm được tiền.”?

Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của các bạn trẻ là không biết mình muốn gì. Khi con thứ nhất của tôi học đại học, nó hỏi: “Cha muốn con làm gì?”. Tôi nói cha muốn con thành công và hạnh phúc. Hãy tự quyết định cuộc đời con – bắt đầu từ thứ con đam mê nhất. Vì con sẽ phải sống và làm việc đến 2/3 cuộc đời còn lại nên đừng biến nó thành công việc mà hãy biến nó thành sở thích. Tôi khuyên con viết tất cả mọi thứ con quan tâm ra tờ giấy trắng và lựa chọn 1 sở thích duy nhất. Con thứ hai của tôi thì ngược lại. Nó có quá nhiều sở thích. Tôi cho nó ít tiền và bảo đi tắm biển, bỏ hết đồ công nghệ, điện tử ở nhà đi – vì tôi muốn nó tĩnh tâm hoàn toàn. Sau đó, nó viết ra giấy mọi thứ nó muốn và thích làm, rồi cũng lựa chọn.

Tiếp tục với câu hỏi này, tôi thấy nhiều bạn đang lầm lẫn kiến thức với bằng cấp – hai thứ hoàn toàn khác nhau. Theo tôi, sinh viên đi học xong 4, 5 năm thì nên vứt luôn tấm bằng đi. Kiến thức hiện nay phát triển rất nhanh, nếu bạn không học, không cập nhật mỗi ngày, thì bạn sẽ tụt hậu thảm hại về kiến thức. Các bằng cấp tôi có đều là từ chục năm trước. Tôi đã quên tất cả kiến thức đã đem đến cho tôi các bằng cấp đó. Nếu có quyền, tôi sẽ bắt mọi học giả thi lại các kiến thức mỗi 5 năm, nếu không thì mất bằng, kể cả các bậc Tiến Sĩ, Giáo Sư. Theo đúng luật chơi này, cá nhân tôi chắc đã mất hết các bằng cấp lâu rồi.

Tôi đánh giá cao sự đóng góp của giáo dục, nhưng kiến thức hàn lâm không ứng dụng nhiều vào kinh doanh thực tế được. Vì vậy mà bên Mĩ họ có 1 câu: “Nếu làm không được thì đi dạy”. Tức là bằng cấp học thuật sẽ giúp bạn phát triển khi bạn nghiên cứu, giảng dạy, còn trong kinh doanh thì không.

7. Những người thành công đang trẻ dần là xu hướng chung của thế giới không ngoại trừ Việt Nam, và lượng các bạn trẻ thử sức khởi nghiệp sớm không còn hiếm. Vậy Tiến sĩ có lời khuyên hay chỉ dẫn gì?

Quan trọng là hãy nhìn xem mình đã đủ quyết tâm, ý chí và kiên nhẫn chưa. Có kế hoạch kinh doanh rõ rang bài bản chưa? Nếu có, bạn sẽ có một lợi thế cạnh tranh rất tốt vì hiện nay, nhiều bạn trẻ đang thiếu sáng tạo, lười suy nghĩ, thích ăn nhậu, hưởng thụ và ham chơi. Toàn đối thủ như vậy thì quá tốt cho cơ hội của bạn, đúng không?

Hãy tìm những lợi thế cạnh tranh của mình, và phát huy nó tối đa. Thế thôi.

8. Có một số ý kiến cho rằng: các bạn trẻ Việt Nam đang thích làm chủ quá sớm trước khi bỏ thời gian làm thuê đề chà xát, học hỏi kinh nghiệm. Vì vậy mà các doanh nghiệp nhỏ thì quá nhiều mà thương hiệu quốc tế thì không có do chẳng ai thích làm thuê.

Mỗi người một sở thích, nhưng điều tôi lưu ý là nếu bạn chỉ làm nhỏ thì bạn sẽ khó có cơ hội phát triển ra biển lớn. Trải nghiệm bạn thu thập sau khi làm việc với một doanh nghiệp lớn là điểm xuất phát khi khởi nghiệp sẽ có quy mô tầm cỡ lớn hơn.

9. Một bất lợi của tuổi trẻ là…trẻ tuổi. Lời khuyên của Tiến sĩ cho các bạn để có thể được xem như một “doanh nhân” nghiêm túc khi làm việc?

Điều này ai cũng phải vượt qua cả, tôi cũng thế. Vấn đề là hãy xem hiệu năng (hiệu quả và năng suất – PV) công việc của mình. Bạn đã làm nhanh, làm tốt hơn người khác chưa?


10. Cách khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng hoặc số vốn rất thấp? Làm thế nào để xoay vốn hay tìm những nhà đầu tư phù hợp? Tiến sĩ có thể chia sẻ những tổ chức/trang web/cộng đồng hữu ích cho bạn trẻ khởi nghiệp?

Có quá nhiều sách, tư liệu về đề tài này, hãy tìm đọc hết thì bạn sẽ biết. Tuy nhiên, đừng nói thiếu tiền, vì thực sự, trên thương trường chỉ thiếu ý tưởng mà thôi. Trên thế giới mỗi ngày có 400 đến 500 ngản tỉ đô la lưu thông, các quỹ đầu tư lớn ở Việt Nam vẫn loay hoay lo giải ngân cả vài trăm triệu đô. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt đang hoạt động thì thiếu minh bạch theo chuẩn mực quốc tế và các dự án mới thì khá nghèo nàn về ý tưởng sáng tạo với những quản lý không có kinh nghiệm,

Nếu bạn thấy cà phê Highlands thành công, bạn muốn làm một chuỗi tiệm tương tự, vậy sao tôi phải đầu tư cho bạn? Tôi thà rót tiền vào Highlands, vì họ đã có kinh nghiệm và vị trí sẵn.

Nếu muốn tìm, hãy search chữ “venture capital” và đọc.

Nếu muốn có tiền, bạn phải chắc chắn là sản phẩm/dịch vụ của bạn phải thật sáng tạo và hơn tất cả các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Làm một dự án bài bản. Tôi gợi ý phần mềm Business Plan Pro, bạn có thể tìm mua trên mạng với giá rất ổn. Phần mềm này có đầy đủ những gì bạn cần và rất dễ sử dụng.

Bản thân bạn trẻ cũng có thể tìm những người đã có kinh nghiệm nhất định để mời họ cùng nằm trong ban điều hành và chia cổ phần cho họ. Điều này sẽ tạo niềm tin nhiều hơn cho các nhà đầu tư.

11. Cái gì tạo ra tiền?

Ý tưởng.

12. Sai lầm khi kiếm tiền và dùng tiền khi trẻ là…

Nghĩ quá nhiều về tiền chứ không phải cái tạo ra tiền. Hormone – tiêu tiền theo “ý kiến” của nó.

13. Một thói quen để trở nên giàu có?

Làm việc và chấp nhận thất bại.

14. Người trẻ đầu tư cái gì để có lời nhất?

Chính bản thân mình, từ phần đầu trở lên là cả triệu tỉ. Bạn chỉ kiếm được tối đa mười mấy đô/giờ với phần từ cằm trở xuống.

15. Cuốn sách phải có?

Không có. Tôi đọc quá nhiều. Bạn cũng nên như vậy.

16. Việc đầu tiên phải làm khi có dư tiền?

Làm thứ mình thích nhất.

17. Bài học đầu tiên để khởi nghiệp thành công?

Thất bại. Nó là bạn tốt nhất.

Xin chân thành cám ơn Tiến sĩ và chúc Tiến sĩ mọi điều tốt đẹp nhất!

NGUYỆT ÁNH

BÁO SINH VIÊN VIỆT NAM