Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Tiến sỹ Alan Phan: “Năm nay nhiều người mất tiền, nhiều người kiếm tiền”

(Dân trí) – “2012 sẽ là năm của M&A, là cơ hội để các nhà đầu tư “săn mồi”. Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài hứng thú với những công ty tăng trưởng nhanh, có sức đột phá, có thương hiệu tốt.” – Tiến sỹ Alan Phan – Chủ tịch quỹ đầu tư VIASA khẳng định.Là một trong những chuyên gia tư vấn kinh tế được đánh giá cao ở nước ngoài cũng như trong nước, doanh nhân việt kiều – Tiến sỹ Alan Phan đã có cuộc chia sẻ với báo Dân trí xung quanh vấn đề mua bán - sáp nhập (M&A) hiện nay tại Việt Nam.

1 – Nghe nói ông vừa có một phát ngôn gây “rúng động” đó là: “Năm 2012 là năm tuyệt vời để kinh doanh”. Điều này khiến không ít người hoài nghi về việc liệu đây có phải là cách để ông gây sự chú ý. Ông nghĩ sao?

Thực tình, tôi đã nói từ cách đây 2 năm là kinh tế Việt sẽ đi vào bão táp và mọi doanh nghiệp phải chuẩn bị để vượt bão. Tôi cũng nói thêm 2012 là khởi đầu của một chu kỳ mới mà sự thay bậc đổi ngôi về tài sản, về ngành nghề kinh doanh, về nguồn vốn đầu tư…sẽ khiến nhiều người mất tiền và nhiều người kiếm tiền. Nếu tôi là một doanh nhân chưa “thành đạt” thì đây sẽ là cơ hội mới mẻ và hứng thú cho tôi. Chắc chắn nó sẽ rất tuyệt vời. Và dĩ nhiên sẽ thảm hại cho những đại gia đang giàu nhờ đòn bẫy tài chánh, nhờ quan hệ không chính thống, đang kinh doanh trong những ngành nghề như bất động sản, công nghệ xưa cũ…

Tiến sỹ Alan Phan

2 – Với vai trò là chủ tịch quỹ đầu tư VIASA đồng thời là chuyên gia tư vấn về Emerging Markets cho nhiều tập đoàn đa quốc gia, ông nhận định thế nào về những lĩnh vực có thể mang lại cơ hội tuyệt vời ấy cho giới doanh nhân. Và theo ông, đâu là những điểm nhắm mà quỹ đầu tư VIASA đang hướng tới? Vì sao? Xin ông kể tên một vài thương vụ đã hoặc đang đàm phán của VIASA để chứng minh cho nhận định này(nếu có thể)

Có những ngành nghề mà nhu cầu rất cao, chỉ cần chút sáng tạo về điều hành là có thể xây thương hiệu bền vững. Tôi có thể kể đến y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, du lịch, tài chánh và các hàng tiêu dùng hay nông hải sản có thương hiệu.

Hiện quỹ Viasa đang đàm phán với 3 đối tác để đầu tư vào công ty của họ. Chúng tôi sẽ công bố chi tiết khi hoàn tất vụ việc.

3 - Qua một số kênh thông tin, được biết, ông cũng là người đã cho rằng các công ty tăng trưởng nhanh tại Việt Nam đang trở thành mục tiêu của các quỹ đầu tư hay doanh nghiệp trong và ngoài nước mua lại? Xin hỏi điều này có đúng không và xin ông cho biết lý do? (vì sao lại không phải là những công ty lớn?)

Những công ty lớn tại Việt Nam thường là những doanh nghiệp nhà nước hay liên quan đến cổ phần do nhà nước kiểm soát. Phi vụ M&A sẽ mất rất nhiều thời gian và những lobby chính trị. Chỉ có những định chế lớn cần thị phần ở Viêt Nam trên căn bản lâu dài như ngân hàng, dầu hỏa, viễn thông…mới có đủ kiên nhẫn.

Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài hứng thú hơn với những công ty tăng trưởng nhanh, có sức đột phá, có thương hiệu tốt. Đây là sân chơi của các doanh nghiệp IT, hàng tiêu dùng có thương hiệu, y tế, du lịch…



4 – Ông đánh giá thế nào đối với các công ty tăng trưởng nhanh tại Việt Nam? Có sự khác biệt nào đối với những doanh nghiệp tương tự nhưng ở nước ngoài cũng như các công ty trong nước? Và theo ông, những yếu tố nào quyết định các thương vụ M&A với các công ty tăng trưởng nhanh trong vai trò là bên bán sẽ thành công?

Khi đến Việt Nam, những doanh nhân nước ngoài vẫn mang theo với họ những kinh nghiệm, thành kiến đã hội tụ từ bao năm trong môi trường văn hóa của nước họ. Người Nhật và Hàn Quốc có những tư duy và quyết định làm ăn khác với người Mỹ hay người Pháp. Vì vậy, muốn thành công trong việc bán thương nghiệp, mình phải hiểu rõ nhu cầu và tiêu chí của đối tác. Không nên dựa vào một công thức cứng ngắc cho mọi người.

Ngoài ra phải phân biệt giữa các nhà đầu tư tài chánh và nhà đầu tư chiến lược, thời hạn và cách thoái vốn, cơ hội hay bền vững, khả năng giúp quản lý và phương thức xây thương hiệu.

5 – Ông nhận định thế nào đối với cơ hội M&A tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay? Những thuận lợi hay khó khăn, bất cập là gì?

Tôi vẫn nghĩ rằng thời điểm suy thoái là lúc mà các doanh nghiệp lớn mạnh hay các nhà đầu tư nhiều vốn nên năng động trong việc săn mồi. 2012 sẽ là năm của M&A.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ do dự vì chưa ai biết giải pháp thực sự của chánh phủ cho nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ là gì và các rào cản về pháp lý, giá mua, minh bạch của hồ sơ tài chánh, bộ máy quản lý…vẫn còn hiện diện.

6 – Lời khuyên dành cho các doanh nghiệp đang có ý định muốn mua bán – sáp nhập?

Với người mua, hãy cẩn thận trong quá trình phân tích thẩm định (due diligence) và cảnh giác cao độ với những lời hứa hẹn dù qua hợp đồng.

Với người bán, hãy tìm một nhà tư vấn độc lập để có một định giá chính xác về công ty. Nếu được, phải thành thực làm một SWOT (điểm mạnh, yếu, cơ hội, rủi ro) để biết mình rõ hơn.

7 – Ông còn muốn chia sẻ thêm điều gì đối với độc giả của Dân trí liên quan đến những vấn đề trển?

Trong thế giới kinh doanh của nền kinh tế thị trường, luôn luôn có cá mập và bầy cá con. Biết vị trí của mình trong chuỗi thức ăn thiên nhiên này. Đừng bao giờ hoang tưởng mình là cá mập hay đồng minh của cá mập. Khôn chết, dại chết, biết mới sống, người xưa dạy thế.