Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Một biểu tượng của kinh tế thị trường

Trong nền kinh tế thị trường, mọi chuyện đều có thể xẩy ra. Nếu Facebook có thể đạt thị giá 100 tỷ đô la trong 8 năm (từ 1 ngàn đô la khởi nghiệp) thì Facebook cũng có thể mất 32 tỷ đô la về thị giá chỉ trong 20 ngày. Các tay chơi tự do kiện nhau về mất mát, nhưng không ai chạy đến chánh phủ xin cứu trợ.

Cả tháng nay, thế giới tài chánh bàn tán không ngớt về IPO của Facebook với một định giá kỷ lục là 100 tỷ đô la (tương đương GDP của Việt Nam và lớn hơn GDP của 124 quốc gia khác) cho một công ty thành lập trong một căn phòng nội trú 8 năm về trước với 1 ngàn đô la giữa 2 sinh viên. Công ty Facebook sẽ thu về 16 tỷ đô la tiền mặt từ IPO; có doanh thu 6.3 tỷ đô và lợi nhuận trước thuế khoảng 2.2 tỷ đô; nhưng tài sản lớn nhất là 900 triệu thành viên trên khắp thế giới.

Bỏ qua những lời ngợi khen hay chê bai, thán phục hay dửng dưng về sự trổi dậy của một đế chế IT mới, tôi tìm ra vài điều thú vị từ hiện tượng Facebook này, nhất là khi nhìn từ một xã hội gần như tương phản:
1. Mô hình kinh doanh khác biệt

Khác với các công ty IT khác như Google phải thu nhặt dữ liệu qua trăm ngàn máy chủ, hay Microsoft phải trang bị Windows và các phần mềm lên các máy tính, các thành viên của Facebook đã tự nguyện cho lên trang mạng xã hội này các thông tin dữ liệu cá nhân của mình để Facebook hưởng lợi bằng cách khai thác thương mại quảng cáo với những doanh nghiệp khách hàng. Có thể nói Facebook chỉ là một trang mạng, không hơn không kém, và dịch vụ duy nhất là để bạn bè gia đình kết nối và chia sẻ. Một ý tưởng trị giá 100 tỷ đô la? Và một mô hình kinh doanh hoàn toàn do khách hàng chủ động, họ tiếp thị và bán cho nhau dịch vụ kết nối này mà Facebook không phải trả đồng nào.
2. Facebook chỉ có thể xẩy ra ở Mỹ

Dưới chế độ tư bản ích kỷ, mọi người tự do theo đuổi lợi nhuận và ý thích của mình, không cần ai cho phép. Nếu bạn ngu xuẩn và mất tiền của bạn hay của khách hàng ký gởi, thì đó là một lựa chọn dựa trên căn bản tự nguyện. Thêm vào đó, văn hóa của nền kinh tế Mỹ coi chuyện thất bại là một sự kiện bình thường, không gì để bài bác.

Nếu Zuckerberg, hay Larry Page hay Steve Jobs trước đây, sống ở một xã hội nhự Trung Quốc thì thế giới chắc chắn không có Facebook hay Google hay Apple. Các sinh viên trẻ này không phài là các hoàng tử đỏ hay có đủ quan hệ chánh trị để sáng tạo một công ty với mô hình kinh doanh chưa hề hiện diện. Các hoàng tử công chúa thực ngoài đời thì bận rộn khoe các “đồ chơi” thể hiện đẳng cấp. Các đầu óc quan chức thì chắc chắn không thể hiểu nổi một quan niệm sống và chia sẻ quá tự do và cách mạng kiểu này của thế hệ mới. Và chắc chắn, sáng tạo không thể thực hiện bằng biện pháp hành chánh, nghị quyết hay khẩu hiệu.
3. Sự khép kín của các tỷ phú Facebook

Sau IPO, phần lớn các nhân viên trẻ vây quanh Zuckerberg đã trở thành triệu phú đô nhiều lần, kể cả anh bạn thiết kế logo cho Facebook. Các phóng viên truyền thông đã để ý đến cuộc sống khép kín bình dị của những nhà triệu phú mới này. Sheryl Sandberg, COO, xây căn nhả nằm dưới đất trong một khu rừng để tránh những tương phản khá lớn với môi trường. Zuckerberg mua một biệt thự 6 triệu đô, sau khi thị trường định giá tài sản cá nhân anh là 32 tỷ đô. (Một đại gia cõ nhỏ Việt vừa mời tôi ăn tân gia ở khu Thảo Điền và khoe là đã chi 5 triệu đô cho căn biệt thự ở đây). Zuckerberg cũng vừa tổ chức đám cưới với cô bạn gái bác sĩ, mời 100 khách, chi ra khoảng 27 ngàn đô. (Chỉ bằng một phần hai mươi tiền của đại gia Hà Tĩnh chi ra cho đám cưới con trai, mà Zuck lại quên mời Mr. Đàm và Quang Lê).
4. Sáng tạo cần hủy diệt để tiến bộ

Kiếm tiền theo định chế thị trường vô cùng vất vả. Vừa mới đăng quang xong, Facebook đã phải đối diện với bao cạnh tranh, cũng như các lời tiên đoán về số tuổi của mình. Đe dọa lớn không chỉ là nhà khổng lồ Google +, mà là cả ngàn công ty đang nằm trong các phòng nội trú hay các nhà để xe khắp thế giới. Nhược điểm của Facebook về ứng dụng cho các điện thoại thông minh đã khiến một nhà phân tích IT cho là Facebook sẽ biến mất sau 10 năm. Các nhà giao dịch chứng khoán thích so sánh Facebook với Yahoo. Họ cho rằng Yahoo sau khi ra đời khỏang 7 năm cũng đạt thị giá hơn 100 tỷ đô và chỉ 6 năm sau, còn 30 tỷ đô.
5. Luôn luôn có tay đua nhanh hơn

Thực ra, mạng xã hội đầu tiên là MySpace, đã chào đời vào 2003, 2 năm trước Facebook. Nhưng MySpace vướng hai vấn đề. Một là ban quản trị chậm chạp hình thức kiều quan lại vì nằm dưới quỹ đạo của News Corp (thích kiểm duyệt nội dung và ngăn cấm các đề tài gây khó chịu cho các chánh phủ thân hữu như Trung Quốc) và hai là đội ngũ IT đã không cải tiền sản phẩm thường trực, gây vướng mắc kỹ thuật liên tục cho khách hàng. Khi gặp đối thủ nhanh hơn, sáng tạo hơn, nhỏ hơn…MySpace đã không cạnh tranh hữu hiệu va trở thành một viên gạch lót đường cho Facebook và các mạng xã hội khác như YouTube.
6. Càng lên cao càng té nặng

Các ngân hàng đầu tư như Morgan Stanley hay Goldman Sachs thường kiếm tiền vô khối cho mình và khách hàng thân thích của mình trong dịch vụ IPO. Đây là một hình thức ban phát ân huệ của các ngân hàng vì giá IPO thường được hạ thấp để sau khi IPO, giá cổ phiếu sẽ tăng vọt tạo ấn tượng cho công ty, ngân hàng bảo lãnh IPO và thị trường.

Tuy nhiên, IPO của Facebook lại gặp nhiều vấn đề ngoài dự đoán. Vì lòng tham, Morgan Stanley đã ra giá cao lợi dụng thời điểm tốt của thị trường và những chiêu PR quá tốt cho Facebook khắp thế giới. Được rao truyền là sắp vượt mặt các đàn anh như Google, Apple…, giá Facebook tại IPO ngày 18 tháng 5 là $ 38 USD. Chỉ sau 20 ngày, hôm nay (7/6/2012), Facebook chỉ còn thị giá $ 26. Các nhà đầu tư lỗ 31%. Mỗi tuần, Morgan Stanley, Nasdaq, Facebook, Zuckerberg…và bất cứ ai liên quan đến vụ IPO của Facebook đều nhận hơn ngàn đơn kiện từ khắp nơi.

Từ góc nhìn của tôi, Facebook là một biểu hiện rất trung thực của nền kinh tế thị trường. Sự thành công của Facebook là một mô hình kinh doanh sáng tạo, nắm bắt nhu cầu thị trường nhanh chóng và luôn cải tiến để thỏa mãn khách hàng, xây dựng một thương hiệu đẳng cấp. Nhưng nền kinh tế thị trường cũng đẩy ra những cạnh tranh khốc liệt liên tục, từ các địch thủ cũ như Google + đến những doanh nhân mới chưa ai biết đến. Và trong nền kinh tế thị trường, mọi chuyện đều có thể xẩy ra. Nếu Facebook có thể đạt thị giá 100 tỷ đô la trong 8 năm (từ 1 ngàn đô la khởi nghiệp) thì Facebook cũng có thể mất 32 tỷ đô la về thị giá chỉ trong 20 ngày. Các tay chơi tự do kiện nhau về mất mát, nhưng không ai chạy đến chánh phủ xin cứu trợ.

Một điều chắc chắn: sẽ còn nhiều hiện tượng Facebook trong tương lai ở những xã hội mở. Bài học Facebook có thễ dậy các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới về một môi trường cần có để tạo dựng những công ty đột phá. Còn nếu cứ khư khư ôm giữ những định luật thời đồ đá, người dân của họ sẽ biến thành những con thạch sùng chỉ biết thở dài trong đêm tối.

T/S Alan Phan

T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.