Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Kiếm tiền liệu đã đủ chưa? - Alanphan


December 12, 2011 By Guest 3 Comments

Cuộc sống tại nước ngoài làm tôi thay đổi mạnh hơn về suy nghĩ và cách tham gia xã hội. Ngoài việc tích cực hội nhập với xã hội mới, kiếm tiền lo cho gia đình thì tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi mà tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng.

Chào các độc giả của VnExpress. Tôi là người thường xuyên theo dõi và cũng hay tham gia viết bài, trao đổi ý kiến với cộng đồng người Việt qua chuyên mục người Việt 5 Châu. Tôi đọc nhiều bài viết chia sẻ về cách kiếm tiền và những băn khoăn về cuộc sống tại Việt Nam hay tại nước ngoài. Hôm nay, tôi cũng xin mạn phép viết một bài viết nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của tôi về cách kiếm tiền và suy nghĩ về cuộc sống.

Một trong những chủ đề tôi nhận thấy rất nhiều ý kiến trao đổi và quan tâm đó là các chia sẻ về cách kiếm tiền nhưng có lẽ cũng ít có bài viết nói về cách tiêu tiền như thế nào, vì theo tôi là nó có sự quan trọng ngang nhau trong cuộc sống. Khi tôi trao đổi với bạn bè thì cũng hay nhận được câu hỏi là có những phi vụ làm ăn nào có thể hợp tác với nhau được không? Cuộc sống ở nước ngoài kiếm tiền có dễ không, rất nhiều câu hỏi liên quan tới tiền bạc. Thực ra thì chuyện kiếm tiền không có gì đáng chê trách nhưng kiếm tiền thế nào để mình vẫn cảm thấy hạnh phúc và có ích cho xã hội mới là điều cần bàn tới.

Tôi rất thích một câu nói về hạnh phúc rằng “hạnh phúc là những điều mình mong ước và mình đạt được”, việc có tiền chỉ là một phương tiện để có thể làm những điều mình muốn nhưng không phải là tất cả và nhiều khi có tiền bạn lại phải đánh đổi rất nhiều thứ.

Tôi cũng đã từng lớn lên tại Việt Nam và sống qua thời kỳ bao cấp phải ăn khoai thay cơm, mỗi tháng chỉ được xem ti vi vài lần, cuộc sống về vật chất còn kém rất xa so với thời bây giờ nhưng thời kỳ đó, những người thân của tôi và cá nhân tôi cảm thấy cuộc sống không có nhiều áp lực về tinh thần, cuộc sống vẫn hạnh phúc. Tất nhiên, không ai mong muốn quay trở lại thời kỳ đó, tuy nhiên có thể thấy rằng quan niệm về hạnh phúc, quan niệm sống, cách sống rất quan trọng, làm sao cho con người phát triển toàn diện hơn, nhân bản hơn và có ý nghĩa hơn.

Khi tôi mới tốt nghiệp ra trường tại một trường Đại học Kinh tế tại Việt Nam, dù rằng cũng là một người đạt bằng cấp khá giỏi và thời kỳ học sinh luôn là người đạt được những thành tích trong học tập nhưng tôi vẫn có cảm giác lo lắng về tương lai, nhất là thời điểm đó bước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, việc làm cũng ít và khó khăn. Tôi cũng nhanh chóng kiếm được một việc làm dù trong thâm tâm vẫn còn rất nhiều suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống.

Nhưng với bản tính thích học hỏi tôi học thêm luôn cả hai bằng luật và công nghệ thông tin. Sở dĩ tôi học những chuyên ngành đó là vì tôi quan niệm đầu tiên muốn làm gì phải có kinh tế tức là phài học và biết về kinh tế, và với thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão nếu không trang bị cho mình các công cụ ngày càng hiện đại hơn để xử lý công việc nhanh hơn thì sẽ trở thành người lạc hậu nên tôi học bằng hai về công nghệ thông tin, và cuối cùng tôi nghĩ rằng sống trong một xã hội nào cũng cần phải biết cách hiểu về xã hội đó, luật lệ nơi đó vậy là tôi đi học luôn bằng luật.

Nhiều người nói rằng tôi học quá nhiều “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, nhưng càng học tôi càng thấy mình hiểu biết và sự tự tin tăng dần, mọi việc tôi cảm thấy dễ dàng hơn khi mình quyết định, bạn bè trong các giới nhiều hơn và cơ hội đến với tôi nhiều hơn, dù học nhiều nhưng tôi chưa bao giờ lãng phí các kiến thức đó và tất cả đều phục vụ cho công việc sau này của tôi. Học ở trường thì có được kiến thức cơ bản nhưng sau này tôi nhận thấy học ngoài xã hội và tự học càng quan trọng hơn, con người chỉ có thể phát hiện ra khả năng của mình, phát triển những khả năng đó nếu chịu khó tìm hiểu, chịu khó thử nghiệm, chịu khó va chạm xã hội. Tôi đã phát triển kỹ năng, kiến thức nhiều từ việc học từ xã hội, trường đời luôn là một trường học lớn. Sẽ có nhiều người là “thày giáo” của chúng ta từ khách hàng, tới đồng nghiệp hay bạn bè, sách vở… nếu chúng ta chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm.

Càng ngày thì tôi càng cảm thấy cơ hội đến với mình nhiều hơn, kiếm tiền dễ dàng hơn vì kiến thức tăng lên, quan hệ xã hội tăng lên và chức vụ cũng tăng lên. Và có thời kỳ tôi cảm thấy rất hào hứng khi lao vào làm giàu, đồng tiền như một liều thuốc thúc đẩy động cơ cá nhân làm việc không biết mệt mỏi. Nhưng tôi đã nhận ra những mặt trái của việc làm giàu đó, đấy là khi mà thời gian của tôi dành cho sức khỏe ít đi, thời gian dành cho gia đình ít đi và một điều nguy hiểm nữa là lười sáng tạo ra những giá trị mới, tôi vốn là người ham học hỏi và thích những gì sáng tạo có ích cho xã hội, việc lao vào kiếm tiền đã làm cho tốt mất đi cái mà tôi thích nhất trước kia. Điều này buộc tôi phải suy nghĩ lại giá trị hạnh phúc và cách kiếm tiền của mình.

Tôi quyết định một bước ngoặt mới là tìm hiểu những điều mới mẻ tại nước ngoài. Với quyết định này có rất nhiều bạn bè phản đối và cho rằng sang nước ngoài đó là quá rủi ro khi đang sống ở trong nước kiếm tiền dễ dàng, địa vị xã hội đang có mà lại phải làm lại từ đầu tất cả ở một đất nước xa xôi. Tôi đã tìm hiểu khá kỹ càng trước khi quyết định từ văn hóa, xã hội, những điều cần thiết cho cuộc sống, có thể tôi có một số thứ bất lợi khi sang nước ngoài sinh sống nhưng không có nghĩa phải làm lại từ đầu tất cả, chính những kinh nghiệm và tri thức có được ở Việt Nam cũng rất có ích cho việc bắt đầu một cuộc sống mới ở môi trường mới vì tôi hiểu có rất nhiều kỹ năng và kiến thức cơ bản đều giống nhau và có thể áp dụng được trong nhiều môi trường.

Tôi cảm thấy thích thú khi phát hiện ra nhiều điều mới mẻ và có giá trị tại môi trường mới mà trước đây chỉ đọc và nghe nói qua sách vở. Cuộc sống tại nước ngoài làm tôi thay đổi mạnh hơn về suy nghĩ và cách tham gia xã hội. Ngoài việc tích cực hội nhập với xã hội mới, kiếm tiền lo cho gia đình thì tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi mà tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng. Tôi quan tâm tới những vấn đề liên quan tới môi trường, liên quan tới giáo dục và hỗ trợ phát triển cộng đồng.

Tôi xin kể về những tấm gương mà theo tôi nghĩ chúng ta cần có những suy nghĩ. Trường hợp đầu tiên đó là Bill Gates, đã nhiều năm là người giàu nhất hành tinh. Ông là người giàu có và kiếm tiền bằng những lao động sáng tạo của mình, những đóng góp của ông và công ty của ông cho nhân loại và thế giới không nhỏ. Tuy ở đỉnh cao về tiền bạc và địa vị xã hội nhưng ông biết dừng đúng lúc để chuyển số tiền đó đi làm các công việc từ thiện và giúp cho sự phát triển cộng đồng. Trong một phát biểu tại diễn đàn Davos ông đã nói về sự phát triển văn minh loài người là phụ thuộc vào những người nghèo, nếu những người giàu biết cách để hỗ trợ cho người nghèo cùng phát triển thì xã hội mới phát triển và văn minh lên. Đó là quan niệm của những người biết đưa ra giải pháp win-win.

Trường hợp thứ hai là ông tỷ phú Warren Buffet, nhà đầu tư chứng khoán lừng danh thế giới và cũng là người giàu có thứ hai thế giới, ông cũng bắt đầu chuyển tiền vào quỹ của Bill Gates và tham gia các hoạt động từ thiện. Ông có một câu nói khá ấn tượng rằng: “Ông ấy là người giỏi kiếm tiền nhưng lại là người chưa biết phân phối đồng tiền đó cho có ích đối với xã hội”. Tại Việt Nam tôi biết rằng có rất nhiều người giàu, và có điều kiện, nhưng cách làm từ thiện và hoạt động cộng đồng sao cho hiệu quả cũng là vất đề lưu tâm, không chỉ cho ai đó tiền đã là hiệu quả mà quan trọng là phải cho họ cái cần câu cơm sẽ tốt hơn là cho con cá, đó là cho tri thức, cho kinh nghiệm và hỗ trợ giúp đỡ những khi cần thiết.

Trường hợp thứ ba tôi muốn kể tới là cộng đồng người Do Thái, tại sao với một cộng đồng người trước đây không có tổ quốc, phải di chuyển nhiều và bị nhiều kỳ thị bởi các dân tộc khác mà họ vẫn nổi lên là một cộng đồng mạnh, giàu có, có ảnh hưởng trên thế giới đặc biệt tại Mỹ. Những tên tuổi tri thức lớn có gốc Do Thái rất nhiều. Điều cơ bản nhất là các thế hệ cha mẹ người Do Thái luôn dạy cho con cái họ ý thức một điều rằng, cái cần nhất của con người đó là tri thức, dù đi tới đâu, tài sản có thể mất, có thể bị các dân tộc khác đàn áp và cướp đi tất cả nhưng nếu giữ được tri thức thì họ vẫn có tất cả. Và đặc điểm quan trọng nữa là cộng đồng người Do Thái luôn biết cách hỗ trợ và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm cho nhau.

Cá nhân tôi, tuy sống ở nước ngoài nhưng tôi vẫn quan tâm nhiều tới Việt Nam và có nhiều ý kiến đóng góp trên báo chí trong nước về các lĩnh vực khác nhau, tư vấn cho nhiều bạn bè và nhiều người, tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Nhiều bạn bè nói với rằng tôi nên ở trong nước vì sẽ đóng góp cho Việt Nam tốt hơn là ở nước ngoài. Tuy nhiên tôi không nghĩ như vậy, đối với những người có tâm với đất nước và muốn tốt cho cộng đồng thì sống ở đâu cũng có thể đóng góp cho đất nước. Điển hình là có rất nhiều Việt Kiều đã gửi kiều hối về cho tổ quốc giúp đỡ người thân và gia đình, đồng thời mang những tri thức mà họ học tập được ở nước ngoài để đưa ra những sáng kiến giải pháp cho nước nhà. Với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, chỉ cần biết Internet, dùng email, điện thoại, mạng xã hội, talk online… thì mọi thông tin về Việt Nam cũng như thế giới đều có thể cập nhật hàng ngày. Việc di chuyển cũng rất thuận lợi thì chỉ cần trong một ngày là có thể có mặt ở Việt Nam bất cứ lúc nào. Nên chuyện đóng góp cho nước nhà không phụ thuộc vào việc anh sống ở đâu mà phụ thuộc vào cái tâm của anh có muốn đóng góp hay không.

Một số bạn bè hỏi tôi rằng phải chăng tôi không thích tiền bạc và địa vị xã hội khi ra nước ngoài và từ bỏ mọi thứ như vậy, điều này cũng không hoàn toàn đúng, tuy nhiên trong cuộc sống phải hiểu rõ điều gì quan trong nhất trong cuộc sống, sống theo những gì mình thích là quan trọng nhất và giá trị của một con người chưa chắc đã được đánh giá bằng số tiền anh kiếm được và địa vị xã hội mà anh có. Đối với tôi vẫn quan niệm giá trị con người bằng tri thức anh ta có và những gì anh ta đóng góp được cho xã hội, tiền bạc và địa vị xã hội có thể là những phương tiện quan trọng nhưng chưa chắc đã là mục đích sống.

Trên đây là những chia sẻ về quan niệm và kinh nghiệm của cá nhân tôi, những bạn nào còn trăn trở về cuộc sống thì có lẽ cách duy nhất là luôn phải không ngừng học hỏi, không ngừng trải nghiệm để vươn lên, những ai đã kiếm được tiền và thật nhiều tiền thì cũng nên tìm cách sử dụng đồng tiền đó cho có ích để luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với đồng tiền mình kiếm được. Và hy vọng hoạt động vì cộng đồng người Việt ngày càng phát triển giúp cho cộng động người Việt phát triển ngày càng mạnh hơn.

Nguyễn Hồng Hải từ Canada
Gocalan.com