Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Cơ hội dành cho các bạn trẻ luôn hiện diện ở khắp mọi nơi - AlanPhan

“Đừng sợ thất bại” là lời khuyên mà Tiến sĩ, doanh nhân lớn Việt kiều Mỹ Alan Phan gửi đến thế hệ trẻ trên con đường tìm kiếm sự thành công. Hiện ông đang được giới trẻ chú ý qua những bài viết và phân tích sâu sắc của mình về kinh tế – xã hội cũng như con người.”

Điều đó được thể hiện qua những thảo luận sôi nổi tại trang blog www.gocnhinalan.com của ông.

Bay Vút đã có dịp phỏng vấn Tiến sĩ Alan Phan về một số vấn đề liên quan đến người trẻ nhân dịp ông trở về Việt Nam.

“Tôi trở về Việt Nam đầu tư không mang nặng tính tiền bạc mà phần nhiều vì tình cảm. Tôi muốn chia sẻ đến các bạn trẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như các góc nhìn của tôi để họ có thêm những tư duy và góc nhìn mới cho cuộc đời của mình”, Tiến sĩ Alan Phan chia sẻ.

Bay Vút: Mặc dù thời tuổi trẻ của ông với thế hệ trẻ ngày nay có những khác biệt rất lớn nhưng xin ông cho biết một số điểm chung nhất định giữa hai thế hệ?

TS. Alan Phan: “Mẫu số chung giữa thời tuổi trẻ của tôi và các bạn trẻ bây giờ đó là có năng lực tràn trề, những suy nghĩ khá ngây ngô và nhiều lý tưởng rất ‘hoang tưởng’. Tuy nhiên, điểm chung lớn nhất mà ở mọi thời thế đều có là cơ hội dành cho các bạn trẻ luôn hiện diện ở khắp mọi nơi, vấn đề là họ có nhìn thấy và nắm bắt được nó hay không”.

“Còn cái khác biệt là thời bây giờ, con người ít phải âu lo về những chuyện no, đói hay chiến tranh. Thêm vào đó, cuộc cách mạng Internet đã giúp người trẻ có được những kho tàng kiến thức 24/7 với tốc độ của ánh sáng”.

Bay Vút: Suy nghĩ cũng như góc nhìn của ông đều rất trẻ và tràn đầy năng lượng. Ông có thể chia sẻ về bí quyết này?

TS. Alan Phan: “Đó là bản chất của mỗi con người. Như trong một bài viết, tôi có nhắc tới những người mới ngoài 20 tuổi nhưng đã già như cụ ông, sẵn sàng về hưu, suốt ngày chỉ muốn đi nhậu hay đi café ‘chém gió’. Đi làm thì chỉ muốn yên thân, kiếm vài ba đồng đưa vợ con cho qua chuyện. Dĩ nhiên, chưa chắc họ đã sai hoặc tôi đã đúng. Với họ, có thể đó là một đời sống hạnh phúc rồi”.

“Còn triết lý sống của tôi là cuộc đời như một cuộc phiêu lưu, một hành trình mà trên con đường đi mình sẽ gặp những niềm vui, những khó khăn, tất cả đều mang cho mình những cảm xúc mới mẻ. Tôi phải luôn hành động chứ tìm một góc nhỏ nào đó để an bình nghỉ hưu thì đấy không phải là bản chất của tôi”.

“Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng tươi trẻ như thế. Tôi cũng chịu đựng những mệt mỏi và đôi khi tự hỏi sao mình phải khổ vậy? Nhưng cuối cùng, bản chất năng động trong con người lại thắng thế. Đành biện hộ là vài ba chục năm nữa, tôi sẽ nằm sâu dưới sáu tấc đất rồi, lúc ấy tha hồ được yên thân nghỉ ngơi”.

Bay Vút: Có một câu nói được ông ưa thích, đó là: “Tất cả bắt đầu từ suy nghĩ”. Tuy nhiên, để có được suy nghĩ tốt thì phải có sự giáo dục tốt và nền giáo dục dành cho người trẻ hiện nay vẫn chưa được tốt lắm. Vậy theo ông, để suy nghĩ tốt thì họ nên bắt đầu từ đâu?

TS. Alan Phan: “Mình có thể đổ lỗi cho ngày hôm qua nhưng không thể đổ lỗi cho ngày hôm nay và tương lai. Có thể người trẻ chưa được hưởng một nền giáo dục không tốt, họ sinh ra trong một môi trường mà sự vô cảm càng ngày càng gia tăng và đôi khi thiếu cả sự dạy dỗ đúng đắn của gia đình nhưng đó là những chuyện đã qua”.

“Ngày hôm nay là một ngày mới. Những việc mình làm hôm nay và trong tương lai hoàn toàn nằm trong tay mình, cái tư duy mới của mình phải bắt đầu từ ngay bây giờ. Và bắt đầu như thế nào thì thực tình nền giáo dục qua Internet ngày nay phong phú vô cùng. Vấn đề là lựa chọn những gì mình thích và ứng dụng triệt để trên con đường mình đã chọn”.

“Nhiều người cũng hỏi làm sao để bắt đầu? Đơn giản nhất là vào Google và tìm hiểu hàng triệu kiến thức trong đó. Cốt lõi của vấn đề là khả năng chọn lựa và chấp nhận của các bạn. Đừng đổ thừa cho giáo dục hay cho quá khứ”.

Bay Vút: Rất nhiều người trẻ đọc những điều ông viết ra trên blog. Giả sử họ làm theo lời khuyên của ông và gặp thất bại thì ông sẽ nói gì với họ?

TS. Alan Phan: “Đừng sợ thất bại, đó là kinh nghiệm của đời tôi. Càng nhiều thất bại thì càng đến gần thành công lớn hơn. Sau mỗi lần thất bại, tôi thường bùng lên khá hơn lúc trước vì được tôi luyện mạnh hơn. Hãy coi thất bại như một người bạn, một người thầy để dạy mình”.

“Khi người ta coi thất bại là kẻ thù thì thất bại sẽ theo đuổi bạn hoài. Thực ra, những gì tôi viết chẳng phải là lời khuyên, đó chỉ là những suy nghĩ, trải nghiệm cá nhân. Tôi không bao giờ khuyên hay bảo người khác phải làm gì cho đời mình. Mỗi người tự do lựa chọn một lối sống”.

Bay Vút: Sự thay đổi luôn cần một đích đến và một hệ quy chiếu để so sánh. Nếu như giới trẻ Việt Nam hiện nay cần sự thay đổi lớn về mặt tư duy thì cái đích đến và hệ quy chiếu so sánh ấy là gì, thưa ông?

TS. Alan Phan: “Cái đích đến của mỗi cá nhân đều từ bản chất riêng. Bạn muốn đi đến đâu, làm cái gì thì bạn phải tự suy xét, định đoạt và chấp nhận hậu quả. Sự thay đổi theo chiều hướng nào, việc muốn loại thải hay thu nạp cái gì thì mỗi người phải tự biết. Không ai có thể nói hay làm thay bạn được”.

Bay Vút: Ông cảm thấy thế nào khi hiện nay sách cũng như blog của ông thu hút được nhiều bạn đọc?

TS. Alan Phan: “Đối với người viết thì càng có nhiều người đọc, họ càng có hứng thú và khích lệ cho sự cố gắng của mình. Tuy nhiên mình cũng đừng nên nghĩ đó là một cái gì quan trọng hay ghê gớm. Có một bài tôi viết trên Vietnamnet được hơn 22.000 người đọc. Tôi mới hỏi lại Vietnamnet là bài nào có nhiều người đọc hơn? Họ cho biết là bất cứ cái bài nào liên quan tới Cường Đôla với Hồ Ngọc Hà thì trung bình có tới sáu trăm nghìn người đọc”.

“Thành ra mình phải hiểu rõ vị trí nhỏ nhoi của mình trong xã hội. Chỉ có một số ít lượng người quan tâm đọc những gì mình viết đã là niềm vui rồi”.

Bay Vút: Ông từng là giáo sư thỉnh giảng tại các trường đại học Mỹ và Trung Quốc. Trong tương lai, ông có nghĩ tới việc sẽ làm công việc này tại các trường ĐH Việt Nam không?

TS. Alan Phan: “Tôi đã bỏ dạy từ lâu rồi. Cách đây khoảng 10 năm tôi dạy ở hai đại học ở Thượng Hải. Theo tôi, các sinh viên Châu Á rất thụ động. Có lẽ vì nhiều giáo sư Châu Á lên giảng đường ‘thao thao bất tuyệt’ trong khi sinh viên ở dưới cứ cắm cúi ghi chép”.

“Cách dạy của tôi khác hơn. Tôi cho sinh viên đọc trước các bài ở nhà, hy vọng họ nắm được vấn đề. Khi vào lớp tôi dành khoảng 15 phút để điểm lại một vài vấn đề quan trọng hay những gì họ chưa hiểu. Thời gian còn lại tôi muốn họ đứng lên bàn cãi, thảo luận những gì họ đã đọc”.

“Tôi muốn họ phản biện lại những gì đã đọc vì chưa chắc các tác giả hay tôi đã đúng nhưng đáng tiếc là các cuộc thảo luận hầu như chưa bao giờ xảy ra vì sinh viên lười biếng đọc trước và chỉ thích ngồi im. Thành ra tôi cảm thấy hụt hẫng, cứ phải độc thoại. Sau một thời gian, tôi chán không muốn dạy. Ngoài ra, đến kỳ thi thì chấm bài toàn thấy ‘copy’ với ‘paste’ từ Google nên tôi nghĩ sự đóng góp của tôi cho giáo dục có lẽ không hiệu quả”.

Bay Vút: Một câu hỏi cuối liên quan đến cá nhân ông. Theo ông chia sẻ thì hạnh phúc đối với mình là sự tự do. Vậy sống ở Việt Nam ông có cảm thấy hạnh phúc không?

TS. Alan Phan: “Cái tự do tôi muốn nói là tự do về suy nghĩ, về phát ngôn, về quyền yêu và ghét… Một thứ cũng rất quan trọng là tự do về những lo lắng tiền bạc, muốn làm gì thì làm, kể cả những điều ngu xuẩn”.

“Ở đây, môi trường hơi khép kín nên mỗi lần tôi muốn tìm tự do hoàn toàn thì phải bay sang Thái Lan hay Singapore. Tuy nhiên, thực tình, Việt Nam cũng là một nơi ‘okie’ để sống. Có thể nói cả thế giới là một ‘nhà tù’ nhưng nếu được sống trong một ‘nhà tù’ rộng rãi như thế giới thì cũng thoải mái rồi”.

Nhuệ Giang thực hiện

Bài đăng trên bayvut.com.au ngày 22/11/2011