Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Niềm tin tìm lại

Niềm tin mà tôi tưởng đã mất lại le lói hiện ra trên một cánh đồng nhỏ vùng Trà Vinh trong những tâm hồn nhân hậu, tử tế không bị ô nhiễm bởi những suy đồi của xã hội bao quanh. Chúng ta còn hy vọng, thì định mệnh quê hương còn thay đổi.


Là một người luôn tin vào thế mạnh của doanh nghiệp tư nhân trong việc xây dựng nền kinh tế quốc gia, mỗi lần về lại quê hương là tôi thắp đuốc đi tìm các doanh nhân, đại gia Việt thành công để nhận lãnh những bài học mà tôi nghĩ là thực tiễn cho thế hệ sau này. Có rất nhiều tấm gương thành công của Việt kiều tại Âu, Mỹ, Úc…nhưng tôi muốn nhìn thấy tận mắt một đặc sản “made in Vietnam”.

Tôi không lưu tâm đến lãnh vực doanh nghiệp nhà nước. Các vị quản lý này thường được bổ nhiệm do những liên hệ, gốc rễ không rõ ràng và kết quả kinh doanh của họ đã thể hiện khả năng thực sự với những tỷ số tài chánh yếu kém như mức hòan trái trên vốn , doanh thu trên tài sản , hay doanh thu và lợi nhuận của mỗi nhân viên. Vẫn có những ngoại lệ, nhưng nếu phân khúc công của nền kinh tế hoạt động hữu hiệu và sắc bén thì Liên Bang Xô Viết và Trung Quốc đã làm bá chủ thế giới cách đây vài chục năm trước. Cha chung vẫn không ai khóc.

Trong khi đó, những doanh nhân đang điều khiển các bộ máy quản lý doanh nghiệp tư chưa chứng tỏ được khả năng cạnh tranh của mình theo tiêu chuẩn quốc tế. Hơn 80 đại gia tôi gặp trong 4 năm qua đều chia sẻ một mẫu số chung: họ rất năng động, khôn ngoan, thông minh, liều lĩnh, thủ đọan, kiên trì và gỉỏi ứng biến. Họ biết rất rõ về những trung tâm quyền lực và có liên hệ mật thiết với mọi quan chức còn quyền. Họ đã dựng nên những gia tài đáng kể nhờ biết lợi dụng khe hờ luật lệ, chiếm đăc quyền, đặc lợi trong mọi bối cảnh phức tạp và vượt xa đám đông với tài năng đặc thù này.

Tuy vậy, họ đều hiểu rằng khi ra khỏi sân chơi nhà, những lợi thế cạnh tranh nói trên sẽ bốc hơi và sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp họ sẽ ế ẩm so với đồng nghiệp. Ngay cả những công ty công nghệ thong tin (IT) hàng đầu của Việt Nam cũng không đưa ra thị trường đặc sản nào sáng tạo. Các công ty này thành công ở Việt Nam nhờ làm đại diện cho những công ty đa quốc hay có những hợp đồng béo bở với chánh phủ.

Có thể nói là tôi khá bi quan trước khi đặt chân đến Trà Vinh và đi thăm nhà máy của Mỹ Lan. Vợ chồng anh chị Ngyễn Thành Mỹ, Việt kiều từ Canada, đã bỏ ra 6 năm và 1 triệu dollar để tạo dựng công ty này. Thành quả sau cùng là một doanh nghiệp mà tôi vẫn mơ ước vì chính cá nhân mình, sau 42 năm làm ăn khắp thế giới, cũng không thể thực hiển nổi.

Tôi vẫn thường “dạy” các doanh nhân trẻ và các sinh viên đại học về bốn nhân tố tôi cho là cần thiết cho sự thành công:
  • (a) sản phẩm có công nghệ hay cá tính đăc thù để tạo một mức lợi nhuận cao;
  • (b) đội ngũ quản lý bài bản và quan tâm đến phúc lợi của nhân viên;
  • (c) doanh thu bền vững và dòng tiền lưu chuyển mạnh;
  • (d) và trên hết, một tầm nhìn và tư duy sáng tạo, lâu dài cho doanh nghiệp.
Vượt biên và định cư tại Canada vào năm 1979 với hai bàn tay trắng, anh Mỹ đã phải làm bồi bàn, phụ bếp trong suốt 10 năm để có tiền đi học. Anh đậu Tiến Sĩ về hóa học và đi làm cho IBM, Polycom-Kodak thêm 7 năm trước khi vay tiền ra lập công ty riêng. Lơi thế cạnh tranh của anh là những công trình nghiên cứu, bằng sáng chế anh thu nhận sau hơn 20 năm. Dù vậy, anh cũng trải qua bao thăng trầm như nhiều doanh gia khác. Mãi đến 2004, công ty anh mới có chút ổn định và khi về thăm quê ở Trà Vinh, anh nảy sinh ý định thiết lập công ty tại quê nhà như một bày tỏ tri ân.

Khi tôi nhìn 4 khu nhà máy khang trang với 40,000 mét vuông đã xây dựng trong một công viên rộng hơn 20 hectares, tôi mới thấy công phu anh to lớn thế nào, nhất là khi anh kể lại chuyện khởi nghiệp với vài chục công đất ruộng ngập nước anh đã thuê. Lo cho môi trường, anh xây nhà máy xử lý nước thải trước. Hai ấn tượng để tôi kính phục khi thăm nhà máy: đây là nhà máy sạch nhất thế giới (chỉ nhìn tất cả các nhà vệ sinh cho nhân viên sạch thơm như ở một khách sạn 5 sao); và cách gây dựng cho mọi nhân viên một tư duy sống và làm việc như đang ở tại một quốc gia tiền tiến (các anh chị em phần lớn đến từ các gia đình nông dân quanh đồng bằng Cửu Long).

Mô hình kinh doanh của nhà máy là khai thác công nghệ nano để xuất khẩu các lọai polymer linh động trong ngành in nhiệt CTP với những laser hồng ngoại hay tử ngoại. Đặt tại môi trường thôn quê cách tỉnh Trà Vinh 15 cây số, nhà máy như một ốc đảo huyền thọai của Dr. No trong cuốn phim cùng tên của điệp viên James Bond 007.

Hiện nay, với hơn 530 nhân viên, doanh thu của nhà máy chỉ 12 triệu dollars (hơn 70% xuất khẩu) nhưng lợi nhuận lên đến 3 triệu dollars. Trên hết, lương nhân viên cao hơn lương tại các thành phố lớn, cùng với cơ hội thăng tiến tràn ngập vì những khóa đào tạo liên tục của công ty. Công viên nhà máy nhiều cây xanh hơn những khu du lịch sinh thái mà tôi đã đi qua. Quỹ Jaccar của Pháp đầu tư 12 triệu dollars để chiếm 30%, cho công ty một thị giá hơn 40 triệu dollars. Công ty không có một khỏan nợ ngân hàng nào. Các tình trạng kinh tế vĩ mô hòan tòan không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Với 1 triệu dollar và không một thế lực nào “chống lưng”, anh chị Mỹ đã kiếm được rất nhiều tiền cho mình, mọi người liên quan và cả tỉnh Trà Vinh. Chúng ta cần khỏang 1,000 anh chị Mỹ khắp Việt Nam để đất nước bắt kịp đà tiến của nhân loại.

Đêm về, trong buổi trò chuyện với anh chị Mỹ và một số nhân viên quản lý trẻ (không ai trên 30 tuổi), chúng tôi nói về giả thuyết “tư duy quyết định định mệnh” của con người cũng như của doanh nghiệp và ngay cả của quốc gia. Tôi xác định lại niềm tin sâu xa của tôi vào con người Việt, như tôi đã tin vào chị Gấm (bài Niềm Tin Vào Con Người Việt của tôi) , như tôi đã tin vào đám thuyền nhân trôi dạt khắp xứ người với hai bàn tay trắng, như tôi đang tin vào thế hệ trẻ hiện nay đang dò dẫm tìm lối thóat trong giông bão; và như tôi vẫn còn tin vào một phép lạ nào đó ở giờ thứ 25.

Niềm tin mà tôi tưởng đã mất lại le lói hiện ra trên một cánh đồng nhỏ vùng Trà Vinh trong những tâm hồn nhân hậu, tử tế không bị ô nhiễm bởi những suy đồi của xã hội bao quanh. Chúng ta còn hy vọng, thì định mệnh quê hương còn thay đổi.

(Bài đã đăng trên tuần báo Doanh Nhân Cuối Tuần số 419 ngày Thứ Sáu 2/9/2011)

Chi tiết về công ty: www.mylangroup.com

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ. Email của ông làaphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com

T/S Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA