Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Tiền - Alan Phan

Chuyên đề chia sẻ với sinh viên  - KIẾM TIỀN NHIỀU HAY KHÔNG LÀ Ở Ý TƯỞNG!

Cùng trò chuyện với Tiến sĩ Alan Phan – một doanh nhân triệu phú bắt đầu chỉ với… 600$ trong túi trên đất Mĩ. Ông từng làm việc ở các ngân hàng lớn và phố Wall, rồi một tay gầy dựng nên tập đoàn Harcourt được định giá đến 670 triệu đô la trên sàn chứng khoán Mĩ vào năm 1999. Đến nay, ông đang là chủ tịch của quỹ đầu tư gia đình Viasa có số vốn đến 78 triệu đô la, cổ đông của một số công ty Mĩ và Trung Quốc. Ông cũng là chuyên gia tư vấn cho các tập đoàn Quốc tế về thị trường mới nổi – như Việt Nam.……….

“Nếu có quyền, tôi sẽ bắt mọi học giả thi lại các kiến thức mỗi 5 năm, nếu không thì mất bằng, kể cả các bậc Tiến Sĩ, Giáo Sư. Theo đúng luật chơi này, cá nhân tôi chắc đã mất hết các bằng cấp lâu rồi.” (Alan Phan)

…………..


1. Tiến sĩ có thể đưa quan điểm của mình về tiền? Có thể hiểu hay nghĩ về nó như thế nào để “điều khiển” nó một cách nhẹ nhàng?

Nó chỉ là 1 phương tiện, tùy người và tùy mục đích sử dụng. Vấn đề chính là đừng nên đặt nặng vai trò của tiền mà hãy tập trung tư duy về mục tiêu sử dụng.

Tất nhiên không thể phủ nhận dù yêu hay ghét tiền thì ai cũng cần tiền để thỏa mãn ham muốn – mà tôi gọi là dùng để mua “đồ chơi”. Nhưng nếu muốn mọi chuyện “nhẹ nhàng”, hãy nghĩ về mục tiêu – nó thực tế hơn.

2. Chúng ta nên học cách dùng tiền từ bao giờ? Nếu không có một “môn học”, hay thậm chí không được quan tâm dạy dỗ từ phía gia đình, làm thế nào để học cách dùng tiền? Kinh nghiệm của Tiến sĩ trong chuyện này?


Thực tế là kể cả bên Mĩ thì thanh niên cũng không được học nhiều về tiền. Các thấy cô, kể cả ở đại học cũng không chắc là hiểu nhiều về tiền, cũng như trong gia đình. Vì vậy, học cách quản trị đồng tiền – trước hết để không bị mất tiền – chỉ có tự học. Các bạn trẻ bây giờ có internet nên kiến thức không thiếu, chỉ sợ lười không tìm đọc mà thôi. Hãy search những bài viết về tiền, ở nhiều góc độ, chứ đừng chỉ tìm những bài viết có cùng quan điểm cá nhân. Về mọi thứ kể cả tiền, chúng ta sẽ học đầy đủ hơn nếu nhìn từ nhiều góc cạnh. Biết đâu khi suy ngẫm một quan điểm khác, bạn sẽ học được cái đúng nhất?

Thời mới lớn của tôi là những thập niên cuối 50, đầu 60 và dĩ nhiên là tôi cũng được “hấp thụ” tư tưởng bình đẳng xã hội của các triết gia phe tả. Tuy nhiên sau này, khi đã trải nghiệm lâu trên thương trường thì tôi nghiệm ra không có xã hội bình đẳng – “xã hội phẳng” – mà chỉ có xã hội công bằng. Tức là trong một cuộc chơi, sẽ có người thắng và kẻ thua chứ không có cả 2 đội cùng thắng. Nhưng xã hội công bằng sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng – và kết quả là sự thể hiện chính xác của khả năng và may mắn. Còn sự bình đẳng của xã hội – nơi mà ai cũng giống ai, không có kẻ thắng và người thua thì chẳng có cạnh tranh, không có cơ hội và theo lẽ thường là không thể phát triển. Đó chỉ là sự mơ mộng hoang tưởng của một số người.

3. Rất nhiều bạn trẻ hiện nay – dù đi học được gia đình chu cấp hay làm thêm thì luôn cảm thấy thiếu thốn đồng tiền. Tiến sĩ cũng từng nói: “Không ai cảm thấy có đủ tiền, kể cả người giàu nhất thế giới như Carlos Slim.”. Tiến sĩ có thể nói rõ hơn quan điểm này cũng như đưa ra chia sẻ hay lời khuyên nào cho việc này?

Lòng tham là vô đáy, tôi chỉ có thể nói rằng hãy hiểu rõ mục đích và nhu cầu của mình thì sẽ quản trị được đồng tiền và khiến bản thân “dễ thở” hơn thôi.

4. Với một bạn trẻ không có đủ tiền học thì Tiến sĩ có gợi ý, lời khuyên gì để kiếm tiền – cách thuyết phục phụ huynh, nhà đầu tư khác hay những hình thức tự kiếm tiền?

Tôi nhớ có một cô bé đã từng xin tôi đầu tư 1 năm 25.000 đô la Mĩ để học Đại học bên đó, vì gia đình chỉ có thể lo 5.000$ đô la. Trong khi đó, với những chương trình học online cũng rất tốt mà tôi được biết thì chỉ cần bỏ ra 1/10 số tiền. Cái chính ở đây là sự quyết tâm và ý chí. Dù qua bên Mĩ hay ở Việt Nam thì cũng cần những cái đó để thành công.

Chuyện này cũng thấy rằng các bạn trẻ đang nhìn mọi thứ rất thiếu sáng tạo. Tôi nhận thấy nhiều bạn trẻ Việt hiện nay đang đi theo một “lối mòn” – tức là nhìn và giải quyết sự việc quá cứng nhắc theo quy tắc giống như các bậc cha ông. Như ví dụ trên, không cần học bổng, cô bé có thể học với số tiền rất rẻ ngay tại đây cũng với chừng đó kiến thức. Còn nếu cứ đâm đầu sang Mĩ, khó khăn sẽ gấp bội, và sự bỏ cuộc giữa chừng dễ xẩy ra hơn nhiều.

Một doanh nhân thiếu sáng tạo khi khởi nghiệp sẽ cực nguy hiểm, vì anh ta chỉ chỉ đâm đầu đi tìm đúng số tiền mình nghĩ là cần, chứ không nhìn được những giải pháp khác, hay những cách làm hiệu quả khác để tạo vốn.

Trong câu hỏi của bạn, chúng ta có thể nghĩ rộng ra nhiều hướng khác chăng?

5. Có một tỉ phú đã nói rằng: “Không có trường dạy kinh doanh, chỉ có trường đời.”. Tiến sĩ nghĩ sao về câu nói này?

Tôi nghĩ nó cũng hơi quá đáng, thực ra thì học ở đâu cũng là học cả, tự học, đọc sách vở, internet, đến trường, v…v… Nhưng thực ra kiến thức thì bao quát, nên quan trọng là hiểu rõ mục tiêu để có giải pháp tương ứng.

6. Có nguyên tắc trong đầu tư là “rủi ro tỉ lệ thuận với lợi nhuận”. Thực tế là rất nhiều người thành công như Steve Jobs, Bill Gates hay Mark Zukerberg đều bỏ ngang trường đại học và là động lực cũng như thần tượng của nhiều bạn trẻ. Nhưng đồng thời cũng có ý kiến: tiền tạo ra tiền. Quan điểm số đông cũng là: trở thành một người “danh giá” và giàu có, hơn là một doanh nhân không bằng cấp. Tiến sĩ có thể chia sẻ suy nghĩ, khi chính ông cũng từng nói: “Hãy hiểu thật rõ về niềm đam mê của mình thì bạn sẽ kiếm được tiền.”?

Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của các bạn trẻ là không biết mình muốn gì. Khi con thứ nhất của tôi học đại học, nó hỏi: “Cha muốn con làm gì?”. Tôi nói cha muốn con thành công và hạnh phúc. Hãy tự quyết định cuộc đời con – bắt đầu từ thứ con đam mê nhất. Vì con sẽ phải sống và làm việc đến 2/3 cuộc đời còn lại nên đừng biến nó thành công việc mà hãy biến nó thành sở thích. Tôi khuyên con viết tất cả mọi thứ con quan tâm ra tờ giấy trắng và lựa chọn 1 sở thích duy nhất. Con thứ hai của tôi thì ngược lại. Nó có quá nhiều sở thích. Tôi cho nó ít tiền và bảo đi tắm biển, bỏ hết đồ công nghệ, điện tử ở nhà đi – vì tôi muốn nó tĩnh tâm hoàn toàn. Sau đó, nó viết ra giấy mọi thứ nó muốn và thích làm, rồi cũng lựa chọn.

Tiếp tục với câu hỏi này, tôi thấy nhiều bạn đang lầm lẫn kiến thức với bằng cấp – hai thứ hoàn toàn khác nhau. Theo tôi, sinh viên đi học xong 4, 5 năm thì nên vứt luôn tấm bằng đi. Kiến thức hiện nay phát triển rất nhanh, nếu bạn không học, không cập nhật mỗi ngày, thì bạn sẽ tụt hậu thảm hại về kiến thức. Các bằng cấp tôi có đều là từ chục năm trước. Tôi đã quên tất cả kiến thức đã đem đến cho tôi các bằng cấp đó. Nếu có quyền, tôi sẽ bắt mọi học giả thi lại các kiến thức mỗi 5 năm, nếu không thì mất bằng, kể cả các bậc Tiến Sĩ, Giáo Sư. Theo đúng luật chơi này, cá nhân tôi chắc đã mất hết các bằng cấp lâu rồi.

Tôi đánh giá cao sự đóng góp của giáo dục, nhưng kiến thức hàn lâm không ứng dụng nhiều vào kinh doanh thực tế được. Vì vậy mà bên Mĩ họ có 1 câu: “Nếu làm không được thì đi dạy”. Tức là bằng cấp học thuật sẽ giúp bạn phát triển khi bạn nghiên cứu, giảng dạy, còn trong kinh doanh thì không.

7. Những người thành công đang trẻ dần là xu hướng chung của thế giới không ngoại trừ Việt Nam, và lượng các bạn trẻ thử sức khởi nghiệp sớm không còn hiếm. Vậy Tiến sĩ có lời khuyên hay chỉ dẫn gì?

Quan trọng là hãy nhìn xem mình đã đủ quyết tâm, ý chí và kiên nhẫn chưa. Có kế hoạch kinh doanh rõ rang bài bản chưa? Nếu có, bạn sẽ có một lợi thế cạnh tranh rất tốt vì hiện nay, nhiều bạn trẻ đang thiếu sáng tạo, lười suy nghĩ, thích ăn nhậu, hưởng thụ và ham chơi. Toàn đối thủ như vậy thì quá tốt cho cơ hội của bạn, đúng không?

Hãy tìm những lợi thế cạnh tranh của mình, và phát huy nó tối đa. Thế thôi.

8. Có một số ý kiến cho rằng: các bạn trẻ Việt Nam đang thích làm chủ quá sớm trước khi bỏ thời gian làm thuê đề chà xát, học hỏi kinh nghiệm. Vì vậy mà các doanh nghiệp nhỏ thì quá nhiều mà thương hiệu quốc tế thì không có do chẳng ai thích làm thuê.

Mỗi người một sở thích, nhưng điều tôi lưu ý là nếu bạn chỉ làm nhỏ thì bạn sẽ khó có cơ hội phát triển ra biển lớn. Trải nghiệm bạn thu thập sau khi làm việc với một doanh nghiệp lớn là điểm xuất phát khi khởi nghiệp sẽ có quy mô tầm cỡ lớn hơn.

9. Một bất lợi của tuổi trẻ là…trẻ tuổi. Lời khuyên của Tiến sĩ cho các bạn để có thể được xem như một “doanh nhân” nghiêm túc khi làm việc?

Điều này ai cũng phải vượt qua cả, tôi cũng thế. Vấn đề là hãy xem hiệu năng (hiệu quả và năng suất – PV) công việc của mình. Bạn đã làm nhanh, làm tốt hơn người khác chưa?


10. Cách khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng hoặc số vốn rất thấp? Làm thế nào để xoay vốn hay tìm những nhà đầu tư phù hợp? Tiến sĩ có thể chia sẻ những tổ chức/trang web/cộng đồng hữu ích cho bạn trẻ khởi nghiệp?

Có quá nhiều sách, tư liệu về đề tài này, hãy tìm đọc hết thì bạn sẽ biết. Tuy nhiên, đừng nói thiếu tiền, vì thực sự, trên thương trường chỉ thiếu ý tưởng mà thôi. Trên thế giới mỗi ngày có 400 đến 500 ngản tỉ đô la lưu thông, các quỹ đầu tư lớn ở Việt Nam vẫn loay hoay lo giải ngân cả vài trăm triệu đô. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt đang hoạt động thì thiếu minh bạch theo chuẩn mực quốc tế và các dự án mới thì khá nghèo nàn về ý tưởng sáng tạo với những quản lý không có kinh nghiệm,

Nếu bạn thấy cà phê Highlands thành công, bạn muốn làm một chuỗi tiệm tương tự, vậy sao tôi phải đầu tư cho bạn? Tôi thà rót tiền vào Highlands, vì họ đã có kinh nghiệm và vị trí sẵn.

Nếu muốn tìm, hãy search chữ “venture capital” và đọc.

Nếu muốn có tiền, bạn phải chắc chắn là sản phẩm/dịch vụ của bạn phải thật sáng tạo và hơn tất cả các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Làm một dự án bài bản. Tôi gợi ý phần mềm Business Plan Pro, bạn có thể tìm mua trên mạng với giá rất ổn. Phần mềm này có đầy đủ những gì bạn cần và rất dễ sử dụng.

Bản thân bạn trẻ cũng có thể tìm những người đã có kinh nghiệm nhất định để mời họ cùng nằm trong ban điều hành và chia cổ phần cho họ. Điều này sẽ tạo niềm tin nhiều hơn cho các nhà đầu tư.

11. Cái gì tạo ra tiền?

Ý tưởng.

12. Sai lầm khi kiếm tiền và dùng tiền khi trẻ là…

Nghĩ quá nhiều về tiền chứ không phải cái tạo ra tiền. Hormone – tiêu tiền theo “ý kiến” của nó.

13. Một thói quen để trở nên giàu có?

Làm việc và chấp nhận thất bại.

14. Người trẻ đầu tư cái gì để có lời nhất?

Chính bản thân mình, từ phần đầu trở lên là cả triệu tỉ. Bạn chỉ kiếm được tối đa mười mấy đô/giờ với phần từ cằm trở xuống.

15. Cuốn sách phải có?

Không có. Tôi đọc quá nhiều. Bạn cũng nên như vậy.

16. Việc đầu tiên phải làm khi có dư tiền?

Làm thứ mình thích nhất.

17. Bài học đầu tiên để khởi nghiệp thành công?

Thất bại. Nó là bạn tốt nhất.

Xin chân thành cám ơn Tiến sĩ và chúc Tiến sĩ mọi điều tốt đẹp nhất!

NGUYỆT ÁNH

BÁO SINH VIÊN VIỆT NAM