Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Phản hồi của chính phủ về chương trình “20 triệu máy tính”



Sau loạt bài về lời kêu gọi hãy cung cấp cho 20 triệu học sinh Việt mỗi em một máy tính bảng, cá nhân tôi nhận được một thư mời của Ông Phạm Duy Yên thuộc Ủy Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Về Công Nghệ Thông Tin đến tham dự buổi hội thảo cùng tên được tổ chức vào ngày thứ bảy 7/1/2012 tại Hà Nội. Vị chủ tọa là Ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân và hai ông Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Sơn (Thông Tin Truyền Thông) và ông Phạm Vũ Luận (Giáo Dục Đào Tạo).



Đây là một điều hơi ngạc nhiên cho một người dân thường như tôi. Từ bé đến lớn, công văn các chánh phủ gởi cho tôi toàn là trát đòi hầu Tòa, giấy đòi thuế hay giấy phạt xe cộ. Nhưng ngạc nhiên lớn hơn là sự phản hồi nhanh lẹ của các quan lớn. Lạ hơn nữa là họ có thì giờ đọc bài viết của tôi, có lẽ sau khi đã liếc qua hình của Ngọc Trinh hay Thủy Tiên. Đùa vậy thôi, chứ tôi thật sự trân trọng sự quan tâm của các quan lớn ở Bộ Giáo Dục.

Tôi không dự được hội thảo vì không có mặt tại VN vào thời điểm này. Nhưng theo lời yêu cầu của tôi, một BCA (Bạn Của Alan) được mời nghe. Anh Trần Trung Hiếu cũng là một lập trình viên đã hoàn tất phần mềm cho các sách tương tác của thiếu nhi. Đính kèm là bài báo cáo của anh và 2 công văn chánh thức của chánh phủ về đề tài này. Chúng tôi đăng nguyên văn và không đục bỏ phần nào như thói quen.

Dĩ nhiên cho đến lúc này thì chánh phủ cũng giống tôi và các BCA thôi. Mọi người đều chém gió cả. Cho đến khi các máy tính đến tay các em, thì lời nói vẫn chỉ là lời nói (rất rẻ và dễ). Tuy nhiên, các quan lớn khác chúng tôi ở chỗ là họ có quyền lực, có ngân sách, có tiếng nói…để biến chương trình này thành sự thực. Quan nào có công lớn nhất và đẩy tiến trình đến đích trong 3 năm tới, tôi hứa là sẽ làm một điều tôi chưa hề làm trong đời: tôi sẽ tạc tượng ngài và xây một đài kỷ niệm ở bất cứ nơi nào ngài muốn.

Với tất cả nghiêm túc,

Alan Phan

P.S. Tôi cũng xin thông báo với các BCA là tôi đã mời đuợc hai vị quản lý tầm cỡ tình nguyện phụ giúp để phối hợp và điều hành chương trình “20 triệu máy tính bảng cho các em” này. Người thứ nhất là ông Quách Nguyễn Thanh Phong, Chủ Tịch Tổng Giám Đốc Công Ty Hi-Way và cũng là Chủ Tịch Của Hội Doanh Nghiệp Trẻ 2030. Người thứ hai là Tiến Sĩ Trần Hồng Quang, cựu Biên Tập báo Vietnamnet và hiện là Chủ Tịch TGD Công Ty Nam Hải.

Tôi, anh Phong, anh Quang và 12 tình nguyện viên khác ở Saigon sẽ họp buổi đầu tiên vào chiều chủ nhật lúc 4 giờ ngày 15/1/2012 để bàn về việc thiết lập một web site cho chương trình và tiến hành các kế hoạch triển khai khác. Bạn nào muôn tham dự, xin liên hệ với Ms. Thương Email: gocnhinalan@gmail.com hoặc SĐT: 0948 705 999

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa


CHIẾN LƯỢC ĐƯA VIỆT NAM TRỞ THÀNH NƯỚC MẠNH VỀ CNTT VÀ CHƯƠNG TRÌNH MÁY TÍNH NỐI MẠNG TRI THỨC MỘT NĂM NHÌN LẠI

Ngày 22/9/2010, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và Truyền thông”, theo đó Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Đề án trên cả nước. Ngày 07/01/2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi Hội thảo nhìn lại 1 năm về những kết quả đạt được. Về cơ bản, do nhiều nguyên nhân khách quan (bầu cử Quốc hội, cắt giảm chi tiêu công…) và chủ quan (nhận thức của lãnh đạo…), việc thực hiện Đề án vẫn còn nhiều khó khăn và kết quả chưa có gì nổi bật.

Chúng ta đang ở đâu?

Việt Nam được xếp hạng thứ 8/50 về gia công phần mềm trong báo cáo Offshoring Opportunities, tăng 2 bậc so với 2009 và tăng 11 bậc so với 2007. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng liên tục có tên trong Top 50 các thành phố mới nổi về gia công phần mềm trong báo cáo thường niên Global Services – Tholon Study (TPHCM đứng thứ 6 và HN đứng thứ 11)

Trong hai năm 2009, 2010, Việt Nam liên tục được xếp trong Top 20 quốc gia có số người dùng Internet nhiều nhất thế giới (năm 2009 đứng thứ 18 và năm 2010 đứng thứ 19). Tại khu vực châu Á, năm 2010 Việt Nam xếp thứ 7 với 27,9 triệu người dùng Internet.

Tuy nhiên, hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Việt Nam được xếp hạng khá thấp 60/66 trong báo cáo về mức độ cạnh tranh trong ngành CNTT-TT của EIU và BSA (tụt 9 bậc so với năm 2008). Trong đánh giá này thì yếu tố quan trọng nhất là số bằng sáng chế về CNTT.

Về hạ tầng CNTT-TT, Việt Nam đứng thứ 44/66 (tăng 8 bậc so với năm 2009). Trong đánh giá này thì yếu tố quan trọng nhất là số người có máy tính. Như vậy số lượng người sở hữu máy tính ở Việt Nam vẫn tương đối thấp so với thế giới.

Tóm lại, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, nền CNTT của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ nói chung trong vòng 5 năm trở lại đây, tuy nhiên công nghiệp phần mềm của chúng ta vẫn nặng về gia công, thiếu yếu tố sáng tạo, khả năng cạnh tranh thấp, nguồn nhân lực còn yếu.

Một điểm đáng lưu ý được nêu ra trong Hội thảo là việc ứng dụng CNTT trong logistics là cực kỳ yếu. Các số liệu thống kê cho thấy tổng chi phí logistics của Việt Nam là khoảng 25% GDP. Trong khi đó các nước tiên tiến (Mỹ, Nhật …) khoảng 8% GDP, Singapore 11%, Hàn Quốc 17%… 25% GDP Việt Nam tương ứng với 25 tỷ USD!

Để hỗ trợ cho việc triển khai Đề án đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT vào năm 2020, các đơn vị cũng đã có nhiều hành động cụ thể. Sau đây là một số tín hiệu đáng mừng:

- Bộ Giáo dục đã cho phép số hoá toàn bộ nội dung sách giáo khoa, cho dù vấp phải sự phản đối của các nhà xuất bản. Ông Quách Tuấn Ngọc, cục trưởng cục thông tin thuộc bộ GD đã khẳng định: bản quyền sách giáo khoa thuộc về Nhà nước, do vậy việc số hoá nội dung hoàn toàn do Nhà nước quyết định. Hy vọng trong tương lai gần, học sinh của chúng ta sẽ không cần phải mua sách in mà chỉ cần tải về các ấn bản điện tử với chi phí thấp hơn nhiều.

- Viettel cam kết tài trợ internet miễn phí cho tất cả các trường học trên cả nước. Đến đầu năm 2011, Viettel đã hoàn thành việc nối mạng cho 100% các trường học thuộc Bộ Giáo dục, thậm chí đã kéo tới 65 km cáp quang chỉ để nối mạng cho 2 trường cấp 1 và cấp 2 ở huyện miền núi Mường Chà.

- Bộ Giáo dục sẽ có khối thi đại học A1 từ năm 2012. Khối A1 sẽ bao gồm các môn Toán, Lý và Anh văn. Đây là một khối thi lý tưởng cho các trường đang mở khoa đào tạo về CNTT, cũng như các thí sinh muốn thi vào ngành này.

- Điện toán đám mây sẽ được triển khai sẽ giúp cho việc đầu tư CNTT cho các trường học sẽ có chi phí rẻ hơn. Các trường học sẽ không phải đầu tư mua sắm máy chủ, phần mềm như trước mà sẽ ứng dụng CNTT dựa trên nền điện toán đám mây. Việc đào tạo đội ngũ giáo viên cũng sẽ được thực hiện trực tuyến, giúp giảm bớt chi phí đào tạo.

- Về việc sản xuất máy tính giá rẻ cho các trường học, ông Mai Sean Cang, tổng giám đốc Intel Việt Nam khẳng định ở Việt Nam đã có một vài công ty sản xuất máy tính chi phí thấp và thậm chí còn xuất khẩu ra nước ngoài. Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế cũng như là hỗ trợ ngân sách trong việc cung cấp các máy tính giá rẻ cho trường học. Theo nghiên cứu của nhóm tư vấn, từ nay đến 2020 cần đưa 7,5 triệu máy tính vào trong trường học, trong đó nhà nước sẽ hỗ trợ khoảng 9.000 tỷ đồng. Phần vốn đầu tư của các doanh nghiệp là 11.000 tỷ đồng.

Về vấn đề sản xuất nội dung cho Giáo dục, các đại biểu đều nhất trí rằng chương trình Máy tính nối mạng tri thức chỉ thành công khi chúng ta sản xuất được các nội dung giáo dục phù hợp và lành mạnh cho thanh thiếu niên. Theo thống kê, đa phần thanh niên vào Internet để truy cập các nội dung liên quan đến trò chơi và giải trí. Ông Nguyễn Lâm Thanh, giám đốc VTC thừa nhận việc sản xuất nội dung giáo dục không đem lại nhiều lợi nhuận như là sản xuất các nội dung giải trí. Như vậy cần có những chính sách phù hợp của Chính phủ để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nội dung về giáo dục.

Các diễn giả cũng đưa ra rất nhiều đề xuất góp ý để tiếp tục thực hiện Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT, cũng như thực hiện chương trình Máy tính nối mạng tri thức. Có thể nêu ra ở đây một số ý kiến hay như sau:

- Thiết lập chuẩn kỹ năng về CNTT. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng trường Đai học Công nghệ khuyến nghị sử dụng chuẩn ITSS của Nhật Bản để làm chuẩn kỹ năng cho kỹ sư CNTT Việt Nam. Ở Nhật Bản hàng năm có 800 nghìn người thi chuẩn này, và tỉ lệ đỗ chỉ là 25%. Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia… đều sử dụng chuẩn này cho nước họ. Việt Nam hiện nay chưa có chuẩn, Việt Nam lại thường được Nhật Bản ưu tiên hơn trong lĩnh vực outsourcing so với Trung Quốc, vì thế áp dụng chuẩn ITSS là phù hợp cho Việt Nam.

- Nên đẩy mạnh hơn việc sử dụng phần mềm mã nguồn mở (Open Source Softwares) trong môi trường giáo dục. Sử dụng phần mềm mã nguồn mở vừa giảm được chi phí đầu tư, nâng cao nhận thức về bản quyền cũng như là đẩy mạnh được phong trào R&D trong trường học.

- Chính phủ cần có chính sách phù hợp khuyến khích các công ty sản xuất nội dung về giáo dục. Ví dụ như miễn thuế thu nhập của các doanh nghiệp này. Chính phủ cũng có thể thiết lập những kênh riêng cho những nội dung này và miễn phí giao dịch. Ví dụ, khi người mua bỏ ra 10.000 đồng để mua một nội dung giáo dục, họ sẽ được hưởng trọn nội dung tương ứng với số tiền đó mà không mất tiền cho những khâu phân phối và giao dịch trung gian.

Việc nghiêm túc triển khai thực hiện Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT là cần thiết, và rất cần sự nhận thức đúng của lãnh đạo các Bộ, ngành và các địa phương. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, chi tiêu công đang bị cắt giảm, để có thể thực hiện được Đề án cần rất nhiều nỗ lực cả từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Đề xuất về chương trình “20 triệu máy tính bảng cho trẻ em Việt Nam” của TS. Alan Phan cũng có chung ý nghĩa với chương trình “Máy tính nối mạng tri thức” của Chính phủ, đang nhận được những tín hiệu tích cực từ nhiều phía. Việc cho phép số hoá sách giáo khoa của Bộ giáo dục, tài trợ Internet miễn phí của Viettel cũng như các đề xuất để hỗ trợ sản xuất nội dung số và sản xuất máy tính giá rẻ sẽ là những tác nhân tốt để các chương trình sớm trở thành hiện thực. Hy vọng đến buổi Hội thảo tổng kết năm 2012, chúng ta sẽ có những kết quả tốt hơn, cụ thể hơn và những chuyển biến thực sự rõ rệt. Chúng ta có quyền hy vọng Việt Nam sẽ không chỉ là nước mạnh về CNTT(giảm được chi phí logistics), mà là nước mạnh bằng CNTT vào năm 2020!

TÓM TẮT HAI CHUYÊN ĐỀ HỘI THẢO

Ngày 22/9/2010, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và Truyền thông”, theo đó Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Đề án trên cả nước.

Trong vòng 1 năm qua, Bộ TTTT đã tích cực thực hiện các hoạt động triển khai Đề án như tổ chức các hội thảo, hội nghị để quán triệt triển khai Đề án, ban hành các văn bản hướng dẫn, đốc thức các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án, phê duyệt Kế hoạch thông tin tuyên truyền về Đề án, ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao cho Bộ TTTT chủ trì v.v…

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế và thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hoạt động điều phối của Bộ TTTT chủ yếu định hướng các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện công tác xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế về CNTT-TT, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tạo tiền đề cho việc triển khai Đề án trong các năm tiếp theo.

Các hoạt động điều phối triển khai Đề án đã góp phần làm cho các địa phương và các Bộ, ngành liên quan xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án, từ đó tích cực, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai Đề án. Đến nay, đã có trên 31 địa phương phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án tại địa phương mình.

Hoạt động thông tin tuyên truyền về Đề án được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhân thức của toàn xã hội về vai trò của CNTT-TT trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đồng thời quảng bá hình ảnh, thương hiệu CNTT-TT Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam đối với chủ trương ưu tiên phát triển ngành CNTT, từ đó tạo lòng tin, thu hút các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia đầu tư vào lĩnh vực CNTT-TT tại Việt Nam.

Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, nhà nước, chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, trong năm qua ngành CNTT-TT Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:

Phát triển CNTT phục vụ giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy và học đã được quan tâm. Nhiều trường phổ thông trên cả nước đã được kết nối Internet băng thông rộng. Việc triển khai mạng giáo dục Edunet, ứng dụng công nghệ học điện tử eLearning và chương trình bài giảng trực tuyến do giáo viên tự làm bước đầu đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, việc tạo ra một kho ứng dụng và nội dung trực tuyến dồi dào, lành mạnh, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của đông đảo thanh niên, học sinh và cộng đồng vẫn còn là một thách thức lớn.

15 địa phương trên khắp cả nước đã triển khai ứng dụng các giải pháp phần mềm mã nguồn mở trên máy chủ như hệ thống thư điện tử, hệ thống cổng thông tin điện tử nguồn mở, hệ thống quản lý văn bản điều hành nguồn mở, hệ thống một cửa điện tử. Đó là các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang và Cà Mau.

Trong năm qua, Bộ Thông tin va truyền thông đã cơ bản hoàn hành việc xây dựng để trình phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở giai đoạn 2011-2015 với các nội dung chính: Dự kiến triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước ở 250 huyện và 3.000 xã, trong đó ưu tiên 1.700 xã vùng sâu, vùng xa. Các dự án dự kiến sẽ được thực hiện trong chương trình giai đoạn 2011-2015 bao gồm: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông tin truyền thông cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin truyền thông cơ sở; duy trì hoạt động thường xuyên cho hệ thống thông tin truyền thông cơ sở; hỗ trợ thiết bị nghe và xem cho hộ gia đình; tăng cường nội dung thông tin truyền thông về cơ sở phục vụ đồng bào các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Một trong những mục tiêu cơ bản của Đề án “Sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin” là “Đến năm 2015: 20 – 30% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập internet băng rộng; đến năm 2020: hầu hết các hộ gia đình trên cả nước sử dụng các dịch vụ số, 50 – 60% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính truy cập internet băng rộng, trong đó 25 – 30% truy nhập băng rộng sử dụng cáp quang”.

Đối với giáo dục, công nghệ thông tin ngày càng có vai trò quan trọng hơn, có ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ với vai trò công cụ học tập, mà còn có vai trò dẫn dắt, định hướng.

Vi vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập nhóm nghiên cứu, xây dựng nội dung và Chương trình “Máy tính nối mạng tri thức”. Đối tượng của Chương trình là sinh viên, học sinh, trường học và cho cộng đồng. Chương trình này sẽ là một giải pháp đột phá giúp thanh thiếu niên, trường học và cộng đồng nâng cao kiến thức, kỹ năng và năng lực sáng tạo, trở thành nguồn lực quyết định sức cạnh tranh của đất nước. Chương trình được xây dựng và triển khai trên cơ sở huy động các nguồn lực của xã hội. Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư, kích cầu, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả các nội dung của Chương trình.

Chương trình sẽ tạo ra một kho ứng dụng và nội dung số lành mạnh, phong phú, hấp dẫn, phục vụ hiệu quả cho dạy và học tích cực, đưa thông tin, tri thức, công nghệ đến với người dân. Chương trình cũng sẽ cung cấp trọn gói sản phẩm máy tính với giá ưu đãi và dịch vụ kết nối băng thông rộng giá rẻ cho các đối tượng thụ hưởng. Ngoài ra, đi kèm theo đó là các dịch vụ CNTT, các dịch vụ đào tạo và hỗ trợ giúp người dùng có thể dễ dàng tiếp cận mạng tri thức, giúp tạo ra một xã hội kết nối, tạo nền tảng cho phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam.

Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng CNTT và năng lực sáng tạo cho sinh viên, học sinh, giáo viên và cộng đồng; phát huy hiệu quả ứng dụng CNTT trong dạy và học; đẩy mạnh học tập tích cực, lớp học tương tác, học tập qua mạng, kết nối phụ huynh học sinh và nhà trường; tạo môi trường chia sẻ thông tin trong học tập và sản xuất; đẩy mạnh chia sẻ và áp dụng tri thức khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; kết nối hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giữa người nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chương trình còn thúc đẩy phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam. Chương trình sẽ tạo động lực cho phát triển các sản phẩm máy tính, linh kiện, các thiết bị điện, điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; góp phần mở rộng thị trường CNTT, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam; đảm bảo đáp ứng nhu cầu của xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, nông thôn và cộng đồng.

Chương trình hứa hẹn sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”.

Với chủ đề “Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT một năm nhìn lại” và Chương trình “Máy tính nối mạng tri thức”, ngày 07/01/2012, Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo quốc gia nhằm cung cấp thông tin về tình hình một năm triển khai Đề án và dự thảo chương trình máy tính nối mạng tri thức. Tại Hội thảo này Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin và Bộ Thông tin truyền thông mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Chương trình máy tính nối mạng tri thức, và để triển khai thành công các mục tiêu đã đề ra của Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT.