Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Bên kia sông


BLOG CỦA ALAN NGÀY CHÚA NHẬT 5/5/2013
Sáng sớm khi vừa ngủ dậy, tôi thường cùng vợ đi bộ dọc con đường vắng lặng bên sông cạnh khu nhà. Vừa thể dục, vừa để bà xả bầu tâm sự…vì tôi bận rộn suốt ngày, không có thì giờ…để nghe mắng. Bà thường thắc mắc là tại sao tôi cứ dành thì giờ và tiền bạc cho Góc Nhìn Alan (GNA) mà mục tiêu duy nhứt theo suy nghĩ của bà là…chọc để chúng chửi và ghét. A no-win situation (chỉ có thua). Già vẫn không chịu yên, mua lấy stress cho mình với lời khen, tiếng chê của những người không quen biết.
Dĩ nhiên bà không hiểu. GNA thực sự là phương pháp thiền lý tưởng nhất của tuổi già. Giống như các bạn trẻ ngày nay có Facebook và Twitter để kết nối bạn bè. Sau 68 năm, lời khen chê, chuyện thành bại, những mất còn… đã đầy ắp ba lô cuộc đời, không còn chỗ chứa đựng. Vả lại, tôi cũng đã vất chiếc ba lô này lâu rồi, ở một nơi nào đó. Tôi không thấy một chút stress gì với khen chê hay phản ứng của thiên hạ, thân hay sơ, ngoài một cảm giác amusing (khôi hài lẫn thú vị).
Đây cũng là cảm giác của một hoa hậu trong một tập của bộ phim hấp dẫn Twilight Zone (Khu Chạng Vạng, khoa học giả tưởng) chiếu trên TV Mỹ thời 60’s khi tôi còn là sinh viên. Cô hoa hậu này bị rơi vào một thế giới khác nơi quan điểm về xấu-đẹp hoàn toàn trái ngược với thế giới chúng ta. Cả một xã hội toàn những khuôn mặt và thân hình ác quỷ, nhưng khi họ nhìn cô hoa hậu , họ cảm thấy tội nghiệp vì sao Trời lại “bắt cô xấu xí đến thế”. Sau một thời gian, cô cũng quen dần với thực tại và góc nhìn mới, mang mặc cảm tự ti và ao ước được “đẹp” như các bạn bè quanh mình. Kết cuộc câu chuyện cũng hào hứng, nhưng tôi để dành để viết kịch bản cho một phim mới (không biết có nên mời Lý Nhã Kỳ đóng vai chính?).
Sau một thời gian về đây thường xuyên, tôi cũng có cảm giác thế giới của mình đang bị đảo ngược. Ngày xưa tôi nhăn nhó khó chịu khi nhìn thấy các kiểu lái xe lạng lách bất chấp luật giao thông, các hành vi xả rác đái bậy ngay giữa đám đông, sự hách dịch côn đồ của những tên đầu gấu tiếm dụng hè đường, thái độ trịch thượng của các đầy tớ khi moi phong bì của dân…Bây giờ, nó là chuyện thường ngày ở huyện.
Sâu xa hơn, ngày xưa mình thắc mắc sao một nhân vật khả kính như vậy mà nói dối ngon ơ, lại không biết ngượng khi bị bại lộ? Hay tại sao những tài năng trẻ nhiều kỹ năng IT như vậy lại suốt ngày mài quần  lảm nhảm vô nghĩa tại các quán cà phê hay quán nhậu? Tại sao phần lớn con người Việt lại sẵn lòng bán bỏ tương lai để đổi lấy vài đồng tiền hay vài quyền lực tạm bợ trong một bối cảnh bấp bênh? Tại sao cái Ác, cái Giả Dối, cái Xấu…lại được tôn vinh hàng ngày khắp mọi hẻm hóc để mọc rễ sâu vào dân trí?…  Bây giờ, nó là chuyện thường ngày ở huyện.
Tôi cảm thấy amusing khi nhìn ảnh hưởng của một thế giới đảo ngược như vậy với những người sống lâu nơi đây. Ngay cả chính mình. Có lẽ các trang GNA và diễn đàn tự do của các bạn BCA là một liều vắc xin tôi tiêm cho mình và vài thân hữu? Có lẽ GNA là một níu kéo vào những gì mình đã tin và đã sống? Cái phao trên biển cả ô nhiễm và đầy cá mập?
Ở Phú Mỹ Hưng, trước khu Grandview, có một quán nhậu nằm biệt lập trên một cù lao nhỏ gọi là Bên Kia Sông. Thực khách phải đón đò hay ca nô để đi về. Ban đêm, mặc cho sự náo nhiệt của thành phố, bạn vẫn có thể nghe tiếng ểnh ương hòa nhạc liên tục. Người chủ quán (tôi không quen biết và đây không phải là PR) khá khôn ngoan vì nếu ông ta muốn chặt chém thực khách, không ai dám than phiền vì sẽ không có thuyền về. Lối điều hành cùa chánh phủ và các doanh nghiệp Việt có giống thế không nhỉ?
Chắc tôi phải học cách điều hành của ông? GNA cũng như quán Bên Kia Sông, mở cửa cho khách thập phương mà lại miễn phí. Các dư luận viên của chánh phủ hay các bạn chống Cộng quá khích thường lên đây ăn nhậu rồi chửi rủa khách hàng cũng như chủ quán, rất vô tư. Kỳ này, phải bắt các tay này lo lội sông mà về.
Tôi cũng đang nghĩ đến chuyện thả một lô cá sấu xuống sông để tạo chút cảm giác mới cho các bạn này?
Alan Phan