Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Paul Krugman với "Sự trở lại của kinh tế học suy thoái"


Nhà dự báo khủng hoảng tài ba Paul Krugman đã nhận được giải thưởng Nobel kinh tế năm 2008. Tuy đến năm 2008 mới chính thức được Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải thưởng giá trị này nhưng trong vòng hơn 10 năm qua, những nghiên cứu của Krugman thực sự rất có giá trị trong lĩnh vực kinh tế học, đặc biệt là những nghiên cứu của ông về khủng hoảng và suy thoái kinh tế trên thế giới. Những nghiên cứu, những phát biểu của Krugman trước năm 2008 có những lúc bị “người ta” “lơ đãng” và “thờ ơ”. Nhưng rồi cuộc khủng hoảng tài chính, rồi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra như một bằng chứng khách quan nhất khẳng định tính chính xác và đúng đắn về những tiên đoán của Krugman về vấn đề suy thoái kinh tế.
Là Giáo sư giảng dạy môn thương mại quốc tế và địa kinh tế tại Trường Đại học Princeton và chủ bút mục kinh tế cho tờ Times, trong những năm qua Paul Krugman đã viết rất nhiều sách và các bài báo, bài nhận định, phân tích, phê bình… về những bất ổn của nền kinh tế thế giới với những nguy cơ khủng hoảng và suy thoái tiềm ẩn ngay trong giai đoạn tăng trưởng ấn tượng của kinh tế toàn cầu. Với những sự xem xét, phân tích, đánh giá và so sánh về một cách toàn diện giữa những biến động kinh tế tại các nước và khu vực như Châu Mỹ Latinh, Nhật Bản, Mexico…trong vòng 20 năm qua với cuộc đại suy thoái 1930, Paul Krugman như tiên liệu được về một sự lặp lại của lịch sử suy thoái kinh tế. Và “Sự trở lại của kinh tế học suy thoái’ của Paul Krugman thực sự cần được xem xét nghiêm túc để giúp thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
“Kinh tế học suy thoái” – một khái niệm mới trong kinh tế học?
Kinh tế học suy thoái là một khía cạnh của kinh tế học, là khoa học nghiên cứu về nguyên nhân gây ra thất bại của nền kinh tế và cách thức giải quyết chúng. Biểu hiện của sự thất bại của nền kinh tế ở đây chính là những đợt suy thoái triền miên của nền kinh tế, gây ra những ảnh hưởng mang tính hệ lụy lâu dài đối với sự phát triển mang tính bền vững của một quốc gia, khu vực và cả thế giới.
Vì trước suy thoái kinh tế năm 2008 đã có rất nhiều đợt suy thoái kinh tế (điển hình là cuộc Đại suy thoái 1930) nên thực sự khái niệm “kinh tế học suy thoái” cũng không thực sự quá mới mẻ đối với những ai quan tâm tới kiến thức và sự hiểu biết về suy thoái, về khủng hoảng (như Paul Krugman chẳng hạn). Nó chỉ mới với những ai “thờ ơ” với nguy cơ suy thoái hay khủng hoảng kinh tế hoặc đối với những người đã “ngủ quên” trên những sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian vừa qua (khoảng gần 1 thập kỷ trở lại đây, trước cuộc suy thoái kinh tế năm 2008).
Kinh tế học suy thoái chỉ ra rằng sự thất bại về mặt cầu của nền kinh tế là nguyên nhân chính gây ra sự “tắc nghẽn” trong “chu trình vận hành” của một nền kinh tế. “Trở lực” chính là sự thiếu hụt tín dụng của người dân cho tiêu dùng. Việc không có đủ chi tiêu cá nhân sẽ gây ra việc không thể tận dụng hết công suất sản xuất của một nền kinh tế. Năng lực sản xuất lớn, khối lượng sản phẩm được tạo ra nhiều nhưng không được sử dụng sẽ tạo nên cuộc khủng hoảng “thừa”. Như vậy, chính mặt cầu hạn chế đã làm ảnh hưởng tới cung.
Việc phân tích nguyên nhân của suy thoái kinh tế cũng là một cách để phê phán trường phái kinh tế học trọng cung (supply-side economics). Và cuộc suy thoái kinh tế xảy ra lại cung cấp thêm những bằng chứng bác bỏ trường phái này. Từ đó, tạo nên một sự dịch chuyển trong cán cân tranh luận lý thuyết kinh tế học trọng cung và trọng cầu.
Về nguyên tắc, trong dài hạn những sự sụt giảm của tổng cầu sẽ tự điều chỉnh khi có sự thay đổi nhanh chóng của tiền lương và giá cả. Tuy nhiên trên thực tế thì giá cả không giảm nhanh được, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái (nhìn nhận ngắn hạn hơn là dài hạn để giải quyết vấn đề trong suy thoái).
Phương án giải quyết và những vấn đề?
Sẽ có phương án tối ưu chăng?
Như phân tích trên, nguyên nhân dẫn đến suy thoái là do việc thiếu hụt chi tiêu cho tiêu dùng. Do đó để giải quyết vấn đề suy thoái kinh tế nên bắt đầu từ việc cung cấp tín dụng cho tiêu dùng với mục tiêu kích cầu để tận dụng tối đa công suất sản xuất của nền kinh tế. Việc “khơi thông” dòng tín dụng và đẩy mạnh chi tiêu là rất quan trọng để thoát khỏi khủng hoảng.
Trong bối cảnh khủng hoảng, sự thắt chặt tín dụng sẽ “thật điên rồ”! Tuy nhiên phải công nhận rằng không dễ dàng để thực hiện nó cho dù đã biết tính hữu dụng của giải pháp. Sở dĩ như vậy là bởi chúng ta còn phải đối mặt với sự trở lại của làn sóng lạm phát mà trước đó không lâu chúng ta phải “khốn đốn” vì nó. Lại một lần nữa, chúng ta phải đối diện với sự đánh đổi (trade-offs) khi ra quyết định! Và có chăng tâm lý và sự kỳ vọng vào chính sách cũng ảnh hưởng tới quyết định của những nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh “nguy khốn”? Bên cạnh đó, “niềm tin trong khủng hoảng” cũng là một yếu tố có thể gây ra việc thắt chặt tín dụng. Người dân và các tổ chức tín dụng không muốn giao dịch trong bối cảnh như vậy khi mà lòng tin của họ về sự an toàn và đảm bảo cho tài sản của họ đã bị suy giảm trầm trọng. Niềm tin hay lòng tin của tập hợp nhiều cá nhân trong xã hội có thể được gọi chung dưới thuật ngữ “vốn xã hội”. Hay nói cách khác suy thoái đã làm cho “vốn xã hội” suy giảm; đến lượt nó, sự suy giảm của “vốn xã hội” sẽ làm cho xác suất xảy ra giao dịch tín dụng giảm (chi phí giao dịch sẽ tăng khi “vốn xã hội” giảm đi); giao dịch tín dụng khó được thực hiện thì nguy cơ về sự “tắc nghẽn” dòng tín dụng là rất lớn. Như vậy, suy thoái kinh tế và nguy cơ khủng hoảng đã xóa đi nguồn vốn tín dụng.
Vậy ai sẽ có vai trò quan trọng trong bối cảnh như thế này?
Sự phản ứng và hành động “khôn ngoan” và kịp thời của chính phủ các nước sẽ là cần thiết. Chính phủ sẽ phải hành động để thực hiện sứ mệnh của một nhà sửa chữa những thất bại của thị trường mà chính nó gây ra cuộc suy thoái hiện tại. Bổ sung thêm vốn và cung cấp tín dụng để đảm bảo cho việc kích cầu sẽ là một “phản ứng chuẩn mực” trong bối cảnh này của chính phủ các nước. Điều quan trọng mà chúng ta quan tâm đó là năng lực để có thể đưa ra được những gói kích cầu phù hợp của mỗi chính phủ. Liệu chính phủ có đủ lượng vốn dự trữ không? Dung lượng của gói kích cầu bao nhiêu là vừa đủ để có thể vừa kích cầu thành công mà không gây áp lực lạm phát trở lại? Đối tượng mục tiêu nào sẽ được ưu tiên kích cầu cho từng nền kinh tế gắn với những điều kiện và đặc điểm kinh tế - xã hội cụ thể? Và nhiều vấn đề khác nữa… Tất cả những điều đó sẽ quyết định hiệu quả của chính sách kích cầu!
Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, khi mà mỗi một nền kinh tế là một mắt xích trong hệ thống toàn cầu và sự tác động ảnh hưởng lẫn nhau giữa chúng là rất lớn thì việc các nền kinh tế liên kết với nhau trong việc đưa ra các chính sách để đối phó với suy thoái là cần thiết.
Song song với việc kích cầu thì chúng ta cũng không nên “lãng quên” phía cung của nền kinh tế để làm sao cho việc chi tiêu cho tiêu dùng cũng tương xứng với khả năng sản xuất để tạo nên những sản phẩm thực cho nền kinh tế. Do đó, việc kiểm soát dòng tín dụng để nó không tạo nên “bong bóng thị trường” cũng rất là quan trọng đối với chính phủ các nước. Có ý kiến cho rằng nên thực hiện chi tiêu ở khu vực công vì như vậy vì việc chi tiêu này một mặt sẽ giúp kích cầu các sản phẩm, hàng hóa liên quan; mặt khác sẽ giúp tạo ra những tài sản tương ứng (như cơ sở hạ tầng).
Hệ thống tài chính cần phải được đổi mới để lành mạnh và vững chắc hơn?
Ngày nay, hệ thống tài chính có một vai trò tối quan trọng trong “sự vận hành thông suốt” của một nền kinh tế. Nó được ví như là “huyết mạch” của nền kinh tế. Hệ thống tài chính cùng với hệ thống ngân hàng như là một “sợi dây kiên kết” quan trọng giữa khu vực tài chính và khu vực phi tài chính trong một nền kinh tế. Bởi lẽ đó, nếu như có một sự “trục trặc” nào đó ở hệ thống này thì những điều “tồi tệ” không chỉ liên tiếp xảy ra trong khu vực tài chính (sự phá sản của các ngân hàng, các tổ chức và định chế tài chính) mà còn sẽ xảy ra đối với cả nền kinh tế (sự sụp đổ của nền kinh tế), khu vực kinh tế, thậm chí là đối với nền kinh tế toàn cầu khi mà mức độ hội nhập và liên kết giữa các hệ thống tài chính các nước ngày càng tăng. Do đó, việc làm cho hệ thống tài chính càng trở nên minh bạch, lành mạnh, hoạt động an toàn và có hiệu quả là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Để làm được điều này thì cách thức quản lý của chính phủ đối với hoạt động của các ngân hàng, các tổ chức tài chính và sự luân chuyển dòng vốn giữa chúng là rất quan trọng trong mỗi nền kinh tế. Sự quản lý này cần phải tương ứng với quy mô của hệ thống tài chính, với tốc độ tăng trưởng của hệ thống ngân hàng để có thể kiểm soát kịp thời những vụ “hoảng loạn” ngân hàng do động cơ về mặt lợi ích, lợi nhuận gây ra. Những quy định mang tính bắt buộc được “luật hóa” mà chính phủ đưa ra đối với tất cả chủ thể tham gia trên thị trường tài chính – ngân hàng là rất cần thiết nhằm duy trì một trật tự an toàn cho hệ thống tài chính và cả nền kinh tế. Cần chú ý rằng, những quy định này như những “luật chơi” được thiết kế để tạo ra một thể chế phù hợp mà trên đó hệ thống tài chính được vận hành an toàn, thông suốt và hiệu quả chứ không ngăn cản sự phát triển của hệ thống tài chính hay “bóp méo” thị trường.
Bên cạnh chính phủ các nền kinh tế đưa ra những chính sách quản lý hệ thống tài chính phù hợp cho riêng mình thì việc quản lý toàn cầu hóa hệ thống tài chính cũng là rất quan trọng.

Trong tương lai sẽ còn có những cuộc suy thoái kinh tế mới?
Hiện nay chính phủ các nước, các tổ chức kinh tế ở các khu vực và toàn cầu đang cố gắng làm tất cả những gì có thể để kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng 2008 này có trầm trọng như thế nào đi nữa rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng quan trọng là sau cuộc khủng hoảng này, người ta (chính phủ các nước, các tổ chức kinh tế, các chuyên gia kinh tế, các nhà kinh tế học…) sẽ rút ra được những bài học gì cho tương lai về sự hiểu biết và thái độ đối với “kinh tế học suy thoái”.
Thật khó có thể nói trước được là sau sự suy thoái và khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 sẽ còn có những cuộc suy thoái kinh tế mới hay không? Sự cẩn trọng có cơ sở sẽ luôn cần thiết cho sự an toàn của các nền kinh tế. Điều đó rất có thể lại phụ thuộc vào tư tưởng đương đại về nó. Vì vậy, việc thay đổi tư duy kinh tế, cách nhìn nhận vấn đề kinh tế phù hợp cũng là một điều hữu ích giúp chúng ta phát triển nền kinh tế bền vững.
Xin kết thúc bài viết này với một câu nói rất nổi tiếng của Keynes: “Sớm hay muộn, chính tư tưởng chứ không phải nhóm lợi ích cục bộ sẽ quyết định sự thành bại”.
Tài liệu tham khảo:
N. Gregore Mankiw (1994). Macroeconomics – Second edition. Dịch bởi Nguyễn Văn Ngọc và các tác giả (1996). Hà Nội: Nhà xuất bản Thống Kê.
Paul Krugman (2009). The return of Depression Economics and the crisis of 2008. Dịch bởi Nguyễn Dương Hiếu, Nguyễn Trường Phú, Đặng Nguyễn Hiếu Trung, Nguyễn Ngọc Toàn. TP.HCM: Nhà xuất bản Trẻ.

Nguồn: đang cập nhập