Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Bài luận lý thuyết vị thế-chất lượng :sản phẩm hay tầm nhìn

Quan điểm về sự duy lý, liệu thực sự có lý ?

“ Chúng tôi bán theo thị trường, anh không cần phải trả giá ”. Đó là câu người ta thường nói trong đa phần các cuộc giao dịch. Đã từ lâu chúng ta luôn hiểu rằng giá cả theo thị trường là sự đồng tình về lợi ích giữa đa số người mua và người bán, hay nói cách khác ở mức giá đó cả hai đều có lợi và cảm thấy hài lòng. Vì thế tâm lý chúng ta cũng tự cảm thấy yên tâm và chấp nhận vì ít ra cũng chẳng dễ bị lầm khi đã có nhiều người trải qua trước đó. Mặt khác, niềm tin đó còn được củng cố một cách mạnh mẽ bởi những nhà tri thức hàn lâm qua lý thuết của Kinh tế hoc Tân cổ điển (KTHTCĐ) với quan điểm cho rằng : những nguời tham gia mua bán trong một thị trường thì đều có những kỳ vọng, dự đoán và đưa ra được những quyết định hợp lý, bởi vì những quyết định của họ đã đựợc suy xét rất kỹ lưỡng do dựa trên mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận và những thông tin minh bạch sẵn có trên thị trường. Ngoài ra bất cứ khi nào có thông tin mới xuất hiện, các đối tượng sẽ tự động cập nhật lại dự đoán của mình một cách thích hợp. Khi đối mặt với các thông tin mới, mỗi nhà đầu tư sẽ có cách phản ứng khác nhau, tất cả những gì mà giả thuyết thị trường hiệu quả đòi hỏi chỉ là, phản ứng của các nhà đầu tư hoàn toàn ngẫu nhiên, để ảnh hưởng ròng của chúng (sau khi đã bù trừ lẫn nhau) lên giá thị trường không bị nhà đầu tư khai thác để kiếm lợi nhuận cao một cách bất thường, đặc biệt sau khi đã trừ chi phí giao dịch. Do đó, bất cứ ai cũng có thể sai dự đoán sai về thị trường, nhưng do giá thị trường là sự tổng hợp từ những thông tin, những kỳ vọng hợp lý và luôn hướng tới sự hợp lý nên xét trên tổng thể GIÁ THỊ TRƯỜNG LUÔN ĐÚNG.

Nhưng hãy xem điều gì đã xảy ra với nền kinh tế vào năm 2008 mà nguồn gốc là những khoản tín dụng dưới chuẩn được nới lỏng mà mục đích là để đổ vào thị trường đang nóng là BĐS, nhưng có lẽ người ta vẫn an tâm vì cho rằng nó được xem rất kỹ lưỡng với đầy đủ thông tin chính xác và minh bạch, do đó những nhà quản lý vĩ mô có thể thản nhiên ngồi xem thị trường chơi trò mạo hiểm, đó là tung hứng những món vay như những bong bóng xà phòng từ tay người này qua tay người khác mà khi bóng bóng đã xuất hiện và bay cao thì việc chúng vỡ chỉ là vấn đề thời gian. Mặt khác lý thuyết cũng nói rằng Ngân hàng Trung ương (NHTW) cho dù cũng chẳng biết đuợc các Ngân hàng Thương mại cho vay bao nhiêu và họ công nhận đều đó nhưng họ vẫn có thế kiểm soát được. Nhưng thực tế thì không hoàn toàn như con người nghĩ, và khi NHTW bắt đầu ra tay để cứu lấy nền kinh tế thì một số NHTM hàng đầu của Mỹ đã đệ đơn xin phá sản chỉ vì...người ta nợ họ quá nhiều.

Vậy thì khi mọi việc đã rõ ràng, bài viết này sẽ không đi sâu vào việc phê phán thất bại này như là một sự hạn chế về mặt tư duy (sẽ nói rõ ở phần sau) dẫn đến những hành vi phi lý của những người tôn sùng chủ nghĩa duy lý và cố tình lờ đi thực tế hay đây chỉ là một sự bịp bợm của môt nền tri thức, hoặc của những kẻ hám lợi tận tụy cho mục đích cá nhân, mà đơn giản là đưa ra một điểm nhìn khác về khía cạnh hành vi con người để từ đó hy vọng chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.

Ánh sáng ở đây là chúng ta hiểu được những quyết định phi lý và sự tồn tại của nó trong suy nghĩ con người. Hiểu được quan điểm đằng sau những quyết định của một ai đó nghĩa là chúng ta hiểu được nhu cầu của họ, và người ta nói rằng khi bạn hiểu được con người muốn gì thì bạn sẽ bán hàng được cho cho tất cả mọi người trên thế giới này; Khi bạn nắm bắt được suy nghĩ trong hành vi của con người, nghĩa là bạn có được trái tim của họ, đồng nghĩa với việc bạn điều khiển được họ. Nhưng chúng ta sẽ không bàn đến chuỵện trở thành bá chủ thế giới ở đây mà sẽ quan tâm đến việc đưa ra những luận đỉêm về sự lưa chọn của người tiêu dùng dành cho BĐS, một lĩnh vực nhỏ hơn nhiều.

Chúng ta muốn điều gì ?

Với quan điểm của mình, trường phái KTHTCĐ đề cao lý trí của con người với những hành vi sáng suốt, đúng đắn do từng cá nhân có quyền quyết định chi tiêu bao nhiêu trong danh mục của mình để làm tăng tối đa lợi ích. Thực sự lý thuyết đã đúng khi mô tả những hiện tượng kinh tế xảy ra dựa trên hành vi của con người, và đương nhiên lý thuyết sẽ không sai nếu như những hành vi con người là đúng (thuần lý). Nhưng thực tế một niềm tin vào những quyết định sáng suốt của con người đã đẩy thị trường đến viễn cảnh phi thực tế.

Vậy thì hãy xem lại điều gì là nguồn gốc của những quyết định này và điều gì chi phối mạnh mẽ đến những quyết định đó ? Câu trả lời vẫn không mới : NHU CẦU và Ý THỨC. nhu cầu làm cho con người phải vận động, là động cơ thúc đẩy hành vi của con người, để từ đó đạt đến sự thỏa mãn về cá nhân ( được sinh tồn, an toàn…) và về xã hội ( được chấp nhận, ngưỡng mộ…) Còn ý thức sẽ chỉ cho chúng ta một con đường để đạt được những nhu cầu đó theo cách mà chúng ta cho là hợp lý nhất, phù hợp với môi trường, hoàn cảnh, quan niệm, trào lưu…của xã hội, cộng động mà chúng ta đang sống. Chẳng hạn một con người khi đói ở trong rừng sâu sẽ hành động khác một con người ở nơi văn minh để thỏa mãn cùng một nhu cầu. Bạn không thể hái táo trong siêu thị rồi ăn tại chỗ mà không bị mọi người nhìn với một ánh mắt hiếu kỳ, ít ra là trước khi người ta đưa ra một hình thức tiếp cận mới về sản phẩm và nó đã trở thành xu hướng. Vậy nói tóm lại, chúng ta hành động dựa trên nhu cầu và theo hướng mà ý thức chỉ dẫn; mặt khác ý thức, quan niệm, nhận thức…của chúng ta đều chịu ảnh hưởng của những quan niệm xung quanh khác như: Ăn ở đâu ? Mặc giống ai ? Sống ở khu nào ?.... Do đó một người tự nhận là không đi theo xu hướng của đại chúng, của đám đông theo kiểu “Tôi là tôi - Tôi khác biệt ” thì thực chất là họ đang đi theo một xu hướng của một đám đông khác có cùng quan điểm giống họ.

Theo nhà nghiên cứu tâm lý xã hội F.A. Hayes : Chính vì sự HẠN CHẾ về TƯ DUY dẫn đến sự lệ thuộc vào ĐÁM ĐÔNG, vào những xu hướng chung về nhiều mặt của xã hội (XH), nên từ đó làm cho con ngườii dễ dàng bị phụ thuộc vào các QUY TẮC ỨNG XỬ chung của XH. Mặt khác những quy tắc này luôn chi phối, hướng cho các HÀNH ĐỘNG của cá nhân trở nên phù hợp với quan niệm đại chúng của XH. Từ đó tạo ra một TRẬT TỰ nhất định cho XH, dựa trên sự TƯƠNG ĐỒNG về quan điểm, tiêu chuẩn của đám đông và từ đó người ta (hay XH) gọi đó là những hành vi CÓ LÝ. Nhưng thực tế thì những hành vi được gọi là có lý này chưa chắc đã đúng, logic, phù hợp với khoa học. Vì thế sự khác nhau giữa 2 BẢN CHẤT: có lý & vô lý chỉ là sự khác nhau về LƯỢNG số người đồng quan điểm, và do đó VÔ LÝ đơn giản chỉ là CHƯA CÓ LÝ tại môt thời điểm nhất định mà thôi. Vậy vô lý hoặc có lý không nằm ở bản chất của hiện tượng mà chỉ là do nhận thức chủ quan của con người, XH đó tại một thời điểm nhất định và sự nhận thức chủ quan đó phụ thuộc vào nhu cầu, thị hiếu, trình độ văn hóa, giai cấp, vị thế, truyền thống dân tộc, xu hướng XH, môi trường xung quanh.....của người nhận thức.

Vậy thì tại sao những lý thuyết về hành vi con người đã tồn tại từ lâu nhưng nó vẫn phản ánh đúng những sai lầm mà tương lai trước nó đã và đang gặp phải, hay nói cách khác vì sao con người biết những điều này nhưng khi gặp những hoàn cảnh thực tế thì đa số vẫn bị dẫn dắt theo một quan điểm đại chúng nào đó chứ không theo lý trí ? Điển hình là vụ dot.com tại thị trường chứng khóan Mỹ. Vào thời điểm đó, những cty nào mà có đuôi “.com” phía sau thì giá trí cổ phiếu ngay lập tức tăng lên khoảng 20% cho dù người ta chẳng biết cty đó hoạt động ra sao, lố bịch hơn có những cty chẳng có liên quan gì trong lĩnh vực internet miễn sao có đuôi “.com” là sẽ có nhiều người mua. Nhưng khi thị trường quay đầu thì những cty nào nhanh tay gỡ bỏ cái đuôi “.com” ra khỏi thương hiệu của mình thì giá trị cô phiếu lại tăng lên cũng xấp xỉ gần 20%.

Qua quá trình nghiên cứu bằng mô hình nhân quả, Hayes kết luận rằng : cá nhân bình thường hiếm khi nhận ra được mình đang bị chi phối bởi những quy tắc hành xử gì và vì thế anh ta chỉ có thể đưa ra được những quan niệm đại chúng về các hiện tượng xã hội. Điều này trở thành thói quen và luôn hướng những hành động của chúng ta theo thói quen đó một cách vô thức, và trở thành một phần của những phản xạ trong tiềm thức khi chúng ta ra quyết định. Một cách lý giải mang tính tự nhiên khác là : trong chúng ta, bất kỳ ai đã, đang và cũng sẽ có những hành xử phi lý trý, những cảm nhận chủ quan mang đầy cảm xúc về những gì chúng ta đối mặt, không chỉ một vài lần, chúng ta liên tục phi lý, phi lý có hệ thống, phi lý có thể dự đoán được, nhưng “không một ai lại bất lực trước quyền lực của sự phi lôgic. Những ai tỉnh táo và hiểu rằng khi nào và ở đâu người ta đưa ra những quyết định phi lý, người đó có thể thành công trong việc cân bằng những "thâm hụt tự nhiên" của mình.”
                                                                                                                                            ( Dan Ariely )
Tóm lại, chúng ta đã hiểu được những quyết định xuất phát từ mong muốn của con người đa phần là không thuần lý và điều đó gần như không thể nào thay đổi được một khi con người sở hữu bộ não.Vậy điều chúng ta cần làm ở đây đó là đưa ra những chuẩn mực nhằm tôn trọng, thỏa mãn những nhu cầu phi lý của người tiêu dùng. Chúng ta làm điều này dựa trên cơ sở phương pháp luận của Hayes rằng : “…chúng ta chỉ có thể hiểu được đúng đắn các hiện tượng xã hội thông qua việc tái dựng lại các hiện tượng đó từ các hành động độc lập của các cá nhân cũng như những thứ gắn với hành động cá nhân như niềm tin, thái độ, mong muốn, kỳ vọng v.v…theo một nguyên lý nhất định… và không tồn tại những “tổng thể xã hội” hay “tổ chức xã hội” ngoài những mô hình hay cấu trúc lý thuyết được chúng ta tạo ra dựa trên những thứ ẩn sau hành động…” và “ Bằng cách tiếp xúc với các cá nhân liên quan, chúng ta có thể phát hiện ra những quan niệm đóng vai trò như là những phần tử thường xuyên xuất hiện, cấu thành hiện tượng hay thực tế xã hội cần lý giải ”. Đây là phương pháp mà Hayes goi là cấu trúc mối quan hệ Nhân – Quả trong đó Nhân là những hành động được tái dựng lại và nhựng thứ ẩn sau hành động : niềm tin, kỳ vọng, thái đô…Còn Quả là những chuẩn mực, qui tắc XH được hình thành từ quá trình của Nhân, từ đó có thể mô hình hóa nguyên tắc này để hình thành những nguyên lý chung mang tính quy luật cho con người và rộng hơn nữa là toàn XH.

Chấp nhận phi lý để có lợi nhuận hợp lý

Trong lĩnh vực BĐS, quyết định mua nhà không đơn thuần là một sự lựa chọn chỉ hướng đến những lợi ích vật chất ( thuần vật chất), mà người mua luôn bị chi phối nhiều về mặt tâm lý nên những lợi ích mà người tiêu dùng cảm nhận được mang tính rất chủ quan, phụ thuộc vào nhu cầu, đam mê, trình độ văn hóa, địa vị… và bị chi phối bởi thương hiệu, niềm tin,xu hướng, giá trị hình ảnh mang lại. Do đó mỗi quyết định lựa chọn đều phải thỏa mãn 2 nhu cầu CHẤT LƯỢNG & VỊ THẾ. Vậy thì từ những xuất phát điểm khác nhau dẫn đến những nhu cầu khác nhau và tất yếu sẽ dẫn đến những phân khúc khác nhau mà thị trường tạo ra để đáp ứng những nhu cầu này. Hãy giả sử khi thu nhập tăng thì người tiêu dùng (NTD) sẽ vẫn ở khu cũ và nâng cấp ngôi nhà của mình lên hay sẽ chuyển hẳn tới một nơi tập trung những người giàu có hoặc trí thức – một nơi mà giá trị các mối quan hệ sẽ cao hơn. Và hầu như các câu trả lời là đều chuyển đi nhưng chính xác hơn là khi thu nhập tăng vượt qua ngưỡng nào đó. Ta gọi đó là đường ngưỡng mong muốn và sẽ phụ thuộc vào mỗi người, nhưng vì tâm lý hành vi của con người đều mang những quy luật giống nhau dựa trên các nguyên tắc chung nên đường ngưỡng này cũng mang tính quy luật và chắc chắn xảy ra, nhanh hay chậm tùy thuộc vào những chuẩn mực, thị hiếu hiện thời của xã hội nhưng bất kỳ ai cũng luôn muốn huớng tới đỉnh của tháp nhu cầu (Maslow), không ai muốn sống ở những nơi bị đánh giá thấp, những khu nhà dành cho người thu nhập thấp - những “ trại tâp trung ”. Đương nhiên sẽ có một số cá biệt đối với những người có những kỷ niệm sâu sắc nào đó ở nơi ở cũ .

Ở một khía cạnh khác, nếu không có khu tập trung nhà giàu hay đám đông nhà giàu thì đa phần họ sẽ vẫn ở nơi cũ cho dù thu nhập tăng như thế nào. Vậy những xu hướng mà đám đông đang thể hiện, đang theo đuổi vô hình tác động vào niềm tin và sự cảm nhận mới về vị thế của họ - tầng lớp trưởng giả mới. Điều này có thể thấy rõ qua xu hướng di dân ngược ra ngoại ô của tầng lớp trí thức trẻ từ những thành phố lớn ở Trung Quốc. Điển hình là Thượng Hải – một thành phố hiện đại mà ở đó quan niệm vùng miền rất rõ ràng : chỉ những người sinh ở phố Tây mới được gọi là dân Thượng Hải chính gốc, còn ở phố Đông – do sinh sau đẻ muộn nên vẫn bị xem là nhà quê tỉnh lẻ. Mặt khác không thể phủ nhận giá nhà đắt đỏ, khả năng mua nhà đã thành phi thực tế và nhân tài quá nhiều tại đây là một phần nguyên do, nhưng thực chất những người có học vị cao và thu nhập khá giả vẫn mong muốn chuyển tới sống ở những đô thị cấp II hay III do họ cảm nhận được sự bất bình đẳng đối với dân ngoại tỉnh và cũng là để tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn, một môi trường sống chất lượng hơn với những người hàng xóm phù hợp.
                                                                                                                    (Nguồn sự kiện từ cnzozo.com)


Vậy thì từ đây chúng ta có thể đưa ra một kết luận rằng đối với chuẩn mực của XH thì nơi có vị thế cao phải là một nơi tập hợp những người có vị thế cao với những mối quan hệ đem lại những giá trị lớn , lâu dài, và có khả năng phát triển thêm…Còn đối với mỗi cá nhân, mỗi tầng lớp thì họ sẽ có một sự cảm nhận khác nhau về vị thế ở những nơi khác nhau. Chẳng hạn đối với người lao động nghèo kiếm sống bằng nghề buôn bán thì chợ, vỉa hè…là nơi có vị thế quan trọng nhất vì ở đó họ có nhiều mối quan hệ với bạn hàng, với những người lao động khác, với tầng lớp, văn hóa phù hợp với họ, nếu đặt họ ở Wall Street thì đối với họ nó chẳng có ý nghĩa gì, vị thế gần như bằng 0, nghĩa là không ảnh hưởng nhiều, không mang lại nhiều lợi ích trong các mối quan hệ. Đìêu này cũng giống như sự khác biệt, mâu thuẫn giữa phố Đông – phố Tây ở Thượng Hải.

Chúng ta đã nói về tầm quan trọng của những mối quan hệ trong nhu cầu của người mua BĐS và dẫn tới mong muốn bản năng là được gia nhập và công nhận, và ngạn ngữ Pháp cũng có câu : “ Hãy cho tôi biết những người bạn của anh, tôi sẽ biết được anh là ai ” hay Hoàng Hữu Phê cũng nói rằng : “ Không quan trọng ở đâu, mà quan trọng ở với ai ” mới chứng tỏ bạn là ai ? Qua đó cũng thấy đựoc một điều rằng lý thuyết của Hoàng Hữu Phê đã nhận ra điều mà tưởng chừng ai cũng biết nhưng chẳng mấy ai hiểu được và dám thoát khỏi cái có lý của một học thuyết tồn tại gần một thế kỷ và đã được những học giả hàng đầu ca tụng như một sự thay đổi thế giới và thực sự thế giới đã thay đổi…

Từ những giá trị lý luận mà lý thuyết VT_CL mang lại, một câu hỏi đặt ra là khu nhà giàu từ đâu mà có nếu như người ta chỉ đi theo đám đông ? Nếu như chỉ có những người đi theo xu hướng thì vậy ai là người đi đầu, ai sẽ là người thành công để tạo niềm tin cho những người theo sau ?
Vậy sự tiên phong đó xuất phát từ những nhà tạo lập hiểu được tầm nhìn về những giá trị vô hình trong lý thuyết này. Tầm nhìn ở đây đó là sự chủ động mang lại vị thế, thương hiêu cho BĐS xuất phát từ những nhu cầu bản năng của con người chứ không phải là sự phụ thuộc vào vị trí cố định, vào những giá trị sẵn có, may rủi hay do người khác đem tới.

                                                                                                                                     remgtinviet                                                                                                                     nguồn: giaiphapdiaoc.net