Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Loạt bài tranh cãi làm giàu

Lương 20 triệu nhưng kiếm được 1,2 tỷ đồng một năm

"Mỗi năm gần đây vợ chồng tôi kiếm được khoảng 1,2 tỷ đồng. Học phí cho hai con khoảng 6 triệu đồng một tháng, trừ các khoản chi phí khác vẫn còn kha khá. Chúng tôi thừa sức mua được xe ô tô tiền tỷ và vài cái nhà khác rồi buôn đi bán lại".
>Lương 20 triệu làm sao mua nhà lầu xe hơi

Tôi là tác giả của bài viết Từ công nhân tôi đã có '1 chồng, 2 con, 3 tầng, 4 bánh'. Tôi đã đọc rất kỹ các hồi âm của độc giả và xin được có đôi lời.
Tại sao các bạn chỉ cộng trừ nhân chia số lương 20 triệu đồng của tôi? Khi tôi đi làm thuê, tôi đã đạt được mức lương như thế rồi. Và sao các bạn không nghĩ sâu xa hơn một chút rằng liệu tôi có đứng nhìn mình sống với mức lương như thế không?

Đấy chỉ là mức lương cơ bản thôi chứ không đủ tích trữ để tôi có thể mua được những thứ tôi đã kể. Chồng tôi khi có điều kiện cũng đi học lại cùng tôi tại các trung tâm kế toán, thậm chí còn thi đỗ tại chức. Vì sao các bạn không nghĩ rằng khi tôi đã lên quản lý, kiểm toán được, tiếng Anh giao tiếp tốt.... thì tôi được các công ty khác mời tư vấn hay làm CEO cho họ?
Khi mức lương của tôi đạt tầm như thế thì những mối quan hệ khác hẳn nhiên sẽ dần dần cũng được hình thành, dù tôi xuất thân bình dân, không phải con ông cháu cha.
Chẳng nhẽ tôi lại khoe khoang nói hẳn ra chi tiết cách tôi đã xoay vòng đồng tiền do tôi kiếm được như thế nào?
Mỗi năm gần đây vợ chồng tôi kiếm được khoảng 1,2 tỷ đồng. Học phí cho hai con khoảng 6 triệu/tháng, trừ các khoản chi phí khác vẫn con kha khá, chúng tôi thừa sức mua được xe ô tô tiền tỷ và vài cái nhà khác rồi buôn đi bán lại.
Khi nhà đất chững thì chúng tôi cũng không quá cần tiền để bán tháo. Thời gian đầu tôi buôn hàng công nghệ thông tin, khi đã bão hòa thì tôi buôn máy chiếu và giờ tôi lại cập nhật sản phẩm khác...
Đấy là cách kiếm tiền của chúng tôi. Chúng tôi không vay hoặc cho vay tiền tín dụng đen, không hoang phí đi hưởng thụ để "thể hiện đẳng cấp".
Nói lý thuyết thì dễ còn thực tế thì rất vất vả, phải phụ thuộc nhiều vào khả năng thích ứng, sự nhanh nhạy của bản thân.
Khi kể về trường hợp của mình, tôi không có ý khoe khoang tài sản hay tự mãn với thành công. Điều duy nhất tôi muốn gửi gắm là mong các bạn sinh viên mới ra trường hay những ai đang khởi nghiệp hãy luôn kiên trì, chăm chỉ và nhanh nhạy, biết tạo ra cơ hội cho chính mình và thành công sẽ đến.
Và các bạn ơi, đừng nhân chia số lương của tôi, cái tôi đạt được to lớn hơn nhiều. Một cách chân chính, ít nhất tôi cũng tạo ra được vị trí nhỏ nhoi cho mình.
Dương Trúc Mai

'Làm giàu thì dễ, làm đủ ăn mới khó'

Nếu không biết chi tiêu thì cho dù bạn có kiếm được bao nhiêu cũng sẽ xài hết, "miệng ăn núi lở" là câu nói người xưa vẫn dạy. Nếu biết cách thu vén, đầu tư thì từ một số tiền nhỏ bạn sẽ gây dựng được cơ ngơi lớn.
>Vì sao tôi nghèo mà anh lại giàu?

Tôi đã đọc bài viết "Từ công nhân tôi đã có 1 chồng, 2 con, 3 tầng, 4 bánh". Qua bài viết này có nhiều người chỉ trích tác giả phóng đại khả năng. Tuy nhiên chúng ta nhìn ở góc độ khác thì có thể nhận thấy đây là sự việc có thể.
Thứ nhất: Khi bạn có lương 20 triệu đồng mỗi tháng, bạn sẽ làm việc nhiều và tiêu rất ít vì không còn thời gian để tiêu tiền. Nên khả năng tiết kiệm tiền sẽ rất cao. Nếu như chúng ta đọc cuốn sách "Dạy con làm giàu" thì chúng ta có thể thấy khả quan.
Chi tiêu hợp lý, biết cách đầu tư sẽ đem lại cho bạn cuộc sống giàu
 có. Ảnh minh họa: Internet
Chi tiêu hợp lý, biết cách đầu tư sẽ đem lại cho bạn cuộc sống giàu có. Ảnh minh họa: Internet
Thứ hai: Khi bạn có lương 20 triệu đồng thì bạn có thể có nhiều cơ hội để kiếm được nhiều tiền, do đó, thu nhập không chỉ là tiền lương.
Thứ ba: Tác giả còn làm ăn riêng , nên khả năng kinh doanh sẽ mang lại các cơ hội kiếm tiền tốt hơn
Thứ tư: Tác giả là nữ nên khả năng thu vén, tiết kiệm và có thể dùng tiền đầu tư mua đất hoặc mua bất động sản và khi có cơ hội thì khả năng làm giàu càng lớn hơn. Như người ta nói: "Làm đủ ăn thì khó, làm giàu thì dễ".
Hy vọng chúng ta có cách nhìn phù hợp và tin tưởng rằng vẫn có những điều không thể mà biến thành có thể biến thành hiện thực. Và tôi đồng cảm với tác giả.
Trân trọng!
Đức Chính

Làm giàu đâu nhất thiết phải là ông chủ

Muốn làm giàu, thoát khỏi cảnh nghèo, trước hết phải do bản thân. Việc nhiều người lo lắng nếu ai cũng muốn làm ông chủ thì ai làm công nhân là không có cơ sở.
>Từ công nhân tôi đã có '1 chồng, 2 con, 3 tầng, 4 bánh'

Sau khi đọc bài "Vì sao tôi nghèo mà anh lại giàu " của tác giả Đỗ Chí Hiếu, tôi rất trân trọng và ủng hộ anh và quan điểm của anh.
Tuy nhiên một số ý kiến phản hồi lại không ủng hộ ý kiến của anh. Tôi xin phép viết bài này để bảo vệ quan điểm của anh Đỗ Chí Hiếu và phản bác lại các ý kiến cho rằng quan điểm này không đúng.
Nhưng vấn đề chính ở đây là bài học về tư tưởng, ý chí, và cách sống. Muốn làm giàu, thoát khỏi cảnh nghèo, trước hết phải do bản thân. Phải thực sự mong muốn và kiên trì theo đuổi làm giàu thì mới làm giàu được.
Người phương Tây thường nói, nếu anh không thực sự mong muốn điều anh đang theo đuổi, thì làm sao anh có thể đạt được điều đấy. Không có sự mong muốn, đam mê mãnh liệt, ước mơ sẽ mãi chỉ là ước mơ. Bạn không mong muốn và đam mê làm giàu, thì làm sao bạn đạt được mục tiêu này?
Một số ý kiến cho rằng, xã hội phải có ông chủ và nhân công, ai cũng muốn làm kinh doanh và ông chủ, vậy lấy ai làm công nhân và lao động chân tay. Suy nghĩ này quá đơn giản và lý thuyết. Làm ông chủ và làm giàu là một quá trình, không phải vừa bắt đầu và trong một thời gian ngắn là đã đạt được.
Và quá trình này đòi hỏi sự quyết tâm, ham muốn, và lòng kiên trì. Ai không có 3 điều kiện này thì không thể đạt được mong muốn làm giàu. Nên nói ai cũng thành ông chủ, không ai làm công nhân là không chính xác.
Người có đủ 3 yếu tố này sẽ thành ông chủ, những người còn lại sẽ là người làm công. Các nhân vật giàu trong bài viết, trước khi họ thành ông chủ, họ cũng là người làm công. Trải qua một quá trình phấn đấu và không đầu hàng, họ mới thành ông chủ. Còn nhân vật nghèo, họ không đủ quyết tâm và không có mong muốn làm giàu to lớn nên họ chấp nhận làm người làm công.
Để làm giàu cần hội tụ đủ 3 yếu tố, quyết tâm, ham muốn và kiên 
trì. Ảnh minh họa
Nói rằng mình không thể giàu vì không có điều kiện chẳng qua chỉ là một lời biện hộ cho việc bản thân mình không đủ quyết tâm và mong muốn làm giàu. Ảnh minh họa
Làm giàu không có nghĩa nhất thiết phải là ông chủ, và xã hội sẽ không còn ai làm người làm công. Làm giàu có thể dựa trên tài năng và nỗ lực của mình, không nhất thiết phải làm kinh doanh và làm ông chủ.
Các bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật cao, nhiếp ảnh gia, ca sĩ..., đâu phải ai trong số họ cũng làm ông chủ. Họ vẫn là người làm công đấy thôi. Nhưng bằng tài năng và sự nỗ lực của bản thân, họ vẫn làm giàu được. Kể cả là nhân viên lao động chân tay bình thường, nếu họ có một quyết tâm và mong muốn to lớn, họ vẫn giàu được.
Ông chủ, làm công, hay người kinh doanh, tất cả đều là những người phục vụ xã hội. Ông chủ và người làm kinh doanh là những người có đầu óc hơn, họ dùng đầu óc của mình để lao động chứ không có nghĩa họ ăn không ngồi rồi và bóc lột sức lao động người khác.
Ông chủ và người làm kinh doanh, xét theo khía cạnh này, họ vẫn là "người làm công" cho xã hội. Như vậy, xã hội vẫn không thiếu người làm công. Sự giàu có là đến từ sự phục vụ xã hội. Anh nào phục vụ xã hội tốt thì anh ấy nhanh giàu, còn anh nào lười biếng, làm việc ít, thì xã hội đền đáp anh ấy ít, và mãi là người nghèo.
Một số ý kiến nói rằng không phải ai cũng làm giàu bằng cách lương thiện, họ làm giàu bằng cách xấu xa. Xin hãy loại bỏ ngay ý nghĩ này, và giáo dục thế hệ trẻ có lối sống và suy nghĩ lành mạnh và tích cực.

Một số ý kiến nói rằng giàu nghèo ở Việt Nam là do thế lực gia đình, hay kiểu như con vua rồi lại làm vua. Gia đình giàu có và làm quan chức, đó là một điều kiện thuận lợi và may mắn. Nhưng điều này ko phải ai cũng có được. Chẳng lẽ chỉ vì nhà không ai làm quan, hay gia đình không giàu có mà bạn từ bỏ ý định làm giàu thay đổi số phận?
Xin nhấn mạnh, hầu hết những doanh nhân giàu có hiện giờ, họ xuất phát từ gia cảnh nghèo khó. Nói rằng mình không thể giàu vì mình không có điều kiện như trên, chẳng qua chỉ là một lời biện hộ cho việc bản thân mình không đủ quyết tâm và mong muốn làm giàu. Quan trọng là mình có gì và sức mạnh tư tưởng của mình đến đâu, chứ không phải quan trọng là việc tại sao một số người sinh ra lại được may mắn hơn mình.
Một số ý kiến nói rằng làm giàu cũng do nhiều yếu tố như thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cái này không sai, nhưng một lần nữa tôi xin nói làm giàu cũng như làm các việc khác, khoan tính đến các vấn đề khác, trước hết anh phải có quyết tâm, nỗ lực, và ham muốn cao độ.
Trước khi thừa nhận thất bại, ít nhất anh cũng phải thử. Tư tưởng đầu hàng từ trước khi bắt đầu chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự thất bại. Các bạn có nhớ câu nói của Bác Hồ: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền". Trước hết phải do quyết tâm của bản thân. Không có quyết tâm thì liệu một người có thực hiện được ước mơ làm giàu không?
Không chỉ vấn đề làm giàu, mà cả các việc khác, vấn đề đầu tiên là do ham muốn bản thân và tư tưởng. Phải có sự quyết tâm, ham muốn, và nỗ lực thì mới đạt được mục tiêu mình mong muốn.
Anh Nguyen

Người Việt học nhiều nhưng biết ít

Ở Việt Nam đang bị vấn nạn cô đọc trò chép, học vẹt, nhồi nhét một đống toán học "cao cấp" mà sau này khi ra đời chẳng bao giờ dùng đến.

> Nhồi nhét thi học kỳ bậc tiểu học

Mọi người Việt Nam chúng ta vẫn kháo nhau về một "truyền thuyết" rằng người Việt Nam chúng ta có truyền thống hiếu học. Vậy liệu điều đó đã đúng?
Để trả lời câu hỏi này. Đầu tiên chúng ta phải xem chúng ta định nghĩa thế nào về học.
Đầu tiên là "Học để nhiều chữ". Chúng ta nên lưu ý bộ nhớ não con người có hạn. Khi bạn nhớ quá nhiều, muốn nhớ thêm những điều mới mẻ đôi khi chúng ta buộc phải xóa những ký ức cũ.
Nó giống như việc bạn học lên đến cấp 3 và nhìn một bài toán cấp 1 vậy. Có nhiều bài chúng ta sẽ thấy khó và bối rối dù chúng ta đã học về nó. Vậy nếu bạn có quá nhiều chữ trong sách học ở phổ thông, đại học thì cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ khó có cơ hội tiếp thu kiến thức ngoài cuộc sống. Mà chúng ta thì đâu có mài sách mà ăn được?
Tiếp theo là "Học để làm ông nọ bà kia, học cho ấm vào thân". Vậy chiếu theo điều này thì hóa ra học là công cụ để đạt được những mục đích có vị trí nào đó trong xã hội?
Hệ lụy từ câu nói tưởng chừng như "đúng" này thì nhiều không đếm được. Nó khiến cho một bộ phận giới trẻ học vì mục đích làm ông nọ bà kia mà không quan tâm xem chúng ta đang học cái gì, có phù hợp với mình không.
Rồi khi học xong đại học thì không biết phải làm gì để sống. Phụ huynh, nhà trường thì tạo áp lực ảo lên các em, đa số trẻ em thành phố bị đánh cắp tuổi thơ vì cứ mải miết học và học và tiếp tục học
Thêm một sự học nữa là "học để có cái bằng". Điều đó khiến cho biết bao trường tư mọc lên. Cả xã hội quay cuồng theo cái bằng cử nhân mà quên mất một điều là 1 thầy thì 10 thợ thôi. Ai cũng làm thầy thì ai làm thợ? Rồi thì học làm thầy xong không xin được việc lại quay đi làm thợ. Vậy tại sao không học để làm thợ cho nhanh?
Học đơn giản là để trang bị kỹ năng sống. Lấy ví dụ đơn giản: con hổ hay con chó con lúc mới sinh ra nó có biết bắt mồi đâu. Nó "học" bắt mồi đó chứ.
Con người chúng ta cũng thế. Sinh ra chúng ta sao đã đủ kỹ năng sống? Chúng ta học bài học đầu tiên là học lẫy, học bò, học đi. Rồi sau đó là học nói, vào trường chúng ta được học chữ, rồi những kiến thức mới. Nhưng liệu thế đã đủ?
Trở về quá khứ tổ tiên. Chúng ta tiến hóa vượt trội so với các con vật ở chỗ chúng ta sáng tạo ra công cụ. Sáng tạo là điều rất quan trọng. Nhưng ở Việt Nam điều quan trọng lại là cô đọc trò chép văn mẫu, học thuộc lịch sử, địa lý theo kiểu học vẹt, nhồi nhét một đống toán học "cao cấp" mà sau này khi ra đời chẳng bao giờ dùng đến.
Tại sao bên cạnh học kiến thức phổ thông chúng ta không học thêm kỹ năng mềm, khả năng tư duy, sáng tạo? Tại sao không giảm tải đi để trẻ em có tuổi thơ, được học, được chơi. Để khi ra đời nhiều bạn trẻ không còn bỡ ngỡ hay quá ảo tưởng về bản thân nữa, để xã hội không còn lãng phí tiền vào nhiều thứ không cần thiết?
Ngô Xuân Vũ