Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Chuyện lãi suất ngân hàng

BLOG CỦA L/S LÊ NHƯ HÀ NGÀY THỨ BA 27/11/2012

Tiếng nói của một thân chủ đang đối diện với phá sản ở miền Trung

Tác động của lãi suất trong kinh doanh

Rất nhiều doanh nghiệp đang chết dần chết mòn, họ không biết bấu víu vào đâu, họ đều nói nguyên nhân là từ năm 2010, các Ngân hàng thương mại tăng lãi suất, phí giao dịch, tiền bôi trơn, khiến doanh nghiệp mất vốn dần. Làm được đồng nào đều phải nộp cho ngân hàng. Khi thua lỗ họ lại vay tín dụng đen nộp cho các Ngân hàng để không bị đánh tụt nhóm tín dụng. Họ phải vay tín dụng đen để đảo nợ nhưng Ngân hàng không cho vay tiếp hoặc cho vay tiếp với mức vay thấp hơn. Cứ tháng này qua tháng khác họ lâm dần vào tình trạng nợ tín dụng đen, nợ Ngân hàng, không có tiền để nộp bảo hiểm, nộp thuế. Tóm lại doanh nghiệp phải chi phí quá sức. Làm ăn càng khó khăn doanh nghiệp càng mất vốn, sản xuất kinh doanh ngày càng bi đát.


Ngân hàng là môi giới cho tín dụng đen

Nhiều cán bộ tín dụng còn xui doanh nghiệp vay tín dụng đen để trả nợ Ngân hàng, thậm chí cán bộ Ngân hàng làm luôn “nghiệp vụ” tín dụng đen, có nhiều trường hợp cấu kết với xã hội đen để ép doanh nghiệp vay nặng lãi. Cán bộ Ngân hàng cố tình làm ngơ trước sự chịu đựng quá sức của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng tín dụng đen xiết nợ theo kiểu cưỡng đoạt tài sản, mất khả năng thanh khoản, không còn vốn hoạt động, doanh nghiệp chỉ còn biết kêu trời.

Ngân hàng không theo đúng luật

Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng quy định các bên có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí giao dịch theo quy định của pháp luật. Điều 476 Bộ luật dân sự quy định lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng Nhà nước công bố.

Trong năm 2010 Ngân hàng nhà nước công bố lãi suất cơ bản 7% có lúc 8% và kể từ tháng 12/2010 là lãi suất 9%/năm. Như vậy, dù thỏa thuận gì đi chăng nữa cũng không được phép vượt quá 150% của lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đi vay để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh rồi Ngân hàng thương mại mới bắt đầu tăng lãi suất. Luật các tổ chức tín dụng yêu cầu phải ghi rõ lãi suất vào hợp đồng tín dụng nhưng đa số các hợp đồng tín dụng đều ghi theo kiểu lãi suất tùy nghi với mục đích để tăng lãi suất cho dễ (hàng tháng thông báo lãi suất mới).

Rõ ràng việc cho vay với mức lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản là vi phạm điều cấm của pháp luật, mặc dù cả hai bên đều ký vào hợp đồng tín dụng.

Ngụy biện của ngân hàng

Để trả lời, phía cán bộ Ngân hàng thương mại cho rằng việc Ngân hàng thương mại cho vay theo lãi suất thỏa thuận tự do, không căn cứ theo lãi suất cơ bản bởi ba lý do sau: Thứ nhất, do pháp luật về ngân hàng quy định lãi suất cho vay là lãi suất thỏa thuận; Thứ hai, doanh nhiệp đã ký vào hợp đồng rồi thì phải chấp nhận; Thứ ba, vì Ngân hàng thương mại huy động vốn với lãi suất cao nên phải cho vay cao.

Ba lý do trên đều không chính đáng ở chỗ: Thứ nhất là không có bất cứ một điều khoản nào của pháp luật quy định cho phép Ngân hàng thương mại được phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận mà bỏ qua “chiếc van” lãi suất cơ bản; Hai là hợp đồng tín dụng là một thỏa thuận dân sự và theo quy định của pháp luật dân sự thì không phải sự thỏa thuận nào cũng là hợp pháp, nó chỉ hợp pháp khi sự thỏa thuận ấy không trái pháp luật; Ba là việc Ngân hàng thương mại huy động vốn thực chất là hợp đồng vay tài sản (Ngân hàng thương mại vay của người khác) thì việc huy động vốn càng phải tuân theo pháp luật và huy động vốn với lãi suất cao hay thấp đó là câu chuyện nội bộ của Ngân hàng thương mại chứ không thể lấy lý do huy động vốn với lãi suất cao để giải thích với khách hàng là phải cho vay với lãi suất vượt khung pháp luật.

Lãi suất nào thì đúng luật?

Quay lại với vấn đề lãi suất, theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật các tổ chức tín dụng, rõ ràng hợp đồng tín dụng có lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản hoặc trong hợp đồng không ghi cụ thể mức lãi suất thì hợp đồng đó vô hiệu. Nội dung vô hiệu là nội dung về lãi suất, nó bị vô hiệu kể từ khi hai bên bị ký kết. Đối chiếu với Bộ luật dân sự thì Ngân hàng thương mại phải hoàn trả cho khách hàng toàn bộ số lãi và hai bên thỏa thuận lại mức lãi suất theo đúng quy định của pháp luật.

Có nhiều doanh nghiệp hỏi: Một là nhiều hợp đồng tín dụng đã thanh lý rồi thì sao? Hai là nếu Ngân hàng thương mại không đồng ý ngồi đàm phán lại vấn đề lãi suất liệu có khởi kiện được không? Theo quy định của pháp luật dân sự những nội dung của hợp đồng mà vô hiệu thì các bên phải thỏa thuận lại, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Đối với nội dung vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật thì thời hiệu khởi kiện không hạn chế, tức là có thể khởi kiện bất cứ lúc nào.

Trong lúc này các bên nên ngồi lại với nhau để thỏa thuận lại mức lãi suất đối với tất cả các hợp đồng tín dụng có lãi suất vượt quá khung pháp luật; tính toán giải trừ dư nợ cho doanh nghiệp số tiền chênh lệch. Tôi được biết có rất nhiều doanh nghiệp trong 3 năm qua đã nộp cho Ngân hàng thương mại hàng chục tỷ đồng số tiền lãi chênh lệch…