Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Ứng dụng phần mềm Vilis vào thực tiễn


Triển khai phần mềm ViLIS: Hướng tới một CSDL đất đai hoàn chỉnh phục vụ công tác quản lý đất đai


Ngày 11/04/2006, Bộ TN&MT có Công văn số 1490/BTNMT - KHCN chấp thuận việc ứng dụng phần mềm VILIS tại Sở TN&MT TP.HCM để xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó giao cho Trung tâm Viễn thám Quốc gia tiếp tục nâng cấp phần mềm phù hợp với đặc thù công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại TP.HCM.
Mục tiêu tổng quát của việc ứng dụng phần mềm VILIS nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh phục vụ công tác đăng ký cấp GCNQSDĐ, đồng thời phục vụ trực tiếp công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên toàn địa bàn thành phố. Cụ thể bao gồm, hình thành một hệ thống hồ sơ địa chính số thống nhất tích hợp từ bản đồ địa chính chính quy, hồ sơ địa chính đang quản lý và là công cụ hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở địa phương. Triển khai ứng dụng một hệ thống phần mềm đồng bộ, chuẩn hóa theo định hướng của Bộ TN&MT nhằm quy trình hóa và chuẩn hóa các quy trình xử lý hồ sơ đất đai, gắn liền với các thao tác chuyên môn nghiệp vụ của công tác quản lý Nhà nước về đất đai tiến tới công tác quản lý Nhà nước về đất đai theo tiêu chuẩn ISO.

Những kết quả bước đầu
Bước đầu, TP.HCM triển khai công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại quận 6 và huyện Cần Giờ. Nội dung triển khai hướng tới đảm bảo những mục tiêu chính sau:
Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính gốc tại địa phương, bao gồm: chuẩn hóa, cập nhập  biến động cho  hệ thống bản đồ địa chính chính quy và chuyển đổi vào quản lý trong cơ sở dữ liệu; cập nhập  vào cơ sở dữ liệu các thông tin từ hô sơ  và giấy chứng nhận của quá trình kê khai đăng ký và cấp GCNQSDĐ, quá trình kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; quét bản lưu GCNQSDĐ, trang phục, các giấy tờ liên quan lưu trữ vào kho dữ liệu số; cập nhập biến động đất đai và quản lý trong cơ sở dữ liệu; cập nhập  và quản lý bản đồ hiện trạng sử dụng đất trong cơ sở dữ liệu; cập nhập và quản lý bản đồ quy hoạch sử dụng đất trong cơ sở dữ liệu.
Nâng cấp mô hình cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương, bao gồm việc thành lập và lưu trữ bộ hồ sơ địa chính số bao gồm bản đồ địa chính số và thông tin thuộc tính quy định trong Thông tư 09/2009/TT - BTNMT; tích hợp thông tin về nhà, đất trong cơ sở dữ liệu  đất đai theo yêu cầu công tác quản lý của quận, huyện; lưu trữ  và quản lý các biến động đất đai; hiệu chỉnh các nội dung cơ sở dữ liệu để in sổ địa chính, mục kê, sổ cấp giấy chứng nhận, sổ biến động trên cơ sở các thông tin đã cấp giấy chứng nhận.
Phát triển thêm các công cụ hỗ trợ công tác tác nghiệp hàng ngày tại địa phương, bao gồm tiếp tục bổ sung hoàn thiện các mô - đun hỗ trợ công tác kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và  quyền sử dụng đất ở; nâng cấp chức năng tra cứu thông tin quy hoạch trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất và bản đồ quy hoạch xây dựng...
Đào tạo, cài đặt và vận hành phần mềm ViLIS được thực hiện đồng bộ trên 3 cấp để vận hành, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai đã xây dựng nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai và tài nguyên môi trường.
Triển khai thực hiện cổng thông tin điện tử đất đai ( ViLIS Land Portal) tại từng quận huyện để cung cấp các thông tin đất đai trên mạng diện rộng theo công nghệ  web, tương tác giữa cá nhân và tổ chức sử dụng đất với thông tin hồ sơ đất đai; phân hệ dành cho người dân, cán bộ tác nghiệp; phân hệ tra cứu bản đồ số và quản trị thông tin hệ thống.
Qua viêc triển khai công tác thực hiện tại quận 6 và huyện Cần Giờ đã khẳng định phần mềm này ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống, thể hiện sự gần gũi, thân thiện và linh hoạt với người sử dụng nhất là đối với công tác quản lý tại địa phương. Đồng thời, phần mềm ViLIS đã chứng tỏ được hiệu quả trong công tác Nhà nước về đất đai và tài sản gắn liền, bảo đảm việc cung cấp tiện lợi thông tin đất đai theo nhu cầu của người dân.
Cụ thể: Bảo đảm nhập liệu, quản lý, cập nhật thuận tiện với toàn bộ dữ liệu địa chính theo quy định tại Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT; bảo đảm yêu cầu bảo mật thông tin trong việc cập nhật, chỉnh lý dữ liệu địa chính; bảo đảm yêu cầu về an toàn dữ liệu; thể hiện thông tin đất đai theo hiện trạng và lưu giữ được thông tin biến động về sử dụng đất trong lịch sử ; thuận tiện, nhanh chóng, chính xác trong việc khai thác các thông tin đất đai dưới các hình thức tra cứu trên mạng và trích mục bản đồ địa chính đối với từng thửa đất; bảo đảm tính tương thích với các phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu khác, phần mềm ứng dụng đang sử dụng phổ biến tại Việt Nam.

Cần một cơ chế phối hợp đồng bộ
Tuy nhiên, thực tế việc triển khai công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cũng như trang thiết bị tại các quận huyện chưa đồng bộ, có nơi không đủ máy tính để sử dụng phục vụ công tác thường xuyên. Để thực hiện tốt công tác xây dựng một cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố, UBND các quận huyện cần phối hợp với Sở TN&MT triển khai công tác này một cách chặt chẽ ; Sở Tài chính thẩm định, phê duyệt kinh phí thực hiện, bổ sung nguồn vốn đủ để sử dụng và làm cơ sở cho việc thanh quyết toán từ nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm; Sở Thông tin và Truyền thông cần sớm đầu tư trang thiết bị phần cứng cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, phòng TN&MT các quận huyện để đủ điều kiện cho việc tác nghiệp và quản lý Nhà nước về đất đai thường xuyên tại địa phương.
Thanh Nguyễn.