Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Alan Phan nói chuyện tiền

Với 43 năm kinh nghiệm kinh doanh tại Mỹ và Trung Quốc, việt kiều - Tiến sỹ Alan Phan đã có những câu chuyện khá thú vị xung quanh việc kiếm tiền và cách tìm niềm vui và sự nghiệp qua việc kiếm tiền...
Tiến sỹ Alan Phan
Câu chuyện thứ nhất: Trắng tay là lúc động não nhiều nhất

Trong 43 năm bươn chải cuộc sống với nhiều thăng trầm đã đưa tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Không phải lúc nào tôi cũng có tiền. Thậm chí có những thời gian tôi trắng tay như hồi năm 1975, tôi cùng vợ con quay lại Mỹ lần 2 khi trong túi chỉ vẻn vẹn 400USD. Hay như năm 1983, tôi gần như mất hết vốn trong một dự án bất động sản, và tôi đã ra khỏi nhà chỉ với một valy quần áo!

Lúc đó, tôi không suy nghĩ nhiều về vấn đề mình đang đối diện mà luôn nghĩ tới con đường tôi sẽ phải đi trong tương lai. Mình không có gì thì phải bắt đầu ra sao. Tôi nhận thấy đó là những lúc tôi thường hăng hái và động não nhiều nhất với khát vọng vượt qua tình thế gay go này. Còn khi tôi có tiền có khi là là những lúc tôi hay buồn bã nhất vì cảm thấy cô đơn, buồn chán. Với tôi, hành trình vượt qua nghèo khó đôi khi còn lý thú hơn là sống để mua sắm. Vì thế, tôi luôn luôn tìm cách thay đổi mình để cho cuộc sống thú vị hơn, cũng như để tìm thấy sự đam mê của mình trong công việc.

Câu chuyện thứ hai: Từ chức vì muốn phiêu lưu

Từ 1/1/2013, tôi sẽ từ chức vị trí Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa. Viasa là một quỹ riêng tư của 3 gia đình thành lập từ 2002. Có thể nói doanh thu trong 10 năm hoạt động của Viasa không đến nỗi nào nhưng tôi nhận thấy bắt đầu đang có sự yếu kém đi vì lối quản trị bảo thủ và chiến thuật trọng sự an toàn, không thích hợp lắm trong một môi trường nhiều thay đổi và cần sáng tạo. Bên cạnh đó, Virus của căn bệnh “làm vừa đủ để khỏi bị đuổi” đã lan truyền nặng và mục tiêu vì doanh thu hay lợi nhuận đã bị bỏ sót để chăm chú vào lợi ích cá nhân.

Tất cả những điều đó đã dập tắt niềm đam mê, hưng phấn của tôi như lúc đầu ở đây và nó đã khiến tôi quyết định chuyển hướng. Hơn nữa, việc lựa chọn thời điểm thay đổi là rất quan trọng. Sớm hay muộn vài tháng cũng có thể làm mất cơ hội kiếm tiền. Tôi nhìn năm 2013 là sự khởi đầu của một hành trình mới với những cuộc phiêu lưu, khám phá đầy thú vị…

Câu chuyện thứ ba: Thụ động và lười biếng sẽ “trói” giới trẻ Việt Nam
Tôi đã nói rất nhiều với các bạn trẻ ngày hôm nay về một hình ảnh: Trong một thân xác con người, phần từ cổ xuống dưới là thể hiện những cơ bắp. Những người sử dụng cơ bắp này để kiếm tiền thì giỏi nhất ở nước Mỹ cũng chỉ kiếm được khoảng 20-25USD/giờ. Trong khi đó, phần từ cổ trở lên là trí tuệ thì dường như là vô giới hạn. Đó mới là tài sản mềm, là giá trị thực sự mà tôi muốn các bạn trẻ ngày nay hướng tới để thích nghi với một nền kinh tế đang vận chuyển theo hướng dựa trên tri thức, chứ không phải dựa trên những tài sản cứng.

Nhân đây tôi cũng chia sẻ một thực tế rằng các bạn trẻ Việt Nam lớn lên trong một xã hội tương đối khép kín, tư duy khó chấp nhận những gì mới mẻ, những gì có thể nói là thách thức đối với những suy nghĩ cổ truyền. Họ đóng mình trong một cái hộp và cứ loay hoay trong đó không thoát ra được. Tôi luôn nhắc thế hệ này phải nghĩ những gì đang diễn biến ngoài cái hộp. Bên cạnh đó, người trẻ Việt Nam khá thụ động, có thể nói là lười biếng, ngay cả khi so sánh với các láng giềng ASEAN.

Tôi đi dạy ở nhiều nơi và thấy sinh viên Châu Á nói chung thụ động, không muốn động não nhiều để đi tìm tài liệu, góc cạnh, tư duy…. Đa số các sinh viên ở bên Mỹ thích đọc, lúc nào trên tay cũng có quyển sách hay máy tính thì sinh viên Việt Nam có vẻ là thích cà phê, tán gẫu…

Câu chuyện thứ tư: Con 14 tuổi cho đi làm để kiếm tiền mua xe hơi

Ở nước ngoài, bố mẹ để con cái tự tư duy về cách suy nghĩ, tìm học. Do đó, những đứa nào cảm thấy thích thú trong việc kiếm tiền thì có thể kinh doanh rất sớm. Còn những đứa khác thì cũng tự lập hơn so với những bạn cùng trang lứa ở Việt Nam.

Ví dụ, khi con trai tôi lên 14 tuổi, nó ước mơ có một chiếc ô tô cho riêng mình. Dĩ nhiên, tôi có thể sẵn sàng mua cho con một chiếc xe. Nhưng dù mới 14 tuổi, cậu ta đã thực hiện một kế hoạch rất nghiêm túc, đó là buổi sáng đi bán báo, buổi chiều đi làm nhân công quét dọn trong một siêu thị. Sau 2 năm, thằng bé đã dành đủ tiền mua lại chiếc xe Mustang cũ với giá 5.000USD vừa đúng thời gian cậu ta đủ tuổi để lái xe ở Mỹ (16 tuổi). Số tiền này dù không lớn …nhưng thằng bé rất quý trọng chiếc xe đầu đời vì đây là tiền mồ hôi nước mắt mà nó tự kiếm được. Đó là tinh thần của những đứa trẻ được ảnh hưởng từ nền giáo dục Âu Mỹ, tự do và tự lập.

Câu chuyện thứ năm: Kiếm tiền mà không nghĩ đến tiền

Để kiếm tiền, theo tôi, giới trẻ hãy quên chuyện nghĩ đến tiền mà thay vào đó là hãy nghĩ tới công việc của mình cùng với sự đam mê, nhiệt huyết cho công việc đó. Đến lúc nào anh đã làm được một việc gì thành công, một việc gì giỏi, hoặc một kiến thức chuyên sâu ở bất cứ ngành gì thì tiền sẽ tự tìm tới. Hãy tạo ra những thành quả tốt nhất bằng tất cả những kỹ năng có thể.

Sau cùng là giữ niềm tin vào chiến thắng. Tiếp tục thẳng tiến, đừng sợ sệt hay rụt rè. Chúng ta còn cả một thế giới mới để chinh phục.

Theo Lan Hương

Dân trí

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Khủng hoảng là... cơ hội của người trẻ


Khủng hoảng chính là cơ hội của người trẻ, vấn đề là người trẻ có ý thức được điều đó và có đủ tự tin để gánh vác việc kiến tạo những thay đổi.


LTS: Phần tiếp theo trong mạch đề tài Định vị người trẻ thời khủng hoảng, Tuần Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả những chia sẻ, trăn trở của TS Giáp Văn Dương. Từng du học và giảng dạy tại các nền giáo dục tiên tiến như Hàn Quốc, Anh, Singapore..., góc nhìn của TS Giáp Văn Dương nhằm góp phần soi tỏ những vấn đề trọng yếu đối với người trẻ hiện nay.
Đối mặt 3 cuộc khủng hoảng lớn
- Thưa anh, miêu tả bối cảnh chung hiện nay, chắc hẳn "khủng hoảng" là từ thường xuyên được dùng. Nhưng có vẻ kinh tế không phải là khủng hoảng duy nhất của Việt Nam. Đối với riêng giới trẻ, theo anh những khủng hoảng mà họ đang và sắp phải đối mặt là gì?
TS Giáp Văn Dương: Đúng là đang xảy ra khủng hoảng trên quy mô rộng. Trong đó khủng hoảng kinh tế là nổi bật nhất, vì hậu quả của nó rõ ràng nhất, và được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nhưng khủng hoảng kinh tế cũng có thể được coi là hệ quả của các loại khủng hoảng khác, như khủng hoảng mô hình phát triển chẳng hạn. Vì thế, đằng sau cơn khủng hoảng kinh tế đang hoành hành, là rất nhiều vấn đề lớn khác cần được mổ xẻ.
Với Việt Nam, câu chuyện còn phức tạp hơn, vì khủng hoảng ở Việt Nam còn thể hiện rõ ràng ở nhiều lĩnh vực khác ngoài kinh tế, như giáo dục, đạo đức, thang giá trị, v.v...
Xét riêng với người Việt trẻ, thì bên cạnh những khó khăn về cơm áo gạo tiền mà cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra, họ còn đối mặt với các cuộc khủng hoảng vô hình khác. Tuy chúng âm thầm hơn, nhưng sức tàn phá có khi còn ghê gớm hơn cả những khó khăn về kinh tế. Chẳng hạn, khủng hoảng niềm tin và các thang giá trị.
Cụ thể là hiện đang tồn tại những bộ giá trị mâu thuẫn nhau và người trẻ không biết ứng xử thế nào cho phải trước các thang giá trị đó. Những giá trị truyền thống thì một thời đã bị coi là tàn dư của phong kiến lạc hậu, nên bị "nhổ tận gốc, trốc tận dễ" và chưa thể phục hồi. Những giá trị phổ quát của thế giới đương đại, như tự do, dân chủ, nhân quyền... khi về Việt Nam nhiều khi lại bị gán cho những nhãn mác ngoại lai, thù địch, lai căng.
Từ sự nhập nhằng của các thang giá trị này, sẽ dẫn đến khủng hoảng niềm tin với người trẻ, tức là không còn tin và không biết tin vào cái gì cả. Họ thấy mọi thứ đều nhảm nhí và sáo rỗng. Nhiều người trong số họ thậm chí còn đi xa hơn, thấy ngay cả sự tồn tại của mình cũng là một điều vô nghĩa. Số các vụ tự tử, gây án, phá phách của giới trẻ tăng lên là một minh chứng cho điều này.

TS Giáp Văn Dương
Nối tiếp, và cũng là hệ quả của sự khủng hoảng thang giá trị và niềm tin, là sự khủng hoảng về việc định vị vai trò của bản thân trong xã hội. Muốn hay không, xã hội Việt Nam vẫn mang nặng truyền thống văn hóa phương Đông, ở đó thứ bậc, trật tự từ trong gia đình, đến công sở, xã hội nói chung, vẫn là một thực tế phổ biến.
Trong cái trật tự đó, người trẻ không định vị được vị trí của mình vì bản thân họ đang chịu thiệt, và cũng không thấy trật tự đang tồn tại là khả tín. Nhưng một trật tự mới để thay thế thì lại chưa định hình.
Không còn tin vào trật tự cũ không phải vì họ không có lý tưởng, mà vì trước hết đó là bản tính của tuổi trẻ, và thứ hai là bản thân trật tự đó đã không còn sức thuyết phục. Nếu mọi thứ đều tốt thì đã không có khủng hoảng.
Khủng hoảng chính là triệu chứng của các vấn đề xã hội, là điềm báo của một sự thay đổi sẽ đến. Nhưng thoát ra khỏi khủng hoảng như thế nào, và làm chủ sự thay đổi ra sao, thì họ không biết, và cũng không đủ sức, vì sự nhỏ bé của mỗi cá nhân, và sức nặng của quán tính xã hội đè lên vai họ.
Như vậy chỉ xét sơ bộ, người Việt trẻ đang phải đối đầu với ba cuộc khủng hoảng lớn: khủng hoảng kinh tế; khủng hoảng niềm tin và các thang giá trị; và khủng hoảng định vị mình trong xã hội.
- Trong khủng hoảng, liệu có cơ hội nào cho người trẻ tạo nên những biến chuyển lớn mà thế hệ đi trước chưa làm được? Và muốn làm được điều đó, người trẻ phải bắt đầu từ đâu?
Khủng hoảng là chỉ dấu cho thấy cần phải có một sự thay đổi. Và mỗi sự thay đổi đều phải trả một chi phí chuyển đổi nhất định. Theo góc nhìn lạc quan thì phí chuyển đổi trong khủng hoảng là thấp nhất. Do đó, khủng hoảng chính là cơ hội cho người trẻ thay đổi, là thời điểm của những lựa chọn có tính chiến lược, trên bất kể quy mô nào.
Sự thay đổi này trước hết đến từ một sự phản tư về vai trò của mình trong xã hội. Từ sự phản tư này, người trẻ sẽ tự xác lập lại các thang giá trị và niềm tin cho mình, từ đó định vị được vị trí của mình trong xã hội.
Có thể thấy người trẻ hiện là lực lượng chủ đạo tại những nơi mà đời sống đang diễn ra sôi động nhất. Dù đó là đời sống kinh tế như trong các trung tâm mua sắm lớn; đời sống văn hóa như trong các biểu diễn, triển lãm nghệ thuật; hay đời sống học thuật trong các trường, viện nghiên cứu.
Tương tự, nếu đi vào những nơi hiện đại nhất, có mức độ hội nhập cao nhất, thì sẽ thấy lực lượng chủ đạo ở trong đó là người trẻ. Ngay cả trong khu vực sản xuất và dịch vụ, người trẻ cũng đang là lực lượng chủ lực.
Với một dân số trẻ có tuổi trung bình chưa đến 30 thì việc người trẻ là lực lượng chủ lực của mọi hoạt động trong xã hội là điều tất yếu. Người trẻ đang chiếm lĩnh tiền phương và hậu phương của sự phát triển. Người trẻ đang nắm giữ tương lai của đất nước này.
Nhưng người trẻ chưa có được vị thế xứng đáng với vai trò của họ trong xã hội. Họ không có quyền năng tương xứng với đóng góp của họ trong xã hội. Trật tự hiện thời không ủng hộ họ, không tạo điều kiện cho họ được thể hiện mình. Nói cách khác, ở mọi cấp độ, họ bị hạn chế hoặc không được quyền tham gia định đoạt số phận của chính mình.
Vì thế, một sự thay đổi với người trẻ chỉ có thể đến từ một sự thức tỉnh về vai trò của mình, về vị trí xứng đáng của mình trong xã hội. Đó là vị trí dẫn đầu xã hội. Đó là tiền tuyến của sự phát triển. Chỉ khi đó, người trẻ mới tự tin làm chủ cuộc đời mình, chủ động tham gia hoặc đấu tranh để được tham gia, định đoạt số phận mình. Chỉ khi đó họ mới có thể đóng góp vào sự triển của đất nước một cách tự tin và hiệu quả.
Với cách nhìn đó, khủng hoảng chính là cơ hội của người trẻ. Vấn đề là người trẻ có ý thức được điều đó không, và có đủ tự tin để gánh vác công việc thay đổi đó.
Sống hay tồn tại?
- Có ý kiến cho rằng giới trẻ ngày nay được nuôi dưỡng trong điều kiện đầy đủ vật chất, được chiều chuộng hơn xưa rất nhiều. Do đó, khả năng sinh tồn và đương đầu với khó khăn của họ cũng suy giảm. Quan điểm của anh về vấn đề này ra sao? Những thách thức mới mà người trẻ phải đối mặt có gì khác biệt và giáo dục đã hỗ trợ họ chuẩn bị tâm thế hiệu quả đến đâu?
Nếu đặt trọng tâm của đời sống người Việt trẻ vào chuyện sinh tồn, thì đó là một cách đặt vấn đề sai ngay từ đầu. Người trẻ phải đặt mục tiêu cuộc đời mình cao hơn sự sinh tồn. Con chim trên trời, con cá dưới nước không có trí tuệ, không được học hành đào tạo gì mà vẫn có thể sinh tồn rất tốt đó thôi. Vì thế, với một con người, nhất là với người trẻ, vấn đề là sống, chứ không phải sinh tồn.
Mỗi người đều phải vác cây thập giá của chính mình. Thời nào cũng đều có cái khó, cái khổ của thời ấy. Về vật chất người trẻ hiện nay có thể đầy đủ hơn ngày xưa. Nhưng xét về tổng thể, người trẻ hiện nay không hẳn đã sướng hơn xưa.
Thế giới bên ngoài đã đổi thay quá nhanh và quá lớn, người trẻ phải đương đầu với chuyện đó. Giá trị thì quá nhiều, thật giả đúng sai lẫn lộn, thiêng liêng và nhảm nhí pha trộn với nhau, cống hiến và trục lợi hòa quyện vào nhau. Riêng việc tách lọc những thứ đó cho ra ngô ra khoai đã là quá mệt.

Khủng hoảng là cơ hội cho người trẻ tạo ra những chuyển biến. Ảnh minh họa
Ngoài ra, nếu các thế hệ trước chỉ phải đương đầu với cuộc khủng hoảng thiếu, tức thiếu mọi thứ, thì ngày nay một phần người trẻ còn phải đương đầu với cả khủng hoảng thiếu và thừa. Thiếu những thứ thiêng liêng và thừa những điều nhảm nhí. Thiếu cái cao cả mà thừa cái vụn vặt đời thường. Như trong lĩnh vực thông tin chẳng hạn, ngày xưa thiếu thông tin về mọi mặt, thì ngày nay lại vừa thừa vừa thiếu: thừa thông tin mà thiếu tri thức, nên chỉ riêng việc gạn ra những gì cần đọc trong một rừng tin tức cũng là điều quá mệt.
Tôi biết có rất nhiều người đang dành nhiều thời gian và sức khỏe để ngày ngày nhặt rác đổ vào đầu mình mà cứ ngỡ đang làm giàu tri thức. Tin rác giờ hiện là chủ đạo, trong khi thông tin thực sự thì lại quá hiếm, lại thường xuyên bị bóp méo và kiểm duyệt chặt chẽ, nên ngộ độc thông tin, ngộ độc những điều nhảm nhí, cũng là một điều cần phải cảnh giác.
Thừa thông tin nhưng thiếu tri thức. Nhặt được vàng trong bãi rác quả thực không phải là việc dễ.
Nói như vậy để thấy, không phải vì được "chiều chuộng" mà người trẻ đánh mất khả năng sinh tồn, đánh mất khả năng đương đầu với khó khăn. Mấu chốt là ở việc người trẻ đã không được chuẩn bị cho việc phải sống trong môi trường mới khi hoàn cảnh đã thay đổi. Vì thế, người trẻ đã đánh mất tính chủ động và năng động của mình.
Đến đây ta thấy hé lộ vai trò của giáo dục. Lý do là giáo dục đã quá lạc hậu so với xã hội. Giáo dục không giúp cho người trẻ có được sự tự tin chủ động, tinh thần tự do bay bổng, và trên hết là không giúp người trẻ định hình được một cách rõ ràng những phẩm chất cần có của một con người đích thực.
Ngược lại, giáo dục lại đào tạo theo lối rập khuôn, tạo ra đồng loạt những con người chỉ biết phục tùng, nên đương nhiên người trẻ sẽ đánh mất sự tự tin và tính chủ động trong việc định đoạt cuộc đời mình, và gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh với thế giới bên ngoài.
Người trẻ là sản phẩm mới nhất của nền giáo dục đó, nên người trẻ hụt hơi so với xã hội là điều tất yếu.
- Anh từng chia sẻ, chính giáo dục cũng đang khủng hoảng nên chẳng thể cứu được giới trẻ. Nhưng dù thế nào, giáo dục Việt Nam cũng không thể không thay đổi. Vậy để góp phần kiến tạo một thế hệ trẻ tự tin, vững vàng, theo quan điểm của anh, giáo dục nên bắt đầu từ những thay đổi nào?
Giáo dục cần phải bắt đầu từ việc xác định lại mục đích của chính mình. Đó là cần phải hướng đến việc tạo ra những con người tự do chứ không phải những cá nhân chỉ biết vâng lời.
Các nhà giáo dục cũng cần phải nhìn nhận lại mình, xem mình có thực sự là các nhà giáo dục, hay chỉ là công cụ của một trật tự cũ, một quán tính cũ.
Nói cách khác, giáo dục cần phải hướng đến việc giải phóng con người chứ không phải là đày đọa con người. Mà muốn thế, bản thân giáo dục và các nhà giáo dục lại cần phải được giải phóng trước.
Câu chuyện đến đây đã rẽ sang một chiều hướng khác. Nếu nói tiếp thì e là quá dài. Đành xin bạn hẹn một lần khác vậy.
Hải Tâm (thực hiện)
(Còn nữa)
Vietnamnet.vn

'Chúng ta đang loạn tài năng'


"Bây giờ chúng ta hơi loạn tài năng, bởi chúng ta không chỉ ra được tiêu chuẩn của tài năng" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt nhận định về cách quan niệm, chính sách thu hút tài năng trẻ hiện nay.

LTS: Xung quanh câu chuyện Định vị người trẻ thời khủng hoảng, ông Nguyễn Trần Bạt - chuyên gia kinh tế, Chủ tịch InvestConsult Group - đưa ra quan điểm về các vấn đề như vị trí của lớp trẻ, chính sách thu hút tài năng, v.v...
Đừng kỳ vọng môi trường vô trùng
- Ông đánh giá vị trí của lớp trẻ trong bối cảnh hiện nay ra sao? Với vị trí đó, họ đã nhận được sự quan tâm thích đáng của xã hội và các nhà lãnh đạo hay chưa?
Theo tôi, lớp trẻ hiện nay đang đứng ở vị trí tiền phương của toàn bộ các tiến trình, hoạt động và phát triển của xã hội. Trước hết họ đứng ở tiền phương trong sự chịu đựng những khó khăn chúng ta đang gặp phải. Họ vất vả, họ rất đáng được hỗ trợ, rất đáng được nghiên cứu và phân tích một cách khoa học.
Độ tuổi 25 - 35 của lớp trẻ chính là khoảng thời gian bản lề trong toàn bộ quá trình của một con người. Họ phải có gia đình để tạo lập hạnh phúc, phải xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho bản thân và gia đình. Họ buộc phải có công việc để thực hiện tất cả những điều đó.
Bởi thế, quan tâm đến lớp trẻ là một trong những quan tâm quan trọng nhất, để từ đó xác định xã hội chúng ta còn tỉnh táo, bình thường nữa hay không. Bỏ rơi lớp trẻ là dấu hiệu tiêu cực nhất trong tất cả mọi sự tiêu cực.
Tôi cho rằng, lúc này đặt ra vấn đề địa vị, tình thế, các điều kiện cơ bản của lớp trẻ chắc chắn là một vấn đề được xã hội hoan nghênh, nếu chúng ta xem xét nó một cách nhân văn, thiện chí, và có trách nhiệm.
Vấn đề đặt ra là, ở vị trí tiền phương như vậy thì lớp trẻ phải chịu đựng như thế nào? Và chúng ta có thể khuyên lớp trẻ nên có thái độ ra sao.
Cần nói rằng, dân tộc chúng ta có một quá trình hết sức khốc liệt. Từ đầu thế kỷ 20, những thanh niên thế hệ của những người như cố tổng bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn đã phải hi sinh thân mình, chịu đựng nhiều thứ phức tạp hơn chúng ta bây giờ. Nhưng thuận lợi của họ là họ có trước mắt một hình hài đất nước để đi tìm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt
Lớp trẻ bây giờ không phải không có một nhu cầu tinh thần giống như thế hệ ấy. Từ bên trong đời sống tinh thần của mình, họ tự giao cho mình những nhiệm vụ không hề thua kém, không hề thiếu sự thiêng liêng, đẹp đẽ. Có lẽ đôi chỗ họ chưa chuẩn mực về mặt thái độ thể hiện, nhưng động lực tinh thần của họ phong phú, đẹp đẽ và phức tạp không hề kém các thế hệ đi trước. Phải chăng thế hệ trẻ hiện nay là hậu duệ tinh thần của thế hệ trẻ đầu thế kỷ 20.
Tôi tự hào theo dõi tất cả các diễn biến tinh thần của thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ của chúng ta đang hiện đại, hiểu biết dần lên, họ biết học, biết tìm nơi để học, biết trang bị cho mình những kiến thức rất hiện đại. Họ háo hức và cũng rất giỏi giang trong việc sử dụng phương tiện của thời đại để tiếp cận những vấn đề mà họ quan tâm.
Đặc biệt họ vẫn giữ được những điểm tích cực vốn có của người Việt đối với những vấn đề liên quan đến đời sống, vận mệnh, chủ quyền đất nước. Họ đúng hay sai còn là vấn đề cần bàn, và tùy theo các quan điểm, sự tinh tế của các kế sách chính trị mà đôi khi các nhà lãnh đạo không phổ biến cho lớp trẻ biết.
Tuy nhiên, tôi nghĩ từ trong sâu xa, các nhà chính trị, các lãnh đạo của chúng ta luôn bị hấp dẫn bởi sức trẻ. Có thể vì những lý do chính trị, lý do tinh tế của kế sách chính trị mà họ không thể hiện ra ngoài. Nhưng tôi không tin những người có tinh thần trách nhiệm với đất nước lại vô cảm với thế hệ trẻ, với thái độ chính trị của thế hệ trẻ.
Cùng với thời gian, bằng sự cố gắng rất đáng ngợi khen của thế hệ trẻ, tôi nghĩ năng lực lao động của XH chúng ta sẽ dần được cải thiện, nâng cao để chúng ta không còn là thị trường lao động rẻ. Suy cho cùng, những ai không biết tin tưởng, kỳ vọng, không vun xới, đầu tư vào thế hệ trẻ thì chắc chắn là không khôn ngoan.
- Ông có nói các nhà lãnh đạo quan tâm và bị thu hút về phía người trẻ. Tuy nhiên, có những sự việc thực tế dường như thể hiện ngược lại. Chẳng hạn gần đây là "cú sốc" chạy công chức 100 triệu, sau đó kết luận thanh tra lại là không có hiện tượng này. Ông nhìn nhận câu chuyện này thế nào? Theo ông, những chuyện như vậy tác động đến tâm lý, niềm tin của giới trẻ ra sao?
Trước hết theo tôi, giới trẻ không phải là một lực lượng đòi hỏi một môi trường vô trùng để đảm bảo cho họ sống an toàn. Lớp trẻ buộc phải lặn lội, "chui" vào tất cả những không gian, ngõ ngách, đầy rẫy những phức tạp. Chúng ta đừng kỳ vọng có một môi trường vô trùng cho lớp trẻ và môi trường như vậy cũng không tốt cho quá trình rèn luyện bản lĩnh của họ.
Chạy một trăm triệu là một thực tế và việc không tìm ra ai chạy cũng là một thực tế. Trong một phát biểu mới đây của tôi trên Đài tiếng nói VN về vấn đề tái xác lập một số cơ quan của Đảng, tôi nói rằng chúng ta là một quốc gia mất trộm rất nhiều nhưng không bắt được kẻ trộm, bởi đôi khi kẻ trộm nhiều quá, không phát hiện lẫn nhau được. Và đó chính là một tín hiệu vô cùng nguy hiểm cho một xã hội - xã hội không đủ năng lực bắt kẻ trộm.
Hiện chúng ta huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia chiến đấu chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng. Nhưng chiến đấu cũng không phải để bắt kẻ trộm.
Ở khía cạnh khác, tôi cho rằng biến một tên kẻ trộm thành người lương thiện khó hơn nhiều so với việc đi bắt kẻ trộm. Bản thân tôi không xung vào đội quân "bắt trộm", mà cố gắng tham gia một ê-kíp khác - ê-kíp làm hoàn lương những kẻ đã trót lấy trộm.
Quan niệm về tài năng là năng lực của lãnh đạo
- Trong việc thu hút tài năng trẻ, chúng ta cũng đã có những động thái, chính sách tích cực. Nhưng nhiều người đánh giá chúng chưa đem lại hiệu quả lớn, chẳng hạn thống kê cho thấy chính sách trải thảm đỏ của HN mới chỉ thu hút được khoảng 10% số thủ khoa. Tuy nhiên, khoan chưa bàn về hiệu quả, theo ông, cái nền tảng để cấu thành nên chính sách, đó là quan niệm về tài năng của chúng ta hiện nay đã ổn chưa?
Tôi nghĩ tài năng và quan niệm về tài năng cũng là một năng lực, và đó là năng lực của những người lãnh đạo, những người đưa ra các tiêu chuẩn để định nghĩa tài năng và đưa ra các quy chuẩn để tuyển chọn và sử dụng họ.
Cũng cần nói rằng, không phải cứ tất cả nhân viên trong một công ty, một cơ quan đều tài năng cả là tốt. Bởi thứ nhất, xét về mặt nào đó, như vậy là không công bằng trong việc phân bố tài năng. Xét trên trên một diện rộng, như quốc gia chẳng hạn, mà tài năng "chất đống" ở một khu vực, còn khu vực khác lại không có cũng không phải dấu hiệu tích cực.
Thứ 2 là về mặt cấu trúc vi mô của một nhóm làm việc, thì tất cả mọi người đều tài năng cũng không phải dấu hiệu tốt. Bởi suy cho cùng, trong quá trình hoạt động, con người luôn luôn cần những yếu tố chỉ huy. Vậy cấu trúc một nhóm làm việc, hay các tài năng trong một nhóm làm việc như thế nào là vấn đề khoa học, chứ không đơn thuần là thiện chí chính trị.
Nếu chúng ta tập trung hết các soloist (nghệ sĩ hát solo) vào một dàn hợp xướng thì đó là dấu hiệu tan rã, rối loạn của dàn hợp xướng. Trong một dàn hợp xướng vài trăm người, chỉ cần một vài người hát solo thôi. Vì thế cũng đừng nghĩ khi anh đứng ở vị trí soloist thì anh có cương vị cao.
Kẻ tạo ra tính khuynh hướng trong sự phát triển của một ê-kíp, một cộng đồng đôi khi giữ những cương vị rất phụ, rất kín đáo. Tôi lấy ví dụ, trong một nhóm đào đất, sự xuất hiện một cô gái đẹp trong nhóm sẽ khiến những người đào đất quên mệt. Thế nhưng nếu cô gái cũng hì hục vác đất, thì nhiều lắm cũng chỉ vác thêm được 1 hòn đất to, mà không làm cho hàng trăm con người còn lại quên mệt khi vác đất.
Đội ngũ sử dụng các thủ khoa quan trọng hơn bản thân thủ khoa. Ảnh minh họa
Cho nên, sử dụng những người tài thế nào trong một ê-kíp, một cơ cấu, một nhóm xã hội là vô cũng quan trọng. Bây giờ chúng ta hơi loạn tài năng, bởi chúng ta không chỉ ra được tiêu chuẩn của tài năng. Chúng ta lấy các tiêu chuẩn hình thức như tiến sĩ hay thạc sĩ, hay thủ khoa, v.v... làm căn cứ, nhưng tôi không cho đó là tiêu chuẩn của tài năng.
Bản thân tôi đã từng rất "khổ sở" vì những thủ khoa. Bởi vì suy ra cho cùng, cái thủ khoa đó có phải thủ khoa thật không, và thứ 2, thủ khoa trong thi cử và thủ khoa trong đời sống lao động là khác nhau.
Nhưng cũng đừng "lên án" việc HN chỉ tuyển được 10% thủ khoa. May mà chỉ tuyển được 10%, chứ tuyển được 90% thủ khoa là HN "toi".
Dù thế nào, HN cũng đã thể hiện họ kính trọng các thủ khoa, và chỉ cần thông điệp đó thôi cũng đã đủ tích cực. Nhưng cũng phải cẩn thận, nếu không mọi người sẽ cố gắng trở thành thủ khoa bằng cách mua vị trí ấy. Mà "chạy" công chức hết 100 triệu, theo như con số của anh Trần Trọng Dực, nhưng nếu đạt thủ khoa sẽ "mua" được cả hai thứ thì chắc phải "đắt" hơn.
Vì vậy, tôi vẫn nhấn mạnh rằng cái quan trọng nhất mà chúng ta quên mất là đội ngũ sử dụng lao động. Đội ngũ sử dụng các thủ khoa ấy quan trọng hơn bản thân thủ khoa.
- Vậy còn quan niệm về tài năng của ông thì sao? Trong hoạt động tuyển dụng cho doanh nghiệp mình, ông lấy tiêu chí tài năng là gì?
Tôi không đặt ra vấn đề về tài năng. Tôi đo tài năng bằng hiệu quả, không phải bằng bằng cấp, thành tích thi cử. Vì thế tôi không quan tâm việc người dự tuyển có bằng gì, đạt loại nào.
Tôi quan tâm thực dụng hơn. Chẳng hạn việc người đó có biết tiếng Anh, đọc được văn bản bằng tiếng Anh không, bởi công ty tôi chủ yếu làm việc với doanh nghiệp nước ngoài. Tôi quan tâm đến hiệu quả, đến năng lực phản ứng, đến độ nhạy của sự phản ứng của người lao động trong công việc họ làm.
Đôi khi đừng nhầm lẫn giữa học giỏi và làm giỏi. Học giỏi là một sự trau chuốt CV (lý lịch) của mình, mà trau chuốt CV là để đi xin việc chứ không phải để đi làm việc.
Bởi khi làm việc người ta phải trả lời, giải quyết những bài toán rất thực tế. Chẳng hạn, làm thế nào để không thành một kẻ hối lộ mà lại có quan hệ với các yếu nhân, hoặc những người có ích cho công việc của mình là một tài năng. Đánh giá các đồng nghiệp của mình công bằng và tập hợp họ trong một nhóm làm việc một cách vui vẻ, êm thuận, cũng là một tài năng.
Vì vậy, tôi cho rằng tài năng là một khái niệm rất ít giá trị quan liêu, ít tính lý thuyết suông, mà nó là một năng lực có mặt ở hiện trường công tác của mọi cương vị.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không "dè bỉu", từ chối những thành tựu trong thi cử. Chúng ta khuyến khích điều ấy, bởi phải nói rằng những người có những điều ấy rồi thì họ hội tụ một số điều kiện tích cực. Nhưng đó không phải là điều kiện đủ cho việc hoàn tất tốt một cương vị.
Tôi nghĩ, đối với con người, việc quan niệm những thành tích xuất sắc trong học hành, thi cử được biểu dương như yếu tố chủ chốt để có thể tuyển chọn, thành đạt, v,v... là một cái gì đó hơi thiếu nhân văn.
Sự nhân văn đòi hỏi con người phải tinh tế hơn, nhuần nhị hơn trong sự phân loại về con người. Làm thế nào để 1 người ngốc không đau khổ, nhảy lầu vì sự phê phán của mình, một người giỏi không trở nên kiêu ngạo, vênh váo vì sự khen ngợi của mình. Chính thái độ như vậy khiến người tuyển chọn lao động từ bản chất đã trở thành nhà lãnh đạo về mặt chính trị đối với quá trình tuyển chọn và quá trình sử dụng lao động.
Hải Tâm (thực hiện)
Còn nữa
Vietnamnet.vn

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Bói 2013


BLOG CUA ALAN NGÀY THỨ HAI 4 FEB 2013
Ngày 23, ông Táo về Trời, theo vợ ra chợ Tân Mỹ nhìn những mua bán tấp nập các đồ cúng kiến theo một tục lệ thú vị. Trong xã hội đa thê cổ truyền của Trung Quốc, đây là một câu chuyện cách mạng khi một bà có đến 2 ông chồng. Một thầy bói già theo tôi cả 15 phút, đòi 200 ngàn để coi lá số vận mệnh của tôi trong năm tới (sai không lấy tiền). Tôi lắc đầu quầy quậy vì không tin gì vào những lời tiên đoán không dùng “google”này. Sau khi xuống giá còn 80 ngàn mà tôi vẫn không đồng ý, ông đề nghị coi miễn phí. Một nghề làm ăn khá vất vả!!! Tôi nói ông nên đăng ký đi tiên đoán kinh tế cho chánh phủ, kiếm tiền tốt hơn.
Trong khi vẫn loay hoay với suy nghĩ về 2 ông chồng Táo quân, tôi đề nghị với  ông là nếu ông đáp đúng, tôi sẽ để ông bấm lá số với giá 100 ngàn. Tôi hỏi khi về chầu Ngọc Hoàng, cả 2 ông Táo cùng đi hay chỉ 1 ông? Khi nhận cả 2 sớ trình, nếu khác nhau, Ngọc Hoàng sẽ tin ông nào? Số 1 hay 2? Nếu bà vợ cầm cân nẩy mực trong gia đình, tại sao bà không là người viết sớ?
Ông khôn ngoan trả lời là tôi chỉ biết chuyện của khách hàng, ông Táo có trả tiền gì cho tôi đâu mà tôi phải thắc mắc. Tôi móc túi đưa ông 100 ngàn và chịu thầy. Ông cho tôi biết 3 thiên cơ, chắc đoán được nhờ bộ mặt ngây ngô của tôi:
1.     Năm tới sức khỏe tôi không tốt lắm. Phải nghỉ dưỡng thương xuyên và tránh đi máy bay hay xe cộ (Alan chỉ nên đi xe đạp?).
2.     Năm tới tiền bạc tôi không tốt lắm. Không nên đầu tư hay kinh doanh gì, chỉ nên đi du lịch loanh quanh, tiêu tiền giải trí (Alan già rồi, không ăn không chơi, xài tiền vào đâu?).
3.     Năm tới sự nghiệp tôi không tốt lắm. Nên bỏ những gì đang làm và nộp đơn nghỉ hưu (dù Alan đến sở làm cũng có việc gì đâu mà làm?).
Ông không hỏi ngày sinh tháng đẻ, không dùng bộ bài mang theo, cười đểu và bỏ 100 ngàn vào túi rồi biến mất. Tôi đoán ông lấy lá số của đồng chí X, Y, Z gì đó rồi áp đặt lên tương lai tôi. Hay tương lai của cả dân tộc?
Alan Phan

Bài phỏng vấn đầu năm của Infonet

February 9, 2013 By Alan Phan 7 Comments

Bài phỏng vấn đầu năm của Infonet

Do Quỳnh Anh thực hiện

10 Feb 2013

- Là một người từng trải, đã từng vượt qua nhiều biến cố trong cuộc đời, ông nghĩ thành công lớn nhất mà mình gặt hái được là gì?

- Sự thành công của con người có thể được đánh giá trên nhiều lĩnh vực, như tài chính, trí tuệ, kinh nghiệm hay những đóng góp xã hội. Nếu như ở lĩnh vực tài chính, thành công lớn nhất của tôi là đưa công ty Hartcourt vốn từ 2 triệu USD lên 700 triệu USD; về học vấn, tôi cũng đã có bằng Tiến sĩ. Nhưng với tôi, thành công lớn nhất trong cuộc đời là gặt hái được những trải nghiệm kỳ thú. Sau 45 năm lăn lộn trên thương trường, tôi đã được tận hưởng những giây phút, những thành công, cả những thất bại, có được nhiều điều mình mơ ước mà vẫn giữ được nền tảng đạo đức của mình.

- Gia đình có đóng góp như thế nào trong những thành công đó của ông?

- Trong mỗi giai đoạn, gia đình đều có vai trò rất lớn và có những đóng góp riêng cho các thành công khác nhau. Gia đình là động lực lớn để tôi và nhiều doanh nhân khác đương đầu với những khó khăn, thất bại, vì bản thân luôn nghĩ không muốn gia đình phải thiếu thốn điều gì, cả về vật chất và tinh thần.

- Ngoài những thành công, ông cũng đã trải qua nhiều thất bại. Là một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, ông có lời khuyên gì cho những đồng nghiệp khác cũng vừa trải qua một năm đầu tư khó khăn, thua lỗ?

- Thất bại hay thua lỗ thực ra là kết quả của một quá trình nhiều năm, từ những lựa chọn sai lầm. Nhiều nhà đầu tư lựa chọn cách kinh doanh trên những cơ sở, kế hoạch thiếu bền vững, khi nhận ra sai lầm lại chậm sửa đổi. Đó là nguyên nhân chính khiến họ phải trả giá trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng thất bại là một người bạn chứ không phải là kẻ thù, vì nó dạy cho ta nhiều điều hơn là thành công. Người ta thường có thói quen ngủ quên trên chiến thắng, trong khi hiếm có người nào bước lên được từ thất bại. Nhà đầu tư nào chấp nhận trả giá, mở rộng tư duy để đón những suy nghĩ mới, những sáng tạo đặc thù thì mới có thể tiến lên một đẳng cấp khác, và gặt hái được thành công trong tương lai.

- Lời khuyên nào của ông dành cho những người trẻ đang ấp ủ giấc mơ lập nghiệp, yêu kinh doanh và muốn làm giàu?

- Thông thường, sai lầm lớn nhất mà các doanh nhân trẻ hay mắc phải là chỉ nghĩ tới chuyện kiếm tiền thay vì tìm kiếm một mô hình kinh doanh mà họ có niềm đam mê, có sáng tạo và có lợi thế. Lời khuyên của tôi với những doanh nhân trẻ là hãy chịu khó tìm kiếm cách thức kinh doanh mới, cùng với đó là tích lũy cho mình kiến thức, kỹ năng, ấp ủ ý chí và lòng quyết tâm, thành công qua tiền bạc chắc chắn sẽ tới với các bạn.

- Sau khi chia tay quỹ đầu tư đã gắn bó trong suốt 10 năm, ông có thấy bản thân mình hụt hẫng gì không?

- Thực ra cũng không có cảm xúc đặc biệt nào. Sau 10 năm làm việc, tôi đã mất đi niềm đam mê ban đầu, có cảm giác công việc giống như một thói quen mỗi ngày, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Tôi khi đó không khác gì những công chức nhà nước, không còn thử thách và hứng thú nữa. Vì vậy, tôi chia tay quỹ đầu tư này, để đi tìm cho mình những thử thách mới, khám phá những khả năng của mình một lần nữa, nếu không một ngày nào đó nội lực sẽ bị mai một đi mất.

- Sau 2 tháng rời khỏi Viasa, ông có thấy quỹ đang phát triển theo đúng kỳ vọng của mình hay không?

- 2 tháng là quá ít ỏi để một quỹ đầu tư chứng minh hiệu quả sau những thay đổi. Ban quản lý mới đang đi theo những hướng mới, do đó, chưa thể tiên đoán hay phán xét bất cứ điều gì. Có lẽ phải 1 đến 2 năm nữa, tôi mới có thể đánh giá được điều này.

- Tự nhận mình là “ông già đã mất đi niềm đam mê ban đầu và sự đói khát hăng say để tạo nhiệt huyết cho nhân viên và đối tác”, vậy niềm đam mê hiện tại của ông là gì?

- Thời gian vừa qua tôi đã sang Mỹ tìm cơ hội kinh doanh mới hay một trò chơi mới, nhưng không may lại bị bệnh nên phải hoãn lại các kế hoạch. Có thể một năm nữa tôi mới hồi phục mạnh mẽ để bắt tay vào việc tím kiếm một công việc mới. Khi đó, tôi sẽ gõ cửa, gặp gỡ cả trăm thân hữu và đối tác khác, để xác định mô hình kinh doanh và lên kế hoạch. Việc này sẽ mất nhiều thời gian, vì có thể trong cả trăm cơ hội mới có một cơ hội khiến mình đam mê và thích thú. Tôi luôn tự nhủ làm gì thì cũng phải hết mình, hợp với cá tính và nền tảng đạo đức của bản thân.

- Cảm giác là một đứa con làm ăn xa đã nhiều năm lai đón Tết tại quê trong ông ra sao?

- Cũng giống như những đứa con xa quê về lại thăm nhà, cảm giác trong tôi là sự đầm ấm, thân quen và có chút hoài cổ. Tôi được nhiều bà con bạn hữu hỏi thăm gặp gỡ, đây cũng là một điều rất thú vị.

- Tết của một chủ tịch quỹ đầu tư và Tết của một người đã tạm thời rời xa việc kinh doanh có gì khác biệt không thưa ông?

- Khi làm chủ tịch quỹ đầu tư với 30 nhân viên, thời gian cuối năm chính là lúc tôi được tận hưởng những ngày yên bình, sống chậm, đi du lịch và nghỉ dưỡng Năm nay, trái lại, có vẻ bận rộn hơn nhiều, vì nhiều bạn bè mời đến nhà ngày đầu năm để xông đất, gặp gỡ.

- Thú vui của ông vào ngày Tết là gì?

- Trước đây, khi còn ở Hong Kong hay Thượng Hải, những ngày Tết, tôi thường bay về những khu vực ấm hơn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, đi ra những bờ biển, ngồi tĩnh dương, cho mình nạp lại năng lương và hồi sinh lại niềm đam mê. Năm nay, khi quyết định đón Tết tại Việt Nam, tôi muốn sống lại những ngày thơ bé, đi mua sắm tết, trang hoàng nhà cửa, mấy hôm nữa thì đi chúc tết, xông đất, thăm bà con bạn bè, thử làm những việc mà trước đây mình đã từng làm.

- Kỳ vọng trong năm 2013 của ông về nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng như thế nào?

- Khó khăn và thử thách vẫn còn nhiều và những yếu tố vĩ mô từ bên ngoài sẽ không giúp gì thêm (tương lai các nến kinh tế đầu cầu như Âu Mỹ Nhật…khá bi quan). Ngoài ra, chánh phủ vẫn khẳng định là sẽ tiếp tục các biện pháp hành chánh trên căn bản và định hướng xưa cũ, nên tôi đoán là sẽ không nhiều thay đổi. Tuy nhiên, năng động của thành phần kinh tế tư nhân Việt rất cao và sáng tạo. Các doanh nghiệp này có thể tạo nên một cú hích tốt đẹp hơn cho tình hình.

Về TTCK, hiện nay các nhà đầu tư ngoại đang là đội lái tàu để bơm thổi giá trị và thanh khoản. Vì không biết ý đồ của họ (dài hay ngắn hạn, đầu cơ hay đầu tư), tôi không thể tiên đoán chính xác sự chuyển động của VN Index.


gocnhinalan.

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Bao giờ trời sáng?


BLOG CỦA ALAN NGÀY CHÚA NHẬT 29/7/2012
Nhiều bạn trẻ trách sao lúc này chú Alan bi quan quá và cứ tản mạn những chuyện xã hội mà mọi người đều biết và đều bất lực. Thực ra, trừ khi làm một khảo luận khoa học với tất cả nghiêm túc (và làm mọi người ngủ say sau khi đọc 2 trang), các tác giả, kể cả nhà bình luận, đều phải cho chút kịch tính (dramatize) để góc nhìn của mình dễ truyền đạt đến đám đông hơn.
Tôi vừa đi Nha Trang về. Sau đàn bà, biển là một đam mê tuyệt độ. Trên chiếc ca nô chạy ra Đảo Ninh Vân của khu nghĩ dưỡng Epikurean, chỉ 15 phút nhìn hoa biển nhấp nhô cùng những giọt nước tưới mát mặt trong một ngày nắng nóng, tôi nghĩ mình đã thiền cả ngày. Quê hương và thiên nhiên vẫn yêu kiều như một vòng tay tình nhân, và những nụ cười thân thiện từ những mảnh đời đang gặp khó vẫn là một xác định rõ ràng về tiềm năng hạnh phúc của xứ này.
Ở phi trường Cam Ranh, tôi gặp một BCA trẻ, vừa rời bỏ chức quản lý của một ngân hàng đầu tư, để khởi sự xây dựng công ty của mình, tạo hướng đi mới cho sự nghiệp. Cũng như Việt nam, anh sẽ phải đối diện với rất nhiều thử thách, hên xui và áp lực. Nhưng nhìn cái quyết tâm và sự năng động, tôi tin là anh sẽ đến đích, sớm hay muộn.
Nền kinh tế Việt cũng đang đối diện với rất nhiều thử thách. Không ai có thể dự đoán chính xác tương lai nào cho chúng ta. Các con số thống kê thì mù mờ và ngụy tạo, các quan chức thì bất động và thích chém gió, các doanh nhân thì chỉ có tầm nhìn chụp giựt và xin cho. Nợ đầm đìa, thủ tục hành chánh mọi nơi (kể cả lãnh vực tư) quá tải, thị trường bị thao túng vì nhóm quyền lực can thiệp thường trực. Trên hết, niềm tin đã biến mất.
Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng trận đấu mới bắt đầu. Những biến động nội tại và từ bên ngoài có thể tạo nên những thay đổi về tư duy, về hành xử và cả về ý chí. Khả năng sinh tồn của người Việt đã được minh chứng là bất tận qua lịch sử.
Cho nên, trong thâm tâm, tôi thực sự không quan tâm là trời sắp sáng chưa hay chỉ mới hoàng hôn. Nếu có một người tình, hãy ôm nhau mà tận hưởng niềm vui bất chấp trời đất. Nếu chỉ một mình, hãy ra bàn viết và gắng làm một thi sĩ hay một triêt gia.
Dù thế nào, mặt trời vẫn mọc khi bình minh trở lại. Biết đâu, bắt chước Bắc Triều Tiên, chúng ta cũng có một em ca sĩ mượt mà lên làm mẫu nghi thiên hạ?
Alan

Lạc quan và tích cực


T/S Alan Phan
2/2/2013
Trước hết, tôi tin bản chất tôi là một con người vô cùng lạc quan và tích cực. Tôi mê phim ảnh Hollywood, những chuyện cổ tích thần kỳ và những huyền thoại về các anh hùng quay về từ vực thẳm để chinh phục thế giới. Tôi yêu đời, yêu người, tin vào sự lương thiện bẩm sinh và sự cứu giúp của Ơn Trên khi gặp hiểm nguy. Sau bao bài học qua thực tại về cái Xấu và Ác, tôi vẫn tin rằng trái tim cũng như khối óc của chúng ta cần được mở rộng để thông cảm và tha thứ cho những lầm lỡ, sai trái của tha nhân. Đến giờ này, tôi chắc chăn là trong lòng tôi không chứa một hận thù, ghen tị hay cay đắng với ai, cho dù họ có thể là những kẻ thù và đối thủ đã từng hại tôi trong quá khứ.
Do đó, tôi ngạc nhiên khi những bài viết của tôi lại hay bị phê phán là bi quan và tiêu cực.
Tôi thú nhận là nhiều lúc tôi khá thất vọng với tư duy của con người và cách hành xử trong đời sống hàng ngày ở đây. Có lẽ vì tôi đánh giá khá cao những đồng hương của mình so với nhiều dân tộc khác. Chuẩn mực cao tạo nên những phê phán hơi nghiêm khắc.
Tuy nhiên, tôi đã cố gắng khách quan như có thể. Tầm nhìn của cá nhân mình có thể lạc quan và tích cực, nhưng một bài phân giải và luận cứ về thực tại của tình thế phải dựa trên những nguyên tắc căn bản của khoa học để tránh sai lầm. Cảm xúc cá nhân hoàn toàn không có chỗ đứng trong việc đánh giá, phẩm hay lượng.
Và có lẽ trong góc nhìn của Alan, tình hình kinh tế và xã hội (không nói đến chánh trị) của Việt Nam không có gì để tôi lạc quan hay phấn chấn.
Nhiều chuyên gia kinh tế, nội và ngoại, quốc doanh và độc lập, gần đây có sự bắt mạch tiên đoán khá tích cực cho 2013 và những năm sắp đến. Họ thường dựa vào những tuyên bố về chánh sách của chánh phủ hay những số liệu thống kê khả quan để cho rằng sự phục hồi của kinh tế Việt đang thấp thoáng ngoài cửa như những ngày đầu năm Quý Tỵ đang về.
NHNN đã có biện pháp và lập ra một công ty quốc doanh mới để thanh toán nợ xấu ngân hàng; gói cứu trợ BDS sẽ có hiệu quả sau 6 tháng đầu năm; thị trường chứng khoán bắt đầu khởi sắc với dòng vốn FII mới; các nhà đầu tư ngoại sẽ quay trở lại với các siêu dự án vì nhân công Việt sẽ càng ngày càng rẻ so với các nước láng giềng. Trên hết, chánh phủ lại tiếp tục đổ vốn (qua nợ công và tiền in) vào các DNNN, vào các dự án hạ tầng mới, vào các chương trình cứu trợ…Tóm lại, những ngày hạnh phúc mới sắp về sau mùa xuân quang vinh này (happy days are here again).
Nhưng ta cũng có thể kết luận những chiêu PR đồng bộ nói trên là một cố gắng của chánh phủ để gây dựng lại niềm tin của các nhà đầu tư nội và ngoại. Như Hitler và Mao đã dậy,” những lời nói dối lập đi lập lại hàng ngày qua một thời gian dài sẽ trở thành một ‘sự thât’.”
Tuy nhiên, các chánh trị gia quên một điều căn bản. Khi nói về giáo điều hay lý luận kinh điển (qua các khẩu hiệu đơn giản nhàn chám) người dân có thể chấp nhận vì thực ra lời nói không mất tiền mua và nếu bảo đây là con đường duy nhất để lên thiên đường, họ gật gù tán đồng cho yên chuyện. Vả lại, những triết thuyết của các ông cụ thế kỷ 19, quá vô hình và thiếu khoa học để suy diễn rộng hơn hay tạo nên phản biện. Phần lớn lớp trẻ ngày nay không quan tâm gì đến những học thuyết khô khan và vô dụng này.
Tuy nhiên, khi lời nói lại có thể làm họ mất tiền (lúc nào nó liền với khúc ruột) thì phản ứng của người dân sẽ khác hẳn. Ngay cả những hoa hậu, siêu mẫu cũng gặp rất nhiều khó khăn khi muốn móc túi đại gia, thì chuyện một anh công chức (mà 30% là vô dụng theo lời Phó TT) muốn thuyết phục người dân phải tin vào chánh phủ, mà sẵn sáng móc hồ bao ra để hy sinh cứu nước, thì đây là một hoang tưởng khôi hài.
Trong kinh nghiệm làm ăn của tôi, những đánh giá lạc quan và tích cực là một trong những nguyên nhân chính của các thất bại trong kinh doanh. Dù cố gắng dựa trên căn bản khoa học và khách quan, những vị phụ tá soạn thảo kế hoạch thường thường để cảm xúc cá nhân làm mờ đi những rủi ro căn bản và những yếu tố ngoài tầm kiểm soát. Và khi nghe những phân tích hồ hởi năng động, các quản lý hay quyết định vội vã trong sự hưng phấn của môi trường và nhân viên. Đôi khi, 3 đến 5 dự án thành công mới đủ bù cho một thất bại.
Cho nên, nếu các định giá chỉ thuần túy dựa trên những PR của chánh phủ hay của các nhà đầu tư có lợi ích trong dự án hay biện pháp hành chánh, sự thiệt hại cho nền kinh tế là một mất mát lâu dài và đau đớn.
Chúng ta phải giữ thái độ lạc quan và tích cực trong hành xử hang ngày. Đời sống thực tại đã quá khó khăn để dìm mình trong vũng lầy của âu lo và bất ổn. Nhưng nếu chúng ta không cẩn trọng trong phán đoán và suy xét, cái giá phải trả lớn lao hơn là những thất vọng nhất thời.
Nhất là khi dùng tiền của chính mình, không phải OPM.
Alan Phan

Văn hóa người Nhật


Bài Tổng Hợp
Dù xuất phát từ văn minh Trung Quốc cả ngàn năm trước, tinh thần sáng tạo và đặc thù của người Nhật đã giúp họ thăng hoa và vượt xa tầm ảnh hưởng “xấu” của văn hóa Trung Quốc. Những thói quen và lối sống hàng ngày của họ đã làm các quốc gia Tây Phương phải ngưỡng mộ và học hỏi. Bao giờ thì các “đỉnh cao trí tuệ” khắp Việt Nam học và thi hành được  vài điều đơn giản sau đây?

Cúi nhưng không thấp

Người Nhật có thói quen gập hơn nửa người cúi chào khách. Từ ông chủ tịch, tổng giám đốc của tập đoàn thực phẩm lớn như Acecook (Oaska) cho đến cô bé bán kem ở Lake Hill Farm (Jozankei) đều nhiệt thành ra tận xe, vẫy chào tạm biệt khách cho đến xe đi khuất hẳn.
Cái nghiêng mình quen thuộc khi người Nhật chào khách
Ở đất nước mặt trời mọc, hình ảnh nghiêng gập người cúi chào thể hiện cả một nền văn hóa Nhật Bản: Cúi nhưng không hạ mình . Sự nhún nhường chỉ làm tăng thêm sự nể trọng của người đối diện.
Trên các chuyến bay của hãng hàng không Japan Airlines, nụ cười luôn nở trên môi các tiếp viên. . Họ sẵn sàng ngồi, chính xác là “quỳ xuống”, giúp khách sửa tư thế của đôi chân tê mỏi.
Họ niềm nở, vui vẻ tiếp nhận yêu cầu của hành khách khó tính nhất. Không phải phẩm chất máy bay khiến hành khách hài lòng mà chính cách phục vụ của tiếp viên khiến mọi người nghĩ tốt về người Nhật. Chỉ vài phút khởi hành trễ, toàn bộ nhân viên phục vụ mặt đất và tiếp viên, phi công dàn thành hàng ngang, cúi rạp người xin lỗi khách.
Họ thật sự đã thành công khi để lại ấn tượng sâu sắc về một nước Nhật vô cùng hiếu khách và nghệ thuật giao tiếp của họ tuyệt vời.
Trung thực
Ở Nhật, bạn khó có cơ hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài. Vì sao? Các tài xế sẽ tự chở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng dẫn “Hãy đi tàu điện ngầm cho rẻ”.
Sự trung thực của người Nhật, in đậm nét ở những
“mini shop không người bán” tại Osaka.
Nhiều vùng ở Nhật không có nông dân. Ban ngày họ vẫn đến công sở, ngoài giờ làm họ trồng trọt thêm. Sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán giá và để thùng tiền bên cạnh. Người mua cứ theo giá niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng. Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà. Nhẹ nhàng và đơn giản.
Các con đường mua sắm, các đại siêu thị ở Hokkaido, Sapporo hay Osaka… cũng không nơi nào bạn phải gửi giỏ/túi xách. Quầy thanh toán cũng không đặt ngay cổng ra vào. Người Nhật tự hào khẳng định động từ “ăn cắp vặt” gần như đã biến mất trong từ điển.
Nếu bạn đến Nhật, toàn bộ các cửa hàng sẽ tự động trừ thuế, giảm 5 – 10% khi biết bạn là khách nước ngoài.
“No noise” – không ồn
Nguyên tắc không gây tiếng ồn được áp dụng triệt để tại Nhật. Tất cả hight ways đều phải xây dựng hàng rào cách âm, để nhà dân không bị ảnh hưởng bởi xe lưu thông trên đường. Osaka bỏ ra 18 tỷ USD xây hẳn 1 hòn đảo nhân tạo để làm phi trường rộng hơn 500ha ngay trên biển. Lý do đơn giản chỉ vì “người dân không chịu nổi tiếng ồn khi máy bay lên xuống”.
Phi trường quốc tế Kansai được xây dựng trên hòn đảo nhân tạo, cách xa khu dân cư
Tại các cửa hàng mua sắm, dù đang vào mùa quảng cáo, cũng không một cửa hàng nào được đặt máy phát ra tiếng. Tuyệt đối không được bật nhạc làm ồn sang cửa hàng bên cạnh. Muốn quảng cáo và thu hút thì cách duy nhất là thuê một nhân viên dùng loa tay, quảng cáo với từng khách.
Nhân bản
Vì sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc nguyên, không thu hoạch? Không ai bảo ai, những nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ luôn “để phần” 5-10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên.
Bình đẳng
Mọi đứa trẻ đều được dạy về sự bình đẳng.
Để không có tình trạng phân biệt giàu nghèo ngay từ nhỏ, mọi trẻ em đều được khuyến khích đi bộ đến trường. Nếu nhà xa thì xe đưa đón của trường là chọn lựa duy nhất. Các trường không chấp nhận cho phụ huynh đưa con đến lớp bằng xe hơi.
Bình đẳng là điều đầu tiên các em học được ở trường
Việc mặc đồng phục vest đen từ người quét đường đến tất cả nhân viên, công chức cho thấy một nước Nhật không khoảng cách. Những ngày tuyết phủ trắng nước Nhật, từ trên cao nhìn xuống, những công dân Nhật như những chấm đen nhỏ di chuyển nhanh trên đường. Tất cả họ là một nước Nhật chung ý chí, chung tinh thần lao động.
Văn hóa xếp hàng thấm đẫm vào nếp sinh hoạt hàng ngày của người Nhật. Không có bất cứ sự ưu tiên nào . Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một ngày bạn thấy người xếp hàng ngay sau lưng mình chính là Thủ tướng.
Nội trợ là một nghề.
Hàng tháng chính phủ tự trích lương của chồng đóng thuế cho vợ. Do đó, người phụ nữ ở nhà làm nội trợ nhưng vẫn được hưởng các chế độ y như một người đi làm. Về già, vẫn hưởng đầy đủ lương hưu.
Độc đáo hơn nữa là nhiều công ty áp dụng chính sách, lương của chồng sẽ vào thẳng tài khoản của vợ. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình vì thế luôn được đề cao, tôn trọng.