Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Những hỏa mù trong canh bạc - Alan Phan

28 June 2012
T/S Alan Phan
Gần đây tôi từ chối không nhận làm diễn giả cho nhiều hội thảo về tài chánh hay kinh tế vì tôi nghĩ rằng các thân hữu trong đám khán thính giả có lẽ biết nhiều hơn tôi về thực trạng hàng ngày của nền kinh tế xứ này. Họ phải đối diện với sự thật và phải tìm giải pháp cụ thể cho cá nhân, nhân viên và khách hàng; vài lý thuyết hay vài câu khích lệ không giúp họ được gì. Trong khi đó, đám chuyên gia trên tháp ngà như tôi thì lại tùy thuộc vào những số liệu vô cùng mâu thuẫn của nhiều cơ quan công và tư để phân tích và tìm kết luận. Rác đầu vào, rác đầu ra. Dị ứng với rác, tôi nghĩ im lặng là thái độ hợp thời.

Lấy những thảo luận về tái cấu trúc ngân hàng làm thí dụ. Tôi tin rằng ngay cả Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) cũng không nắm rõ con số nợ xấu thực sự của các ngân hàng thương mại. Ông Thống Đốc vừa tuyên bố là khoảng 10% dư nợ thì vài ngày sau đó, con số thống kê của NHNN là 4.6% . Trong khi đó, Fitch Rating đưa ra con số 13% chưa tính nợ xấu từ các doanh nghiệp nhà nước (chỉ Vinashin và Vinalines đã tổng cộng đến 6 tỷ USD). Một tư liệu của một ngân hàng tư nhân cho một ước tính không kiểm chứng được là 27%.

Lập một công ty mua bán nợ xấu mà không biết số nợ là bao nhiêu; rồi chưa chắc là bán cho ai với giá như thế nào, thì chỉ có các đầu óc siêu việt mới dám kinh doanh kiểu này.

Một yếu tố khác không ai rõ là tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại. Có nhiều xếp hạng 1, 2, 3, 4 gì đó, nhưng NHNN chi viện thường trực nên thứ hạng có thể thay đổi theo ngày theo giờ. Chánh sách khoanh giãn nợ vừa ban hành làm bức tranh mờ tối thêm. Rồi lượng tiền 300 ngàn tỷ NHNN vừa bơm ra đã chạy về đâu? Nếu dùng để mua nợ xấu thì lập thêm một công ty mua bán nợ xấu phải chăng là để hợp thức hóa số tiền đã sử dụng hay là một thủ thuật khác cho dòng tiền chạy quanh và biến mất?

Một câu hỏi khác là NHNN có biện pháp và khả năng điều tra những sở hữu chéo của các cổ đông lớn kiểm soát ngân hàng và các công ty con của họ? Những tin đồn trên mạng Internet nêu đích danh những chủ ngân hàng rút ruột ngân hàng của mình (thực sự là OPM của khách hàng) và của nhà nước bằng những giao dịch “ảo” (tôi cho anh vay, anh cho thằng B vay, thằng B cho thằng C vay, rồi C quay lại cho tôi vay). Cứ mỗi lần tiền đổi tay, chúng ta lại thu thêm một số tiền phí và hoa hồng. Sau một hồi, khi tiền hết thì ngân hàng mất thanh khoản; nhưng may thay, đã có NHNN nhẩy vào mua các nợ xấu. Một công ty công cộng nhỏ ở Mỹ (các blue chips thì chắc chắn không dám) mà xoay tiền lối này qua các giao dịch chéo giữa những đối tác sẽ bị huýt còi và điều tra ngay.

Khi Cơ Quan Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Federal Reserve) in tiền để cứu viện qua các gói QE 1, QE 2 hay Twist, họ phải được sự chấp thuận của Quốc Hội qua những cuộc điều trần trực tiếp chiếu trên các mạng truyền thông đại chúng. Ngược lại, tôi có cảm giác là các quan chức và chuyên gia VN cố tình đưa ra những con số rất đối nghịch với mục đích làm rối mù thực tại, khiến không ai có thể rút ra một kết luận chính xác hay hợp lý. Càng nhiều phân tích bình luận, càng dễ làm người quan tâm lạc lối và cuối cùng quay qua đọc các bài hay các hình ảnh về siêu sao hay đại gia, dễ hiểu hơn.

Một cách giữ niềm tin khác cho khách hàng (người dân, nhà đầu tư nội ngoại, cơ quan thẩm định, các mạng truyền thông…) là sự thẳng thắn trả lời những tin đồn và đưa ra bằng chứng về sự sai lầm của những tin đồn này. Nếu tin đồn đúng thì phải công nhận và đưa ra các giải pháp cụ thể cho công chúng tường tận. Giấu diếm che đậy chỉ làm tin đồn lạm phát và tiếng nói chánh thức của nhà nước bị nghi ngờ và chế diễu.

Hiện nay, tin đồn lớn nhất trong giới tài chánh là dư nợ nhiều ngân hàng phần lớn là cho các công ty con của các cổ đông lớn vay. Số nợ của một vài cá nhân còn cao hơn dư nợ của nhiều ngân hàng nhỏ và khi NHNN chi viện, tiêu chí nào đã được dùng để bơm tiền?

Bất cứ ai truy tìm trên Net cũng đều biết về các tin đồn này. Một cuộc họp báo về các tin đồn sẽ gây dựng niềm tin nơi công chúng nhiều hơn là các cuộc điều trần tại quốc hội.

Do đó, khi các bạn BCA hỏi tôi về tình hình hiện tại hay dự đoán tương lai về nền kinh tế này, hay về các tin đồn trên mạng, tôi im lặng vì thực sự tôi không “biết” hay “đoán” được gì. Nếu đây là ý định của những vị lãnh đạo và nhóm lợi ích, thì các hỏa mù họ tung ra đã thành công. Kế hoạch nhiễu thông tin này tạo nên một “bất ổn” (uncertainty) khiến các thành phần kinh tế “bất động” và những người trong cuộc (insiders) có thể lợi dụng tình thế để thâu tóm, khởi động hay đầu cơ rất hiệu quả.

Cái giá phải trả là sự khốn đốn của mọi người ngoài cuộc.

Alan Phan

Nhìn lại lá bài bất động sản - Alan Phan

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

30 October 2011

Khi không chấp nhận để bong bóng BDS vỡ vào cuối năm 2012, Việt Nam đã mặc tình đẩy nền kinh tế tái chánh vào một chu kỳ suy thoái sẽ kéo dài suốt thập niên còn lại.

Tôi viết bài này vào cuối tháng 10 năm 2011. Đây là một cố gắng để nhìn bất động sản (BDS) qua nhiều lăng kính: ngắn và dài hạn, cá nhân và xã hội, hệ lụy và giải pháp. Tôi thấy bài viết vẫn có nhiều ứng dụng hợp thời nên cho đăng lại đây.

BDS qua lịch sử

Tất cả những tranh chấp trong 5 ngàn năm lịch sử đều có liên quan đến đất đai. Các đế chế Trung Hoa, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Tây Âu vào trước Thê Chiến thứ hai, đều dựa kế hoạch bành trướng trên căn bản chiếm đất. Ngay cả Việt Nam, chuyện “mở mang bờ cõi” là một thể hiện lòng yêu nước cao độ dưới triều Nguyễn, cho đến khi thực dân Pháp làm tan mộng đế vương.


Cho đến ngày hôm nay, tại những quốc gia kém phát triển, nền kinh tế còn thô sơ, tài sản của người dân vẫn phần lớn là bất động sản, ít nhất cũng là miếng đất để cắm dùi. Cho đến năm 1985, những tỷ phú giầu bằng bất động sản vẫn chiếm 18% tổng số của 100 tỷ phú giầu nhất nước Mỹ. Hiện nay, gần như ít ai có thể kiếm tỷ đô la trong vài chục năm bằng bất động sản; trừ khi họ mua bán các sản phẩm phái sinh tài chánh (derivatives) của bất đông sản.

BDS qua hai góc nhìn cá nhân

Trong cuộc đời kinh doanh của tôi, hai nhân vật ảnh hưởng đến những quyết định về đầu tư hay điều hành BDS là ông boss cũ người Do Thái và bà mẹ nuôi người Pháp. Họ biểu hiện hai thái cực của hai góc nhìn, không những về BDS mà còn về triết lý sống và sự cảm nhận trong hạnh phúc.

Ông boss là một đại gia có khoàng 1.6 tỷ dollars vào thời cực thịnh. Mặc dù có một penthouse rông hơn 1,000 mét vuông ở Park Avenue, nơi mệnh danh là khu giàu có nhất New York và một bà vợ với đứa con gái, ông gần như sống suốt ngày trên chiếc máy bay Gulfstream riêng của ông. Ông bay khắp thế giới và phòng ngủ của ông nằm tại hầu hết các khách sạn 5-6 sao trên khắp 5 lục địa. Lúc tôi còn làm việc cho ông, công ty ông đầu tư và kiểm soát 24 công ty con thuộc nhiều ngành nghề và tại nhiều quốc gia; nhưng không một công ty nào liên quan đến BDS, trực tiếp hay gián tiếp.

Ông giải thích, BDS là một đầu tư khó thể kiểm soát vì chu kỳ lên xuống khó đoán; vì khi gặp khó khăn, ta không thể dời BDS đến một thị trường khác (như các sản phẩm hay dịch vụ); và khi cho thuê, thì các vấn đề với người thuê là những rắc rối có thể vượt quá khía cạnh pháp lý (chẳng hạn như chánh phủ có thể cấm tăng giá thuê để hốt phiếu người dân nghèo…). Thêm vào đó, khi thị trường xuống dốc, thì việc thoái vốn gần như bất khả thi dù chịu bán lỗ. Trên hết, chiến thuật đòn bẫy hay dùng trong kinh doanh BDS có thể tạo lợi nhuận nhanh chóng, nhưng đây cũng là mồ chôn bao nhiêu tài sản cực nhanh.

Tôi thì nghĩ có lẽ trong tiềm thức một người Do Thái, hơn 5 ngàn năm làm dân du mục khắp mọi phương trời, chịu sự kỳ thị và ngược đãi của mọi sắc dân địa phương, ông boss tôi không thấy an toàn ở một nơi nào để gọi đó là quê mình. Lá không có cội để rụng về?

Trong khi đó, bà mẹ nuôi tôi là một giáo viên sau khi tốt nghiệp đại học và theo đuổi nghề này đến khi về hưu. Chồng bà là kế toán gia làm cho công ty điện lực suốt 27 năm sau khi đã làm công chức cho Bộ Nội Vụ Pháp hơn 20 năm đầu. Bà sinh ra ở một căn hộ nhỏ khu Montmartre năm 1916 và mất đi ở căn hộ này vào năm 1998. Bà đã chứng kiến hai trận thế chiến, vài cuộc cách mạng và bao nhiêu biển dâu từ góc nhìn qua cửa sổ của căn nhà này.

Trong những năm làm việc, hai ông bà để dành và đầu tư tất cả vốn liếng vào BDS. Khi bà chết, hai ông bà có 16 căn nhà quanh Paris; trị giá hơn 20 triệu Euro bấy giờ. Có nhiều BDS lớn và đẹp hơn đề cho thuê, nhưng hai ông bà không hề dọn đến ở nơi nào khác. Có lẽ khu vườn nhỏ ở công viên cạnh bên, những tiệm boulangerie, café, bistro, magasin …là những dấu ấn của kỷ niệm và tình yêu không thể tìm ở nơi nào khác.

Khi qua lại Mỹ lần thứ nhì vào năm 1975, tôi kiếm hơn 4 triệu dollars đầu tư bán thời gian vào BDS trong khi đi làm. Sau đó, tôi mất hết tiền đã kiếm được khi đầu tư váo một dự án BDS ở Arizona vào năm 1982. Căn biệt thự tôi mua ở Shanghai năm 1999 với $400,000 nay đã trị giá gần 2 triệu. Một đầu tư khác với vài người bạn ở một khu thương mại gần Beijing giờ tặng cũng không ai lấy.

BDS và nợ xấu ngân hàng

Khi bong bóng BDS vỡ bên Mỹ vào 2008, tuần báo Economist có làm một phân giải về nguyên do. Chính yếu là các ngân hàng và định chế tài chánh đã rất “lười” khi đổ tiền vào các khoản nợ BDS. Trái với các tài sản tài chánh khác, thị trường cho BDS tương đối an toàn và bền vững. Dựa trên một định giá đã được “công thức hóa” khi tính tỷ lệ rủi ro, các ngân hàng lại đặt niềm tin thêm vào các công ty giám định rủi ro như Moody’s, Fitch…do đó, họ đã vất tiền thoải mái vào BDS và các sản phẩm phái sinh. Khi bong bong nổ, họ là nạn nhân đầu tiên và sau cùng.

Các ngân hàng Việt nam cũng hành xử tương tự. Ngoài các món nợ cho những doanh nghiệp nhà nước có chánh phủ bảo kê ngầm, phần lớn các món nợ đều phải có sổ đỏ, sổ hồng của BDS cho tiện lợi mọi bề. Nền kinh tế thị trường to lớn của Mỹ có thể hấp thụ cơn bão do BDS đem lại; nhưng chánh phủ Mỹ cũng mất gần 2 ngàn tỷ đô la (khoảng 14% GDP) để cứu nguy (QE 1, QE 2 và Twist). Một vài chuyên gia ước tính là nền kinh tế Việt sẽ phải chi ra hơn 70 tỷ đô la (65% GDP) trong 2 năm tới để có tác dụng tương tự. Cách duy nhất để kiếm số tiền này là huy động tiền nhàn rỗi trong dân, qua vàng và ngoại tệ, để không bị lạm phát phi mã.

Một bài toán khá khó khăn cho các nhà lãnh đạo kinh tế.

Mọi con đường đều dẫn đến La Mã

Nhưng dù khó khăn đến đâu, tôi vẫn tin rằng chánh phủ và người dân sẽ phải trực diện vấn đề bong bóng BDS hiện nay của nền kinh tế. Dường như có 2 khuynh hướng để giải quyết: một là tìm cách kéo dài các trì trệ cho nó xì hơi từ từ; hai là bơm tiền vào cứu nó (và các thành phần lợi ích đang bao quanh). Giải pháp thứ ba của tôi là để thị trường nổ tung bong bong, giúp người dân có cơ hội mua nhà rẻ và nhanh chóng cải tổ thể chế để tránh những lợi dụng của nhóm lợi ích trong tương lai. Cách đây vài tháng, tôi có tiên đoán là nếu chánh phủ thay đổi hoàn toàn luật sở hữu nhà đất, thì một dòng tiền mới sẽ đổ vào thị trường BDS với những hệ quả tich cực. Dĩ nhiên, giải pháp này đã bị bỏ qua, khi chánh phủ khẳng định là “toàn dân vẫn sở hữu đất đai” hay nói một cách khác, mọi thứ sẽ không thay đổi.

Giá đất, và gián tiếp, giá BDS cao ngất trời sẽ là rào cản căn bản của mọi cố gắng để tái câu trúc. Từ giá thành của sản phẩm nội địa đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng, từ nguy cơ lạm phát khi in tiền đến vấn đề tỷ giá làm thiệt hại mọi ngân khoản đầu tư nội ngoại, thủ phạm chính sẽ là giá BDS trong 5, 10 năm sắp tới.

Khi không chấp nhận để bong bóng BDS vỡ vào cuối năm 2012, Việt Nam đã mặc tình đẩy nền kinh tế tái chánh vào một chu kỳ suy thoái sẽ kéo dài suốt thập niên còn lại.

T/S Alan Phan

T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Chuyện nhỏ và chuyện lớn của nền kinh tế Việt

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

Theo góc nhìn và trải nghiệm của tôi, kinh tế Việt Nam đang hứng chịu nhiều vấn nạn gồm hệ thống ngân hàng, bong bóng tài sản, giá trị bản tệ, tình hình suy phát, doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu hành chánh, kỷ cương đạo đức…Các chuyên gia hiện đã tốn rất nhiều thì giờ để mổ xẻ và đưa ra nhiều toa thuốc khác nhau. Tuy nhiên, đây là những vấn đề nhỏ, có thể giải quyết được với ý chí và thời gian.

Tuần vừa rồi, tôi đi quanh vài nước Á Châu để huy động vốn cho hai công ty Việt. Sự khác biệt trong nhận thức tình hình giữa các nhà đầu tư ngoại và nội làm tôi khá ngạc nhiên. Nhu cầu kiếm tiền đều giống nhau tại mọi nơi, nhưng số lượng và khả năng hấp thụ thông tin tạo nên một sai biệt đáng kể. Theo những chuyên gia tài chánh ngoại, các vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam có thể tóm lược trong các trọng điểm:
1. Các con số thống kê rất mù mờ:

Ai cũng biết rằng hệ thống ngân hàng Việt đang đối diện với số lượng nợ xấu và tính thanh khoản khá trầm trọng. Khi bong bong bất động sản vỡ tung thì các vấn đề này sẽ lũy tiến gấp chục lần. Tuy nhiên, hình như từ chánh phủ đến tư nhân không ai nắm rõ con số nợ xấu thực sự của các ngân hàng thương mại, công và tư.

Ông Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) vừa tuyên bố là nợ xấu chiếm khoảng 10% dư nợ thì vài ngày sau đó, thống kê của NHNN đưa ra chỉ là 4.6% . Trong khi đó, Fitch Rating ước tính con số 13% chưa cộng vào nợ xấu từ các doanh nghiệp nhà nước (chỉ Vinashin và Vinalines đã tổng cộng đến 6 tỷ USD). Một tư liệu của một ngân hàng tư nhân cho một ước tính không kiểm chứng được là 27%. Vì số dư nợ tuyên bố là 2 triệu 580 ngàn tỷ (khoảng 123 tỷ USD) nên xê xích 1% cũng khác nhau 25 ngàn tỷ. Thêm vào đó, mọi người vẫn bó tay về số nợ xấu thực sự cùa các xí nghiệp nhà nước và của ngân hàng nhà nước ngoài hệ thống (như VDB).

Tuy nhiên, vấn đề không phải là con số lớn đến thế nào, mà vấn đề là biểu tượng nguy hiểm từ sự mù mờ. Một là các giới thẩm quyền “không biết” chứng tỏ một yếu kém khủng khiếp về cách quản lý rủi ro của hệ thống. Hai là “biết mà dấu” đồng nghĩa với một thói quen không thể chấp nhận được theo kỷ cương của thị trường tài chánh quốc tế. Bác sĩ nào cũng có thể kê đơn thuốc nhưng việc cho thuốc bậy vì các chỉ số khi thử máu khi bị ngụy tạo hay sai lầm, mang theo hệ quả chết người.
2. Những ống loa không cần thiết

Các nhà đầu tư bài bản của thị trường chứng khoán thường rất lo ngại về hiện tượng “thổi giá để tháo chạy” (pump and dump). Khi mọi người nhận rõ là công ty đang gặp khó khăn mà các nhà quản lý thi nhau lạc quan vô lối và cổ võ cho cổ phiếu; thì kết quả của các chiêu PR này thường là đi ngược với dự định thổi giá” của họ.

Một quản lý quỹ ở Shanghai đã đầu tư khoảng 18 triệu vào Việt Nam cho biết ông đang tìm cách thoái vốn khi đọc các tin PR của các quan chức Việt khuyên dân mua bất động sản hay phán là nền kinh tế đang hồi phục manh mẽ.

Mỗi người mỗi tính, nhưng cá nhân tôi không bao giờ mua một món hàng mà người bán quá hào hứng, quá nhanh nhẩu, quá cố gắng…kiểu Sơn Đông mải võ. Lý do tôi không dùng thuốc Tàu vì tờ quảng cáo trên hộp thuốc luôn bảo đảm là thuốc này trị cả trăm thứ bệnh, từ bệnh trĩ đến bệnh đau đầu.
3. Im lặng trước những tin đồn:

Năm 1982, món hàng bán chạy nhất của hãng dược Johnson và Johnson là Tylenol bị đồn là bị bọn khủng bố bơm thuốc độc (chỉ vài chai thuốc trị giá chưa đến 10 đô la). Trong vài giờ đồng hồ, người CEO xác nhận tin đồn, thâu hồi tất cả hàng trên thị trường, xin lỗi công chúng và công ty phải chịu lỗ hơn 170 triệu đô la cho sự cố này. Bất cứ một công ty nào ở Âu Mỹ, lớn hay nhỏ, công cộng hay tư hữu, đều phản ứng rất nhanh lẹ trước những tin đồn ảnh hưởng đến sản phẩm, khách hàng, họat động hay ban quản lý của công ty.

Gần đây trên mạng Internet, rất nhiều tin đồn gây sốc được lan tỏa rộng rãi. Các tin này còn được phổ biến bằng Anh ngữ đến các nhà đầu tư ngoại có làm ăn với Việt Nam. Theo kỷ cương quốc tế, nhà hữu trách và các cá nhân bị nêu đích danh trong ngành ngân hàng nên tổ chức họp báo để nêu ra các sai lầm và bằng chứng ngụy tạo của các tin dồn này. Tuy nhiên, tất cả đều im lặng ngay cả khi nhận các câu hỏi từ báo giới hay các cổ đông.

Sự im lặng này mang những thông điệp rất bất lợi cho sự phân tích khoa học và chính xác về hiện tình kinh tế.
4. Bình cũ rượu cũ

Khi thực hiện đổi mới cách đây 25 năm, Việt Nam được kỳ vọng là con rồng mới của Á Châu dựa trên cá tính năng động của doanh nhân Việt. Các chuyên gia tài chánh thế giới tiên đoán một tương lai tốt đẹp và các nhà đầu tư ngoại hăng hái đổ tiền vào Việt Nam. Kết quả tài chánh có lẽ đã làm thất vọng nhiều người, nhưng vấn đề chưa thành nghiêm trọng nếu nền kinh tế tiếp tục sáng tạo, đổi mới, trung thực và minh bạch. Các nhà đầu tư ngoại vẫn có thể kiên nhẫn đợi chờ.

Tuy nhiên, thói quen làm ăn dựa trên quan hệ và ân huệ từ chánh phủ của doanh nhân, bộ máy hành chánh càng ngày càng quan liêu và nặng nề, lối quản lý liều lĩnh chụp giật từ tư duy OPM (tiền người khác) đã làm thui chột mọi thiện chí. Kinh tế Trung Quốc vẫn có thể hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại vì thị trường 1.3 tỷ dân và hệ thống cung cấp phụ kiện tiện lợi. Việt Nam không có sức hút này.

Theo góc nhìn và trải nghiệm của tôi, kinh tế Việt Nam đang hứng chịu nhiều vấn nạn gồm hệ thống ngân hàng, bong bóng tài sản, giá trị bản tệ, tình hình suy phát, doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu hành chánh, kỷ cương đạo đức…Các chuyên gia hiện đã tốn rất nhiều thì giờ để mổ xẻ và đưa ra nhiều toa thuốc khác nhau. Tuy nhiên, đây là những vấn đề nhỏ, có thể giải quyết được với ý chí và thời gian.

Hai vấn đề lớn hơn mà không ai nói đến là tư duy làm ăn của doanh nhân và niềm tin của các thành phần kinh tế với nhau. Tôi cho rằng Việt nam không thể phát triển bền vững và mạnh mẽ trong sự cạnh tranh toàn cầu nếu doanh nhân còn dựa vào sự ban phát (có điều kiện) của chánh phủ. Và khi không ai tin ai trong các giao dịch qua lời nói cũng như hành động, nội và ngoại, công và tư, thì mọi thủ thuật phù phép để lừa bịp đều là dụng cụ thiết yếu.

Nền kinh tế thị trường đặt cơ sở trên niềm tin. Khi niềm tin không còn, tôi nghĩ nền kinh tế chỉ huy và bao cấp có thể thích hợp hơn cho xã hội. Chúng ta không cần thuốc men gì cho một con bệnh đã tuyệt vọng.

Alan Phan

T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Cấm đái bậy - Alan Phan

Cái hành động nhỏ nhặt nhanh chóng tạo nên một tư duy mới và nhiều kế hoạch bổ sung khác tiếp tục nối đuôi. Càng “làm” nhiều, càng khiến chúng trở thành thói quen hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.

Con rắn không thay được da phải chết. Những đầu óc không chịu cởi mở thay đổi sẽ ngừng hoạt động. – Friedrich Nietzsche.

Cách đây vài tháng, một chuyện cười được phổ biến quanh vòng các nhà ngoại giao sống ở Hà Nội và tôi được nghe lại từ một quan chức cao cấp Việt. Một du khách Anh hỏi một hướng dẫn viên du lịch,” Chúng tôi đã đi thăm Vịnh Hạ Long (Ha Long Bay), Vịnh Cam Ranh (Cam Ranh Bay)… Một vịnh khác tôi thấy quảng cáo khắp xứ này, chắc phải hấp dẫn lắm, chúng tôi muốn tới Cam Dai Bay.”

Chúng tôi cười một chút, nhưng tôi không biết nghe xong, ông có thấy chút hổ thẹn. Một dấu ấn có thể nhiều hơn các biểu ngữ vinh danh tổ quốc, anh hùng, thành tích…lại là ba chữ đơn giản, “cấm đái bậy”.


Tại New York vào thập niên 1970′s, lối quản trị hành chính của các thị trưởng phe khuynh tả đảng Dân Chủ như Lindsay, Koch…khiến tỷ lệ tội ác công cộng như trộm cướp, giết người, mại dâm…tăng mạnh. Khu Times Square (Công Trường Thời Đại) nổi danh không còn bóng du khách vì đây là trung tâm ổ chứa các tệ nạn về đêm. Kinh tế khủng hoảng, ngân sách lãng phí với các chương trình mị dân. Các ông thị trưởng “siêu tiến bộ” này, cho rằng phần lớn tội phạm là những dân da đen nghèo khó, phải cứu giúp và giáo dục thay vì trừng phạt. Người giàu chạy trốn khỏi thành phố, vì thuế lợi tức và kinh doanh lên rất cao và tội ác càng ngày càng gia tăng, khiến cho ngân sách càng thêm hao hụt.

Kết quả là New York gần tuyên bố phá sản vào năm 1975, phải nộp đơn xin chính phủ liên bang cứu viện và Tổng Thống Ford trả lới với câu nói bất hủ,” Drop Dead” (Chết cho rồi).

Cử tri quay bầu cho đảng Cộng Hòa và thị trưởng Rudy Giuliani hứa sẽ quét sạch mọi rác rưởi cho xã hội. Chương trình của ông bắt đầu bằng một bước rất nhỏ: dẹp sạch bọn lau cửa kính xe hơi.

Khoảng 10 năm trước đó, các trẻ em nghèo New York nghĩ ra một cách kiếm tiền lẻ khá công hiệu. Tại vài ngã tư nơi hay xẩy ra nạn kẹt xe, các em xin tài xế cho lau chùi kính xe để đổi lấy một hai đô la tiền “tip”. Phần lớn không ai từ chối lời mời dễ thương này từ các khuôn mặt ngây thơ và cũng vì số tiền quá bé.

Thấy các em làm ăn được, bọn tội phạm nhẩy vào kinh doanh theo bình diện lớn. Các tay đầu gấu được trải khắp thành phố tại mọi ngã tư và gần như đòi tiền mãi lộ mọi tài xế. Trước khi tài xế có dịp phản ứng, chúng xịt loại thuốc chùi nhiều bọt xà phòng xóa hẳn tầm nhìn. Bạn nào không trả 5 đô la (hay hơn nữa cho các siêu xe) phải tự leo xuống lau chùi cửa kính, gây nạn kẹt xe khủng khiếp. Bạn nào phàn nàn có thể bị ăn đòn tại chỗ hay xe bị cào xấy trướt. Chính quyền không can thiệp vì đây là nhóm cử tri “nghèo” cần được xã hội giúp đỡ.

Guiliano diệt trừ bọn “lau kính xe” không nhân nhượng. Chỉ trong 3 ngày khi ông nhậm chức, New York không còn bóng dáng một tên lau kính xe nào, kể cả trẻ em. Đây là một thông điệp ngắn gọn và hữu hiệu. “Chúng tôi không chấp nhận một tệ nạn xã hội nào, dù nhỏ nhoi.” Một thông điệp không hề loan truyền qua các mạng truyền thông hay biểu ngữ, mà bằng “hành động” thực tế, dứt khoát và nhanh chóng. Khỏi cần phải nói thêm là sau đó, New York trở lại với vị trí “Ông Hoàng của các thành phố Mỹ”. Kinh doanh bộc phát tạo thanh khoản cho ngân sách, tội phạm đi xuống vì pháp luật nghiêm khắc, người giàu và du khách nườm nượt quay lại… tất cả vì New York lại trở nên một vùng đất lành, nơi đáng sống.

Cách đây 20 năm, sức khỏe của tôi cũng suy sụp tệ hại. Như nhiều đứa trẻ khác ở Việt Nam, thói quen đánh răng của tôi từ giáo dục gia đình và xã hội là một lần vào buổi sáng khi thức dậy. Khi gặp người đẹp hay dự các buổi họp quan trọng, tôi nhai thêm miếng “gum” bạc hà cho thơm miệng. Cho đến một ngày khi tôi đọc một bài viết là vi khuẩn trong răng thực sự là nguồn gốc của mọi loại bệnh tật, kể cả bệnh tim mạch. Sống hơn 40 năm, chẳng bác sĩ nào nói với tôi điều này.

Từ hôm đó, tôi luôn luôn đánh răng sau mỗi lần ăn, dù ăn nhiều hay ít. Thói quen nhỏ nhặt này cải thiện sức khỏe tôi thấy rõ. Từ bước đầu đơn giản đó, tôi bắt đầu chú ý đến các kiến thức về sức khỏe nhiều hơn, từ cách ăn uống rau củ, tập thể dục đến cách tập thở và ngồi thiền. Tôi hãnh diện mà nói, 20 năm nay, tôi ít bệnh hoạn hơn 40 năm trước đó.

Cái hành động nhỏ nhặt nhanh chóng tạo nên một tư duy mới và nhiều kế hoạch bổ sung khác tiếp tục nối đuôi. Càng “làm” nhiều, càng khiến chúng trở thành thói quen hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.

Môi trường vệ sinh ở Singapore có thể coi là sạch nhất thế giới. Tất cả bắt đầu bằng một lệnh cấm khạc nhổ, vất rác bừa bãi…nơi công cộng của chính quyền Lý Quang Diệu vào năm 1968. Người dân Singapore đã tập thói quen này khi biết rằng cảnh sát Singapore rất quyết liệt trong việc thực thi luật này (phạt đến 100 đô la Sing khi vất tàn thuốc bậy). Cũng gốc người Tàu, nhưng dân Singapore hành xử khác hẳn người Tàu Trung Quốc, dù nơi công cộng hay chốn riêng tư.

Nguồn gốc của văn minh và văn hóa của một cá nhân hay một dân tộc bắt đầu từ những quyết định nhỏ nhặt và đơn giản. Nhiều bạn hỏi nếu tôi “được” tư vấn các nhà lãnh đạo thì tôi sẽ khuyên họ làm gì? (thực tình, ngày mà tôi được mời tư vấn thì ngày đó chắc là ngày sau cùng của trận Thế Chiến Thứ Ba). Tuy nhiên, nếu chuyện khó tin này hiện thực, tôi sẽ nói là các bác hãy ra một lệnh trong ngày đầu tiên nhậm chức là ” tên nào đái bậy hay xả rác bậy sẽ bị nhốt 3 ngày tù”. Và nghiêm chỉnh thực thi luật pháp không nhân nhượng, dù người vi phạm là vợ chồng hay con cháu yêu quý của các bác.

Khi bỏ tù những tên đái bậy trên đất đai đường phố, người dân sẽ hiểu là các bác cũng sẵn sàng bỏ tù những tên đái bậy trên nền kinh tế và tài chính xứ này.

Bài đã đăng trên tuanvietnam
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chính của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

BLoc says:
July 17, 2012 at 10:40 am


Hành xử của trẻ con, giới trẻ và người lớn.

Trưa thứ sáu tuần trước, trời Đà Nẵng nóng chan chan mọi người ra đường đều trùm kính từ đầu cho đến chân, nhất là các chị em, chạy xe thì phóng vù vù cố sao vào được nơi im mát càng nhan càng tốt, chắc vì sợ đen. Tại ngã tư đại lộ Ngô Quyền, hai em nhỏ khoảng chừng học lớp 6 lớp 7, đầu trần đang chở nhau trên chiếc xe đạp cà tàng, cố vượt điểm giao cắt. Tôi đạp phanh nhường đường, nhưng sau tôi một cô nàng đang phóng chiếc SH vừa nhấn ga vừa bóp còi lao thẳng vào hai em … cũng may cô ta thắng kịp! Thay vì hét lên như người lớn thường làm và tuôn ra nhưng câu chửi rủa, hai em lại nói “chị ởi, tắc đèn xe kìa” !!!

Hôm thứ bảy vừa rồi tôi phải ra Huế để thăm người nhà mổ tim, nghe đủ mọi thứ chuyện y đức xuống cấp, vô cảm, phi lý đến mức không thể tin được. Một phóng viên trẻ cố nài chị tôi cho phỏng vấn để viết bài về một “quy trình” mổ tim. Chị tôi chỉ nói: em viết bài là để mọi người đọc biết, hiểu, cảm thông với nổi khổ của bệnh nhân và những bất công, phi lý của quy trình này thì hay hơn, những người có điều kiện như gia đình chị đã rải đủ “phong bì” nên không đúng điều em cần viết đâu. Theo chị em nên đến phỏng vấn những trường hợp bất hạnh đầy ra đó, chỉ vì không có một vài triệu mà phải ngậm ngùi đưa người nhà về “ăn qua ngày và sống chờ ngày…” đó mới là thực tại của “quy trình” này. Phóng viễn trẻ đã khóc nức nỡ…

Chúa nhật hôm sau, tôi vào lại Đà Nẵng bằng tàu, vì là tàu nhanh nên dừng ở ga Huế ít phút thôi, mọi người chen nhau vì sợ trễ tàu, người xuống chưa xuống hết thì người lên đã chen lên !!! (không hiểu sao tàu có 4 cửa mà nhân viên chỉ mở một cửa ?!) Tôi đứng sau quan sát, một bà tóc bạc chắc trên 60 tuổi đi một mình hai tay mang hành lý nặng. Bậc cấp lên tàu rất cao, thanh niên cũng phải bám vào tay vịn mới có thể bước lên được (lại là một “tuyệt kỹ chất lượng cao” về sự phục vụ của ngành đường sắt). 4 thanh niên 2 trai 2 gái vẫn vô tư đứng nhìn, một “thanh niên” tóc bạc chừng trên 50 tuổi “chen vào” giúp bà ấy đưa hành lý và bước lên tàu! Sau này “thanh niên” đó còn giúp xách gạo xuống tàu ra sân ga, cho một em sinh viên bị gãy tay nhưng phải mang gạo từ quê vào để ăn học.

Nhân nói chuyện cái vịnh “Cam Dai Bay” và chuyện hành xử với rác. Con trai tôi từ nhỏ đã cương quyết không có tolet thì không chịu làm chuyện ấy, nên tôi cũng “khổ” phải xin nhà dân. Hiện nay cả hai đứa đều xem thùng rác di động trung chuyển của mình là túi áo hay xách tay, cặp táp. Nhiều người thân quen gia đình chúng tôi cũng có thói quen không giống ai đó. Nhưng cũng có người thường xem sau lưng mình là một thùng rác, cứ vô tư liện mọi thứ thải ra qua vai, ngay cả khi có thùng rác ở trước mắt vẫn không dùng!

Những “ông nhỏ” như chúng tôi và các bạn thì thường cố gắm tuân thủ pháp luật, luật lệ, thuần phong mỹ tục vì biết mình yếu sức, yếu thế. Chỉ biết nói, than vãn, chê trách những bất công, cố sửa sai những cái không thuộc vai trò của mình có thể can thiệp. Còn những “ông lớn” thường hành xử ngoài luật vì mình là kẻ mạnh, đáng ra chịu khổ cực để đem lại những điều tốt đẹp như lời hứa, thì lại tranh dành hưởng các tiện nghi, tốt đẹp và tệ hơn có số thích làm những điều hại cho đời thì mới thấy vui chăng.

Thật khó gây dựng lòng tin với người, khi mình không sống theo những điều mình tin. Và càng tệ hại nếu đó chỉ là những điều mình chỉ rêu rao!

Tịnh Tâm says:
July 18, 2012 at 11:30 am


- Bị lấn đường thoát chết mà vẫn cố giúp người sắp hại mình – Vô tư chỉ có ở trẻ nhỏ !
- Y đức xuống cấp vì lương không đủ hay chưa đủ giàu ?
- Tâm nhà báo thức tỉnh rơi lệ, ngộ ra chức trách của người viết là bỏ danh ảo mà theo thực.
- Tuổi trẻ vô cảm vì đang được giáo dục và sống trong thực tại xã hội ganh đua gian dối. Chưa nhận sự giúp đỡ từ ai thì làm sao biết giúp người!
- Những ý thức giữ vệ sinh chung, tự trọng, giúp đời nay chẳn còn ai quan tâm! Chỉ còn rơi rớt ở một số người tuổi xế chiều.
Những câu chuyện thực của bác rất có ý nghĩa để nhắc cháu nhìn lại mình trước khi chỉ trích người, cám ơn bác.